Một, hai, ba...
Thằng cha bán kẹo què giò,
Còn một giò đi kéo xe lôi...
Một, hai, ba...
Tiếng
lũ trẻ ngoài lộ vang lên ồn ào lẫn tiếng vỗ tay từng chập. Linh đang
ngồi học bài, nghe tiếng la chế giễu của lũ trẻ, vội quăng tập xuống
bàn, chạy vụt ra ngoài. Lũ trẻ đang quây quần chung quanh một người tàn
tật, cụt hết một chân, đang khập khễnh trên đôi nạng. Linh chạy ra mỉm
cười nhìn chú Đức - người tàn tật - đã không chút thương hại, nó còn vỗ
tay reo cười với chúng. Chú Đức đi vào nhà lúc lâu, lũ trẻ mới hết reo
hò. Những lúc đó, chú Đức chỉ biết nhìn lũ trẻ như van lơn, rồi thở dài,
tấm thân của chú hình như nặng thêm theo từng bước. Chú Đức là con chú
bác với ba Linh.
Trước
kia gia đình chú vào hạng khá giả ở Mỹ Tho, nhưng vì giặc giã vợ chồng
chú tản cư xuống một làng nhỏ ở Bến Tre. Sau đó chú từ biệt vợ và thằng
Dũng, con chú lúc đó được ba tuổi, lên đường chống giặc. Khi trở về chú
trở thành thương binh cụt mất một chân và vợ con cũng đã thất lạc nơi
nào.
Từ
đó chú Đức với tấm thân tàn tật, trôi nổi khắp nơi mong gặp vợ hiền,
con dại. Không gặp được vợ con, chú bèn dừng chân trong một ngôi nhà
nhỏ, cô độc sống với nghề bán thuốc lá lẻ ở góc đường. Một ngày nọ, ba
của Linh gặp chú, hiểu rõ tình cảnh đáng thương đó, ba Linh liền mời chú
về ở chung với gia đình mình, mặc dầu nhà ông cũng không lấy gì làm
sung túc. Ngày đầu tiên gặp chú, Linh ghét chú ngay. Vì cái chân cụt,
chú đi đứng khó nhọc, phải tựa lên đôi nạng, nên khi bước vào cổng gặp
chỗ đất trũng, đôi nạng mất thăng bằng làm chú ngã xuống đất. Lũ trẻ
hàng xóm đang tò mò nhìn chú bỗng thấy chú té, chúng cười ồ lên. Linh
cũng cất tiếng cười theo. Má của Linh bèn kéo nó xuống nhà sau đánh cho
một trận về tội vô phép. Linh cho rằng vì chú Đức, nên nó mới bị đòn và
để tâm ghét chú.
Mỗi
sáng chú Đức theo má Linh ra chợ phụ bán hàng vải với bà, đến chiều mới
về. Lũ trẻ hễ thấy chú là chạy theo chế nhạo inh ỏi, trong đó có cả
Linh. Còn tệ hơn nữa, khi ba đi đâu vắng nhà, Linh còn lén lấy đôi nạng
của chú giấu đi một chỗ làm chú phải năn nỉ nó thật lâu, nó mới đem trả.
Chú Đức vì tánh hiền từ nên chẳng bao giờ mách với ba má. Thấy vậy,
Linh càng làm tới.
Ba
Linh sau nhiều năm làm lụng mệt nhọc nên nhuốm bệnh đau phổi. Đến nay
vì nghèo không tiền thang thuốc, sợ để lâu trở nặng nên hồi chiều, má
của Linh năn nỉ người hàng xóm mượn được hai ngàn đồng để ba Linh trị
bệnh. Khuya nay, cả nhà đang an giấc, bỗng Linh giật mình nghe tiếng
hét:
- Trộm! Trộm! Anh chị ơi! Vặn đèn lên!
Linh hoảng hốt ngồi bật dậy. Ba má Linh tuôn chạy ra ngoài. Bỗng Linh nghe tiếng kêu thất thanh:
- Trời ơi! Chết...
Rồi
im bặt và đèn bật sáng lên. Linh chạy ra thấy ba nó đang ôm một người
chặt cứng, má nó đỡ chú Đức, nằm dưới đất, máu ở đầu chảy ra linh láng.
Cửa trước ai mở ra tự lúc nào, hàng xóm tụ lại đông đảo. Chú Đức phều
phào nói:
-
Tôi đang ngủ, bỗng thức giấc vì có tiếng chân của ai đi. Tôi giật mình
hỏi "Ai đó?" nó không trả lời. Nghi là kẻ gian nên tôi phóng xuống
giường ôm chặt nó và la lên. Vì muốn tẩu thoát nên nó với lấy cây gài
cửa đập lên đầu tôi!
Mọi
người bàn tán xôn xao. Ba Linh nhờ một người kêu cảnh sát lại. Má Linh
lấy khăn chùi bớt máu cho chú Đức để chở chú đi nhà thương. Chỉ có Linh
là ngồi xớ rớ dưới đất nhìn chú Đức. Chú Đức nói:
-
Kìa cháu Linh! Cháu lượm tiền đây lên đếm coi còn đủ 2000 không? Mai để
mua thuốc cho ba cháu. Hồi nãy nó văng tung tóe, má cháu mới gom lại
đó!
Nghe
chú Đức nói, Linh thấy một nỗi xúc động lớn lao dâng trong lòng. Ôi!
Một người hiền lành, tử tế như chú Đức mà Linh nỡ chế nhạo và có những
hành động tồi tệ như vậy sao? Linh vội nắm tay chú khẽ nói:
- Chú có đau lắm không? Để con chạy ra kêu xe chở chú đi nhà thương nhé!
Nói xong, nó chạy vụt ra ngoài. Đây là lần đầu tiên, nó nói được một câu dịu dàng với chú Đức.
Nhờ
có tai nạn đó, Linh mới hiểu và yêu thương chú Đức. Sau khi ra khỏi nhà
thương, hai chú cháu rất trìu mến, quấn quít với nhau luôn. Chú Đức
thường kể lại quãng đời chinh chiến và trôi nổi của chú cho Linh nghe.
Những lúc chú nhắc lại những kỷ niệm gia đình đầm ấm cũ, chú thường thở
dài vuốt tóc Linh mà bảo:
- Thằng Dũng con chú, nếu nó còn sống thì cũng cỡ cháu! Chẳng biết mẹ con nó giờ nầy ra sao? Còn sống hay đã chết?
Linh gợi chuyện hỏi:
- Chắc là em Dũng ngoan lắm hả chú?
-
Phải! Nó dễ thương lắm cháu à! Nhưng bây giờ chú không còn nhớ rõ mặt
nó nữa. Chú chỉ nhớ hai gò má phúng phính hồng hào của nó và cái nốt
ruồi ở giữa má trái nó mà thôi.
Rồi
chú lại yên lặng hàng giờ, tâm hồn để tận đâu đâu... Chắc chú nhớ đến
vợ con và buồn cho tấm thân tàn tật của mình. Thấy chú yên lặng mãi,
Linh không dám hỏi nữa, làng ra chỗ khác. Từ lúc biết thương chú Đức đến
giờ, hễ thấy chú buồn là lòng nó không yên. Tội nghiệp chú Đức quá! Lúc
rày, Linh không bao giờ làm phật ý chú, nó đem những chuyện vui ra kể
cho chú nghe, mong chú bớt buồn khổ.
Một
ngày nọ, trên chuyến xe bus ra chợ Bến Thành, đang chen lấn với hành
khách thì Linh bỗng giật mình, khi gặp một đứa bé bằng tuổi nó, có một
nốt ruồi ở giữa má trái. Tiếng chú Đức vang lên đâu đây: "Con của chú có
một nốt ruồi ở giữa má trái", làm Linh tưởng tượng đó là con chú Đức.
Khi ra đến chợ, hành khách chen nhau xuống, đứa bé đó nhảy xuống trước
rồi lẫn vào đám đông mất dạng... Linh bị hình ảnh thằng bé đó ám ảnh
suốt buổi chiều, đến khi gặp chú Đức, nó vội kể cho chú nghe. Ánh mắt
chú hình như sáng lên nhưng rồi chú bảo:
- Cháu à! Thiếu gì đứa có nốt ruồi ở má, chớ đâu phải có một mình thằng Dũng của chú đâu!
Linh vội nói:
- Nhưng sao con thấy nghi nghi cái gì ấy! Nè, nó cũng bằng một cỡ với con nè, nhất là nó có cái nốt ruồi đó nữa! Vả lại...
Chú Đức vội cắt ngang:
- Linh nè! Thí dụ đứa bé đó là con chú rồi làm sao con nhận ra nó được?
- Con sẽ hỏi tên nó!
Chú Đức gật gù:
- Ờ! Phải đấy, nếu nó là Dũng thì có thể đúng! Nhưng mà ở cái Sàigòn rộng lớn nầy làm sao cháu có thề gặp lại nó lần thứ hai?
Linh nói giọng quả quyết:
- Con tin là con sẽ gặp nó lại vì khi con để ý thì thế nào cũng gặp!
Chú Đức mỉm cười. Linh đã gieo vào lòng chú một hy vọng mà từ bấy lâu nay, nguồn hy vọng ấy hầu như sắp tắt.
Lời
quả quyết của Linh lại thành sự thật. Một chiều, Linh thơ thẩn chơi
trong một công viên thì đứa bé đó lại xuất hiện. Linh run lên như sắp có
chuyện quan hệ xẩy ra. Linh định làm quen với nó, nhưng Linh không biết
mở miệng ra sao. Linh bèn ngồi nhìn nó mãi. Một lúc sau, đứa bé ấy tiến
ra cửa công viên. Linh hoảng hốt bật dậy như lò xo. Chẳng lẽ để nó đi
mất như lần trước sao? Linh bèn lò dò đi theo đứa bé định tìm cơ hội để
làm quen. Qua một con đường rồi một con đường nữa, thế mà Linh không sao
nói được. Đứa bé đó có đôi lần quay lại nhìn Linh nhưng chắc nó cho
Linh là kẻ đi dường nên không để ý. Băng qua một đại lộ, hai đại lộ, đứa
bé ấy vẫn thấy Linh đi phía sau mãi. Biết có người đi theo, nó trở nên
lúng túng, chân bước không được tự nhiên nữa. Hết đại lộ đó, thấy Linh
vẫn lẽo đẽo theo mình, đứa bé như sợ hãi, mặt tái đi, nó quay mặt lại và
run giọng hỏi:
- Làm gì mà anh cứ đi theo tôi hoài vậy?
Linh lúng túng đáp:
- Tôi... tôi... định hỏi anh một chuyện...
Đứa bé sẵng giọng hỏi:
- Chuyện gì? Sao anh không hỏi? Lại đi theo tôi?
Linh càng bối rối hơn:
-
Tôi... có một người chú bị lạc mất vợ và con... nay thấy anh giống như
hình dáng chú tôi tả của con chú nên tôi tưởng anh là...
Đứa bé cắt ngang:
-
Sao anh tưởng lạ vậy? Thiếu gì đứa bé giống nhau! Nhưng tôi cũng nói
cho anh biết là tôi không phải con của chú anh đâu. Ba tôi đã chết lâu
rồi, còn đâu mà lạc! Vậy anh đừng đi theo tôi nữa nhé!
Nói xong, đứa bé ấy bước đi rất mau. Linh ngơ ngẩn nhìn theo rồi bỗng kêu giật lại:
- Kìa anh! Anh ơi!
Đứa bé cau mặt quay lại hỏi:
- Anh còn muốn gì nữa?
- Tôi xin lỗi anh! Xin anh cho biết tên của anh!
- Tôi à! Tôi tên là Thới! Nguyễn Châu Thới!
Nghe
xong, Linh bàng hoàng. Thôi đúng là không phải rồi! Linh lí nhí cám ơn
rồi quay lại đường cũ. Linh trở về nhà thì cả nhà đang ăn cơm. Linh chạy
đến bên chú Đức, khẽ nói:
- Chú! Chú ơi! Con gặp lại đứa bé hôm trước, nhưng...
Chú Đức vội buông đũa xuống, hấp tấp hỏi:
- Sao? Con gặp nó à? Con có hỏi tên nó không?
Mặt
chú bừng lên rạng rỡ, giọng nói tràn đầy hy vọng. Linh cảm thương chú
quá! Biết là lời nói mình sắp thốt ra đây sẽ làm cho chú Đức tắt nguồn
hy vọng, do chính Linh nhen nhúm lại trong lòng chú mấy tuần nay, Linh
vội nắm tay chú Đức:
- Chú! Xin chú đừng buồn...
- Kìa! Không phải nó ư? Không phải Dũng sao?
Mặt chú hình như già nua thêm. Linh xúc động:
- Chú ơi! Nó tên là Thới, chú à! Xin chú tha lỗi cho con, con đã làm chú buồn...
Nước mắt tràn ra khóe mắt lăn dài trên má chú Đức, nhưng chú vội chùi khô rồi cất giọng tự nhiên bảo:
-
Không! Cháu có làm gì đâu mà xin lỗi! Thôi, vào lấy chén đũa ra ăn cơm
chớ Linh. À, mà từ đây về sau, cháu đừng bao giờ nhắc đến con của chú
nữa nhé! Thôi, chú kể như nó đã chết rồi!
Ba má Linh biết chú Đức đang đau khổ lắm nên nháy Linh đi chỗ khác. Linh lẳng lặng ra phía sau, nghẹn ngào:
- Chú Đức! Tội nghiệp chú quá!
Từ đó về sau, Linh không bao giờ dám nhắc đến vợ con chú Đức nữa.
*
Linh
thi đậu vào lớp đệ thất trường công. Ngay ngày khai giảng, Linh bắt gặp
đứa bé hôm trước - Thằng Thới - học chung lớp với mình. Thấy Thới là
Linh nhớ ngay vì cái nốt ruổi của nó và cũng vì cái hình dáng Linh phải
để ý tìm kiếm mấy tháng trước. Nhưng Thới đã quên hẳn Linh. Gặp Thới
nhưng Linh không nói cho chú Đức biết vì sợ chú Đức nhớ chuyện cũ mà
buồn. Thới và Linh học chung với nhau đã mấy tháng, chúng nó thật là hai
đứa xuất sắc nhất trong lớp. Nếu Linh không đứng đầu lớp thì Thới,
không có đứa nào chiếm được địa vị đó. Nhưng Thới là một đứa trẻ hay
ganh , hễ Linh đứng thứ hai thì không sao, nhưng nếu Linh đứng thứ nhất
thì nó ghét ra mặt. Vì vậy, tuy học chung một lớp mà Thới và Linh cũng
không quen nhau lắm, tháng này Thới đứng đầu lớp. Sau khi phát hạng cho
mỗi đứa, nó nhìn Linh một cách tự đắc. Giờ tập thể dục bắt đầu. Tất cả
học sinh trong lớp đều ra sân trường, Linh và Thới đều ra cửa một lúc,
mấy đứa học trò đi phía sau bỗng lấn mạnh làm Linh đụng Thới té nhủi
xuống đất. Thới lật đật đứng dậy, đỏ mặt. Nó giận lắm, mặc dầu biết lỗi
ấy không phải do Linh gây ra nó cũng vung tay tát mạnh vào má Linh. Bị
một cái tát đau điếng, Linh chụp lấy tay Thới, định gây lại thì tiếng
còi thầy gọi học sinh sắp hàng nổi lên. Suốt buổi hôm đó, Linh và Thới
đều giận ngầm với nhau lắm. Tiếng chuông rung lên, báo hiệu giờ tan học.
Học trò các lớp ùa ra đông nghẹt. Linh ôm cặp băng qua một đại lộ để về
nhà. Bỗng nó thấy ba, bốn thằng con trai vây đánh một đứa. Đến gần,
Linh ngạc nhiên xiết bao, thấy đứa bị đánh là Thới. Thới bị ba đứa kia
tấn công dữ dội. Không chút ngần ngại, Linh quăng cặp xuống, nhảy vào
đánh với Thới. Sau một lúc ẩu đả, vì Thới có Linh nên đánh lại rất hăng,
vả lại Linh rất mạnh, lũ trẻ bị thua ùa chạy mất dạng vào một ngõ hẻm.
Thới bị đánh bầm cả mặt mày. Linh chỉ xây xát chút đỉnh. Thới đau quá
nhưng cũng bẽn lẽn quay lại:
- Cám ơn...
Thới ấp úng nói câu nầy vì nó nhớ đến cử chỉ hồi nãy với Linh. Linh không để ý câu đó mà hỏi:
- Sao tụi nó xúm đánh Thới vậy?
- Thới cũng không biết nữa! Mấy lần đi ngang đây, chúng lườm Thới hoài...
Linh hỏi, giọng dịu dàng:
- Thới có đau lắm không? Để Linh ôm cặp đưa Thới về nhé! Tụi nó thấy Thời đi một mình, không chừng chúng trở lại nữa à!...
Thới cảm động quá, xiết chặt tay bạn, nói:
- Cám ơn Linh! Linh có lòng tốt với Thới quá!
Rồi trên đường về nhà mình, Thới thân mật hỏi:
- Linh à! Khi mới gặp nhau lần đầu, Thới thấy Linh hình như quen quen...
Nhưng Linh chối ngay:
- Chắc Thới lầm đấy, hôm đó Linh mới gặp Thới lần đầu đó!
Về đến nhà Thới, Linh đã thấy một người đàn bà đứng trước cửa đợi Thới, la lên:
- Sao hôm nay con về trễ thế? Kìa, sao mặt mày con thế kia?
Thới bèn kể lại câu chuyện bị đánh rồi chỉ Linh:
- Nhờ có anh Linh bênh vực con, nếu không con quị luôn vì tụi nó rồi.
Mẹ
Thới bèn quay lại cám ơn Linh rối rít. Bà lấy dầu xoa bóp chỗ đau cho
hai đứa rồi lấy dao gọt trái cây cho hai đứa ăn. Nhà Thới là một tiệm
bán quần áo trẻ con hạng trung. Má Thới nhìn Linh hỏi:
- Nhà cháu ở gần đây không? Ba má cũng mạnh hả cháu?
Linh đáp:
- Thưa, nhà con ở trong chợ quận lận, ba má con vẫn mạnh.
Má Thới bỗng rưng rưng nước mắt:
- Chỉ tội nghiệp cho thằng Thới sớm mất cha từ lúc lên ba tuổi.
Bà lấy khăn chùi nước mắt, rồi chỉ ảnh trên bàn thờ ở phía trong nói:
- Đấy, ba em Thới đó cháu à!
Linh nhìn tấm ảnh bỗng la "trời" rồi buông rơi trái xoài xuống đất, mắt vẫn nhìn tấm ảnh. Má Thới hoảng hốt hỏi:
- Kìa Linh! Cháu sao vậy?
Linh buông ra mấy tiếng:
- Trời ơi!... Chú Đức... hình ảnh chú Đức...
Má Thới sửng sốt:
- Kìa! Cháu biết ba của thằng Thới ư? Làm sao cháu biết?
Thì
ra tấm ảnh trên bàn thờ đó chính là anh của chú Đức! Qua mấy giây bàng
hoàng kinh ngạc, thấy mẹ con Thới đều trố mắt nhìn mình, Linh nói:
- Không! Ba Thới không chết. Ba của Thới hiện giờ đang ở nhà Linh!
Má Thới cãi:
- Không, ba nó đã chết ngoài mặt trận rồi mà!
Linh nói, giọng sôi nổi:
- Không! Không! Chú Đức chỉ bị thương mà không chết! Chú bị mất một chân thôi!
Rồi
Linh kể lại cuộc đời của chú Đức, từ lúc chú ra trận bị thương đến nay,
cho mẹ con Thới nghe. Mẹ con Thới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác! Khi nghe lúc chú Đức đã cụt chân rồi mà vẫn còn xuôi ngược nhiều
nơi để tìm kiếm mẹ con mình, má Thới òa khóc nức nở. Thới cũng khóc
theo.
Linh hỏi:
- Thưa thím... con có điều thắc mắc này: Tại sao Dũng đổi tên là Thới?
-
Cháu thắc mắc cũng phải. Khi ba nó còn ở nhà thì nó tên Dũng, nhưng sau
này vì mẹ con thím chạy loạn nhiều nơi, làm mất khai sinh của nó. Khi
làm lại, thím đặt tên nó là Châu Thới, đó là tên một làng nhỏ, để kỷ
niệm nơi mà ba nó từ giã mẹ con thím ra đi. Ít lâu sau, thím nghe tin ba
nó chết, đau khổ quá, thím lên đây buôn bán nuôi con, mấy năm nay mới
được cửa tiệm này.
Linh cười:
- Chỉ vì sự đổi tên đó mà chú thím đến ngay hôm nay mới gặp lại nhau!
Rồi Linh kể những chuyện gặp Thới trên xe bus, ở công viên, cho mẹ con Thới hiểu rõ hơn.
Sau đó, mẹ con Thới hối Linh dẫn họ trở lại nhà.
Lúc Linh về, cả nhà đang ăn cơm. Chú Đức hỏi:
- Sao cháu về trễ vậy, ủa ai vào đó Linh?
Linh nói:
- Con về trễ để cho chú một tin vui mừng, thím Đức và em Dũng đây!
Ai nấy đều quay lại nhìn mẹ con Thới. Chú Đức buông rơi cái chén xuống đất bể cái xoảng la lên:
- Trời! Mình!
Hai
vợ chồng chú Đức nhìn nhau trân trối. Sau đó, thím Đức chạy lại ôm lấy
chồng khóc nức nở. Linh thấy Thới đứng ngơ ngác thì chỉ chú Đức mà bảo:
- Em đến mừng ba đi, ba em đó!
Thới
đến bên ba, rồi cả ba người cùng khóc. Ba má Linh và Linh cười sung
sướng. Qua phút xúc động, Linh kể rõ câu chuyện gặp vợ con chú Đức cho
chú Đức nghe. Ba má Linh nói:
- Nhờ Trời, gia đình chú đã được sum họp!
Chú Đức kéo Linh lại, xiết chặt vào lòng:
- Và cũng là nhờ cháu Linh yêu quí nữa, anh chị ạ!
Chú Đức lại cười, nụ cười rạng rỡ làm bừng sáng khuôn mặt chú, trong lúc Linh Thới nắm chặt tay nhau.
TRANG VÂN
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đôi Bạn")
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.