Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

MÓN QUÀ ĐẦU NĂM - Trung sĩ Hạnh

 

Mưa lất phất bay. Trời rét... Vài tràng pháo nổ rời rạc đó đây như cố phá tan cái lạnh lẽo của buổi sáng đầu năm.

Chi choàng thức dậy. Năm mới rồi đây! Cẩn thận! Tốt hay xấu bắt đầu từ buổi sáng này! Những ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí óc rất nhanh và có sức mạnh đốt nóng cơ thể. Chi vội nhảy xuống giường, đến lấy chiếc áo dài mà cô Chi vừa mới may cho. Từ tối qua, Chi đã định rằng sáng nay mặc áo "mở hàng". Chi ngắm chiếc áo một hồi và long trọng mặc áo vào.

- À khai bút đầu năm cái đã.

Chi vội đến bàn, giở ngay mấy bài tập toán thầy ra để làm trong dịp Tết rồi căm cụi suy nghĩ. Chi muốn làm một việc đặc biệt, khai bút bằng cách giải một bài toán hình học. Trong lớp Đệ Ngũ, Chi chưa phải là xuất sắc nhất về môn hình, nhưng riêng trong đám nữ sinh thì Chi là "number one".

Chi làm xong trọn vẹn cả hai bài và cẩn thận chép vào tập. Chi cảm thấy vui, hơn cả cái vui áo mới, vái vui nghỉ Tết, thành ra chần chứ muốn làm thêm vài bài nữa nếu không có Hương, em Chi, vào gọi ra ăn sáng.

Bên ngoài trời lấm tấm mưa, không khí lạnh lẽo như những ngày giữa đông. Phải chăng cái Tết chỉ còn trong ý tưởng của con người mà thôi? Khi sang phòng khách, Chi bỗng thấy một thay đổi lớn. Phòng khách như sáng lên rực rỡ. Chiếc khăn bàn mới, bình hoa huệ trắng, khay bánh mứt và hạt dưa đỏ mà cô Chi dọn sẵn, hai chậu cúc vàng trước thềm.

Hương tỏ vẻ thích thú lắm. Nó bận xong bộ đồ mới, khoe với Chi mấy tờ bạc, rồi chạy đến mở to máy thu thanh đang ca bài Mừng Xuân. Nó vui đến no thành không thiết ăn uống gì cả. Ăn sáng xong, cô Chi đi lễ chùa. Chi phụ trách việc giữ nhà.

Bây giờ ngoài đường đã đông người qua lại. Quang cảnh trông kém tấp nập bằng những ngày trước nhưng có vẻ tươi sáng hơn. Bọn trẻ chạy tung tăng theo sau cha mẹ trong những bộ quần áo mới rực rỡ. Những cô gái trạc tuổi Chi cũng lộ vẻ duyên dáng trong chiếc áo dài màu phết gót, ngây thơ dưới chiếc nón bài thơ trắng ngà, dắt tay bọn trẻ em nhỏ đang muốn vùng ra để được chạy tự do hơn. Gia đình này rồi gia đình khác, người ta dẫn nhau về nội, về ngoại họp mặt trong những gia đình rộng rãi, ấm cúng hơn.

Tự nhiên Chi lại nhớ đến hoàn cảnh mình. Gia đình chi ngày trước cũng khá êm ấm. Cha Chi làm dược sĩ mở tiệm thuốc ở Hà Nội. Bỗng một hôm, ông bị Tây bắt, tra tấn năm bảy lượt. Đến khi được trả về thì ông lâm bệnh ho lao rồi mất. Ngày đau buồn ấy qua chín năm rồi. Hồi ấy, Chi còn nhỏ, nên bây giờ chỉ nhớ lại lờ mờ trong một giấc mơ tê tái. Rồi ba năm sau, anh em Chi lại bị một cái tang đau đớn nữa: Mẹ Chi mất vì bị máy bay bắn. Chi không làm sao quên được cái hôm ấy. Bốn chiếc máy bay tàn ác lổng lộn rú lên, bắn từng tràng liên thanh khủng khiếp như tiếng khạc lửa của hung thần. Rồi thì mẹ Chi gục ngã, máu thấm ướt đỏ vạt áo trước ngực. Chi thấy mặt mẹ tái xanh, hàm răng cắn chặt, đôi mắt đen láy trợn trừng lên như uất ức phải lìa bỏ đàn con thơ dại. Đưa đến nhà thương thì mẹ Chi tắt thở. Đám tang mẹ Chi cũng đưa trong một ngày mưa lất phất và lạnh như hôm nay. Mưa và nước mắt lăn dài...

Có cái gì nong nóng lăn xuống má. Chi vội đưa tay lên chùi, thì ra Chi đã khóc. Đến bây giờ, 2 cái tang đau đớn ấy không làm Chi nức nở thành tiếng như những năm về trước, nhưng bên trong lòng, Chi thấy đau hơn. Cũng như một hôm nào, thầy ra đề luận: "HÃY THUẬT LẠI MỘT CHUYỆN MÀ EM ĐÃ LÀM MẸ EM ĐAU LÒNG" Trời ơi! Chi đã ngồi im lặng nửa giờ mà không viết được hàng nào và thấy các chữ của đề bài nhòa đi, nhòa đi... Ngay chị bạn ngồi cạnh cũng chẳng hay biết chút nào.
 
Rồi từ sau ngày di cư, anh em Chi được những người bạn quen của ba xưa giới thiệu vào viện Bảo Anh. Anh Chi và các em xin đi học thêm văn hóa, còn Chi thì đi học may. Chi muốn sớm có một nghề để giúp đỡ anh em. Đời và chiến tranh tàn bạo đã biến cô bé mười lăm tuổi thành một người thực tiễn. Trong 2 năm ở viện Bảo Anh, anh em Chi đều vào gia đình Hướng Đạo và rất chăm lo rèn tập. Sáng chủ nhật nào, Chi cũng đi họp và chi đã trở nên một hướng đạo sinh gương mẫu. Ai có biết đâu một cô bé mồ côi đã tìm thấy ở gia đình Hướng Đạo cái thân ái tin yêu của gia đình mình. Chi xem các anh, chị huynh trưởng như chú, như cô để vơi nhẹ nỗi đau khổ cảnh côi cút của mình.

Trong những ngày sinh hoạt hướng đạo, Chi được quen biết với cô đoàn trưởng - Cô lại là một giáo sư, tận tụy với nghề lâu năm - Tuổi cô cùng tuổi với mẹ Chi và hiện cô cũng sống đơn thân trong một căn phòng trong trường - Luống tuổi cô không còn nghĩ đến đường chồng con, và nguyện lấy trường học và gia đình hướng đạo để làm gia đình mình - Ban đầu, cô dạy Chi về cách nấu nướng, học gút v.v... rồi dần dà cô tìm hiểu gia cảnh của Chi - Trong một buổi tối, tại nhà cô, Chi đã thuật lại cuộc đời đau buồn của mình - Đêm ấy, Chi đã khóc nức nở như một đứa bé con trên vai cô. Và cô cũng mủi lòng.

Rồi hôm sau, người ta thấy hai chị em Chi dọn đến ở với cô - Một gia đình mới được xây dựng trong sự êm ấm, thương yêu nhau như bao gia đình khác...

Dòng ký ức trên lần diễn ra trong trí Chi. Bỗng có tiếng guốc của em Hương đi vào. Chi gọi nó lại gần, sửa lại cổ áo len nó cho ngay ngắn, lật từng trang báo Tuổi Hoa số Xuân để 2 chị em cùng xem. Hương ngạc nhiên vì thường ngày Chi ít nựng nó như thế. Một lát, Hương xin phép đi ra chơi với mấy đứa bạn hàng xóm. 

Tiếng pháo nổ đì đạch xa gần...

Đã gần chín giờ rồi. Chi bỗng nhớ đến bức tranh vải đang thêu dở. Nếu không phải làm kín đáo sau giờ học khuya thì có lẽ Chi đã hoàn thành rồi. Bây giờ hẳn là lúc nên tiếp tục. Chi đóng cửa phòng khách rồi vào bàn học, chăm chú làm việc. Những đường chỉ xanh hồng chạy trên tấm vải popeline trắng theo từng nét bút chì vạch sẵn.

Còn một nét vẽ cuối cùng. Chi thấy tay mình run run và mũi kim cứ đâm chệch ra ngoài, nôn nao mãi, lâu lắm mới xong. Chi đặt bức tranh thêu vào lồng gương rồi treo lên tường. Sau tấm gương trong suốt, bức thêu càng tăng thêm vẻ đẹp. Chi say sưa ngắm nhìn bức tranh. Đây là ảnh một thiếu phụ đầu chít khăn vuông vải, áo thô cứng còn nét gãy đang quỳ trước một lò hương cầu nguyện. Mặt cô bé quỳ cạnh nhìn xuống, trầm tư, thoang thoáng nét buồn. Bên trong đôi mắt hột nhãn đen láy có những lời nguyện cầu tỏa rộng ở góc ảnh, bên ngoài gương có dán một mảnh giấy trắng che lấy một giòng chữ. Bí mật. Lát nữa Chi sẽ đọc trước ai những giòng chữ ấy?

Đã gần trưa, trời bớt lạnh...

Cô đã đi lễ chùa về. Vào đến cổng, nom thấy Hương đang chơi với mấy đứa bé láng giềng, cô dừng lại. Bọn trẻ thường ngày thương mến và xem cô như cô ruột chúng, vội chạy đến vây quanh. Chúng reo lên:

- Chào cô năm mới.

Cô xoa đầu từng đứa một, âu yếm cười với chúng. Cô mời tất cả:

- Nào các em vào nhà cô chơi với cô đi!

Rồi cô dắt tay Hương đi vào, bọn trẻ vui vẻ theo sau. Chi đứng trong nhà nhìn ra. Cái hình ảnh cô cúi xuống để nắm tay Hương, giây lại giây ngoảnh ra sau nom chừng bọn trẻ, Chi tưởng chừng như thấy nhiều lần rồi. Ngày xưa mẹ Chi còn sống, mẹ đã chẳng dắt Chi như vậy sao. Một người mẹ. Phải một người mẹ dắt một đàn con đi vào nhà. Người mẹ ấy đã thương các anh em Chi như chính mẹ đẻ ra. Không có gì khác biệt. Máu huyết đâu phải là yếu tố duy nhất cho người ta yêu thương nhau!

Cô đã vào nhà. Cô dọn, bày bánh mứt ra và tha hồ cho bọn trẻ đánh chén. Một lát sau, đàn khách tý hon ra về...

Chi đứng trong phòng học, đợi từ nãy, lòng nao nức lạ. Chi rón rén bước đến bên cô, tấm ảnh thêu giấu mặt về phía mình. Nhìn thấy vẻ bối rối của Chi cô hỏi:

- Con có gì mà kín đáo thế? Cho cô xem nào!

Chi ấp úng một lát:

- Thưa... Đây là món quà đầu năm của con. Con xin kính tặng...

Giọng Chi nghẹn lại, Chi không nói được tiếng cuối cùng. Chi cúi mặt xuống bàn, im lặng bên cô. Cô đỡ lấy tấm ảnh thêu, gỡ mảnh giấy trắng và chậm rãi đọc giòng chữ:

"KÍNH TẶNG MẸ"

Kính tặng mẹ! Cô đã hiểu qua giòng chữ ấy, Chi muốn nói gì. Lòng cô sung sướng lạ. Tay cô vuốt ve đầu tóc Chi trong lúc Chi có cảm giác như mình đang được vuốt ve bởi chính bàn tay của mẹ mình ngày xưa.


Trung sĩ Hạnh       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)


Không có nhận xét nào: