Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

MỘT LẦN TẾT - Hoàn Long


Mới 25 Tết bố đã về rồi. Mọi năm ít nhất phải 29 hay 30. Hôm đó trời mưa lất phất và gió rét cóng da. Mẹ và bé Mai đang lo chùi lại cái sập sơn màu gụ đã loang lổ. Bố về thật bất ngờ. Lúc mẹ và bé ngửng lên thì bố đã đứng giữa nhà, tay bố xách một túi vải nâu. Tất cả đều như ngừng lại. Rồi mẹ đưa tay áo lên chùi mắt và nói:

- Mình về sớm thế. Mọi năm mãi 30 Tết mới về cơ mà.

Rồi bé Mai chạy lại ôm lấy bố. Rồi bố bế Mai và hỏi chuyện mẹ.

Bộ quần áo của bố đã bạc màu và đã vá vài ba miếng. Cả cái tay nải cũng thế. Mai rời khỏi lòng bố, xách cái túi vải lên.

- Nhẹ quá bố nhỉ. Thế chắc bố chả mua quà cho con.

- Để mai bố đi chợ bố mua quà Tết cho. Ở mỏ than, có ai bán gì mà bảo bố mua.

Bây giờ thì mới thật là sửa soạn ăn Tết. Có bố về là vui ngay. Mẹ vẫn chả bảo là hai mẹ con lo dọn dẹp chờ bố về ăn Tết là gì. Mẹ ngập những sung sướng, tràn những nụ cười. Bé cũng thế. Có bố về vui thật. Bố vừa chùi lại bộ lư đồng vừa cười vang nhà:

- Nhà mình chỉ còn có mỗi bộ lư này là đáng giá nhỉ, mình nhỉ.

Mẹ cười cười rồi nói:

- Tết này, mình còn cây đào đầy hoa nữa chứ. Đẹp nhất làng đấy. Khối người hỏi mua mà tôi chả bán.

Rồi bố gói bánh chưng. Rồi bố dắt hai mẹ con đi chợ tỉnh sắm Tết. Mẹ mua được cái khăn vuông đen, một đôi guốc mộc. Còn bé, bố mua cho một bộ quần áo bà ba trắng và một cái ví nhỏ. Bố bảo để Tết đựng tiền mừng tuổi.

Bánh chưng vớt ra từ hôm 27. Bố bảo mẹ ngâm xuống ao để ăn cho ngon. Mai được phần một cái bánh dậm, ăn nóng, ngon ơi là ngon. Ăn xong, bé chạy sang nhà hàng xóm khoe với tụi cái Tý, cái Loan, thằng Xin, thằng Út làm tụi nó thèm rỏ rãi. Tại nhà tụi nó bây giờ mới đang rửa lá chuối mà. Mới 27 mà đã thấy Tết rồi. Bố dắt bé đi thăm các nhà hàng xóm. Nhà nào cũng đang sắm sửa ăn Tết. Có nhà chặt hai cây mía về dựng ở bàn thờ nữa. Ông Bá hỏi thăm bố về công việc làm ở mỏ than. Chú Từ rủ bố ăn đụng lợn. Toàn là chuyện Tết thôi à. Bé nghe người lớn nói đến cả chuyện Tây về làng. Áng chừng như đấy cũng là chuyện Tết nữa.

*

Tình hình xem ra không yên, chẳng hiểu có an lành cho qua khỏi Tết hay không. Thà về làng cho xong. Phu phen ai cũng nơm nớp lo sợ. Ở mỏ than hình như chả ai muốn làm việc nữa.

Ông Hợi bỏ sở, bỏ lại những người cai quá quắt, những bụi than đen đúa, những không khí ngạt thở, những bọn thợ khắc khổ để về với làng nước, với vợ con. Gia tài chỉ thu gọn trong cái tay nải vải nâu. Ông có cảm tưởng như lần này về là chẳng bao giờ trở lại mỏ nữa.

Bạn bè tiễn ông đi bằng chén rượu nhạt, bằng những nụ cười gượng gạo. Họ đã nói với ông: "Bác về trước, bọn tôi làm gắng vài ngày nữa rồi cũng về".

Chuyến tàu buồn như tiếng còi lui ở sân ga. Tiếng máy xình xịch nặng nề đến khó chịu. Các chặng kiểm soát gắt gao. Những người lính tây mặt đỏ gay lục lọi từng tí một.

Mắt cay cay khi nhìn thấy cổng làng. Hàng rào tre bao quanh vẫn xanh xanh lả ngọn. Những mái lá hình như cũ hơn, những con đường hình như nhỏ hơn. Chả có gì thay đổi cả. Vẫn ruộng lúa vườn rau. Vẫn những mái tranh nghèo dầu dãi nắng mưa. Vẫn gió lạnh thổi cóng chân tay. Vẫn mưa lất phất.

Nhà ta đây rồi. Chả hiểu mẹ con nó đang làm gì. Có tiền mà sắm Tết không. Loạn lạc sắp đến nơi rồi. Cầu giời cho giặc đừng chạm đến làng mình.

À. Mẹ con nó có cả ở nhà. Hình như đang quét dọn nhà cửa ăn Tết thì phải.

Bây giờ thì nước mắt ông Hợi trào ra thật. Vợ mình đây. Con mình đây, đang sửa soạn để đón mình về ăn Tết. Họ đang nói chuyện về mình. Rồi cả hai mẹ con ngửng nhìn. Vợ mình sung sướng đến trào nước mắt. Con Mai đây. Con mình lớn thế rồi sao.

Bây giờ phải sắm Tết rồi ra sao thì ra. Ông Hợi nở nụ cười. Bà Hợi nở nụ cười. Và bé Mai chạy đến ôm chầm lấy ông, hít hà mùi hơi người từ bộ quần áo nâu bạc mầu. Tóc con ta mềm và đen ghê. Con gái bố nhớn thật. Quà ư? Mai bố dắt con đi chợ sắm Tết mà. Vợ ta đây. Mình vẫn còn khóc như trẻ con được ư. Mình già hơn ta tưởng. Chắc là làm việc cực khổ lắm. Chứ còn phải nói gì nữa. Lương của ta gửi về thấm vào đâu. Không làm lấy gì đủ sống. Và câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề ăn Tết. Ông Hợi quên hết những lo âu khi còn ở mỏ than, khi vừa từ giã bạn bè. Xung quanh ông ngập tràn hạnh phúc.

Chiều 30 Tết. Ông Hợi sửa soạn vớt bánh chưng ngâm ở dưới ao lên. Bà Hợi đang cùng bé Mai làm thịt con gà trống thiến để sửa soạn cúng giao thừa. Bỗng mọi người giật mình. Tiếng đại bác nổ vang rền ở cuối làng. Mọi người ngơ ngác. Ông Hợi cảm thấy nỗi lo sợ của mình giờ đã trở thành sự thật. Tiếng huyên náo ở cuối làng chuyền dần khắp thôn xóm. Tiếng đại bác vẫn nổ ầm ầm xen lẫn tiếng súng nhỏ. Rồi hàng đoàn người ào ạt chạy. Tiếng gọi nhau. Tiếng kêu thét. Tiếng khóc trẻ con, tiếng gào người lớn. Tiếng kêu của gia súc. Thật là hỗn loạn. Tang tóc bắt đầu ập đến với dân làng.

- Mình ơi! Giặc Tây về rồi. Chạy đi thôi.

Ông Hợi vơ vội cái tay nải bạc màu. Bà Hợi mặt xanh như tàu lá, đứng nhìn chết trân con gà đang làm thịt dở. Bé Mai ngơ ngác, ôm chặt lấy bố.

Rồi họ nhập vào làn sóng người đang chen nhau chạy loạn. Tiếng kêu khóc vang giời. Đoàn người kéo nhau chạy đến giữa cánh đồng. Họ rủ nhau chạy sang làng bên cạnh. Tiếng đại bác hình như đuổi theo họ. Nhìn về phía làng đã thấy khói bốc mù mịt. Hình như Tây đốt làng. Họ lại càng khóc to. Họ gào thét. Họ kêu giời.

Một tiếng nổ chát chúa. Trời đất tối đen. Ông Hợi dang hai tay như muốn níu chặt lấy hai người thân. Ông cảm thấy xung quanh ông ngập nước ; hơi thở khó khăn. Ông cố gắng ngồi dậy. Ông chẳng còn nghe gì nữa. Mình ơi! Con ơi! Ông lóp ngóp bò lên khỏi ruộng bùn, giơ tay vuốt mặt. Bé Mai nằm ngay cạnh ông đang khóc thét. Ông ôm lấy nó, giơ tay chùi bùn ở khắp mặt mũi chân tay. Trời ơi! Vợ ông nằm kia, mặt mũi thân thể bê bết máu lẫn lộn với bùn. Ông nhào tới. Mình ơi! Ông ôm vợ vào lòng. Bà Hợi cố mở mắt nhìn ông, nhìn con. Máu ở mép trào ra. Hai giọt nước mắt trào ra rửa bớt bùn trên khuôn mặt. Hai tay bà cố gắng ôm chặt lấy cánh tay của ông đang cố gắng chùi cho sạch bớt bùn đất trên mặt mũi của bà. Bà Hợi se sẽ lắc đầu, môi bà mấp máy như định nói gì. Bà nấc lên, rướn người rồi ngoẹo đầu sang một bên. Ông Hợi khóc rú lên. Mình ơi! Bé Mai gào lên. Mẹ ơi!

Đoàn người tiếp tục chạy. Xung quanh vợ chồng con cái ông, tiếng khóc than vang trời. Những thây người, những máu me, những bùn đất. Ông vẫn ôm chặt lấy xác vợ, cố gắng chùi cho sạch đất bùn bám trên mặt vợ hiền. Máu vẫn chảy trên thân thể mềm nhão của người vợ.

Lính Tây đã thấp thoáng ở cổng làng. Tiếng đạn véo trên đầu. Tiếng đại bác nổ rền hơn. Người làng chạy qua đã thưa lắm. Họ chạy gần hết rồi. Ông Hợi nhìn vợ nằm yên trong lòng mình, nhìn con đang thất thần bên cạnh. Ông kéo xác vợ vào bờ ruộng. Quỳ xuống. Ông nấc lên, nước mắt tuôn ra, tuôn ra. Ông cúi lạy vợ hai lạy. Con ơi, lạy mẹ con đi, lạy đi. Mẹ con chết rồi mà. Cha không thể chôn mẹ con được rồi. Mình ơi. Thật thảm thiết quá mình ơi. Anh không thể vùi xác của mình dưới ba tấc đất. Còn con chúng ta. Con chúng ta kia kìa mình. Mình tha lỗi cho anh nghe mình. Trời cao đất dày ơi! Mình ơi! Con ơi! Các ông lính Tây ơi!

Người đàn ông bê bết bùn đất từ đầu đến chân thất thểu bước. Trên lưng, đứa con gái cũng lấm không kém cha, gục đầu trên vai bố. Mắt nó nhìn vào quãng không. Bùn đã khô trên đầu, trên tóc, trên quần áo hai bố con. Nước mắt người cha vẫn chảy tiếp tục rửa dần khốn khổ trên khuôn mặt. Ông nhìn về phía trước. Có gì trước mắt cho ông nhìn không? Bờ tre xanh lả ngọn. Mái tranh nghèo. Người vợ hiền vừa gục chết. Bộ lư đồng. Cây đào bích. Con gà đang làm thịt dở. Bánh chưng sửa soạn vớt dưới ao lên. Những lính Tây. Những kinh hoàng.

Đoàn người vẫn tiếp tục di chuyển. Hai bố con vẫn tiếp tục cõng nhau đi. Tiếng súng đại bác vẫn vọng lại ì ầm. Không hiểu làng bên giặc có về không? Chắc là lính Tây không biết ăn Tết. Mình ơi! Con ơi!


HOÀN LONG    




(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/2018/02/mot-lan-tet.html

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

XUÂN NƯƠNG - Nguyên Ly














 
gửi bạn hiền

Xin ngủ yên hạnh phúc
Về khi mới chớm Xuân
Tặng nhau bông Thúy cúc
Tặng hết cả tình thân

Một đêm bừng mắt dậy
Thấy Em thành Xuân Nương
Một chút tình yêu dấu
Phảng phất mấy mùi hương

Tình như mùa Đông cũ
Tình như thoáng gió thơm
Xuân Nương bàn tay nhỏ
Đuổi xô hạnh phúc buồn

Em như Tiên bị đọa
Ta mở cửa Thiên đường
Xuân Nương bờ môi thắm
Hồn nhẹ nhánh tình thương

Xin đừng như giấc ngủ
Em muôn đời hát ru
Hạnh phúc về muôn thuở
Xuân Nương còn thiên thu...

                                 NGUYÊN LY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần, 1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

CHỢ TẾT - Nguyễn Thế Chiêu


Chẳng hiểu sao mấy ngày nay nhà bé cứ rộn rịp hẳn lên, mẹ và chị Hồng làm mứt, bánh bận rộn hoài chả có thì giờ chơi bày hàng với bé nữa. Buồn quá, mà bé cũng không hiểu tại sao, một mình bán hàng chán bỏ xừ. Bé cáu kỉnh đá luôn vào hông Ki Ki làm chú chỏ oẳng oẳng mấy cái rồi chạy vào nhà. Bé thơ thẩn đi dạo trong vườn, những cây cúc, mai đã hé nụ hay nở rực. A! Bé nhơ nhớ ra rồi, để xem nào, hàng năm cứ đến kỳ này là cúc nở. Tức quá, nghĩ hoài không ra, chợt bé giật mình:

- Cháu của ông làm gì mà bày đồ chơi bừa bãi ngoài sân thế?

- A, ông.

Bé chạy lại ôm ông thủ thỉ:

- Ông ơi, sắp đến ngày gì rồi vậy ông?

Ông hiền từ vuốt râu cười:

- Cháu hay quên quá đi thôi. S8áp đến Tết rồi đấy.

- A, Tết.

Bé vội vàng tụt khỏi lòng ông, cầm tay ông kéo vào nhà. Ông lật đật nói:

- Chết, chạy gì mà vội thế cháu?

Bé reo:

- Mẹ ơi, Tết đến rồi.

Nhắc đến Tết là bé thấy sướng ghê. Lòng bé rộn lên một sự hồi hộp, chờ đợi. Bé chờ đợi... đủ thứ! Căn nhà hôm ấy chắc sẽ sáng choang, được quét vôi, sơn một lượt mới, bàn ghế được lau chùi sạch bóng và nhất là xích đu của bé sẽ được sửa chữa như mới. Bé sẽ được mặc áo mới này, đi theo mẹ này, ăn bánh kẹo và cả mứt nữa này, thích ghê đi. Nhưng chắc một điều là bé sẽ khoái tiền lì xì hơn cả (lẽ dĩ nhiên!). Những tờ năm, mười đồng mới tinh, thơm phức, cầm mát cả tay. Bé phải nhắc mẹ mua ví mới để đựng mí được, ai lại bỏ tiền mới vào cái ví "bẩn thỉu", "rách nát" bao giờ. Chỉ nghĩ đến lúc cầm ví "kim tuyến" dầy cộm những tiền là bé đủ sướng rồi. À mà quên, mồng một phải dậy thực là sớm để cùng ông... uống nước chè Tầu ngắm hoa nở nữa chứ. Thế nào ông cũng kể dăm ba câu chuyện cổ tích cho coi.

Ông đi chậm quá (!), bé bỏ tay ông và chạy vụt vào bếp. Mẹ và chị Hồng vẫn luôn tay làm mứt, bé xán lại đập đập vào vai mẹ:

- Mẹ! Mẹ!

Mẹ bực mình gắt:

- Con chó con này phá mẹ mãi, xê ra.

Giá như ngày thường bé đã òa ra khóc rồi đấy, nước mắt cá sấu mà lị. Nhưng hôm nay "ngoại lệ" nên bé vẫn tươi như hoa, nũng nịu:

- Tết đến rồi mẹ ơi.

- Tết đâu mà Tết, còn cả tháng nữa cơ mà.

Bé cũng chẳng vừa:

- Thế sao mẹ làm mứt? Mẹ dối con đấy nhé, ông bảo còn vài ngày nữa thôi.

Mẹ nhìn ông:

- Cậu chỉ thế thôi, làm cháu nó "hư" quá càng mệt con nữa.

Ông cười. Quay sang bé, mẹ nói:

- Ừ thì Tết. Có chuyện gì đấy con?

- Mẹ dẫn con đi chợ Tết nhé mẹ!

- Ừ thì đi, nhưng mai vậy, hôm nay mẹ bận.

Thế là bé tung tăng chạy lên nhà:

- Mai mẹ cho bé đi chợ Tết nè, anh Tâm phải ở nhà ê.

Cu Tâm vội vàng ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp réo:

- Ơ, mẹ cho con đi nữa nhé mẹ?

- Ừ, cả nhà đi hết, hét quá mẹ điếc tay bây giờ.

Cu cậu nhảy cỡn, khoe với bé:

- Mẹ cũng cho Tâm đi nữa nè.

Mẹ và chị Hồng chỉ nhìn theo bóng hai đứa cãi nhau mà cười khó hiểu.

*

Bé được toại nguyện rồi. "Đi chợ Tết", ba tiếng nghe êm tai làm sao, dù rằng nó đã quen với bé từ năm ngoái lận. Chiều nay, bé mới dám mở tủ sờ đến cái váy đầm "quí giá". Anh cu Tâm cũng vậy, có bộ cao bồi vác ra lí le hoài. Anh lại còn nói đi nói lại với bé những thứ cần mua để nhắc mẹ, riết rồi bé thuộc luôn. Có lẽ anh là con trai nên chỉ khoái có cái phi cơ trực thăng bay được của Thụy Sĩ còn bé thì chọn mua ví với búp bê biết nói (bé tham quá nhỉ?). Chứ con gái ai lại chơi phi cơ bao giờ, người ta cười chết (!).

Cơm nước đâu vào đấy rồi, cả nhà lăng xăng "đi chợ Tết". Nhất là cu Tâm và bé, cứ... nhộn cả lên. Hết giành nhau đi cạnh mẹ lại đến tranh nhau xách giỏ. Bố tức quá giao hẹn:

- Đứa nào xách giỏ phải xách luôn đi nhé.

Hai đứa vẫn không "sờn lòng" giành giựt nhau mãi, rốt cuộc sau khi đánh tù tì Tâm được phần xách giỏ. Bé bị thua buồn ra mặt, nhưng được đi cạnh mẹ nên cũng đỡ phần nào...

*

Bố phải đậu xe ở chợ Cũ, rồi cả nhà xuống đi bộ đến chợ. Bé kéo mãi mà mẹ chả chịu đi mau cứ đủng đỉnh vừa đi vừa nói chuyện với bố. Tức mình bé định bỏ sang đi với chị Hồng nhưng lại sợ anh Tâm chạy đến đi cạnh mẹ nên thôi. Chợ Tết năm nay đẹp lạ! Bé cứ ngẩn ngơ ra trước cảnh tưng bừng ấy. Bây giờ mẹ lại phải kéo bé đi kẻo bé như là chôn chân trước đầu chợ. Người người đông như kiến, kẻ thì mua kẹo, người mua mứt... loạn xà ngầu cả lên. Nắm chặt tay mẹ bé len lỏi giữa rừng người ấy. Mẹ đi mau quá chẳng kịp ngắm gì cả, chả bù với lúc nãy kéo mãi mẹ cũng không đi. Nhất là bố nữa, đi cứ như bay, theo kịp bố cũng mệt.

Qua hàng mứt. Mẹ mua hai ký mứt bí, ba ký mứt gừng, một ký rưỡi mứt hạt sen v.v... bé và anh Tâm tha hồ ăn vụng sướng mồm. Rất may là chẳng ai thấy hết...

Dưa hấu bày thành từng đống cao bằng đầu người. Có lẽ đây là nơi ít người dừng chân lại nhất, mẹ cũng nói:

- Để gần Tết mua cho nó rẻ.

Bà bán hàng cười:

- Lúc nào chả vậy, làm gì có chuyện mắc với rẻ.

Mua sắm đủ rồi, bố hướng dẫn mọi người sang đường Nguyễn Huệ. Ôi chu choa, sao mà lắm đồ chơi thế, nhìn không chán mắt. Bé và anh Tâm cứ chỉ chỏ cho nhau xem, nào là xe lửa chui hầm, nào là con gấu bông to lớn, phi cơ, tầu thủy đủ thứ, kể ra tha hồ mà mệt. Đến chỗ nào hay là hai đứa sán lại đứng chôn chân ở đấy làm bố mẹ, chị Hồng phải kêu mãi mới chịu dời chân. Hai đứa bắt đầu vòi mẹ mua đồ chơi, cứ lải nhải đến chán tai. Bố thì gạt phắt đi:

- Mua làm gì phí tiền, về ăn mứt cũng đủ rồi.

Mẹ ôn hòa hơn:

- Đắt quá các con ạ, thôi để hôm nào đi mua.

Hai đứa phản đối ngậu xị:

- Không, mua bây giờ cơ, không biết đâu.

Nhờ chị Hồng nói giúp nên mẹ cũng nhượng bộ và mua cho bé một con búp bê tuyệt đẹp, còn anh Tâm được một chiếc tàu bay chạy pin nhưng chưa có pin nên phi cơ chưa dám chạy (!). Hai đứa ngắm nghía mãi hai cái hộp, cãi nhau ỏm tỏi. Đứa nào cũng cho đồ chơi của mình là đẹp là tốt. Đến lúc nhìn quanh thì bố mẹ, chị Hồng đã đi đâu mất rồi, chỉ còn hai đứa lạc lõng giữa đám đông người. Bây giờ mới hoảng lên, hai đứa cuống quá đổ đi tìm. Mồ hôi ướt đẫm, hai khuôn mặt tái xanh tái xám, chúng bắt đầu... mếu!

Đột nhiên hai hộp đồ chơi bị ai hút bay bổng lên trời rồi hai đứa lại sợ quá khóc thét lên, chân tay chới với...

- Dậy đi bé, làm gì mơ hoảng dữ vậy?

Bé thẹn thùng ngồi dậy dụi mắt. Thì ra bé vừa mơ đấy, một giấc mơ vừa đẹp lại vừa hãi hùng. Ngẩng nhìn lịch, bé giật mình khi thấy con số 28 âm lịch to tướng. Nhớ giấc mơ bé mới nhớ ra chiều nay phải nhắc mẹ "đi CHỢ TẾT" mí được.


Nguyễn Thế Chiêu   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

CHIM VIẾNG VƯỜN HOA - Nhã Uyên














Chim đến đây như một loài khách viếng

Vườn hoa xuân tươi muôn sắc muôn hương

Đã lâu rồi chim bay xa  vắng tiếng

Nay trở về trong khúc điệu du dương


Làm sống  dậy bao gió reo chắp cánh

Hoa mỉm cười vui trong ánh thái dương

Sương  trên cỏ là kim cương lấp lánh

Suối trong khe đang róc rách  bên đường


Chim đến đây cho vui lòng hoa cỏ

Lá vươn cao ngay phút đó chợt dừng 

Tiếng chim kêu là thầm thì hơi thở

Của khu vườn đang rất đỗi vui mừng


Nắng lung linh trên sắc hoa nhạt đậm

Cả mùa xuân chào đón  bóng chim sang

Gió thoảng qua cho hồn hoa êm ấm 

Như lời ca khi trở lại chim mang 

                                                Nhã Uyên

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

PHE BỐ PHE MẸ - Nguyễn Thái Hải


Hệt như một tình trạng chung trong các lớp học, cô giáo thường cưng học trò trai, thầy giáo cưng học trò gái ; gia đình Dung cũng thế : Con gái về phe bố, con trai về phe mẹ.
 
Phe bố có vẻ yếu một tí. Chẳng phải vì bố có chân trong hội “nể vợ” – nhiều lần, bố đã dùng cái quyền gia trưởng mà đàn áp mẹ tơi bời – Nhưng phe bố yếu vì nhà chỉ có hai đứa con gái : Dung và con Chi. Lực lượng phe mẹ quả là hùng hậu : có những bốn ông con trai theo phò. Anh Khanh, thằng Duyệt, thằng Liệu, cu Tân. Trong bốn ông tướng trời ấy, Dung chỉ ngán có anh Khanh. Anh chuyên môn về hùa với mẹ đàn áp phe đối lập. Có lẽ nhờ thế mà anh được mẹ cưng, ngày nào đi chợ cũng mua cho quà bánh. Dung hay chế anh : “Lêu lêu mắc cỡ kìa, lớn đầu rồi mà còn vòi quà mẹ”. Những lần đầu, anh còn cãi : “Ai bảo với mầy là tao lớn rồi ? Mày xem cái mặt tao xem, còn ngây thơ trong trắng quá mà”. Và Dung sẽ trả miếng, anh đáp lại, thành một vụ gây hấn nho nhỏ. Nhưng rồi sau, anh phớt tỉnh mỗi khi Dung mở lời trêu chọc làm Dung cụt hứng, tự nhiên không trêu anh nữa.
 
Trong các vụ tranh chấp, phần thắng thường vẫn về phe mẹ. Mới đây, phe mẹ lại thu về một chiến tích vẻ vang. Chả là tại lâu quá không đi xi nê, chị em Dung xin bố cho đi. Xui xẻo làm sao, nhằm cuối tháng, tiền túi của bố vừa cạn, hóa ra muốn đi xi nê thì phải có sự ưng thuận của mẹ, để mẹ xì tiền cho. Bố bày cách thảo một “dự thảo luật” cùng Dung và con Chi ký tên chuyển qua mẹ để lấy biểu quyết. Mẹ đón nhận tờ “dự thảo luật”, trao cho “thư ký quốc hội” là anh Khanh đọc. Anh Khanh to giọng :
 
- Việt Nam Cộng Hòa.
 
Người nhận : mẹ con thằng Khanh.
 
Trích yếu : dự thảo luật về vụ đi xi nê.
 
Xét vì :
 
Lâu quá, chưa đứa nào được đi xi nê.
 
Ti vi dạo này dở quá.
 
Trẻ con cần phải được giải trí, kẻo học quá hóa điên.
 
Nay quyết định : chủ nhật này cả nhà sẽ đi xi nê.
 
Ký tên : Bố, Dung, Chi.
 
Mẹ nghe xong, mặt rồng bừng bừng lửa giận :
 
- A, gớm thật, bố con ông gớm thật. Gì chứ chuyện này thì nhất định là không được…
 
Anh Khanh với giọng nịnh thần :
 
- Mẹ nói đúng đấy, con cũng phản đối vụ này… không không, trăm lần không, ngàn lần không…
 
Bố hỏi anh :
 
- Mày phản đối cái gì ? Nếu có đi, tao có quên cái mặt mày đâu nào…
 
Mẹ lắc đầu :
 
- Nhưng tôi bảo không được là không được. Này nhé : lâu quá không được đi xi nê. Cứ như tôi đây, cả mấy năm trời không bước chân đến cái rạp hát thì đã sao chưa ? Còn cái chuyện ti vi, ừ, cứ cho là ti vi dạo này dở đi, nhưng ai bắt ép bố con ông xem. Chỉ tổ tốn tiền điện. Lại đến cái chuyện học. Đâu nào (mẹ quay sang nhìn Dung và con Chi), đứa nào đâu, đứa nào học quá hóa điên đâu ? Thử đứng ra nhận trước mặt tao xem nào ?
 
Dĩ nhiên là hai đứa con gái của mẹ đứng im thin thít, nhìn bố mà lòng đau như cắt. Bố nài nỉ :
 
- Thế mẹ thằng Khanh nhất định không bằng lòng à ?
 
Mẹ nghinh mặt :
 
- Ừ đấy, tôi không bằng lòng.
 
Bố nổi sùng :
 
- Nhưng tôi bằng lòng…
 
Mẹ không kém, quát to :
 
- Nhưng tôi không bằng lòng…
 
Anh Khanh phải dàn xếp :
 
- Bố mẹ cho con xin. Con đề nghị lấy biểu quyết cho công bằng là xong. Việc gì bố mẹ phải to tiếng…
 
Bố mẹ cùng phải bằng lòng. Và cuộc biểu quyết được diễn ra mau lẹ. Phe đòi đi xi nê chỉ có ba cánh tay : phe bố. Phe phản đối những năm cánh tay : phe mẹ.
 
Bố thở dài, chán nản nói với Dung :
 
- Đành chịu vậy thôi con à, mình thế cô sức yếu…
 
Nhiều lúc, Dung tự nghĩ sao mình không là con trai để được ở phe mẹ, hưởng nhiều quyền lợi. Nhưng nghĩ quanh quẩn, nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy thương bố. Những lần bị “thất trận”, bố chỉ biết bảo với chị em Dung, Chi : “Anh hùng thì phải cô đơn, chịu thiệt thòi. Mình yếu thế nhưng được tiếng anh hùng, hai con ạ”. Và sau đó, ba nụ cười gượng méo mó.
 
Phe mẹ thì luôn luôn có những tiếng cười đùa vui vẻ. Anh Khanh bô bô cái mồm : “Mẹ ơi, cái áo của con bị thằng bạn làm vương giọt mực vào, mẹ tẩy cho con, mẹ nhé.” Mẹ nhìn Dung : “Cái việc cỏn con ấy thì cần gì đến tao, để tao bảo con Dung tẩy cho.” Thằng Duyệt khoe : “Tháng nầy con đứng nhất đấy mẹ.” Mẹ xoa đầu nó : “Ừ rồi tao thưởng cho chầu kem”. Thằng Liệu tả oán : “Hôm nọ con Chi vẽ bậy vào tập con, làm con bị cô giáo mắng quá cỡ”. Mẹ chỉ tay vào mặt con Chi : “Sao mày hư thế hở ? Chi?”.
 
Phe bố với những bất mãn, ngấm ngầm chờ dịp bùng lên, làm một cuộc cách mạng. Một dịp may đưa đến, bố vớ lấy ngay để “nông thôn vùng dậy”. Nhân mẹ gởi bố ít tiền nhờ bố mua vé số, bố lấy luôn bảo Dung đi mua chục quít về ba bố con chia nhau ăn. Bố tính toán : “Cứ ăn xong là ổn hết. Chả lẽ mẹ mày lấy dao moi bụng ba bố con để lấy quít đem trả cho bà hàng, đòi tiền lại à ?” Chị em Dung khoái chí vô cùng, hai đứa cùng khâm phục bố quá cỡ.
 
Nhưng… đáng thương thay cho ba kẻ “anh hùng”, mới vừa ngốn được người một hay hai trái, vô phúc thế nào, một cái hột quít văng ra khỏi cửa phòng học. Thằng Liệu tình cờ trông thấy, bèn nhặt lên, đưa cho anh Khanh khảo sát. Tiếng anh Khanh từ phòng ngoài vang vào làm đứng tim ba kẻ ăn vụng trong phòng học :
 
- Hột quít còn ướt, chứng tỏ nó vừa thoát ly khỏi miệng một người, suy ra nhà có người ăn quít, do đó, việc phải làm là… ới mẹ ơi, lên đây mà xem này, có người ăn quít mà không trình mẹ này…
 
Từ nhà bếp, mẹ hối hả chạy lên. Và phe mẹ ùa vào phòng học, bắt quả tang phe bố đang ăn quít ngon lành. Mẹ chống nạnh :
 
- Gớm thật, bố con ông dám mua quít ăn lén mẹ con tôi nữa ?
 
Dung và con Chi sợ xám mặt. Bố bình tĩnh gỡ gạc :
 
- Ừ, thì bố con tôi ăn đấy, có sao không ?
 
- Có sao không à ? Tôi hỏi ông, ông vừa bảo với tôi tiền túi của ông đã hết, thế ông lấy tiền ở đâu mà mua quít ?
 
Bố tỉnh bơ :
 
- Tôi lấy tiền bà nhờ mua vé số không được sao ?
 
Mẹ ngửa mặt :
 
- Ối giời ! Ông dám cả gan nói với tôi thế à ?
 
- Chứ sao ? Tôi đây can đảm có thừa mà.
 
- Rồi… ông tính sao đây ?
 
- Tính gì ? Bà cứ việc moi bụng bố con tôi ra mà lấy quít…
 
Mẹ run giọng :
 
- Giời ơi…
 
Mặt mẹ xám lại, bờ môi run run. Mẹ tức lắm rồi đấy. Dung biết tính mẹ, hễ tức lên là như thế. Và khi tức quá, thế nào mẹ cũng… khóc. Bố thì hẳn là phải rành hơn ai hết, khôn ngoan vuốt giận :
 
- Ờ nhưng mà mẹ thằng Khanh à, bố con tôi mua quít về đâu phải để ăn một mình… à quên… ba mình… Bố con tôi cũng biết phải quấy lắm đấy chứ. Mẹ thằng Khanh không thấy à ? Đây này, còn đúng năm trái để dành cho năm mẹ con bà đây thôi…
 
Bố thật mồm mép. Dung nhìn xuống đống quít còn lại. Vừa vặn năm trái nằm chơ vơ. Anh Khanh thấy phe mình cũng có phần thì bảo mẹ :
 
- Thôi mẹ ạ, bố đã biết điều thì mẹ cũng vui lòng hỉ xả một phen làm phước, mẹ nhé !
 
Hai tiếng “mẹ nhé” ngọt sớt làm mẹ đổi nét mặt, cười thật tươi. Mẹ chỉ đống quít nói :
 
- Được rồi, lần này tôi tha. Đưa quít đây cho mẹ con tôi.
 
Dung với cõi lòng tan nát đưa năm trái quít cho mẹ. Mẹ chia ngay cho bốn gã nịnh thần mỗi gã một trái, một phần mình. Anh Khanh trổ mòi tham ăn :
 
- Mẹ ơi, hình như mẹ không ăn chua được thì phải. Nếu chua, mẹ cho con mẹ nhé !
 
Lại mẹ nhé ! Mẹ bóc quít bỏ vào miệng một múi, tấm tắc khen :
 
- Con Dung chọn quít đấy hở. Ngọt lắm.
 
Anh Khanh xoay cách khác :
 
- Ngọt thật không mẹ ?
 
Mẹ mắc mưu anh, tách một múi trao cho :
 
- Này, ăn thử thì biết.
 
Ôi ! Phe mẹ hạnh phúc biết là dường nào !
 
Còn phe bố… mãi đến một ngày gần Tết, trời mới nhìn tới mà thương, ban cho một tin mừng. Bố hí hửng khoe với chị em Dung tin bố trúng số được ba ngàn. Con Chi khoái quá hét ầm lên. Bố vội bịt miệng nó lại, bảo :
 
- Này, im ngay. Phải giữ bí mật hoàn toàn mới được. Bộ mày muốn phe mẹ mày biết được để họ đòi chia phần hở ?
 
Con Chi hiểu ra, đưa tay vả vào má một cái tự phạt. Nó hỏi :
 
- Thế ba ngàn bạc bố tính làm gì ?
 
- Tao chưa biết rõ… chị em mày tính thử xem… Nhớ là tính sao thì tính, chỉ tính cho ba bố con mình thôi đấy…
 
Chi đề nghị :
 
- Bố mua vài ký mứt thật ngon…
 
- Đồ ngu. Mua về cho mấy thằng quỉ sứ ăn hở ?
 
- Thế… bố con mình đi nhà hàng…
 
- Cũng không được… nhà hàng lấy đắt lắm…
 
Dung góp ý :
 
- Hay là bố con mình may sắm ít bộ diện Tết ?
 
- Ừ, mày có ý kiến hay đấy… Nhưng mà… ba ngàn bạc, ba bố con thì sắm cho ai, đừng sắm cho ai ?
 
Bàn tính mãi, cuối cùng, đành phải để số tiền trúng số lại một chỗ, sau sẽ hay. Trước khi chấm dứt buổi họp, bố không quên căn dặn đừng đứa nào tiết lộ bí mật cả.
 
Bí mật được giữ một cách tuyệt đối. Tối hôm ấy, mẹ bỗng hỏi :
 
- Này, bố nó này, kỳ vừa rồi ông có mua số không đấy ?
 
Bố cố ra vẻ tỉnh bơ :
 
- Ơ… số gì ? Vé số hở ?... không… Tôi có mua tấm nào đâu…
 
Mẹ chỉ vào bảng kết quả xổ số trong tờ báo :
 
- Tại tôi thấy cái số trúng ba ngàn giông giống một cái vé hôm nào ông khoe tôi, mà tôi không nhớ rõ là kỳ trước hay kỳ vừa rồi…
 
Bố chối bay :
 
- Chắc là số kỳ trước… Bà nhớ dai quá… Tôi phục bà đấy…
 
Mẹ được khen, khoái chí và bỏ qua chuyện vé số. Hú hồn ! Chuyện Tết được đưa ra. Mẹ hỏi cả nhà :
 
- Tết năm nay, những ai muốn may quần áo mới đâu nào ?
 
Bảy cánh tay, kể cả cánh tay của bố, đưa cao lên. Mẹ phì cười bảo bố :
 
- Bố nó lớn rồi cũng đòi diện nữa cơ à ?
 
- Chứ sao không. Phải cho người ta le lói với đời một tí chứ.
 
- Le lói gì ? Sắp dở dùng rồi phải không ?
 
- Dở dùng dở quẻ gì, mẹ nó không thấy sao, quần áo tôi đã cũ hết…
 
Mẹ gạt phăng :
 
- Cũ ? Mới mặc có hai năm mà đã kêu cũ… Nhưng thôi, gác chuyện ông lại đã, để tôi tính chuyện với mấy đứa trẻ. Thế nào, con Dung, con Chi muốn may gì ?
 
- Con may áo dài hoa cà…
 
- Con may đồ bộ…
 
Mẹ bắt đầu chiến dịch càn quét phe đối lập :
 
- Con Dung tao nhớ còn cái áo dài thiên thanh mới may dạo nghỉ hè mà. Còn con Chi, mày còn nhớ mày có mấy bộ đồ không ?
 
Hai kẻ chân yếu tay mềm chợt nghe tay chân càng yếu, càng mềm hơn khi mẹ phán :
 
- Không có áo dài với đồ bộ gì hết. Để tao thêu cho mấy cái khăn tay làm đỏm cũng là luých lắm rồi…
 
Đến phiên bốn ông con trai dưới tay mẹ :
 
- Mẹ ơi, áo con hơi cộc rồi, mẹ may cho con cái sơ mi mới, mẹ nhé !
 
- Mẹ à, cái quần tây của con hôm nọ rách rồi đấy, mẹ may quần mới cho con nghe…
 
- Tết nhất mà mặc áo ngắn tay thì hơi kỳ mẹ nhỉ ? Mẹ may cho con cái áo dài tay nhé…
 
Cu Tân chưa nói sõi, chỉ tay vào mình cười toét miệng làm dáng. Mẹ cười theo nó, gật đầu :
 
- Được rồi, để tao mua vải về may cho… Tí nữa nhớ nhắc tao lấy kích thước lại nhé. Năm nay xem đứa nào đứa nấy lớn bộn rồi đấy…
 
Hạnh phúc của phe mẹ làm ức lòng phe bố quá. Con Chi chịu không được, tấm tức khóc. Mẹ quát :
 
- Khóc với lóc cái gì ? Ý chừng tao nói không đúng đấy ? Con gái con đứa gì mà chỉ ham ăn diện… Nghèo kiết xác ra thì hết đòi…
 
Con Chi càng nức nở hơn. Nó phân bì :
 
- Mẹ chỉ thiên vị con trai. Làm như con gái không phải là con của mẹ ấy.
 
Mẹ trả lời :
 
- Chứ còn gì nữa. Con gái là con của người… Rồi chúng mày cuốn gói đi hết chứ có đứa nào ở lại với tao đâu. Con Dung kia kìa, mười sáu mười bảy tuổi đầu rồi, không chừng sang năm đã có thằng đến rước đi…
 
Gương mặt Dung từ từ đỏ ửng. Nỗi tức giận như tiêu tan đi, nhường chỗ cho niềm e thẹn. Anh Khanh còn thủ thỉ với mẹ :
 
- Con nhớ như người xưa có nói : nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, mẹ nhỉ ?
 
Đúng là giọng lưỡi quân sư quạt mo.
 
Bây giờ bố mới vùng lên chống bất công :
 
- Vụ này phải cho tôi góp ý mới được. Bà có vẻ bênh tụi con trai quá, chúng nó thì được cái bộ gì, được cái bộ ăn với phá.
 
- Bộ ăn, bộ phá gì cũng được. Miễn về sau nó không bỏ tôi như hai đứa con gái là được…
 
Mấy ông con trai nói vuốt đuôi :
 
- Mẹ nói đúng đấy bố, tụi con nhất định ở với mẹ…
 
Bố nổi giận :
 
- Đúng, đúng cái gì ? Đúng cái thằng bố mày ấy !
 
Rồi bố quyết định :
 
- Được rồi, bà không lo cho con Dung, con Chi thì để tôi. Tôi sẽ may quần áo mới cho chúng nó. Để xem hai đứa con gái của tôi có thua gì mấy đứa ôn con của bà không ?
 
Mẹ thách thức :
 
- Tôi chờ ông đấy.
 
*
 
Tưởng chuyện chỉ có thế, chẳng dè đó lại là đầu mối của một cuộc chiến tranh. Phe này không thèm nói chuyện với phe kia, dù chỉ một lời. Đến bữa cơm, bên con trai chỉ mời mẹ, bên con gái chỉ mời bố. Bầu không khí thật căng thẳng.
 
Mẹ lo phần phe mẹ thật thảnh thơi : đi chợ mua ít vải về may cắt lấy. Đáng thương bố, đàn ông thì sao rành chuyện may sắm, lại nhằm dịp gần Tết, tiệm may nào cũng bận việc, không nhận thêm việc. Bố phải nghĩ mãi mới nhớ ra một nơi có thể nhờ được, đó là tiệm may của cô Oanh Oanh. Bố nhờ nơi này thì nhất. Chỉ phiền một cái là phải giấu mẹ. Mẹ mà biết được thì thế nào cũng có một màn Hoạn Thư tái sinh. Chả là trước kia, có một dịp, bố đã đeo đuổi cô Oanh Oanh.
 
Ba ngàn bạc trúng số nay đã có chỗ dùng. Bố dành cả để may sắm cho chị em Dung. Nhất định làm sao cho le lói hơn bọn con trai của mẹ, bố mới chịu.
 
Nhưng đấy chỉ mới là chuyện nội bộ. Còn chuyện đối ngoại… Vẫn còn gay go lắm. Hai phe tiến dần đến tình trạng đoạn giao. Mẹ sai anh Khanh viết mấy chữ để lên bàn giấy của bố :
 
- Mẹ bảo từ ngày mai trở đi, mẹ không có thì giờ thổi cơm cho bố và con Dung, con Chi nữa. Bố cứ nhờ con gái cưng của bố làm bữa cho. Mẹ cho mượn đồ đạc, bếp núc.
 
Bố không kém, viết giấy trả lời :
 
- Nhắn với mẹ thằng Khanh : bố con tôi từ nay sẽ không chịu trách nhiệm về vụ quét tước nhà cửa, bắt sâu, tưới cây ngoài vườn nữa. Việc ấy, xin dành lại cho mấy ông con trai của bà.
 
Hai phe nâng cao mức độ chiến tranh đến chừng ấy còn chưa chịu ngừng. Vài hôm sau, một buổi sáng chủ nhật, “thế chiến thứ ba” bùng nổ.
 
Cô Oanh Oanh may xong áo quần cho chị em Dung, sai người đem tới tận nhà. Và chẳng may, người trao hàng không biết tí ti gì về cuộc chiến tranh đang diễn ra trong nhà Dung, nhè trao ngay cho mẹ, còn kèm theo một câu :
 
- Cô chủ tôi nhờ nhắn lời hỏi thăm ông nhà.
 
Mẹ đùng đùng nổi giận. Hàng chữ “Tiệm may Oanh Oanh” in bên ngoài túi giấy đựng quần áo khiến mắt mẹ trừng lên, tay ném tung túi quần áo xuống đất. Mẹ gọi ngay lũ con trai lên rồi kể lể :
 
- Thằng Khanh, thằng Duyệt, thằng Liệu xem đấy… Hôm nọ đòi may quần áo mới để le lói, tao đã nghi rồi. Thế mà trúng phóc. Bố mày có nhân tình rồi. Tiền đâu bố mày may quần áo cho con Dung, con Chi? Bao nhiêu tiền lương tết đã đưa cả cho tao rồi còn đâu ? Không phải là con nhân tình nó may tặng thì còn gì nữa…
 
Rồi mẹ ôm mặt, bù lu bù loa :
 
- Ối làng nước ơi ra đây mà xem này, chồng tôi chê tôi là gái già, bỏ bê tôi, chạy theo nhân tình trẻ… Còn bắt tôi may quần, may áo mới để đi le lói với nó… Rồi lại nhờ nó may quần, may áo cho con gái tôi nữa này…
 
Bố chạy ra phân trần :
 
- Bà làm gì mà khiếp thế, để tôi kể đầu đuôi cho nghe…
 
Mẹ gạt phăng :
 
- Không có đầu có đuôi gì hết ! Ông không có nhân tình hở ? Thế tiền đâu ông may sắm cho hai đứa con gái ? Tiền trời cho chắc ?
 
Anh Khanh thấy mẹ giận quá đâm hoảng, vội can :
 
- Mẹ à, mẹ cứ để bố nói đầu đuôi xem sao rồi hãy tính cũng không muộn cơ mà…
 
Mẹ trừng mắt nhìn anh :
 
- A… ra bây giờ định phản tao đấy phải không ? Ừ, theo bố mày đi, cứ bỏ mặc con gái già này một mình đi…
 
Anh Khanh mếu máo :
 
- Đâu có… mẹ nói oan cho con quá…
 
- Oan với ưng… Tao bảo cho biết, còn theo tao thì im cái mồm lại, không thì cứ việc, theo bố mày rồi rước con đĩ kia về gọi bằng dì…
 
Bố đỏ mặt :
 
- Này, không được kêu người ta như thế đấy nghe…
 
- Giời ơi, đấy, mày nghe không Khanh, bố mày lại dám bênh nhân tình nữa đấy, rõ ràng quá rồi mà…
 
Có lẽ bố giận lắm. Mà giận thì mất khôn. Bố quát :
 
- Ừ đấy, thì tôi có nhân tình đấy. Có sao không ?
 
Thế là mẹ òa lên khóc. Chiến tranh chừng như vô phương cứu vãn. Sắp đến ngày tận thế mất rồi.
 
*
 
Đúng là sắp đến ngày tận thế. Hai phe đã tiến đến chỗ tuyệt giao hoàn toàn. Trước kia, tuy không nói chuyện với nhau, nhưng gặp mặt, còn nhìn nhau. Nay thì quá lắm, lỡ chạm mặt nhau là mạnh ai nấy cúi gầm xuống, bước thẳng. Buổi tối, phe bố chiếm cứ phòng học, phe mẹ đóng đô ngoài phòng khách. Ngay trong nội bộ mỗi phe tiếng trò chuyện cũng ít đi.
 
Chỉ còn hai ngày nữa là đến mồng một Tết !
 
Dung thầm lo nếu cứ tình trạng này mãi, bố tự ái, mẹ tự ái, lũ con bắt chước bố mẹ, cũng tự ái luôn. Rồi chỉ vì một chuyện đâu đâu, mà ngày mồng một tết nhà phải treo bảng “Không tiếp khách”, thì ôi thôi! Tết năm nay đúng là tết… chó.
 
Dường như anh Khanh cũng nghĩ thế, nên nhân lúc vắng vẻ, anh khều Dung, trao cho một mảnh giấy có ghi vài hàng :
 
- Bố mẹ giận nhau khiếp quá. Tao sợ năm nay mình hết ăn Tết. Nếu mày bằng lòng, mình sẽ đứng ra giải quyết vụ này gấp. Mày cho tao hỏi một câu : Tại sao bố lại có tiền may quần áo cho chị em mày thế? Tao biết, mẹ chỉ nghi bố có mỗi một chuyện này thôi.
 
Dung trả lời trên một mảnh giấy khác :
 
- O. K. Hứa sẽ hợp tác đắc lực với anh. Trả lời anh ngay đây : Bố trúng số được ba ngàn. Nhưng tại bố sợ phe bên ấy biết, thế nào cũng đòi chia phần nên mới giấu. Cũng nhờ thế, tụi em mới có tiền may sắm. Hiểu rồi chứ ? Anh bảo phải làm gì bây giờ ?
 
- Tao sẽ cho mẹ biết. Tưởng gì chứ có vậy thì dễ ợt. Mày cũng cố thuyết phục bố làm hòa nghe.
 
Hai sứ giả hòa bình thực hiện ngay công tác để mong “cứu vớt nhân loại”. Dung nói với bố ít câu. Bố có vẻ bằng lòng lắm, nhưng còn ngại : “Tao chỉ sợ mẹ mày không chịu làm hòa”. Anh Khanh thủ thỉ với mẹ, Dung lén nghe, thấy mẹ nói : “Có thế mà ông ấy giấu”. Tiếng anh Khanh : “Thì mẹ có để bố nói đâu nào”. Tiếng mẹ : “Ừ, cũng tại tao. Không biết bây giờ bố mày còn chịu làm hòa với tao không nữa ?”.
 
Thế là cuộc hòa giải đã đến mức tốt đẹp nhất. Chỉ còn chờ cơ hội để hai bên dễ ăn dễ nói.
 
Cơ hội đến vào buổi tối. Một người hàng xóm sang chơi, thấy trong nhà Dung chả có vẻ gì là sửa soạn mừng xuân cả, mới hỏi :
 
- Bộ năm nay bác không ăn Tết hay sao đây ?
 
Mẹ đáp :
 
- Ấy, tại bận việc quá, chúng tôi quên bẵng đi…
 
Bố tiếp lời :
 
- Vợ chồng chúng tôi định ngày mai mới đi sắm sửa…
 
Mẹ nhìn bố cười :
 
- Vâng, mai chúng tôi mới đi sắm sửa…
 
Lúc khách về, bố gọi Dung, con Chi ra khỏi phòng học – nơi cố thủ của phe bố bấy lâu nay – Và hai phe bắt đầu chiêu hồi nhau, cùng tung cánh chim tìm về tổ ấm. Xong xuôi, bố ra nằm khểnh trên phản, phát thanh miệng một bản tin :
 
- Chiến tranh đã chấm dứt, hai phe ngưng chiến và sống chung hòa bình. Ngày mai, cả nhà sẽ đi sắm Tết. Mẹ thằng Khanh được toàn quyền mua bán, bố con tôi xin lãnh phần “vận tải hàng hóa”.
 
Và tiếp theo đó, mấy cái máy phát thanh miệng của lũ con bố mẹ bất đắc dĩ phải im hơi lặng tiếng bấy lâu nay cùng mở một lúc. Mẹ lấy chìa khóa mở ngăn tủ đựng tiền lấy tiền ra soạn để mai đi sắm đồ. Cái ngăn tủ kêu cọt kẹt. Dung tưởng chừng nó cũng đang phát thanh một bản tin ngắn :
 
- Tin hòa bình : hai phe lâm chiến đều vô sự trong trận chiến ác liệt vừa qua. Chỉ có thân tôi, cái ngăn tủ đựng tiền, lãnh hoàn toàn tốn kém. Tôi biết lắm, mua sắm mà để đến ba mươi mới lo, đắt đỏ là cái chắc! Ới ông chủ, ới bà chủ, ới các cô, các cậu ! Chia phe làm chi cho khổ cái thân còm èo uột của tôi. Tôi buồn quá, tôi khóc đây này.. hu hu… cọt kẹt…
 
 
NGUYỄN THÁI HẢI    
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 122, Xuân Canh Tuất, ra ngày 15-1-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com