Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

CHỢ TẾT - Nguyễn Thế Chiêu


Chẳng hiểu sao mấy ngày nay nhà bé cứ rộn rịp hẳn lên, mẹ và chị Hồng làm mứt, bánh bận rộn hoài chả có thì giờ chơi bày hàng với bé nữa. Buồn quá, mà bé cũng không hiểu tại sao, một mình bán hàng chán bỏ xừ. Bé cáu kỉnh đá luôn vào hông Ki Ki làm chú chỏ oẳng oẳng mấy cái rồi chạy vào nhà. Bé thơ thẩn đi dạo trong vườn, những cây cúc, mai đã hé nụ hay nở rực. A! Bé nhơ nhớ ra rồi, để xem nào, hàng năm cứ đến kỳ này là cúc nở. Tức quá, nghĩ hoài không ra, chợt bé giật mình:

- Cháu của ông làm gì mà bày đồ chơi bừa bãi ngoài sân thế?

- A, ông.

Bé chạy lại ôm ông thủ thỉ:

- Ông ơi, sắp đến ngày gì rồi vậy ông?

Ông hiền từ vuốt râu cười:

- Cháu hay quên quá đi thôi. S8áp đến Tết rồi đấy.

- A, Tết.

Bé vội vàng tụt khỏi lòng ông, cầm tay ông kéo vào nhà. Ông lật đật nói:

- Chết, chạy gì mà vội thế cháu?

Bé reo:

- Mẹ ơi, Tết đến rồi.

Nhắc đến Tết là bé thấy sướng ghê. Lòng bé rộn lên một sự hồi hộp, chờ đợi. Bé chờ đợi... đủ thứ! Căn nhà hôm ấy chắc sẽ sáng choang, được quét vôi, sơn một lượt mới, bàn ghế được lau chùi sạch bóng và nhất là xích đu của bé sẽ được sửa chữa như mới. Bé sẽ được mặc áo mới này, đi theo mẹ này, ăn bánh kẹo và cả mứt nữa này, thích ghê đi. Nhưng chắc một điều là bé sẽ khoái tiền lì xì hơn cả (lẽ dĩ nhiên!). Những tờ năm, mười đồng mới tinh, thơm phức, cầm mát cả tay. Bé phải nhắc mẹ mua ví mới để đựng mí được, ai lại bỏ tiền mới vào cái ví "bẩn thỉu", "rách nát" bao giờ. Chỉ nghĩ đến lúc cầm ví "kim tuyến" dầy cộm những tiền là bé đủ sướng rồi. À mà quên, mồng một phải dậy thực là sớm để cùng ông... uống nước chè Tầu ngắm hoa nở nữa chứ. Thế nào ông cũng kể dăm ba câu chuyện cổ tích cho coi.

Ông đi chậm quá (!), bé bỏ tay ông và chạy vụt vào bếp. Mẹ và chị Hồng vẫn luôn tay làm mứt, bé xán lại đập đập vào vai mẹ:

- Mẹ! Mẹ!

Mẹ bực mình gắt:

- Con chó con này phá mẹ mãi, xê ra.

Giá như ngày thường bé đã òa ra khóc rồi đấy, nước mắt cá sấu mà lị. Nhưng hôm nay "ngoại lệ" nên bé vẫn tươi như hoa, nũng nịu:

- Tết đến rồi mẹ ơi.

- Tết đâu mà Tết, còn cả tháng nữa cơ mà.

Bé cũng chẳng vừa:

- Thế sao mẹ làm mứt? Mẹ dối con đấy nhé, ông bảo còn vài ngày nữa thôi.

Mẹ nhìn ông:

- Cậu chỉ thế thôi, làm cháu nó "hư" quá càng mệt con nữa.

Ông cười. Quay sang bé, mẹ nói:

- Ừ thì Tết. Có chuyện gì đấy con?

- Mẹ dẫn con đi chợ Tết nhé mẹ!

- Ừ thì đi, nhưng mai vậy, hôm nay mẹ bận.

Thế là bé tung tăng chạy lên nhà:

- Mai mẹ cho bé đi chợ Tết nè, anh Tâm phải ở nhà ê.

Cu Tâm vội vàng ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp réo:

- Ơ, mẹ cho con đi nữa nhé mẹ?

- Ừ, cả nhà đi hết, hét quá mẹ điếc tay bây giờ.

Cu cậu nhảy cỡn, khoe với bé:

- Mẹ cũng cho Tâm đi nữa nè.

Mẹ và chị Hồng chỉ nhìn theo bóng hai đứa cãi nhau mà cười khó hiểu.

*

Bé được toại nguyện rồi. "Đi chợ Tết", ba tiếng nghe êm tai làm sao, dù rằng nó đã quen với bé từ năm ngoái lận. Chiều nay, bé mới dám mở tủ sờ đến cái váy đầm "quí giá". Anh cu Tâm cũng vậy, có bộ cao bồi vác ra lí le hoài. Anh lại còn nói đi nói lại với bé những thứ cần mua để nhắc mẹ, riết rồi bé thuộc luôn. Có lẽ anh là con trai nên chỉ khoái có cái phi cơ trực thăng bay được của Thụy Sĩ còn bé thì chọn mua ví với búp bê biết nói (bé tham quá nhỉ?). Chứ con gái ai lại chơi phi cơ bao giờ, người ta cười chết (!).

Cơm nước đâu vào đấy rồi, cả nhà lăng xăng "đi chợ Tết". Nhất là cu Tâm và bé, cứ... nhộn cả lên. Hết giành nhau đi cạnh mẹ lại đến tranh nhau xách giỏ. Bố tức quá giao hẹn:

- Đứa nào xách giỏ phải xách luôn đi nhé.

Hai đứa vẫn không "sờn lòng" giành giựt nhau mãi, rốt cuộc sau khi đánh tù tì Tâm được phần xách giỏ. Bé bị thua buồn ra mặt, nhưng được đi cạnh mẹ nên cũng đỡ phần nào...

*

Bố phải đậu xe ở chợ Cũ, rồi cả nhà xuống đi bộ đến chợ. Bé kéo mãi mà mẹ chả chịu đi mau cứ đủng đỉnh vừa đi vừa nói chuyện với bố. Tức mình bé định bỏ sang đi với chị Hồng nhưng lại sợ anh Tâm chạy đến đi cạnh mẹ nên thôi. Chợ Tết năm nay đẹp lạ! Bé cứ ngẩn ngơ ra trước cảnh tưng bừng ấy. Bây giờ mẹ lại phải kéo bé đi kẻo bé như là chôn chân trước đầu chợ. Người người đông như kiến, kẻ thì mua kẹo, người mua mứt... loạn xà ngầu cả lên. Nắm chặt tay mẹ bé len lỏi giữa rừng người ấy. Mẹ đi mau quá chẳng kịp ngắm gì cả, chả bù với lúc nãy kéo mãi mẹ cũng không đi. Nhất là bố nữa, đi cứ như bay, theo kịp bố cũng mệt.

Qua hàng mứt. Mẹ mua hai ký mứt bí, ba ký mứt gừng, một ký rưỡi mứt hạt sen v.v... bé và anh Tâm tha hồ ăn vụng sướng mồm. Rất may là chẳng ai thấy hết...

Dưa hấu bày thành từng đống cao bằng đầu người. Có lẽ đây là nơi ít người dừng chân lại nhất, mẹ cũng nói:

- Để gần Tết mua cho nó rẻ.

Bà bán hàng cười:

- Lúc nào chả vậy, làm gì có chuyện mắc với rẻ.

Mua sắm đủ rồi, bố hướng dẫn mọi người sang đường Nguyễn Huệ. Ôi chu choa, sao mà lắm đồ chơi thế, nhìn không chán mắt. Bé và anh Tâm cứ chỉ chỏ cho nhau xem, nào là xe lửa chui hầm, nào là con gấu bông to lớn, phi cơ, tầu thủy đủ thứ, kể ra tha hồ mà mệt. Đến chỗ nào hay là hai đứa sán lại đứng chôn chân ở đấy làm bố mẹ, chị Hồng phải kêu mãi mới chịu dời chân. Hai đứa bắt đầu vòi mẹ mua đồ chơi, cứ lải nhải đến chán tai. Bố thì gạt phắt đi:

- Mua làm gì phí tiền, về ăn mứt cũng đủ rồi.

Mẹ ôn hòa hơn:

- Đắt quá các con ạ, thôi để hôm nào đi mua.

Hai đứa phản đối ngậu xị:

- Không, mua bây giờ cơ, không biết đâu.

Nhờ chị Hồng nói giúp nên mẹ cũng nhượng bộ và mua cho bé một con búp bê tuyệt đẹp, còn anh Tâm được một chiếc tàu bay chạy pin nhưng chưa có pin nên phi cơ chưa dám chạy (!). Hai đứa ngắm nghía mãi hai cái hộp, cãi nhau ỏm tỏi. Đứa nào cũng cho đồ chơi của mình là đẹp là tốt. Đến lúc nhìn quanh thì bố mẹ, chị Hồng đã đi đâu mất rồi, chỉ còn hai đứa lạc lõng giữa đám đông người. Bây giờ mới hoảng lên, hai đứa cuống quá đổ đi tìm. Mồ hôi ướt đẫm, hai khuôn mặt tái xanh tái xám, chúng bắt đầu... mếu!

Đột nhiên hai hộp đồ chơi bị ai hút bay bổng lên trời rồi hai đứa lại sợ quá khóc thét lên, chân tay chới với...

- Dậy đi bé, làm gì mơ hoảng dữ vậy?

Bé thẹn thùng ngồi dậy dụi mắt. Thì ra bé vừa mơ đấy, một giấc mơ vừa đẹp lại vừa hãi hùng. Ngẩng nhìn lịch, bé giật mình khi thấy con số 28 âm lịch to tướng. Nhớ giấc mơ bé mới nhớ ra chiều nay phải nhắc mẹ "đi CHỢ TẾT" mí được.


Nguyễn Thế Chiêu   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com