Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

ĐI MUA DỪA - Du Tử


Nắng mới chếch nghiêng qua mái tranh, mặt trời còn chói lòa trên khoảng trời xanh biếc, lác đác vài đùm mây trắng. Kế hàng dậu đổ nát, cỏ dại mọc cao, tôi nằm xoài trên hiên gạch đánh vần truyện Tấm Cám. Thảo nhiều truyện cổ tích lắm, vì mỗi lần cậu Tuân lên tỉnh về lại mua cho mấy tập. Dạo này thấy tôi đã đọc được anh đem cho mượn. Hoa dâm bụt nở tim tím lộn trong lá xanh quyến rũ bướm ong. Tôi gập truyện lại, nằm nghiêng người nhìn. Ngõ vắng tanh! Tháng này là mùa cá thu ; phường chài ra khơi cả. Bọn thằng Cu Tý, thằng Lý phải theo ba chúng lênh đênh trên biển. Xóm chỉ lèo tèo vài đứa bận học dưới bến nên những buổi xế như vầy làng vắng lắm. Lòng tôi chợt se lại, cái tâm hồn non nớt ấy đã sớm mơ mộng.

U Mười từ dưới bếp lên, thấy tôi nằm xoài trên sàn hỗn độn giấy tờ thì kêu:

- Lợn dậy chứ! Nằm thế ư?

Tôi phụng phịu:

- U chẳng biết gì cả, tôi nghĩ đấy.

- Thì chú lên phản chứ.

U vừa nói vừa cúi xuống ẵm dậy, nhưng tôi không chịu vòng tay bá cổ u nũng nịu:

- Tôi muốn đợi anh Thảo... U bảo dẫn tôi qua bến Hộ mua dừa cơ mà.

- Gượm hẵng... Nắng gắt thế đi cho vỡ đầu à.

- Nhưng tôi nôn nao là...

U gỡ tay tôi nghiêm nghị:

- Muốn đi chú phải dậy cất sách rồi đi tắm. Lúc nào chú Thảo sang tôi đưa đi.

Tôi định xoài xuống chỗ cũ nhưng mắt u nghiêm quá tôi đành vơ vội mấy tập truyện đứng lên theo u ra sau nhà. U Mười múc đầy nước vào chiếc thau đồng và xà xuống định tắm cho. Tôi giẫy lên:

- Thôi, không khiến u. Tôi tắm một mình.

- Vẽ! Chú mà tắm táp gì...

Tôi biết làm nũng không bao giờ u nghe nên phải ghé tai u thì thầm:

- U cứ tắm cho tôi làm thằng Tý nó chế mãi.

- Kệ nó... Chú cứ để tôi tắm cho.

U với tay lấy gáo nước, lập tức tôi òa lên khóc nức nở. Nước mắt đọng trong mắt bao giờ đua nhau tuôn xối xả trên má. U đâm hoảng đành phải đứng lên cắp rổ ra vườn mặc tôi tắm lấy.

Vừa mặc áo xong thì u vào. Trong rổ đầy lá mồng tơi. U để rổ trên bếp, vừa lấy rơm dóm bếp vừa bảo:

- Từ sau chú tắm lấy, tôi không tắm cho đâu.

- Càng thích!

Khói bốc cay xè, mắt u đỏ hoe như khóc. Ánh lửa trong bếp le liếm gần tay u rồi tắt ngấm. U chép miệng định dóm lại thì có tiếng gọi:

- Lợn ơi!... đi chưa?

Tôi mừng quýnh, nắm áo u giật giật:

- Thảo đến u ơi! Đi nhé...

Rồi gọi to:

- Thảo ơi! Vào đây.

- Gượm để u dóm bếp.

- Không, tôi không cho u dóm... U phải dẫn tôi đi ngay cơ.

Thảo xuống đến bếp, thấy tôi đang giậm chân bành bạch thì chế:

- Lợn đói đấy à?

Vốn dễ khóc, thấy u và anh chẳng náo nức tôi tủi thân, chưa chi miệng đã mếu xệch. U Mười biết ý ném đùn rơm vào góc bếp, cười giả lả:

- Nào, thì đi...

Đường đất cát nóng bỏng. U cắp thúng đi trước, chiếc quần thâm trắng xóa bụi. Thảo nắm tay tôi đi sau, anh bàn mỗi đứa sẽ trồng riêng một cây để thi cây nào trái ngọt. Khi tôi bảo đã chọn khoảnh đất ở góc vườn kế cây xương rồng thì anh kêu:

- Ngu quá! Chỗ ấy gần rào thằng Tý sẽ vặt lá của Tử.

Ừ nhỉ! Bọn thằng Tý vốn kình địch với tôi. Thế thì ở giữa vườn vậy, đất ở đấy ẩm lắm. Thảo hỏi:

- Đố biết trồng dừa thế nào?

- Chịu!

- Thấy bảo người ta để trái dừa khô đi, mầm sẽ nẩy ra, họ đem ương xuống đất, đợi dừa lên vài tấc đánh lên bán cho người mua.

- Bao giờ có trái anh nhỉ?

- Độ 3, 4 tháng...

- Xạo... Thế dừa nhà ông Bá 5 tháng rồi sao chưa ra trái?

Thảo cốc lên đầu tôi bực dọc:

- Bảo xạo thì hỏi làm gì? Tớ biết cũng chả thèm nói...

- Đây cũng cóc cần hỏi.

Thấy tôi bướng bỉnh Thảo tròn mắt ngạc nhiên. Lúc sau anh dọa:

- Ừ! Mai tớ chẳng gọi xem con lợn nào ngủ quên bị thầy cho đi tàu bay...

Tôi giật thót người trước điều đe dọa. Chả là thầy Kinh có lệ trò nào đi trễ thì cứ việc xoài trên chiếc ghế dài để một anh lớn thòng dây thừng rút lên trần nhà, lấy roi phết vào mông đủ mười chiếc. Mà tôi thì hay ngủ quên, cứ ăn xong tà tà nằm trước hiên ngắm mây ngắm bướm rồi đánh một giấc đến xế chiều. Triển vọng bị treo trên trần làm tôi sợ, len lén liếc anh. Thảo thản nhiên nhặt mấy viên sỏi  bên đường vừa đi vừa chuyền từ tay này sang tay khác...

Dốc đổ xuống bến đầy đá nhọn. Mấy hàng cau bên đường rũ lá uốn mình trong gió. U Mười vẫn đi trước, thỉnh thoảng gặp người quen u đứng lại chuyện trò vài câu rồi tất tả đi. Mẹ tôi thường bảo dáng hấp tấp làm u khổ. Tàn lá hai bên giao nhau che rợp con đường đất. Một con trùng từ dưới đất ngoi lên, tôi bám lấy Thảo luống cuống.

- Thỏ đế... Thế cũng sợ.

U Mười ngoảnh lại vẫy gọi:

- Nhanh lên, thuyền sang rồi.

Thảo dắt tôi xuống ghềnh đá. Tôi nói nhỏ:

- Mai anh rủ Tử nhé?

- Ừ!

Hơi thở thoát khỏi lồng ngực dễ dàng biết bao! Chiều nước lên, sông trong vắt. Sóng lăn tăn vỗ vào bờ uốn như rắn. Chỗ này gần biển nên nước mặn. Bên này sông là làng tôi, bên kia là bến Hộ. Cách nhau một con sông nhỏ mà đất hai làng khác hẳn nhau. Làng tôi toàn đất cát còn bên đó là loại đất thịt. Đứng bên này sông nhìn sang bến Hộ như một rừng dừa. Dọc theo dòng nước dừa xanh ngắt, tàu lá rũ sát mặt nước. Con thuyền nan từ bên kia sông ghé vào bờ, anh lái cắm sào thật chặt, đợi khách. U Mười định cõng tôi xuống song tôi ra dấu phản đối, u đành lên thuyền một mình. Thấy được chiều tôi thích thú nắm tay Thảo lội bì bõm. Nước xoáy vào bàn chân liệt làm tôi ngã vào Thảo, anh quàng tay qua vai tôi dìu xuống. Lúc ngồi trên thuyền thấy u Mười có vẻ dỗi tôi chồm lên bá cổ u thì thầm:

- U không chơi với tôi à?

- Kìa! Chú ngồi yên thuyền lật bây giờ. Tôi không chơi với chú thì chơi với ai... rõ trẻ con.

Thuyền rẽ nước sang bến bên kia. Nước trong quá! Thấy rõ cả đàn cá lòng tong lội phía dưới. Thảo khoát nước nghịch. Nắng phản chiếu mặt nước hắt lên áo anh màu vàng linh động. Thuyền tắp vào bến, u Mười trả tiền rồi dẫn chúng tôi vào làng. Đường đất thịt dẻo như bột. Một vài chỗ nước đọng, đất nhão màu đỏ nâu như gạch tàu, bám lấy dép tôi nhớp nháp. Quanh co qua mấy ngõ quẹo u Mười đưa chúng tôi vào một khu vườn lớn, có những cây dừa cao nghệu. Qua chiếc cổng tre, đàn chó xô ra sủa vang. U Mười lấy thúng đánh chó, còn Thảo co chân tung cước vào đầu một chú đang gầm gừ dọa tôi. Người trong vườn nghe tiếng chó chạy ra, thấy người quen họ quát chó về. Người đàn bà to lớn hỏi:

- U đi đâu đấy?

- Thưa, mợ tôi bảo sang nhờ bà để lại mấy cây dừa xiêm.

- Thế để tôi bảo lũ trẻ đánh mấy gốc cho u. Mợ lên tỉnh à?

- Vâng...

Bà chủ vườn quay vào dặn người làm đánh mấy gốc dừa non và đem vài trái ra đãi khách. Thảo ghé tai tôi:

- Mình ở đây tha hồ trèo Tử nhỉ!

- Chân em thì sao?

- Ừ nhỉ! Phải rủ bọn Cu Tý.

Mắt tôi chợt cay cay. Bàn tay nằm trong tay Thảo run nhẹ. Bọn thằng Cu Tý thường chế tôi là thằng què, nếu không có Thảo đi học chung chắc chúng không để tôi yên thân. Người nhà bà chủ ra với 7 cây dừa nhỏ. Thảo xụp xuống xem rồi ngẩng lên vẫy:

- Này Lợn! Mầm đây nầy.

Bà chủ cười:

- Phải, mầm đấy... Các cháu lại uống nước. Đi xa hẳn mệt.

Nước dừa trắng đục ngọt lịm. Tuổi trẻ dễ quên, tôi hết buồn ngay, cố sức uống hết ly nước đầy bằng ly sữa mọi ngày u Mười pha cho.

Sau khi trả tiền và hỏi cách trồng, u Mười giục chúng tôi chào bà chủ về. Nắng xế hẳn, vàng ửng. Quãng đường quá xa so với tôi, song nỗi náo nức khi được tự tay trồng cây dừa non làm tôi đủ sức bước. Thảo đã chọn xong cây, anh định tâm rào quanh bằng phên tre để gà đừng bới. Thấy anh tin tưởng tôi cũng căn dặn chừng nào rào nhớ rào hộ.

Trên ngõ xóm mục đồng cho trâu về. Bầu trời xanh xanh có mấy cánh diều xoãi trong gió. Bến hiện ra. Thuyền cá làng tôi đã về. Thủy triều xuống thấp. Phía xa, khuất sau hàng dừa nước dòng sông như nhỏ hẳn tưởng bằng con lạch. Thuyền lại đưa chúng tôi sang sông. U rẽ về lối khác, con đường đất không đá sỏi vòng quanh chùa. Màu vàng của tường vôi tiệm với màu nắng đẹp lạ! Tôi nắm tay Thảo chỉ màu ráng:

- Đẹp anh nhỉ?

- Ừ! Lợn thuộc bài chưa?

- Rồi, chốc nữa về mình trồng ngay nhé... Em sợ nó chết quá.

- Dở... sao lại chết?

- Cây mít anh cho chả chết là gì?

- Chuyện! Lợn không để vào chỗ mát lại chẳng tưới.

- Có đấy chứ...

U Mười ngoảnh lại thấy chúng tôi còn đằng xa thì giục:

- Nhanh lên... U còn phải thổi cơm nữa... Chiều nay mẹ về...


DU TỬ     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 84, ra ngày 1-1-1968)