Ra
mấy con tính cho cô em gái Bích và Thủy, giảng giải bài Anh văn cho
Tuấn, viết hàng chữ mẫu cho bé Hùng viết đậm, xong, Liên lấy cây nến và
bao diêm đem sách ra "nhà hòm" học, nàng muốn tránh xa các em để học cho
yên tĩnh. Hai cô em gái, cứ nàng ngồi gần là hỏi chuyện vặt, hết:
- Chị ơi! Tại sao "pi" bài toán hôm qua là 3, 14 hôm nay chị lại cho 3, 1416?
lại:
- Chị ơi! Tại sao một năm chỉ có 360 ngày, thế chả nhẽ tháng nào cũng 30 ngày à?
- Chị ơi, tại sao lại...?
- Chị ơi! Thế tại làm sao...? v.v...
Liên
giảng giải hết cái "tại làm sao" này, lập tức có ngay cái "tại làm sao"
khác tiếp theo liền. Nhiều khi nàng phát bực mình vì phải giảng luẩn
quẩn loanh quanh, những câu hỏi rất vô ích. Còn Tuấn thì khác hẳn 2 chị,
rất lười học lại hay bắt nạt bé Hùng, hai anh em ngồi cạnh nhau một lúc
là y như rằng, chí chóe om cả lên, bắt Liên phải xử kiện, nào:
- Anh Tuấn, anh ấy đạp lên chân Hùng đấy...
- Anh ấy bắt ruồi bỏ vào bình mực của Hùng đấy chị ạ!...
Đối
với Tuấn, Liên thường phải ngọt ngào dụ dỗ, vì cu cậu ưa "mát" cứ khen
nịnh vài câu mới chịu ngồi riêng ra một góc học, mà khi đã học thì gào
thật to!
Vừa
học thi, vừa dạy kèm cho 4 đứa em đang tuổi ương tuổi gàn, Liên bị bận
rộn suốt ngày, nên mỗi buổi tối, sau nửa giờ dậy các em, nàng phải kiếm
chỗ riêng để học, mà "cái chỗ riêng" thích hợp nhất là "nhà hòm", căn
nhà để những cỗ quan tài đã đóng xong, hoặc để mộc, hoặc đã sơn son thếp
vàng đẹp đẽ, chỉ còn chờ đem ra hiệu đặt bán.
Ông
Phúc Thọ, cha Liên, mở hiệu hàng hòm đã hơn 20 năm nay, chính tên ông
là gì có lẽ ít người biết được, người ta chỉ gọi ông bằng tên cửa hiệu
là " Ông Phúc Thọ". Căn nhà chị em Liên ở chính là xưởng đóng quan tài
của ông, còn cửa hiệu thì ở sát đường phố, cách xưởng một cái sân rộng,
cây cối mọc âm u.
Từ
tấm bé, Liên và các em sống luôn luôn bên cạnh những chiếc quan tài, mà
nhà nàng quen gọi là "cái hòm", từ khi còn là khúc cây tròn đến lúc cưa
ra ván, rồi ghép lại thành những chiếc "hòm" hình vuông hay hình bát
bửu, cho nên nàng không biết sợ "cái hòm" như người ta sợ một đồ vật có
ma mãnh lẩn quẩn ẩn hiện.
Những
đêm trăng, chị em nàng thường chơi "ú tim", chơi "đi trốn, đi tìm"
chung quanh những bộ quan tài đang đóng dở, xép ngổn ngang ở sân, dưới
bóng cây rậm. Cỡi nhong nhong trên nắp ván thiên hoặc nằm dài trong một
chiếc quan tài để học, hay ngủ trưa, là việc rất thường đối với Liên,
cũng như với 4 đứa em nghịch ngợm của nàng.
Bàn
học và ghế của lũ em Liên là những chiếc quan tài úp sấp xuống đất, còn
của Liên thì giản dị hơn, nàng thường nằm trong bất cứ chiếc quan tài
nào, gối đầu lên chồng sách, một cây nến thắp ở trên thành hòm, thế là
cả một buổi học yên tĩnh rất vừa ý.
Tối
nay trời sáng trăng mờ, có gió hơi lành lạnh. Liên quẹt hai que diêm
đều bị tắt, bao diêm lại vừa hết, nàng vào phòng học của các em châm nến
và bảo bé Hùng:
- Thôi, chị cho Hùng đi ngủ sớm mai hãy viết tiếp.
Đoạn
lấy quyển sách che cây nến, Liên trở lại "nhà hòm", nàng đứng dừng lại 1
giây nghĩ ngợi. Có tiếng dế mèn kêu lanh lảnh như xé lụa ở đầu nhà, con
tô tô ngoài sân sủa bâng quơ mấy tiếng, một vài chiếc lá khô rơi sột
soạt trong bóng tối như những bước chân rón rén của một người vô hình
dẫm trên cát sỏi.
Liên
lẳng lặng ngồi xuống cạnh ngồi xuống cạnh cỗ quan tài mộc ở giữa nhà,
nàng đẩy mạnh tấm ván thiên kê gác sang một cỗ quan tài khác, gắn cây
nến xuống thành tấm ván bìa. Ánh nến hạ thấp xuống làm cho bóng tối của
những chiếc áo quan nằm chung quanh cao lớn vọt hẳn lên, in vào tường
vuông, giống như một bức họa lập thể, mà trong đó bóng Liên, với cái đầu
to tướng, mái tóc xõa bồng bềnh và đôi tay dài nghêu ngao chờn vờn như
bóng một loài yêu ma quái dị. Bất giác Liên nhìn vào bóng mình, nàng cảm
thấy rờn rợn. Lần đầu, Liên thấy sờ sợ cái "nhà hòm" quen thuộc của
nàng. Nhưng ý nghĩ ấy thoáng qua ngay và Liên bình tĩnh bước vào trong
cái "phòng học" yên tĩnh của nàng.
Mùi
gỗ mới thơm lẫn với mùi sơn gắn xung quanh mép hòm nồng nồng, nhưng
nàng cảm thấy khó chịu vì 2 tấm ván thành hơi hẹp, tay nàng phải thu lại
trước ngực, Liên thầm nghĩ có lẽ cỗ hòm này thuộc loại rẻ tiền, gỗ vừa
xấu, mỏng lại vừa hẹp.
Tự
nhiên Liên nghĩ tới A Trang, cô bạn gái nghèo, ốm lây lất đã bốn năm
tháng nay, hình như nàng bị lao. Liên thương hại bạn lắm, 2 đứa chơi
thân với nhau hồi còn tiểu học, qua mấy năm trung học, Liên thi đậu Tú
Tài I ngay khóa đầu. Còn A Trang thì bị rớt liên tiếp hai năm, mảnh bằng
đối với A Trang thật vô cùng quan hệ. Gia đình nàng, một con, bà mẹ già
quyết tâm tần tảo buôn bán lo cho Trang ăn học. Dự tính tương lai của A
Trang thật giản dị, nàng cố sao giật được mảnh bằng để đi dạy học kiếm
tiền nuôi mẹ.
Đã
bao đêm trắng, nàng thức với ngọn đèn dầu học một cách chăm chỉ, như cố
sức nhồi nhét những bài học vào khối óc nhỏ bé và hay quên của nàng. A
Trang khá về sinh ngữ nhưng toán thì nàng "bết" lắm. Hai năm trượt cả
cũng chỉ vì toán, sang năm nay nàng bỗng đau ốm. Có lẽ vì học "gạo" thức
đêm nhiều, ăn uống kém tẩm bổ, lại sống chui rúc trong căn nhà chật
hẹp, vũng sình hôi thối, đó là những duyên cớ chính đem vi trùng lao xâm
nhập vào bộ phổi yếu ớt của A Trang.
Cách
đây vài hôm, Liên tới thăm A Trang, lúc ra về nàng cứ có cảm tưởng rằng
A Trang sẽ chết, và sắp chết. A Trang cầm lấy tay Liên, bàn tay Trang
gầy và lạnh quá, Trang nói:
- Chị đến thăm, em xin cám ơn chị, độ mai mốt em sẽ sang chào hai bác và chào chị.
Liên nhìn bạn, nàng hơi là lạ không hiểu sao A Trang nói "chào chị", nàng an ủi bạn:
-
Trang còn yếu, không nên đi chơi vội, để mình sẽ sang thăm Trang thì
hơn. Trang cầm lấy hộp thuốc này uống cho chóng khỏe, còn học, sắp đến
kỳ thi rồi, gắng lên!
Liên dúi chai thuốc Rimifon vào tay Trang rồi ra về, đến cửa nàng còn nghe giọng Trang nói yếu ớt:
- Lần sau chị sang chơi đừng cho thuốc nữa nhé! Rimifon em còn nhiều lắm, uống sao cho hết được.
Đã
ba ngày Liên bận học không thăm A Trang nàng bỗng thấy nhớ bạn quá. Nằm
trong chiếc quan tài, gối đầu lên chồng sách, tay cầm cuốn "Đoạn trường
tân thanh" nhưng trí óc Liên suy nghĩ tận đâu. Nàng nhìn đăm đăm lên
khoảng bóng tối trên xà nhà, cố hình dung lại gương mặt nhỏ nhắn hiền
hậu của A Trang, và cặp mắt buồn thăm thẳm của người bạn đau khổ ấy.
Trong cái tĩnh mịch của căn nhà xây, một con thạch sùng tắc lưỡi một
tràng dài nghe vang vang như tiếng đóng đinh trên gỗ cứng. Tự nhiên Liên
rùng mình nhớn nhác nhìn quanh. Nàng cảm thấy trong bóng tối như có hai
con mắt đang rình nàng.
Liên
nằm nép vào tấm ván thành, rướn người nhìn ra ngoài, vẫn tiếng dế lanh
lảnh như xé lụa tan đều trong ánh trăng mờ ảo. Mái ngói nhà ngang đã đổi
mầu thành đen đứng im lìm như một tấm băng tan, bên cạnh hàng phượng vĩ
bóng tối dầy đặc sừng sững in trên nền trời mầu sữa đục, từng tảng cành
lá đu đưa theo gió giống hình thù những con vật kỳ dị có nhiều tay đang
chờn vờn đùa rỡn trên không trung.
Liên
ngồi thẳng người dậy, nàng định bụng lên trên nhà ngang, nhưng những
tiếng gào của Tuấn, đang học bài Pháp văn vang xuống, lại làm nàng thay
đổi ý định, Liên nhất quyết nằm xuống giơ cao cuốn "Đoạn trường tân
thanh" để hết tâm trí vào trang giấy chăm chú học thuộc từng đoạn trong
truyện Kiều:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nắm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nắm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
No nao dòng nước...
Mắt
Liên lim dim không nhìn vào sách, bỗng nàng ngạc nhiên nhận thấy rằng
mình đọc vòng tròn một đoạn Kiều, mà rồi không biết câu nào là câu đầu
nữa, miệng đọc nhưng Liên cảm giác như đang đi lượn quanh trong bãi tha
ma hoang tịch không tìm được lối ra, nàng mơ màng lẩm nhẩm:
Sè sè nắm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Nao nao dòng...
Liên
lơ đễnh như vậy, khi giọng học của Tuấn nhỏ dần rồi tắt hẳn, thì Liên
dần dần hạ tay xuống, cuốn sách úp sấp trên ngực, cặp mi nặng chĩu từ từ
khép lại, giấc ngủ nặng nề đã đến lôi Liên vào cơn ác mộng trong chiếc
quan tài chưa lắp ván thiên!
Liên
cảm thấy thân mình nhẹ bổng hẳn lên, nàng bay chơi vơi trong ánh trăng,
có lúc nàng rướn mình bay vọt lên cao tít với với cảm giác nhẹ nhõm,
tim nàng như bị rơi ra ngoài, lại có lúc Liên sà xuống thấp, thật thấp
và tưởng như một bàn chân nặng nề nào đè mạnh lên ngực, Liên đang bay
bổng bay cao, bỗng bị bàn tay ai, mềm mại và lạnh toát, bịt chặt lấy
mắt, miệng, nàng ú ớ gỡ mãi mới được, quay lại thì hóa ra A Trang. A
Trang nắm lấy tay Liên cười khanh khách, mắt nàng ánh hẳn lên khiến Liên
nhớ tới những ngôi sao nhỏ xanh biếc, răng nàng trắng quá, một mầu lạnh
toát như nước đá đông. Liên hỏi:
- Trang đến đây làm gì?
- Em đi tìm chị, chị bay cao quá em bắt mãi mới được đấy!
Giọng cười A Trang lại vang lên ròn rã, Liên mỉm cười tò mò nhìn sát vào mặt A Trang:
- Sao mặt Trang trắng thế?
- Sương đấy! Mầu sương đấy!
A Trang cười lấp đi và bảo Liên:
- Bay đi! Chị bay lên thật cao chơi với em đi!
Liên không suy nghĩ, gật đầu. Trang và Liên nắm tay nhau bay vùn vụt theo bóng trăng.
Liên nhận thấy A Trang bay nhanh quá, nàng sợ hãi kêu thất thanh:
- A Trang! A Trang!
A Trang vội dừng lại, mặt nhớn nhác:
- Chết! Sao chị gọi to thế? Em trốn mẹ đi chơi đấy.
Liên mơ màng nhớ lại hình như A Trang ốm nặng, nàng hỏi:
- Trang khỏi rồi cơ à?
- Vâng em khỏi hẳn rồi. Từ nay không bao giờ em ốm nữa.
Trang
lại cất tiếng cười the thé, tiếng cười ré lên từng hồi như những tiếng
hét sợ hãi của trẻ con. Nàng bay tắp tít lên cao, Liên vội vã tung mình
đuổi theo. Quên cả lời dặn của bạn, Liên gọi thật to:
- A Trang, A Trang...
Liên
vút lên không trung bao la, qua nhiều màn sương lạnh buốt, qua cả các
rừng mây ngũ sắc dầy đặc để tìm A Trang, nhưng hình bóng A Trang đã tan
biến ; chung quanh Liên tối sầm lại, bóng tối đen đặc và giam hãm như
bóng tối trong chiếc săng chôn sâu dưới đất.
Liên thét lên: A Trang!
Tay
nàng hất mạnh cuốn sách úp trên ngực sang một bên, Liên mở choàng mắt.
Nàng thở dốc lên như người vừa đánh vật, tai văng vẳng như nghe thấy
tiếng vang "A Trang" mà chính nàng vừa hét. Liên đưa tay lên dụi mắt và
lau vừng trán đẫm mồ hôi. Ngọn nến gắn ở mép quan tài đã tắt ngấm từ bao
giờ. Gian "nhà hòm" tối lù mù. Liên cảm thấy rờn rợn, nàng vịn mép tấm
ván thành quan tài rướn mình ngồi dậy. Ngoài sân, ánh trăng sáng dịu, in
bóng cành lá thành những bóng đen biến động, xô đẩy, đuổi bắt nhau trên
nền xi măng trắng. Có tiếng cú rúc trên ngọn cây phượng vĩ đầu nhà. Một
làn gió mát lạnh như phả nước vào mặt.
Liên
rùng mình quay lại, nàng suýt hét lên vì thấy ngay bên cạnh, trên nắp
ván thiên gần chỗ cắm cây nến, một bóng trắng đang ngồi chăm chú nhìn
nàng. Toàn thân Liên run bắn lên, hàm răng nàng cứng lại. Liên không cử
động được và cũng không thể kêu lên được một tiếng, nàng chỉ còn chờ một
bàn tay lông lá giơ lên chụp vào mặt, hoặc một cái lưỡi đỏ lòm thè ra
quấn lấy cổ và chết lịm đi. Nhưng hình như đoán được sự sợ hãi của Liên,
bóng trắng liền cất tiếng nhẹ nhàng nói:
- Chị Liên! Em đây! Chị đừng sợ, A Trang đây mà.
Liên ríu lưỡi
- Tra... Tra... Tra... Trang à?
- Vâng, A Trang đây, chị đừng sợ chứ! Đứng dậy ra đây với em, em đến từ lúc nãy cơ mà!
- Trang đế... đế... đến... lúc nào?
Bóng trắng mỉm cười, để hé một chút hàm răng trắng:
- Em đến đây khi cây nến tắt, gió thổi, cây nến tắt và chị ngủ say, sao chị như say thế? - Bóng trắng lại mỉm cười.
Liên đã hơi hoàn hồn, nàng nhìn ra xung quanh, bốn bề yên tĩnh. Liên quay lại hỏi A Trang:
- A Trang có diêm không? Châm nến đi!
A Trang vội nói:
- Em không có. Mà thôi! Chả cần, trăng sáng chán!
Liên
cũng thấy xung quanh nàng sáng thật, có lẽ vì đã nhìn quen mắt trong
bóng tối chăng. Liên nhìn kỹ mặt bạn, nàng thầm nghĩ: "Đúng A Trang rồi"
và nàng không thấy sợ hãi gì nữa cả.
Liên nhẹ nhàng ôm chồng sách bước ra khỏi "hòm" đến nắm tay A Trang rủ:
- A Trang, ra sân chơi đi.
- Ngồi đây thích hơn, ra sân nhiều sương lắm!
Liên
ngồi xuống cạnh bạn, tay nàng đặt trên bàn tay lạnh toát của A Trang.
Liên nhớ lại hôm nào đến thăm A Trang, nàng cũng đã nắm cái bàn tay
xương xương mà lạnh toát ấy. Chợt nhớ lại giấc mơ vừa qua, nàng bảo bạn:
- Liên vừa nằm mơ thấy A Trang thì A Trang đến.
A Trang cười tít:
- Thích nhỉ! Thế ra em đến trong giấc mơ của chị?
Liên nói như mê sảng:
- Lúc ấy A Trang trốn chỗ nào, làm Liên tìm mãi chẳng thấy sợ sợ là, bắt đền A Trang đấy!
A Trang bật tiếng cười khanh khách:
- Em còn gì mà bắt đền? Để em đền chị cái hôn vậy!
Hai
cánh tay A Trang quàng lên vai Liên mềm và nhẹ, Liên chỉ cảm thấy nhờ
hơi lạnh thấm qua lần áo mỏng. Mặt A Trang áp sát gần, Liên thấy trắng
bệch và gầy quá, duy đôi mắt vẫn sáng ánh lên long lanh. Cặp môi A Trang
phớt lên má Liên một cái hôn lạnh lẽo bật thành tiếng kêu. Bỗng có
tiếng chó gầm gừ ngoài sân, A Trang vội vàng bỏ Liên ra, tỏ vẻ sợ hãi,
nhớn nhác:
- Em về chị nhé!
Liên ngạc nhiên nắm tay giữ lại:
- Về sao được? A Trang ở đây với Liên chứ, đến chơi chưa nói chuyện gì đã về là thế nào?
Im tiếng chó, A Trang ngồi nép bên Liên thì thầm:
- Vâng, em đến tìm chị có việc cần mà chưa kịp nói.
- Việc gì thế? - Liên cũng hạ giọng nói thì thầm - A Trang làm Liên lo quá!
- Chị ạ, có lẽ em phải đi xa... đi xa lắm, em ra đi là sự bắt buộc.
Giọng A Trang trở nên rền rĩ:
-
Đau khổ cho em lắm chị ơi! Em phải bỏ lại mẹ già, người mẹ nghèo suốt
đời đau khổ vì em! Hôm nay em tới nhờ cậy chị, vì... chỉ có chị là người
bạn yêu quí nhất của đời em... Chị Liên yêu quí ơi (Liên ngước mắt nhìn
lên, thấy A Trang nước mắt lã chã) chị đã làm ơn cho em rất nhiều, xin
chị thương em lần chót trước khi em ra đi.
Liên bàng hoàng nhìn bạn, lặng lẽ gật đầu.
- Em xin lậy chị để cám ơn.
Nói đoạn A Trang liền thụp xuống chân Liên khóc mà lậy, Liên vội vàng đỡ bạn dậy, nàng thân mật trách:
- Sao A Trang lại xử thế với Liên? Liên đã nói, vì thương yêu A Trang Liên xin giúp A Trang hết lòng mà!
Óc
tò mò và trí sáng suốt thường ngày của Liên lúc này hầu như đã bị mê
hoặc. Nàng không còn suy nghĩ gì hơn ngoài ý nghĩa đen, về những câu nói
của A Trang, nên Liên lại hỏi một lần nữa
- Nhưng mai A Trang đi đâu nhỉ? Và Liên biết lấy gì làm quà tiễn biệt A Trang bây giờ?
Trước sự đau đớn của bạn, Liên cảm động ứa lệ hỏi:
- A Trang định đi đâu?
- Em sẽ nói cho chị biết, nhưng em muốn chị thương em, hứa giúp em một điều. Chị Liên! Chị còn thương em không?
- Sao A Trang hỏi thế? Bao giờ Liên chẳng thương yêu A Trang? Điều gì A Trang nói đi, Liên xin giúp hết lòng.
A Trang gạt nước mắt nói:
- Ngày mai ra đi, em xin gởi mẹ già lại cho chị, xin chị vì em nuôi nấng người. Muôn đời em xin nhớ ơn chị.
Rồi A Trang cười mà nước mắt rưng rưng:
- Chị muốn tiễn em bằng một món quà sao? Vậy em xin chị cái này để kỷ niệm nhé!
Vừa nói, nàng vừa chỉ tay vào cỗ quan tài, mà vừa lúc nãy Liên nằm trong ngủ mê. Liên không suy nghĩ, hỏi lại một cách ngây dại:
- Trang xin "hòm" làm gì?
A Trang không trả lời, nàng nói:
- Chị cứ cho em nhé!
Liên
gật đầu như cái máy, chạy theo A Trang ra cửa. Hai người dừng lại ở
thềm nhà, chỗ có bóng trăng sáng tỏ. A Trang nắm chặt tay Liên, tiếng
nàng nói phều phào nghe nhẹ như gió:
- Cám ơn chị, em xin từ biệt chị.
Liên
cảm động cúi mặt không biết nói gì, chưa nỡ rời tay A Trang. Chợt nàng
nhìn xuống bóng của A Trang rồi đưa mắt nhìn lên. Tà áo và hai ống quần A
Trang gió thổi bay phất phới trong ánh trăng, trông mỏng manh như sương
mù.
Bất giác Liên sợ hãi nhìn thẳng mặt A Trang. Vẫn gương mặt trắng bệch, đôi mắt còn đượm lệ ánh lên long lanh.
Liên
chưa kịp suy luận gì, bỗng từ góc sân, một con chó mực phóng tới chân
nàng sủa rộ lên. Liên hoảng hốt nắm chặt tay A Trang. Nhưng bàn tay A
Trang bỗng mềm nhũn, nhầy nhuộc như khúc đuôi một con cá trê. Bàn tay lạ
lùng ấy tuột khỏi tay Liên rất lạnh, gương mặt và thân hình A Trang
phút chốc mờ nhòa đi biến thành một đám khói bay vút lên trời. Liên trố
mắt nhìn theo, nàng chỉ kịp nhận thấy một ánh sao đổi ngôi trên nền trời
mờ sương xa thẳm.
Liên hét lên một tiếng sợ hãi ngã vật xuống ngất lịm đi.
Sau
đêm "sống với ma" Liên được chú là bác sĩ Huy, chăm sóc. Sáng hôm sau
tỉnh lại, nàng đã kể tỉ mỉ các sự việc xảy ra ban đêm cho cha và bác sĩ
nghe.
Mặc
cho bác sĩ Huy cố sức khuyên giải Liên. Ông cho rằng, tất cả câu chuyện
chỉ là một giấc mơ dài, Liên đã mơ bay đuổi A Trang, lại mơ thấy A
Trang hiện về, và trong giấc mơ Liên đã ôm chồng sách đi từ cái quan tài
giữa nhà ra cửa rồi bị một làn gió mà ngất đi. Liên vẫn khăng khăng đòi
đem chiếc quan tài ma quái sang nhà A Trang, như lời đã hứa trong giấc
mơ. Ông Phúc Thọ và bác sĩ Huy, sau cùng, phải chiều ý nàng.
Khi xe quan tài đến nhà A Trang, mọi người đều ngạc nhiên vì được biết rằng, A Trang vừa chết hồi nửa đêm.
Mẹ nàng kể lại rằng, lúc hấp hối, A Trang có kêu tên Liên nhiều lần.
Trước
xác A Trang phủ vải trắng, Liên lặng lẽ khóc bạn. Giòng lệ nhòa khiến
Liên tưởng như thấy lại bóng trắng đêm qua của A Trang trong giấc mơ,
đang mờ dần trong ánh trăng sương.
Tiếng khóc nỉ non của bà mẹ già, Liên nghe não nuột như một khúc nhạc sầu:
"A Trang con ơi!
"Lá vàng còn ở trên cây
"Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!
Nước
mắt Liên chan hòa, nàng muốn khóc lên một câu thật bi ai để vĩnh biệt
người bạn yêu quí, nhưng Liên không biết khóc gì cả. Nàng lặng im nhìn
tấm giấy báo che mặt A Trang phập phồng như muốn bay theo gió.
Ánh
nến chập chờn bỗng bị làn gió mạnh thổi tắt phụt, căn lều xiêu vẹo tối
sầm hẳn lại, trong đó tiếng khóc người mẹ già nức nở than van đau khổ.
"Lá vàng còn ở trên cây
"Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!
QUỐC BẢO
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 24, ra ngày 23-1-1972)