Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

ÔN CỦA THẠNH - Nguyễn thị Mỹ Thanh

Tranh vẽ : "Em Tôi" - Mỹ Thanh




Thạnh giận ôn (1) vô cùng. Đã nhiều lần, Thạnh mời ôn xuống chơi với Thạnh mà ôn chẳng xuống. Ôn cũng không nói một lời, chỉ cười và… cười thôi. Thạnh mời ôn ăn bánh, ăn kẹo, ôn cũng chẳng thèm ăn. Thậm chí cả những lúc má bưng mâm cơm lên để trước mặt ôn, ôn cũng không thèm cầm đũa, ôn cũng không buồn nói một câu. Để rồi má phải bưng xuống, rồi ba má, anh chị, và Thạnh xúm lại ăn. Ôn ngồi đó một mình. 

Ôn có ghét ba, ghét má, ghét Thạnh không? Chắc là không rồi, vì má đã nói với Thạnh nhiều lần, ôn thương con cháu lắm, không chừa một đứa nào. Má còn kể cho Thạnh nghe, hồi trước, hồi chưa có Thạnh ấy, ôn thường dẫn cháu đi chơi, mua bánh thật ngon cho cháu ăn; ôn thường đọc truyện, ngâm thơ cho mọi người nghe. Anh Tâm, chị Tân, chị Thanh, ai cũng được ôn cưng chiều, săn sóc từng tí. Thế tại sao bây giờ có Thạnh, ôn lại không bồng Thạnh, kể chuyện cho Thạnh nghe? Mà Thạnh đâu có xấu xí gì! Thạnh cũng trắng, cũng mũm mĩm dễ thương như ai vậy. Thạnh lại lễ phép nữa, má khen Thạnh hoài cơ! Ăn gì Thạnh cũng mời ôn – mà ôn chẳng bao giờ thèm ăn với Thạnh. 

Thạnh thấy ông nội của thằng Tí, ông ngoại của con Cúc, chiều nào cũng dẫn tụi nó đi chơi. Có lần tụi nó nhõng nhẽo, ông cũng chịu khó dỗ dành, còn cõng tụi nó trên lưng. Ông chúng nó cũng có râu, có tóc màu trắng như ôn của Thạnh vậy. Mà sao ông tụi nó thương tụi nó quá, còn ôn, ôn thương Thạnh mà sao ôn chả bao giờ nói chuyện với Thạnh nữa là dẫn Thạnh đi chơi. 

Thạnh muốn khóc quá, thế mà cả nhà chẳng ai thắc mắc như Thạnh cả. Ai cũng xem việc ôn im lặng là sự dễ hiểu. Ba cũng không buồn, má cũng không trách. Cả anh Tâm nữa, anh cũng không nhớ những ngày còn nhỏ ôn cưng anh vô cùng hay sao? Chắc tại các anh chị đã lớn nên chẳng còn nhớ, chẳng còn thèm được ôn cưng chiều. Chớ riêng Thạnh, Thạnh chưa bao giờ được ôn để ý tới. 

Tuy giận ôn, nhưng Thạnh để trong lòng, không nói ra đâu! Trước mặt ôn, Thạnh vẫn vui vẻ, hỏi han ôn, kẻo ôn thấy Thạnh nhăn nhó khó ưa, ôn hết thương Thạnh làm sao? Thạnh tin rằng ôn vẫn thương Thạnh, vì ôn mải cười, ôn cười với Thạnh hoài thôi! 




Thằng Tí nói với Thạnh rằng hôm nay trong bữa cơm ông nội của nó đánh rơi cái chén vỡ tan tành. Mẹ nó lặng thinh hốt mảnh vỡ cho vào thùng rác. Mẹ nó bảo rằng tay ông nó bây giờ run nhiều nên ông cầm chén không vững. Nó còn cho Thạnh biết là tay ông nó nhăn nheo lắm, nhăn hơn da mặt nữa. 

Tay ông nó nhăn nheo??? Thạnh giật mình. Không phải chuyện ông của thằng Tí làm Thạnh suy nghĩ, mà vì Thạnh vừa khám phá ra một điều kinh khủng – kinh khủng lắm, đối với Thạnh. Tại sao thằng Tí sờ tay ông nó được để biết rằng tay ông nhăn? Còn Thạnh, chưa bao giờ Thạnh sờ tay ôn, không, đúng hơn là chưa bao giờ Thạnh được thấy tay ôn. A, ôn của Thạnh không có tay! Và cả chân nữa, ôn cũng… không có nốt! Thạnh chỉ trông thấy, năm này qua tháng nọ, từ đầu cho đến vai ôn mà thôi. Một điểm khác biệt nữa giữa ôn với ông nội của thằng Tí mà bây giờ Thạnh mới để ý đến, là: ôn của Thạnh không bao giờ rời chỗ đứng hay ngồi để đi đâu. Vì ôn không có chân. Vô lý quá! Đầu óc Thạnh rối tung cả lên rồi! Ôn nhất định có chân, và có tay, mà ôn muốn giấu, nên suốt năm ôn đứng nấp sau chiếc tủ gỗ cao. Cả gương mặt ôn cũng giấu sau một tấm kính trong veo. Má cứ cấm Thạnh không được chơi đùa đàng sau tủ nơi ôn đứng má bảo sợ Thạnh chạy nhảy đụng bể đồ đạc hay làm ngã tủ rồi vỡ những bình tách trong ấy. Bây giờ Thạnh biết là má dối Thạnh, cả nhà đều dối Thạnh. Cả nhà đồng lòng để ôn đứng giấu mình sau tủ. Và ba đã cẩn thận “che” ôn lại bằng cách để nào là cờ xí, nào là bảng đen, nào là gậy gỗ ở sau tủ nữa. Hèn gì ai cũng tỉnh bơ hết, không băn khoăn nghĩ ngợi như Thạnh. Mà để làm gì? Không ai thương ôn hết hay sao? Không ai muốn cho ôn đi đây đi đó, bồng ẵm Thạnh, nói chuyện cho Thạnh nghe hay sao? Biết được điều này, thật là một khám phá phi thường của Thạnh. 

Thạnh cứ đứng nhìn ôn mãi, làm má phải gọi Thạnh đi ăn cơm sớm. Thạnh sẵn dịp hỏi má tại sao ôn không chơi với Thạnh, thì má cười xòa và lảng qua chuyện khác. Thạnh tức tối hết chịu được rồi! Ôn ơi! Sao ôn cứ nhìn Thạnh cười mãi? Ôn không thấy Thạnh sắp khóc đây sao? Ôn có đói, có buồn không? Ôn ở mãi một chỗ như thế, ôn không chán sao? Sao ôn không ăn uống, ngủ nghỉ như ông nội của thằng Tí? Ôn đứng mãi sau tấm kính, sau cái tủ to lớn thế kia không sợ muỗi nó đốt cho hở ôn? Ôn cũng không biết nóng sao? Và ngay bây giờ, trời hơi lành lạnh rồi, Thạnh phải mặc áo ấm vào đây, còn ôn, ôn có biết lạnh không? A, chắc là ôn có lạnh, bằng cớ là má mới thắp cho ôn hai ngọn đèn cầy đặt trên hai cái giá bằng đồng sáng loáng. Thạnh ghét ôn lắm! Sao ôn không sưởi ấm bằng lò than như ông nội của thằng Tí, ông nó vừa sưởi vừa kể chuyện cho nó nghe, thích quá! Ôn sưởi bằng hai ngọn đèn cầy làm sao ấm được? Đúng là ôn không thương Thạnh. Ôn chỉ ở mãi một chỗ, ôn vui với hai ngọn đèn cầy, với cái lư đồng to và nặng, với bình rượu đặt trước mặt, và với cái bát bằng sành trong có cắm thật nhiều nhang. Tất cả những thứ đó, Thạnh được má cho biết là cái “bàn thờ”. 




Má mua thật nhiều hoa, hai nải chuối và đầy một giỏ nào bánh trái, nào gà vịt. Để làm gì vậy má? Má nói: “Để cúng ôn”. Rồi má bảo Thạnh đi quét nhà, lau bàn phụ má. Những công việc này không quá nặng nhọc đối với Thạnh đâu! Cây chổi to và nặng thì Thạnh cầm bằng hai tay. Cái bàn hơi cao thì Thạnh sẽ bắc ghế để lau vậy. Nhưng Thạnh không thích làm những thứ đó chút nào, vì Thạnh thấy thích được mang những lư đồng và chân nến xuống lau chùi với ba hơn. Ba không cho Thạnh làm phụ, mà bảo:
 
- Thạnh còn nhỏ, bưng mấy thứ này rớt giập chân đó!
 
Thạnh còn nhỏ!!! A, thì ra mỗi khi không muốn cho Thạnh làm cái gì, cả nhà chỉ việc mang cái điều “Thạnh còn nhỏ” ra để cản Thạnh. Thạnh đã hơn ba tuổi rồi, má bảo vậy. Thế bao giờ Thạnh mới được kể là lớn? Phải bằng ba mới là lớn hay sao? Hay là phải bằng… ôn? A! Thạnh chưa được biết tuổi của ôn. Khi Thạnh mang điều này hỏi ba, thì ba bảo:
 
- Nếu ôn còn sống, thì ôn hơn bảy mươi tuổi rồi.
 
Ôi Trời! Thêm một sự thắc mắc cho Thạnh nữa. Nếu ôn “còn sống”, chứ bây giờ ôn “không còn sống” hay sao? Vậy thì ôn đang làm gì, ôn đang đứng đó cơ mà! Nếu lời ba có lý, thì Thạnh có thể hiểu lờ mờ được. Sống là biết ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng; là biết đi đứng, hát ca và kể chuyện. Ôn của Thạnh “không còn sống”, nên ôn không biết những thứ đó, nên ôn cứ đứng im lìm mãi sau tủ, che mặt bằng khung kính trong veo. Nếu vậy thì một người “không còn sống” là một người không hề cử động, không hề giận, không hề vui. Nếu vậy thì tội nghiệp ôn của Thạnh quá đi! Ôn không được sung sướng như mọi người. Tự nhiên Thạnh thấy bực tức. Tại sao cả ba, má, anh chị đều đồng lòng để ôn đứng một mình sau tủ? Thạnh thì không chịu để như thế, vì ôn cũng cũng có thể trở thành một người “còn sống”, biết nói năng, đi đứng, nếu… a, nếu Thạnh “cứu” ôn ra khỏi chỗ này!... 

Thạnh nhất định “cứu” ôn, nên chờ cho ba chùi xong bộ lư, đặt ngay ngắn trên bàn thờ của ôn rồi ba đi rửa tay, Thạnh bắt đầu công việc. Thạnh nhìn trước, ngó sau, không thấy một ai. Má bận xào nấu gì dưới bếp. Anh chị Thạnh đi học cả. Thế là dễ dàng cho Thạnh rồi! Thạnh bước từng bước rất khẽ, đến gần tủ thờ. Thạnh dòm sau lưng tủ: tối om om. Tối thế này thì chắc chắn là nơi tụ họp của muỗi, nếu thế thì tội nghiệp ôn quá! Ôn chẳng được ngủ trong mùng màn. Phải cứu ôn ra ngay. Thạnh xách cây cờ, rồi đến mấy cây gậy chạm trổ má bảo là của ôn – dựng ra ngoài. Đến tấm bảng đen thì hơi nặng, Thạnh phải vận hết sức lực mới bê ra được mà không gây tiếng động. Bên trong vẫn tối đen. Thạnh ghé đầu vào, gọi nhỏ:
 
- Ôn ơi! Ôn ơi!..
 
Chẳng nghe gì hết, Thạnh lại gọi nữa. Ôn chẳng lên tiếng trả lời. Ôn không hề hay biết gì. Đến nỗi này thì Thạnh phải làm liều. Thạnh đến trước bàn thờ, lấy cây đèn cầy ba thắp ban nãy đem lại soi vào khe hở sau tủ. Ánh sáng vàng vọt soi đủ cho Thạnh thấy không có ôn đứng ở đó. Mà, ghê khiếp quá, Thạnh thấy rõ ràng, bám trên lưng tủ, một con vật gì to bằng bàn tay, đen ngòm ngòm, có rất nhiều chân dài thật dài, bị động đang bò về phía Thạnh. Ba ơi, má ơi, cứu Thạnh với! Và cứu ôn của Thạnh luôn!.. Ôn ơi! Ôn ơi!... 




Thạnh không bị ngất, mà chỉ bị “mất hồn”, nói theo như má. Ba má, và cả mấy anh chị vừa đi học về tới, xúm lại thoa dầu, hỏi han Thạnh. Thạnh hết giấu nổi, kể hết những ý định của mình và những công việc “cứu ôn” để rồi phải gặp con quái vật ghê tởm kia. Chị Tân cắt nghĩa cho Thạnh rằng con quái vật đen ngòm có thật nhiều chân ấy gọi là con “nhện”, nó chả cắn gì Thạnh đâu. Ba thì bảo rằng ôn không có đứng sau tủ như Thạnh tưởng. Khuôn mặt của ôn mà Thạnh thấy hàng ngày đó, ẩn sau tấm kính đó, chỉ là tấm ảnh của ôn, ba má đặt lên để thờ. Còn ôn ở đâu? Ôn ở một chỗ khác, không phải nhà nầy. Ôn có nhà riêng. “Nhà” của ôn đẹp lắm! Thạnh còn bỡ ngỡ, thì má mang ra một tập hình, chỉ cho Thạnh xem “nhà” của ôn. Và Thạnh đã thấy trong những tấm hình ôn có đủ cả tay, chân. Có hình thì ôn bồng anh Tâm lúc anh hãy còn nhỏ lắm. Có hình ôn đang ngồi uống rượu. Có hình ôn đang ngồi bên gốc thông già. Ôn cũng giống như ông nội của thằng Tí, nghĩa là, trong những tấm ảnh đó thì ôn đúng là “một người còn sống”. Má nói – chính những lời má nói là khám phá to lớn nhất của Thạnh – rằng ôn đã “chết” từ chín năm nay, hồi đó Thạnh còn ở… tận đâu đâu. 

Ôn đã "chết"! Thạnh suy nghĩ thật nhiều… Và khi ba thắp nhang, má bưng một mâm cơm thật ngon đến đặt trước mặt ôn. Ôn vẫn ngồi đó, ôn vẫn cười như đã cười với Thạnh, và không ăn. Để rồi như mọi lần trước, má lại bưng xuống, rồi cả nhà quây quần lại ăn. Mọi người vẫn xem như bình thường, nhưng riêng Thạnh thì… Không, Thạnh không thắc mắc nữa, mà Thạnh buồn. Thạnh nhìn lên hình ôn mờ ảo sau làn khói của hương và của đèn cầy. Thạnh thấy như đang mất mát một thứ gì thật quý. Lung linh trong khói, ôn vẫn cười với Thạnh, mà sao trên má Thạnh nước mắt đã chảy dài rồi đây!

----------------- 
(1) Ôn : Tiếng miền Trung gọi ông.
Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 144,  ra ngày 1-1-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com