– HOÀNG SA, XƯA
_______________________
Sách LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ của ông PHAN HUY CHÚ (1) nói về quần đảo HOÀNG SA như sau:
–
Phủ Tư Nghĩa (2) ở giữa trấn Quảng Nam. Về mạn thượng du, núi kéo ngang
liền nhau ; mạn dưới giáp biển lớn, khoảng giữa địa thế rộng thoáng
(...). Lại có đảo lớn đảo nhỏ ở ngoài biển, cảnh vật tốt đẹp, những vật
lạ đều có ở đấy cả.
Xã
An Vĩnh, huyện Bình Dương (3) ở gần biển. Ngoài biển phía đông bắc có
đảo Hoàng Sa nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ chỗ núi
chính ra biển sang các đảo khác ước chừng hoặc một ngày hoặc vài trống
canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước 30
dặm, bằng phẳng rộng rãi. Trong bãi có dòng nước trong suốt đến đáy.
Sườn đảo có vô số yến sào ; các thứ chim có đến hàng nghìn vạn con, thấy
người vẫn cứ đỗ quanh, không bay tránh. Bên bãi cát, vật lạ rất nhiều,
có thứ ốc có vân gọi là ốc tai voi to như cái chiếu, trong bụng có hột
châu to bằng ngón tay cái, nhưng sắc nó đục, không bằng ngọc châu ở
trong con trai ; vỏ nó đẽo đi làm bia được, lại có thể nung làm vôi để
xây tường. Có thứ ốc gọi là ốc xà cừ, có thể khảm vào các đồ vật ; có
thứ gọi là ốc hương. Thịt các con trai con hến đều có thể làm mắm hoặc
nấu ăn được. Có thứ đồi mồi rất lớn, gọi là hải ba, mai nó mỏng, có thể
ghép làm các đồ vật ; trứng nó như đầu ngón tay cái. Lại có thứ gọi là
hải sâm, tục gọi là con đột đột, nó bơi lội ở trên bãi cát, bắt về, xát
vôi qua, rồi bỏ ruột đi phơi khô. Khi nào ăn, lấy nước cua đồng mà ngâm,
nấu với tôm và thịt lợn, ngon lắm. Các thuyền buôn khi gặp gió thường
núp vào đảo này.
Các
đời chúa Nguyễn (4) đặt Đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay
phiên nhau đi lấy những hải vật. Hàng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được
mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra
biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy. Ở đây tha hồ kiếm các thứ : bắt cá
ăn, tìm được những thứ của quí của bọn Tàu-ô (5) rất nhiều và lấy được
hải vật rất nhiều. Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yếu môn (6)
đến thành Phú Xuân, đưa nộp.
... VÀ NAY.
___________________________
(Viết theo tài liệu của TUYỂN TẬP QUÂN HUẤN 2-73 và BÁCH KHOA 404)
Quần
đảo Hoàng Sa hay Cát Vàng (trên bản đồ người Pháp gọi là Paracels) là
một chuỗi cù lao ngoài khơi bờ biển Việt Nam, giữa các kinh tuyến 111º – 113º Đông Greenwich và vĩ tuyến 15º 45' Bắc. Cách Huế khoảng 450km và cách Đà Nẵng chừng 300km và chia làm 2 nhóm:
1–
NHÓM TUYÊN ĐỨC, gồm có các đảo chính: Đảo Bắc (Ile du Nord), Đảo Trung
(I. Milieu), Đảo Nam (I. du Sud), Đảo Phú Lâm (I. Boisée), Hòa Dá (I. du
Rocheuse), Đảo Linh Côn (I. Lincoln), Đảo Cù Mộc (I. à I' Arbre) và
Bane du Sud. Hai đảo Linh Côn và Phú Lâm đã do Trung cộng chiếm đóng từ
lâu. Người Pháp đã đặt tên nhóm đảo này là nhóm AMPHITRITE vì người Pháp
đã đặt chân lần đầu tiên lên các đảo này năm 1568, khi chiếc tàu mang
tên Amphitrite bị bão đánh dạt vào đây.
2–
NHÓM NGUYỆT THIỀM, còn được gọi là CROISSSANT vì các đảo trong nhóm này
nằm rải rác theo hình vành trăng lưỡi liềm gồm có các đảo chính: Đảo Hoàng Sa (Ile du Pattle), Đ. Cam Tuyến (I. Robert), Đ. Vĩnh Lạc (I. Money), Đ. Quang Hòa (I. Duncan), Đ Duy Mộng (I. Drummond), Đ. Bách Quy (I. Passu), Đảo Tri Tôn (I. Triton) và Bane des Observations.
(Các đảo in chữ nghiêng có các đơn vị Địa Phương Quân của ta trú đóng).
Diện
tích toàn thể ước lượng 11 cây số vuông. Trừ đảo Ile Boisée là có cây
cối rậm rạp, các đảo khác toàn là bãi cát hoặc lơ thơ vài bụi rậm không
có dân cư trên đảo, ngoài binh sĩ trú phòng.
□
NGUỒN LỢI
_______________________
Các nguồn lợi ở đây gồm có hải sản và khoáng sản.
HẢI
SẢN: Nhóm Croissant xưa kia là một miệng núi lửa, ngày nay trở thành
sào huyệt trú ẩn của rất nhiều loại cá. Hải sản là nguồn lợi rất lớn ở
đây đã quyến rũ các ngư phủ Trung cộng. Đầu năm 1959, Hải Quân Việt Nam
đã từng bắt được 40 ghe đánh cá Trung cộng và đem về Đà Nẵng lưu giữ
trong 6 tháng.
● Hoàng
Sa cũng có rất nhiều rong biển có thể dùng làm rau câu (thạch). Người
Nhật cũng thường đến lấy rong biển xanh và nâu về làm thức ăn.
● Nhiều
nhất là Hải điểu và chim yến. Vì 4 đảo chính có người ở nên chim dồn về
hai đảo Money và Observation. Trứng chim đầy dẫy trên đảo, phải cẩn
thận mới khỏi đạp nhằm. Có thể lượm được từ 3000 đến 5000 trứng mỗi lần.
Trứng nhỏ hơn trứng gà, ăn rất ngon và là nguồn thực phẩm thường xuyên
cho những người sống trên đảo. Trái lại thịt chim ăn rất tanh. Chim ở
đây nhiều đến nỗi mỗi khi bị đuổi bay lên rợp một góc trời, lấy đá chọi
cũng rớt.
● Ngoài
ra từ lâu đời các dân chài thường ghé lên đảo bắt vịt, rùa, đồi mồi...
Rùa và vịt thường lên đảo đẻ trứng về đêm. Vịt là thức ăn rất dồi dào đủ
nuôi sống những người trên đảo.
KHOÁNG
SẢN Nguồn lợi về khoáng sản ở quần đảo Hoàng Sa là Phosphate. Phosphate
do phân chim tác dụng lên đá vôi do sự phân hóa của san hô. Về phương
diện này Hoàng Sa có một nguồn tài nguyên bất tận. Chung quanh tất cả
các đảo là những bãi san hô, và cả một vùng biển rộng chỉ có Hoàng Sa
làm nơi cho chim biển trú ngụ...
Do
đó, các đảo Pattle, Robert, Money, Duncan và Drummond, theo tài liệu
của Tổng Nha khoáng chất và công kỹ nghệ, mỗi đảo có thể khai thác được
từ 500.000 tấn đến trên một triệu tấn phosphate.
Trong
quá khứ, từ năm 1925 đến 1933 người Nhật đã triệt để khai thác
Phosphate tại quần đảo này. Kế tiếp là người Trung Hoa. Đầu năm 1959 một
Công ty Việt Nam cũng khởi sự khai thác Phosphate nhưng không hiểu sao
đã ngưng hoạt động vào năm sau đó, khi mới khai thác được chừng 20 ngàn
tấn.
Vài
nhật báo còn nêu giả thuyết có thể có dầu hỏa tại đây, nhưng theo các
nhà chuyên môn về dầu hỏa cho biết khó thể có dầu hỏa ở Hoàng Sa, do vị
trí địa lý và sự cấu tạo địa chất của quần đảo.
HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM
___________________________________
___________________________________
Trên
đây chúng tôi chỉ có ý lưu tâm một vài tài liệu lịch sử địa lý, vài con
số, xưa cũ hay mới, để chúng ta có một ý niệm tạm gọi là rõ ràng về
quần đảo Hoàng Sa, phần lãnh thổ của Việt Nam vừa bị Tàu cộng đánh
chiếm. Tuy nhiên còn có nhiều tài liệu lịch sử và văn hóa rất có giá
trị, xưa hơn của người Việt và của người Tây phương. minh chứng rằng về
phương diện lịch sử, pháp lý cũng như địa lý và địa chất..., quần đảo
Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Nhưng phạm vi của tờ báo TH
không cho phép trích dẫn hết. Vả lại công việc đó là của những giới
chức và những cơ quan có trách nhiệm. □
T. Th.
GHI CHÚ
(1)–
PHAN HUY CHÚ (1782-1840) người xã Thụy Khê (Làng Thày) phủ Quốc Oai,
Sơn Tây. Bộ sách vĩ đại Lịch Triều Hiến Chương loại chí gồm 49 quyển
chia làm 10 bộ môn nghiên cứu (tức 10 loại chí) được coi như một loại
Bách khoa Toàn Thư đầu tiên của Việt Nam. Đoạn trích trên đây thuộc
quyển Dư Địa Chí, nghiên cứu về tình hình địa lý và lịch sử địa lý VN.
Bộ sách này ông Phan dâng lên vua Minh Mạng lần đầu tiên năm 1821 khi
ông giữ chức biên tu trưởng Quốc tử giám.
(2)– Tức Quảng Nghĩa, Quảng Ngãi ngày nay.
(3)– Tức Quận Bình Sơn, Quảng Ngãi.
(4)–
Thao sách Phủ Biên Tạp Lục của ông Lê Quí Đôn (viết khoảng 1775-1776)
do Nb. Chính Luận trích dẫn ngày 30-1-74, thì bắt đầu từ đời Chúa Nguyễn
Hiền Vương. Sách viết "Năm 1638, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đã tuyển
ngư phủ hải đảo Lý Sơn để thành lập Đội Hoàng Sa".
(5)– Tức bọn cướp biển.
(6)– Tức Cửa Thuận An ngày nay.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com