Sáng
hôm ấy ba mẹ tôi có công việc phải về quê, nhà chỉ còn chị Mai, anh
Hoàng với tôi ; bà Tư, người giúp việc, thì vì còn bịnh nên đã xin nghỉ
từ hôm qua.
Sắp ra xe mẹ đưa tờ giấy hai trăm cho chị Mai, dặn:
- Con nấu đồ ăn giùm mẹ một bữa nhé.
Chị Mai chưa kịp lấy tôi đã la lên (ấy.., tôi vẫn có tật hễ thấy tiền thì không làm sao Stop cái miệng được):
- Ối! Không được đâu mẹ ơi.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Sao lại không?
Cố làm ra vẻ ngang nhiên tôi nói:
- Mẹ đưa chị Mai tiền nhiều quá vậy?
- Thì các cậu ăn nhiều chớ có gì mà lo.
- Không! Mẹ đưa nhiều con biết chắc chắn thế nào chị Mai cũng... cũng...
- Cũng thế nào hử? – Chị Mai hỏi giọng bực tức.
- Cũng... cũng... ăn lời bớt hè.
Giận đỏ mặt, chị Mai hét:
- Thì mày giỏi lãnh đi.
- Ô kê sa lem. Được, chị khỏi sợ ế. Tụi nầy đang thất nghiệp đây.
Anh Hoàng từ trong nhà chạy ra giật lấy tờ giấy bạc trên tay mẹ rồi nói với tôi:
- Lãnh gấp hén Dũng. Tụi mình nấu "cỗ" một cây mà. Cho chị Mai hết khi bọn con trai vô tích sự phải không mày.
- Ừ! Lãnh gấp.
- Thì lãnh đi. – Chị Mai chạy vào phòng đóng "sầm" cửa lại.
*
Nói
thì dễ nhưng khi thực hành tôi mới thấy là cả một việc làm rất ư... con
gái. Trước hết chúng tôi kéo nhau vào phòng soạn thảo. Anh Hoàng đề
nghị:
- Bây giờ tụi mình mỗi đứa "đớp" một dĩa cơm gà rồi mua cho chỉ hai chục đồng "xá xíu" là xong.
- Không được đâu.
- Tại sao lại không? Như vầy khỏe quá rồi.
- Chị Mai chỉ đang tức mà mình làm thế không ổn rồi đó. Hơn nữa phải cho chỉ biết tài chớ.
- Vậy thì món gì bây giờ?
- Món canh cải.
- Ui chà! Tao ghét món nầy lắm.
- Nhưng mà cũng phải nấu.
- Sao vậy?
- Tụi mình nấu món nầy để "nịnh" chỉ chứ, thả con tép bắt con tôm mà.
- Thôi, tao cũng chiều mày vậy.
Anh
Hoàng đã chấp thuận, tôi nhanh nhẹn rút cây viết trong túi ra "gò" thật
đẹp lên tờ giấy gỡ trong cuốn Công dân hàng chữ "Thực đơn hôm nay".
Mười lăm phút sau bảng thực đơn đã soạn xong, tôi hớn hở bước vào phòng
chị Mai la to:
- Chị Mai ơi.
- Cái gì mà réo dữ vậy?
Đưa tờ thực đơn ra trước mặt chị tôi khoe:
- Em soạn xong sáu món "thiên đàng" hấp dẫn lắm nè, chị chịu không?
Chị Mai hất tờ giấy xuống đất, quát:
- Tôi không cần biết. Hừ! Hay dữ, "sáu món thiên đàng".
Hoảng hồn, tưởng chỉ hết giận chớ, ai dè... tôi cúi xuống nhặt nhanh tờ giấy chuồn ra cửa.
Thực
đơn đã xong nhưng cái công việc kế còn khó khăn hơn nhiều. Sau một lúc
bàn cãi, chúng tôi đồng ý: mượn mợ Tư nhà kế bên mua giùm đồ ăn, bởi vì:
- Không lẽ vác tấm thân bảy thước này đi chợ sao? "Quê" lắm.
- Đâu có được. Đâu có luật nào bắt con trai đi chợ phải không các bạn.
Gởi
mợ Tư mua giùm đã xong, tôi với anh Hoàng đem bàn cờ tướng ra đánh giết
thì giờ. Chơi được ba ván thì có tiếng mợ Tư gọi ngoài sau:
- Dũng ơi, ra lấy đồ ăn.
Tôi
vội vã chạy ra mở cửa, lấy cái giỏ vào sắp đồ ăn ra bàn rồi đem trả,
miệng lí nhí cám ơn. Đồ được sắp đầy cả mặt bàn, lũ ruồi đánh hơi rất
nhanh, tới tấp bay đến. Tôi phân vân:
- Nấu canh trước nghen anh Hoàng.
- Tùy ý "ngài" ạ! Moa không biết môn này.
- Không biết thì xem ta làm đây "tiểu tử".
Tôi kiêu hãnh "xổ nho" ra một tràng rồi vớ lấy cây cải rửa sạch đoạn cắt nhỏ ra bỏ vào rổ. Nhìn lên bếp:
- Trời ơi! Sao anh không nhúm lửa?
Anh Hoàng lật đật bỏ con dao xuống chạy lại bếp, năm phút sau lửa mới cháy, tôi để cái "soong" lên đổ vào một lon nước.
- Nước gì đó?
- Nước uống chớ nước gì.
...
Một giờ sau, các món bày la liệt trên bàn lúc nãy đã lần lượt đi "khám
nghiệm" rồi chôn vào "gác-măng-rê" chờ khách hàng chiếu cố, chỉ còn hai
món: nồi cơm và thịt bò chiên. Anh Hoàng giành lãnh nồi cơm, anh nói:
-
Để anh! Anh nấu cơm thì phải biết, "thần sầu quỉ khốc" lận. Có lẽ em
còn nhớ kỳ cắm trại vừa rồi anh đã làm tụi con gái lác mắt chớ.
- Vâng! Em nhường anh đó.
- Chiếu.
- Xập sĩ chớ gì.
- Chiếu.
- Xuống xe đỡ.
- Chiếu.
- Lên tượng...
- Chiếu... ha ha... ha... ha thua rồi "huynh" ơi.
Tôi cười nắc nẻ: anh Hoàng thua liên tiếp hai ván. Anh cúi gầm mặt xuống:
- Đánh bàn khác.
- Thôi! Anh đánh dở quá.
- Dở! Mày hay dữ, ăn hên không!...
Ván cờ khác được tiếp tục, nhưng không bao lâu thì... Ủa! Một mùi khen khét ở đâu bốc lên vậy kìa? Anh Hoàng nhổm dậy:
- Chết! Nồi cơm khét.
Anh không kịp xỏ chân vào dép, chạy xuống bếp, chụp lấy nồi cơm, bỗng la lên một tiếng rõ to:
- Oái.
Thì
ra vì quá hớp tớp, anh không lấy hai miếng vải kê cho đỡ nóng. Sau đó
lửa được sang qua lò kế và tôi bắt đầu trổ món ruột ra:
- Anh Hoàng ơi! Anh nấu cơm hay quá. Xem em làm thịt bò đây, vô địch Sàigòn đó.
Tôi bắc chảo lên, đổ vào hai muỗng mỡ (dĩ nhiên là mỡ heo) rồi cho nguyên đĩa thịt vào...
- Ý! Có ai trước kìa. – Anh Hoàng kêu lên.
Tôi nhìn ra cổng, mừng rỡ:
- Đích rồi anh Hoàng ơi! Người ta đem báo biếu đến đấy.
Rồi không để anh Hoàng ngạc nhiên lâu hơn, tôi mau mắn nói tiếp:
- Em trả lời Dzíc-Dzắc được trúng đó.
- Sao tao không thấy tên mày?
- Anh dốt quá. Dĩ nhiên là em chọn bút hiệu mà... – Tôi vừa đáp vừa chạy ra trước.
Cuốn
Tuổi Hoa nằm "chình ình" bên cửa sổ, có lẽ vì đợi lầu quá nên anh chàng
lúc nãy đi rồi. Tôi cầm tờ báo lên, chạy vào nhà mở tủ rút tờ Tuổi Hoa
mua hồi chiều hôm qua ra so sánh...
- Ý! Anh Hoàng ơi! Mực cuốn này đậm hơn cuốn mua hôm qua hén?
Anh Hoàng cầm hai tờ báo lên ngắm nghía:
- Ừ! In đậm hơn...
Chúng tôi sung sướng ca hát vang lên, quên hằn cái chảo thịt. Đến chừng chị Mai xuất hiện:
- Chảo khét kìa mấy "ông".
- Ối! Thôi rồi.
Đến
bây giờ tôi mới đánh hơi được cái mùi không khác mùi lúc nãy mấy, vội
chạy xuống, bên tai còn nghe rõ tiếng cười của anh Hoàng:
- Ha... ha... chị Mai ơi, thằng Dũng nấu đồ ăn "chì" quá hén...
*
Khỏi
nói chắc các bạn cũng hiểu bữa cơm trưa hôm đó rất là... không hấp dẫn
tí nào. Nhưng dầu sao tôi vẫn thích những lần như thế các bạn ạ: trong
túi tôi còn dư hơn bốn chục đồng. Một tháng mà ông bà "bô" đi chơi chừng
mười lần thì chắc tôi giàu mất...
Dũng Cao Thắng
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)