Sáng nay, trời bỗng lạnh bất ngờ. Hôm qua hãy còn oi bức và lá vàng
mùa thu rơi rụng khắp nơi. Hình như cơn lạnh đến nhẹ nhàng len lén trong
giấc ngủ say. Cái lạnh thành phố không bằng cái lạnh quê hương em nằm
giữa rừng cao su dày đặc. Nhớ những mùa xuân xưa lúc em còn bé xíu, còn
sống nơi quê hương thân mến. Ngày xưa thuở em còn học lớp nhì trường
làng. Một ngày đi học em đi bộ ngót ba cây số đường đất đỏ. Nhưng em đi
đường tắt bằng con đường nhỏ băng ngang rừng cao su. Em còn nhớ con
đường tắt này cô giáo em gọi tên là “con đường lá đổ”. Vì lúc sắp Tết lá
vàng rơi rụng khắp đường.
Những lúc đông về, sáng em dậy thật sớm gom lá để sưởi ấm. Hầu hết dân
làng đều sưởi như thế. Đường từ nhà em đến trường phải qua một ruộng môn
và giòng suối. Em rất thích nhìn những giọt sương trong suốt đọng trên
tàu lá môn. Buổi sáng sương mờ từ mặt nước bốc lên. Cây cầu khỉ chênh
vênh trên nền trắng đục của sương mai. Cạnh giòng suối có một gốc mai
vàng vào mùa này nở thật nhiều. Qua con suối thì em đã đến đầu đường lá
đổ. Mùa đông lá rụng tơi tả, cây khô phơi mình trên nền trời trắng đục,
lá xếp thật dầy, cao gần đến đầu gối. Vì lá dầy nên em nhiều khi hụt
chân xuống hố. Lá khô bay tung tóe, nhiều lúc chúng em nằm cả trên xác
lá để tìm hơi ấm.
Những ngày sắp Tết, em hay lang thang trong rừng cao su để tìm mai.
Cây trồng thật ngay hàng và vì vào đông nên rất dễ tìm. Đứng từ xa em đã
nhìn thấy màu vàng tươi của cành mai. Cành mai già cắm trong lọ hoa cổ,
bên cạnh quả dưa, bánh và nhang trầm khói bay lơ lửng trông đẹp vô
cùng. Nhiều lúc em còn kiếm cả lan rừng nữa. Vào mùa xuân, là mùa lan
nở, hương bay thoang thoảng khắp vùng.
Những ngày còn bé hơn, em cũng hay vào vườn cây. Không phải để tìm hoa mà để nghe chim cu kêu. Em nghe mẹ hát ru em:
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè”
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè”
Và chúng em đợi chim kêu để mau ăn chè ngày 23, tuổi nhỏ thật ngây thơ, hồn nhiên.
Ở quê, gần hết năm học trò thường đi Tết thầy cô. Món quà xuân của em
thường là trái cây trong vườn, hoặc tặng cô một cành mai vàng. Món quà
thật mộc mạc, chứa đựng tấm lòng trò nhỏ gửi đến cô. Và còn những buổi
liên hoan, những ngày ăn tiệc tất niên, thật nhiều kỷ niệm.
Gần đến Tết, em và chị em phải đi rọc lá. Lá chuối rất nhiều, phơi
đầy sân cát trước nhà. Bây giờ nhớ lại em thấy tiếc những ngày xưa còn
bé. Đêm giao thừa nấu bánh đợi xuân. Em được ưu tiên nằm võng bên cạnh
bếp lửa, lửa nổ tí tách nghe thật vui tai. Ở quê sung sướng nhất là
những khi sắp Tết, bên bếp lửa gia đình đoàn tụ ai ai chắc cũng thấy
lòng mình nhẹ nhàng thư thái. Hương yêu gia đình quyện tỏa khắp nơi,
những câu chuyện cổ tích, chuyện Tết kể dòn như bắp. Ngày ấy, em nằm
võng ăn mứt, nghe chuyện cổ tích và thỉnh thoảng vuốt hàm râu trắng của
ngoại. Khi bánh chín thì cũng đến giao thừa. Lúc còn bé, em cố thức đến
giao thừa để khai bút và để được đốt pháo. Xuân nào ông ngoại cũng treo
một xâu pháo thật là dài. Ngoại nói pháo nổ là niềm vui mừng năm mới,
xác pháo đỏ là sự sung túc. Giờ em thấy những tập tục đó đáng yêu, vì
cây nêu bay theo ngọn gió xuân là hình ảnh mùa xuân quê hương thiết tha
nhất, dân tộc nhất.
Sau đó, làng thường có hội hè đình đám. Em tiếc ghê, vì lúc đó em còn
bé, chưa được tham dự những trò chơi vui hay ấy. Bọn trẻ chúng em thì
đi xem múa lân, tối thì xem hát bội. Những trò vui ở thôn quê có vẻ nhộn
nhịp vô cùng, không có vẻ giả tạo như ở thành thị. Từ ngày viết thiệp
xuân, em thấy mình đã cởi bỏ lớp áo mộc mạc nhà quê để giờ thì luyến
tiếc ngẩn ngơ. Lúc bé, ngày xưa khi tất niên, mỗi đứa phải lên chúc
thầy, cô và cả lớp. Những lời văn ngộ nghĩnh, mộc mạc mà giờ em còn nhớ.
Mùa xuân này nữa là 3 mùa em xa quê hương. Ở tỉnh lỵ này đôi lúc em
cũng cảm thấy chút không khí quen thuộc của miền quê khi đi xa thành
phố. Em nhớ cái lạnh đặc biệt của rừng cao su, của núi đồi.
Qua mùa xuân này, chắc cao su sẽ ra lá non, những chiếc lá thật xanh, thật mát dịu như màu xanh thanh bình của quê hương em.
Trần Hữu Nghiêm
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 122, Xuân Canh Tuất, ra ngày 15-1 và 1-2 năm 1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com