Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

KHI MÙA XUÂN ĐI QUA - N.T. Nguyễn


1 – HẠT NẮNG TRONG VƯỜN 

Quyển nhật ký đầu tiên, em đã tẩn mẩn tô đậm một chữ Q hoa ngớ ngẩn ở trang nhất. Một chữ Q hoa tròn và xinh như mắt Vũ. Em nhớ đôi mắt Vũ vào buổi chiều một ngày thứ sáu trời mưa. Mưa nhỏ, không đủ để làm ướt hết những bậc thang trắng dẫn lên phòng em, không đủ để làm rộn sự thinh lặng của một ngày sắp vào quên lãng – và em nghe cả tiếng thời gian lướt qua không khí êm như nhung tơ – mưa nhỏ, vừa vặn để ươm mơ lên tóc Vũ khi Vũ đến như một Thiên Thần nhỏ giữa cơn mưa, giữa đống sách vở đầy đặc chữ của kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt còn bừa bộn trên bàn, giữa những muộn phiền chất ngất quanh em. Khi chiếc lọ trắng còn nguyên cành Kim Hài héo úa hôm qua và trong ngăn kéo bình ô mai đã hết nhẵn tự lúc nào. Vũ đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời, mũm mĩm để nước mưa chảy qua những kẽ tay nghịch ngợm, lá xanh ngoài vườn ướt mượt, bóng loáng nước mưa, hắt vào Vũ những đốm sáng long lanh, trong suốt. Hôm đó, Vũ mặc chiếc robe ngắn, màu xanh da trời, một chiếc foulard đen quấn quanh chiếc cổ Thiên Nga, má Vũ hồng, môi Vũ đỏ, em thấy Vũ dễ thương vô cùng. Buổi chiều thứ sáu trời mưa nhỏ, gió không đưa những chiếc lá nâu từ ngoài vườn cây len qua song cửa vào trên bàn học, gối đầu lên những cuốn vở bao xanh như yên ngủ. Gió không nhiều, mưa không lớn – nhưng cũng đủ lạnh để giữa cơn sốt em phải co ro như một con mèo ốm. Em ngồi trên chiếc ghế bành nhỏ, kê dưới bức tranh đầy màu xám của chú Tín. Bức tranh vẽ hình người thiếu nữ áo vàng như màu lá chết, độc hành trên con đường đá xám lặng câm, con đường có một cành cây khô héo đã bao năm còn trơ một chiếc lá quạnh hiu lay lắt trên cành. Con đường dẫn về ngôi giáo đường già nua, im bóng cúi đầu đàng xa, trời hiu hiu, một con chim trắng cất cánh lờ mờ lẫn trong mây như một vệt nắng trong đêm sương mù, buồn buồn, lặng lẽ. Bức tranh đó của chú Tín vẽ cho em năm ngoái, nhân chuyến phép bảy ngày của chú. Chú chớp mắt: “Bảy ngày, cho cháu hai ngày, còn năm ngày cho cô Thanh, nha Nguyễn?” Em cười lắc đầu không chịu, chú cũng cười và em ngỡ chú quên mất. Ngày chú đi, buổi chiều về học trong cơn mưa, mưa cuối hạ to ơi là to và em ướt hết từ đầu đến chân – em lập cập vào phòng và ngỡ ngàng thấy bức tranh nhỏ treo trên tường và một tờ giấy xanh dằn dưới lọ mực Quink blue noire của em. Tờ giấy mang nét chữ tháu đẹp vội vàng của chú, nét chữ đã nhòe vì nước mưa tạt vào từ cửa sổ. Khi em đi học quên cài then kỹ, gió làm tung hai cánh cửa trắng và cơn mưa ào ạt vào phòng, làm ướt hết tờ thư xanh của chú. Em vuốt lại tờ giấy mỏng: “Nguyễn. Chú chả bao giờ hứa cuội với Nguyễn đâu. Hai ngày của cháu đó, bằng lòng không cô nhỏ? Cháu vẫn than với chú là bốn bức tường xanh của cháu thiếu một bức tranh màu xám cơ mà. Chú dành cho cháu quyền đặt tên cho bức họa đó, chịu không?… Chú Tín”. Chỉ có thế. Em khép hai cánh cửa sổ, trở lại bên bức tranh sờ lên mép vải nhám màu. Màu xám của chú buồn quá chú ạ! Và mãi rồi, em tìm được cái tên nho nhỏ “Bơ Vơ”, ai bảo chú vẽ cảnh chi cũng cô độc vô cùng – Bơ vơ. – Lần về phép sau em nói cho chú nghe điều đó, khi hai chú cháu ngồi ngoài ban công hứng gió chiều. Chú khen: 

– Ừ! Cháu tìm ra cái tên hay quá, thế mà chú nghĩ mãi chả ra. 

Em chọc: 

– Chú mắc nghĩ đến “tóc thề xứ Huế” chứ còn chi đầu óc mà nghĩ đến cái tên cho bức họa! Chú xạo nhé! 

“Tóc thề xứ Huế” là cô Thanh ấy, tóc cô dài và đẹp ơi là đẹp, em thích ngồi nghe cô líu lo giọng Huế – giọng Huế dễ thương và mong manh. Cô làm em yêu mê xứ Huế, mê trường Đồng Khánh, mê cầu Tràng Tiền, mê áo trắng, tóc thề, nón bài thơ của học trò Huế chập chờn trong sương mờ buổi sáng, mê cả Huế cổ hủ thành kiến trong Mưa Trên Cây Sầu Đông của Nhã Ca nữa. Huế của cô Thanh dịu dàng, thùy mị, và thơ ngây. Năm đệ thất, em được học một cô giáo Huế – họ Công Tằng Tôn Nữ – Huế của cô đoan trang, kín đáo và quí phái vô ngần. Em mê Huế từ đó. 

Chú Tín cười không nói. Em thắc mắc: 

– Chú ạ! Chú vẽ bức tranh chi buồn quá. Sao chú thích màu tối thế chú nhỉ? 

Chú nhìn mênh mông ra xa, hoàng hôn lên tím ngắt cả chân trời, bàng bạc vài áng mây trôi về phương bắc, lững lờ đọng lại mắt chú vẻ buồn tênh. 

– Phải nói là chú yêu màu tối, yêu bóng tối. 

Em thấy tâm hồn chú khó hiểu như màu đen của màn đêm thâm u. Và ngại ngần không dám hỏi gì chú nữa. Mỗi người lớn là một thế giới riêng biệt, kín đáo, lạ lùng và đôi khi quái gở nữa. Em nghĩ mà lo một ngày kia nếu Vũ, nếu Phạm, nếu Trần, nếu em đều lớn – làm sao tránh khỏi điều đó? – Là khi bị ném ra khỏi vườn thơ ấu, chập chững bước chân trưởng thành trên con đường hun hút đời mình, một mình mà đi cho đến hết đời. Lúc đó hẳn là cô đơn lắm? Cô đơn nên không ai hiểu được ai, không ai biết được ai và bao giờ mới có một giao điểm hạnh phúc của hai con đường? Có con đường ngàn đời thẳng tắp, có con đường quá nhiều giao điểm để lòng người rối chỉ bâng khuâng. Em không biết về cuộc đời. Bởi vì em chưa vào đời – và em cũng chưa muốn phải vào đời – em còn nguyên bóng mát trong vườn sách vở gia đình. Em có bạn bè thân ái, có gia đình diệu vợi thân yêu và ai cũng khuyên em đừng để vẩn vơ trí nghĩ vì những chuyện đâu đâu! Nhưng, rồi em cũng quên đi… 

Bây giờ trời đang mưa nho nhỏ, bức tranh còn nguyên màu xám buồn phiền, mấy cành hoa cúc trắng Vũ vừa đem đến hồi nãy vươn lên lóng lánh sương mưa. Một điệu nhạc êm đềm từ chiếc radio tỏa ra ấm cúng du hồn em vào những note nhạc lênh đênh. Em thu hai tay trong túi áo len, chiếc chăn mỏng phủ kín đôi chân lạnh buốt. Em ốm đã ba hôm nay, cơn bệnh vừa đủ nặng để em phải bỏ những giờ học ở trường, nằm nhà, rưng rưng nhìn mưa rơi ngoài song cửa nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ con phố đi về có những cửa hiệu chen nhau. Có cả một hiệu bán hòm mà em và Phạm vẫn bấm nhau cười nho nhỏ. Có cả một khoảng đường đầy hương sứ, sứ trắng, sứ hồng, vương trên tóc Phạm xinh xinh. 

Em khoanh tay lại, cơn sốt vẫn còn mang máng trong trí nghĩ. Gió lạnh lùa qua những sợi tóc hoe dài làm em khẽ rùng mình đan những ngón tay vào sâu trong tóc. Vũ nhăn mặt: 

– Đóng cửa lại nha Nguyễn. Gió hơi lạnh rồi đấy. 

Em bướng bỉnh: 

– Không! Lạnh thì càng thú chứ sao, Nguyễn thích lạnh cơ mà. 

– Eo ơi! Lạnh rồi ốm chết thì sao? 

– Chết thì Nguyễn có hai đôi cánh bay lên Trời làm Thiên Thần, cho Vũ ở lại dưới nầy một mình. 

– Khỏi đi! Ta sẽ giấu cánh cho Thiên Thần ở lại trần gian. 

– Phải ở lại trần gian, Nguyễn sẽ chui xuống Địa Ngục làm Quỷ rồi lên lấy lại cánh bay lên trời. 

Vũ cười nhe chiếc răng khểnh thật xinh: 

– Ê! Quỷ rồi thành Thiên Thần được ư? Quê quá cô bé ơi! Hi hi! 

Em đuối lý ngồi im. Eo ơi! Cãi nhau với Vũ bao giờ em cũng chịu phần thua hết. Em dọa: 

– Vũ đóng cửa là Nguyễn bật quạt cho coi! Bật quạt số 3 cho hai đứa chết rét rồi thành gió bay lên trời, mất tiêu luôn à nha. 

Vũ mím môi, nghiêng nghiêng mái tóc: 

– Vũ không có sợ đâu, Nguyễn làm thử cho Vũ xem đi. 

Em run lên, trời lạnh thật: 

– Chắc không? 

– Chắc! 

– Cho nói lại đó, thật không? 

– Thật. 

Em nhăn nhó: 

– Eo ơi, Vũ chả chìu người ta gì hết. 

Vũ cười thành tiếng, kéo cánh cửa đóng sầm một tiếng, vài giọt nước mưa đọng lại trên cánh tay trần, em thấy lạnh thay cho Vũ. Vũ dựa lưng vào tường nhìn em, vài sợi tóc mun vướng quanh chiếc cổ Thiên Nga. Tóc Vũ chưa dài quá ngang vai – tưởng chừng cũng như cái dáng tuổi nho nhỏ của Vũ, của em – đen và chả bao giờ bị rối. Tóc Vũ cũng đẹp như tóc cô Thanh, chỉ khác một chút là tóc cô thì dài thật dài, ươm đầy lá me những chiều lộng gió và tóc Vũ thì ngắn hơn, vừa vặn để ôm tròn bờ vai nhỏ xíu – chưa đầy một vòng tay ôm thân ái – Vũ gầy hơn em – nhưng ít khi bị “thần ốm đau” chiếu cố như em – nên không phải bỏ những giờ học, không phải có một ống thuốc Aspirine thường trực trong túi, một lọ dầu gió và một chiếc khăn tay con gái. Nên lúc nào Vũ cũng đòi làm Hoàng Tử, vì em làm Công Chúa. Hoàng Tử gì nhỏ xíu như một chú gấu nhồi bông. Hoàng Tử chỉ cao hơn em có tí xíu thôi, giá mà em đi giầy gót cao hơn một tí thì em cũng cao bằng Vũ để em khỏi phải than với Trần, bắt Trần xây cho một cái ghế thật cao – Quân sư của em đấy – để khỏi bị Hoàng Tử cốc đầu, như trước nữa. Tuy than thế, nhưng em lại thích lùn hơn Vũ (Trần làm sao xây nổi một chiếc ngai vàng, vì Trần còn bận sửa nhà cho vợ cơ, cho Phạm đấy), hình như đó là một cá tính rất quen, không bỏ được. Trong nhà em lùn hơn tất cả và lúc nào ai cũng phải chìu em – Em thích ngước nhìn lên hàng mi dài cong cong của Vũ, như em vẫn ngước nhìn lên mắt chú Tín, lên những đóa hồng rơi trên áo của chị Thánh Thérèse, những đóa hồng rơi trên mây, trên lối đi về của Thiên Đàng. Như em vẫn nhón cao người lên, đứng bằng những đầu ngón chân để bám kịp vào vai bố nũng nịu vòi quà khi bố đi làm xa về. Như em vẫn rúc vào nách mẹ, nhìn lên môi mẹ những tối lạnh trời ôm chăn gối sang đòi làm “con nít” nghĩa là được quyền bắt mẹ pha sữa buổi sáng này, mang giầy dùm này, chải tóc dùm này, ủi áo dùm này, nghĩa là hôm đó em được lên làm Công Chúa thực sự đấy (nhưng không có “học dùm” đâu, Công Chúa chăm lắm cơ). Như em vẫn cố nhìn qua đôi vai gầy của thầy Hoài, bám lấy tay áo thầy và bắt thầy giảng cho một bài tính khó, hay một đề luận văn Nghị Luận khô khan. Eo ơi! Em ghét và sợ văn Nghị Luận kinh khủng, cuối năm nay là em phải học môn luận khó khăn đó, em ngán kinh khủng dù chị Trầm vẫn bảo em rằng: chả có chi mà phải sợ, công dân năm nay, mi nhất thì văn Nghị Luận mi chưa đến nỗi bét đâu! Mà ơ hay, em thích để hồn lang thang chi lạ. Vũ chớp mắt vẻ giận hờn và ngồi quay mặt lại ghế bên kia, hai vai co lại, lần này em thấy Vũ giống y hệt con mèo bông màu xanh. Em kêu khẽ: 

– Vũ ạ! Giận Nguyễn đó sao? 

– Không! 

– Cho Nguyễn xin lỗi mà. 

– Nguyễn chả có lỗi xin lại làm gì. Vũ lấy lỗi chi mà trả cho Nguyễn? 

Đúng là Hoàng Tử hay khóc rồi, dỗi chi nhanh thế, người ta mải ngắm mi chứ bộ. Ghét ghê và em im luôn không nói nữa. Em tựa đầu vào thành ghế và em nghĩ rằng Vũ sẽ đến quỳ bên xin lỗi – Hoàng Tử thì phải xin lỗi Công Chúa, đó là lẽ tự nhiên cơ mà, – Nhưng, chiếc kim chỉ phút đã lướt qua ba con số, mắt em nặng trĩu, cơn sốt lại về – khi ốm tinh thần người ta dễ suy nhược lắm – tiếng Lệ Thu nỉ non trong Suối Mơ của Văn Cao chỉ làm em bực mình “Ôi! Tơ chùng theo với tháng năm, rừng còn nhớ tới người…” Em cáu quá, giơ tay tắt cạch một tiếng. Tiếng nhạc bị cắt ngang, không khí lặng lẽ trở lại, hai giọt nước mắt ứa ra khỏi mi em, máu nóng hạ xuống, em thấy mặt mũi mình ngây ngô. Em nhìn Vũ, Vũ vừa bật đèn, ánh điện tím lùa vào phòng xua hết bóng tối ra ngoài khuôn cửa trắng và em thấy mắt Vũ long lanh. Không biết Vũ có khóc như em không, khi buồn, khóc được là quên đi nhiều lắm, hình như mỗi giọt nước mắt đều mang một phần giận hờn, buồn bực đi xa trí nghĩ và máu nóng hạ xuống. Em và Vũ đều là mạng hỏa nên đều nóng tính như nhau – nóng thế không biết có hại không? Nhưng rõ ràng chiều nay Vũ giận vì tự ái không đâu! – Vũ nghiêng đầu, chớp nhẹ đôi mắt với một vẻ như thầm thì xin lỗi và khe khẽ mỉm cười. Con nai đang đứng ở bìa rừng và nhìn em đấy, đôi mắt to ngơ ngác thiết tha và long lanh ướt, nhưng coi chừng, có một vẻ gì ranh mãnh giấu sau đuôi mắt và con nai lại cười, dịu dàng chớp rèm mi dài che tối nỗi buồn. Em cười mời gọi, Vũ quỳ xuống ngồi trên hai đầu gót chân, nắm lấy tay em và hai đứa cùng im lặng. Em nghe cả tiếng mưa rơi ngoài kia, tí tách, nhỏ giọt vào hồn… 

Buổi chiều chưa ngã hết vào sau lưng thành phố, hình như có một chiếc lá xanh vừa rơi rụng, rã mục giữa sương mưa. 

Và buổi chiều đi qua, thần tiên như thế… 


2 – NHƯ UYÊN ƯƠNG TRONG LỒNG 

Em thích để hồn lơ đãng vào những nỗi không đâu – Buổi sáng đã để rơi bóng nắng chạy qua những bậc thang ngà, xuyên qua kẽ lá của giàn Ty-Gôn hai mầu hồng, trắng vẽ thành những đốm hoa bâng khuâng quanh chỗ em ngồi, thế mà em mãi nghĩ hoài về buổi chiều thứ sáu mùa thu trước – Bây giờ là mùa Xuân, và đêm nay là đêm vui của tuổi, em ngồi chờ chú Tín dưới bóng mát của giàn hoa Ty-Gôn, và nhủ lòng sẽ viết về những người yêu mến của em, thế mà nãy giờ, eo ơi! Em cười một mình, vu vơ ghê… 

Em yêu những chữ Q hoa, chả biết có phải vì tên Vũ bắt đầu bằng một chữ Q hoa, hay tên chú Tín, tên mẹ cũng có những chữ phải ghép bằng chữ Q và chữ Q thì tròn như môi mẹ, xinh như mắt Vũ và dễ thương trinh bạch như những chiếc nhẫn tân hôn. 

Em cũng biết không phải bất cứ chiếc nhẫn nào cũng dùng để trói buộc cuộc đời của hai con chim, để tháp chung đôi cánh uyên ương cùng bên nhau cho đến mãn đời. Như đã buộc chỉ hồng vào tay bố mẹ; ngày xưa, áo dài, khăn đóng sì sụp lễ trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương. Như nụ hôn đầu tiên giữa anh Thùy và chị Dung, đặt tay trên quyển Thánh Kinh, một ngọn nến trắng chảy trên tay, lung linh lời Thánh Ca và lồng nhẫn cưới vào tay nhau, vào tay uyên ương hạnh phúc. Có những chiếc nhẫn cưới, ngàn đời chả bao giờ được lồng vào tay đối tượng. Và một chiếc vẫn hoàn một chiếc cô liêu. Như thầy Hoài – đáng lẽ em phải gọi thầy là chú cơ, như chú Tín ấy, nhưng em không thích, đó cũng là một thói quen quái gở của em – Thầy cũng có một chiếc nhẫn trên ngón tay áp út, chiếc nhẫn có hai chữ DH lồng vào nhau, chiếc nhẫn có tên hai người lồng vào nhau. Nhưng làm sao trên đường đi không có bóng hai người yêu ái đan nhau? Để mãi hoài, mỗi mình bóng thầy thui thủi, cô liêu cùng năm tháng. Để thầy vẫn cười gượng ghịu, buồn buồn khi bố dò hỏi về chuyện lập gia đình, về những dự tính lâu dài khi tuổi đã qua thời thanh niên bay nhảy. Trên bàn thầy, có một chiếc hộp nhung đen, trong hộp còn một chiếc nhẫn khác, nhỏ hơn – chiếc nhẫn để dành cho một bàn tay đã lỡ đeo một chiếc khác rồi – bàn tay cô Diễm. Thỉnh thoảng, trên đường về học, thầy vẫn chở em qua nhà cô, nhìn lên vuông cửa ấm cúng, xinh xinh, nhìn xuống thềm tam cấp vắng im, sạch sẽ, nhìn vào trong nhà những đứa nhỏ bụ bẫm đang nghịch ngợm với đồ chơi trên sàn lát gạch hoa bóng loáng, dưới chân bố mẹ hạnh phúc ngồi đọc báo, uống trà, nói chuyện. Bây giờ người ta tay bế tay bồng gặp nhau “Chào anh! Chào chị!” cái bắt tay thân mật vồn vã, gượng gạo nụ cười xã giao không đủ nghĩa rồi quay gót lui nhanh ra khỏi cuộc đời. Nên em thương những đôi Uyên Ương gẫy cánh, những hạnh phúc khắc khoải, xa cách, nên xót xa buồn. 

Có những chiếc nhẫn dễ thương hơn và không gợi nhớ đến một đớn đau giấu kỹ trong hồn. Trái tim tuổi nhỏ thì nguyên vẹn và đơn sơ nên tình cảm tuổi nhỏ cũng đơn sơ và nguyên vẹn trắng trong. 

Em nhớ đến buổi tối lồng những vì sao vui đêm ấy. Em mặc chiếc áo dài nhung tím, đi một đôi hài nhung không thêu rồng phượng, tóc bỏ quanh vai hiền như Công Chúa ngủ trong rừng. Gian phòng đọc sách đầy mầu tím – tại bố thì yêu những gáy sách đỏ rực, và mẹ thì thích mầu tím dịu dàng, chuyện gì bố cũng chìu mẹ nên phòng sách toàn mầu tím, ghế dạ tím, mầu voan tím và đèn điện tím. Bát ngát trong hương đêm mùi lọ Ngọc Lan trắng nõn trên bàn – nếu có Vũ mặc áo trắng ngồi nâng niu những đóa hoa e thẹn đó thì thực là một bức họa tuyệt vời. Nhưng Vũ không ngồi đó, Vũ ngồi trên ghế đàn và hát cho Phạm dạo nhạc, ngọn bạch lạp soi trắng những ngón tay mềm như sáp của Phạm đùa nhanh qua những cung cao thấp. Trần, Huỳnh, Hồ và Hoàng ngồi cạnh em, nụ cười nho nhỏ, ánh mắt lưu ly, có cả bố, mẹ, thầy Hoài và các anh chị, chỉ thiếu mỗi mình chú Tín. Chú bận hành quân xa, hành trang, áo lính và gió bụi nẻo đường chiến trận ngoại biên. Em đưa tay tìm chiếc thánh giá nhỏ đeo ở cổ, mân mê và thì thầm cầu nguyện, không hiểu tại sao em thấy vơ vẩn không đâu? Nhưng tiếng gọi của Trần làm em quay lại: 

– Xin mời Công Chúa hát cho tụi này nghe một bản. 

Em bối rối, cắn môi nhìn quanh, bố mẹ, thầy Hoài và các anh chị không còn ở đó nữa. Chỉ có bạn bè thân ái vây quanh – Vũ, nghiêng đầu, thu hai bàn tay lại trên đùi âu yếm nhìn em, Phạm cúi người trên phím đàn khe khẽ mỉm nụ cười duyên dáng, vài sợi tóc mai phất phả trên má rám hồng. Trần với cặp kính cận nhí nhảnh cố hữu – láu và hay trêu em nhất bọn. Huỳnh thật thà hiền hậu, Hồ tóc thắt bím xinh xinh, nghiêm nghị và dịu dàng, Hoàng vui vẻ và là “tếu sĩ” của nhóm – có cô bé ở đâu là có cười ở đấy, cũng như có Trần ở đâu là sửa soạn chống đỡ những câu trêu chọc trốn không hết ở đấy. Em chớp mắt, thấy thương bạn bè chi lạ, ai có bạn thân rồi mới thấy tình bạn bè thắm thiết dễ thương và tuyệt diệu vô cùng. Em lắc đầu từ chối, nhưng cả bọn đã xúm lại mà “bắt” em hát cho bằng được. Cuối cùng, em thua (chuyện đó là cái chắc từ lâu lắm cơ, sáu người mà chỉ có mình em “chống” lại thôi) em để quên vẩn vơ ở ngoài cửa sổ và hát một bản “Ngọc Lan, giòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng…” nhạc Dương Thiệu Tước êm ái như rót vào hồn những lớp bông gòn trắng nõn và mịn màng, mong manh như sợi tơ trời nhỏ mắc qua hai cánh tay của thời gian. Em muốn níu thời gian ngừng lại để tơ trời khỏi đứt, làm rối thời gian và biến mất lãng quên vào dĩ vãng! “Mờ mờ trong mây khói, men nồng e ấp duyên hững hờ, dần dần vương theo gió tơ lòng dâng bao cung thương nhớ…” 

Đêm vui rồi cũng tàn như một hàng nến lụn, và cuối cùng còn em với Vũ ở ngoài ban-công lạnh, trời đầy sao, gió vi vu qua cành lá và hai đứa thả hồn theo tiếng nhạc đìu hiu… Em nhớ làm sao những giây phút thần tiên ấy, khi Vũ áp môi vào tai em và thì thầm “Hôm nay là ngày tấn phong Hoàng Hậu cho Công Chúa đấy, Công Chúa ạ!” Em cười trong mắt – đối với những người bạn rất thân, đôi khi ngôn ngữ không còn là lời nói vì “nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời” Vũ chịu khó đọc và thuộc thơ lắm. Em chỉ thích học nhạc, một ngày em bỏ hai giờ liền với cây vĩ cầm khó thương – kéo vĩ cầm hay là cả một nghệ thuật – chú Tín vẫn nhìn em diễu cợt “Nguyễn kéo vĩ cầm y như kéo… đàn đám ma í!” Lúc đầu em vẫn hét lên và đuổi chú chạy rầm rầm quanh nhà, nhưng mãi rồi quen đi, em phớt như người điếc (điếc mà kéo vĩ cầm) khi bị chú trêu. Chú Tín trêu còn ác hơn cả Trần nữa cơ, trêu đến khi nào đương sự phát khóc mới thôi, thành thử em sợ bị chú trêu kinh khủng. 
Em hỏi Vũ: 

– Mai mốt Nguyễn về làm Hoàng Hậu, Vũ có trêu Nguyễn không? 

– Không hẳn chứ lị. 

Vũ nghiêng đầu, thò tay vào túi: 

– Quà cưới của chúng mình. 

Em đón lấy chiếc hộp nhỏ, run run tháo lần dây buộc, tờ giấy bọc ngoài rơi xuống đất bay theo gió, một chiếc hộp nâu xinh xinh hiện ra. Em nhìn Vũ qua những sợi tóc vướng quanh mặt và Vũ thật im lặng, mỉm cười. Trên trời, các vì sao chớp mắt nhìn xuống thương yêu, gió đùa vạt áo dài em quấn quít lấy chân Vũ. Em nhè nhẹ mở nắp hộp, trong lòng nhung đỏ một chiếc nhẫn trắng bạch kim lóng lánh, dễ thương. Em chớp mắt cảm động – muốn để lưu ly tan trên má ghê là. 

– Nhẫn cưới cho Công Chúa đấy. 

– Vũ đeo vào cho Nguyễn đi. 

Vũ nắm lấy tay em, lồng nhẹ vào ngón tay áp út, hai đứa xiết chặt tay nhau, thấy ấm áp cả lòng – Hai vì sao bé vừa cụng đầu nhau và quay tròn trong tinh cầu hạnh phúc – Em nghe xa xa có tiếng chuông nhà thờ đổ, ngân nga trong gió và chợt thấy mùa Xuân về rộn rã mở hội Hoa Đăng trên từng giọt thanh âm trong suốt… 


3 – RỒI NGÀY VUI SẼ QUA 

Em bỏ con đường lớn, đầy khói xăng mù mịt, rẽ vào con lối nhỏ nhà em, đi ngược lại hai hàng me khép lá trong giấc ngủ buổi chiều. Gió thổi, cuốn tóc ngược ra sau gáy, em thả tay ga chầm chậm lướt qua không gian nhè nhẹ nhung tơ. Hai bên nhà cửa yên lặng như triền miên giấc ngủ ban ngày, em không muốn đánh thức thời gian đang ngủ kỹ, nhưng con lối ngắn quá và em đành dừng lại dắt xe vào nhà – Buổi học chiều đã hết, chút nắng còn sót lại trên chòm sứ hồng lắc lư như buồn ngủ. Em nghĩ: lại một ngày như mọi ngày sắp qua rồi đó! Bỗng tiếng động cơ làm em quay lại: Một chiếc xe Jeep xa lạ ùa vào thế giới lặng lẽ của con đường, như đem cả một vùng trời xa xôi đến, trên mái xe, dưới lằn bánh còn đỏ đất bùn cao nguyên. Eo ơi! Chú Tín về đó ư? Em dựng vội chiếc xe và chạy ra cổng. Chiếc xe Jeep ngừng lại, hai người lính trẻ nhảy xuống, vai áo còn vương mầu khói súng và mầu da sạm nắng chiến trường – nhưng không phải là chú Tín! – Một người đến bên em: 

– Đây có phải là nhà ông bà T. không ạ? 

Em lùi lại gật đầu: 

– Vâng! 

– Chúng tôi là bạn của Đại úy Tín, muốn gặp ông bà có việc cần. 

– Mời hai chú vào chơi, ba cháu vừa đi làm về ạ! 

Em bước vào, hai người lính yên lặng theo sau. Em nghe cả tiếng bước chân lạo xạo trên đá sỏi buồn buồn. Em muốn hỏi tại sao chú Tín không về? Tại sao chú ở lại miền thị trấn sương mù đó? Và hai chú tìm bố mẹ có việc gì cần? Nhưng thấy hai người lính nghiêm nghị quá nên thôi. 

Bố vừa đi làm về, trên cổ còn nguyên chiếc cà-vạt chưa tháo, còn ghim trên mép áo sơ mi trắng ngà, mẹ ngồi đan trên chiếc ghế ngựa đu đưa, độ này mẹ đau xương luôn nên không thể ngồi im lâu được – hôm đó, mẹ mặc chiếc áo kimono vàng nhạt, có điểm những chấm hoa cam, trông mẹ trẻ và đẹp ra nhiều lắm. Em bước vào, chào bố rồi chạy đến bên mẹ, ôm vai me nương tựa – hình như có tiếng đập cánh nặng nề của một con cú nào trên mái ngói lao xao. 

Sau cái bắt tay thân mật, hai người lính ngồi xuống, mân mê vành mũ, vài câu nói loanh quanh việc thời sự, rồi một người mở lời: 

– Thưa ông bà, tôi rất tiếc là phải đến báo tin cho ông bà biết, trong chuyến hành quân vừa qua – thời gian như đọng lại, mẹ ngừng mũi chỉ âu lo – Đại úy Tín đã bị thương… 

Bố nhíu mày, hỏi lại: 

– Vết thương ra sao thưa chú, có nặng lắm không? 

– Cũng khá nặng! 

Chiếc kim đan lỏng ra trong tay mẹ, cuộn len vàng rơi xuống đất, lăn tròn. Em xanh mặt níu lấy vai mẹ. Người lính nào chả một hai lần mang thương tích, chú Tín đã mấy lần ra vào quân y viện nhưng lần này em và chắc cả bố mẹ đều linh cảm một sự không may trầm trọng sắp đổ xuống gia đình này. 

Người lính trẻ bối rối: 

– Nhưng bác sĩ cho biết không nguy đến tính mạng mấy đâu, thưa ông bà! 

Bố gật đầu, khoát tay bình tĩnh: 

– Vâng, thằng Tín nó cũng mấy lần suýt chết. Tôi biết số nó sống dai lắm! 

Người lính cười gượng gạo, có một vẻ gì gian dối trong đáy mắt ông ta – ông ta nói vài câu chia buồn loáng thoáng rồi đứng dậy kiếu từ. Có lẽ ông cũng không thích làm con cú già chuyên đem tin dữ đến những vùng trời đang yên lặng. Bố tiễn hai người lính ra cổng, bước chân ba người đàn ông ngập ngừng trên những thềm tam cấp, rồi xa dần xuống con lối trải sỏi trắng mất hút. Căn phòng rơi vào im lặng, em cúi nhặt cuộn len cho mẹ. Chú Tín bị thương? Em thấy mình ngu ngơ. Cũng khá nặng? Một chiếc lá hiu hắt rơi qua cửa sổ, em nhặt lấy nhìn ra sân, bóng bố còn lại trên thềm cổng, chiếc xe Jeep rú ga chồm ra khỏi con đường, lá me lao xao tỉnh giấc. Có thể nào là một giấc mơ nho nhỏ không nhỉ? Chiếc xe vừa đi còn để lại một khoảng khói mù sau lưng. Bố vào phòng mở điện thoại nghe lách cách, em nghe bố nói loáng thoáng: 

– Quân Y Viện Cộng Hòa đó phải không ạ? 

Và tự nhiên, em ngẩn ngơ nhắc lại: 

– Chú Tín bị thương nặng lắm mẹ ơi! 


4 – KHI CHIM XA VƯỜN 

Chú Tín bị mù. 

Em không muốn nhắc nhiều đến khoảng thời gian bi thảm sau ngày đó, sau ngày cuộc đời chú bị trói buộc hoàn toàn vào bóng tối, vào màu đen của màn đêm rời rã không cùng. 

Chú ngồi bên cửa sổ, chiếc gậy trắng gối trên đùi, cặp kính đen che kín đôi mắt thôi không còn thị giác, chiếc xe lăn ngày xưa của bà nội dùng khi bà bị bại hai chân, từ ngày bà nằm xuống – mười mấy năm quên lãng – bây giờ lại đem ra cho chú Tín. Tất cả những vật đó sẽ là người bạn thân nhất của đời chú khi rời Quân y viện, giải ngũ về nhà. 

Chú ngồi thật yên lặng, hướng đôi tai ra ngoài sân như tìm kiếm một cái gì xa xôi lắm, xa xôi quá nên chả bao giờ thành sự thực. Em buồn thay cho chú. Những người đàn ông trong nhà bắt đầu đi giày gót nhẹ – phải làm sao bước cho thật êm để khỏi làm rộn khoảng trời thinh lặng của chú khi đắm mình qua không gian những buổi chiều êm đềm – nhưng lòng người không còn êm đềm nữa. 

Làm sao để đảo lộn thứ tự bẩy chiếc ghế màu huyết dụ quanh bàn ăn, cho chú một chỗ ngồi êm ái gần cửa sổ, hướng ra khu vườn ươm mùi lan, ươm mùi cây lá thơm tho, mà không thấy lạ xa bỡ ngỡ. Làm sao để thu gọn đường đi nước bước trong nhà – cho chú an lòng đi qua một mình với chiếc gậy trắng – mà không làm rối loạn cuộc sống tế nhị và trầm lặng thường ngày, từ xưa vốn đã là một truyền thống cố hữu của gia đình em. Làm sao để di chuyển đồ đạc phòng chú từ trên gác xuống nhà, trưng bày cho vén khéo mà không đụng chạm gì đến những sở thích riêng tư của chú. Và phải chuẩn bị tâm hồn làm sao cho bao dung và tế nhị để trong cuộc sống khó khăn này không làm động đến những vết thương trong một linh hồn thất vọng và tàn tật khổ đau? 

Những câu hỏi khó trả lời xoay quanh nếp trán ưu tư của bố, trên những con lối đi về lặng lẽ của thầy Hoài, trên không khí ẩm đục, u buồn của một thảm mộng đang đè nặng trong căn nhà hai tầng ngói đỏ – nơi mẹ cho em chào đời, nơi em đã thở hít không khí đầu tiên và đã triền miên với những ngày hoa niên tươi đẹp. 

Rồi những bữa cơm lặng câm cùng bát đũa, cùng những câu mời rời rạc từ bố, đến mẹ, qua hai chú, sang các anh chị rồi cắm cúi và nuốt những hạt cơm nhạt nhẽo vào cổ họng buồn nôn. Nên em biết bỏ những bữa cơm từ đó – em kéo ghế đứng dậy, cả nhà ngước mắt nhìn nhưng không ai lên tiếng và em lùi lủi bỏ ra khỏi phòng ăn, thoát ra sân ngồi xuống cỏ mượt mát lạnh, úp mặt vào hai tay – như thế này có lẽ dễ chịu hơn. Những con chim không còn về làm tổ trên ống máng hình cung nữa kể từ hôm một cơn gió lốc tàn nhẫn đã cuốn chiếc tổ nhỏ bay đi, ba con chim non rơi từ trên mái ngói xuống sân chết tốt. Buổi sáng em ra vườn, con chim mẹ bay thảm thiết trên cao nhìn xuống và từ đó hai vợ chồng con chim dọn nhà đi xa không bao giờ trở lại vườn xưa nữa. Em để nguyên áo ngủ đi nhặt từng chú chim non, nước mắt ướt cả má, đem chôn ba chú dưới gốc ngọc lan có nhiều hoa nhất – cho linh hồn chim theo hương hoa mà tung cánh khắp trời. Những chú bướm dại cũng vô tình không về nhởn nhơ trên hoa cỏ nữa, hình như vạn vật đều lần lượt bỏ em mà đi. 

Một ngày em có bốn giờ ở trường – bốn giờ làm chim non bay nhảy trên những cành sách vở hồn nhiên, có bạn bè và thầy cô thân ái, có những con lối đầy lá vàng khô, em với Vũ áo trắng môi hồng dìu nhau thì thầm câu tâm tình nho nhỏ, thương yêu. Còn những giờ còn lại một mình em lang thang trên những thời khắc thinh lặng của căn nhà không lớn lắm – nhưng cũng đủ để thấy cô đơn. 

Buổi sáng em bỏ khu vườn và bàn ghế lặng câm trong phòng khách, xách xe đi xuôi dòng hai hàng me lá nhỏ, đan nhau của con đường vào nhà, qua những con phố đông người đến thiên đường của Vũ. Nhà Vũ có căn gác thật xinh, vừa đủ để hai đứa ôm nhau thở qua tóc ấm và ngu ngơ nói những câu vớ vẩn không đâu – Vũ đứng bên hàng rào xanh ngào ngạt vạn niên thanh, áo xanh lá mạ, mái tóc đen buộc bằng một sợi dây cũng xanh ngát phất phơ quanh cổ và cười vẫy tay nhìn xuống. Em dừng xe ngơ ngẩn ngước trông lên – hai đứa như hai con bướm dại lạc lối giữa vườn lê đầy trái chín, và em quên mất thời gian, hình như những câu chuyện lặt vặt con gái tốn quá nhiều thời giờ, khi em chợt nhớ đến chú Tín thì nắng đã rải trên con đại lộ tên Phan Đình. Giờ này mỗi mình chú quạnh hiu trong khung trời vắng đó – Bố đi làm, mẹ có công việc phải vắng nhà, anh chị đi học và thầy Hoài đi dạy – chỉ có mỗi mình em đáng lẽ phải ở nhà với chú thì em lại ở đây. Chắc chú không biết và chắc chú cho rằng em ngủ muộn, chả biết chú có lần mò lên thang gác đến gọi cửa phòng em không? Và ngậm ngùi làm nước mắt em rơi trên má. Em vội vã ra về bỏ Vũ ngơ ngẩn trong căn phòng có những cửa sổ màu xanh, có những chú mèo bông bò khắp phòng – và khi vào người ta phải đi bằng những gót chân không giầy dép. Nắng xiêu xiêu trên những con lối em qua, em trở lại thềm tam cấp. Chú Tín ngồi lặng nhìn ra ngoài sân cỏ, cặp kính đen che tối khuôn mặt u buồn. Em rụt rè đứng lại nhẹ nhàng tháo dép đi chân không qua nhà – len lén như một chú mèo con sợ nắng – nhưng: 

– Nguyễn! 

– Dạ! 

– Cháu đi đâu về đấy? 

– Cháu sang nhà Vũ ạ! 

Chú vẫy tay: 

– Sang Vũ làm gì đó hở Nguyễn? 

Em nói dối: 

– Cháu chép bài ạ. Thưa chú cho cháu lên nhà học bài chiều đi học. 

Chú Tín thở dài, cúi đầu xuống như chăm chú nhìn vào hai bàn chân, hình như chú biết em nói dối. Giọng chú đục buồn: 

– Ừ! Cháu cứ đi. 

Em ngần ngại đi qua mặt chú, đến cửa phòng nhưng có gì làm em đứng lại, quay nhìn dáng chú héo rũ trên ghế, chiếc gậy trắng trong tay, cặp kính đen che mắt. Trong cặp sách vở đã gọn gàng cho buổi học chiều, sao em không dám nói thẳng là em sợ cái yên lặng bi thảm trong nhà này, sợ dáng chú sừng sững đối diện cùng cuộc đời tăm tối, sợ những khuôn mặt nhàm chán của cuộc sống quay đầu theo tháng năm, nên vội trốn bỏ một buổi sáng, vui chơi ở vườn Địa Đàng có Vũ và những kỷ niệm thơ ấu thần tiên. Em thương chú quá – làm sao trên khoảng đường tăm tối trước mặt chú còn một đốm sáng tin yêu của tình thương bé nhỏ – của em. Chú ạ! Cháu vẫn yêu chú như ngày đầu: 

– Chú. 

– Gì thế cháu? 

– Cháu… xin lỗi chú. 

Chú cười: 

– Cháu có lỗi chi đâu! 

– Cháu… cháu nói dối chú, chú ghét cháu không? 

Em ôm lấy tay chú và chú vuốt tóc em – như thuở bé con: 

– Không! Chú biết… 

– Biết gì cơ chú? 

– Chú biết cháu thương chú… 

Im lặng trôi qua không khí nghẹn ngào. Em khẽ nũng nịu: 

– Sao hồi nãy chú biết cháu về hở chú? 

– Chú nghe tiếng bánh xe lăn trên sỏi và bước chân đi qua thềm tam cấp… 

– Nhỡ là thầy Hoài thì sao? 

– Không, giầy cao gót cơ mà, đích thị không phải là đàn ông được. 

Em nghiêng đầu – con chim lại láu lỉnh chuyền từ cành này sang cành khác rồi đấy. 

– Nhỡ… mẹ hay chị Th. Thì sao? 

– Cháu chả nghe chú nói gì hết. Con bé đứng ở cửa phòng một tị, len lén nhìn vào nhà và nhè nhẹ tháo giầy ra nhón gót đi qua mặt chú, hôm nay con bé mặc quần hơi dài nên thỉnh thoảng lại bị vướng chân. Con bé không biết dùng nước hoa thì chả là cháu là ai? 

– Là Công Chúa Vương mi chú ạ! Không phải là cháu đâu. 

Chú Tín cười nho nhỏ: 

– Ừ, là Công Chúa “ngủ nhè chè thiu” ấy mà. 

– Ư… chú chỉ trêu cháu thôi. 

– Chú trêu Công Chúa chứ có trêu cháu đâu, cô bé! 

– Nhưng – Em phụng phịu – chú kỳ quá! 

– Chả biết ai kỳ nhỉ, Công Chúa nhỉ? 

– Thì cháu là Công Chúa, cháu ngủ nhè hồi nào? 

Chú gõ vào đầu em: 

– Khỉ! Thế mà cũng cãi chú nhá. Hôm nào chú mách Vũ cho xem. À, hôm đó người ta đã cột hai cái đuôi tóc sạch láng rồi này thế mà mẹ gọi, người ta cứ nhất định “con còn ngủ cơ, mẹ ạ!” 

Em hét lên: 

– Cháu không chơi chú nữa, chú… chỉ thích trêu cháu thôi. 

– Tại cháu chứ bộ tại chú sao. 

Câu chuyện dằn co qua lại, em vuốt tóc nhìn nắng lọc qua những ô kính vàng óng như màu mứt thơm. Em thủ thỉ: 

– Gần Tết rồi chú nhỉ? 

– Ừ. Lại tha hồ mà ăn vụng mứt nha cô bé. 

– Cháu không giỡn nữa đâu. Sao càng gần Tết cháu lại càng chán nản ghê đi chú ạ! 
– Tuổi cháu mê Tết như ri ấy, chứ gì mà chán hở cháu? 

Em mím môi, hỏi một câu bạo dạn: 

– Làm người lớn thích không chú hở? 

Chú lắc đầu, nắm chặt lấy tay em: 

– Đừng! Làm người lớn buồn lắm cháu ạ. 

– Tại sao lại buồn? Cháu thấy lớn cái gì cũng sướng hết này nhé, chú! Người lớn như anh N. thì được mẹ chiều ghê đi, đòi gì được nấy. Được đi chơi tự do này và người lớn thì… viết văn hay, được nhiều người ái mộ này. 

Chiếc gậy lỏng ra trong tay chú, chú nhìn em – và em có cảm tưởng chú đang mở to mắt ngạc nhiên sau cặp kính đen mù mịt. Chú đứng dậy, chống cây gậy trắng xuống đất. 

– Mình ra vườn đi, cháu ạ! 

Em dắt chú ra cửa, đi qua thềm tam cấp, xuống sân cỏ hồng màu nắng biếc, giàn Ty-Gôn run rẩy lá mừng chào. Hai chú cháu ngồi trên chiếc xích đu nhỏ nhè nhẹ lá rơi và em nhớ tới đêm trăng hôm ấy, em với Vũ ngồi ở chỗ này choàng tay qua vai nhau: 

– Vũ ạ! Khi Nguyễn đặt tay trên vai Vũ, thì Nguyễn đã thu lấy linh hồn Vũ trong năm ngón tay này. 

– Nên Vũ chả bao giờ học thuộc bài khi Nguyễn đặt tay trên vai Vũ phải không? 

Đôi mắt Vũ như hai vì sao lạ, chơm chớp lá rơi. Vũ hát nho nhỏ, ánh trăng mướt trên bốn bàn chân đong đưa đùa với cỏ êm. “Giây phút êm đềm ngày ta gặp nhau, mắt yêu thầm trao những câu tâm tình, biết bao là âu yếm…” 

Em nghe từng note nhạc rơi xuống hồn mình sướt mướt. Em thì thầm trong gió: “Vũ ơi!” 

Một chiếc lá lại rơi lạc xuống chân em – lá xanh như tâm hồn tuổi trẻ còn khao khát mộng mơ. Em nhìn chú Tín. Chú cũng cầm trên tay một chiếc lá còn xanh. 

– Cháu nghĩ như thế ư? 

– Không… có lẽ cháu cho là thế. 

– Cháu ạ! Tuổi trẻ bao giờ cũng dễ yêu. Những cái gì mất đi cũng làm người ta luyến tiếc – nhưng… khi mình cố ý đánh mất thì khi luyến tiếc, luyến tiếc lại càng nhiều… 

Em di di mũi giầy xuống cỏ. Im lặng mơ hồ bao chung quanh. Chú Tín đặt tay lên vai em: “Vũ ạ! Khi Nguyễn đặt tay lên vai Vũ thì Nguyễn đã thu lấy linh hồn Vũ trong năm ngón tay này” Chú ạ! Chú thu lấy linh hồn cháu đó sao? Ừ! Chú phải giữ lấy kẻo nó lại bay xa vào vùng trời tơ tưởng của cháu. Cháu cho là người lớn thì sung sướng hay sao? 

– Người lớn cái gì cũng sướng hết. Được cưng chiều này, được tự do này, được làm chủ tư tưởng và hành động này, được nể sợ và người lớn thì viết văn hay, làm thơ hay, vẽ đẹp! 

Em đi ngược lại hướng gió, chú Tín cúi đầu: “Làm người lớn thì buồn lắm.” Em cau mặt, lá lại rơi – toàn là lá xanh rơi. 


5 – TRONG VƯỜN HOA MÙA XUÂN 

Chú, 

Buổi chiều cháu có hai giờ nghỉ, về sớm qua nhà thờ HS, nhìn lên tháp chuông chất ngất mây bay. Nhớ sân trường TL có dáng dì Catherine hiền hòa lẫn vào mầu lá điệp xanh, hoa điệp vàng ngan ngát ươm nồng. Nhớ chiếc thánh giá ở ngực dì mà mỗi lần vòng tay ôm chặt dì, môi cháu vẫn chạm vào chân Chúa – và nếu có cố đứng bằng những ngón chân cháu cũng chỉ hôn được lên trán Chúa có vòng gai nhẫn nhục quấn quanh. Nhớ bàn tay dịu êm của dì vẫn thì thầm vỗ về mỗi lần bị ngã sứt chân vì đùa nghịch. 

Chú ạ! 

Bây giờ từ GL về TL có xa xôi chi lắm mà cháu cứ ngỡ như vạn dặm nghìn trùng vì, chú ơi! Mùa xuân tuổi nhỏ đã theo hàng điệp vàng lá sân trường mà già cỗi với thời gian mây phủ. Cháu chưa một lần nào về thăm lại trường xưa trên đồi trí nhớ – như cháu vẫn lo sợ rằng một ngày kia khi lang thang qua khu đất thánh của nhà dòng, cháu sẽ đọc được tên các dì yêu dấu trên những ngôi mộ mới xây; những ngôi mộ trắng ngàn đời yên ngủ và chắc cháu sẽ vào nhà thờ mà khóc suốt một ngày hôm đó. Con chim nhỏ đã rời mái ấm, cháu ngại ngùng cả những đứa bạn rất xa gặp lại – hình như con người cháu không sống bằng kỷ niệm – kỷ niệm của những tháng năm ngày cũ trên vuông đất bên kia chiếc cổng sắt xanh lá cây của trường TL ngày xưa, nơi cháu đã ươm hạt mộng ước đầu đời – nhưng các dì thì sống bằng kỷ niệm… 

Nghĩ thế nào không biết, cháu lại vào nhà thờ, quỳ ở hàng ghế đầu nhìn lên hàng nến lung linh soi đôi mắt Chúa xót xa nhìn xuống. Sao đôi mắt của Đấng Chí Tôn nào cũng đẹp và tuyệt diệu ghê là, chú ạ! Cháu nhớ đôi mắt của Đức Phật Tổ ở chùa XL, ngày xưa cháu và Vũ vẫn vào lễ trước bàn thờ Phật và cháu nhớ hoài đôi mắt Ngài tha thiết bao dung. Cháu mê mùi trầm hương của đạo Từ Bi nên những buổi chiều về sớm, cháu vẫn thích trốn sang làm cô bé chăm chỉ ngồi ở gốc phong lan nhiều hoa của chùa XL, tay cầm sách mà mắt nhìn vu vơ, miệng lẩm nhẩm những phương trình hóa học mà hồn thì lãng đãng trong mùi trầm ngào ngạt vây quanh và những ngày sắp Tết, sân chùa phất phới cây nêu cao vút tận lưng trời, gió lồng trong tiếng nhạc và âm hưởng hồi chuông trầm trầm phiêu lãng còn phảng phất đâu đây… cho mãi đến khi sân chùa kín cửa cấm học trò vào làm xôn xao cây lá. Cháu không vào chùa nữa. 

Hôm nay, nhà thờ thật vắng chỉ có cháu và một người thiếu phụ quỳ tít trong một góc tối, gục đầu vào hai tay và cháu đoán bà ta khóc. Dáng người mảnh khảnh với mái tóc dài phủ kín đôi vai gầy guộc, chiếc khăn trắng vương quanh tóc buồn rưng rức như sắp khóc, trông bà ta cô độc yếu đuối vô cùng. Và cháu quỳ yên đầu óc trống rỗng vô vị, cháu chả cầu nguyện được gì và nếu có cầu nguyện cháu cũng chẳng biết nên cầu xin việc chi – Cháu nghĩ mãi đến người thiếu phụ, đến chiếc khăn tang trên mái tóc hao gầy, cháu muốn chạy sang nắm tay bà ta và cùng khóc với bà nhưng cháu lại sợ bà ta nhìn cháu như cô Thanh đã nhìn cháu khi cô từ phòng chú bước xuống – sau cái tai nạn bi thảm của đời chú và có lẽ của cả đời cô – đôi mắt ngơ ngác mất hồn trong một nỗi buồn sâu kín và tàn nhẫn. Làm sao chú nhỉ? Nên cháu thương những đôi uyên ương của hạnh phúc buồn. 

Âm thanh khua nhẹ trên lối vào nhà thờ, cháu nghe rồi chú ạ! Những bước chân nặng trĩu khập khiễng từng bước một, chầm chậm đau thương. Cháu không cần quay lại khi người lính đi qua mặt cháu, một bên vai nhô lên đỡ chiếc nạng cao, mái tóc đen sậm rũ xuống gương mặt còn quá trẻ – trẻ hơn cả chú – và ông ta quỳ xuống, chắc Chúa cũng buồn nên không gian như muốn tan thành lệ khi người trở về làm bại tướng cụt chân. Cháu để ngậm ngùi rơi xuống môi đắng ngắt nỗi buồn… 

Khi cháu rời nhà thờ thì buổi chiều đã xuống rất lâu trên thành phố, vài cánh áo trắng của trường NBT lất phất bay trong nắng hoàng hôn. 

Cháu không còn giận chú nữa, chú ạ! 

Cháu không còn hỏi tại sao chú đi? Tại sao chú không ở lại nhà – có cháu, có tình yêu gia đình ấp ủ mến thương? Tại sao thị trấn Pleiku heo hút đó quyến rũ được một cánh chim đã mất hẳn mùa xuân như chú? Tại sao chú đi mà không một lời từ giã cháu? Tại sao chú tha thiết mãi hoài cùng mộng tưởng khâu vá lại những vết buồn trên quê hương yêu dấu? Tại sao chú vẫn kể cho cháu nghe giấc mơ ngày chú nhảy dù xuống Cố Đô xưa? Và tại sao chú vẫn thích cháu dẫn qua công trường Hòa Bình, nghe lá bay trên vai áo Đức Mẹ và chim bồ câu đan những cánh trên cao? 

Cháu bé nhỏ trong nỗi buồn của chú, những ngón tay đan quá lỏng để nước mắt rỏ qua – như đã quá lỏng để chú bỏ đi xa mà không dám nhìn cháu giã từ, tâm sự lần cuối cùng trong mùa Xuân có nhiều lá úa, để cháu nghe quê hương rộng mở trong khoảng trời tối mù trên mắt chú, trên cặp kính đen vùi sâu ảnh hình một buổi chiều ảm đạm, mẹ đón cháu ở trường và báo tin chú đi – chú đến dạy một trường mù tận mãi Pleiku – và chú Hoài đi cùng với chú. Cháu giận chú, cháu nghĩ giá buổi chiều hôm đó một chiếc xe nào đâm phải cháu – như cháu vẫn nghĩ khi Vũ và cháu giận nhau – nếu cháu chết trong lúc chú ra đi bất ngờ thế này thì chắc chú khổ sở lắm, chắc chú sẽ khóc và chú sẽ hối hận vô cùng. Nhưng cháu không bị xe nào đâm phải cả dù con đường vẫn đông đúc như bao ngày bình thường khác và cháu vẫn về nhà sống những ngày nối tiếp bâng khuâng. 

Đêm qua, cháu mơ thấy chú làm thầy giáo, chú mặc chiếc chemise màu xanh đại dương – màu quê hương hy vọng – mắt chú ngời sáng vẻ tin yêu sau cặp kính đen buồn và chú đang dìu dắt những đứa trẻ xấu số hướng về con đường tương lai trước mặt – tương lai như một cành hướng dương dù héo úa nhưng vẫn vươn những cánh mong manh về hướng mặt trời – cháu không khóc nữa chú ạ! Mà cháu cười trong đêm. 

Buổi sáng, khi nắng hồng chưa về ve vuốt lên giấc ngủ ươm mùi dạ lý của chú mèo trắng nhỏ bên cửa sổ khoanh tròn mình trong chiếc gối êm và sương đêm còn đọng mượt, rong chơi trên cây lá xanh tươi, vài chiếc lá lại vào ngủ quên trên những cuốn vở bao xanh của cháu để cháu cười nho nhỏ khi thu vở vào cặp chuẩn bị cho một sáng đến trường ngoan ngoãn. Cháu ngậm một viên kẹo bạc hà cho thơm môi và đi một đôi hài nhung đỏ cho chân ấm khi lái xe một mình đến trường qua nhiều con đường lộng gió, lá rơi trên tóc, trên đôi mắt buổi sáng còn luyến lưu giấc mộng đêm qua. Cháu bỏ thêm vào cặp một lá thư màu xanh cho chú khi đi ngang hai ô cửa của bưu điện Saigon, cháu sẽ dừng xe lại một tí bỏ thư và cười với những thùng thư xanh vàng thân ái. 

Cháu ôm cặp xuống nhà, nhìn sang phòng chú hai cánh cửa khép kín im lìm như yên ngủ. Cháu chào bố mẹ rồi ra sân. Khoảng hành lang hanh vàng bóng nắng, mặt trời đỏ ửng phương đông đùa bóng cháu ngã dài xuống lối lát gạch cao lêu nghêu buồn buồn. Hai hàng Ty-Gôn leo xanh cả một góc sân xa, hoa Ty-Gôn bé nhỏ hồng hồng rung rinh trong nắng sớm che tối chiếc xích đu mắc giữa lối cỏ êm – thường là chỗ ngày xưa cháu vẫn ngồi xem sách chờ mặt trời lặn sau dãy khách sạn lừng lững chắn một góc phương tây – Ôi! Khoảng vườn xưa chôn một thời vụng dại niên thiếu và chắc cũng là nơi chung khúc của cuộc đời, chú nhỉ? 

Một con chim nhỏ chao cánh lượn qua mặt cháu làm cháu ngơ ngác nhìn theo. Ô! Chú ơi, cháu muốn khóc to trong nỗi vui mừng vì đã chờ đợi quá lâu. Thời gian đã làm rêu xanh tầng ngói và cây cỏ héo khô già cỗi, nhưng thời gian đã đưa cánh chim xưa về vườn cũ, ươm lại chiếc tổ nhỏ màu rơm vàng và dựng xây lại một khoảng trời hạnh phúc. Những con chim non xòe cánh lượn trên cây, ríu rít chiếc miệng xinh nho nhỏ. Và đàn bướm dại lại nhởn nhơ về bay lượn trên hoa cỏ sớm mai cho hồn cháu là đà trong hương Xuân ngây ngất. Chú ơi! 

Mùa Xuân đang về hay Xuân đang đi xa cõi trời mơ mộng của cháu? Nhưng cháu chỉ biết rằng: sáng nay – chim xưa đã về đầy vườn cũ – và cháu đang sống lại hồn mơ mộng ban sơ thuở đầu. 


N.T. NGUYỄN    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi hoa số 173 và 174, ra ngày 15-3 và 1-4-1972)