Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

CHƯƠNG 1_KHÚC LAN CAN GÃY

1


Những tiếng chuông liên tục vang lên nghe rộn ràng suốt cả khoảng sân vuông. Giống như những tiếng reo vui đang nổi dậy trong lòng. Khoảng không gian vây quanh chợt sống động lạ thường. Tôi cũng nhận thấy trong tôi sự sống động ấy. Cảm xúc nào đây? Hình như là thứ cảm xúc đã quên thật lâu rồi và giờ đây cố nhớ. Trí óc lôi trí óc đi vùn vụt… A! Đúng là thứ cảm xúc của ngày đầu tiên đi học lớp vỡ lòng. Vâng, chỉ có ngày đi học đầu đời, người ta mới có thứ rung động ấy. Một lần duy nhất và quý giá. Nhưng tôi, tại sao tôi đang trở lại tâm trạng của thuở xa xưa? Có phải chăng tôi đã mặc nhiên công nhận rằng mình đã bắt đầu sống một đời sống khác, làm một con người khác, từ một ngày mà tôi đã ngã xuống? Đúng như thế, tôi đang bắt đầu lại. Bắt đầu lại sinh hoạt, bắt đầu lại cảm nghĩ. Có nghĩa là bắt đầu sống một đời.

Tiếng chuông đã dứt mà đám học trò vẫn chưa vào lớp hết. Có người đi vào dãy lớp tầng dưới. Có người đi lên lầu. Tôi nghe sự nôn nao dâng lên cao mãi. Tôi muốn đi theo họ. Nhưng ban nãy ông giám thị đã có dặn rồi:
 

- Anh đứng đây một lát đi, rồi tôi sẽ dẫn lên. Lớp của anh ở trên lầu.
 

Tôi đành đứng ở cửa văn phòng, nhìn hoạt cảnh đó và bỗng nghe như lòng hơi se lại. Em tôi đã ra về rồi. Nếu có nó ở đây, chắc nó đã dìu tôi lên lầu. Nhưng tôi đã bảo em tôi về vì không muốn nó lo lắng quá nhiều cho tôi.

Trước mặt tôi, lượn lờ những tà áo trắng, và có cả những chiếc áo mầu. Vài người dừng lại nhìn tôi chăm chăm. Vài đôi mắt nhìn xuống chân tôi. Một trăm phần trăm là họ nhìn chân trái của tôi, và chiếc nạng. Sự khiếm khuyết này lúc nào cũng dự bị những ý nghĩ của thiên hạ. Tôi vẫn thường giữ vẻ thản nhiên trước tia nhìn của mọi người. Tôi không cho sự ngạc nhiên của họ là ác, là xấu. Ai cũng phải như thế. Sự có mặt của tôi trong trường, sáng hôm nay, hẳn là một việc đáng bàn tán. Tôi là một người tàn tật. Tôi bị mất một chân. Tôi hiện diện với một chiếc nạng. Điều đó tôi cho là đã quen thuộc với mình. Một cách riêng, tôi là một người thương phế binh, trong hàng vạn người thương phế binh của đất nước. Tôi trở lại mái trường cũ của tôi, làm một người mới đối với tất cả mọi người. Thế thôi.

Rồi một lát sân trường cũng đã vắng. Ai cũng vào lớp cả rồi. Ông Giám thị bây giờ đi ra, nói với tôi:
 

- Lớp Mười một A phải không?
 

Tôi “dạ” và hơi mỉm cười. Ông Giám thị vẫn không có gì thay đổi, chỉ có điều hơi đãng trí hơn xưa. Có lẽ công việc quá nhiều làm tâm trí ông bận rộn. Tôi biết thế nên đã không nhắc gì về mình, đứa học trò cũ của lớp Đệ Nhị A trường này. Ông vẫn đinh ninh tôi là một người mới. Ông nhìn tôi, chắc lưỡi, rồi hơi cúi xuống để tôi choàng tay qua cổ ông. Tôi nói nhỏ:
 

- Xin phép thầy…
 

- Anh khỏi khách sáo.
 

Và ông dìu tôi lên cầu thang.

Chiếc cầu thang vẫn không có gì mới lạ. Vẫn những bậc xi-măng láng bóng vì giày guốc của học trò. Và tôi nhớ như in, bậc thứ năm có một chỗ mẻ lớn, mà đã có lần tôi trật chân té ngã. Bây giờ vẫn thế. Chỗ mẻ hình như lớn hơn. Ở khúc quanh của cầu thang, tôi lại nhìn thấy dòng chữ kẻ trên tường “LỄ PHÉP, SIÊNG NĂNG, GIỮ KỶ LUẬT”. Tôi vui mừng như đang gặp lại những người bạn cũ. Êm đềm quá, thân ái quá, trường lớp và đời học sinh! Mười mấy bậc thang hầu như quá dài đối với tôi. Ngày trước tôi vẫn thường chạy từng hai bậc lên lầu, nhanh vô kể. Bây giờ lại phải nương vai ông giám thị mà bước. Tiếng nạng gõ trên nền xi-măng nghe khô khan.

Nhưng rồi cũng đến lớp học của tôi. Tôi muốn dừng lại để thở, để sắp xếp lại những ý nghĩ. Nhưng ông Giám thị vẫn dìu tôi đi. Ông và tôi đứng lại ở cửa lớp. Tiếng nạng gỗ chạm nền nhà khiến vài mái đầu ngẩng lên. Đôi người nữa ngẩng lên. Ông Giám thị dẫn tôi vào lớp, nói như giới thiệu:
 

- Hôm nay lớp các em có một người bạn mới. Em nào thấy bàn mình còn chỗ trống thì mời anh ấy vào ngồi chung.
 

Có vài tiếng lao xao. Có vài tiếng cười khúc khích. Hình như có cả lời bình phẩm. Tôi đứng yên, không một cảm nghĩ, cho đến lúc vị giáo sư rời bàn tiến đến gần tôi. Người gỡ cặp kính già ra, nhìn tôi đăm đăm. Tôi bỗng muốn kêu to lên một tiếng. Nhưng cổ họng như đã nghẹn cứng. Thầy tôi ngờ ngợ hỏi:
 

- Anh…, con có phải là Nghiêm đây không?
 

Cảm xúc như sắp vỡ bờ, tôi cúi đầu đáp:
 

- Dạ thưa thầy, đúng con là Nghiêm đây thầy ạ.
 

- Nguyễn…Văn Nghiêm phải không?
 

- Dạ.
 

Tôi ngước lên và thấy mắt thầy tôi long lanh. Thầy ơi! Ngày xưa bao nhiêu vị quan vinh hiển trở về làng thăm thầy, xuống ngựa ghé nón, vào nhà, rón rén quỳ bên thầy thi lễ. Con là học trò của thầy, không đi bằng ngựa, không đội áo mão. Con đi bằng nạng, và đội trên đầu một định mệnh khe khắt. Con cũng không quỳ được xuống trước mặt thầy. Thầy có nghĩ đó là một sự thất lễ không? Nhưng thầy đang gượng cười:
 

- Con đi từ hồi đó tới nay, phải không con?
 

- Dạ con đi bốn năm, thưa thầy. Bây giờ con giải ngũ rồi.
 

Thầy nói, giọng xót xa:
 

- Tội nghiệp con. Thầy vẫn nhắc con hoài. Đâu ngờ con ra thế này…
 

Rồi thầy quay lại nói với cả lớp:
 

- Tưởng ai lạ, chứ đây là đàn anh của các con. Anh Nguyễn Văn Nghiêm, học trò cũ của thầy, đã học tại đây trước các con bốn năm.
 

Thầy đảo mắt nhìn xuống những hàng ghế, hỏi:
 

- Bàn nào còn chỗ?
 

Một cánh tay đưa lên ở gần cuối lớp. Thầy mỉm cười:
 

- À, trò Đồng ngồi có một mình. Nghiêm, con xuống ngồi với Đồng nhé!
 

Thầy quay lại cám ơn ông giám thị và lên bàn của thầy.
 

Tôi đi đến chỗ ngồi. Đồng xích vào trong cho tôi ngồi ngoài. Đồng cười một nụ như để làm quen. Đồng chỉ bằng tuổi em tôi. Và tất cả những học sinh của lớp này chỉ bằng tuổi em tôi. Sau nụ cười, Đồng cúi xuống chép bài tiếp. Tôi nói như reo lên nho nhỏ:
 

- Ồ, bài “L’amour éternel”!
 

Đồng ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi đoán được ý nghĩ của cậu ta, nói ngay:
 

- Bài này tôi đã học rồi, từ bốn năm trước. Nhưng thấy tựa đề thì nhớ, chứ câu văn và ngữ vựng thì chắc là quên hết rồi.
 

Đồng nói:
 

- Nhưng anh thấy mà nhớ ra ngay, là anh giỏi rồi. Sao… em nghe người ta nói, những người đi lính về thường hay bị mất trí nhớ, vì lâu ngày nghe súng nghe bom…?
 

Tôi bật cười:
 

- Họ nói vậy là chưa hiểu đó. Bộ ai đi lính cũng thành người mất trí hết sao? Có điều… việc học phải ôn luyện thì mới nhớ nhiều. Tôi đã quên nhiều bài văn cũng như quên nhiều công thức và quy luật trong toán và khoa học.
 

Đồng có vẻ ái ngại. Tôi mở quyển vở mới. Trang giấy trắng tinh hiện ra trước mắt là một khích động thấm thía. Tôi giục Đồng:
 

- Chép bài đi!
 

Và tôi hân hoan ghi vào đầu trang giấy trắng: “Jeudi …”

*

Đồng hỏi tôi:
 

- Tại sao anh xin học trường này?
 

Tôi hơi ngỡ ngàng một chút, rồi đáp:
 

- Vì đây là trường cũ của tôi. Tôi đã học ở đây từ lớp đệ thất lên đệ nhị, trước khi đi lính.
 

- À không, em muốn hỏi anh, tại sao anh lại đi học?
 

Tôi trố mắt nhìn Đồng. Thật tình tôi không hiểu cậu bé muốn nói gì. Thấy tôi không trả lời, Đồng nói như giải thích:
 

- Em muốn hỏi là… gia đình khuyên anh đi học, hay là bạn bè, hay là….
 

- À, chính tôi muốn thế.
 

Tôi hiểu ra ý của Đồng. Đồng im lặng nhìn xuống trang sách. Chỉ còn tôi với Đồng ngồi trong lớp. Ngoài kia từng nhóm học sinh đang tụ tập chuyện trò trước hành lang. Hình ảnh bốn năm trước, bốn năm sau không khác nhau bao nhiêu. Tôi vẫn thường đứng nơi họ đang đứng, có cả bạn bè tôi, sau hai giờ học mệt mỏi chúng tôi ra đứng đón gió mát. Chúng tôi cãi nhau về một bài toán, hay bàn về một tờ bích báo thực hiện vào một dịp lễ. Bây giờ tôi cũng còn muốn ra đó đứng. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ. Tôi thích ngồi trong lớp hơn. Vì bạn bè không còn một ai ở đây. Mỗi người đã có một cuộc đời riêng. Đạm, Hưng cùng đi với tôi - nay không còn trên cõi đời. Tuấn đi ngành khác, dường như được về văn phòng. Lam cố gắng đoạt bằng tú tài đôi, bây giờ là sĩ quan Hải quân. Thăng còn miệt mài nơi núi rừng Kontum. Còn những người nữ sinh, người thì lên đại học, người nghỉ học đi làm, có kẻ đã lập gia đình. Thế thôi, bốn năm qua rồi còn gì? Ít nhất ai cũng hăm mốt, hăm hai. Chắc không ai ngờ rằng hôm nay có tôi trở lại lớp cũ, làm một người lạ, làm một học sinh mới.

Đồng vẫn nhìn vào trang sách. Nhưng tôi biết Đồng không học chữ nào cả, vì đó là trang mà chúng tôi chưa học tới. Tôi hỏi:
 

- Đồng không đi ra chơi?
 

Đồng lắc đầu:
 

- Em muốn nói chuyện với anh hơn.
 

Tôi cười:
 

- Tôi có chuyện gì để nói?
 

- Chuyện về cuộc sống của anh, về gia đình anh.
 

- Gia đình tôi? Bình thường.
 

- Ba má anh còn đủ?
 

Tôi gật đầu:
 

- Vâng. Tôi còn bốn đứa em nữa. Một đứa lớn khoảng bằng Đồng. Nó chở tôi tới trường.
 

- Em hỏi có hơi tò mò, anh đừng giận…
 

Tôi lại cười:
 

- Đồng không nên giữ ý quá với tôi. Tôi với Đồng đã là bạn. Đồng cứ tự nhiên.
 

- Em muốn hỏi… ba má anh làm nghề gì…
 

- Ba tôi là công chức. Nhà tôi không giàu, nhưng đủ cho anh em tôi ăn học.
 

- Như vậy anh không có gì ràng buộc.
 

Tôi lại thắc mắc nữa. Đồng có những ý nghĩ hơi lạ chăng? Đồng muốn hiểu chữ ràng buộc nghĩa là thế nào? Câu hỏi của cậu bé làm tôi suy nghĩ. Tôi tự hỏi mình bây giờ có còn gì ràng buộc không? Tôi có thật sự tự do theo nghĩa của Đồng chăng?

Bất chợt tôi nhìn xuống chân trái. Tôi sờ đầu gối, nơi tận cùng của chân tôi. Qua lớp vải, tôi vẫn cảm thấy đầu gối tôi tròn lẳn. A, đây là sự ràng buộc của tôi. Và chiếc nạng, chính là sự ràng buộc mật thiết nhất. Tôi nhìn Đồng. Cậu bé đang tỏ vẻ bối rối. Tôi hỏi:
 

- Còn Đồng, Đồng có những gì ràng buộc?
 

- Em hả? Em thì nhiều lắm. Em cho là sự học của em không phải do em muốn, mà do hoàn cảnh của em bắt buộc em phải thế. Gia đình này, xã hội này, và nhất là…cái giấy hoãn dịch này…
 

Tôi muốn thốt nên một lời nào, nhưng thôi, vì tôi thấy Đồng đang thành thật muốn tỏ bày một điều gì. Tôi nhắc:
 

- Đồng cứ nói.
 

- Chắc anh sẽ nghĩ em là một kẻ biếng lười? Không đâu anh! Nếu anh không cho rằng em khoe, thì trong lớp này, em và Thi là hai người thay phiên nhau đứng hạng nhất. Nhưng em cảm thấy rằng không phải riêng em, mà hầu như cả lớp này, cả những người đồng trang lứa, không phải đi học cho nhu cầu kiến thức của mình, mà vì những lý do khác.
 

- Chẳng hạn…?
 

- Em học vì gia đình em cần em học. Ba em làm phu khuân vác. Em không còn mẹ. Đứa em gái kế em phải nghỉ học, đi bán. Còn một lũ em nhỏ nữa. Em thấy em cần phải học để sau này đi làm nuôi chúng nó. Em học vì mảnh bằng. Ít ra có bằng tú tài mình cũng hy vọng kiếm được một chân thư ký… rách.
 

Đồng gấp quyển sách lại, nhìn thẳng tôi:
 

- Nhất là… em phải học vì mỗi năm thêm một tuổi. Trễ một tuổi, đi lính. Hôm nay anh vào học, em thấy anh, buồn ghê. Em nghĩ nếu em bị như anh, gia đình chắc bi đát lắm.
 

Đồng đổi giọng hoảng hốt:
 

- Chết không! Em nói hơi quá lời, anh có buồn em không?
 

Tôi thấy thương Đồng vô hạn. Tôi vỗ vai cậu bé:
 

- Sao lại buồn Đồng? Nghe Đồng nói chuyện, tôi hiểu lắm. Chính tôi cũng nghĩ như Đồng.
 

- Hôm nay bỗng dưng em nói nhiều, chứ mọi ngày đâu có vậy.Tại em thấy anh có vẻ hiểu em. Em học ở đây, chứ ít chơi với ai lắm.
 

- Sao vậy?
 

- Lớp này kỳ lắm. Rồi học lâu, anh sẽ thấy. Có nhiều cái quái đản mà nhà trường hầu như không biết.
 

- Hồi trước tôi học, có gì kỳ đâu?
 

Đồng cười:
 

- Bốn năm là cả bao nhiêu thay đổi. Có thể gọi là hai thế hệ cũng được.
 

Tôi ngơ ngác:
 

- Hai “thế hệ”?
 

Đồng gật đầu rồi lặng im. Và tiếng chuông vào học reo vang. Những người ở ngoài bắt đầu vào lớp. Bây giờ tôi mới có dịp để ý từng người. Có một sự khác biệt dễ nhận ra ngay khi tôi nhìn họ và so sánh với các bạn tôi ngày xưa. Ngày xưa, dù ban giám đốc không bắt buộc nhưng hầu hết mọi người đều mặc áo trắng, có vài chị gan lắm cũng chỉ mặc áo dài màu nhạt. Còn ở lớp này, học sinh mặc đủ màu, đủ kiểu. Tôi đếm được dưới mười chị mặc áo dài trắng, còn lại thì mặc áo bông hoa hoặc màu rực rỡ. Con trai thì phần đông mặc quần xòe rộng, áo sơ-mi bó sát vào người, tưởng chừng như cả hàng nút sắp bật tung ra. Họ mặc cả áo màu đen hoặc màu vàng như con gái. Có lẽ nhà trường quá dễ dãi chăng? Không hẳn vậy. Ngày xưa ông giám thị vẫn thường rầy la những học sinh ăn mặc không đứng đắn kia mà! Hay vì học trò quá cứng đầu? Tôi đầu hàng trước ý nghĩ đó. Tôi đã quá già rồi chăng? Bốn năm đi khắp cùng gần hết đất nước, ít khi tôi được về thành phố, tôi biết gì về những người bằng tuổi em tôi? Tôi sống nhiều trong rừng núi, tôi có theo kịp sự tiến bộ của mọi người? Có lẽ Đồng nói đúng. Tôi và những bạn trẻ này thuộc về hai “thế hệ” riêng biệt.

Mọi người đã ngồi vào chỗ. Tiếng lào xào vẫn chưa dứt. Vài người còn tiếc câu chuyện dang dở, cố nói với nhau và cười ngặt nghẽo. Một nữ sinh ăn nốt trái cóc vàng tươi rồi liệng que cây xuống đất, thản nhiên. Một cậu, vừa xếp xong chiếc máy bay bằng giấy, chu môi phóng qua phía nữ sinh. Một cô bị máy bay mổ trúng, la lên, rồi cả hai phía cùng cười sằng sặc. Tôi nhìn Đồng. Đồng mỉm cười, như muốn ngụ ý nói: “Anh thấy chưa, lớp này quái đản lắm”, và nhìn ra phía cửa lớp, Đồng nói:
 

- Giáo sư vào.
 

Tôi hỏi:
 

- Ai vậy?
 

- Thầy Chung, dạy Toán. Anh có học ông không?
 

Tôi lắc đầu. Đồng nói tiếp:
 

- À, hình như ông mới tốt nghiệp Sư Phạm thì phải.
 

Cả lớp đứng dậy khi giáo sư Chung bước vào. Đó là một người trẻ, người dong dỏng cao, nét mặt nghiêm trang. Ông sửa lại cặp kính cận, đứng yên nhìn cả lớp. Tiếng lào xào im hẳn. Chợt ông nói to:
 

- Anh kia! Sao anh khi dễ tôi thế?
 

Tôi còn đang loay hoay lượm chiếc nạng đã ngã xuống đất. Tôi khó khăn chống chiếc nạng để đứng lên vì khoảng trống giữa bàn và ghế quá hẹp. Khi tôi đã đứng thẳng được rồi thì gặp ngay ánh mắt của giáo sư Chung nhìn ngay vào tôi. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Ông nói:
 

- Khi tôi vào, ai cũng đứng dậy. Chỉ có anh, anh lò mò tìm gì dưới hộc bàn?
 

Ngay sau đó, có lẽ ông đã nhận ra chiếc nạng bên cạnh tôi, nên đôi lông mày ông hơi nhíu lại. Tôi lặng người, đứng yên. Đồng liếc nhìn tôi, ái ngại.
 

Một nữ sinh mặc áo hoa lòe loẹt ngồi ở bàn đầu buột miệng:
 

- Anh đó què, thầy!
 

Cô gái đứng cạnh đó quay ra sau lưng, nháy mắt với một người bạn, nói :
 

- Ảnh có một chân hà!
 

- Học trò cưng của thầy Trần đó!
 

Giáo sư Chung hình như hơi bối rối. Ông đưa tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Tôi cảm thấy mình hồ như đang lạc lõng giữa nơi chốn này. Giáo sư Chung lặng lẽ xoay một vòng tròn trên bảng đen. Thầy chẳng tế nhị một chút nào, phải không? Thầy đáng tuổi anh tôi, mà thầy không tỏ với tôi một dấu hiệu cảm thông nào. Còn những người bạn mới kia, những người em kia, họ tàn nhẫn quá phải không?

Tôi mở vở ra, nhưng cảm thấy hai tay thừa thãi. Đồng quay sang hỏi:
 

- Anh có “com-pa” không?
 

Tôi đưa “com-pa” cho Đồng. Rồi tôi ngồi thừ ra. Tôi không muốn làm một cử chỉ phản kháng. Tôi cho rằng sự phản kháng chỉ dành cho những người bất mãn, hoặc người có mặc cảm. Tôi không bất mãn. Tôi cũng đã chuẩn bị trước cho mình rằng không nên có mặc cảm. Nhưng lúc này đây, dường như mặc cảm đang xuất hiện.

*

Thầy Trần nhìn tôi bằng đôi mắt yêu thương, hỏi tôi:
 

- Sao? Học được không Nghiêm?
 

Tôi đáp:
 

- Dạ thưa thầy được ạ. Con quên nhiều ngữ vựng, bây giờ đang ôn lại. Nhờ bảng phân phối các động từ thầy cho con mà con nhớ lại rất nhanh.
 

Thầy gật gù:
 

- Thế còn mấy môn khác?
 

- Dạ con không thấy khó khăn bao nhiêu.
 

Thầy cười thật bao dung, nhìn tôi một lát rồi mới quay đi. Thầy vẫn như xưa, vẫn chiếc cặp da ôm lên sát nách, cây dù đen xách một bên, và dáng thầy đi khoan thai. Thầy đã già quá! Tôi muốn khóc khi nghĩ đến điều đó. Tôi thương thầy vô hạn. Bởi vì khi trở lại lớp cũ, tôi chỉ tìm thấy một hình bóng quen thuộc và thân yêu là thầy. Những vị giáo sư khác không còn dạy ở đây. Một điều dễ hiểu là đa số họ còn trẻ, nên có người nhập ngũ, rồi được biệt phái về dạy ở nơi khác. Hình như có người đã đổi nghề. Chỉ còn thầy Trần ở lại trường lớp này. Và tôi tin rằng, thầy sẽ đeo đuổi nghề dạy học suốt đời.

Đã hơn một tuần qua, tôi làm học sinh của lớp này. Tôi đã chép đủ những bài học. Tôi cũng đã quen mặt những vị giáo sư. Và những gương mặt học sinh trong lớp hầu như tôi cũng đã quen gần hết. Có những người rất dễ thương, như Đồng, Thi, Lan, Tiến. Nhưng cũng có những người rất nghịch ngợm và tàn nhẫn. Có những cá nhân đặc biệt mà ai cũng biết. Đĩnh hung hăng, phá phách và thô bạo. Tuyết đanh đá, hay soi mói và chính là người ngồi ở bàn đầu đã nói với thầy Chung “Anh đó què, thầy”. Nhóm nữ sinh chơi với Tuyết thì cũng không kém. Họ ăn mặc sặc sỡ và hay ăn quà vặt, bàn tán những chuyện thời trang. Nhưng đặc biệt nhất là Phát, ngồi trước mặt tôi. Anh này có một thói quen rất kỳ lạ. Phía tay trái của chúng tôi là dãy nữ sinh, và bàn tay trái của Phát luôn luôn cầm một quyển vở che mặt về phía đó. Chưa bao giờ tôi nghe Phát nói một lời. Phát có một vẻ bất thường mà không ai biết lý do. Phát e lệ như một cô gái. Dường như trong người thanh niên ấy, có một nỗi buồn phiền nào, hay một mặc cảm thua sút, một mặc cảm bệnh tật?

Lớp học của tôi, vì có những cá nhân đặc biệt đó, đã khiến tôi bận trí nghĩ đến, cả khi về nhà. Trong khi ăn, trước khi ngủ tôi cũng nghĩ đến họ. Tôi đã tự hỏi rằng không biết rồi tôi có thân thiện được với tất cả không. Tôi muốn mình là một kẻ hòa đồng. Tôi hình dung thấy gương mặt son phấn lòe loẹt của Tuyết và nhóm bạn của cô ta, không biết họ nghĩ gì về tôi. Trưa hôm qua mẹ tôi hỏi:
 

- Học có vui không con?
 

Tôi đáp “Dạ vui” cho mẹ tôi khỏi áy náy. Mẹ tôi bảo:
 

- Không ai ép buộc con hết. Nếu con thấy vui thì học, không thì tìm chuyện khác vui hơn. Chẳng có gì đáng để con lo nghĩ nữa.
 

Tôi chỉ biết cười. Mẹ tôi nói y hệt như Đồng. Chẳng có gì để ràng buộc, thúc giục tôi học. Gia đình, bằng cấp, lính tráng… tôi đã thoát khỏi những hối thúc đó? Hình như chưa có ai hiểu tôi cả.

Một nữ sinh đang đi đến bàn tôi: Thi. Thi cầm sổ điểm danh đưa cho Đồng, nói:
 

- Tôi đã cộng xong điểm tháng này. Anh kiểm lại giùm rồi nộp cho ông Giám thị nhé!
 

Đồng nhận lấy. Thi nhìn tôi, nói nhỏ:
 

- Anh Nghiêm mới vào học, tháng này chưa sắp hạng được.
 

Tôi gật đầu và mỉm cười thay cho câu trả lời. Thi quay lưng bước đi. Đồng nhìn theo, và nói:
 

- Lại chiếm hạng nhất nữa rồi!
 

- Ai?
 

- Thi. Anh coi này!
 

Tôi nhìn vào tờ giấy kẹp trong sổ điểm: tên của Thi ở hàng đầu, rồi kế đó là tên Đồng. Tôi cười:
 

- Đồng đứng thứ nhì, đâu có kém ai!
 

- Nhưng… tức. Kém có nửa điểm anh ơi!
 

Đồng đấm nhẹ tay xuống bàn. Tôi nói:
 

- Nếu lớp này mà ai cũng như Đồng và Thi, tốt biết mấy.
 

- Không như anh muốn. Lớp này ít ai chịu học. Nếu họ đi học là vì nhà cho đi học, thế thôi.
 

- Bọn tôi lúc trước thì khác. Phần đông là con nhà nghèo. Có bạn vừa đi bán bánh mì để kiếm tiền, vừa đi học. Nhưng ai cũng ham học lắm.
 

Đồng nhún vai:
 

- Gần nửa lớp này là dân làm biếng. Anh thấy giờ Công Dân Giáo Dục với giờ Sử Địa không? “Cúp cua” gần hết. Tại trường dễ quá, cửa cổng mở suốt buổi. Chỉ cần rình rình ông giám thị đi vào văn phòng là tụi nó “vù”.
 

Cậu bé thở ra:
 

- Tụi em đứng nhất đứng nhì nhưng không hãnh diện. Chỉ là “chột trong đám mù”.Em chán quá anh ạ! Em muốn đổi trường nhưng sợ qua trường lạ không địch nổi người ta.
 

- Học ở đâu cũng thế. Tôi nghĩ rằng do mình thôi. Cố gắng học thì trường lớn, nhỏ hay công, tư gì cũng không sợ.
 

Đồng cúi xuống cộng những cột điểm trong sổ. Tôi hỏi:
 

- Đồng hay Thi làm trưởng lớp?
 

Đồng bật cười:
 

- Anh thấy em làm công việc này, tưởng em làm trưởng lớp? Cả em và Thi không ai làm trưởng lớp. Ông giám thị tháng đầu tiên cộng điểm, thấy ai hạng nhất thì giao cho nhiệm vụ này. Rồi em và Thi thay phiên nhau cộng sổ cho ông giám thị. Tụi em làm trưởng lớp bất đắc dĩ đó anh. Ngoài việc này ra, “trưởng lớp” không có bổn phận và quyền hạn gì nữa hết. Anh thấy buồn cười không?
 

Tôi nhíu mày ngạc nhiên. Lớp tôi hồi trước có trưởng, phó lớp hẳn hoi. Có cả những trưởng ban văn nghệ, báo chí, thể thao, trật tự nữa. Chúng tôi sinh hoạt rất vui vẻ. Không lẽ nào ông Hiệu trưởng lại để cho trường lớp tự do như vậy? Tôi hỏi người “trưởng lớp bất đắc dĩ ”:
 

- Tại sao các học sinh không đề nghị nhà trường phát triển những sinh hoạt?
 

Đồng ngao ngán lắc đầu:
 

- Có ai chịu nghe mình đâu anh? Và cũng có mấy ai thích như vậy? Chẳng lẽ một mình em xăm xăm đi nói với văn phòng những điều em muốn nói? Anh không biết chứ ông Hiệu trưởng năm nay đã sáu mươi mấy tuổi rồi, ông rất yếu, từ ngày vợ ông mất, ông sa sút thấy rõ. Ông không trực tiếp điều hành trường nữa. Mọi việc giao cho ông Giám thị và ông Giám học.
 

- Tôi biết hai vị đó.
 

Đồng lắc đầu:
 

- Ông Giám thị không chịu mướn thêm nhân viên, bắt tụi em làm công việc này. Cả ngày ông xách roi đi tìm học trò nghịch mà đánh. Mà kết quả thì chẳng thấy gì hết. Học trò hư vẫn hư. Anh nghĩ coi, lớn rồi, đâu cần roi vọt. Còn ông Giám học thì thôi… khỏi nói anh ạ. Rồi anh còn thấy nữa.
 

Tôi đọc được một sự bất mãn ngấm ngầm trong mắt của Đồng. Những người có trách nhiệm ở trường này đã tạo nên sự bất kính nơi học trò đối với chính họ. Tôi thấy tiếc cái thời mà bọn tôi làm cho trường lớp có một sinh khí, thời mà mỗi khi Tết đến bọn tôi lại kéo nhau đi thăm thầy Trần, thầy Khuê, thầy Hiệu trưởng. Bây giờ, ngoài thầy Trần ra, không ai trong trường còn nhớ tôi. Tuổi tác và công việc phải chăng làm cùn dần trí nhớ và tình cảm của con người? Điều đó cũng chưa hẳn đúng.

Đồng nhìn ra cửa, chắc lưỡi:
 

- Quá nửa giờ rồi, sao thầy Đán chưa đến nhỉ?
 

Tôi đoán:
 

- Chắc thầy có việc gì chăng?
 

- Phen này được nghỉ hai giờ Vạn vật, nhiều người thích dữ!
 

Tôi trố mắt:
 

- Học ban A mà thích nghỉ giờ Vạn vật? Chết chưa!
 

- Mấy người chê thầy Đán dạy… buồn ngủ. Ai siêng thì lại thích về nhà lật sách ra, có lợi hơn.
 

Tôi lại được một phen giật mình. Đồng thản nhiên sau câu nói đó. Tôi hỏi:
 

- Còn Đồng?
 

Đồng nhìn ra cửa sổ, nói ngay:
 

- Em muốn có một giáo sư khác, giảng bài trôi chảy hơn, dạy tận tâm hơn. Em thích được nghe giảng rồi mới đọc sách. Nhưng em không có can đảm và nhẫn tâm viết đơn xin đổi thầy. Hơn nữa, thầy Đán là bà con với ông Giám học. Dù cho có ai làm đơn, chưa chắc ông Giám học đã đổi…
 

Một người nam sinh to lớn từ ngoài hành lang vừa đi vào vừa nói:
 

- Thầy nghỉ, thầy nghỉ. Ông Giám thị cho về.
 

Nhiều người vỗ tay vui mừng. Các nữ sinh xôn xao, xếp tập vở đi về.
 

Đĩnh, người nam sinh đó, nhảy qua những bàn học để vào chỗ ngồi. Anh ta ong ỏng hát một bản nhạc kích động mà tôi vẫn thường nghe trên radio. Đĩnh gọi với:
 

- Sinh! Đi đổi sách thư viện không?
 

Người kia lắc đầu:
 

- Tao đi thụt “bi-da”.
 

Đĩnh quay sang Phát, lúc này đang cắm cúi xem sách, tay trái vẫn cầm quyển vở che mặt về phía nữ sinh:
 

- Phát! Đổi sách thư viện không?
 

Tôi thấy Phát gật đầu nhẹ. Và Phát lấm lét rút trong cặp ra một quyển sách dày cộm. Đĩnh đến gần Phát, cầm quyển sách ấy lên, lật nhanh rồi nói:
 

- Sách này mượn của người ta, mà sao cậu gạch đỏ lè trong này vậy?
 

Phát lí nhí nói gì tôi nghe không rõ. Đĩnh về chỗ, lấy một quyển sách cũng dầy như thế, đưa cho Phát. Tựa sách tình cờ đập vào mắt tôi làm tôi nghe hai tai nóng bừng. Tôi hoảng hồn. Trên kia Phát đang giấu nhanh quyển tiểu thuyết xuống dưới chồng vở, nói lí nhí với Đĩnh. Đĩnh cười to và quay lại tôi:
 

- Anh Nghiêm! Có truyện không? ”Đổi sách thư viện” coi chơi.
 

Tôi lắc đầu. Đĩnh nói:
 

- Không có thì tôi cho mượn. Mỗi tuần năm chục thôi, khỏi thế chân.
 

Tôi lại lắc đầu, cười. Đĩnh nhún vai:
 

- Rảnh ngồi không làm gì? Tôi mà như anh, đọc sách cho nó sướng người, cần quái gì phải đi học.
 

Đồng có vẻ bực mình, nhưng thấy tôi im lặng, Đồng cũng giả lơ. Đĩnh quay đi.
 

Tôi thở dài. Đồng nói khẽ:
 

- “Thư viện lưu động” của hắn đó. “Thư viện” toàn là sách quý không hà anh ạ. Tiểu thuyết của bà A…, của ông B…, lâm ly, gợi cảm…được rất nhiều người ưa chuộng.
 

Tôi nhăn mặt:
 

- Nhà trường có biết không?
 

- Biết cũng chẳng làm gì được. Quyền tự do của họ mà! Sách in bán đầy ngập ngoài đường, dành cho thanh niên thiếu nữ đọc, thì lý do gì nhà trường cấm?
 

Đồng mở cặp, cất hết sách vở vào, hạ giọng:
 

- Thôi, nói hoài mệt quá, đi về anh Nghiêm!
 

- Đồng về trước đi, tôi ở lại chờ em tôi đến đón. Bây giờ còn sớm quá!
 

- Nhà anh ở đâu?
 

- Đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ.
 

Đồng thu xếp sách vở cho tôi, nói:
 

- Em chở anh về.
 

Tôi muốn nói với Đồng một câu, nhưng thôi, tôi nghĩ sự im lặng nói giùm người ta nhiều hơn.
 

Đồng và tôi đi ra khỏi lớp. Tới đầu cầu thang Đồng hơi cúi xuống để tôi choàng tay qua cổ. Đồng dìu tôi đi xuống cầu thang.
 

Hôm đó tôi được đưa về bằng chiếc Yamaha của Đồng.

*

Tôi đến trường trễ hơn mọi ngày những mười phút vì đường bị kẹt xe. Và tôi được chứng kiến một cảnh rất lạ mắt.
 

Cổng trường đóng chặt, nhưng bên ngoài thì học sinh đứng lố nhố. Tôi không hiểu việc gì đã xảy ra. Có tai nạn trong trường chăng? Hay là ông gác-dan ngủ quên không mở cửa?
 

Em tôi dựng xe, lách mình vào đám đông hỏi thăm. Nó trở lại và lè lưỡi, lắc đầu:
 

- Anh biết chuyện gì không?
 

Tôi hỏi vội:
 

- Cái gì vậy?
 

- Ông Giám học đang xét biên lai học phí. Ai có biên lai thì mới được vào lớp.
 

Tôi thấy thấp thoáng bóng ông Giám thị đi ra mở cổng. Và ông Giám học xuất hiện, cho từng người vào sau khi xem biên lai học phí. Vài nữ sinh, mắt đỏ hoe, lủi thủi tách khỏi đám đông. Vài cậu lầm bầm trong miệng những câu không mấy nhẹ nhàng. Nhiều người đã phải ôm cặp ra về. Ông Giám học, mặt lạnh như tiền, làm “nhiệm vụ” như một cái máy. Tôi nghĩ chắc đây là sáng kiến của ông để tránh cái nạn học sinh đóng tiền trễ.

Em tôi lo lắng:
 

- Anh có đem biên lai không?
 

- Không biết nữa. Chắc ở trong cặp.
 

Tôi soát lại, và vui mừng thấy tờ biên lai vẫn còn. Tôi tiến đến đưa biên lai cho ông Giám học. Ông nhìn tôi một đỗi rồi ra dấu cho tôi vào. Em tôi vào theo. Ông Giám thị đưa cây roi ra chận lại:
 

- Biên lai đâu?
 

- Thưa thầy, em xin vào để dắt anh của em lên lầu.
 

Hai anh em tôi đến chân cầu thang. Em tôi rùng mình:
 

- Gớm quá , anh ạ.
 

Tôi “suỵt” và lặng lẽ theo em lên thang. Em tôi vẫn còn ấm ức, nói thêm:
 

- Trông giống như mua vé đi xem hội chợ. Ông giám học gì mà như… người soát vé.
 

- Thôi đừng nói nữa. Đến lớp rồi, em về đi.
 

Tôi chống nạng đi vào lớp. Thầy Hồng đang viết cái tựa “Hàn nho phong vị phú” lên bảng. Lớp học chỉ mới có non một nửa. Tôi chào thầy rồi về chỗ ngồi. Đồng không có mặt ở đó. Đồng ốm chăng? Hay là… Đồng chưa đóng tiền? Sao tôi không thấy Đồng trong đám học sinh bên dưới? Tôi ngồi xuống ghế với trăm nỗi băn khoăn.

Trên bục gỗ, thầy Hồng lên tiếng:
 

- Các em chép bài dần dần đi. Các trò kia vào sau tôi sẽ giảng lại. Hết cả thì giờ rồi. Tôi phải dạy cho xong về Nguyễn Công Trứ trong tháng này.
 

Tôi và mọi người làm theo lời thầy. Tôi mở vở chép bài Phú vào. Mới chép được mấy câu tôi nghe có tiếng chân đến gần. Tôi nhìn lên, ngạc nhiên. Đồng nhễ nhại mồ hôi, nét mặt mệt mỏi. Tôi nép người cho Đồng vào chỗ. Đồng ngồi xuống, thở mạnh. Tôi đưa mắt nhìn, dò hỏi. Đồng nói:
 

- Anh vô lâu chưa?
 

- Mới vô. Còn Đồng, có chuyện gì thế?
 

Đồng lắc đầu:
 

- Có chuyện gì đâu! Em về lấy tiền đóng học phí.
 

- Sao Đồng mệt vậy? Xe hư à?
 

- Không.
 

Rồi Đồng lặng lẽ lấy vở ra. Nhưng chừng như còn tức bực gì ghê lắm, Đồng ngồi thừ người. Tôi áy náy:
 

- Có chuyện gì, Đồng nói tôi nghe với. Phải chuyện dưới sân trường không?
 

- Chính hắn. Đáng lẽ em bỏ về nhà như những người không có tiền. Nhưng em tiếc giờ Việt Văn. Anh biết em làm gì không? Em xách xe đi rước khách. Em đón một lão to như cái lu, đi lên tận Phú Lâm. Lão ngồi không yên, ôm người em cứng ngắc muốn nghẹt thở. Đường kẹt xe, em mệt quá. Em rước một bà nữa mới thêm đủ với số tiền em có. Thế là xong, mua được một cái biên lai.
 

Tôi chỉ biết thở dài. Những sự việc mà tôi chứng kiến làm tôi buồn quá. Tôi tiếc cái thời mà ngôi trường này có uy tín được biết khắp nơi. Bây giờ người ta đã biến nó thành một chốn buôn chữ. Tôi thấy tội nghiệp cho thầy tôi và cho chúng tôi, những người bán buôn bất đắc dĩ này.
 

Đồng ngước nhìn lên bảng đen, đôi mắt tự nhiên có vẻ phẫn nộ. Đồng đọc dòng chữ trên bảng:
 

- “Chém cha cái khó, chém cha cái khó.
Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó
(*)
 

Tiếng nói như muốn làm bể tung lồng ngực.

-----


(*) Hàn Nho Phong Vị Phú Nguyễn Công Trứ

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 2