1.
Khi
hoàn cảnh đến để có thể thực hiện một tờ báo, một ước mơ to lớn mà mình
ôm ấp mãi, mình vui mừng và lo sợ. Hôm ấy trời nắng gắt, trên đường về
mình cảm thấy rõ ràng sức nóng từ mặt nhựa bốc lên hừng hực. Nhưng
rồi... quên hết khi nghĩ tới tờ báo trong tương lai. Lại thêm một vấn đề
đặt ra: "Mới đây có vài tháng mình xin nghỉ báo T H. trong một thời
gian vì lý do sức khỏe. Chỉ còn 39 kí, bác sĩ cấm không cho làm gì cả.
Bây giờ nhào đầu vào làm một tờ báo mới cho chết à? Lại thêm độc giả T
H. không biết sẽ nghĩ gì, hóa ra như vậy cái lý do nghỉ vì "lý do sức
khỏe" cũng là một bình phong che đậy một toan tính gì như thông lệ? Ai
mà không nghĩ thế, chuyện đó xảy ra quá nhiều trong hiện tại. Mình không
muốn làm ai buồn, nhất là rất sợ bị ai giận. Thế nhưng không làm thì
tiếc. Thôi, cái đam mê đã làm hại mình rồi!...
Mình
nghĩ đến những buổi dạy học! Bao nhiêu lần bắt gặp mấy cô học trò đọc
những tờ tạp chí, tuần báo phụ nữ, mà thật ra dành cho người lớn. Mình
tịch thu nhưng hết giờ lại trả lại, không nỡ xé vì dù sao cũng tiền bạc
cả mới mua được. Học trò có lẽ ít biết ông thầy lo nhiều cho mình.
Vừa
về đến nhà thì quyết định của mình cũng dứt khoát: làm! Bởi vậy không
vào nhà, mình quay xe xuống thẳng nhà Thái Bắc. Hắn đang ngồi ghế xích
đu ngoài vườn, đọc sách. Ở nhà, hắn mặc áo may ô nên trông người dài ra
và gầy thậm tệ. Nghe tiếng xe quen thuộc, không chờ mình phải bấm
chuông, hắn đứng lên ra mở cổng.
Vừa dẫn xe vào sân, mình vừa nói:
- Có chuyện quan trọng, Thái Bắc ạ.
Thái
Bắc không nói gì, chỉ yên lặng chờ mình dựng xe, rồi kéo mình ngồi
chung cái ghế xích đu mảnh mai của hắn. Mình không lo cái ghế xích đu
sụm chân, vì hai thằng đều gầy quá lắm. Chê Thái Bắc gầy, nhưng thừa
biết ở trường đồng nghiệp và học trò gọi mình là ông thầy "qua cầu gió
bay".
Nghe mình kể đầu đuôi gốc ngọn, Thái Bắc có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Mình hỏi:
- Thế nào, làm không?
Hắn trả lời thật gọn:
- Nếu cậu nhất quyết làm thì mình cũng làm.
Thật là tuyệt đẹp. Ngày xưa, kể từ hồi còn học đệ nhị trung học, đã có lần bọn mình nói với nhau:
- Lớn lên, thế nào mình cũng cùng nhau làm được một cái gì.
Và
từ đấy, đứa nào cũng cố tâm học để mong chờ cái ngày "lớn lên" đó. Hôm
nay, dù là chưa lớn và công việc này chưa hẳn là "một cái gì" (mơ hồ
nhưng có vẻ to lớn lắm), hai đứa cũng cảm thấy sung sướng lắm. Thái Bắc
gọi em lấy chai nước lọc và hai cái ly. Hắn rót đầy cả hai rồi bảo:
- Rượu mừng ngày xuất quân!
Hắn
cười, không biết vì nghĩ gì. Mình cũng cười và nghĩ: "Thôi rồi, điệu
này đúng là uống nước lã làm báo Thái Bắc ạ. Điệu này thì báo mình sau
này tương lai huy hoàng sáng lạn lắm đây".
Nhưng mình không nói ý nghĩ ấy với Thái Bắc, chỉ bảo:
- Để ngày mai mình bảo cho Hoài Mỹ biết.
*
Nghĩ
đến Hoài Mỹ lúc nào mình cũng cho là một sự kỳ lạ. Thái Bắc là bạn quen
thân từ hồi mài đũng quần trên ghế trung học, còn Hoài Mỹ thì mới quen
thôi, nhưng mình chưa thân ai nhanh bằng thân Hoài Mỹ. Năm trước, khi
bắt đầu đến dạy ở P.A, thỉnh thoảng trong buổi họp hay picnic của giáo
sư, mình thấy hắn nhưng không để ý gì cho lắm, hắn có vẻ một công tử hơn
là một tên "trâu bò" mà mình vốn thích những tên làm việc... "trâu bò".
Dạy cùng trường một năm trời mà không hề nói chuyện với nhau bao giờ.
Cho đến lúc đã quen thân nhau có lần hắn nói "Năm ngoái nghe học trò bảo
có Quyên Di dạy ở trường mình tớ lại gạt phắt đi, bảo là: Quyên Di chắc
lớn tuổi với lại đâu có về đây dạy làm gì. Nhưng rồi cả hai biết nhau
trong tổ chức sinh hoạt học đường. Hoài Mỹ làm Trưởng khối Sinh hoạt học
đường, còn mình làm trưởng ban báo chí. Cho đến lúc đó mình mới biết
cái sức làm việc kinh khủng của hắn. Có lần mình nói với Thái Bắc:
-
Mình đi dạy ở P.A, đụng một tên làm việc kinh khủng quá. Nói về sức làm
việc, trước giờ mình vẫn tự hào không thua ai, vậy mà gặp tên này cũng
phải dội.
Dần
dần trong công việc, hai đứa hiểu và thân nhau. Có lẽ không bao giờ
mình quên những lần cùng dẫn học trò đi trại, bên đống lửa tàn, nói cho
nhau nghe những ước vọng của mình. Những lần đưa học trò đi thăm kiều
bào hồi hương, lúc về xe chết máy, thầy trò hè nhau đẩy xe lên dốc.
Trong bất cứ hoạt động nào, Hoài Mỹ cũng tỏ ra rất hăng hái và hòa đồng
với học trò. Bởi vậy, không lấy làm lạ khi người ta thấy Hoài Mỹ là giáo
sư hiệu đoàn được học sinh mến nhất.
Mình
thông báo cho Hoài Mỹ biết tin làm báo trong một buổi tranh giải bóng
chuyền tại sân trường giữa hai đội tuyển: giáo sư và học sinh. Học sinh
là đội tuyển thật sự, chúng tập dượt cả hai ba tuần và tuyển lựa cầu thủ
cẩn thận, còn giáo sư thì... có ai đâu mà tuyển, ngoài mấy ông giáo sư
hiệu đoàn hay đi chơi với học trò, đến nỗi mình cũng được xem là cầu thủ
chính thức thì đủ biết cái lực lượng ấy thảm hại dường nào. Nói qua cho
Hoài Mỹ biết vừa lúc còi ra quân, hắn trả lời:
- Được rồi, chịu gấp.
Với Hoài Mỹ, hình như hắn không biết từ chối là gì, nhất là trước một công việc.
Xong
trận đấu, với kết quả thảm bại dĩ nhiên dành cho "đội tuyển giáo sư",
mình kéo Hoài Mỹ ra góc sân và lần này trình bày cặn kẽ được. Hắn có vẻ
sướng lắm, toe toét cười vì tuy không phải trưởng ban báo chí, nhưng hắn
thích làm báo vô cùng. Tờ báo Gió Mới của học sinh P.A. bài vở do học
sinh đóng góp, nhưng về kỹ thuật thì hầu như chỉ có hai đứa bao thầu.
Mình nhớ những lần 11 giờ đêm hai đứa còn vác báo vừa quay ronéo xong,
từ P.A. ở tận Thị Nghè, chở nhau xuống nhà in của T.H. đường Kỳ Đồng, ở
đấy có cái máy đóng, đóng nhờ. Đóng xong lại chở nhau về P.A., trèo
tường vào trong trường vì cổng đã đóng từ lâu. Cất báo vào phòng sinh
hoạt xong xuôi hai đứa ngồi ở hành lang nhà trường gặm khúc bánh mì khô,
nghe đâu đây chuông đồng hồ đánh 12 tiếng.
Lực lượng đầu tiên chỉ có ba mạng và thêm Thúy Vũ, cô bạn thân của mình nữa.
Nhưng mà rút cục phải cảm ơn thầy T H. rất nhiều, chính thầy gieo cho mình cái ý tưởng thực hiện riêng một tờ báo.
2.
Những
ngày sửa soạn cho tờ báo ra mắt thật là vất vả nhưng vui kinh khủng.
Thu thập anh em, tìm tòa soạn, kiếm nhà in và nhất là chạy giấy tờ để
xin phép với bộ thông tin. Lại thêm việc đi tìm đại lý tại đô thành và
các tỉnh nữa. Ngần ấy công việc phải tiến hành trong cùng một lúc. Mỗi
lần xáp nhau lại họp là một lần ý kiến ào ào, cãi nhau ỏm tỏi. Hoài Mỹ
được anh em bầu làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, cuống lên lo giấy tờ, hồ sơ.
Một điều hy sinh rất lớn cho hắn là hắn về ở một chỗ, để ghi tên vào sổ
gia đình đàng hoàng, có như thế mới lo giấy tờ được. Thật là một sự lạ,
vì trước kia đố ai bắt Hoài Mỹ ở nhất định một chỗ nào, hắn là dân du
mục. Ngày hoàn thành hồ sơ đem nộp được người ta cấp cho một "biên nhận
tạm", cả bọn mừng húm, đem photocopy mỗi đứa giữ một bản cho nó vui.
TRong khi Vi Vi hì hục vẽ bìa thì cả bọn cũng làm việc phờ râu ; những
bản xin ý kiến được quay ronéo cho rẻ bắt đầu tung ra như bươm bướm,
ronéo mà quay đến 10.000 tờ, rồi 15.000, tờ stencil rách bươm. Cuối
cùng, cũng phải đem đi in, vì mệt quá, không còn tự quay nổi nữa. Những
bản ý kiến bắt đầu quay trở về tòa soạn, gây phấn khởi rất nhiều, những
ngày đầu còn lác đác, bọn mình chờ ông phát thư như chờ mẹ về chợ, nhưng
càng về sau ý kiến gửi về càng nhiều, phải chia nhau ra mà đọc, mặt tên
nào cũng sáng rực như trăng rằm. Thương làm sao những bản góp ý kiến,
có thể không ăn cơm để cả ngày đọc, ghi chú, phân loại cũng vẫn thấy no
đủ như thường. Hết bản góp ý kiến rồi đến bích chương. Những tờ bích
chương của Ngàn Thông chỉ to bằng hai tờ giấy vở học trò bắt đầu được
phân phát. Học trò của Đỳnh Bảng, của Thái Bắc, Hoài Mỹ và của mình nghe
các thầy "làm báo" khoái chí tử, rủ nhau đến đầy cả tòa soạn, đem theo
cả những bạn bè các trường khác, nhất định đòi đi dán bích chương. Ừ thì
dán! Thế là sáng sớm hôm ấy người ta thấy một bọn đông đúc thư sinh mặt
trắng, túa ra từ ngõ Công Lý, tản ra khắp đường phố lo tô điểm cho
những tường nhà, gốc cây, cột đèn (kể cả cột đèn hiệu xanh đỏ) bằng
những tấm bích chương giới thiệu Ngàn Thông. Buổi tối, sau khi đã ngất
ngư với bảy tám giờ dạy ban ngày, cả bọn rủ nhau "thân chinh" đi dán.
11, 12 giờ đêm rồi mà bóng mấy đứa vẫn loáng thoáng ở ngoài đường ; mấy
ông cảnh sát hay nghi ngờ cứ xáp tới hỏi hoài. Hình ảnh một Thái Bắc,
một tay xách lon hồ, tay kia ôm xấp giấy lóm thóm chạy qua đường rồi lui
cui dán dán quét quét có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí mình. Thái
Bắc vốn tính thích tĩnh mịch, làm việc cẩn thận, không thích xuất hiện,
bây giờ phải đi dán hồ là một sự hy sinh lớn của hắn. Tự nhiên mình thấy
thương thương sao đâu. Trong Ngàn Thông số 2, Thạch Thủ ghi lại hoạt
động dán bích chương, nghe có vẻ vui tươi lắm, thật ra hắn vốn tính khôi
hài nên nhìn cái gì nó cũng hóa ra vui được, sự thật tuy vui thì có vui
nhưng cũng nhiều bi đát lắm. Thái Bắc thì như vậy, còn Hoài Mỹ thì đúng
là chịu đau mà dán giấy. Bụng hắn vốn có một vết mổ từ "ngày xưa" để
lại, đã thế không biết thân, lại cứ thích dán cao cho dễ đọc, khó xé. Có
những lần leo trèo, kiễng chân lên dán, xong xuôi mặt hắn cứ nhăn như
cái bị, nhưng không nói gì. Mãi đến lúc về, hắn mới thủ thỉ:
- Nhiều lúc rướn người lên, cái vết mổ căng ra đau quá, nhưng mà cái chỗ ấy thật "ngon", không dán uổng quá.
Nghe xong, mình chẳng biết nói gì, chỉ nghĩ thầm: "Hoài Mỹ ơi, ta thương ngươi quá!"
Nhưng
mấy cái bích chương nhỏ quá, lại dễ bị xé. Cả bọn lại họp nhau bàn...
kế hoạch. Có đứa đề nghị làm mấy cái bảng tôn vẽ sơn như mấy ông giáo sư
quảng cáo lớp toán lý hóa. Chắc là bền lắm. bền thì có bền thật,
nhưng... chả có nhiều tiền mà làm như thế. Cuối cùng sáng kiến được tung
ra: viết chữ màu tếch ni cô lo trên giấy, rồi mua ni lông dầy bọc lại,
cũng bền chán. Hay thật, nhưng mà cũng phải đóng nẹp gỗ chung quanh chứ,
cũng... tiền. Mình chợt nghĩ ra, bảo:
-
Không cần phải mua gỗ nữa, đã có trời cho. Các cậu có nhớ là ngoài
đường, trên các cột điện, cành cây có rất nhiều "băng đơ rôn" lâu ngày
đã rách, hai đầu có hai thanh gỗ, mình đi thu dọn cho thành phố mấy đêm
là có gỗ liền, coi bộ đi bán cũng không hết ấy chứ.
Ý
kiến này được hoan nghênh nhiệt liệt. Thế là từ hôm ấy, ban ngày trong
những lúc đi dạy hay đi đâu, tên nào cũng liếc mắt lên cành cây, cột
điện xem chỗ nào có nhiều "tài nguyên" thì ghi nhớ lấy địa điểm, để tối
đến... hành sự. Buổi tối, trút bỏ bộ quần áo dạy học ra, mặc bộ đồ lôi
thôi lốc thốc vào, cả bọn chở nhau đến những địa điểm đã được ghi nhận
ban ngày. Thế rồi thoăn thoắt trèo lên cây, lên cột điện, tháo gỡ liên
miên, của trời cho mà, không lấy cũng uổng. Chỉ làm việc trong ba đêm,
số gỗ thu về đã đủ dùng. Thái Bắc cười, bảo:
- Làm ăn kiểu này có vẻ khấm khá đấy. Theo nghề này có lẽ lời hơn làm báo.
Sau
đó, tòa soạn biến thành... xưởng mộc, tiếng cưa, tiếng đóng chí chát
suốt đêm ngày, và tuy làm việc cật lực, xưởng mộc cũng chỉ sản xuất được
hơn 20 cái bảng. Cũng đủ chán rồi. Tối hôm sau, ban biên tập lo đi treo
bảng. Công tác kỳ này khó khăn hơn đi dán bích chương nhiều, không thể
chia nhóm nữa mà bốn, năm đứa phải đi chung nhau, để rồi, đứa cúi xuống
làm ngựa, đứa leo lên lưng để trèo lên cây cho dễ, đứa giữ, đứa buộc,
đóng. Đỳnh Bảng chuyên môn phải làm "ngựa", vì trong bọn hắn khỏe nhất,
giáo sư văn chương mà lại ham thể thao, lo đánh bóng chuyền suốt ngày.
Nhắc đến Đỳnh Bảng, mình cũng không nhịn cười được: trong những ngày sửa
soạn bài vở cho tờ báo ra mắt, một hôm gặp nhau tại phòng giáo sư, hắn
buồn rầu bảo:
- Chuồng cút nhà tớ chết hết, chẳng còn con nào cả.
- Sao thế?
- Thì suốt ngày lo viết bài, tớ quên khuấy mất, ba ngày không cho cút ăn uống. Cút chết đói chết khát, mình mẩy dẹp lép.
Hắn đang buồn mà mình thì không thể nhịn cười được, bèn phá lên làm hắn cũng phải cười theo,
Nhắc
lại chuyện treo bảng, mình vì người nhẹ nhõm nhất nên luôn luôn được
leo lưng Đỳnh Bảng trèo cây. Nhưng cũng chẳng sung sướng gì, vì nhiều
cây kiến đen kiến đỏ ở đâu mà nhiều như ma, chúng xúm nhau lại tấn công
làm "thằng bé" cứ kêu thét lên, Thái Bắc với đôi mắt cận 19 độ phải leo
lên cứu viện. Một lần ngay trước dinh Thủ tướng, Hoài Mỹ đã can đảm...
bỏ quần ngoài để leo lên cây cho nhanh. Lính canh cửa phủ thấy một đám
cứ loay hoay bên gốc cây chạy lại hỏi. Hoài Mỹ mắc cỡ quá, cứ thu lu
ngồi trên cây không dám xuống. Ông lính sau khi quan sát, hỏi han, thấy
không có gì hại đến... an ninh quốc gia, bèn bỏ đi, Hoài Mỹ mới dám lóm
thóm leo xuống làm cả bọn được một phen vỡ bụng. Ở một chỗ khác, lại
Hoài Mỹ (tên này đúng là lắm chuyện) leo lên một cột điện treo bảng.
Không may cái cột điện hôm đó bị chạm dây, điện truyền vào. Vậy mà hắn
vẫn "bình tĩnh" treo cho xong mới leo xuống. Lúc đó mới mở miệng:
- Tớ vừa bị điện giật.
Cả
bọn nghe nói cũng giật mình như chạm phải điện, vội nhìn lên cột đèn,
thì thấy cái cầu chì trên ấy đang xòe lửa xanh đỏ tím vàng thật là huy
hoàng rực rỡ. Tái mặt, cả bọn chuồn thật lẹ.
3.
Vui nhất, và mệt nhất có lẽ là những ngày đi tìm đại lý tại các tỉnh. Thái Bắc – Dương Đức Nghiêm đi Phan Thiết – Vũng Tàu (Thái Bắc tuy cận thị nhưng vốn thích đeo cả kính nhào xuống biển) –
Hoài Mỹ một thân một mình xuống tận Cần Thơ. Mình với chị quản lý đi xứ
Mỹ tiện thể ghé Long An, và thêm một chuyến viễn du lên tận xứ anh đào.
Chuyến đi khó quên nhất của mình là lần lên Đà lạt đó. Không dám tiêu
nhiều, sợ phí tiền vốn, chị quản lý làm sẵn đồ ăn ở nhà mang theo, qua
Bảo Lộc, trong lúc hành khách xuống quán cơm thì Ngàn Thông cố thủ trên
xe... ăn cơm nắm. Đến Đà lạt hầu như không có giờ nào đi chơi cả, lo
thuê phòng ở khách sạn rồi vất đồ đạc đó, tìm đại lý ngay. Nhờ trời,
công việc cũng tốt đẹp và buổi tối hôm đó cũng đi dạo được một vòng và
hôm sau trên đường về, xe ngừng lại Định Quán và thêm một màn cố thủ
trên xe.
Hoài
Mỹ đi Cần Thơ cũng phải ngủ lại một đêm. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ hắn
lang thang đi tìm tiệm phở, vì cơn thèm đã đến. Anh em vẫn bảo nhau:
-
Tên này chắc không đi ngoại quốc được, vì thèm phở thế kia, sang bên đó
làm sao có đủ mỗi ngày hai tô, chắc là chết rũ ra thôi.
Riêng đôi Thái Bắc –
Dương Đức Nghiêm đi Vũng Tàu về, tuyên bố thành công 200%, hỏi tại sao
có sự lạ như thế, cả hai thi nhau kể về những sự may mắn trên chuyến đi.
Cuối cùng, Thái Bắc kết luận:
- Tên Nghiêm coi vậy mà lại sợ nước.
Nghiêm nhà ta đã toan cãi thì Thái Bắc tố cáo:
-
Tớ với nó vừa xuống nước, nó đã hét tướng lên là "rét quá" rồi chạy vọt
lên. Tớ giơ tay định giữ ống chân hắn lại, nhưng hắn nhanh chân chạy
thoát, thành thử tớ đành phải tắm "solo" ở dưới biển.
Công
việc tạm xong, báo in cũng gần xong, vậy mà giấy phép vẫn chưa về. Tên
nào tên đó buồn rầu quá, chỉ lo trễ hẹn quá lâu với độc giả. Một ngày nọ
Hoài Mỹ không bảo ai cả, lầm lì lên Nha Báo Chí, vào tận phòng ông Giám
đốc. Hắn nói ngon nói ngọt thế nào không biết mà ông Giám đốc bằng lòng
cho hắn lục tung chồng hồ sơ cao ngất để lôi hồ sơ Ngàn Thông ra cho
ông ký tên vào giấy phép rồi trao cho hắn cầm tay đem về. Nhìn thấy cái
giấy phép, cả bọn mừng hết lớn. Sao mà trông nó xinh đẹp, dễ thương, yêu
kiều đến như thế nhỉ. Qua bao nhiêu chặng đường, ngày hôm nay tờ báo có
thể yên thân ra mắt rồi đây.
4.
Theo
lời hẹn của ông chủ nhà in thì tối hôm nay có báo. Hôm ấy, cả bọn có
mặt đông đủ tại tòa soạn, mình được cử đến nhà in... ôm báo về. Trong
lòng sao mà cứ rộn lên một... nỗi niềm gì không thể diễn tả được.
Đến
nhà in lúc tám giờ rưỡi. Ông chủ đi vắng, khuôn cuối cùng đã lên xong,
anh thợ đưa mình bản chạy thử để chữa một vài lỗi còn sót. Mình vui quá,
không ngờ "tai họa" sắp xảy đến. Khi anh thợ sửa những lỗi còn sót.
không biết loay hoay làm sao, anh làm đổ luôn cả hơn nửa trang chữ. Mình
tái mặt, người lạnh toát, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh tươi cười bảo anh
thợ:
- Không sao, anh chịu khó xếp lại chữ đi rồi lên khuôn lại cũng... không muộn.
Anh
thợ cũng sợ, vội lên nhà chữ lo công việc ngay. Đang khi ấy thì ông chủ
về. Thấy sự thể như vậy, ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ lắc đầu ra vẻ
chán nản lắm, rồi đích thân ông xếp lại chữ, sau đó lên khuôn và chạy
luôn. Lúc đó đồng hồ chỉ 11 giờ đêm.
Ở
tòa soạn, anh em chờ lâu quá, không biết xảy ra chuyện gì, bèn cử thêm
Đỳnh Bảng đến nhà in thăm dò. 11 rưỡi, mình và Đỳnh Bảng ôm 50 số báo
đầu tiên về tòa soạn, tất cả ùa ra, mỗi người vồ lấy một tờ nâng niu,
vuốt ve. Không còn lúc nào vui mừng và cảm động hơn nữa. Thế rồi cũng
phải chia tay về nhà ngủ, để mai này còn đi phát hành báo. Nói vậy, chứ
mình biết chắc chắn đêm nay không đứa nào ngủ được, có nhắm mắt lơ mơ
thì cũng chỉ toàn nhìn thấy những chữ Ngàn Thông đan vào nhau rối rít.
Buổi
sáng hôm sau, trong khi Thái Bắc, Hoài Mỹ, Đỳnh Bảng, Dương Đức Nghiêm
trở thành những anh bỏ báo tại các sạp trong đô thành thì mình chở 500
số báo và thêm... chị quản lý trên chiếc xe Honda "chuyên chở hàng nhà"
xuống Mỹ Tho. Riêng Vi Vi kẹt trong trại, được miễn cho nhiệm vụ thi
hành "quân dịch". Lắm lúc nghĩ lại, mình cũng không hiểu tại sao hôm đó
xe, báo và người lại đến Mỹ Tho an toàn như thế, lúc về qua cầu Bến Lức,
gió thổi mạnh muốn bay cả người và xe xuống sông, chẳng biết có bao giờ
mình còn dám gan cùng mình như vậy không. Ngàn Thông ơi, cũng vì mi
hết. Tối hôm đó, tất cả lại gặp nhau tại tòa soạn, báo cáo về những phê
bình, nhận xét của độc giả mình đã nghe được. Những nhận xét sau đây
được coi là của đa số:
- Rõ ràng là tờ báo của một nhóm thiện chí nhưng không chuyên nghiệp.
- Bài vở chưa có gì đặc sắc cả nhưng vui vẻ, thân mật.
- Tham lam, nhiều mục quá.
- Báo in sạch sẽ, chữ đẹp nhưng trình bày còn vụng về.
- Cái hình bìa đẹp nhưng có vẻ "đạo đức" quá.
Thái
Bắc ghi ghi chép chép, hắn là thư ký tòa soạn mà. Một ý kiến cuối cùng
bây giờ mới được đưa ra, có lẽ người phát biểu sợ làm buồn lòng anh em,
ngần ngừ mãi bây giờ mới nói:
-
Có người bảo nhóm chủ trương tờ Ngàn Thông thiện chí đó, nhưng nghe đâu
thiếu kinh nghiệm, lại ít vốn nữa, chắc rồi chỉ chừng ba số là chết.
Nghe
vậy kể ra thì buồn thật, nhưng đó là một thực trạng đáng lưu ý. Chính
Vi Vi cũng từng nghĩ như thế, hắn lo lắng nhưng không nói ra sợ anh em
buồn. Sau nay khi báo ra đến số thứ 5 Vi Vi mới thở ra nhẹ nhõm, bảo cho
mình biết điều lo lắng của hắn. Một lần gặp Đào Trường Phúc, trong khi
tập cho mình uống cà phê, anh ta nghe mình trình bày hiện trạng của tờ
báo, nghe xong Phúc bảo:
- Tôi nghĩ với tình trạng như vậy, báo anh sẽ chết sớm trừ trường hợp có phép lạ.
Anh Phúc nói đúng, anh ạ, phép lạ đã xảy đến với Ngàn Thông.
Buổi
sáng sau, Hoài Mỹ và Thái Bắc lãnh phần chở báo xuống các đại lý ở Vũng
Tàu. Cái tai nạn hôm đó làm mình nghĩ ngợi mãi: hai tên đi bằng Honda.
Hoài Mỹ liều mình trao sinh mệnh cho tên cận thị 19 độ, ngồi đằng sau để
hắn chở đi. Giữa đường xe bể bánh, phải gọi một chiếc xe lam, kéo Honda
chở lên chỗ vá. Tài xế xe lam lại là một chú nhỏ 14, 15 gì đó, hắn xả
ga chạy vun vút đến chỗ quẹo cũng không giảm tốc lực và không giơ tay ra
hiệu. Một chàng phóng Suzuki đằng sau lướt tới, đâm rầm vào xe lam.
Thái Bắc tối tăm mặt mũi, còn Hoài Mỹ bắn ra ngoài xe nằm bên bờ ruộng.
Định thần, Thái Bắc nhảy xuống thì thấy Hoài Mỹ đang rướn người lên tay
quơ qua quơ lại, miệng ngáp ngáp. Thái Bắc lại tưởng tên này giỡn, vì
hắn tính ưa khôi hài lắm, nào ngờ về sau mới biết Hoài Mỹ tức ngực không
thở được. Rất may cũng nhẹ nhẹ thôi, sau đó hai chàng vẫn còn lết ra
Vũng Tàu được và trở về an toàn.
Vất vả cực khổ như vậy đấy, nhưng càng mệt, càng khổ nhiều, càng thấy thương Ngàn Thông ghê gớm.
5.
Từ
đó đến nay, biết bao nhiêu là buồn vui lẫn lộn. Những lần tổ chức gặp
độc giả, những buổi hội thảo, họp mặt, sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ
Giáng Sinh... làm cho tình thân giữa Ngàn Thông và độc giả càng thêm bền
chặt. Những cánh thư khuyến khích gửi về trong tình thân ái là mật
ngọt, suối nguồn nuôi dưỡng Ngàn Thông bé bỏng, để Ngàn Thông cứ mãi
hoài tin tưởng mà vươn lên. Thế rồi cũng bao nhiêu là buồn rầu, mỗi lần
đến nhà phát hành nhận tiền báo là thấy ngại ngùng. Quái lạ, cả bọn
không nề hà việc gì mà chỉ ngại mỗi một chuyện đi lấy tiền báo. Có lần
Thái Bắc bảo:
- Giá bọn mình cứ làm báo mà không phải thu tiền thì thích biết bao.
Nhưng
nếu không thu tiền thì làm sao báo sống, rốt cuộc mình đành phải vác
thân tăm tre đi vậy. Những lần đến kho nhận báo cũ, nhìn những tờ báo
mình thân yêu, nâng niu, ve vuốt bây giờ nằm lộn xộn, bẩn thỉu trong góc
kho sao mà đau lòng quá. Hôm di chuyển tòa soạn cũng thật là buồn. Tòa
soạn trước kia vẫn đóng đô tại phòng khách nhà chị quản lý. Bây giờ vì
lý do đặc biệt chị phải đi xa, bán căn nhà này cho người khác. Nghĩ thật
tiếc cái không khí làm việc ấm cúng, căn nhà phía trước có cây mận rợp
bóng, cây ngọc lan thơm ngát, và những trẻ em trong xóm tuy nghịch ngợm
mà lại tốt tính, mỗi lần báo về là chúng rủ nhau ra khuân vác vào hộ, và
độc giả mỗi lần tìm tòa soạn, nếu không có các em chắc khó mà "đi đến
nơi, về đến chốn", vì tòa soạn ở trong ngõ hẻm thật sâu, lại không có số
nhà, bảng hiệu gì cả. Hôm tòa soạn dọn đến chính các em khuân vác hộ,
bây giờ tòa soạn dọn đi, cũng lại chính các em giúp sức. Thái Bắc khiêng
cái tủ sách đựng bài vở ra xe, cái tủ mà trước kia chính hắn mua và chở
lại. Mình ôm từng chồng bài vở của độc giả, lòng thấy ngùi ngùi.
Đôi
khi ngồi lại với nhau, anh em vẫn ước mong đủ thứ. Ước rằng báo mình
càng thêm hay thêm đẹp, ước nhiều học sinh đọc Ngàn Thông, ước con số
độc giả dài hạn tăng lên chừng ngàn rưỡi người, như vậy yên chí mà làm
báo ; ước mua được cái xe La Dalat để chở báo, bỏ báo cho tiện và lâu
lâu rủ nhau đi chơi. Ước mơ nhiều cái, mà chả biết có thành sự thực được
chút nào không. Thôi thì hãy cứ ước mơ, vì ước mơ nuôi sống tâm hồn
mình, và bao lâu còn ước mơ thì bấy lâu biết rằng tim mình vẫn nồng nàn,
lòng mình không chai cứng.
Ngày
hôm nay ngồi ghi lại những dòng này, tự nhiên cả một năm với "Ngàn
Thông" hiện rõ trước mắt mình, bao nhiêu là kỷ niệm "để đời", mai sau dù
có thế nào, chắc chẳng bao giờ mình quên được những kỷ niệm vô giá này.
Tuổi trẻ nhiệt tâm, thiện chí, hăng say, lý tưởng, mình chỉ sợ một ngày
nào đó, khi đã lớn, đã "kinh nghiệm", bao nhiêu những điều tốt đẹp ấy
cứ dần dần tàn phai. Mong rằng không đến nỗi như thế. Thái Bắc có một
tập nhật ký, hắn ghi lại đầy đủ những chi tiết, những biến chuyển quan
trọng từ ngày ý tưởng thành lập Ngàn Thông mới còn trong trứng nước.
Mình thì bỏ mất thói quen ghi nhật ký rồi nhưng dù bằng cách nào, bọn
mình vẫn coi những ngày làm báo là một gia sản chung, quí báu và dồi
dào.
Trước
mắt mình hiện ra hình ảnh những học sinh tay cầm tờ Ngàn Thông, mắt
chăm chú đọc. Ôi, ước mơ của mình là vậy đó. Ngàn Thông ơi, mãi mãi em
là người bạn bé bỏng thân yêu của tuổi học trò, nhé.
Kỷ niệm Sinh Nhật Ngàn Thông
QUYÊN DI
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 25, ra ngày 5-5-1972)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Bìa của Vi Vi : Sinh nhật Ngàn Thông |