Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

CHƯƠNG 5, 6_VÒNG TAY MẸ

5


Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi cách nhau chẳng bao lâu mà Ngôn vuột mất hai người Ngôn thương mến: cô Tam với con Bông. Đi học Ngôn cứ buồn bã ủ dột suốt buổi. Bọn học trò nói là: thằng Ngôn nhớ con Bông, rồi tụi nó trộ Ngôn:
Hò... ơ... Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ.
Nhớ ai, ai nhớ... ờ...
Hò... ơ... Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ... ai...
Đành rằng Ngôn cũng có nhớ con Bông, nhưng Ngôn buồn vì vắng cô Tam hơn là buồn vì xa Bông. Bông chỉ là nhỏ bạn học cùng lớp, cùng trường, còn cô Tam, dường như có một sự liên hệ vô tình nào ràng buộc cô Tam vào với Ngôn. Ngay cái đêm ấy, sau khi bị mẹ và nội đuổi đi, cô Tam đã âm thầm khăn gói lên đường. Đêm khuya lắm, Ngôn nhớ rõ, Ngôn còn trằn trọc chưa ngủ được vì hình ảnh cô Tam ngất xỉu ban chiều cứ lởn vởn trong đầu óc Ngôn, thì Ngôn nghe có tiếng khóc thật gần, tiếng chân bước nhè nhẹ. Hồi nào tới giờ, Ngôn không biết ma là gì, nên không sợ ma, nhưng cái ngọn đèn hột vịt tù mù, lung linh chập chờn làm căn buồng nhỏ khi mờ khi sáng làm Ngôn ngán vô cùng. Ngôn mở mắt thao láo nhìn ra ngoài mùng. Ngôn thấy một bóng đen đứng ở cửa nhà bếp thật lâu, dường như có đưa tay quẹt mắt mấy lần. Ngôn định kêu mẹ dậy, vì Ngôn nghĩ đó là tên ăn trộm. Nhưng Ngôn chợt nhớ tới cô Tam. Phải rồi, cô Tam chớ không còn ai vô đây. Cô Tam sắp bỏ nhà mà đi. Thốt nhiên Ngôn thấy mắt mình cay cay muốn khóc. Bóng đen quay ra, rồi từ từ mất dạng. Ngôn ngồi bật dậy, rón rén bước xuống giường, leo lên ghế, nhắc chiếc đèn hột vịt cầm tay soi sáng. Ngôn đi vòng ngõ sau bếp để ra vườn, mẹ không hay, căn buồng tối om lại. Ngôn bước từng bước thật chậm. Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn chỉ vừa đủ soi cho Ngôn thấy khoảng đất nhỏ, chứ không tài nào thấy rõ chung quanh. Ngôn lần ra tới bờ sông, vẫn không thấy cô Tam đâu, không lẽ bóng đen đó là ma. Ngôn đi thêm vài bước nữa, trên tay Ngôn chiếc đèn hột vịt run như muốn rớt xuống đất. Ngôn mừng quá, cô Tam còn ngồi ở đầu cầu bên cạnh là cái nón là và một bọc quần áo nho nhỏ. Ngôn kêu lên:
- Cô Tam!
Cô Tam quay lại, ánh đèn dầu cho Ngôn biết rằng cô Tam đang khóc, mắt cô long lanh sáng, trên má cô hai hàng nước ướt nhòe. Ngôn lại gần cô Tam, đặt đèn xuống mặt cầu Ngôn hôn lên má cô Tam rồi ôm chầm lấy cô mà khóc. Không ngờ Ngôn cũng mau xúc động đến vậy, hai cô cháu cứ ôm nhau thút thít, thút thít. Cô Tam nói với Ngôn giọng đầy nước mắt:
- Ngôn ở lại mạnh giỏi. Ráng học và ngoan ngoãn luôn.
Ngôn gật đầu, giờ phút này Ngôn muốn kêu cô bằng mẹ, tiếng mẹ giả bộ đã làm cho cô Tam bị đuổi, nhưng tiếng mẹ thật thà bây giờ chắc sẽ xoa dịu nỗi buồn cô Tam hơn. Cô Tam thương Ngôn như một người mẹ thương con. Tại sao Ngôn không thể kêu cô Tam bằng mẹ? Chắc tại vì cô Tam không sanh ra Ngôn. Ngôn lau nước mắt cho cô.
- Mẹ của Ngôn!
Cô Tam run run nắm bàn tay của Ngôn áp lên má:
- Ngôn, đừng gọi cô bằng mẹ nữa, dù mẹ... ơ... cô muốn nghe ghê lắm. Cô không phải là... mẹ Ngôn. Nhưng cô thương Ngôn nhiều. Xa Ngôn, cô nhớ Ngôn biết chừng nào nói. Ngôn...
Nước mắt tuôn xối xả, chảy vào miệng cô Tam nữa. Ngôn lấy vạt áo chậm mắt mình. Nó nói như không phải là nói với cô Tam:
- Mai mốt không còn ai để kể chuyện lục bình, không còn ai để Ngôn làm thầy bói nữa.
Cô Tam ôm Ngôn vào lòng:
- Cô đi nhưng không bao giờ quên Ngôn cả. Thôi Ngôn vô ngủ đi, kẻo mẹ hay. Mẹ đánh đòn.
Ngôn nhõng nhẽo với cô:
- Lâu lâu cô Tam ghé về thăm Ngôn, nghen cô.
- Nếu cô còn sống thì cô sẽ về thăm Ngôn. Cô ra đi lần này, cũng giống lần đầu ba má cô đuổi cô đi. Nhưng không biết phải đi đâu?
Giọng cô buồn quá, nghe như một lời trối trăn. Ngôn nằm vùi trong lòng cô, không muốn rời cô Tam nữa. Mà hình như cô Tam cũng muốn như vậy. Có tiếng súng nổ thật lớn, cô Tam giật mình, đẩy Ngôn đứng lên:
- Thôi Ngôn vô đi, khuya lắm rồi.
Ngôn chậm chạp bước từng bước lên cầu; cô Tam còn ngồi đó, Ngôn đứng yên, bóng cô Tam lung linh như sắp bể tan trong mắt Ngôn. Ngôn không nói gì hết, một giọt nước len nhẹ vào môi cho nó nghe mặn mặn đầu lưỡi. Cô Tam lại ôm vai nó:
- Cho cô hôn lên trán Ngôn lần cuối.
Ngôn quỳ xuống đón lấy từ môi cô mấy nụ hôn thân yêu làm dấu kỷ niệm để đời trên vầng trán nhỏ. Nước mắt của cô đậu lên mặt Ngôn ấm áp. Cô Tam buông Ngôn ra:
- Nữa lớn nhớ đến cô, Ngôn cho cô vài giọt nước mắt, nghe Ngôn. Ngôn ở lại mạnh giỏi. Cô đi.
Ngôn gật đầu, nó muốn chúc cô đi bình an mà cổ họng nghẹn lại, thốt không ra lời. Cô xuống xuồng, nhẹ nhàng chèo đi, tiếng dầm khua nước róc rách sao giống như tiếng khóc. Ngôn nhìn theo bóng cô Tam từ từ biến mất, Ngôn không dằn được nữa, nó khóc òa lên. Không có ai bên cạnh để dỗ dành Ngôn, nó khóc nức nở một mình, tưởng như vừa bỏ mất một vật gì quí giá lắm mà không đời nào lấy lại được. Tiếng súng nổ dồn, súng lớn có, súng nhỏ có chắc lại đụng trận nữa chớ gì. Ngôn thầm van vái trời phật phò hộ cho cô Tam yên lành. Ngước nhìn lên cao, Ngôn chấp tay xá ba xá, để vừa bắt gặp một ngôi sao vụt băng đi xa tuốt luốt nơi nào không biết.
Rồi hai ba bữa sau, con Bông vô lớp nói cho Ngôn biết nó sẽ đi Saigon. Bây giờ con Bông đã đi rồi, cô Tam cũng đi rồi, Ngôn ngồi nhớ và buồn bã vô hạn. Nắng mới lên trên dòng sông lấp lánh, nhìn ra ngoài xa Ngôn mường tượng xuồng của cô Tam đang trôi bềnh bồng, như một chiếc lá, như một đám lục bình. Không biết lúc này cô Tam ở đâu, có nhớ đến Ngôn chăng? Nước cứ trôi xuôi một dòng, biết khi nào mang trả lại cho Ngôn một cô Tam trìu mến? Ngôn muốn bày tỏ nỗi buồn nỗi nhớ cho người nào khác, để đỡ nặng lòng. Con Bông thì đã ở trên Saigon xa lắc xa lơ. Nội thì không bao giờ thèm nghe bất cứ câu nói nhắc đến tên cô Tam, tất nhiên mẹ cũng cùng tâm trạng. Bạn học thì không ai thân. Đâu phải bất cứ một chuyện vui, chuyện buồn nào người ta cũng dễ bộc lộ. Phải tùy người và tùy lúc nữa. Chẳng hạn ngay giây phút này Ngôn đang thèm tâm sự, thèm có một đứa bạn thân ngồi bên để chia sớt nỗi buồn với Ngôn. Nhưng ngoài dòng sông, ngoài hàng dừa nghiêng nghiêng bờ đất ra, Ngôn không có ai kề cận. Mà dòng sông với hàng dừa thì lúc nào lại chẳng chứng kiến những thân mật cũng như những buồn đau của cô Tam và Ngôn? Chắn chắn chúng hiểu Ngôn hơn ai hết, chúng cũng hiểu cô Tam hơn ai hết. Dòng sông như một nơi cất giữ những chuyện muốn nói mà không bao giờ nói của Ngôn. Buồn nhiều hơn vui. Đáng lẽ, nỗi buồn phải đi theo con nước mà đi biền biệt, đi thật xa, để lại cho Ngôn niềm vui độc nhất dù nhỏ bé, dù đơn sơ. Vậy mà không, Ngôn vẫn còn buồn. Ngôn tưởng dòng sông đục nước là vì hòa trộn niềm đau của Ngôn, dòng sông chảy lững lờ là muốn an ủi Ngôn. Ngôn thấy sông đẹp hơn bao giờ hết. Ngôn nhìn nó với ánh mắt thật thương. Và những chiếc lá dừa rộng rãi trên đầu, đong đưa xào xạc mỗi chiều có gió, Ngôn xin lấy làm bằng chứng yêu thương. Biết bao lần Ngôn nói thương cô Tam ở đây những chiếc lá dừa chắc đã đựng đầy hết, nhất là những lời nói đêm cuối cùng, Ngôn đau xót nhìn theo bóng cô Tam chèo xuồng bỏ Ngôn mà đi.
Rồi bỗng nhiên Ngôn nhớ đến thằng Thạnh, cái thằng bạn chuyên môn chê con gái, không thèm chơi với con gái và cũng rất sợ con gái. Hôm Ngôn tiễn con Bông ra bến xe đò chợ quận, bỏ một buổi học, Thạnh biết nên theo chọc Ngôn hoài, Ngôn không khi nào giận nó cả. Coi nó vậy mà hiền khô và chân thật. Ngôn thương mến Thạnh như là Ngôn mến thương Bông. Kể như đó là hai đứa bạn thân của Ngôn.
Từ dạo cuộc chiến trở nên sôi động, tình thế bất an, Ngôn chỉ còn gặp Thạnh ở sân trường trong giờ chơi với lần u mọi té xuống bể đầu, với lần rượt bắt cứu bồ muốn đứt hơi vì chạy. Hai đứa đã không còn cái thú vác cần câu vào tận rạch dừa um tùm bóng lá để thi câu, cũng không còn đua nhau làm diều đem ra đồng thả, rồi nằm chơ vơ trên gò mả của ai đó mà say sưa ngắm diều phất phới trên cao. Thạnh cũng là thằng bạn Ngôn hay kể chuyện nhất, phải chi lúc này có nó thì đỡ biết mấy...
- Ngôn ơi, Ngôn! Ngôn ơi, Ngôn!
Tiếng ai gọi Ngôn thất thanh bài hãi, Ngôn bỏ cầu ván, chạy vội lên bờ. Bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ bay tuốt hết. Ngôn nhìn quanh quất, kìa, thằng Khôi với chiếc xe đạp cũ rích cũ mèm, nó vừa đạp vừa la. Ngôn vẫy tay ra dấu cho nó thấy đồng thời cũng là dấu hiệu bắt nó dừng lại. Khôi thấy Ngôn, mừng húm nhảy phóc xuống đất, quành xe lại, vỗ vào yên sau, nói tía lia:
- Leo lên Ngôn, lên tui chở trò đi.
Ngôn ngạc nhiên:
- Sao khi không mà trò đòi chở tui đi, mà đi đâu?
Khôi hối thúc:
- Đi đâu leo lên rồi biết, lẹ đi trò!
Ngôn cù cưa, cù nhầy:
- Khoan đã, để tui vô xin phép nội, xin phép mẹ tui.
- Trời ơi, lẹ lên đi, không kịp bây giờ, tội nghiệp nó mà.
Nghe giọng Khôi lạ lạ, Ngôn nhìn kỹ mặt bạn hơn, hai con mắt Khôi còn hơi đỏ đỏ. Ngôn lại càng ngạc nhiên hơn, nhưng linh tính cho nó biết có chuyện quan trọng, Ngôn không cần suy nghĩ gì nữa, Ngôn leo lên ngồi cho Khôi chở đi. Khôi đạp hết sức mình, chiếc xe đạp tội nghiệp kêu "cà cót, cà két", lao nhanh trên bờ đất, vậy mà Khôi vẫn còn thấy chậm, nó ghì người sát tay lái như một cua rơ chạy nước rút cho mau đến mức ăn thua. Ngôn khều lưng thằng Khôi:
- Chạy đi đâu dữ vậy, cha nội?
Khôi đáp lẹ:
- Tới nhà trò Thạnh, nó đang hấp hối...
Giọng Khôi như bị ai bóp nghẹt, lại còn bị gió thổi tạt đi, nhưng Ngôn nghe thật rõ, mình mẩy nó nổi da gà, Ngôn hơi run:
- Sao?... trò Thạnh... hả?
- Ờ, trò Thạnh, nó đi mua thuốc cho má nó trên tỉnh, bận về đi xe lam qua ngõ bên kia bờ rẫy bị giựt mìn, nó gần chết.
Ngôn bủn rủn tay chân lọt xuống đường cái bịch. Thằng Thạnh gần chết. Trời ơi, có lẽ nào, Ngôn mới nhớ tới nó đây mà.
Ngôn vừa mới mong ước nó có bên cạnh Ngôn để kể lể chuyện buồn đây mà! Thạnh ơi. Thằng Khôi đang gò lưng chạy bỗng thấy nhẹ re phía sau, Khôi nhìn lại, thằng Ngôn vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa kêu réo:
- Chờ tui Khôi ơi, chờ tui.
Ngôn chạy tới, leo lên và chiếc xe đạp lại tiếp tục nuốt hết con đường. Nhà thằng Thạnh sao mà xa ghê vậy. Khôi chạy nãy giờ gần hụt hơi mà vẫn chưa tới. Khôi hỏi Ngôn:
- Trò té có sao hôn?
- Không sao.
- Vịn cho chắc nghen, tui đạp cho lẹ, sao tui sợ...
Ngôn không nghe Khôi nói tiếp. Mà nghe Khôi hít mũi, chắc Khôi khóc. Ngôn cũng nghe mắt mình cay cay, nó bậm môi lại thật chắc, để khỏi khóc bất tử. Khôi hãm xe lại bằng thắng tay, lẫn... thắng chân, Ngôn cũng giúp bạn, cố chạm chân xuống đường. Bốn cái chân kéo lê trên đường kêu "sạt! sạt!" làm chiếc xe ngừng lại mau hơn. Khôi thở hắt:
- Tới rồi.
Ngôn thấy nhà thằng Thạnh đông người quá, nhốn nha, nhốn nháo. Khôi dựng xe vào bờ rào, rồi nắm tay Ngôn dí vô. Nhưng hai đứa bỗng khựng lại trước cửa, má thằng Thạnh chị em thằng Thạnh khóc um sùm, kêu Thạnh ơi! Thạnh hỡi, não nuột, còn tía thằng Thạnh, cặp mắt đỏ hoe, run run, kéo chiếc mền xám tro lên tận mặt con. Ngôn nói với mình:
- Thôi, trễ rồi.
Ngôn cặp kè Khôi đi ra ngoài. Tiếng khóc kể vẫn không ngớt vọng vào tai chúng. Lúc mà Ngôn nhớ nhiều về Thạnh, cảm thấy thương Thạnh và cần có Thạnh lại là lúc Thạnh nằm ngủ muôn đời. Làm sao trò thức dậy để đi học như mọi lần hả Thạnh? Thôi vậy là trò xa tụi tui rồi. Buồn ghê hả Thạnh. Mai mốt vào lớp học, tui còn có ai nữa đâu?
- Ngôn à, chừng chôn trò Thạnh trò đi hôn?
- Không.
Ngôn đáp bằng một giọng chắc nịch. Thạnh à, bây giờ trò nằm đó, buông xuôi tay chân vô cùng thanh thản, mà tui muốn khóc thật nhiều vì hiểu trò thật sự làm một cuộc đi chơi xa. Xa hơn cánh đồng vàng vàng ngọn lúa, lổm chổm vài cái mộ đá rêu phong, xa hơn con rạch cong queo chảy hun hút, len lỏi qua mấy vuông đất trồng chuối, trồng dừa. Lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng trong cuộc đời, trò đi chơi mà không rủ tui, rủ thằng Khôi.
Đi một mình chắc là vui hơn nhiều há Thạnh? Như vậy tui cần gì phải đưa đám trò. Với lại tui không thể nào can đảm đứng nhìn người ta đưa trò vô trong lòng đất. Bây giờ cũng đã là xa. Bây giờ cũng đã là mất Thạnh ha.
*
Từ đó trở đi, ngày nào cũng có tin người ta bị thương, hay bị chết. Không vì lạc đạn ngoài đồng thì cũng vì bị giựt mìn, mới đây lại thêm nạn pháo kích. Dân làng sống trong lo sợ phập phồng. Người lìa bỏ quê cha đất tổ, bỏ biệt mồ mả ruộng nương, càng lúc càng nhiều, họ đi tìm một nơi an lành hơn, dễ sống hơn. Làng mạc tiêu điều vắng lặng.
Nhà Ngôn cũng thu xếp đồ đạc để lên Saigon sống với ba. Đến phút này Ngôn mới thấy thương quê nội hơn bao giờ hết. Quê nội có dòng sông êm ái, có hàng dừa xinh xinh, có bóng cô Tam và chiếc xuồng đêm chia biệt, có hình ảnh con Bông, thằng Thạnh, thằng Khôi với những chiều rong chơi sung sướng, Ngôn muốn đem hết những thứ đáng yêu đó theo bên mình. Ước gì Ngôn có phép như mấy nàng tiên trong truyện cổ tích của nội, Ngôn sẽ "ếm sì bùa" cho hết đánh giặc, cho hết đau thương. Phải rồi, ước gì...
- Ngôn à, con thu xếp mọi thứ của con chưa mà ngồi ngó mông đó?
Ngôn đứng dậy, thưa với ba:
- Con làm hết rồi ba.
Ba gật đầu, ba đi tới đi lui trong nhà, Ngôn biết ba lo lắng cho nội. Suốt mấy đêm liền, từ khi ba về đây với ý định đem cả gia đình lên Saigon sống thì nội cứ nhất định không chịu nghe theo ba, dù ba đã trình bày hết mọi lý lẽ, để cố mong lay lòng nội. Ba không muốn để nội sống một mình ở đây, giặc giã hiểm nguy. Còn nội, nội không thể xa đất tổ, xa mồ mả ông bà. Nội ở lại để trông coi, giữ gìn và thờ phượng. Nội già cả, sống từng tuổi này là đủ rồi. Nếu có chết nội cũng đành lòng. Bởi vì chết tại ngôi nhà nội đã sống, chết tại mảnh đất làng, có ông nội, có gia quyến tổ tiên. Nhớ lời nội nói mà Ngôn thương nội sao đâu.
Mẹ từ trong buồng xách ra hai va ly quần áo, vật dụng. Ba nói với mẹ:
- Mình ra dốc cầu trước, để thằng Ngôn lại đây. Chút nữa anh với con ra.
Mẹ nghe lời, lủi thủi bước đi. Mẹ cũng buồn bã, Ngôn thấy bước chân mẹ ngập ngừng, Ngôn thấy mắt mẹ ươn ướt. Mẹ đi rồi, Ngôn vào nhà: nội nằm trên bộ ván giấu mặt vào trong, vai của nội gầy còm run nhè nhẹ, còn ba đứng im lìm bên nội, mắt đỏ hoe. Ba vẫy tay gọi Ngôn:
- Lại thưa bà nội rồi đi, con!
Ngôn ríu chân đi không nổi nữa, sao mà nội tội nghiệp quá.
Đến lúc này Ngôn mới thấy nội già nhiều, tóc nội bạc phơ phơ. Nội ốm nhom, ốm nhách. Ngôn mếu máo:
- Nội ơi.
Nội vẫn không quay ra, Ngôn biết nội đang buồn, đang khóc. Ngôn lóng cóng leo lên bộ ván ôm nội:
- Thưa nội, con đi, nội ở lại mạnh giỏi.
Nội xô Ngôn ra nhè nhẹ, tiếng nói của nội đục ngầu:
- Ờ, con với ba con đi đi! Mai mốt nhớ về thăm nội.
Ba nắm tay Ngôn, tần ngần:
- Má à, con đi nghe má! Má ở lại bình an thỉnh thoảng con sẽ về thăm.
Ba dẫn Ngôn đi. Nội vẫn còn nằm ở đó. Nội không buồn đưa tiễn. Chắc nội không đành lòng nhìn Ngôn, ba mẹ dắt díu nhau đi. Nội khóc, nội buồn, chẳng có ai bên cạnh an ủi. Dù gì Ngôn cũng còn có ba, có mẹ, Ngôn quay nhìn ngôi nhà lần chót, hàng tre um tùm quanh ngõ như thì thầm lời từ giã. Ngôn cũng nhìn lại dòng sông, nắng làm sông lấp lánh, muôn ngàn cái lấp lánh, Ngôn không còn thấy chúng đẹp như những sợi kim tuyến mà Ngôn tưởng như những giọt nước mắt thật đau lòng. Ngôn nhớ tới những đôi mắt long lanh của cô Tam. Ngôn nhớ tới ngôi mả mới đắp của Thạnh. Ngôn nhớ tới thằng Khôi với chiếc xe đạp cũ rích "cà cót, cà két"... Tất cả đều đáng thương.
Ba cúi xuống hỏi Ngôn:
- Con có còn thương cô Tam không?
Ngôn nhìn ba gật đầu. Ba cười buồn:
- Cô Tam đi mà không nhắn gởi lại gì với ba hết sao? Biết cô Tam ở đâu bây giờ?
Ngôn lặng thinh không nói, nó nắm tay ba lững thững bước đi. Càng lúc càng xa nội. Ba nhìn chăm chăm đôi mắt của Ngôn sao mà giống đôi mắt cô Tam quá đỗi. Cũng một điệu buồn. Nhưng có lẽ chưa lần nào ba bắt gặp mắt cô Tam buồn, não nùng một cách ngây thơ, như lúc này, ba bắt gặp trong đôi mắt của Ngôn.

ĐOẠN CUỐI



Người lính trẻ, ôm ghì họng súng, mắt đăm chiêu mơ màng. Trên đồn gác thật cao, hắn nhìn thấy đồng lúa phì nhiêu chạy dài xa tít tắp, xanh rờn, xanh rờn, như nỗi hy vọng của hắn ngày còn bé, và ngay bây giờ.
Hắn theo ba lên sống nơi thành thị, nhưng hình ảnh làng quê với bà nội già nua thấp thỏm vào ra một mình quạnh quẽ, cứ làm hắn bồn chồn. Hắn mong một ngày thanh bình để trở về với nội. Hắn mường tượng mỗi sáng nội thức dậy lui cui quét sân, đốt lá, lui cui châm trà và miệng gọi ột! ột! cho đàn heo ăn cám, mỗi chiều nội ra trước cửa ngóng, đôi mắt già mong thấy được con cháu tận đâu đâu... Ôi, sao hắn thương nội vô cùng.
Cũng trên đồn gác này, hắn thấy những gãy nước mênh mông, sáng lấp lánh... có con sông nào êm đềm lờ lững và đẹp như con sông trước nhà của nội? Con sông đã hứng lấy nước mắt của cô Tam, người mẹ đau khổ bất hạnh của hắn, khi chèo xuồng xa đứa con còn nhỏ.
Mẹ hắn, người mẹ mà không có quyền nhìn nhận đứa con, người vợ không được lên xe hoa về nhà chồng. Con dâu mà không bao giờ nội thương tưởng. Bây giờ cô Tam còn sống hay đã chết? Nếu còn thì chắc cũng già như mẹ nuôi hắn hiện giờ. Ngày đó, hắn ngây ngô khờ dại, thương mẹ thật thương mà cứ tưởng đó chỉ là một người bà con, thân quyến! Cuộc đời không xuôi chảy như một dòng sông. Mẹ hắn nói đúng. Hắn cầu mong mẹ vẫn hiện diện trên đời, để lần nào, hai mẹ con ôm nhau hội ngộ. Hắn mang trên khuôn mặt dấu tích của mẹ: đôi mắt đen và sâu của người Chàm Châu Đốc. Bây giờ hắn mới biết tại sao mẹ nuôi và nội gọi mẹ hắn là "con mọi". Ba mẹ không được tác hợp thành hôn với nhau cũng vì vậy. Ba kể lại cho hắn nghe, khi hắn tròn hai mươi tuổi, vào một buổi chiều, hắn ngồi buồn đọc câu ca dao:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê nội mà không có đò.
Ba nó bảo rằng:
- Cô Tam chính là mẹ ruột của con đó Ngôn!
Hắn không mấy ngạc nhiên, vì sau này hắn dần dần đoán ra được điều đó. Hắn mong sao chóng về quê nội, để tìm lại những kỷ niệm thân yêu mà hắn đã làm rơi rớt ở đó suốt quãng đời thơ ấu. Ôi, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nay mẹ còn đâu cho hắn đền công sinh thành. Ba kể lại rằng: "Vì mẹ là người Chàm, hơn nữa nội cũng đã hứa kết sui gia với một người bạn thân thuở trước. Ba không cãi lời được, nên phải bỏ mẹ mà đi. Mẹ có thai, ba chẳng biết, sau này, mẹ sanh ra con, vì một thân một mình, mẹ đánh bạo đem con đến nhà nội bảo rằng cho.
Ba nói dối khi trước khi đi xem tuổi, thầy có dặn phải nuôi một đứa con nuôi thì gia đình mới êm ấm và hạnh phúc. Nội mới chịu nhận, mẹ xin ở bên cạnh con, nội vì thương tình nên bằng lòng với điều kiện không được nhận con là con. Ba thì cũng có ý săn sóc cho mẹ vì thấy mẹ buồn. Nhưng nội la rầy cấm cản, mẹ nuôi con lại ghen tương hành hạ. Ba buồn, nên bỏ lên Saigon làm ăn, lâu lâu mới về để thăm con, thăm nội..."
Ba còn kể nhiều nữa, nhưng hắn nhớ không hết, đúng ra hắn không thèm nhớ. Cuộc đời của mẹ sao gian truân và đầy buồn khổ. Cho đến bây giờ, hắn đã là một quân nhân, nếu ba không tỏ thật thì hắn cũng chỉ biết mập mờ. Lời hứa ngày xưa quan trọng quá và chữ tín của mẹ sao cao vời. Mẹ vẫn biền biệt không hay! Hắn cúi đầu thật thấp, hắn nghe tiếng hắn thở dài.
*
Chiều hôm ấy, hắn đang ngồi viết thư cho ba thì thằng bạn đồng ngũ chạy vào la to lên:
- Ê! Hiệp định ngưng bắn đã ký kết rồi Ngôn ơi! Hòa bình! Hòa bình!
Hắn tưởng mình ngủ mơ. Nhưng không, nhiều thằng bạn ôm nhau mừng rỡ kìa: "Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tám giờ sáng ngày chủ nhật 28 tháng Giêng. Trời ơi, sung sướng quá". Hắn bâng khuâng cắn bút nghĩ ngợi, thằng bạn lúc nãy vỗ vai hắn:
- Lát nữa, tin tức, Đại Úy Trưởng đồn sẽ cho vặn ra-đi-ô thật lớn truyền vào máy phóng thanh lời Tổng Thống nói cho mọi người cùng nghe. Mày mừng không Ngôn?
- Mừng chớ! Mừng hết lớn.
Thằng bạn hút một điếu thuốc phà khói nói như mê:
- Tao sẽ về quê Ngôn ạ! Về quê thăm mẹ tao, mày biết mẹ tao ở đâu không? Xa lắm mày ơi, ở tuốt Thái Bình ngoài Bắc lận.
Hắn nhìn thằng bạn mà mắt cay cay. Lâu rồi hắn không còn thấy mắt mình cay cay thú vị như thế. Hắn tưởng mình đã chai sạn gan lì, hết còn biết khóc. Thế mà chiều nay, hắn muốn khóc quá, khóc thật to.
- Ủa, Ngôn! Mày khóc à?
Ngôn điềm tĩnh mỉm cười, nước mắt thành giọt lăn xuống đậu trên môi, hắn thè lưỡi liếm, giọt nước mắt mừng sao ngọt ngào. Hắn vái trời cho mẹ hắn còn sống, như lúc nhỏ, hắn làm thầy bói, bảo rằng: "Cô Tam có số trường thọ". Hắn cúi xuống, đặt bút viết thư cho ba, báo tin hắn vẫn bình yên và hắn bỗng trẻ con vô cùng khi đòi ba dẫn hắn về quê ăn Tết. Tay hắn mải mê viết, trong óc hắn, hình ảnh dòng sông hiền hòa, hình ảnh nội già lụm cụm ra cửa chờ con, xôn xao rạng rỡ; hắn lẩm bẩm: Ngưng bắn rồi! Hắn mỉm cười, một ngày nào không xa, trên chiếc xe đò xuôi về chợ quận, chắc chắn sẽ có hắn ngồi thật ngoan....

Phú - Nhuận, tháng 2 - 1973 
LÊ-NGUYỄN MAI-TRẮNG