Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

CHƯƠNG 3_KHÚC LAN CAN GÃY


3


Màn kịch mỗi đầu tháng đang tái diễn ở dưới sân trường. Lớp vắng hoe vì nhiều người chưa đóng học phí bị chận lại phía dưới. Những học sinh khác cũng không ngồi lại trong lớp vì giờ cô Nga vẫn chưa có ai dạy thế. Đương nhiên chúng tôi được nghỉ giờ Anh văn vô hạn định.

Tôi không có gì để làm, không có bài để học. Buổi sáng đến lớp bằng một tâm trí rỗng tuếch. Sáng nay ra cửa mẹ tôi vẫn hỏi tôi như đã thường hỏi:
 

- Học có vui không Nghiêm?
 

Tôi cười, gật đầu. Khi em tôi chở tôi vọt đi, tôi thấy mẹ nhìn theo. Tự nhiên tôi thấy mình có phước hơn Đồng rất nhiều.

Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa lớp. Những tia nắng nhảy nhót trên lối đi. Gió lay động ngọn cây vút cao lên khỏi lan can. Bỗng dưng tôi thèm ra ngoài đó. Từ lúc trở lại ngôi trường này, mặc nhiên tôi chịu cho mình ngồi yên trong bốn bức tường của lớp học. Một phần… vì đôi chân. Một phần, có lẽ là vì tôi đã lớn? Không còn ham chạy nhảy nữa, tôi thích ngồi một chỗ. Nhưng lúc này đây, làm một kẻ rảnh rỗi, nắng và gió ngoài kia bỗng có một sức lôi cuốn đối với tôi. Tôi vói lấy chiếc nạng, rồi đứng lên. Phải ra ngoài đó một chút. Ý tưởng này làm tôi bùi ngùi nhớ lại thời gian tôi nằm tại bệnh viện. Buổi sáng thức dậy nghe chim đến hót ở ngọn cây trước cửa sổ, tôi ao ước “Phải ra ngoài một chút”, nhưng nhìn xuống chân còn băng trắng toát, nghe nhớ khúc chân bạc phước của mình mà muốn khóc như trẻ thơ.

Tôi đi nạng ra đứng ngoài hành lang. Trong một phút giây bỗng quên hết hiện tại. Tôi nghe như quanh tôi có bọn Đạm, Thăng, Hưng, Tuấn… Chúng nó đang cãi nhau om sòm về hình học không gian. Tuấn bảo:
 

- Hai đường thẳng này không cùng nằm trong một mặt phẳng, thì làm sao chứng minh chúng song song?
 

Đạm không chịu, cãi lại:
 

- Tao cá rằng không cần ở trong cùng một mặt phẳng.
 

- Cá này!
 

Đạm đưa hai cánh tay làm hai đường thẳng, xoay qua xoay lại. Tuấn cười khanh khách:
 

- Chịu thua chưa bồ? Không chịu học bài kỹ. Để tao đem vở ra xem thì biết.
 

Cuối cùng Đạm đã chịu thua.

Hình ảnh bốn năm trước hiện rõ trong trí như chưa hề phai một chút nào. Mắt tôi như có khói che ngang. Đạm ơi, Hưng ơi, tao và chúng mày như hai đường thẳng không cùng nằm trong một mặt phẳng. Đã ở hai không gian riêng biệt. Tao ở cõi sống, còn chúng mày ở trong cõi chết. Sống, chết là hai thứ riêng biệt. Ở nơi của chúng mày không còn có thời gian: chẳng có hiện tại, quá khứ, tương lai gì hết. Chúng mày như vậy là khỏe. Còn tao ư? Một quá khứ tung hoành đi đôi với định mệnh ác nghiệt, một hiện tại phức tạp và một tương lai chưa biết ra sao. Tao chỉ biết gắng học vậy. Nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao tao thích đi học. Tao chưa giải thích nổi ý tao. Nhưng tao tin rằng, chúng mày, ở cõi không gian vô hình đó, hiểu tao hơn ai hết. Nhé Tuấn! Nhé Đạm!...

Tôi đi dọc theo hành lang quen thuộc. Hai lớp Mười và Chín đang yên lặng học với phân nửa số học sinh - những học sinh “đã có biên lai”. Vài người trong lớp nhìn ra. Tôi lặng lẽ đi về cuối dãy. A! Căn phòng cuối thường dùng làm nơi tập văn nghệ của chúng tôi đây rồi! Cánh cửa hư ổ khóa vẫn không thay đổi, khép hờ. Tôi nhẹ đẩy cửa, bước vào. Một đống bàn ghế gãy để giữa phòng. Bụi giăng khắp nơi. Tôi nhìn, và biết rằng bấy lâu nay không còn ai đến đây để tập văn nghệ nữa. Bởi trường này hầu như không còn những sinh hoạt nào khác. Trường đã biến thành nơi buôn chữ thì căn phòng văn nghệ biến thành nơi chứa đồ phế thải, thật dễ hiểu. Tôi bâng khuâng nhìn từng góc phòng, hình dung lại điệu múa của chị Mai, dáng ngồi của chị Hương, giọng đàn của Lam, tiếng vười của Tuấn… Ngày xưa thoáng qua như một cơn gió, và mong manh như những mạng nhện. Hết tìm lại được rồi!...

Tôi lách mình qua những chiếc bàn gãy để đi qua phía đối diện. Ở đó có một chiếc cửa khác trổ qua hành lang bên kia, tức là phía mặt sau của trường. Tiếng cửa rít nghe khô. Tôi giật mình vì thấy sau cánh cửa đó là một khúc lan can đã gãy. Khoảng sân bên dưới vắng. Tôi khẽ rùng mình, rồi quay trở lại để về lớp. Không biết Đồng đã đến chưa? Hay vẫn còn xách xe đi làm “xe ôm” để kiếm tiền đóng học phí?

Tôi gặp Phát đi ngược lại với tôi. Hắn cười mím với tôi rồi cắm cúi đi thẳng. Lúc nào cũng vậy, dáng điệu của Phát có vẻ mất tự nhiên. Tôi đã đến trước cửa lớp và nhìn lại rất vô tình. Tôi ngạc nhiên khi thấy Phát đi về phía lớp học bỏ trống. Hắn nhìn lại với vẻ lấm lét, dòm chừng. Tôi lẹ làng quay đi và kín đáo liếc về phía đó. Tôi thấy Phát đẩy cánh cửa phòng và đi vào mất dạng. Tôi lạ lùng như đang được xem một phim trinh thám. Tôi chưa biết phản ứng ra sao thì thấy ông Giám học đi lên cùng với một người lạ. Tôi vội đi vào lớp và về chỗ ngồi. Đồng đã có mặt ở đó.

Cả lớp đứng dậy khi ông Giám học và người lạ bước vào. Ông Giám học nói:
 

- Xin giới thiệu với các anh chị, giáo sư Trần Văn Hãn sẽ thay thế cô Nga dạy các anh chị môn Anh văn.
 

Giáo sư Hãn khẽ gật đầu chào. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Ông Giám học bắt tay giáo sư Hãn rồi đi ra.
Thầy mới của chúng tôi là một người còn trẻ, trạc tuổi thầy Chung. Gương mặt cương quyết, càng nghiêm nghị hơn nhờ cặp kính trắng. Nhưng trông thầy Hãn có vẻ cởi mở hơn thầy Chung nhiều. Ông nói:
 

- Ông Giám học giới thiệu tôi còn thiếu. Tôi xin nói thêm để các anh chị rõ hơn. Tôi là giáo sư Trần Văn Hãn, tốt nghiệp Sư Phạm về môn … Công dân và Sử Địa.
 

Các học sinh nhìn nhau ngạc nhiên. Thầy Hãn mỉm cười:
 

- Nhưng tôi lại được ông Giám học mời dạy Anh văn trong khi tôi đang dạy Công dân và Sử Địa tại các trường công lập. Hai lý do dễ hiểu là lớp này đang thiếu người dạy Anh văn và… tôi là con trai của ông Hiệu trưởng.
 

Học trò được một dịp xì xào. Thầy Hãn nói:
 

- Dù sao Anh văn đối với tôi cũng là một môn tôi có thể dạy được. Tôi tạm nhận để các anh chị khỏi bị bê trễ bài vở, đến khi có một giáo sư khác tôi sẽ giao lại. Bây giờ tôi cần biết khả năng của các anh chị. Mời các anh chị làm một bài tập kiểm tra.
 

Tiếng giấy rứt ra khỏi vở nghe loạt xoạt. Tôi chợt nghĩ đến Phát. Giờ này vẫn chưa thấy hắn trở vào lớp.

*

Thi ôm một lô sách đi về phía tôi. Cô bé rút đưa tôi một quyển:
 

- Tặng anh Nghiêm.
 

Tôi lật lật mấy trang của quyển sách có tựa “Tuổi trẻ và chiến tranh”, đưa mắt có ý hỏi. Thi nói ngay:
 

- Sách… của Thi dịch từ bản Anh văn đó. Nhà xuất bản tặng Thi một ít. Anh Nghiêm mang về xem thử có được không.
 

- Cám ơn Thi nhé! Không ngờ lớp mình có một văn sĩ.
 

Thi cười thẹn:
 

- Đâu dám! Thi chỉ dịch sách mỏng mỏng như vậy thôi. Thi đâu có tài viết văn.
 

Tôi thích thú ngắm nghía bìa sách:
 

- Hy vọng cuốn sách này giúp tôi tìm được “chân lý”. Xin phép được tò mò nhé, Thi dịch sách chắc là có tiền thù lao?
 

- Thi viết cho nhà xuất bản này từ nửa năm nay. Mỗi quyển như vậy, Thi được vài chục nghìn.
 

- Ồ, như vậy đỡ cho gia đình rất nhiều Thi nhỉ!
 

Thi cười:
 

- Gia đình Thi đủ sức lo cho Thi mọi việc. Nhưng Thi muốn tập tành sống tự lập. Thi đã để dành được một số tiền để phòng khi cần đến.
 

- Thi thật đáng phục. Tôi thấy đời bây giờ, các cô gái chỉ mong có tiền để ăn diện theo thời trang cho bằng thiên hạ.
 

- Thi không thích như vậy. Thời trang làm mất thì giờ của mình và dễ bỏ rơi mình trong khi mình theo nó. Thi đang muốn cổ động một phong trào…
 

- Phong trào gì?
 

- Phong trào “mặc áo trắng đi học”
 

Tôi reo lên:
 

- Ồ hay quá! Nhưng…
 

- Thi biết là khó thành công, vì ai cũng quan niệm là đi học trường tư thì phải được tự do thoải mái trong vấn đề ăn mặc. Chính vì sự ăn mặc đủ kiểu đã làm cho người ta đánh giá học sinh trường tư không tốt bằng học sinh trường công.
 

Tôi gật đầu:
 

- Đúng rồi. Công hay tư cũng đều là học sinh, có khác nhau gì đâu.
 

- Một phần cũng tại ban giám đốc. Vì không bắt buộc học sinh mặc đồng phục nên chẳng ai chịu ép mình theo khuôn khổ. Mặc đồng phục, đeo phù hiệu chỉ là hình thức, nhưng cái hình thức đó ảnh hưởng đến tinh thần rất nhiều. Từ đó học sinh mới có trách nhiệm, có ý thức và lâu dần sẽ trở thành truyền thống.
 

- Thi nói rất hay.
 

- Thi dự định đã lâu rồi, vì thấy ở trường lớp này người ta ăn mặc quá nhiều kiểu, giàu nghèo chênh lệch nhau rõ ràng. Nhưng vì Thi không là gì trong lớp nên rất khó kêu gọi. Từ lúc anh Nghiêm làm trưởng lớp, Thi làm phó, Thi muốn bàn với anh Nghiêm về chuyện ấy.
 

- Rất hay! Một số sẽ mặc áo trắng để làm gương, rồi sau đó sẽ kêu gọi những người khác.
 

Thi cười tin tưởng. Tôi chỉ chồng sách, hỏi:
 

- Còn những quyển sách này…?
 

- À, Thi sẽ tặng cho các bạn nào thích đọc. Anh Nghiêm giữ giùm một quyển cho Đồng. Đồng đâu rồi anh?
 

- Hắn đi nhúng giẻ lau bảng. Chắc hắn sẽ thích lắm.
 

Thi im lặng. Tôi đoán có lẽ Thi đang nghĩ đến hôm tình cờ gặp Đồng. Tôi buột miệng:
 

- Đồng cũng thật dễ mến.
 

Thi mỉm cười:
 

- Vâng. Đồng đáng phục.
 

- Hắn sợ Thi cười hắn vì ... thấy hắn lái “xe ôm”.
 

Thi lắc đầu nói vội:
 

- Nếu Đồng nghĩ như vậy là lầm. Thi rất phục Đồng.
 

- Nếu ai cũng như Đồng và Thi, lớp này sẽ rất dễ thương.
 

- Lớp mình có nhiều cái tệ hại, anh Nghiêm chắc đã biết?
 

- Tôi biết rồi. Một “thư viện lưu động”, học trò hút thuốc lá trong lớp, nói chuyện xấu về các giáo sư, cặp đôi nhau, viết bậy bạ lên bảng….
 

- Còn nữa anh Nghiêm. Lén vào cái lớp học bỏ trống cuối hành lang để hút thuốc.
 

Tôi chợt nhớ ra một điều quan trọng:
 

- Đúng rồi! Tôi thấy Phát đi vào đó. Hắn nhút nhát, rụt rè, chắc hắn vào đó hút thuốc để đừng ai biết. Bây giờ tôi mới hiểu. À, còn khúc lan can phía sau lớp học đó nữa, tôi thắc mắc tại sao lại bị gãy. Hồi tôi còn học ở đây thì đâu có như thế.
 

Thi nhíu mày như để cố nhớ:
 

- Để Thi nhớ lại coi… Hình như sau Tết Mậu Thân, thường xảy ra những vụ pháo kích. Xóm lao động sát trường mình bị trúng một quả. Một mảnh lớn văng trúng khúc lan can, phá như vậy đó anh.
 

- Sao trường không sửa lại?
 

- Người ta cho là không quan trọng, mới đầu còn bàn tán, về sau ông Hiệu trưởng lơ luôn vì cho rằng khúc đó học sinh không ai tới làm gì, lại ngay sau lớp học bỏ trống. Mấy năm rồi vẫn vậy.
 

Tôi ngao ngán thở dài:
 

- Trường này đang đi thụt lùi, cả hình thức lẫn tinh thần đều sa sút.
 

- Không riêng gì ở đây đâu anh Nghiêm. Nhiều trường khác cũng tệ hại như vậy. Hết năm lớp Mười một, nếu thi đậu chúng ta phải học trường khác, vì trường này không mở lớp Mười hai.
 

- Chỉ tội cho mấy em lớp nhỏ, lại tiếp tục như chúng ta. Nhưng mong rằng những người có thiện chí như Thi sẽ làm cho trường lớp khá hơn.
 

- Thi nhờ anh Nghiêm và Đồng nữa chứ!
 

Chúng tôi cùng cười.

*

Tôi bỗng có thói quen ra đứng ở hành lang trong giờ ra chơi - từ lúc nào không biết. Thường thì để hóng một chút gió mát, hoặc nói chuyện với Đồng, còn không thì đứng một mình nghĩ ngợi lan man. Tôi cũng thường nhìn về cuối dãy đàng kia, nơi có lớp học bỏ trống chứa đồ cũ. Một sức lôi cuốn lạ thường từ nơi đó. Không phải vì phía bên kia có một khúc lan can gãy. Không phải vì trong phòng có một đống bàn ghế cũ. Cũng không phải điều lạ là Phát. Tôi đã biết Phát vào đó để hút thuốc. Một lý do dễ hiểu, là bởi hắn có tính e lệ hơn cả con gái, hắn là một tên con trai có mặc cảm kỳ khôi. Mà điều lạ, là mấy ngày nay tôi đã thấy Đĩnh cũng đi vào đó. Tính tình của hắn trái ngược hẳn với Phát, thì có lý nào hắn lại cũng sợ người khác trông thấy? Vả lại, tôi đã từng thấy hắn thản nhiên hút thuốc trong lớp mà!!!

Tôi thắc mắc vô cùng. Nhiều dấu hỏi đặt ra trong đầu.
 

Cho đến hôm nay, khi tôi ra về, Đồng mới vừa dìu tôi đi xuống hết cầu thang, thì Phát đứng chờ sẵn ở đó. Phát nói lí nhí:
 

- Anh Nghiêm, em có chuyện … muốn nói riêng với anh…
 

Tôi đưa mắt nhìn Đồng. Đồng nói ngay:
 

- Em ra lấy xe rồi đợi bên ngoài. Chút nữa anh ra nghen.
 

Đồng vừa mới đi, Phát nhìn quanh như sợ ai trông thấy. Sân trường còn lưa thưa vài học sinh. Tôi hỏi:
 

- Phát có việc gì vậy?
 

Phát lắp bắp:
 

- Em muốn nhờ anh… cho em mượn một ngàn.
 

- Tôi không mang tiền theo. Ngày mai tôi sẽ đưa, được không?
 

Phát tiu nghỉu nét mặt:
 

- Cũng được, nhưng… em cần gấp.
 

Tôi nghĩ hôm nay không phải đầu tháng, lý nào Phát lại cần tiền gấp? Chẳng lẽ hắn không có tiền đóng học phí tháng sau? Tôi không muốn tò mò nhưng thấy hắn có vẻ khác thường nên hỏi:
 

- Phát cần tiền để làm gì vậy?
 

Tôi thầm đoán chắc Phát vốn e lệ sẽ không trả lời. Nhưng bỗng nhiên đôi mắt Phát rưng rưng, giọng hắn nghẹn ngào:
 

- Em… kẹt quá anh Nghiêm ơi! Em thiếu nợ… thằng Đĩnh.
 

Tôi ngạc nhiên:
 

- Phát mượn tiền Đĩnh làm gì? Mua sách? Hay đóng học phí? Hay Phát hư xe?
 

- Không.
 

Phát lắc đầu. Dường như hắn sắp khóc. Tôi thấy thương hại con người yếu đuối quá độ ấy. Và tôi chợt nghĩ đến cái “thư viện lưu động” của Đĩnh. Nhưng không lẽ Phát nợ một nghìn đồng chỉ vì mỗi tuần cần vài chục bạc để xem tiểu thuyết?
 

- Phát ạ, cứ thành thật xem tôi là bạn của Phát đi, nói cho tôi nghe. Giúp Phát được gì, tôi sẽ giúp.
 

- Anh không giúp em được gì đâu.
 

Tôi bực mình lặng im. Bỗng nhiên Phát chảy nước mắt. Hắn nói như rên rỉ:
 

- Anh Nghiêm ơi, em chẳng còn biết tính sao…
 

- Thì Phát cứ nói đi! Đĩnh đã làm gì Phát?
 

- Thằng Đĩnh làm cho em phải mắc nợ nó. Nó bảo em đưa tiền, rồi nó cho hút thuốc.
 

Tôi nghĩ thầm “à ra thế !”. Nhưng tôi lại vướng vào một câu hỏi khác. Chẳng lẽ anh chàng đang đứng trước mặt tôi đây lại nhát gan đến nỗi không dám ra tiệm mua gói thuốc lá, để phải mua lại của Đĩnh? Tôi quay cuồng với những hồ nghi.
 

Phát tiếp tục rền rỉ:
 

- Em hết tiền từ tuần trước, nó bảo cho em nợ… Đến hôm nay nó đòi. Em chưa xin được tiền của ba em.
 

- Bao nhiêu một gói thuốc lá?
 

Phát lắc đầu:
 

- Không phải thuốc lá anh ơi! “Thứ kia” kìa.
 

Tôi nghe như có một tiếng nổ lớn xé màng tai. Câu nói của Phát làm tôi chóng mặt. Gương mặt của Phát méo mó thảm hại. Hắn tiếp tục khóc. Tôi bỗng muốn khóc theo với hắn. Tôi hiểu ra tất cả. Trời ơi! Lớp học bỏ trống cuối đường… Đống bàn ghế gãy… Phát đã đi vào đó. Đĩnh cũng đi vào đó. Một đứa con trai e lệ nhất lớp và một đứa con trai hung bạo nhất lớp. Hai đứa nó là một. Tôi nghe như mình đứng không vững trên chiếc nạng mỏng manh.
 

Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Dù sao Phát cũng đáng thương hại. Tôi dằn cảm xúc, hỏi:
 

- Ba má của Phát làm gì?
 

Phát rấm rứt trả lời:
 

- Em không có má. Má em bỏ đi hồi em còn nhỏ. Ba em làm thầu khoán.
 

- Như vậy, nhà của Phát giàu lắm?
 

- Không giàu, nhưng dư ăn xài. Mỗi tháng ba em cho em năm ngàn để xài vặt. Em tiêu hết vì thằng Đĩnh. Em không dám xin ba em nữa. Ổng hay nóng giận, hễ giận là đánh em như chơi. Thằng Đĩnh xúi em bán xe, nhưng em không dám.
 

- Bán cả xe?
 

- Em muốn bỏ “thứ đó” nhiều lần rồi, nhưng em bắt đầu bị hành. Anh ơi, thằng Đĩnh nó cứ nhét cho em hoài…
 

Tôi chán nản quay đi, vừa nói:
 

- Thôi được, ngày mai tôi sẽ đem cho Phát mượn một ngàn.
 

Phát níu tôi lại:
 

- Anh Nghiêm, anh đừng có nói cho ai biết vụ này nhé! Nhất là Đồng, anh giấu giùm em nghen! Đồng nó sẽ khinh em nếu nó biết…
 

Tôi gật đầu. Tôi đi ra chỗ để xe và không nhìn lại Phát, vừa thấy ghét, vừa tội nghiệp con người ấy.

*

Đồng có vẻ sốt ruột, thấy tôi là Đồng hỏi ngay:
 

- Sao tự nhiên hôm nay Phát lại nói chuyện với anh?
 

Tôi nói dối:
 

- À… Phát mượn tôi tiền để… mua sách Vạn vật.
 

- Từ đầu năm tới giờ hắn mới mua sách?
 

Tôi gật đầu. Đồng đỡ tay tôi để tôi ngồi phía sau yên xe. Chiếc nạng được đặt theo chiều dọc của thân xe Yamaha. Tôi còn nói thêm:
 

- Nhà hắn nghèo… Hắn phải đi bán báo để có tiền đi học.
 

Tôi lại nói dối nữa rồi! Tôi thở dài, nghe mắc cỡ cho mình và mắc cỡ giùm cho Phát. Đầu tôi choáng váng trong tiếng rồ xe của Đồng.

*

Tôi đốt một điếu thuốc, nhưng không hút, tôi để nơi gạt tàn thuốc, và nhìn những sợi khói mỏng quyện bay trước mắt. Điếu thuốc cháy đến một phần ba vẫn chưa rơi tro xuống. Tôi nhìn, và ngạc nhiên tự hỏi tại sao lại không hút. Thuốc lá đối với tôi đâu có lạ gì. Bốn năm đi lính, bốn năm sống trong rừng núi, thuốc lá đối với tôi là một cái gì thân thiết ghê gớm. Chúng tôi hút bất cứ thứ thuốc lá nào, từ thứ sang nhất đến thứ rẻ tiền nhất. Mười mấy đứa chia nhau một gói thuốc. Hai đứa còn hút chung một điếu nữa là! Tôi nhớ như in một đêm trời tối như mực, tôi và Đạm nằm dưới hầm. Chỉ còn nửa điếu thuốc, tôi và Đạm thay nhau hút cho ấm. Đến khi tôi hít hơi cuối cùng và đưa cho Đạm, ngón tay hắn to nên không cầm được mẩu thuốc ngắn ngủn. Tôi cười, và phải cầm mẩu thuốc đưa lên môi hắn. Hắn hút chung với tôi điếu thuốc đó là cuối cùng. Đêm ấy tiểu đội hắn đi kích. Sáng sớm hôm sau chỉ còn hai người trở về sau khi đã cắm được lá cờ trên đỉnh đồi: một ông trung sĩ già và một anh lính mới. Còn Đạm đã chết trên đồi cùng với những chiến hữu khác. Tôi ngẩn ngơ, không khóc được, nhưng hai mắt mịt mờ như che sương.

Đạm đã về một mảnh trời lạ. Tôi ở lại sống nốt quãng đời của thằng con trai. Gặp Thăng ở một mặt trận khác, khi đơn vị tôi đến đó trợ lực, rồi tôi lại vội vã bỏ Thăng, mặc một mình hắn gian khổ ở đó. Tôi bắt đầu một cuộc đời mới, gắn liền thân thể với chiếc nạng này. Kể cũng đã qua nhiều thăng trầm của một đời người. Nhưng từ lúc bước chân trở lại ngôi trường cũ, nhìn thấy những bậc thang thân mến, và hàng chữ “Lễ phép, siêng năng, giữ kỷ luật” ở trên tường, mặc nhiên tôi đã xem như tôi sống đời sống khác, cũ mà mới, quen thuộc nhưng phải tập tành lại. Tôi thấy tôi vẫn nhỏ bé trước mặt các thầy – dù trẻ như thầy Chung, chỉ hơn tôi độ vài tuổi. Tôi thấy tôi vẫn là bạn của những người đáng là đàn em của tôi. Tôi thấy tôi vẫn là Nghiêm, một đứa học trò của trường lớp tôi. Tôi hồ như đã quên quãng đời gian nan qua. Nhắc đến cũng hay hay, nhưng cũng nhiều buồn phiền. Tôi bây giờ là đứa con của gia đình, hết là con của chiến trường. Tôi còn là đứa trẻ. Và như thế, tôi thấy tôi không cần đến thuốc lá làm gì nữa.

Nhưng tối nay, trong một phút giây không ý thức, tôi bỗng đốt một điếu thuốc rồi để đó, nhìn. Tôi ngồi như pho tượng. Điếu thuốc đã cháy hết phân nửa. Tro rơi xuống lạnh lùng. Đốm lửa sáng gượng gạo. Tôi bỗng đưa tay cầm điếu thuốc lên, toan hút. Nhưng tôi ngừng lại, vì chợt nghĩ đến Phát. Điếu thuốc vô tình bỗng trở nên một vật gì rất nhờm gớm. Tôi thấy như có Phát mếu máo trước mặt. Một nỗi gì, như là tức, như là giận, ùa đến. Tôi bỏ rơi điếu thuốc, lấy giép chà lên như trút tức giận… Nếu Phát là em tôi… trời ơi chắc ba mẹ tôi khổ sở biết bao nhiêu! Nếu Phát là em tôi, chắc tôi sẽ đè hắn ra đánh cho một trận và bỏ đói hắn. Không, hắn lớn rồi! Học sinh lớp Mười một, có ý thức rồi! Không ai dạy dỗ bằng roi vọt đối với một thanh niên được. Chính vì sự băn khoăn đó mà tôi chưa dám hé răng nói cho ai biết chuyện tày trời trong lớp. Tôi muốn để từ từ, kéo Phát ra xa Đĩnh, khuyên lơn hắn và giúp đỡ tinh thần hắn.

Nhưng tôi có thành công không? Xin một vài phút thảo luận còn chưa được, thì một việc khó khăn như kéo một con bệnh vào một cơn hành hạ khác chắc sẽ gặp nhiều cản trở. Dầu sao, tôi là kẻ đã lỡ chứng kiến và đã lỡ bận tâm mất rồi…

Mẹ tôi đến đứng ở sau lưng tôi. Tôi nghe tiếng chân, quay lại. Mẹ tôi đặt một ly cà phê lên bàn, hỏi:
 

- Tối nay con có cần thức không?
 

Tôi cười:
 

- Còn sớm mà mẹ! Mới có chín giờ. Chắc tí nữa con mới học bài được.
 

- Con sắp thi đệ nhất bán niên phải không?
 

- Vâng.
 

Mẹ tôi nhìn chiếc gạt tàn thuốc, hỏi:
 

- Lại hút thuốc nữa à?
 

Tôi chỉ xuống chân:
 

- Đâu có! Con đốt để chơi. Học trò, đâu có hút thuốc, mẹ.
 

Mẹ tôi nhìn tôi, cười rưng rưng. Tôi thấy tôi là con nít trước mặt mẹ. Tôi quay đi để giấu nỗi xúc động.
 

- Con muốn đi ra đường, được không mẹ?
 

- Còn sớm, con muốn đi thì đi. Mẹ bảo Nghi nó chở nhé!
 

Tôi lắc đầu:
 

- Thôi, con đi bộ cho mát, rồi về học bài.
 

Mẹ tôi đưa chiếc nạng cho tôi. Người nhìn tôi đứng dậy và đi những bước vững chãi bên thân gỗ. Tôi đi, không nhìn lui. Tôi biết mẹ đang ái ngại trong lòng. Chắc mẹ đang nghĩ rằng tôi là đứa con thiệt thòi. Không đâu mẹ. Mỗi gia đình có một mối ưu phiền riêng. Con đã vất vả những tháng năm học hành gián đoạn ở quê nghèo của ta, với ba mẹ, với thời buổi loạn lạc, con cũng vui lòng vì các em bây giờ không bị trắc trở. Con đã mất mát trên chính thân thể mình, thì con cũng vẫn thấy hạnh phúc vì còn có ba mẹ đây, diễm phúc nào hơn? Thôi nhé mẹ! Con đã bắt đầu thời thơ mộng của con trở lại rồi!

Tôi đi thong thả từ xóm nhà ra đến đường cái. Đường sá còn đông đảo người và xe cộ. Đầu óc đỡ phải nghĩ ngợi như khi ngồi ở nhà, vì nơi đây có lắm thứ để nhìn, có nhiều âm thanh để nghe. Tôi đi ngang một rạp hát, ngước mắt nhìn những tấm bảng vẽ quảng cáo. Lại phim Tàu, và lại chưởng, lại võ hiệp. Một cái tên tài tử sơn đỏ chói trên bảng, cái tên thường được nhắc từ cửa miệng các học sinh lớp tôi. Tôi muốn bật cười khi chợt nhớ một hôm tôi đọc được trong mục “Từ quê ra tỉnh” của tờ báo ở nhà, tin một cô bé mười chín tuổi đã tự tử để được chết theo anh tài tử phim võ hiệp. Tôi không muốn có một sự so sánh. Cô bé có lý của cô bé chứ! Cũng như tôi có lý của tôi, hồi còn học lớp Đệ Tứ nghe thầy Nguyễn Duy Phụng giảng đến đoạn Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên đoạn đầu đài, tôi che mặt khóc hu hu, và ước được sống cùng thời ông để được theo chân ông đi đánh giặc Pháp và để tự tử… chết theo ông !!! Thế thôi, “cái tôi” nào cũng vĩ đại và cũng có lý cả. Tôi nghĩ thế và bật cười.

Ngắm những tấm biển chán rồi, tôi quay ra nhìn đường phố. Tôi đứng bên bóng tối của cây trụ điện, trông nhàn hạ như một người vừa mới ở rạp xi-nê ra. Có lẽ vì dáng điệu của tôi như thế nên một người ghé xe Honda đến mời tôi:
 

- Cậu… đi đâu?
 

Tôi nghĩ thầm “Bị mời đi xe ôm rồi!” và nhìn lại toan từ chối. Nhưng cả tôi và người lái xe ôm đều ngỡ ngàng. Tôi có lầm không? Người trước mặt tôi là thầy Đán, thầy dạy Vạn vật của tôi. Tôi buột miệng thốt lên:
 

- Thưa Thầy!!!
 

- Hả? Phải cậu… phải anh là…?
 

- Con học với Thầy.
 

- À, vậy.
 

Thầy Đán có vẻ ngượng. Tôi không biết làm sao để đỡ cho thầy. Tự nhiên tôi muốn mình biến mất đi, để cho thầy khỏi cái thế khó ăn khó nói này. Khổ thay, kể cả người nào hoạt bát nhất đời cũng phải bó tay trước hoàn cảnh như tôi. Tôi đứng như pho tượng. Mà thầy Đán cũng chẳng khác gì tôi.

Sự im lặng kéo dài có nửa phút mà tôi nghe lâu như một ngày. Thầy Đán nhìn chiếc nạng của tôi như nhìn một lối thoát, và nói:
 

- Anh ở đâu? Thầy chở anh về.
 

- Dạ cám ơn thầy, nhà con ở gần đây thôi.
 

- Vậy thầy đi nhé!
 

Không đợi tôi chào, thầy Đán rồ ga chạy. Tôi nhìn theo. Đêm lấp lánh đèn màu làm tôi thấy rõ mái tóc thầy Đán điểm hoa râm. Thầy và chiếc xe vô tình của thầy lẫn vào đám xe cộ đang thi nhau nhả khói. Tôi bước đi, nghe dường như chân và nạng xiêu ngã. Tôi nghĩ đến Đồng. Đồng cũng dùng chiếc xe đi học để làm “xe ôm”, nhưng hôm trước tôi đã phục Đồng và ủng hộ việc làm đó. Còn nhìn thầy Đán làm việc đó tôi cảm thấy xót xa. Vì thầy là thầy tôi. Thầy lẽ ra giờ này phải đang ngồi trong phòng, soạn bài cho lớp ngày mai, ngày mốt và cả niên học này. Tôi hiểu ra lý do nào mà những bài giảng của thầy khô khan, nhạt nhẽo và không có một chút thú vị. Tôi hoang mang quá! Một cậu học trò chạy “xe ôm” để giúp cha, nuôi em và tự đóng tiền học là một việc rất hay, tượng trưng cho chí tự lập và hứa hẹn một tương lai tốt. Còn một vị giáo sư phải chạy “xe ôm” là một điều chua xót, là đến lúc phải xét lại giá trị câu “Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên” của ông Nguyễn Công Trứ lỗi lạc thời xưa rồi.

*

Tôi thở dài, hỏi Đồng:
 

- Đồng nghĩ sao?
 

- Em không nghĩ sao hết. Hèn gì… Em thấy tội nghiệp thầy Đán, tội nghiệp hơn là đã tội nghiệp cho em.
 

- Đêm hôm qua đến lượt tôi ray rứt, không học bài, không soạn bài của thầy Trần. Tôi nghĩ đến nát cả óc về chuyện của từng người trong lớp này.
 

- Không giải quyết được gì đâu. Mình cũng như họ.
 

Tôi ngước mặt nhìn lên chiếc quạt máy đang quay lừ đừ trên trần, lẩm bẩm:
 

- Có những người thừa khả năng sửa đổi tình trạng này đôi chút, đó là ban giám đốc. Nhưng chính họ lại bết nhất. Ông Giám thị hò hét cho có lệ. Ông Giám học thì chỉ đợi đến đầu tháng để soát biên lai, và chọn giáo sư một cách bừa bãi. Còn ông Hiệu trưởng, tôi chẳng hề trông thấy ông bây giờ ra sao.
 

Đồng nói:
 

- Ông Hiệu trưởng già yếu quá rồi. Có bữa em thấy ông đi ngoài đường, mặc áo ấm, ho sù sụ.
 

Tôi thoáng nghe lòng se lại. Ngôi trường này ngày nào linh hoạt bây giờ đang tuột dốc. Tôi không biết rồi sẽ có gì xảy ra nữa đây?
 

Tôi cúi đầu trên trang sách. Những chữ in lớn dần dán vào mắt tôi: “Le vieux professeur”, bài văn tôi chưa soạn lấy một chữ. Tôi hình dung thấy gương mặt thầy Trần hiện ra, cười độ lượng. Tôi bỗng muốn có một hôm đến nhà thầy để thố lộ hết những phiền muộn có trong lòng bấy lâu nay. Có lẽ chỉ thầy mới hiểu tôi hơn ai hết.

Thấy tôi buồn, Đồng cũng im lặng. Giờ ra chơi náo nhiệt như thường lệ. Cả một khúc hành lang rộn ràng. Đồng chợt thốt lên:
 

- Suýt nữa quên! Con nhỏ em của em hôm qua nó làm kẹo anh Nghiêm ạ. Em “xí” một miếng đem vô cho anh, nhưng để quên trong hộp đồ phụ tùng xe Yamaha. Để em xuống lấy nghen!
 

- Gần hết giờ chơi rồi, thôi Đồng, để lát về…
 

- Không được, kiến chui vô ăn hết.
 

Đồng phóc ba bước ra cửa mất dạng. Cậu bé thật còn con nít quá chừng. Hắn cũng muốn cho tôi làm con nít luôn, dỗ kẹo tôi mãi.

Chuông vào học reo vang. Học trò kéo nhau vô lớp. Rồi thầy Trần vào. Năm phút, mười phút, bài giảng đã đến gần phân nửa, vẫn chưa thấy Đồng lên. Tôi lấy làm lạ. Đợi mãi, tôi nghe nóng cả ruột. Thầy Trần cũng ngạc nhiên vì thấy thiếu Đồng. Thầy cất tiếng hỏi:
 

- Nghiêm! Đồng đi đâu rồi?
 

Đúng lúc đó, Đồng xuất hiện ở cửa lớp, mặt tái nhợt. Tôi hoảng hốt đứng dậy. Thầy Trần nhìn ra cửa, hỏi:
 

- Việc gì thế?
 

Đồng nói như sắp khóc:
 

- Thưa thầy, con bị mất xe.
 

Cả lớp nhốn nháo. Thầy Trần ngạc nhiên:
 

- Xe để đâu mà mất?
 

- Con để trong sân trường, khóa lại hẳn hoi rồi, bây giờ xem lại… mất.
 

- Có cho ông Giám thị biết chưa?
 

- Dạ rồi. Ông đã báo cảnh sát. Nhưng … cổng mở, nhiều người đã đi về nghỉ hai giờ sau. Không biết ai đã lấy.
 

Đồng lảo đảo về chỗ ngồi, gục mặt như mất hồn. Thầy Trần bảo tôi ghi tên những người “cúp cua” hai giờ sau. Trong số đó có cả Đĩnh và Phát.
 

Lớp học bỗng nặng trịch như không thể nào tiếp tục học nổi. Ai cũng xôn xao bàn tán về chiếc xe của Đồng. Thầy Trần mất cả hứng giảng bài, thầy lặng lẽ chép ngữ vựng lên bảng.
 

Đồng ngồi như pho tượng. Tôi không biết nói gì để an ủi Đồng. Những lời nói khó thốt ra làm cho không khí chung quanh bỗng như đặc lại.

*

Phát đi ngang mặt tôi. Tôi gọi giật hắn lại:
 

- Phát! Hôm qua sao nghỉ giờ Pháp văn?
 

Phát đứng sựng lại, lộ vẻ lúng túng. Tôi nhìn thẳng vào người hắn để tìm một điểm khả nghi. Phát lắp bắp:
 

- Hôm qua em … em không soạn bài nên em sợ…, em đi về.
 

Tôi hỏi sang chuyện khác:
 

- Tiền tôi đưa, Phát trả Đĩnh chưa?
 

- Rồi.
 

- Còn nợ không?
 

- Hết.
 

Tôi nghiêm mặt:
 

- Phát nói dối. Phát vẫn còn tiếp tục nhận thuốc của nó phải không?
 

Phát chối nguầy nguậy:
 

- Dạ đâu có!
 

- Tôi ngồi sau lưng Phát, biết hết rồi!
 

Phát im lặng , bối rối. Tôi như nổi điên, chồm đến nắm lấy cổ áo Phát:
 

- Đồng mất xe, Phát có biết không?
 

- Em… em không biết.
 

- Nói láo! Phát phải biết.
 

- Anh làm gì vậy?
 

Phát hét to khiến tôi giật mình buông hắn ra. Lần đầu tiên Phát la lớn khác thường, cũng như lần đầu tiên tôi giận dữ. Tôi như bàng hoàng, trở lại bình tĩnh và tôi thấy tôi vô lý. Có bằng cớ nào để tôi buộc tội Phát đâu? Chỉ có câu nói của Phát hôm nọ “Em định bán xe” mà tôi nghi cho hắn ăn cắp xe của Đồng để bán thế cho xe của hắn. Phát bực tức bỏ đi. Còn tôi ôm đầu nghe trí óc quay cuồng. Hôm qua Đồng đã chịu đựng hết giờ học, lúc tan trường Đồng khóc nức nở. Tôi nghe lòng đau như cắt. Sáng nay Đồng nghỉ học. Chiếc xe đa dụng của Đồng đã không còn. Tôi ném sự phẫn uất vào Phát. Tôi muốn nói với hắn rằng: giàu như hắn, có mất mười chiếc xe ba hắn vẫn mua lại được như thường; còn như Đồng, mất chiếc xe là mất cả đôi chân, mất chiếc xe là thấy cả tương lai tối lại. Đúng như thế!

*

Em của Đồng, một đám năm đứa, đứng lố nhố trước nhà, nhìn tôi lạ lùng. Đứa em gái của Đồng, trạc mười lăm tuổi, đang sắp một lô khoai ra rổ. Nó ngước lên ngó tôi bằng đôi mắt buồn thiu, hơi ngạc nhiên nhưng bình thản. Tôi hỏi:
 

- Có anh Đồng ở nhà không em?
 

Con bé hơi nhíu mày rồi đáp:
 

- Dạ có.
 

- Anh Đồng đâu rồi?
 

- Ảnh… bận nấu bắp
 

- Để làm gì vậy?
 

Một đứa bé trai nhanh nhẩu nói:
 

- Để chị Liên đem bán.
 

Cô bé tên Liên trừng mắt nhìn em:
 

- “Xí xọn” không hà. Vào kêu anh Đồng ra đi, Đăng!
 

Liên nhắc một chiếc ghế mời tôi ngồi. Nó kín đáo liếc nhìn chân tôi, hỏi nhỏ:
 

- Dạ… anh là anh Nghiêm?
 

Tôi mỉm cười gật đầu. Liên lại tiếp tục sắp khoai ra rổ.
 

Đồng tới trước mặt tôi.
 

- Anh tìm nhà hay quá!
 

- Có gì đâu! Hỏi vòng vòng một lát cũng ra.
 

- Anh đến… có việc gì?
 

Đồng tạo một nét mặt bình tĩnh với tôi. Nhưng tôi biết trong lòng hắn đang bị xáo trộn ghê gớm. Tôi hỏi:
 

- Sao Đồng nghỉ học?
 

Đồng lắc đầu:
 

- Còn cách nào hơn? Mấy hôm nay… học vui không anh?
 

- Làm sao mà vui! Đồng nghỉ học cả tuần nay rồi!
 

- Vì em không muốn bị ông Giám học nhốt đứng ngoài cửa trường. Em buồn lắm, nhưng nghỉ học thì tốt hơn.
 

- Tháng này Đồng đứng nhất.
 

- Em hết cần hạng nhất rồi.
 

Tôi nuốt nước bọt, nói khô khan:
 

- Thầy nào cũng nhắc Đồng hoài.
 

- Em hết cần ai nghĩ tới.
 

Tôi biết lời nói của mình càng lúc càng vô duyên, nhưng cứ cố gắng:
 

- Thi cũng hỏi thăm Đồng nữa.
 

Đồng chán nản:
 

- Nhỏ Thi làm được gì cho em? Em không cần ai hết.
 

- Đồng không cần kỳ thi cuối năm luôn à?
 

- Không cần!
 

Đồng nói như gắt lên và chợt nín bặt. Âm thanh của câu nói rơi chửng nghe lạ kỳ. Tôi thấy mắt Đồng từ từ đỏ lên rồi nước mắt dâng kín tròng. Đồng cúi mặt nhìn xuống đất, không nói. Tôi nghe lòng nao nao. Liên sắp xong rổ khoai, kín đáo nháy mắt gọi mấy đứa em ra sau. Tôi thấy con bé cũng buồn bã như anh nó.

Đồng lặng lẽ đến bên chiếc bàn con, rót một ly nước lọc đưa cho tôi. Tôi đón lấy, không uống nổi. Ly nước như giá lạnh trong lòng bàn tay. Đồng chỉ cho tôi thấy mấy quyển sách để trên bàn, cười gượng:
 

- Mấy tối nay em tự học. Em đoán thầy giảng đến đâu thì em học tới đó, cũng không khó khăn gì. May phước trời cho mình một trí óc không quá ngu tối.
 

Thấy Đồng cố vui tôi tội nghiệp vô cùng. Tôi cau mày:
 

- Đồng không nhớ một điều…
 

- Điều gì anh?
 

- Đồng nghỉ học từ đây, cuối năm trường sẽ không cấp học bạ và chứng chỉ, làm sao Đồng đi thi?
 

Đôi mắt Đồng mở tròn ra, hoảng hốt:
 

- Em… em sẽ năn nỉ ông Giám học làm giúp cho em.
 

- “Làm giúp”? Đồng nên nhớ, một cái chứng chỉ giả một ngàn, một cái học bạ “ma” mười ngàn. Mình chưa thi kỳ bán niên nào hết, làm sao Đồng có điểm?
 

Đồng thật sự thất vọng. Nước mắt không còn chỗ để chứa, chảy ra.
 

- Em chưa tới tuổi làm thí sinh tự do, làm sao bây giờ anh Nghiêm?
 

- Những người đến tuổi thi tự do là như tôi đây nè. Đi làm, đi lính, mỗi năm nộp một cái đơn, đi thi, phó mặc may rủi. Đồng muốn như vậy sao? Đồng là học sinh thuần túy, Đồng phải đi học, đi thi, để tiến lên.
 

- Em rất muốn tiến. Nhưng sự bất trắc mà em lo sợ… đã tới.
 

Tôi nắm lấy tay Đồng, siết chặt:
 

- Đồng ! Đồng có thật sự coi tôi là một người bạn không?
 

- Em coi anh hơn thế nữa, một người anh.
 

- Thì Đồng hãy nghe tôi, Đồng đi học nhé! Tôi nhịn tiền xài vặt đóng học phí cho Đồng. Mỗi tháng một ngàn mấy trăm đồng, tôi có thể dè xẻn được.
 

- Không được đâu anh.
 

- Ba mẹ tôi không giàu, nhưng có thể giúp tôi …
 

Giọng Đồng như rắn lại:
 

- Nếu em chỉ có một mình, em sống cho em, thì em sẽ đi học như anh muốn. Nhưng anh Nghiêm cũng biết rồi, em còn một đàn em nữa. Con Liên, tội nghiệp, nó đã nghỉ học để đi bán khoai, bắp. Còn mấy đứa em sau, em vẫn phải cho chúng đi học. Ba em làm phu chỉ đủ tiền mua gạo. Chỉ có chiếc Yamaha giúp em chạy thêm đóng tiền học phí cho em và bốn đứa kia. Em nhận sự giúp đỡ của anh, em tiếp tục học để lũ em phải nghỉ học sao? Như thế em ích kỷ quá! Có gì cùng chịu cả nhà. Em không muốn tự dành một đặc ân.
 

Đồng thốt lên một câu cứng ngắc:
 

- Thà em đi lính…
 

Tôi choáng váng. Tôi nghe giọng mình sũng ướt:
 

- Đồng hãy nhìn tôi nè. Tôi không phủ nhận rằng thời chiến tranh ai cũng phải đi lính. Có người đi sớm, có người đi muộn. Kẻ trốn tránh là hèn. Nhưng tôi vì sống cả thời thơ ấu ở ruộng làng, chạy loạn liên miên nên tôi trễ mấy năm học. Tôi đi sớm là phải. Tôi không than phiền gì hết. Ai cũng có một món nợ phải trả. Nhưng Đồng, Đồng đang có cả một tương lai, đừng bắt chước tôi. Đồng phải học, phải thi đậu, Đồng phải tiến đúng với tài năng xứng đáng của Đồng.
 

Đồng thở dài:
 

- Anh nói rất đúng. Nhưng chuyện của anh nói, toàn là chuyện tương lai. Em chỉ biết nhìn hiện tại, vì nó thực tế lắm. Hiện tại là cả nhà em đói. Xe của em mất rồi. Đôi chân em kể như cũng mất. Mất cả nồi cơm. Mất cả những tấm biên lai học phí. Anh Nghiêm hiểu em không?
 

- Đồng!...
 

- Anh đừng bận trí đến em. Anh tiếp tục học đi. Anh không có gì ràng buộc. Học như thế mới đúng nghĩa cao cả của sự học, học vì nhu cầu trí thức, vì cái chân, thiện, mỹ. Còn học vì nồi cơm trát cá như em, thì có đứng nhất nhì lớp, có đậu ưu, đậu bình cũng chẳng có gì đáng khen.
 

- Đồng nghe anh này!..
 

- Anh Nghiêm về đi! Em đi làm phu hồ, làm lơ xe kiếm sống, lo cho tụi nhỏ. Chỉ có mình mới làm Mạnh Thường Quân cho mình. Anh Nghiêm về đi!
 

Đồng đưa chiếc nạng cho tôi. Tôi trợn mắt to lên nhìn Đồng. Tôi không giận hắn một chút nào. Nhưng cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi đứng dậy, đi ra cửa như một cái máy. Khi tôi bước qua ngưỡng cửa, Đồng kêu lên thảng thốt:
 

- Anh Nghiêm! Anh về bằng gì?
 

- Tôi đi tắc-xi.
 

Đồng tiến tới trước mặt tôi, nghẹn ngào:
 

- Em xin lỗi anh, anh có giận em không?
 

Tôi lắc đầu:
 

- Không. Tôi về nhé!
 

Tôi rời nhà Đồng, bước đi thẫn thờ. Khu xóm đông đúc chật chội lùi lại sau lưng. Mấy đứa bé chạy đùa tung cả nước vào chân, tôi không buồn để ý.

___________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4