Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

VÀNG XƯA - Đỗ thị Hồng Liên















Tặng Thương Vũ Minh

buổi chiều rơi kín vết chân mưa
tháng mấy trong em trời sang mùa
những lối đường xưa mờ hoa cỏ
nồng nàn dư vị nắng ban trưa

em nhớ cho hồn xanh màu mây
có cơn nắng ngọc mới lên đầy
in bước chân người trên lối cỏ
nụ hồng rụng xuống cuối chân ngày

áo em sẽ vàng như mùa thu
hôm nào trời chợt đổ sương mù
bên cầu nước bạc trôi lặng lẽ
hồn em sao quá đỗi hoang vu

người đã đi rồi năm năm tàn
em thấy bên chiều lá rơi sang
có con chim nhỏ bay qua đấy
không nhắn dùm ai chút mộng vàng

phố nhỏ cũng buồn đìu hiu mưa
ướt cả hồn em bụi phấn mùa
hồng xưa trong mắt loài cỏ mục
xanh mất người ơi mộ phần xưa

                             ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN
                                      (Giao Hữu)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 17, ra ngày 5-1-1972)

Bìa của Vi Vi : Nhìn về tương lai
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

LỜI CHO BỐ NHỮNG NGÀY ĐI BIỂN - Phan Đức Quý


Bố ơi,

Sáng nay con đi học có một mình bố ạ. Trời lạnh ghê đi, hình như là trời bắt đầu vào mùa đông rồi thì phải. Con đã mặc chiếc áo len mầu tím mẹ đan mà con đem khoe bố hôm bố về phép ấy bố nhớ không, thế mà vẫn còn lạnh bố ạ, một cơn gió thoảng qua làm con chợt rùng mình. Con đường ngập lá me, lá me dễ thương lắm bố ơi. Những cánh hoa vụng dai nho nhỏ chao lượn trên không trung tung cơn gió mang đầy hơi lạnh rồi bám vào tóc vào áo con. Con yêu chúng ghê đi bố ạ. Con yêu những cánh hoa vụng dại ấy như yêu những đóa hoa mầu tìm thật đẹp mà con đã hái dọc đường hôm bố đưa con đi học ấy. Bầu trời đục, xám xịt màu chì, không khí hình như chứa đầy hơi nước. Bố ơi, con đường đến trường hôm nay sao dài chi lạ. Con thấy cô độc ghê đi, những bước chân chậm chạp, con bước trên con đường vắng lặng, hai hàng me còn say ngủ và đám cỏ xanh rì còn loang loáng sương đêm, hình như không gian chùng xuống, mây đen bao bọc bốn bề. Con cô đơn quá bố ơi, con thật cô đơn vào những ngày bố đi biển.

Bởi bố là lính biển, con biết bố yêu biển cả, biển cả là nguồn sống của bố, bố yêu biển cả như yêu mẹ, yêu con. Những lần về phép, những lần bố ở gần bên mẹ bên con, bố đã kể cho con nghe bao nhiêu chuyện về biển cả. Con yên lặng chìm đắm trong câu chuyện và trong vòng tay bố. Bố kể rằng những đêm lênh đênh trên biển cả, ánh trăng trong, sáng vằng vặc, chảy loang trên boong tàu, mơn man mặt bể. Ánh trăng thật đẹp óng ánh trăm ngàn vẩy bạc xô giạt nhau, những vẩy bạc thật đẹp, đẹp như những vẩy trên người nàng ngư nữ . Con chẳng biết những nàng ngư nữ ra sao cả nhưng nghe bố kể vậy con cũng thấy đẹp lắm rồi. Con hỏi bố trăng có đẹp như quê mình không bố. Bố nói: quê mình đẹp hơn nhiều. Rồi bố bảo rằng lúc ấy bố buồn vì bố nhớ nhà, nhớ mẹ và nhất là nhớ con. Con phụng phịu dỗi hờn: Bố nhớ con mà bố chẳng chịu về thăm, con mong bố ghê đi, hôm bố đi bố dặn con ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, gắng học hành rồi bố thương nhiều, bố về thăm luôn và bố sẽ mang về cho thật nhiều quà. Con nhớ lời bố con cố gắng chăm chỉ ghê lắm mà bố đâu có biết, cuối tháng con được xếp hạng cao, con được cô khen, con có bảng danh dự nữa, con chờ bố về để con khoe với bố đòi bố thưởng thật nhiều quà mà bố chẳng chịu về. Bây giờ con chẳng thèm khoe bố nữa đâu, con giận bố rồi đó. Bố nghe con nói thế bố cúi xuống ôm con sát vào lòng, hôn lên mái tóc, con nghe hơi thở bố thật ấm, vòng tay thương yêu của bố gói trọn thân hình mảnh dẻ của con. Rồi bố nói: Con gái bố có biết tại sao bố lại về trễ vậy không. Con ngước mặt nhìn bố rồi lắc đầu. Bố không chịu trả lời. Con phải hứa nếu bố trả lời thì con sẽ thơm bố một cái. Bố không chịu, đòi con thơm bố hai cái bố mới trả lời. Con vùng vằng rồi cũng gật đầu. Lúc đó bố mới nói: Bố đợi hoa biển nở để mang về mừng sinh nhựt con đó. Con vui mừng hỏi bố: Hoa biển đẹp lắm hả bố, cài lên tóc con được không bố, chắc thơm lắm bố hả, thơm hơn hoa cúc chứ hở bố, cài lên tóc con thế nào mẹ cũng khen đẹp cho bố xem, hoa biển màu gì hở bố mà đâu bố, con có thấy bố mang hoa biển về đâu. Bố ngồi im nghe con nói một hơi dài rồi mới trả lời: Tôi không mang hoa biển về được vì tôi nhớ cô quá nên tôi dông về sớm vì thế hoa chưa nở. Con chồm dậy vuột ra khỏi tầm tay bố, vừa chạy vào nhà vừa la lớn. Con nhớ bố gấp nhiều lần nữa kia. Chạy vào tới trong nhà con còn nghe tiếng bố hỏi: nhiều là bao nhiêu. Con vừa cười vừa trả lời: Con không biết. Bố vừa đi vào nhà vừa nói: Cô còn thiếu tôi hai cái thơm đấy nhé. Con nhìn bố, con cười, rồi bố cũng cười. Hai cha con cùng cười vui ghê há bố.

Những ngày vui như thế qua thật mau bố nhỉ. Bố trở về đơn vị: bố trở về với kiếp sống kiêu hùng của một người lính biển. Bố trở về với biển cả. Đại dương mở rộng vòng tay chào đón bớ. Bố thấy một niềm vui, một niềm tin bộc phát trong lòng, hình như một phép lạ nào đó đã kết chặt bố với đại dương: với bố, đại dương là lẽ sống, bố yêu nếp sống hải hồ như yêu mẹ và con. Sóng và gió không thể thiếu trong cuộc đời của bố. Con tim bố tràn đầy sinh lực hòa cùng những cơn gió ào ạt ở đại dương dâng lên sức sống cuồn cuộn như những cơn sóng theo sau tàu của bố.

Hôm đưa bố ra tàu, con thấy mẹ thật buồn bố ạ, đến lúc tàu đã tách bến mẹ vẫn còn đưa khăn lên vẫy bố, tàu bố xa dần rồi mất hút ngoài tầm mắt. Mẹ đứng yên thật lâu trông theo, hình như người muốn nuốt trọn hình ảnh thân yêu đó vào thật sâu trong tâm khảm. Con biết mẹ buồn vì bố cứ xa nhà luôn. Con thương mẹ quá bố ơi. Bố đi mau về cho mẹ vui lên bố nhé.

Bố đi rồi, những ngày dài trống vắng, dài thật là dài bố ạ, con vẫn đi học một mình và vẫn mong chờ bố về với bó hoa biển thật tươi. Trong ước mơ của con hoa biển đẹp ghê ghê là, màu hoa thật  trắng, con mơ thấy bố kết những bọt sóng sau tàu lại thành những đóa hoa biển cho con. Hoa biển thật đẹp nhưng mong manh quá bố nhỉ? Động chút là tan ngay như nàng công chúa hay dỗi hờn của bố vậy. Con chắc bố chẳng mang hoa biển về cho con được đâu vì nó mau tàn ghê bố nhỉ, mà chuyến hải hành của bố thì dài đăng đẳng như tháng thứ mười ba vậy đó. Con nói thế chứ nếu bố về mà không có hoa biển thì con cũng chẳng giận bố đâu. Con lấy hoa Ngọc lan cài lên tóc cũng được rồi, con không muốn làm phiền bố đâu. Lỡ bố giận mà chẳng về thăm chắc con và mẹ buồn chết được.

Những ngày thật chậm của mùa thu đã trôi qua rồi bố ạ. Mùa thu đã dài mà vắng bố lại càng dài thêm nữa. Những ngày như vậy, ngoài giờ đi học con chẳng đi đâu nữa cả. Con ở nhà với mẹ rồi con bắt mẹ kể cho con nghe về bố! Tất cả những chuyện về cuộc đời của bố hay ghê bố nhỉ. Con thích được sống một cuộc đời như bố vậy. Cuộc sống hải hồ rày đây mai đó. Con nghĩ lại mà tức bố ghê đi, chuyện hay như thế mà bố chẳng chịu kể cho con nghe. Giọng của mẹ thật êm nhưng con vẫn thích nghe tự bố kể hơn kìa. Bố vừa kể chuyện con vừa lấy thuốc lấy nước trà cho bố. Bố hút thuốc uống nước trà rồi bắt đầu kể như là "Hồi ấy..." hay gì đó bố. Có lẩn con nói với mẹ là con không thích làm con gái, con gái thì đâu đi lính được hả bố. Con thích làm con trai để đi lính hải quân như bố vậy đó. Nhưng thôi con cũng chả thích làm con trai đâu con chỉ thích làm chim hải âu thôi bố ạ chắc bố biết hải âu chứ hở bố nhưng bố có biết tại sao con thích làm hải âu không, chắc bố chẳng biết đâu, thôi để con nói bố nghe nhé: Con thích làm loài chim hải âu vì hải âu sống nơi biển cả và thường bay theo những con tàu rẽ sóng ngoài khơi. Con sẽ làm loài chim hải âu đó suốt đời bay theo tàu bố để bố khỏi cô đơn những ngày dài lênh đênh trên sóng nước và con khỏi sống trong nhung nhớ những ngày đợi bố về. Và lúc đó bố con mình sẽ hái thật nhiều hoa biển về tặng mẹ, để nghe mẹ nói những câu thật ngọt ngào thương mến. Gia đình thật hạnh phúc bố ha.

Bây giờ thì con vẫn thui thủi đi học một mình trên con đường ngày xưa bố dẩn con đi, con không thể là chim hải âu để đi theo tàu bố được. Nên con vẫn sống trong lòng thành phố chật hẹp này, thành phố mà mỗi buổi chiều mây về thật thấp và con ngồi trong nhà chờ bố về với thật nhiều hoa biển. Con vẫn ngồi chờ như thế và bố vẫn triền miên theo mãi con tàu tham lam cố nuốt cho thật nhiều hải lý. Niềm vui của bố ngàn đời vẫn là đứng trên boong tàu nhìn hoa biển tung tóe sau con nước và niềm vui của con muôn đời vẫn là ngồi nơi cửa sổ nhìn ra lòng phố sa mù chờ bố về mang theo thật nhiều hoa biển.

Văng vẳng đâu đây tiếng radio nhà ai phát ra tiếng nhạc quen thuộc mà con vẫn thường nghe bố hát nho nhỏ lúc dẫn con lên đồi hay lang thang trong lòng phố: "Trùng khơi nổi gió... lênh đênh triền sóng... thấy lung linh rừng hoa... màu hoa thật trắng... Ôi hoa nở thắm... ngất ngây lòng thêm... Vượt bao hải lý nghe chưa vừa ý... lắc lư con tàu đi... chỉ thấy bọt nước tan theo ngọn sóng... dáng hoa kia mịt mù..."

Bố ơi! Dù hoa biển có nở hay không bố cũng nhớ về thăm con bố nhé!


PHAN ĐỨC QUÝ     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 17, ra ngày 5-1-1972)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

KỶ NIỆM LỄ HAI BÀ TRƯNG


TÔ ĐỊNH, THÁI THÚ THAM TÀN

Năm Giáp Ngọ 934) Hán Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, cai trị tàn ác khiến dân chúng vô cùng oán hận. Do đó gia đình ông Thi Sách quyết tâm đánh đổ chế độ Hán thuộc.

THI SÁCH KHỞI ĐẦU CUỘC CÁCH MẠNG

Năm Canh Tý (40) ông Thi Sách gởi thư cảnh cáo Tô Định và báo động một cuộc chiến tranh nếu Tô Định không thay đổi đường lối cai trị. Tô Định tức giận thừa lúc sơ suất của Thi Sách bắt ông chém đầu để thị uy với dân chúng. Trưng Trắc thay quyền chồng nổi dậy đem quân đánh Tô Định.

HAI BÀ TRƯNG KHỞI BINH

Trưng Trắc cầm đầu cuộc cách mạng với 4 lời thề gởi hào kiệt bốn phương. Lời kêu gọi được mọi người hưởng ứng, đảng của bà Nguyễn Đào Nương, đảng của ông Cao Doãn, đảng của ông Trương Quân... đã đem quân trợ giúp rất nhiều.

Hai bà cỡi voi trên bành vàng, che lọng vàng, mặc áo giáp vàng, phất cờ vàng tiến quân đánh thẳng vào Liên Lâu Thành, đuổi Tô Định về Tàu rồi tiến quân đánh chiếm 65 thành trì, đem giang sơn Việt thâu gồm một mối, chấm dứt cuộc nô lệ trên 100 năm dưới quyền thống trị của nhà Hán.

Thắng trận xong hai bà liền xưng Vương đóng đô ở Mê Linh.

MÃ VIỆN SANG ĐÁNH GIAO CHỈ

Năm Tân Sửu (41) Hán Quang Vũ sai Thượng tướng Trung Hoa là Mã Viện đã 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh và nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lãnh 20 ngàn quân sang đánh. Cuộc chiến tranh kéo dài hai năm. Quân của Trưng Vương yếu thế, hai bà phải lui về Cấm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ. Mã Viện tiến quân lên đánh, hai bà chạy về đến xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, bị thế bức phải trầm mình trên giòng sông Hát vào giữa ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43).

Theo lời dân chúng thì ngọc thể của hai Bà trôi về bãi Đồng Nhân gần Hà Nội nên ở đấy có đền thờ hai Bà, hàng năm vào mồng 6 tháng 2 quốc dân làm kỷ niệm rất là trọng thể

HAI BÀ TRƯNG TRONG SỬ SÁCH

Vua Tự Đức khi coi lịch sử nước nhà về đoạn khởi nghĩa của hai Bà Trưng phê: "Hai Bà là hạng quần thoa mà khởi lòng anh hùng làm việc nghĩa chấn động đến triều đình Hán. Tuy rằng yếu thế, không gặp thời, nhưng cũng đủ khích lệ lòng người để tiếng thơm trong sử sách".

Sử gia Lê văn Hưu nói rằng: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy 65 thành trì, lập quốc, xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!".

LỜI KHẤN CÁO CỦA BÀ TRƯNG TRƯỚC NGÀY KHỞI BINH

"Trời sinh một vị anh hùng, để làm tôn chủ cho cả trời đất muôn vật, vậy thì người đó, rất quan hệ cho sinh linh muôn vật, cho nên các đời Đế Vương, vua Thánh tôi Hiền, yêu dân mến nước, đem đức hóa thấm nhuần trăm họ, nên nước thịnh dân an. Nay có người khác họ, tên là Tô Định, lòng lang dạ thú, tự ý làm càn, ngược chính hại dân, Trời, Đất, Thần đều giận.

"Thiếp là một người cháu gái của dòng dõi Hùng Vương trước, nghĩ đến cảnh tàn thương của sinh linh, động lòng sa lệ.

"Vì lòng thương dân, ngày nay quyết khởi nghĩa trừ tàn bạo, mong nhờ trăm vị thần linh, hội đồng chứng giám, hợp sức phù hộ để Trưng Nữ này cầm binh đánh giặc, thu lại cơ nghiệp của tổ tiên và đem sinh linh ra khỏi vòng nước lửa để khỏi phụ lòng trời và thỏa anh linh đức Tiên Hoàng và tổi phụ nơi chín suối".




(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

LŨ EM TÔI - Hồng Quân


Những bạn nào sanh ra làm em út hay đơn độc không có em thì có lẽ cũng thường tự nhủ là mình vô phúc vì không có "búp bê biết nói" để... nựng và săn sóc cho chúng. Nhưng nếu lỡ bạn có ý nghĩ thế thì cũng nên ăn năn, hối cải là vừa vì có em mặc dù thích thật song nhiều lúc chúng làm mình điên đầu đấy các bạn ạ.

Gia đình chúng tôi cũng thuộc loại đông. Ngoài ba mẹ ra thì có cả "lũ nhóc" chúng tôi gồm năm đứa: Tôi tiên phuông đi đầu trong đàn con của ba mẹ, rồi lục đục theo sau là hàng binh tôm tướng cá Nguyên, Bình, Yên, Sơn. Bốn đứa "lỏi tì" này thoạt trông ai cũng có cảm tình, bởi thế mấy đứa bạn tôi cứ hay đến cho chúng quà bánh hoặc rủ đến nhà chơi. Song thực tế bao giờ cũng phũ phàng các bạn ạ, bên cạnh cái hiền lành ngoan ngoãn là cả một sự tinh nghịch vô cùng. Lại nữa, có lẽ trời sanh chúng ra không, ba mẹ tôi sanh ra chứ để chúng hợp đoàn với nhau mà chọc phá và đả kích tôi, chính vì thế, lắm lúc tôi cũng sử dụng chính sách "đàn áp", lên mặt kẻ cả ghê lắm, chị hai mà lị.

Trong dịp bát phố vào một ngày trời thật đẹp, sau một hồi tán chuyện ở hàng của một cô bạn, tôi chọn hàng để may áo cho Sơn với mục đích đem hắn ra làm vật thí nghiệm sau một đêm nghiền ngẫm quyển "tự học cắt may toàn khoa". "Vạn sự khởi đầu nan" tôi vẫn biết thế nên hết sức thận trọng đo đo, cắt cắt. Vì chưa có kinh nghiệm nên buộc lòng Sơn phải thử đi thử lại nhiều lần. Nhưng đó cũng là ý muốn của thợ để đem về hai điều lợi: trước hết là để tôi biết xem chỗ nào chưa vừa mà chữa, hai nữa là để mình vừa làm, vừa ngắm cái công trình "đại qui mô" của mình.

Vừa cho Sơn thử đến lần thứ ba là Yên đã la lên:

- Rồi, chị hai bị tổ trác rồi, áo Sơn chật quá.

Mặc dù áo không chật, tôi chắc thế, song trong dạ cũng hơi run run. Nhóc Bình lại thêm vào:

- Sơn coi chừng tết nay không có quần áo mới đâu nhé, để chị hai may là phải đề phòng. Đến khi cái áo hoàn thành là đã cũ mèm và thủng 12 lỗ đó nghe.

Ngượng quá, tôi hét đùa cho đỡ thẹn:

- Tụi bay đi hết không? Muốn ăn đòn hay sao mà ở đó lắm mồm nhiều chuyện?

"Lũ hón" vội chạy mất, tôi tự nhủ cố gắng may cho đẹp để khỏi mất mặt anh hùng. Thế rồi áo Sơn cũng xong, tôi hãnh diện cho Sơn mặc vào:

- Đấy, đứa nào bảo hư, bảo cũ gì đâu?

Bình suýt soa khen:

- Chu choa, áo Sơn đẹp quá, giống cái bao bồng bột ghê.

Cả lũ cười lên, Nguyên thêm:

- Hổng phải đâu, sao em thấy nó giống áo của Charlot ghê vậy đó.

- Sơn mặc áo này y hệt con kên kên từ đầu tới đuôi.

Tiếng Yên eo éo vọng vào làm cả bọn cười như nắc nẻ.

"Mềm dịu là chính sách tốt nhất". Tôi nghĩ thế vì thấy đàn áp không đem lại kết quả, trái lại, chúng còn kết đoàn để công kích, chọc quê tôi. Đổi chiến thuật, đi học sáng nay tôi nhịn quà, mua về cho chúng mỗi đứa một trái quít. Các bạn nghĩ xem, có phải tôi hà tiện đâu, song với thời buổi vật giá leo thang này, 100đ bốn trái quít thì phải công nhận nó "hơi nhỏ". Về đến nhà, tôi bật mí hơi hơi:

- Chị có cái này hay lắm, ai ngoan thì chị sẽ thưởng.

Vừa nghe tôi nói thì ôi thôi, chúng phục vụ hết chỗ nói, đứa cất giày, đứa cất cặp, đứa lấy quần áo... Tôi mừng thầm phen này đã thu phục được nhân tâm. Trịnh trọng, tôi mở gói chia cho từng đứa. Thường những phút vui không lâu dài với ta, tôi tưởng rằng chúng sẽ mừng, nhưng than ơi! Mặt đứa nào đứa nấy bí xị. Biết thế nào lũ quái này cũng mở radio, tôi vội vàng bố trí, đề phòng sự tấn công của chúng.

- Ủa, em mới bóc ra chưa ăn mà quít em đâu mất rồi? Chắc chị hai mua quít lựa toàn vỏ không chớ gì?

Sơn lên tiếng trước, Bình không kém:

- Sơn tắt quạt máy cho chị coi, gió thổi bay trái ping poong của chị rồi đây nè.

- Lấy cho chị cái kính hiển vi để chị tìm trái quít của chị coi Yên, nó mới rớt kẽ tay của chị mà chị tìm nãy giờ không ra. Nhớ lấy kính hiển vi điện tử đó nghe.

Rồi cả bọn chúng cười ầm lên khiến tôi tức "ứa gan". Thật đúng là "cho nhân, nhân trả oán" mà. Thuận tay, tôi muốn ký mỗi đứa một cái hết sức, song nghĩ như thế là thất nhân tâm, mình phải thâu phục lòng dân bằng tài đức chớ phải không các bạn? Thêm lần nữa, tôi lại đổi chiến thuật, mình cần phải làm gì thật hoàn hảo để bọn nhóc hết dám "giỡn mặt" nữa thì tôi mới trị chúng được chớ. Sẵn dịp nhà có đường, bột, trứng gà và tôi cũng vừa học ở mẹ cách làm bánh bông lan dòn, bọng ruột! Tôi nghĩ thầm: "Rồi đây các cưng hết chê chị nổi. Chờ xem tài khéo của chị nhé".

Ý nghĩ làm tôi sung sướng. Thấy tôi sửa soạn làm bánh, "lũ quái" lại một phen nhao nhao lên:

- Trước khi bắt tay vào việc, em xin nghiêng mình, trân trọng chúc chị hai được may mắn, ổ bánh của chị sẽ thơm tuyệt vời nhờ... mùi khét.

- Xí, chị hai mà làm bánh khét à? (Tôi nở mũi ra. Ít nhất cũng còn được một đồng minh chớ) Với kinh nghiệm 14 năm làm bếp thành thạo, bánh của chị hai không bao giờ khét cả, chỉ cháy đen thui mà thôi (Đáng đánh chưa?).

- Hổng biết chị hai cho mình ăn bánh bông lan tươi hay bông lan héo khô đây nữa chớ?

Bực mình quá, tôi hét lên:

- Tụi bây lên nhà trên chơi hết hôn? Lơ mơ tao cho ăn củ mây ấm đít, ấm miệng là hết nhiều chuyện hà.

"Lũ hón" cười rúc rích, dọt mất hết. Tôi thở phào ra và bắt tay vào việc. Cẩn thận, tôi đong bột, đường kỹ lưỡng, đánh trứng gà cho thật nổi, cho vani vào cho thơm. Xong xuôi, bắc soong lên bếp, tráng beurre đều rồi đổ bột vào. Cẩn thận hơn nữa, tôi canh lửa trên lẫn lửa dưới cho thật vừa và nghe nhẹ nhõm cả người. Phen này chắc hẳn mẹ sẽ khen con gái mẹ khéo, nhất là lũ quai hết phương xuyên tạc... Bỗng, xoảng... Tôi vội vã chạy lên nhà trên. Trời ơi! Cái bình hoa mới mua của tôi đã rơi xuống đất vỡ tan. cả một buổi sáng cùng với cô bạn thân mới lựa chọn được nên tôi ưng ý về bình hoa này vô cùng. Tức giận, tôi vớ ngay cây chổi lông gà chạy lại hỏi:

- Đứa nào làm bể?

- Dạ em Sơn! Yên nhanh nhẩu.

- Dạ tại mấy chị rủ em chơi làm kiếm sĩ với hiệp khách.

- Dạ em hổng có, chị Tư rủ trước.

- Thôi, không có trước sau gì nữa cả, cúi lên divan hết.

Bốn đứa nằm chiếm hết cả divan, tôi giận dữ đét vào mông mỗi đứa mấy cái. Mặt đứa nào đứa nấy méo xẹo. Tôi lại giảng moral một hơi: nào là lớn tuổi đừng khỉ khọn, như vậy là hư (tôi bắt chước mẹ câu này) nào là phải điềm đạm, chơi cho đằm thắm.

... Bỗng có mùi gì khen khét từ bếp đưa lên, trực nhớ ra, tôi hốt hoảng chạy xuống, còn gì là ổ bánh  bông lan của tôi? Nó đã cháy đen hết trơn. "Lũ quái" làm hại tôi rồi, thế này tôi đã bị tổ trác. Công lao ơi, thôi giã từ hết, cũng chỉ vì mới bắt tay là đã bị trù ẻo mà, đúng là tại miệng chúng "ăn mắm ăn muối" nên mới xảy ra cớ sự.

Thật là khó và khổ cho kiếp làm chị. "Cương nhu đủ điều" mà không đem lại kết quả tốt như ý, dễ giận thật.

Tuy nhiên, mỗi khi chúng tôi đi học hay vắng nhà, mỗi khi về quê thăm ông bà, tôi lại cảm thấy buồn bã vì thiếu vắng sự chọc phá tinh nghịch mà đáng yêu của chúng trong căn nhà rộng, im lìm.


HỒNG QUÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 168, ra ngày 1-1-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

HƯƠNG ĐỒNG NỘI - Huyết Phượng Tâm


Vĩnh mở choàng mắt khi nghe tiếng gà của bác Tư gáy rộ sau nhà. Mọi khi vừa nghe nó đã vùng dậy đi rửa mặt. Nhưng hôm nay nó cảm thấy khó chịu, cái nóng từ đâu bay về đậu ở hai bên thái dương và đầu khiến nó có cái cảm tưởng của một người "sưởi cho ấm" trong lúc trời đang nắng gắt. Nó nhếch môi mỉm cười với cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy. Rồi nó nhắm mắt lại, lắng nghe tụi chim đang thầm thĩ tâm sự. Chúng nó nói chuyện gì mà vui đến thế, tưởng không bao giờ dứt nhưng lại đúng giờ lắm. À thì ra tụi nầy có kỷ luật lắm mà! Vĩnh lại mỉm cười vì nó cũng đặt ra luật lệ mà mấy "tự" chăn trâu đều răm rắp tuân hành. Nó muốn vùng dậy để nhảy ra đồng, nhong nhong trên mình trâu, nghêu ngao một bản đồng dao trong lúc mặt trời đang ngủ vùi sau mấy rặng núi đằng Đông. Nhưng nó lại làm biếng, kéo chiếc chăn rách nát phủ lên bụng, nhắm mắt lại để dỗ giấc ngủ. Nhưng chỉ lát sau, một tràng líu lo từ đầu cổng vọng vào đúng là giọng thằng Danh làm nó vụt chỗi dậy:

- Vĩnh ơi... dậy chưa? Mau đi mầy, có chuyện hấp dẫn lắm!

Không đáp, Vĩnh lẳng lặng ra sau súc miệng và tạt vào bàn lấy mấy củ khoai mà má nó đã dành phần cho vào túi, vớ lấy chiếc ná cao su quàng vào cổ, chọn một túi đầy đoạn tròn, đoạn hấp tấp ra cửa.

Bây giờ trời đã sáng, sương sớm vẫn chưa nỡ rời mấy ngọn cây. Gió ban mai mát lạnh đùa cợt trên người Vĩnh và len qua chỗ rách của chiếc áo để chọc lét vào da thịt nó. Vĩnh nghe nhồn nhột khắp người. Nó đưa tay bịt chỗ rách đoạn đếm bước đến chuồng trâu. Nói là chuồng cho oai chứ thật ra đấy chỉ là một mái rạ rách nát không che nổi nắng mưa, đè lên bốn cây cột tre đã mục, gần muốn gãy. Còn ba con trâu và một con bò thì đêm nào cũng được buộc chặt vào cọc và sáng nào nó cũng dẫn chúng đi ăn. Đó là nguồn sống của gia đình nên Vĩnh "cưng" chúng lắm.

Đến trước chuồng, Vĩnh dừng lại, ngắm lũ trâu phục phịch, con bò vĩ đại. Nó nghĩ nó là một anh hùng tứ chiếng, một hiệp sĩ đầu thai lộn kiếp. Trong đầu óc non nớt của nó, không những có những ý nghĩ ngây thơ mà đôi lúc còn ngộ nghĩnh nữa. Nó mở dây buộc lùa trâu đi trước và rất nhanh, nó phóng lên mình chú bò đực ra roi. "Đoàn chiến mã trong trí tưởng tượng" của Vĩnh dẫn nó tiến ra cổng.


Ngồi trên lưng bò, mắt Vĩnh lim dim, môi nhếch lên kiêu hãnh. Nó nghĩ nó là một Bill Cody do những mẩu chuyện thằng Danh kể lại. Bằng một giọng trịch thượng, nó kê miệng sát vào tai chú bò vàng:

- To như mầy mà phải đợi tao dẫn mới đi ăn được. Sao mầy ngốc thế, hở Dăm-Bô?

Con bò không biết gì cả, ngỡ chủ quát đi nên nó càng phi nhanh thêm. Bốn chân con vật nện thình thịch bên đường như điệu reo trong lòng Vĩnh. Vĩnh phơi phới vui khi thấy thằng Danh đang ngất ngưởng trên lưng con bò bướu mà chúng thường gọi là con Xích Thố. Thấy Vĩnh, thằng Danh lên tiếng:

- Tưởng mầy chết ở đâu rồi ấy chứ!

Hai đứa cùng cười. Vĩnh vụt hỏi:

- Danh nầy, có chuyện gì hấp dẫn đâu, kể tao nghe coi!

Nói xong Vĩnh mỉm cười, vì nó thấy giọng mình cũng "quyền" lắm. Riêng thằng Danh thì không lấy làm khó chịu, vì chúng quen nhau lâu lắm rồi. Danh nói:

- Có một nhóc tì dám khiêu chiến với tụi mình. Mầy thử nghĩ, tao với mấy thằng bạn ngồi trên lưng "ngựa" cho phi nước đại về nhà, cứ như Triệu Tử Long ấy chứ. Thế mà thằng nhóc đã không tán thưởng mà còn bảo tao điên. Thế có ức không?

Vĩnh gật đầu:

- Ức thật. Thế mà mầy với con nhà Míc-xơ-lanh không dám "đốp" nó à?

Thằng Danh cung tay:

- Ông đâu có sợ. Nhưng...

- Nhưng gì?

- Nhưng chưa có lệnh mầy, tao chưa dám ra tay.

Vĩnh bật cười. Trong chốc lát, nó nghĩ nó là một chủ soái, chung quanh nó là những dũng sĩ sẵn sàng chết vì nó. Với ý nghĩ ấy, Vĩnh vỗ vai Danh:

- Mầy khá lắm, tao không bao giờ để mầy bị nhục đâu. Nhưng Danh nầy...

- Gì đấy Vĩnh?

- Thằng nhóc bao lớn và vẻ mặt ra sao?

- Ối! Thằng nhóc ốm lắm, thoạt trông tao tưởng thánh Cam-Địa tái sinh. Nhưng vẻ mặt nó thì chao ôi, coi đời chưa bằng nửa hột cát. Thằng đó tưởng nó đi học là sang, còn tụi mình là thứ bỏ. Nhìn cái dáng khinh khỉnh của nó ông muốn đập quá!

Vĩnh cung tay đấm dứ vào không khí:

- Được rồi, nhóc tì sẽ nhận được sự trả thù của tao.

Danh mỉm cười:

- Nhưng mầy chơi bằng cách nào? Mọi da đỏ à?

- Ối, trò đó xưa rồi. Đời nầy nửa mới nửa cũ thì phải chơi trò bán cổ bán kim mới đúng điệu.

- Thế nghĩa là sao?

Vĩnh vỗ vai thằng Danh:

- Mầy kém đến thế cơ à? Bán cổ bán kim là nửa mới nửa cổ ấy.

Danh "à" lên một tiếng. Nó giương đôi mắt nai tơ ra nhìn Vĩnh với vẻ thán phục:

- Mầy tiếp đi.

- Bây giờ nhé, mầy, con nhà Tíu, con nhà Míc-xơ-lanh phục quanh con đường thằng nhóc thường đi. Đợi thằng nhóc lọt vào vòng vây rồi, tao sẽ hành sự sau. Lúc ấy sẽ có một bất ngờ lý thú xảy ra...

Danh giục:

- Mầy làm cứ như là truyện trinh thám ấy. Kể tao nghe đi.

- Nếu kể thì còn gì lý thú nữa đâu, phải không mầy?

- Ừ nhỉ!

Trông gương mặt con nhà Danh đờ ra, Vĩnh thấy thương hại quá. Nó lần túi lấy ra một củ khoai dúi vào tay Danh:

- Ăn đi mầy, phần của tao đấy.

Rồi hai đứa cùng bóc vỏ ra ăn. Trước mắt, chúng đã thấy ngôi miếu cổ hiện ra. Ngôi miếu nầy nằm khiêm tốn trên một giải đất rộng lớn bị bỏ hoang, là "kho quân nhu" của giới trâu bò. Đây cũng là nơi tụ tập của những  tay anh hùng mã thượng... chăn trâu. Chúng nó có thể chạy mỏi cả chân, thực hiện mọi trò chơi một cách dễ dàng vì cây cối ở đây rất nhiều và rất xa nhà cửa nên không sợ ai quấy rầy cả.

Hai đứa đến nơi đã thấy bảy, tám con bò đang gặm cỏ non và hai trự chăn bò nằm ngửa trên cỏ. Vĩnh đằng hắng một tiếng, đã thấy một thằng nhóc mập như một gã ba Tàu chạy đến. Vĩnh bảo:

- Đem bò trâu ra cột hộ tao. Nhớ nối dây cho dài ra nhé. Hôm qua bò tao bị đói đấy.

Míc-xơ-lanh dạ rất ngoan rồi dắt bò đi xa dần. Vĩnh quay qua Danh:

- Thằng nhóc thường đi đường nào, hở mầy?

Danh trỏ con đường dẫn ra tỉnh:

- Con đường ấy.

Vĩnh chợt nhìn thẳng vào mắt Danh, nghiêm giọng:

- Thằng nhóc dám chửi mầy là đồ điên à?

Vĩnh thấy có cái gì khác lạ trong câu trả lời của Danh:

- Ừ... hắn bảo tao điên.

- Tao thì không tin rồi. Mà tại sao mầy lại nói dối cả tao nữa, Danh nhỉ?

Danh ngập ngửng:

- Tao chịu mầy thông minh. Đúng đấy, thằng nhóc không chửi tao nhưng trong ánh mắt, trong nụ cười của nó hàm chứa biết bao nhiêu tiếng chửi...

Vĩnh bật cười:

- Cha, mầy nói văn chương được lắm. Tiếp đi...

- Tao thường thấy nó đi, cái dáng khinh người của nó như chọc tức tao. Mầy biết không, thấy tao cỡi bò đi nhong nhong mà nó cất tiếng cười. Tiếng cười như trêu chọc, khinh khi tao. Đáng lẽ thấy tao nghèo phải đi chăn bò thì nó phải thương tao hơn, lẽ nào còn nhạo tao nữa?

Chưa bao giờ Vĩnh thấy thương bạn như lúc nầy. Vĩnh lẳng lặng cởi chiếc ná cao su xuống và lắp đạn vào. Nó trương dây thun nhắm vào chùm bàng đang lắc lư trước gió đoạn buông tay. Mấy trái bàng rơi đánh bịch xuống đất, vài chiếc lá tơi tả rụng. Vĩnh nghiến răng:

- Mầy yên chí, tao sẽ bắn vỡ đầu nó ra như thế nầy.

Danh cảm động:

- Chúng mình sống chết có nhau, Vĩnh nhá!

*

- Bây giờ thì thằng nhóc sắp về rồi đây...

Tiếng thằng Danh nhắc chừng bạn. Vĩnh nói:

- Con nhà Danh sao nóng quá. Ừ! Thì tao sắp cho phục kích đây. Nhưng nếu chờ lâu, đừng có trách ông đấy nhé.

- Mầy yên chí đi mà.

Xong hai đứa vẫy hai thằng nữa đi dần về phía con đường mòn. Cứ như một dũng tướng, Vĩnh ra lệnh:

- Míc-xơ-lanh núp vào bụi cỏ đằng kia, con nhà Tíu ở đây, con nhà Danh trên cây khế trước mặt. Còn tao cây bứa nầy. À con nhà Míc-xơ-lanh không được nóng đấy nhé, chờ thằng nhóc lọt vào vòng vây rồi, tao ra lệnh mới được nhảy ra nghe. Lúc ấy, chỉ cần mình tao "chọi" với nó là đủ, tụi bây thì làm khán giả...

Bọn nhóc chừng như khoái lắm, chia nhau phục kích từng nơi.

Ngồi trên thân bứa um tùm, Vĩnh đưa mắt quan sát. Con đường mòn quanh co vẽ thành một con đường cong ôm lấy những thân tre vàng vọt, không người qua lại. Vĩnh nghĩ: Thằng nhóc đi học thì giờ nầy chắc đã về. Nhưng sao chưa thấy gì cả. Hừ! Cái thứ khinh người thì ông không bao giờ tha đâu con ạ.

Có giọng thằng Danh:

- Hồn vía thằng nhóc linh thiêng hay sao ấy, mọi khi thì giờ nầy nó đã về đến đây. Bắt ông chờ càng lâu thì càng ốm đòn con ạ!

Vĩnh mím môi, nó cũng mang một ý nghĩ như Danh. Đột nhiên con nhà Tíu reo lên:

- Ha ha! Thằng nhóc kia rồi!

Vĩnh nhổm dậy đưa mắt nhìn về khoảng đường ăn ra tỉnh. Không một bóng người. A! Thằng nầy láo! Vĩnh nghĩ thế nên quay lại định mắng con nhà Tíu. Nhưng ánh mắt nó chợt dừng lại ở con đường dẫn vào làng. Một thằng bé trắng trẻo, quần áo sạch sẽ đang nhớn nhác như tìm ai. Đúng là thứ khinh người rồi. Vĩnh nghĩ thế và sửa lại dáng ngồi. Thằng bé không hay biết gì cả, vẫn tiếp tục đi trong dáng điệu tìm kiếm. Vĩnh chúm môi huýt một tiếng sáo lệnh:

- Tuýt!... Ào ào!!

Vừa nghe thấy tiếng động bất thường thằng bé đã nằm gọn giữa bốn người lạ mặt rồi. Vĩnh bước tới hai bước, hất hàm:

- Ê nhóc con, có biết anh là ai không?

Thằng bé còn đang lúng túng thì Danh kêu lên:

- Khoan, không phải thằng nầy!

Vĩnh ngây người:

- Thật à?

- Thật!

Vĩnh nhìn thẳng vào khuôn mặt măng sữa của thằng bé, hỏi:

- Nầy bé, mầy đi đâu mà nhớn nhác vậy?

- Dạ em đi tìm...

- À mầy tìm tao để mách lại cho thằng nhóc đi học ấy, phải không?

Thằng bé ngơ ngác:

- Thằng nhóc đi học nào ạ?

- Thế mầy đi tìm cái quái gì?

- Dạ em tìm chú Danh.

- Tìm tao?

Con nhà Danh nắm lấy vai thằng bé lắc mạnh. Thằng bé kêu lên:

- Ái da!... Em tìm chú Danh thật mà.

- Thế mầy có biết tao là ai không hở nhóc?

- Em không biết...

Danh cáu tiết:

- Không biết thì tìm tao làm gì?

Thằng bé rơm rớm nước mắt:

- Em không tìm anh, ông Phong bảo em đi tìm chú Danh cơ.

Danh ngạc nhiên:

- Mầy biết ông Phong, ba tao ấy à?

- Ông Phong là ba anh? Thế ra chính anh là chú Danh của em đấy à?

- Đúng đấy bé, nhưng bé là con ai?

- Con ông giáo Hùng.

Con nhà Danh ôm chầm lấy thằng bé, nói:

- Xin lỗi bé nhé. Chú mau quên nên mới nạt bé. Mà bé mau lớn quá, ai nhìn cho ra được.

- Không sao, tìm được chú là cháu mừng rồi.

- Có việc  gì không bé?

- Có chứ, ông Phong đã đồng ý để chú ra nhà ba cháu học.

Một niềm vui len nhẹ vào hồn Danh. Nhưng niềm vui ấy chợt tắt khi Danh bắt gặp tia nhìn buồn bã của Vĩnh. Danh chớp mau đôi mắt run run:

- Chưa chắc đâu Vĩnh à. Có thể anh Hùng tao về chơi bảo cháu tao đi tìm đó thôi. Mầy yên trí, chẳng bao giờ tao xa mầy đâu.

Vĩnh yên lặng, một nỗi buồn từ đâu dâng lên mờ cả mắt nó...

*

Vĩnh nằm ngửa trên bãi cỏ. Bầu trời buổi sáng thật đẹp. Vài sợi mây dệt trên nền xanh dương những đường đan ngang dọc. Mặt trời đã dậy, có lẽ còn ngái ngủ nên chưa được sáng lắm, soi vạn vật dưới một màu vàng nhợt nhạt. Hai con chim gáy đang tỉ tê tâm sự đâu đây, nghe rõ mồn một. Bỗng dưng Vĩnh thấy cô độc lạ, một niềm trống vắng từ đâu tìm về với nó. Vĩnh nghe như thiếu sót, như mất mát một cái gì quý giá lắm. Phải rồi Danh, Danh của nó đã ra tỉnh. Bây giờ Danh cứ vui ở khung trời đầy mầu sắc ấy đi nhé. Còn bao nhiêu nỗi buồn cứ gom về tao, về thằng Vĩnh nghèo nàn của mầy, Danh nhá. Mầy biết không, giữa khung trời kỷ niệm cũ còn có tao đơn côi trong kiếp sống nhàm chán nầy, Danh ơi, Danh ơi! Mầy ở đâu, và có biết tao đang buồn đây không?

Vĩnh đưa hai tay bưng lấy mặt. Những giọt nước mắt chảy vào miệng vị mằn mặn, mặn như cõi lòng nó đang thổn thức. Thế là hết, Danh đã đi, một thằng bạn của tao đã đi. Rồi tao sẽ ở đây với ai đây Danh ơi! Tao còn nhớ hôm qua, mầy ra đi với vẻ mặt đưa đám. Tao biết mầy buồn, buồn như tao vậy. Nhưng tao lại khuyên mầy đi, và cố học đi. Sao thế? Khốn nạn chưa, tại sao tao lại không bảo mầy ở lại với tao cho có bạn. Phải chăng tao thương mầy, thương tao, thương cái kiếp bất hạnh nầy nên tao bảo mầy cứ đi, cứ thoát càng sớm càng tốt. Ừ! Phải đó Danh ạ, mầy cứ đi, mầy phải đi, chứ không lẽ cả đời mầy mãi mãi chôn tương lai trong cái kiếp nầy sao. Tao đã hy sinh, tao phải hy sinh cái tính ích kỷ của tao để mầy đi vì tao biết, chỉ một tiếng nói của tao là không bao giờ mầy đặt chân tới cái vùng trời ánh sáng đó đâu. Vui lên Danh nhé, cố học lên Danh nhé, chân trời ánh sáng không đến với đời ta hai lần đâu, Danh ạ!

Mầy phải đi, đúng thế, mầy phải đi. Chăm đi Danh, đừng để ai khinh mình như thằng nhóc ấy đã khinh mầy. Mầy cứ đi, đi để vớt danh dự của mầy và cũng là của tao. Mầy cứ an tâm, đừng bận bịu gì cả. Tao sẽ xử tội thằng nhóc khinh người ấy, tao sẽ trừng trị thật thẳng tay, thật đích đáng. Không lâu đâu mầy, độ chục khắc nữa thôi...

Vinh nhỏm dậy, mồ hôi nó rỏ xuống đất từng giọt. Mặt trời đã lên cao buông từng đợt nắng xuống thân thể nó. Thế mà nó đã quên, quên mất một lúc rất lâu. Vĩnh đưa tay áo lên lau mồ hôi, đưa mắt nhìn về ngôi miếu. Con nhà Míc-xơ-lanh và con nhà Tíu đang thủ thỉ chuyện trò. Danh ơi! Chúng không thể bằng mầy đâu, chúng không thể gần tao được vì mỗi đứa là một thái cực khác nhau. Danh ơi! Tao không thể quên mầy, nhớ về chơi với tao ít hôm Danh nhé. Danh ơi! Danh ơi!...

Giọng Vĩnh lạc hẳn đi trong nỗi nhớ thương của mớ tuổi dại. Vĩnh bước trên cỏ non, chân cao chân thấp. À! Mà buồn làm gì nhỉ? Tại sao mình lại buồn, mà buồn có kéo được niềm vui lại với mình không? Thôi làm một vòng quanh đây chơi, biết đâu chẳng gặp điều hay? Vói ý nghĩ ấy, Vĩnh bắc loa tay gọi to:

- Canh hộ bò tao một lát nhé!

Hai chiếc đầu của hai thằng nhóc cùng gật một lượt khiến Vĩnh yên lòng. Nó bước dần vào làng. Mấy ngọn tre vàng vọt lắc lư chiếc ngọn thẳng băng như chế riễu mấy thân bứa dại, ngàn đời vẫn cong lưng khúm núm. Mắt Vĩnh như dán chặt vào một tổ cà cưỡng. À! Những cái thân tròn lẳn nầy mà nướng lên thì khoái biết mấy. Phải chi có Danh, tao sẽ cho mầy một bữa chén ngon miệng. Ừ! Đi chi cho vội thế Danh, sao mầy không ở lại chén cùng tao một lần cuối rồi ra sao thì ra?

- Làm gì mà ngẩn ngơ thế anh?

Một giọng trẻ thơ cất lên, ơ! Sao giống giọng thằng Danh đến thế? Vĩnh rụt cổ, dụi mắt ngắm thằng bé. A đúng rồi, thằng nhóc đã khinh Danh đây. Nhưng sao lạ thế, trước mắt Vĩnh bây giờ thì thằng bé giống Danh lạ. Cũng chiếc mũi dọc dừa, cũng đôi môi dày mà ngắn, cũng đôi mắt tròn mà thoạt trông chỉ có con ngươi. Chỉ khác, ừ chỉ khác là thằng bé có một chiếc răng khểnh và mỗi khi nói, hai má nó lại lúm sâu vào mà nó đoán là lúm đồng tiền. Thằng bé dễ thương thật. Vĩnh nghĩ thế nhưng lại đáp cụt ngủn:

- Làm gì mặc tao ai cầu mầy hỏi.

Thằng bé tiu nghỉu trông thật đáng thương. Vĩnh bảo:

- Mầy khinh tao lắm phải không?

- Em đâu dám khinh vì ai cũng là người cả.

Vĩnh mím môi:

- Thế sao mầy lại cười thằng Danh?

Thằng bé tròn mắt:

- Ơ! Cười cũng phải tội hở anh?

Vĩnh vung tay:

- Chứ sao, nhất là những nụ cười khinh bỉ.

- Thế thì em chả có tội rồi, vì em chỉ cười để làm quen.

- Làm quen?

Thằng bé thong thả:

- Đúng thế. Hôm kia thầy giáo em giảng về cuộc đời cơ cực của các anh nên em thương lắm. Học về em định làm quen thì anh ấy đã cưỡi bò chạy như bay rồi.

Vĩnh chợt tỉnh:

- Thì ra tao đã nghĩ oan cho mầy. Đừng giận tao nhé!

- Anh có nghĩ oan cho em cái gì đâu?

Vĩnh bật cười:

- Thì tao chỉ nghĩ trong óc tao thôi, mầy biết thế nào được. À mầy tên gì?

- Em tên Ngọc.

- Mầy có thích làm bạn với tao không?

- Thích lắm chứ. Nhưng anh đừng gọi em bằng mầy nữa, vì người ngoài nghe vào thì nó ra làm sao ấy.

Vĩnh chép miệng:

- Thế tao phải gọi mầy bằng gì bây giờ?

- Bằng Ngọc, còn anh thì xưng tên. À anh tên gì nhỉ?

- Vĩnh, còn họ quên rồi.

Ngọc hỏi:

- Lúc trước anh định làm gì đấy?

- À, tao định bắn mấy con chim nầy chén chơi.

Vừa nói Vĩnh vừa đưa tay trỏ lên một ngọn tre. Bốn năm con chim non mập mạp đứng chật cả một chiếc tổ to lớn đan bằng cỏ khô.

Ngọc nói:

- Tội nó chết!

Vĩnh ngạc nhiên:

- Sao lại tội?

- Vì nó cũng như mình. Nếu chúng chết thì mẹ chúng sẽ đau khổ lắm. Ví dụ xa nhà như em, anh sẽ thấy buồn vô cùng.

Vĩnh yên lặng. Đúng rồi, mới xa Danh mà nó đã buồn đến thế thì nói gì đến mẹ xa con. Vĩnh nhìn Ngọc với đôi mắt biết ơn:

- Mầy giỏi quá.

- Chẳng có chi, cái gì cũng phải học cả.

- Mầy học lớp mấy rồi?

- Lớp ba, còn anh?

- Tao thì chẳng bao giờ được như mầy cả.

- Không sao, em sẽ chỉ cho anh mà.

Vĩnh nắm chặt tay thằng bé:

- Mầy không đùa chứ?

- Em nói thật đấy.

Vĩnh đăm đăm nhìn thằng bé:

- Trông mầy giống con nhà Danh quá...

Rồi không đợi thằng bé nói gì, Vĩnh tiếp luôn:

- Ngọc ạ, con nhà Danh tốt như vậy. Chúng tao thương nhau lắm. Thế mà nó phải ra tỉnh học, bỏ tao thui thủi một thân ở đây. Tao buồn quá, nhưng phải chịu vì tao không muốn nó vướng víu cái kiếp này.

Ngọc chớp chớp đôi mắt:

- Anh thật tốt. Mọi người nghèo đều tốt cả. Em mến anh cũng như mến những ai cùng hoàn cảnh như anh.

- Mầy tốt quá, thế mà có lần tao đòi bắn vỡ óc mầy ra. Tha lỗi cho tao Ngọc nhé.

- Cái đó thì chưa là lỗi, vì trường hợp em, em cũng nói thế. Nhưng thôi bắt đầu từ chiều mai, em sẽ chỉ cho anh cách đánh vần. Khi đọc được rồi anh sẽ thấy vui hơn. Em tin sau nầy anh sẽ làm nên việc lớn.

Vĩnh ngờ nghệch:

- Chăn trâu mà làm nên việc gì được hở mầy?

- Anh nói thế chứ có người chăn trâu mà làm nên chuyện lớn. Anh có biết ông Đinh Bộ Lĩnh không?

- Không.

- Ông ấy củng chăn trâu, dùng cờ lau tập trận mà sau nầy làm vua cai trị muôn người.

Vĩnh nuốt nước bọt.

- Cái đó thì hàng tỷ người mới  được một.

- Chưa hết đâu. Ông Đào Duy Từ không được đi thi vì là con của kiếp hát. Ông phải đi chăn bò lúc tuổi đã lớn, lớn như bác em vậy đó. Thế mà sau ông đắp lũy Thầy và lũy Trường Dục, giúp chúa Nguyễn giữ được nước nhà, vang danh khắp nước. Ai dám bảo chăn trâu là nhục đâu anh?

- Tao thì thích Bill Cody hơn vì ông nầy bình dân lắm. Con nhà Danh bào Bill Cody cũng cưỡi trâu, lấy ná cao su bắn hàng vạn bò rừng về nuôi hàng trăm dân công. Mầy thấy có cừ không?

- Cừ lắm. Nhưng Danh của anh kể sai rồi. Khi nào biết đọc em sẽ cho anh mượn quyển "Bin Bò rừng" về xem chơi.

- Mầy cho tao mượn bây giờ nhé?

- Nhưng anh chưa biết đọc cơ mà!

Vĩnh đờ người ra, mặt ngẩn ngơ:

- Ừ nhỉ.

*

Hai năm im lặng trôi qua.

Những ngày tháng hờ hững ấy đã thay đổi nếp sống của Vĩnh khá nhiều. Vĩnh ngày nay đâu còn là Vĩnh của một năm về trước. Nó đã biết đọc, biết viết. Không có đêm nào, giờ nào mà nó rời quyển tập, cây bút, lọ mực mà Ngọc đã tặng cho nó. Vĩnh cần cù lắm, chăm học lắm. Và kết quả đã bù đắp những ngày tháng cần cù, siêng năng là những giòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối của nó. Nó không ngờ nó được ngày nay. Bởi thế Vĩnh đã đem sự hiểu biết của nó chỉ cho con nhà Tíu, con nhà Míc-xơ-lanh, và cả ba đều đọc cũng như viết được. Vĩnh sướng run người, ước gì có con nhà Danh ở đây, nó sẽ chỉ cho người bạn yêu của nó cách đọc, cách viết. Danh ơi mầy học đến đâu rồi? Một ngày gần đây tao sẽ viết thư cho mầy, Danh nhá.

Vĩnh trở mình trên cỏ, quyển "Bin Bò rừng" đã lật đến trang cuối. Nó thấy lời Ngọc là đúng. "Bin cô-đy" không giản dị như con nhà Danh nói đâu, không là một bóng hình trong trí tưởng tượng thô thiển của nó. Bill Cody thật sang quá, cách Bill Cody của nó một trời một vực.

Vĩnh nhỏm dậy. Bóng Ngọc từ đầu xa đang tiến lại tươi cười. Đột nhiên Vĩnh thấy Ngọc không còn là cậu bé 12 tuổi nữa mà là một người lớn, một bậc thầy của nó. Vĩnh bỗng thấy thương Ngọc bằng tình thương mà nó đã cho Danh. Ngọc ơi! Trọn đời tao, tao không bao giờ quên công ơn của mầy đâu, Ngọc ạ...

- Làm gì mà ngẩn ngơ thế, hở anh?

Giọng Ngọc cất lên. Vẫn cái giọng giống con nhà Danh hôm nào mà Ngọc đã rụt rè hỏi nó. Nhưng lần nầy Vĩnh không bực tức mà lại nghe thương mến làm sao. Trong một giây cảm động, Vĩnh ôm chầm lấy Ngọc, nói như nói trong mơ:

- Ngọc ạ, mầy là một bà tiên Tình Thương xuống trần giúp tao. Trọn đời tao chỉ có hai bóng hình thương yêu nhất là con nhà Danh và mầy. Đừng bỏ tao bơ vơ như con nhà Danh, Ngọc nhé!

Ngọc gật đầu đáp:

- Không bao giờ. Em sẽ ở trọn đời với ngoại em và anh.

Vĩnh ngẩng đầu lên:

- Thế còn ba má Ngọc đâu?

- Mất cả rồi, ba má đã bỏ Ngọc ra đi. Bởi thế chẳng bao giờ anh giận Ngọc cả nhé, anh Vĩnh!

- Đừng nói thế chứ Ngọc. Vì anh không dám giận em đâu, dù sao cũng vậy. Ngọc ơi! Tuy gọi Ngọc bằng em nhưng trong tim anh, hình ảnh em muôn đời vẫn là một hình ảnh đáng kính, là một bà tiên đã mở mắt cho anh những ngày tháng sau nầy...

Hai đứa nhìn nhau, chưa bao giờ chúng thấy thương nhau bằng lúc nầy...

*

Bình-Thanh ngày 10-6

Danh mến!

Nhận được thư nầy hẳn Danh ngạc nhiên lắm nhỉ. Ừ! Mà không ngạc nhiên sao được khi những thằng người khốn khổ như chúng mình mà nói nên lời, viết nên câu, phải không Danh?

Cả Vĩnh lẫn Danh đều không ngờ rằng chúng mình lại có ngày nay, một chuỗi ngày tươi đẹp vờn quanh cái xóm Bình-Thanh nghèo nàn mà đã bao đời rồi còn chìm trong tăm tối.

Danh biết không, ngày nay xóm mình hầu hết đều biết đọc biết viết, mầy thích không Danh? Riêng Vĩnh thì thích quá, nhỡ bây giờ Vĩnh có chết đi thì cũng không còn gì để tiếc nữa.

Danh ạ, từ ngày Danh đi Vĩnh buồn lắm, thì lại gặp một người bạn tốt. Người bạn đó là ai Danh biết không?

Chẳng có ai xa lạ cả, Danh ạ, vì đó là người mà một buổi sáng xa xưa Vĩnh đã bắn nát mấy chùm bàng và thề sẽ bắn nát đầu ra đấy. Ngọc đấy, Danh ạ!

Chính Ngọc đã dạy cho Vĩnh viết và đọc. Ngọc nói rằng: "Đời nầy không có gì quý bằng tình thương, mình chỉ nên vui trong cái vui của người khác". Bởi thế khi biết đọc biết viết rồi, Vĩnh liền chỉ lại cho mọi người trong xóm, để tất cả cùng đọc được.

Vui quá, Danh ạ. Ngày nay về xóm, Danh sẽ thấy trẻ con trong làng lễ độ, không có nói năng ngậu xị như chúng mình trước kia đâu. Ngọc tốt quá phải không Danh, mà suốt đời vẫn đáng cho Vĩnh tôn làm thầy.

Bây giờ đọc lại Bill Cody, Vĩnh thấy thương cho cái quãng đời xưa cũ của chúng mình. Bill Cody không cưỡi bò nhong nhong suốt ngày như Danh, không dùng ná cao su như Vĩnh mà dùng súng cỡi ngựa đi săn. Người ta là dân sang, không đáng thương như cái kiếp nghèo, như cái trí tưởng tượng giản dị của chúng ta đâu, Danh ạ.

À Danh ơi! Cố học lên đi Danh nhá. Rồi một ngày lễ nào đó, trở về quê cũ, chúng mình sẽ ra ngôi miếu cổ gối đầu lên tay nhau kể lại chuyện xa xưa.

Chúc Danh vui, gia đình chú Danh hạnh phúc.   

Vĩnh của Danh.       

HÀN GIANG chiều 25-6

Vĩnh thân!

Trời ơi! Làm sao nói được nỗi vui mừng của Danh khi nhận được phong thư đầu tiên, những nét chữ thân yêu của người bạn mà Danh thương mến viết. Hồn Danh cứ như bay bổng lên trời cao, như thoát khỏi cái vùng đen tối xa xưa, ngày mà hai đứa giong trâu ra ngôi miếu cổ, nằm nghe gió về ru tuổi thơ chúng ta đến lớp tận cùng của khổ đau và bi đát...

Vĩnh ạ!

Từ ngày bước chân ra đi, lòng Danh đã khắc ghi hình ảnh hai thằng người xấu số, bị người ta rẻ khinh. Danh không bao giờ quên được đôi mắt buồn rũ rượi của Vĩnh một chiều nào nhìn theo hướng bước của Danh. Danh không dám quay lại vì làm thế Danh biết sẽ không đủ can đảm ra đi, sẽ không đủ can đảm vạch một tương lai, không những cho Danh mà còn cho Vĩnh nữa.

Ngoài tỉnh đẹp thật, Vĩnh ạ. Nhưng bầu trời ở đây không trong và rộng như bầu trời kỷ niệm của mình mà chỉ là một cái vòm chật hẹp, nhung nhúc những nhà cao.

Vĩnh ơi!

Còn đâu những đêm trăng sáng, Danh và Vĩnh gối tay nhau để nghe từng mẩu chuyện cổ thêu dệt bởi trí tưởng tượng khờ dại của chúng mình. Nơi đây không có trăng, không có đêm ba mươi đom đóm lập lòe, mà chỉ có đèn điện vàng vọt như những buổi bình minh sương mờ còn giăng đục bầu trời.

Vĩnh ạ!

Nhiều lần Danh muốn trở về, về với Vĩnh, về với xóm Bình Thanh mến yêu vì Danh thấy không thể sống xa quê, xa Vĩnh mến yêu một phút giây nào được.

"Danh ơi mầy cứ đi, mầy phải cố lên đi, chăm lên đi để không ai được khinh mình, dù mình đã xuất thân từ một gã chăn trâu." Đó là lời mà ngày chia tay, Vĩnh đã nói với Danh và mãi đến bây giờ còn vang vọng dư âm.

Ừ! Không ai có quyền khinh mình, cũng như mình không được để cho ai khinh. Bởi thế Danh đành nán lại, ngày đêm chăm chỉ học để ngày về chúng mình sẽ chỉ dẫn cho nhau.

Vĩnh!

Vĩnh biết không, lòng Danh lúc nào cũng nuôi một mối hận lòng, u uất dồn ép vào tim Danh. Danh tự nhủ phải chăm chỉ để cho thằng bé ấy thấy rằng, ai cũng như ai. Và hôm nay kết quả đã trông thấy rõ.

Xưa lắm rồi, Vĩnh ạ. Có một người con ở với bà mẹ kế ác độc. Bà bắt người con nấu cơm, nấu nước, giặt quần áo và đi chợ nữa trong khi nó chỉ là một thằng bé như mình. Một hôm nó nấu cơm khê bị bà mẹ kế lấy đũa bếp đập túi bụi vào đầu kèm theo một tràng xỉa xói.

Khốn khổ chưa, người con đáng thương đành bỏ nhà ra đi, nuôi chí học tập nên người để cho bà mẹ thấy rằng nó không phải là thứ vứt đi.

Thế rồi qua bao năm cặm cụi sách đèn, từ một thằng người buồn đau chất chồng, nó trở thành một tân quan áo mão rỡ ràng. Trong ngày vinh quy quan lớn trở lại làng xưa, không phải để trả thù, mà để đền ơn người mẹ kế.

Đọc xong chuyện nầy, Danh không khỏi suy nghĩ. Ừ! Tại sao thằng bé cười mà Danh lại hận nó, nhất là nhờ nụ cười ấy mà Danh có ngày nay, ngày tươi đẹp trong quãng đời tăm tối của chúng mình?

Danh càng hối hơn khi biết thêm đó chỉ là một nụ cười thông cảm của một tâm hồn gặp một tâm hồn. Chính chủ nụ cười ấy đã giúp Danh, thì hận nó là có tội lắm rồi. Vĩnh ơi! Nếu gặp Ngọc bảo hộ tao rằng:

"Một ngày nghỉ gần đây Danh của Vĩnh sẽ hồi quê cũ, sẽ nói những gì mà lòng hối hận của Danh đang tạm giữ, với Ngọc thân yêu..."

Vui lên, Vĩnh nhá, một ánh dương sẽ về với vùng kỷ niệm mà chúng ta đang nắm giữ. Khỏi nói Vĩnh cũng biết đấy là ngày mà chúng ta đoàn tụ dưới gốc bàng xưa cũ, đem tình thương sưởi ấm khung trời...

Thôi thư đã khá dài, Danh tạm dừng bút nơi đây. Chúc Vĩnh và hai bác vạn an.

Bạn của Vĩnh.    


HUYẾT PHƯỢNG TÂM    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 60, ra ngày 1-1-1967)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

CHUYỆN XÓM NGHÈO - Phạm Đức


Tân xách thùng đồ nghề chạy vô đường hẻm. Những vũng nước bùn đọng trên mặt đất đen ngòm, bắn tung tóe mỗi khi chân nó dẫm vào. Khuya rồi nên trong hẻm vắng tanh không một bóng người, nhà nào cũng đóng cửa im lìm, chì có tiếng chân nó vang thình thịch trong đêm vắng. Đường hẻm tối mù mịt dưới ánh sáng vàng vọt của hai ngọn đèn yếu ớt mắc ở đầu và cuối hẻm, bóng đèn bám bụi vàng khè, không đủ soi sáng con hẻm sâu hun hút. Trận mưa ban chiều làm cho mặt đất vốn đã lầy lội lại càng lầy lội hơn.

Tân dừng lại trước cửa nhà nghe ngóng trước khi rón rén mở cửa lách mình vào trong. Tiếng ngáy của dượng Tư vang lên như sấm. Dưới ngọn đèn dầu mờ mờ Tân thấy dượng Tư nằm co quắp như con tôm trên phản, cái chân dài co lên đến ngực, đỡ nửa phần chân cụt còn lại trên đùi. Dáng ngủ của người đàn ông trông thật khó khăn khổ sở. Đôi nạng gỗ, hung thần của Tân, xếp chồng lên nhau gác trên đầu phản. Nó ngửi thấy mùi rượu nồng thoang thoảng trong không khí. Tiếng ngáy khò khè, ngột ngạt vang trong căn nhà nhỏ bé vách gỗ. Dượng Tư chợt lật người đổi thế nằm, cái chân cụt mất chỗ tựa rơi bịch xuống phản như một miếng thịt rớt xuống mặt gỗ. Cánh tay gầy gò giơ lên đập một con muỗi  vừa đậu xuống má hút máu rồi bỏ thõng xuống, tiếng ngáy êm đi một lúc rồi lại vang to như cũ trong giấc ngủ say mê tiếp tục của người đàn ông.

Tân nhón gót bước nhẹ tới bàn thờ, giở chân đèn bằng đồng lên nhét tấm vé số gấp đôi vào đó, sau khi cẩn thận liếc sang người đàn ông đang nằm ngủ trên phản bên cạnh. Thế nằm quay mặt  vào tường và tiếng ngáy dòn dã của dượng Tư làm Tân thấy yên tâm. Chắc chắn dượng Tư không thể nào biết việc làm vừa rồi của nó được. Tân ngước mắt nhìn lên khung ảnh đặt chính giữa bàn thờ. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu đặt xế bên góc, Tân có cảm tưởng như đôi mắt ba nó sáng rực, nổi bật giữa mặt kính mờ vàng cũ kỹ. Đôi mắt ấy hiền hậu, tràn ngập yêu thương chiếu thẳng vào mặt nó như thương xót đứa con nhỏ bé đã sớm lăn lóc bơ vơ. Tân bỗng thấy bùi ngùi xúc động. Nó nhớ lại những buổi tối ba bốn năm về trước ba nó hay ôm nó và con Thơm vào lòng kể chuyện cổ tích. Những lúc ấy đôi mắt ông dịu dàng, lắng đọng thương yêu và bao dung nhìn xuống như muốn thâu trọn hình ảnh hai đứa con nhỏ và ban phát tình thương cho chúng nó. Tân đã say mê ngắm đôi mắt ba nó hơn là nghe ông kể chuyện. Và cũng đôi mắt đó đã một lần Tân thấy nhắm nghiền vĩnh viễn trên một thân thể không còn toàn vẹn vì lửa đạn. Hai hình ảnh của đôi mắt đó còn sống mãi trong lòng Tân, một mở to, linh động và một nhắm nghiền, bình thản. Đôi mắt ba nó hiền lành, trìu mến làm Tân say mê bao nhiêu thì đôi mắt dượng Tư bây giờ đỏ ngầu, hung dữ làm Tân sợ hãi bấy nhiêu.

Tân cúi đầu lâm râm cầu nguyện với ba vài câu rồi xách thùng gỗ đi xuống nhà dưới. Trong mùng, trên chiếc giường tre đặt trong góc nhà bếp có tiếng đập muỗi lép bép. Con Thơm vẫn còn thức đợi anh về. Giọng con nhỏ thì thầm:

- Anh về đó hả anh Tân?

- Ừa, anh đây. Chưa ngủ sao?

- Vô đây em nói cái này cho mà nghe.

- Đợi một lát, anh tắm cái đã.

Tân bỏ cái thùng gỗ trong góc nhà, đi ra sau hè.

Gáo nước mát lạnh ào xuống trên thân thể, phủ lên từng vùng da thịt làm Tân tỉnh hẳn người. Nó ngước mặt lên xối một gáo nữa. Nước thấm qua tóc vào tận da đầu, tràn xuống mặt, len vào cổ và đem mát mẻ xuống khắp người. Tắm đêm khoái thật! Tân định dội mạnh một gáo nữa nhưng nó chợt nhớ, ngừng tay lại. Nó sợ tiếng nước rơi ào ào trên nền đất sẽ làm dượng Tư thức dậy.

Dượng Tư mà thức dậy bây giờ thì khốn. Thế nào Tân cũng sẽ lãnh đủ một trận đòn mê tơi vì cái tội dám phá rầy giấc ngủ của dượng. Thêm vào đó là cái tội về trễ nữa. Hôm nay may mà dượng Tư đã ngủ trước khi nó về chứ nếu không thì chắc đêm nay Tân sẽ không nhắm mắt được vì khắp người ê ẩm sau một trận đòn thừa sống thiếu chết. Tân sợ những cú đấm, đôi mắt nhuộm máu đỏ rực và nhất là đôi nạng gỗ của dượng Tư vô cùng. Những thanh gỗ cứng ngắc đó mà quật tàn nhẫn vào thân mình gầy ốm của nó thì phải biết. Đau dần cả người! Lát nữa phải hỏi con Thơm xem dượng Tư ngủ lúc nào để sáng mai còn lựa cách mà chống chế.

Tân kỳ cọ, trút hết lớp bụi vỉa hè bám đầy thân thể nó sau một ngày lăn lóc đánh giày. Nó dội nhẹ vài gáo nước nữa rồi mặc đồ đi lên, mặc dù vẫn còn thèm được đứng dầm mình dưới những tia nước mát rượi. Tân không dám tắm nữa vì nghĩ đến con Thơm ngày mai sẽ phải còng lưng gánh từng đôi nước. Đôi vai bé bỏng của con nhỏ khòm xuống dưới sức nặng đôi thùng nước to hơn thân hình nó. Hình ảnh này làm Tân thấy thương em vô vàn...

Tân tới góc nhà mở thùng đồ đánh giày lấy gói bánh rồi lại vén mùng trèo lên giường. Nó hỏi nhỏ:

- Thơm ngủ chưa?

Tiếng con nhỏ tỉnh táo:

- Chưa. Sao bữa nay anh về trễ vậy?

Tân dúi gói bánh vào tay em, đáp:

- Anh đi coi xi nê với thằng Hoàng, Phim Ấn  độ ở rạp Long Phụng hay ghê lắm.

Con Thơm cầm gói bánh, chưa mở.

- Anh đi coi xi nê hả, sướng quá há! Mà Hoàng là ai vậy anh Tân?

- Thằng Hoàng là bạn anh, nó là thằng bạn thân nhất của anh đó. Bữa nào hai đứa anh cũng đi chung với nhau, có khi còn chia nhau một đôi giày nữa. Nó thương anh lắm.

- Mà ảnh lớn bằng anh không?

- Nó lớn hơn anh một tuổi, cũng mồ côi cha như tụi mình. Mẹ nó già rồi, nó đi đánh giày về nuôi mẹ nó.

- Vậy hả? Mới mười ba tuổi mà anh Hoàng biết đi làm nuôi mẹ rồi, giỏi ghê anh há.

- Ừ, nó giỏi lắm, cái gì nó cũng biết hết. Dễ thương nữa, hiền thiệt là hiền. Nó lại lanh ghê lắm, mấy ông khách ai nghe nó nói cũng phải để cho nó đánh giày.

- Mà anh Hoàng có hay đánh lộn không anh?

Tân được dịp kể tốt cho bạn, nó hãnh diện nói:

- Không, nó không đánh lộn bao giờ, nhưng mà nó mạnh lắm. Hiền vậy chớ đứa nào ỷ lớn mà giành khách của nó thì nó nện liền, khỏi ngán đứa nào đi. Bữa trước có một thằng to con hơn thằng Hoàng, ở đâu không biết tới giành khách của anh, bị thằng Hoàng đánh cho một trận tơi bời. Từ đó tới giờ, không thấy thằng đó hó hé tới khu tụi anh nữa, mấy thằng hay sinh sự khác cũng kiềng mặt thằng Hoàng luôn.

Con Thơm xuýt xoa khen:

- Anh Hoàng tốt ghê há anh. Sao anh không kêu ảnh tới nhà mình chơi?

Ờ há, chơi với nó lâu rồi mà anh không nghĩ tới chuyện kêu nó tới nhà mình chớ, thôi để bữa nào rảnh anh kêu nó lại...

Giọng con Thơm liến thoắng:

- Nhớ nghe anh, nghe anh nói tự nhiên em có cảm tình  với ảnh liền hà...

Tân đánh nhẹ vào tay con Thơm:

- Con quỉ này, nghe mấy đứa gánh nước nói chuyện bậy bạ hoài rồi nhiễm đó phải không?

Con Thơm cười khúc khích:

- Em nói giỡn một chút mà... Ờ, gói gì đây anh?

- Bánh, cho em đó. Ăn đi, còn để dành cho bé Hùng một cái.

Con Thơm sột soạt mở gói giấy, bỗng nó ngừng lại.

- Em ăn trong giường rớt vụn ra kiến lên cắn chết, hay là mình ra đằng sau nhà ngồi  nói chuyện đi anh, em chưa buồn ngủ.

- Ừ, phải đó, anh cũng chưa buồn ngủ. Đi nhẹ nhẹ nghe, làm ồn dượng Tư mà dậy thì chết.

Hai đứa vén mùng chui ra. Tân dắt tay em rón rén mở cửa đi ra sau hè. Tiếng ngáy của dượng Tư từ nhà trên vẫn đều đều vọng xuống. Trong buồng mẹ chúng nó và bé Hùng vẫn im lìm, chắc đã ngủ say sưa.

Hai đứa ngồi xuống thềm nhà. Gió hiu hiu thổi nhẹ mơn man da thịt. Ánh trăng mờ mờ sau đám mây chiếu loang loáng trên vũng nước Tân tắm hồi nãy còn đọng lại trên mặt đất. Đàn muỗi đói trú ngụ trong các bãi ao tù đen tối sau nhà đã đánh hơi thấy mùi thịt tươi bắt đầu sà xuống vo ve quanh hai đứa. Con Thơm đưa gói bánh lên mũi hít một hơi dài:

- Anh mua bánh gì mà thơm vậy?

- Bánh ga tô đó, ngon lắm. Em ăn hai cái, để dành cho bé Hùng một cái mai nó ăn.

- Anh mua tới ba cái lận hả? Thôi, anh ăn với em một cái, em ăn một cái, còn một cái để cho bé Hùng nghe.

- Thôi, em ăn đi, hồi nãy trong rạp xi nê anh ăn với thằng Hoàng rồi.

Con Thơm cắn miếng bánh đầu tiên. Nó cố ý cắn thật nhỏ và ngậm cho chất ngọt tan dần trong miệng đến khi miếng bột xốp hút đầy nước dính đặc lại nó mới nhai và nuốt. Thơm ăn dè từng miếng một, không dám ăn nhiều vì sợ bánh mau hết. Bánh thơm quá, ngọt quá, xốp quá. Thích ghê!

Ít khi Thơm được ăn một thứ bánh đắt tiền và ngon thế này. Bánh tây mà! Từ lâu lắm rồi, sau khi ba mất, Thơm chưa bao giờ được chén một mình những hai cái bánh tây ngon đến thế. Thỉnh thoảng được mẹ cho một đồng, tiền thưởng công bế bé Hùng suốt ngày, để mua bánh bích quy ở hàng tạp hóa trong xóm hoặc được anh Tân nó đem về cho những ổ bánh mì ngọt hình sừng trâu là ngon lắm rồi. Vậy mà hôm nay nó được ăn những hai cái bánh tây tuyệt vời! Sung sướng quá! So với hai cái bánh này thì những cái bánh bích quy của mấy ông Tàu làm nhạt nhẽo không thấm vào đâu cả. Thơm thích thú ngồi yên lặng nhấm nháp, nó quên bẵng cả câu chuyện định mách với Tân hồi nãy.

Tân sung sướng ngồi nhìn em ăn bánh, nói:

- Ngon không?

Thơm nhe răng cười, lúng búng miếng bánh trong miệng:

- Ngon chứ.

Tân chợt nhớ lại câu nói của em hồi nãy, trước khi nó đi tắm.

- Hồi nãy Thơm định nói gì với anh vậy?

Nghe Tân nhắc, đôi mắt to đen của con Thơm chợt chùng hẳn lại buồn bã nhìn xuống đất. Lờ mờ trong bóng tối, Tân thấy nét mặt em nhuốm một vẻ buồn nặng trĩu làm nó hoang mang nhắc lại câu hỏi:

- Sao, Thơm định nói gì với anh vậy? Có chuyện gì ở nhà hả?

Thơm ngừng nhai bánh ngước mắt lên nhìn anh, đôi mắt nó long lanh ngấn nước, giọng nói nghẹn ngào:

- Hồi tối ở nhà dượng Tư lại đánh mẹ...

- Tại sao vậy? Đánh nhiều không?

Con Thơm òa lên khóc tức tưởi. Nó không dám khóc to tiếng, mà ôm lấy cánh tay Tân, dúi mặt vào đó sụt sịt. Tân tức tối hỏi:

- Tại sao ổng đánh mẹ chứ?

Thơm đáp qua giọng nói trĩu đầy nước mắt:

- Dượng Tư uống rượu về... đòi tiền mẹ đi đánh bạc... Mẹ nói không có, hết rồi... thế là dượng Tư đánh mẹ túi bụi...

Câu nói con bé đứt quãng vì những tiếng nấc ấm ức. Tân mím chặt môi, rồi như không chịu được cơn phẫn nộ dâng lên, nó bật ra tiếng chửi tục...

Thơm sợ hãi nhìn anh, giọng nói ướt sũng:

- Anh Tân, anh đừng chửi bậy.

Tân càng tức giận, gằn từng tiếng:

- Ổng là gì mà cứ hành hạ mẹ hoài như vậy? Mẹ phải làm sao chứ để ổng đánh đập mãi như vậy chịu sao được?

Tân nói càng lúc càng lớn làm con Thơm sợ hãi thêm, nó nắm chặt tay anh năn nỉ:

- Anh Tân nói to dượng Tư dậy thì chết!

- Thế mẹ có làm gì ổng không?

- Không, dượng Tư đánh mẹ nhiều lắm, mẹ chỉ la hét, rồi khóc lóc. Một lát chán rồi dượng Tư quay ra ngủ, mẹ cũng bế bé Hùng đi ngủ luôn...

Đôi mắt Tân long lên, sáng rực trong đêm tối.

- Thế dượng Tư ngủ hồi nào?

- Dượng Tư ngủ được một lát thì anh về.

Giọng nói của Tân tràn ngập uất ức:

- Sao mẹ không bỏ dượng Tư đi chỗ khác mà ở cho rồi!... Ổng có làm được gì cho mẹ, cho mình đâu mà ổng cứ hành hạ mẹ mãi. Ngày nào cũng mắng chửi, ngày nào cũng đánh đập như vậy thì làm sao mẹ chịu được!... Ổng đã què chân, ở nhà ăn bám trong khi mẹ phải đi buôn bán cực nhọc cả ngày mới đủ tiền nuôi ăn cả nhà, thế mà ổng không biết nhục, còn đòi tiền uống rượu, cờ bạc nữa...

Con Thơm tủi thân khóc òa một lần nữa:

- Dượng Tư dữ quá, cứ đánh đập mẹ mãi!...

Đôi mắt Tân trợn căng lên tóe lửa như muốn chọc thủng bóng đêm. Nó tưởng chừng như có thể giết chết dượng Tư được ngay lúc ấy.

Con Thơm gói bánh lại:

- Thôi em không ăn nữa đâu, để dành đến mai.

Đàn muỗi say mùi máu bu đến chích hai đứa càng nhiều hơn, tay chúng nó hoạt động liên tiếp mà vẫn không xuể. Tân nói:

- Hôm nay mẹ bán khá không?

- Được có mấy chục thì dượng Tư lấy mất hơn một nửa rồi...

- Thôi, đi vô trong giường ngủ đi, ngồi ngoài này muỗi quá.

- Ừ, vô đi anh.

Hai đứa đứng dậy, đi vô nhà. Tân để em vô trước rồi nâng nhẹ cánh cửa đóng lại. Bỗng chốt cửa chạm vào khuy sắt kêu cạch một tiếng làm Tân giựt mình đứng yên nghe ngóng. Nhưng trên nhà vẫn yên tĩnh, tiếng ngáy dượng Tư vẫn vọng xuống đều đều.

Tân chui vào giường nằm xuống bên cạnh con Thơm. Nó rút tờ gấy bạc trong túi quần dúi vào tay em, nói nhỏ:

- Sáng mai đưa cái này cho mẹ, nhớ đừng cho dượng Tư thấy.

Con Thơm ngạc nhiên vò vò tờ giấy bạc sột soạt.

- Bao nhiêu thế này hả anh?

- Một trăm đó. Cất đi, sáng mai đưa cho mẹ.

Con Thơm ngồi dậy lật bao gối nhét tờ bạc vào rồi nằm kê đầu lên trên, nó nói:

- Ở đâu mà hôm nay anh có nhiều tiền vậy? Đi xi nê, mua bánh, lại còn tiền cho mẹ nữa?

- Hôm nay anh hên. Hồi chiều anh với thằng Hoàng đánh giày cho một anh Mỹ say, thấy tụi anh đánh bóng quá, nó khoái chí cho mỗi đứa một tờ đô la xanh, đem đổi được trăm rưỡi, với tiền cả ngày dành được nữa là anh có tất cả hơn hai trăm... À, anh còn mua một cái vé số nữa...

Con Thơm quay lại nhìn anh trong bóng tối:

- Anh mua vé số nữa hả?... Để đâu rồi?

- Anh cất chỗ này kín lắm, dượng Tư không biết được đâu. Anh để dưới chân đèn trên bàn thờ ba đó.

- Vé số khi nào xổ?

- Chiều mai. Bà Tư bán vé số bả nói cái này chiều mai xổ đem ra bả dò dùm cho.

- Nếu mình trúng thì được bao nhiêu hả anh?

- Nhiều lắm, có khi được tới hai triệu lận.

Thơm ngây thơ:

- Hai triệu là chừng nào hả anh? Mua được cái nhà không?

Tân cười:

- Em ngu quá. Hai triệu mua cả mấy chục cái nhà như nhà mình cũng được chứ, cả mua xe hơi cũng còn dư nữa...

- Nhiều quá anh há. Ước gì mình trúng hai triệu.

Tân lắc đầu:

- Trúng hai triệu khó lắm, anh chỉ ước được trúng hai ngàn đồng thôi, trúng hai ngàn đồng dễ hơn.

Con Thơm cãi lại:

- Hai ngàn đồng đâu có mua được xe hơi.

Tân được dịp lên mặt khôn hơn em, nó ra vẻ thành thạo:

- Cần gì mua xe hơi, mà mua rồi ai lái? Muốn lái xe phải có bằng, phải đúng hai mươi tuổi mới được chớ bộ dễ sao? Em có thấy đứa nào bằng anh mà lái được xe hơi không?

Con Thơm gật gù:

- Ờ há, không có ai bằng anh mà được lái xe hết. Vậy thì hai ngàn mua được cái gì hả anh?

- Hai ngàn cũng nhiều lắm chớ. Mình sẽ mua cho mẹ một bộ quần áo mới để mẹ mặc, cho em và bé Hùng mỗi đứa một bộ. Rồi mình dắt mẹ đi ăn một chầu phở thật no nê, mua bánh ngọt, bánh ga tô cho nhiều để dành ăn lần...

Nghe anh tính kế hoạch, con Thơm xuýt xoa nuốt nước miếng:

- Ờ, đi ăn phở một lần cho đã, mua bánh tây cho nhiều nữa nghe anh. Mà đừng cho dượng Tư đi ăn.

- Ờ, đừng cho dượng Tư đi ăn, cho ổng thèm chảy nước miếng chơi...

Con Thơm chợt ngập ngừng:

- Nhưng mà mình không cho dượng Tư đi ăn rồi dượng đánh mẹ thì sao?

- Đâu có được, mình có nhiều tiền thì ổng hết dám đánh, ổng sẽ phải lạy lục mà xin tiền chớ bộ.

Con Thơm mơ màng như đã được trúng số:

- Phải rồi, mình mà có tiền thì dượng Tư hết dám đánh mẹ nữa, mẹ sẽ bớt khổ...

Tân tính toán:

- Mình ăn uống sắm sửa như vậy hết khoảng hơn một ngàn,còn một ngàn mình đưa mẹ làm vốn kiếm cái gì buôn bán lời hơn đi bán ve chai thì làm...

- Mà không mua quần áo mới cho anh à?

- Mua chớ, mỗi người một bộ.

- Không mua cho dượng Tư nghe anh.

- Ừ, không mua cho ổng cái gì hết.

- Em sẽ nói mẹ mua cho em cái lược chải đầu nữa.

- Ừ, mua cho mẹ một cái, cho em một cái.

- Màu tím nghe anh.

- Ừ, màu tím. Mình có tiền thì mua gì chẳng được.

- Thế vé số trùng thì làm sao mà lãnh tiền?

- Bà Tư bán vé số nói đưa bả lãnh dùm cho, rồi cứ một trăm đồng thì đưa bả năm đồng.

Hai đứa nằm say mê tính những chuyện sẽ làm với số tiền trúng số tưởng tượng như thật. Mua cái gì cũng có mẹ chúng nó, và chắc chắn là không có dượng Tư. Tân tưởng tượng rằng khi có nhiều tiền dượng Tư sẽ hết dám đánh đập mẹ con chúng nó nữa mà phải đi theo xin xỏ từng đồng để uống rượu, đánh bạc. Trong đầu óc ngây thơ của nó, kẻ làm vua là kẻ có tiền và có tiền là có quyền uy, có tất cả. Chúng nó say sưa trả thù những trận đòn, những câu chửi rủa, những cú đấm của dượng Tư bằng mơ ước thì thầm và bằng tưởng tượng. Những điều mơ ước của hai đứa từ trước đến giờ được đem ra tính toán, giải quyết với số tiền trúng số tưởng chừng như đã được nắm trong tay.

*

Mải say mê tưởng tượng, con Thơm thiếp ngủ lúc nào không biết, còn lại một mình Tân nằm tính toán. Nó tính ra hàng trăm thứ phải làm và số tiền trúng số ước mong từ hai ngàn đã tăng lên đến mười ngàn. Tân không dám mơ ước nhiều hơn, nó nghe người ta nói trúng số nhiều khó lắm, phải may mắn lắm mới được vì thế số tiền trúng số trong óc nó chỉ đến mười ngàn là cùng, không hơn nữa.

Tân tưởng tượng với số tiền trúng số, gia đình nó sẽ yên vui trở lại như hồi ba nó còn sống. Dượng Tư sẽ hết nghiện ngập, lo làm ăn đàng hoàng, mẹ nó sẽ kiếm một nghề nào đó nhiều lời hơn và nhờ số vốn này bà sẽ đủ nuôi gia đình. Mọi người sẽ sung sướng hơn, trong nhà không còn những trận chửi mắng đánh đập nữa. Tân và con Thơm sẽ được đi học đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Và tối tối cả gia đình sum họp lại, dượng Tư ngồi đọc báo, hai đứa ngồi học bài trong khi bé Hùng đùa nghịch bên cạnh mẹ nó đang tính toán sổ sách...

Hình ảnh hạnh phúc của gia đình nó ba năm trước trở về trong óc Tân. Hồi đó, ba nó còn sống và dượng Tư chỉ là một ông láng giềng. Hai người rất thân thiết, chiều chiều vẫn bắc ghế ngồi nhậu nhẹt với nhau trước thềm nhà. Tân và con Thơm được đi học, tối về nhờ ba dạy thêm. Ba chúng nó làm trong mọt sở ngoại quốc nên đồng lương cũng dư dả, và hai đứa không xa lạ gì với những hàng phở, hàng nước ngọt vẫn được ba nó dẫn đi ăn uống thường.Nhưng rồi tai họa bắt đầu dồn dập đổ xuống gia đình.

Trong một vụ nổ ở sở làm, ba nó bị chất nổ phá nát thân hình, nhắm mắt không được thấy mặt vợ con lần cuối. Mất cột trụ chính, gia đình Tân suy sụp xuống. Mẹ nó hùn hạp đi buôn bán bị thua lỗ hết vốn dành dụm được, phải vay mượn hàng xóm ăn lần nên nợ nần càng ngày càng chồng chất. Cuối cùng bà chắp nối với dượng Tư mong vớt vát phần nào tình trạng tuyệt vọng. Hồi đó dượng Tư còn làm ăn đàng hoàng nên cũng đỡ, nhờ số lương phu bến tàu của dượng Tư được mẹ nó dè sẻn lại mà nợ nần dần dần cũng được mẹ trả hết. Nhưng rồi tai họa chưa chịu chấm dứt.

Ngày thằng Hùng ra đời cũng là ngày dượng Tư bị một thùng hàng nặng ngã đè gãy chân. Tật nguyền và mất chỗ làm, dượng Tư chỉ còn ở nhà ăn bám vào mẹ nó. Tiền dành dụm cạn hết bà phải đi bán ve chai để kiếm tiền nuôi gia đình hàng ngày. Tân và con Thơm phải bỏ học, con bé ở nhà giữ em còn Tân đi đánh giày để giúp đỡ mẹ phần nào.

Gia đình nó càng ngày càng suy sụp. Dượng Tư ăn rồi ở không, chán nản sinh ra nghiện rượu, bài bạc, ngày nào cũng khảo tiền mẹ nó. Hôm nào không có tiền cho ông, cả ba mẹ con không thể nào thoát khỏi những trận đòn khủng khiếp. Tân sợ nhất là đôi nạng gỗ của dượng Tư. Những lúc dượng say rượu, đôi mắt đỏ ngầu, long lên sòng sọc, trợn trừng như muốn ăn tươi nuốt sống nó trong khi chiếc nạng gỗ quật túi bụi vào đầu, vào lưng, vào cẳng, vào khắp nơi trên thân hình bé nhỏ của Tân. Ngay cả bé Hùng, con của dượng Tư, cũng không thoát khỏi những trận đòn khi dượng nổi giận, dượng thẳng  tay tát thằng bé làm nó điếng người khóc không ra tiếng. Tân thương nhất là con Thơm. Suốt ngày ở nhà bế em nên hay bị ăn đòn của dượng Tư nhất. Khi nào có chuyện gì là con nhỏ bị dượng Tư kêu đầu tiên. Người con Thơm ít khi không có vết bầm tím. Nó không dám ở nhà cả ngày, trừ những giờ phải nấu cơm, ngoài ra là bế bé Hùng thơ thẩn khắp xóm, để đến tối về nằm khóc với Tân, kể lại những trận đòn oan ức trong ngày.

Còn mẹ nó thì càng ngày càng gầy xọp đi. Tháng ngày cực nhọc đã ghi trên mặt bà những nét nhăn khổ sở, những vết đau đớn chịu đựng. Từ hơn một năm nay, chưa khi nào Tân được thấy nụ cười dịu hiền hồi trước nở trên môi mẹ nó nữa. Đã trót sa vào hoàn cảnh này, bà âm thầm chịu đựng, thân xác bà như chai lì vì những trận đòn đổ xuống hàng ngày, gương mặt khắc khổ ngày càng già nua nhăn nhúm lại. Bà như một bóng ma, sáng dậy thật sớm quang gánh ra đi không ai biết, chiều về xếp thúng cất vào xó nhà, thui thủi trong phòng cũng không ai hay. Chỉ khi nào dượng Tư kêu hỏi tiền và đánh đập mới nghe thấy tiếng bà khóc lóc kể lể, hoặc quá lắm thì bà mới lên tiếng cự lại để rồi nhận thêm những nạng gỗ quật trên thân thể đã chai cứng vì cực khổ của bà. Đau đớn, chịu đựng làm bà xa cách dần hai đứa con riêng, không khi nào bà nói chuyện với chúng, bà bỏ mặc cho hai đứa lo lắng cho nhau. Nhiều khi nhìn con bị đau đớn bà ứa nước mắt thương xót chúng, nhưng nhìn thấy cái bất lực của mình, bà đành nín lặng khóc một mình, âm thầm chịu đựng những cực khổ.

Tân thao thức mãi với những ý nghĩ nối tiếp trong đầu. Mấy làn nó thử nhắm mắt, cố gắng quên tất cả nhưng giấc ngủ vẫn cứng đầu không chịu đến, chỉ có những ý nghĩ cứ miên man tràn qua óc như một giòng suối không bao giờ cạn. Bên cạnh, con Thơm đã ngủ mê man. Nó bỗng lật người qua phía Tân, một cánh tay choàng qua, đặt lên ngực anh. Bàn tay con bé gầy quá, khớp xương chỗ cườm tay lồi lên rõ rệt. Tân vuốt ve chỗ xương lồi của em, tự nhiên nó chảy nước mắt. Phải chi ba còn sống, em đâu phải cực khổ gầy ốm như thế nầy!...

Tân thương mẹ và thương em vô cùng nhưng nó không làm gì được trước tình trạng gia đình như thế này. Mỗi khi nhìn thấy mẹ và em oằn người dưới những cái đấm, những câu chửi bới của dượng Tư, Tân chỉ muốn dượng Tư chết đi để mẹ và em nó sẽ không còn bị những trận đòn tàn nhẫn vô cớ nữa. Nhưng dượng vẫn cứ sống nhăn và vì thế nó vẫn phải bất lực nhìn mẹ và em, và chính nó, nhận những trận đòn tàn nhẫn của dượng Tư.

Bây giờ thì không cần nữa. Mai đây... Ngày mai nó sẽ trúng số! Nó sẽ có nhiều tiền, gia đình nó sẽ vui vẻ hạnh phúc trở lại, mẹ nó sẽ tìm lại được nụ cười rạng rỡ ngày xưa... anh em nó sẽ được đi học đàng hoàng... dượng Tư sẽ hết say sưa... Tân say mê với những hình ảnh đẹp đẽ đó và nó ngủ thiếp đi.

Trong giấc mơ, Tân thấy bà tiên Hiền Hậu hiện ra với nó, vung cây đũa thần cho nó trúng số. Tân ngồi giữa một đống tiền thật nhiều, nhiều đếm không xuể. Bên cạnh là dượng Tư, mẹ nó, con Thơm và bé Hùng đứng tươi cười hạnh phúc...

*

Khi Tân mở mắt thức dậy thì trời đã sáng tỏ. Chỉ còn một mình nó nằm ngủ trên giường, con Thơm đã đi đâu mất. Chắc con bé biết hồi tối mình ngủ trễ nên sáng nay không thức dậy sớm!

Tân vươn vai ngồi dậy. Giấc ngủ trễ thiếu thốn đêm qua làm nó thấy mỏi những khớp xương trong người, nhất là hai bên bả vai. Tân vặn người, các khớp xương kêu răng rắc. Việc đầu tiên của nó là lật gối con Thơm lên xem còn tờ giấy bạc trong đó không. Con Thơm đã lấy mất. Con bé đã dậy đưa tiền cho mẹ nó từ sớm, trước khi bà gánh thúng ra đi, và bế bé Hùng đi chơi đâu đó trong xóm. Tân vén mùng chui ra. Nhìn ngoài sân đã có vài vệt nắng tươi kéo dài trên mặt đất. Tân ước chừng khoảng tám giờ sáng. Trễ quá rồi, phải sửa soạn đi gấp! Nó vội vàng súc miệng qua loa, xách thùng gỗ đi lên nhà trên. Nó mong giờ này dượng Tư không có ở nhà.

Tân dừng lại sau cửa buồng, hé nhìn ra ngoài.

Trái với điều mong ước của Tân, dượng Tư đang ngồi trên phản nhìn ra trước nhà, ly rượu sáng còn đầy trên tay. Đôi nạng gỗ xếp bên cạnh, vừa tầm tay với của dượng.

Tân nhón chân nhìn lên bàn thờ. Cái chân đèn vẫn như cũ không có gì khác lạ. Tân thầm nguyện trong lòng cho dượng Tư đừng khám phá ra tấm vé số, nếu không mọi dự định đêm qua của nó sẽ tan ra mây khói hết và hơn nữa, thế nào nó cũng bị một trận đòn nên thân vì tội giấu lén dượng Tư. Thấy chân đèn còn nguyên chỗ cũ, Tân hơi yên lòng, tin rằng dượng Tư không thể biết tấm vé số dưới đó được.

Dượng Tư như một hung thần ngồi ngăn đường đi ra của Tân, chiếc chân cụt đong dưa một cách đáng sợ. Bỗng dượng cúi xuống gãi chân bên kia, đầu quay vào góc nhà. Không  bỏ lỡ dsịp may, Tân nhẹ nhàng nhón gót lẩn nhanh ra cửa.

- Tân!

Tiếng gọi đột ngột của dượng Tư làm Tân giật thót người. Nó đứng sững lại quay vào. Dượng Tư đã ngẩng đầu lên, trừng mắt nhìn nó.

- Mày len lén đi đâu đấy hả? vào đây tao biểu!

Tân run rẩy đi vào, đầu cúi xuống đất như một kẻ phạm tội bị bắt quả tang, không dám nhìn lên đôi mắt đỏ ngầu vì cử rượu ban sáng của dượng Tư. Nó ngập ngừng đứng lại ngoài tầm tay dượng.

- Lại gần đây.

Tân xích lại gần hơn chút nữa. Giọng nói dượng Tư phả đầy hơi rượu vào mặt nó.

- Mày định lén tao đi đâu đấy ranh con?

Tân yếu ớt lí nhí trong miệng:

- Dạ thưa dượng con đi làm.

- Sao hôm nay mày đi trễ vậy?

- Dạ tại con dậy trễ.

Dượng Tư chợt quát lên làm Tân giật nẩy mình:

- Hồi đêm mày về lúc nào?

Giọng Tân càng nhỏ hơn nữa:

- Dạ hồi tối dượng ngủ được một tí thì con về.

- Sao mày về trễ vậy?

- Dạ tại hôm qua ít khách quá con phải cố đánh thêm vài đôi nữa nên về trễ, xin dượng tha cho con.

Giọng dượng Tư chợt nhẹ lại:

- Hôm qua mày đánh được bao nhiêu?

- Dạ chỉ được có vài chục đồng.

Dượng Tư bỗng giơ tay tát mạnh vào mặt Tân, gắt lên:

- Mấy chục là bao nhiêu? Mày ấm ớ, định lừa tao phải không thằng ranh?

Tân xoa xoa bên má bị tát đau điếng, run run đáp:

- Dạ ngày hôm qua được sáu chục, con ăn cơm hết hai còn lại bốn chục.

- Đưa tao ba chục!

Tân líu ríu làm theo lời dượng Tư, nó lấy trong túi ra ba chục đưa cho dượng.

- Được rồi, bây giờ đi làm đi. Tối nay mà về trễ nữa thì liệu hồn đấy, nghe chưa?

Tân dạ nhỏ và quay đầu đi ra, nó không quên liếc thật nhanh về phía bàn thờ rồi mới chịu đi thẳng. May mắn, sáng nay thoát được một trận đòn!

Người đàn ông nhìn theo Tân ra khỏi nhà, hớp một hơi hết ly rượu rồi đứng dậy chống nạng ra theo. Đôi mắt đỏ ngầu như pha máu, hàm răng nhe ra mỉm cười xộc xệch...

*

Trời mới chạng vạng tối, phố xá đã lên đèn. Đêm chưa xuống hẳn nên trời vẫn còn sáng nhưng người dạo phố đã dần dần thưa thớt. Tân lững thững xách thùng gỗ đi trên hè phố, lẩm nhẩm đếm lại tiền kiếm được trong ngày. Những tấm biển quảng cáo trên các mái nhà cao nghều nghệu đã bắt đầu nhấp nháy xanh đỏ. Trong các tiệm nước, quán ăn cũng không còn nhiều khách. Thôi, hôm nay nghỉ sớm một bữa, lại chị Sáu bán thuốc lá dò số đã.

Tân quẹo lại góc đường, nơi sạp bán thuốc và vé số.

- Chị Sáu, bữa nay chị có ghi xổ số không?

Chị Sáu, vừa lúi húi dọn đồ vô thùng vừa đáp:

- Có chớ, mà mày hỏi làm gì? Mày cũng có mua vé số hả?

- Sao không chị. Chị cho tui mượn tờ kết quả xổ số coi.

Chị Sáu lục tờ giấy ghi đầy những hàng số đưa cho Tân.

- Đúng không đây chị?

- Xời ơi, thằng này hỏi gì kỳ cục vậy mày? Nghề của tao mà, la dô nói tới đâu tao ghi tới đó liền mà làm sao sai được mậy... Coi mau rồi trả tao dọn dìa mày, tối rồi.

Tân chỉ ngón tay dò từng hàng số trong tờ giấy, miệng lẩm nhẩm nhớ lại con số trên tờ vé số của nó.

Không dám tin có thể được trúng những lô lớn, Tân dò từ lô nhỏ nhất trở lên. Lô 200 : sai. 1000 : sai. 2000 : sai. Tân bắt đầu thất vọng, những lô này mà không trúng thì ít hy vọng được trúng những lô lớn! Bỗng nó hơi giật mình nhìn vào hàng kết quả lô 100.000. Đúng rồi, hàng số mà nó đã học thuộc lòng hôm qua nằm sờ sờ trên tờ giấy đây rồi! Tân chớp mắt mấy cái, xem lại kỹ hơn, chỉ tay vào từng con số một. Phải, 3.0.1.6.7.6... không sai vào đâu nữa!

- Coi xong chưa? Mau lên mậy, để tao còn về chớ.

- Chị đợi tui chút xíu, gần xong rồi nè.

Tân lẩm nhẩm so lại con số trúng. Đúng rồi, đây là hàng số trong vé của nó đây. Tân chợt thấy hoang mang không dám tin vào trí nhớ của nó nữa. Nhưng không, đúng rồi mà, hôm qua mình học thuộc lòng rồi mà, không sai được đâu! Đúng rồi 301676, không thể nào lộn được!

Tân muốn hét lên một tiếng thật lớn biểu lộ niềm vui sướng trong lòng nhưng sự khôn ngoan đã chận nó lại kịp. Những tháng ngày lăn lóc trong cuộc sống dạy cho nó là đừng để ai biết mình có tiền nhiều, nhất là tiền trúng số. Nó không muốn cho ai chia phần may mắn của nó hết. Tân liếc qua chị Sáu, người đàn bà đang lúi húi dọn đồ, không để ý đến nó. Tân đưa trả tờ giấy, cố giữ nét mặt thật thản nhiên:

- Cám ơn chị nghe.

- Sao, trúng hông mậy?

Tân bỏ chạy, quay nói với lại:

- Trật lất rồi.

Tân không còn muốn biết gì nữa cả. Nó chỉ muốn chạy ngay về nhà ôm chầm lấy con Thơm để bắt con nhỏ chia niềm vui với nó. Những ước vọng của tụi nó đêm qua chắc chắn sẽ thành tựu, còn hơn thế nữa, lô trúng quá nhiều đối với lòng mong ước hồi đêm của nó. Tân không ngờ mình may mắn như vậy. Chắc chắn tình trạng gia đình nó sẽ thay đổi. Chắc chắn, không nghi ngờ gì nữa hết...

Tâm chạy một mạch, bất kể xe cộ, không nghĩ đến chuyện xin lỗi những người đụng phải trên lề đường như thường ngày nữa. Sao bây giờ nó thấy đường về nhà dài thế, dài gấp hai gấp ba ngày thường, chạy hoài mà vẫn chưa thấy đầu hẻm đâu cả. Tân muốn có cánh để bay vụt về cho con Thơm biết tin vui. Chắc con nhỏ sẽ mừng ghê lắm!

Gần tới đầu hẻm, Tân thấy mệt muốn đứt hơi thở, nhưng nó không cần, cứ cắm đầu chạy tiếp về nhà.

Gần đến nhà, Tân chợt chạy chậm hẳn lại vì thấy con Thơm đang bế bé Hùng đứng lấp ló ngoài cửa, trước sân nhà. Hình như con nhỏ khóc nữa. Tiếng la hét của dượng Tư vang ra, dữ tợn, kèm theo những tiếng đấm đá huỳnh huỵch.

- Tao đã bảo là không có tiền thì đừng có về nhà này nữa, mày nghe chưa?... Tao biết mà, tụi bay thấy tao què cụt rồi tụi bay hùa nhau lừa lọc tao khải không?... Lừa tao thì tao cho biết tay...

Tiếng gỗ quất trúng nền nhà chan chát, lẫn tiếng la khóc tru tréo của mẹ nó.

- Tui đã nói với ông là bữa nay tui không đi bán được, thì làm gì có tiền mà đưa ông đi uống rượu chớ?... Nhịn một bữa không được sao?...

Tiếng hét dượng Tư hung hăng hơn:

- Nhịn cái gì?... Mày biểu tao nhịn rượu hả? Vợ con gì mà chó má vậy?... Hồi xưa không có tao thì tụi mày chết đói cả đám rồi nghe chưa... Bây giờ tụi bay trả ơn tao như vậy đó hả?...

Tiếng mẹ Tân khóc thảm thiết:

- Thì ông coi đây... Chân tui như vậy làm sao đi bán được?... Chồng ơi là chồng!...

Tiếp theo là những tiếng gỗ quất vào da thịt lẫn với tiếng la hét đau đớn của bà. Tân đứng lại bên con Thơm, lay vai em:

Cái gì vậy Thơm? Tại sao ổng đánh mẹ dữ vậy?

Thấy anh về, con Thơm òa lên khóc nức nở, thằng Hùng không biết gì cũng khóc ré theo. Tân hỏi dồn:

- Hả, cái gì vậy Thơm? Sao bữa nay mẹ không đi bán được?...

Con Thơm sụt sùi:

- Hồi sáng mẹ mới đi ra đầu xóm thì thì bị đạp miểng chai đứt cả bàn chân không đi bán được... bây giờ dượng Tư hỏi tiền mẹ không đưa nên dượng Tư đánh mẹ...

Con nhỏ tủi thân khóc to hơn. Tân quay nhìn vào trong nhà. Nó bỗng thấy đau nhói ở tim.

Trong nhà mẹ nó đang nằm bò lê dưới đất, quằn quại dưới chiếc nạng gỗ trong tay dượng Tư quật xuống bất kể trên thân hình bà. Dượng Tư đang vịn một tay vào góc tủ, cánh tay còn lại cầm chiếc nạng quất xuống tới tấp. Nét mặt nhăn nhúm hung dữ, đôi mắt đỏ ngầu những tia máu, trợn trừng lên như mắt ác quỉ, hai vành môi thâm xì cắn chặt vào nhau, hung hăng dượng vừa đánh vừa chửi om sòm. Mẹ tân quằn quại dưới đất né đỡ những đòn nạng tàn nhẫn. Dưới bàn chân bà, Tân thấy một vết đứt dài thâm tím bật máu vì bị động, vệt máu chảy dài xuống những kẽ ngón chân, lan ra đất. Những đồ trên bàn thờ bị gạt xuống văng tung tóe dưới đất, bức ảnh ba Tân vỡ tan mặt kính, nằm lỏng chỏng trong góc nhà.

Tân đứng sững giữa cửa nhìn vào. Mặt nó nóng ran lên, môi mím lại. Khắp người run rẩy, tay nắm chặt quai thùng đồ đánh giày. Trước cảnh tượng tàn nhẫn trong nhà, nó thấy lửa hận thù dượng Tư bốc lên ngùn ngụt trong người, mặt đỏ bừng, Tân hét lớn:

- Thôi, dượng Tư!

Quá tức giận, Tân không còn biết gì nữa hết, nó lừ lừ nhảy vô nhà. Con Thơm sợ hãi níu Tân lại:

- Đừng anh Tân, dượng Tư đánh anh chết!

Tân hất tay em ra, chạy lại đứng trước mặt dượng Tư nói lớn:

- Dượng không được đánh mẹ tui nữa.

Đôi mắt bọc máu của dượng Tư chiếu thẳng vào mặt Tân, giọng quát vang nhà:

- À, còn thằng này nữa... Bữa nay mày bắt đầu hỗn với tao phải không?

Tân chưa kịp phản ứng thì chiếc nạng gỗ đã vung lên quất vào mặt nó một cái choáng người. Nó ngã chúi xuống đất bên cạnh mẹ, một giòng máu đỏ tươi ứa ra từ miệng. Mẹ Tân hét lên:

- Trời, Tân! Nó giết mẹ con tôi nè trời!...

Tân quờ quạng lăn lộn né tránh những cú đánh của dượng Tư. Cái thùng gỗ văng vào tường bể tan, hộp xi ra, vải, bót đánh giày vung rải rác trên nền nhà. Dượng Tư say máu vụt túi bụi xuống hai thân hình quằn quại dưới đất, miệng chửi thề lung tung:

- ... Bữa nay cho tụi mày chết hết... Đồ chó... Đồ phản bội... Tui bay phản tao thì tao đánh cho tụi bay chết...

Tân lăn lộn né tránh, thân thể nó nát nhừ như bể ra từng mảnh dưới những cú đánh ác liệt bất kể. Dượng Tư say sưa đánh chửi:

- Đồ lưu manh... Tao chưa hỏi tội mày mà mày chửi tao nữa hả?... Mày tưởng mày giấu được tao hả?... Cái vé số mày để dưới bàn thờ cho thằng cha mày giữ tao lấy rồi mày biết chưa?...

Thân hình Tân đau đớn đến tê điếng. Nghe dượng Tư la xong, nó hoảng hồn la lớn:

- Trời ơi, dượng lấy cái vé số của tui rồi hả?

Dượng Tư đánh chán ngừng tay lại thở dốc, miệng cười bẩn thỉu:

- Phải, mày tưởng giấu được tao sao? Đồ chó?... Tao lấy bán cho thằng Chu xích lô rồi...

Tân đứng bật dậy, sững sờ nhìn thẳng vào đôi mắt nhuộm máu của dượng Tư. Nó lắp bắp:

- Trời ơi, dượng nói thiệt sao dượng Tư?

- Chớ sao. Hồi sáng tao bán lấy mười lăm đồng uống rượu rồi mày...

Tân đứng sững người một lúc lâu rồi ngồi thụp xuống, rên rỉ:

- Trời, vậy là dượng giết tui rồi!... Một trăm ngàn đó dượng ơi... Trời ơi là trời...

Câu nói của Tân như một trái bom rớt giữa nhà. Dượng Tư khựng người lại:

- Mày nói sao? Một trăm ngàn? Cái vé sồ đó trúng một trăm ngàn hả?

Mẹ Tân nãy giờ lết vô góc nhà ngồi cũng bật dậy, nhìn Tân:

- Mày nói sao hả Tân?... Cái vé số nào? Một trăm ngàn gì hả Tân?

Tân ngồi bệt ra đất, rên lên:

- Dượng Tư ơi, dượng giết tui đi cho rồi... Vé đó trúng một trăm ngàn mà dượng đem bán có mười lăm đồng... Trời ơi trời!...

Dượng Tư trợn mắt nhìn Tân, hỏi dồn dập:

- Mày nói thiệt không Tân? Vé số đó trúng một trăm ngàn hả? Thiệt không mày?

- Tui nói láo dượng làm gì nữa! Một trăm ngàn đó dượng ơi...

- Vậy thì tao phải ra kiếm thằng Chu xích lô lấy lại mới được.

Dượng Tư hăm hở chống nạng bước đi, tiếng nạng gỗ khua vội vàng hấp tấp.

Không khí trong nhà bây giờ thật là nặng nề khó thở. Tân thấy thân thể rã rời sau trận đòn nhừ tử, cộng với niềm thất vọng quá lớn, đầu óc trống rỗng, chán nản tuyệt vọng. Nó ngồi vò đầu bứt tai, ngẩn ngơ vì tiếc của, miệng lảm nhảm chửi bới dượng Tư không ngớt. Con Thơm chạy vào ngồi xuống bên cạnh Tân.

- Anh nói mình trúng số hả anh Tân?

Mẹ nó cũng hỏi dồn dập:

- Tân, mày nói mày trúng số hả Tân? Một trăm ngàn hả? Thiệt không?

Tân chán nản, tức giận, ngẩn ngơ, tuyệt vọng. Hết đập đầu vào tường nó lại đập tay xuống đất thình thịch.

- Trời ơi, sao mà ổng biết được kìa?... Một trăm ngàn chớ phải ít sao?... Trời... Một trăm ngàn của tui...

Trong nhà chỉ còn tiếng rên rỉ của Tân và tiếng khóc rấm rức của mẹ nó và con Thơm. Thằng Hùng ngồi bệt dưới đất nghịch với vũng nước đái. Người trong xóm bu quanh trước cửa đã tản mát di chuyển theo dượng Tư ra đầu hẻm.

Một lát sau có tiếng chân chạy huỳnh huỵch vội vàng ngừng lại trước nhà làm ba người ngẩng lên nhìn, chờ đợi. Một thằng bé bước vào đứng vừa thở hồng hộc vừa nói với mẹ Tân:

- Dượng Tư bị xe cán ngoài đường kìa dì Tư ơi. Mau ra mà coi...

Không kịp nghe thằng nhỏ nói hết câu, mẹ nó đứng bật dậy, mặt tái ngoét, đâm đầu chạy ra ngoài đường cái. Thằng bé chạy ra theo, con Thơm cũng vội vàng xốc bé Hùng chạy đi. Tân ngồi gục đầu giữa nhà một mình, miệng nó vẫn không ngớt lảm nhảm chửi rủa dượng Tư, tay vò đầu bứt tóc. Một lúc lâu nó mới chống tay ngồi dậy, khập khiễng đi ra.

Ngoài đầu đường, một đám đông xúm lại bên lề, loáng thoáng có bóng mấy người cảnh sát.

Tân lách đám người, len vào giữa. Mẹ nó đang ngồi cúi đầu khóc ròng trên thân hình dượng Tư nằm bất động trên mặt đường. Đầu người đàn ông dập nát không còn hình thù gì nữa, be bét giữa một vũng máu đọng loang mặt nhựa. Tân thấy những vệt chất nhờn trắng lẫn lộn trong máu và đất cát.

Dượng Tư nằm im lìm, hai tay co quắp, khúc chân cụt giang ra lạc lõng. Tân rùng mình đứng nhìn một lát rồi vạch đám đông chui ra.

Tiếng còi xe cứu thương vang gần đó. Người cảnh sát dạt đám người hiếu kỳ qua một bên để nhân viên hữu trách khiêng xác nạn nhân lên xe. Mẹ Tân nhào lên theo, vật vã khóc ngất bên băng ca.

Trên lề đường người ta tụm năm tụm ba bàn tán. Một người đàn ông ra vẻ thành thạo, khua tay nói với những người chung quanh:

- Thiệt ghê quá! Ông Tư đang cãi nhau với thằng Chu xích lô về chuyện cái vé số gì đó, ổng túm cổ áo nó, nó hất tay ổng ra làm ổng chới với té xuống đường cái, đúng ngay lúc một chiếc xe nhà binh chạy tới. Ghê quá, đầu nát bét, óc văng phụt ra tung tóe...

- Còn cái thằng xô ổng đi đâu mất rồi?

- Không biết nữa, có lẽ nó thừa lúc lộn xộn vì tai nạn mà bỏ trốn rồi...

Tân thẫn thờ bước đi. Nó chợt thấy một chiếc nạng của dượng Tư bị gãy đôi nằm lăn lóc trong một xó tối, chiếc kia văng đâu mất. Nó hờ hững đưa chân đá văng, tiếng gỗ lết dài trên nền xi măng khô khan. Tân cúi đầu nhìn xuống hai bàn tay của nó. Hai bàn tay nhỏ bé, gầy gò, trắng mờ mờ trong bóng chiều sẫm tối. Nó mỉm cười vu vơ, thọc tay vào túi quần cúi đầu  bước tiếp. Tự nhiên Tân thấy hai giọt nước mắt ứa ra nơi khóe rồi chảy dài xuống má. Tân thấy lòng trống rỗng. Nó cũng không hiểu nó khóc vì thương mẹ nó, thương dượng Tư, thương con Thơm, bé Hùng hay thương chính nó nữa...

Dáng người khẳng khiu gầy gò của thằng Tân thất thểu đi vào con hẻm đang bị bóng tối úp chụp xuống...


PHẠM ĐỨC    

(Trích từ bán nguyện san Tuổi Hoa số 121, ra ngày 1-1-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com