Ngay từ lúc còn ở tiểu học, tôi đã mê Việt Văn, một cách vô thức. Nhà tôi bán sách. Tôi nhớ hai kệ sách Việt Văn và Toán của tiệm sách nhà tôi được trưng bày song song nhau, nhưng tôi chỉ chiếu cố vô cùng tận tình kệ trước và cố tình lờ tít kệ sau ngay bên cạnh. Khi còn là học sinh, không có môn học nào mà làm tôi sợ đến phát sốt phát rét như môn toán, (nói đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!). Đến giờ cô giáo toán năm lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi đóng hết tất cả các cửa sổ lại để đỡ cảm thấy lạnh run lên cầm cập! Cho tới tận bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại phải học định lý Thales để làm gì, và nếu chứng minh thành công hai tam giác đồng dạng sẽ có ích lợi gì cho cuộc đời tôi! Đó cũng là lý do tại sao những trái trứng hột vịt tròn trĩnh luôn chễm chệ trong vở toán của tôi. Họa hoằn lắm tôi mới lãnh được 0,5 điểm, khi tới Tết Congo, con số zero đi nghỉ lễ!
Không
biết giỏi Việt văn có hiện lên mặt không, nhưng dở toán thì nó lại lồ
lộ hết cả ra ngoài! Có lần một người khách tới mua hàng tại tiệm sách
nhà tôi đã nói với tôi rằng, con dở toán lắm đó, chú là thày bói nên chú
biết! Ráng học toán cho giỏi nghen hôn con!
Trái
với môn toán rối rắm mà tôi suốt đời căm ghét, hầu như lúc nào tôi
cũng đứng đầu lớp môn Việt Văn, mà công lớn chắc chắn phải thuộc về kệ
sách Việt ngữ của tiệm sách gia đình tôi! Tôi nhớ nhất lúc ở lớp sáu,
cô giáo Văn vừa phát trả bài luận văn đầu niên học, vừa đọc điểm, và vừa
phê bình nhận xét cho từng học sinh. Tôi cứ chờ mãi, chờ mãi đến hụt
hơi mà vẫn không thấy cô đọc tên mình! Tới lúc chờ không nổi nữa, tôi
dợm đứng lên, và định làm gan nêu thắc mắc về sự hiện diện của bài luận
văn rõ ràng tôi đã nộp cô tuần trước, thì giọng oanh vàng thỏ thẻ của cô
vang lên! Thì ra bài luận được điểm cao nhất là của tôi, và kèm sau đó
là những lời cô giáo khen thưởng, tán dương tôi tới tấp, nhưng tôi không
thể nhớ nổi điều gì, vì quá sung sướng một cách bất ngờ! Hóa ra cô phát
trả bài theo thứ tự, từ bài được ít điểm nhất phát trước hết, tới những
bài có điểm cao dần lên, và vì tôi là người có điểm cao nhất, nên sau
cùng mới được xướng tên!
Những
bài học thuộc lòng, những áng văn, những câu thơ từ những trang sách
Quốc Văn, Việt Văn trong tiệm sách gia đình, mà tôi đã đọc nghiến ngấu
thuở nhỏ, đã giúp tôi hầu như luôn đứng đầu lớp môn Văn, là những áng
thơ, văn siêu dễ thương, khiến tôi nhớ đến tận ngày hôm nay, sau gần nửa
thế kỷ, dĩ nhiên là với sự trợ giúp đắc lực của Internet.
Trước
tiên phải kể đến những bài học thuộc lòng ở tiểu học, mà bài tôi thương
nhất, nhớ nhất (không cần Google giúp đỡ), là bài Mái Nhà Năm Xưa:
Nhà tôi ở dưới chân đồi
Ba gian, hai chái, mái gồi, cột bương
Có giàn thiên lý ngát hương
Có ao thả cá, có vườn trồng rau
Nơi ấy suốt thời thơ ấu
Lòng tôi rộn tiếng chim ca
Nhưng rồi đến mùa chiến đấu
Ra đi dựng lại sơn hà
Ngày nay trên nẻo đường xa
Nhớ về quê cũ mái nhà năm xưa.
Những bài văn mẫu thời tiểu học thường được viết theo lối biền ngẫu, dễ nghe, dễ đọc, và dễ thuộc, như bài Thông reo:
Cây
thông cằn cỗi, cành thông xương xương, lá thông tỉ mỉ, nhưng ai dám
liệt thông xuống ngang hàng với muôn loài cây cỏ? Da thông khô xốp,
nhưng nhựa thông dồi dào. Mình thông tuy già nhưng hồn thông vẫn khỏe.
Thông khinh thường những nơi phồn hoa náo động. Thông xa lánh những chỗ
cát vẩn, bụi lầm.Có ai đi lên đồi thông mà không thấy cõi lòng mở rộng?
Có ai nghe tiếng thông reo mà không gợi hứng nguồn thơ? Thông reo vĩnh
viễn, thông sống đời đời, mặc sức nóng của mùa hè thiêu đốt, giá lạnh
của mùa đông bao trùm...
Lên
bậc trung học, tôi cũng đã được các thày cô dạy và ngoài ra còn hướng
dẫn đọc thêm các bài văn của nhiều tác giả nổi tiếng, mà tôi luôn cho là
mẫu mực để noi theo, như trong bài Hoa Súng:
Dọc
đầm đất quanh co, hai bên đầm rộng, ngòi dài. Cuối thu, sen đã tàn còn
để rớt lại trên mặt nước những lá nhăn nheo như buồn một nỗi buồn li
biệt. Nước phẳng lặng, đồng ruộng phẳng lặng, ngọn cỏ xanh xanh.
Trên
suốt một dải đầm sen, chỉ có lá cây súng tròn như một cái bánh đa, nổi
trên mặt nước, duyên keo kết với nước, phô cả bộ mặt với trời xanh như
tận hưởng tình của đất trời. Có những chiếc lá hơi tím vàng, có chiếc
còn xanh mơn mởn. Nước phô bày một màu áo, như xô đẩy lên trên mặt một
linh hồn. Giữa đám lá tẻ ngắt, bỗng ở phía bên kia hồ xa cách
đường cái không bao nhiêu, lộ một bông hoa súng màu thanh thiên. Người
du khách lơ đãng sẽ không trông thấy nó đâu vì nó không hề rực rỡ.
Hoa súng màu thiên thanh, duyên nợ nó với tôi là tất cả một lịch sử! Thuở còn bé, tôi trông nó nở ở trước nhà, trong một cái ao thân mật có lũy phía ngoài.
Hoa súng màu thiên thanh, duyên nợ nó với tôi là tất cả một lịch sử! Thuở còn bé, tôi trông nó nở ở trước nhà, trong một cái ao thân mật có lũy phía ngoài.
Đinh Gia Phong (báo Thanh Nghị, số 74)
Hoặc:
Tiếng
trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để
gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng
như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt
trên nền trời. Chiều,
chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran
ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã
bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị
bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm
hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man
mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
Thạch Lam (Hai đứa trẻ)
Hay:
Một buổi chiều về cuối năm, một buổi chiều êm như giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên, đợi gió.
Dũng
và Độ, hai người thẫn thờ, không nói, ngả đầu vào lưng ghế, nhìn khói
thuốc lá từ từ lan ra ngoài nhà rồi tan vào quãng không.
Trên
bàn phủ vải trắng, có để một chai rượu mùi, hai cái cốc đầy rượu và một
đĩa quả: sắc thủy tinh trong, pha với màu xanh, vàng, đỏ của trái cây
diễn ra một quang cảnh ấm áp.
Ngoài
kia, ánh nắng vàng buổi chiều như tiếc ngày cuối cùng của một năm, còn
lảng vảng trên các ngọn đồi, chòm cây lướt thướt trên những cánh đồng cỏ
màu xanh già. Những thôn xóm rải rác dưới chân đồi hay bên bờ con sông
trắng cong queo như bị đè nén dưới vẻ to tát của trời đất rộng rãi. Khói
thổi cơm chiều ở một vài nhà gần không có sức lên cao nữa, tỏa ra thành
từng đám màu lam ôm lấy các mái tranh.
Nhất Linh (Đoạn tuyệt)
Hoặc:
Thu
năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên
bờ cỏ.. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa,
và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung nở trắng như một linh hồn
còn trẻ.
Nắng
ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm
trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ,
và nay cũng thấy
thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió
thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh
của một ngày xưa cũ?
Đinh Hùng
Cảm
ơn những áng văn đẹp như thơ ngày nào của những bậc tiền bối, đã dạy
tôi nên thi vị hóa cuộc đời, biết nhìn ra vẻ đẹp của ánh sáng chiếu
đường mình đi, bằng cách, đừng lầm lũi rồi than trách vũng nước lầy lội
trên đường, mà hãy ngắm ánh trăng vàng le lói, đã hạ cố soi rọi xuống
vũng nước tăm tối đó!
Trần Thị Phương Lan