"Nước
mắt mùa thu khóc ai trong chiều, bằng cây trút lá nghĩa trang đìu
hiu... nước mắt mùa thu khóc than triền miên nước mắt mùa thu khóc trong
đêm dài..."
Nước mắt Linh thi nhau lăn theo lời nhạc đang rên ư ử. Nhạc sĩ nào đang
đi tìm những "mầm non âm nhạc" (Linh mượn tạm bốn chữ này trong bài
chánh tả vừa đọc tối hôm qua cho tụi nhóc) ông ấy thấy Linh diễn tả bản
nhạc có hồn thế này có lẽ vội vàng thu nhận Linh ngay. Lên sân khấu muốn
hát bản nào buồn bã trình diễn có dòng nước mắt cho thật cảm động ông
ấy phải mang lên sân khấu cho Linh cái thớt, con dao. Ấy ấy xin các bạn
đừng vội hoảng hốt bỏ chạy, Linh chưa nói hết câu kia mà. Cái thớt, con
dao và một lô củ hành như Linh đang ngồi xắt bây giờ. Linh vẫn ngại đảm
trách công tác đẫm nước mắt này. Mỗi lần xắt hành nước mắt nước mũi thi
nhau "mưa rơi trên má mưa vào môi em". Đã thế thôi đâu, khóc như vậy
cũng chưa vừa, phải nhắm luôn cả hai mắt lại vì cay quá, hy vọng có ngày
thái luôn vào tay cũng chưa mở mắt nổi. Người ta có câu nước mắt cá
sấu, nước mắt dầu cù là, bây giờ thêm "nước mắt hành" cho đủ bộ ba tướng
sĩ tượng. Có nhiều hôm mặt mũi nhòa nhạt "nước mắt hành" con bé Út lò
dò đi xuống nhìn thấy tưởng chuyện gì vội vàng thông báo "Mẹ ơi! Có
chuyện gì mà chị Linh khóc quá chừng nè". Chị Dung thì cứ ngạo "Trời ơi,
chuyện gì đau lòng ghê vậy Linh kể chị nghe nào". Linh tức lắm đợi hôm
trước chị Dung phải thi hành công tác Linh trả thù ngay "Trời ơi, chị
nhớ anh ấy đó à, để em đi gọi anh ấy tới" Reng... reng... reng. Mải nhớ
chuyện cũ chuông reo làm Linh giật mình vội ngoái cổ nhìn lên nhà trên
chỉ mong nhỏ bạn nào tới chơi là một, hai, ba, chuyển giao công việc cho
chị Dung ngay. Ngóng mãi chẳng nghe tiếng ai lạ Linh định tiếp tục bỗng
tiếng con bé Út "Chị Linh ơi" A! Chắc nhỏ bạn nào tới rồi, cả mấy phút
mới chịu gọi "có thư bạn chị nè" Linh thất vọng, vậy mà làm người ta
tưởng. Con bé Út đưa đưa phong thư trước mặt Linh, vừa thoáng thấy nét
chữ Linh vội buông dao giựt phắt phong thư khỏi tay con bé Út, chần chừ
con bé giữ làm tin, ra điều kiện này điều kiện kia đòi chuộc ngay. Không
ngờ Linh ra tay nhanh quá con bé giựt lại không kịp đành chịu thua.
Nhìn con bé lên nhà, Linh đắc ý, đỡ phải tốn mấy chục mua càrem để lấy
lại được phong thư Khanh.
Lúc này Linh chỉ mong được phóng vào phòng bóc thư ra xem thôi, nhưng...
Linh liếc mẹ, mẹ đang giặt quần áo thì Linh làm sao mà đứng dậy đi ra
khỏi bếp được. Thôi đành nén lòng để thư lên đầu tủ gác măng giê và tiếp
tục thi hành bổn phận sắp "hoàn tất". Thật chẳng còn lòng dạ nào mà để ý
việc đang làm, cái thư dầy làm sao, chắc hẳn cô bé viết bù những ngày
lười viết. Cái thư dài đọc mới thích, mỗi lần Linh viết, viết cả mười
mấy trang. Mải nghĩ lan man Linh thật sự quên con dao trong tay đang sử
dụng, nó đâu chịu một sự bỏ quên dễ dàng như vậy bèn gọi Linh bằng tiếng
kêu đau của chính Linh. Chao ôi! Con dao đáng lẽ xuống thớt nó làm reo
không xuống mà nhẹ nhàng xuống tay Linh một cách ngon lành không thương
xót. Xui làm sao, mới hôm qua nhăn nhó chê dao không làm ăn gì được, chê
xuống chê lên đến nỗi thằng nhóc em phải mang đi mài vì cả buổi sáng
nghe than vãn chịu không nổi. Nên sáng nay nó quá bén để xuống tay Linh.
Linh "đành" (hân hoan) rửa tay gác dao để săn sóc vết thương đang rỉ
máu (ghê quá) dù phải chỉ nhìn sơ qua xem vết đứt sâu thế nào và dán
miếng băng keo thuốc là xong hết. Giao việc làm thức ăn cho chị Dung,
Linh chỉ việc trông chừng nồi cơm đang sôi trên bếp, lợi dụng thời gian
vàng ngọc này Linh lấy thư xuống xem. Con mắt kiêm nhiều nhiệm vụ quá.
Phải nhìn xem mẹ có để ý không? Phải liếc chừng nồi cơm chờ bớt lửa và
phải... phải xem phong thư. Này nhé, mẹ đang xả quần áo chắc không nhìn
Linh làm gì, chị Dung thì sùng Linh lắm không thèm ngó mặt Linh đâu. Chỉ
có mình phong thư nhìn Linh thôi.
Đáng lẽ phải quan sát con dấu bưu điện, phải quan sát phong thư trước
khi mở đọc nhưng cái việc đó chỉ làm được lúc rảnh rang thôi, bây giờ
thì mở xem gấp...
Linh quên bẵng nồi cơm đang cạn dần, cạn dần trên bếp. Cái thư dài ghê
bõ công người ta chờ cả tuần. Cái gì mà toàn là ghét với giận cả trang. A
cái mùi gì khét khét. Á thôi chết Linh rồi. Cái nồi cơm! Linh hấp tấp
gấp thư để đại lên đầu tủ chạy đến xem gấp bệnh trạng nồi cơm. Than ôi!
(giống đoạn mở đầu bài văn tế Linh đã học) trễ rồi, bệnh trạng nặng quá,
"bác sĩ cơm" đành bó tay nhìn con bệnh vàng võ (vì khét) mà đau đớn
lòng. Nhưng sao mà mẹ không hỏi gì hết kìa.
*
Mãi đến lúc lên bàn ăn Linh mới hiểu tại sao mẹ không hỏi lúc có mùi
khét, tiếng mẹ "Lúc nãy nghe mùi khét mẹ tưởng nhà người ta, ít khi nào
Linh để cơm tệ như hôm nay". Chị Dung kê Linh ngay "Chị biết hôm nay sao
Linh đứng cạnh nồi cơm mà để cho nó khét rồi". Nhớ lại mẩu đối thoại
lúc nãy Linh quê thật, cũng may chị Dung không nói gì đến cái thư. Cái
thư đang xem dang dở phải đem cất kỹ, lát nữa rửa chén bát xong mới xem
tiếp được. Linh cố chăm chú vào việc đang làm, chỉ sợ lơ đễnh thì xảy ra
lắm chuyện nữa. Buổi sáng sớm cơm nước xong, Linh rửa chén, chị Dung
quét nhà, buổi chiều thì đổi ngược lại. Ở nhà không có gì qua mắt chị
Dung nổi, chị ấy làm như không để ý đến Linh, ấy thế mà lâu lâu nói nhẹ
mấy câu làm Linh lên ruột vì nó thuộc vào chuyện bí mật của Linh. Linh
nghĩ lan man đến thư của Khanh lúc nãy đang đọc đến đoạn cô bé nhắc nhở
đến kỳ thi vừa qua với những kết quả tốt đẹp, đến những cuộc đi chơi
những ngày vui rạng rỡ trong những ngày hè vừa qua. Có lẽ thấy Linh ngồi
làm việc một cách máy móc với tâm hồn đang đi chỗ khác, cái dĩa "giận
dỗi" bỏ ra đi khỏi tay Linh không chút lưu luyến. Linh giật mình chụp
lại mà không kịp, nó rơi tòm lên đống chén chờ rửa kêu loảng xoảng. Cái
dĩa rơi mạnh quá vỡ tan tành còn lội theo cái chén mẻ miệng. Hôm nay xui
quá, Linh than thầm.
Nghe tiếng đổ vỡ chị Dung ra xem, tiếng chị ấy tức giận "Làm ăn vậy đó
hả Linh", lần này chị ấy không tha Linh nữa, mà sẵng giọng:
- Làm công việc mà không để ý gì hết cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn...
-... Như bị ai hớp hồn – Thằng Sơn ngồi trong buồng nói vọng ra.
Linh chống chế:
- Tại em lỡ tay chớ ai mà muốn.
- Lỡ tay... mày làm như tao không biết gì hết chắc.
Linh lúng túng chưa biết nói sao, chị Dung kê thêm:
- Mỗi ngày Linh nhận được một cái thư thì ngón tay của Linh đứt ra làm hai cho xem.
Thằng Sơn cũng chen vô:
- Mỗi ngày sẽ khét một nồi cơm.
Linh nạt nộ:
- Im đi, mày biết gì mà nói.
Thằng Sơn cười to:
- Biết chớ, một ngày chị mà được một cái thơ thì đứt một ngón tay, khét một nồi cơm, vỡ một cái chén, vỡ một cái dĩa...
Linh tức quá chưa kịp phản ứng, chị Dung lại cười chế diễu:
- May mà có một cái thư bạn nó chớ phải thư của "người ta" thì nhà mình nhịn đói vì cơm khét đen thui, chén dĩa vỡ hết.
Lần này thì tụi nhóc cười to.
Linh mím môi tức giận luôn cả Khanh, cả "bức thư dễ thương" mà thật đáng
ghét. Bên tai Linh tiếng cười tụi nhóc còn như ngạo nghễ...
NGUYỄN QUỲNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 183, ra ngày 15-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.