Em
đưa đôi bàn tay gầy guộc khẽ kéo tấm rèm mỏng đẩy cái chốt cửa kính mầu
đục. Khung trời ngoài kia thật quyến rũ. Trời cao và trong xanh, lác
đác vài đợt mây trắng mỏng trông như những tấm voan mầu sữa căng trên
mặt bể xanh. Nắng ban mai nhẩy múa trên những cành soan tây vừa thay lá.
Những cánh hoa soan đỏ ối rung rinh trong gió sớm. Tất cả, tất cả đều
rực rỡ, thật rực rỡ trừ cái căn phòng ảm đạm của riêng em.
Từ bao lâu rồi, em cũng không nhớ rõ nữa. Có lẽ đã hơn 8 tháng qua em đã
phải chôn cuộc đời vui tươi nhí nhảnh của một đứa con gái đang tuổi yêu
đời trong bốn bức tường vôi tù túng nầy. Em đã phải đau buồn nhìn ngày
tháng đi qua khung cửa với cảm giác buông bỏ tuyệt vọng. Em ngồi xuống
mép giường, tay khẽ vuốt trên mặt "drap" trắng muốt vừa mới thay. Mùi
"drap" sạch thơm, thơm dễ chịu. Cái gương con trên chiếc bàn đêm ở đầu
giường phản chiếu cái dáng dấp gầy mướt của em. Làn da em trắng xanh.
Đôi cánh tay dài khẳng khiu buông thõng trên mặt nệm. Mới có mấy tháng
mà em gầy đi nhiều quá. Gầy đến nỗi em không còn cảm thấy sức nặng của
thân thể. Bước chân em bỏ trên nền hành lang nhẹ như những bước chân
mèo. Em bây giờ giống như những chú mèo, những chú mèo hoang ốm đói. Chỗ
em ngồi không còn tạo thành những vết trũng trông thấy trên mặt nệm. Em
chợt có ý nghĩ so sánh ngộ nghĩnh mình với những con ma. Con ma xanh đi
đứng trong phòng không ai nghe thấy và khi ngồi cũng không có dấu vết.
Nhưng em vội lắc đầu xua đuổi cái ý nghĩ so sánh buồn tủi đó. Bác sĩ và
cô y tá vẫn thường khuyên em phải can đảm để chiến đấu với căn bệnh.
Nhất là cô ý tá, cô vẫn thường ái ngại nhìn em, cô để ngón tay giữa 2
mắt đe dọa bảo: "Cô không được nghĩ ngợi bậy bạ nghe. Bệnh cô chả có gì
quan hệ, cô sẽ khỏi nhưng phải vui vẻ và ăn uống thật nhiều mới được".
Có buổi chiều cô vào phòng bắt gặp em đang đứng ngây người bên khung cửa
sổ. Cô choàng qua vai em, nhìn thật lâu vào mắt em phản chiếu ánh mặt
trời buổi chiều, cô bảo khẽ: " mắt cô đẹp ghê: xanh ngắt và long lanh
trông ngây thơ và vô tội". Em rùng mình chợt nghĩ tới lời một người quen
đã nói trong lúc vui đùa khi em hãy còn lành mạnh là: Khi nào mắc bệnh
lao đến thời kỳ thứ hai thứ ba thì người ta sẽ có đôi mắt long lanh đẹp
lắm. Em không biết lời nói đùa kia có đúng không. Nhưng lời khen của cô y
tá bây giờ làm em chợt thấy lo. Em nghĩ đến những con vi trùng ghê gớm
đang đục khoét cơ thể em trong 2 buồng phổi yếu ớt của em. Chao ơi! Thật
là kinh khiếp! Thực cũng lạ! Dù không có điều đó thì em vẫn biết là em
đau nặng thực rồi kia mà...
Những ngày tháng qua mau. Hết thu rồi tới đông. Rồi mùa Xuân trở lại với
mọi người. Em đã phải nằm đây trong ngày đầu năm Tết đến để tưởng tượng
thấy ngoài kia người ta đang nô nức đón Xuân. Những cô bé trạc tuổi em
vui tươi nhí nhảnh với những cánh "robe" sặc sỡ, với những tà áo thướt
tha tung tăng nắm tay nhau đi trên đường phố, tiếng cười ròn tan. Em
tưởng tượng đến cảnh mọi người đi lễ Lăng ông đêm giao thừa trong khung
cảnh tranh tối tranh sáng. Trong điện thờ giữa ánh sáng lung linh của
những ngọn nến, tiếng lắc xăm và tiếng khấn khứa nghe rào rào. Ngoài
sân, giữa hàng cây kiểng, giữa hoa lá còn sũng sương đêm, những bồn sứ
to cắm đầy những bó nhang khổng lồ đỏ rực tỏa khói hương mù mịt...
Nhưng trí tưởng tượng của em không cho phép em được mơ mộng thêm nhiều
vì giữa lúc tiếng pháo gần xa nổ vang đón giao thừa thì cơn mệt thình
lình tới. Em nằm mê man dán người trên mặt nệm, hơi thở đứt quãng. Và
đêm hôm đó giữa lúc mọi người đang vui vẻ hân hoan đón mừng lời chúc
tụng của nhau đầu năm thì em đã phải chịu bơm phổi để vi trùng khỏi xâm
nhập nốt phần phổi còn lại. Những ngày sau đó em nằm liệt trên giường vì
đau đớn. Nhưng nhờ lần bơm phổi đó em thấy bệnh trạng mình giảm đi phần
nào. Em thấy mình khỏe hơn đôi chút và nét mặt hồng hào hơn lên. Đồng
thời mỗi ngày em cũng phải chịu tiêm thêm nhiều lần thuốc vào người. Em
rất sợ, sợ mỗi lần cô y tá lên phòng em, cầm trên tay những thuốc, những
dụng cụ tiêm. Những lọ thuốc trụ sinh, những mũi thuốc khỏe đã làm nát
cả đôi mông em. Những mũi thuốc tiêm dồn dập nhiều đến không còn chỗ để
tiêm. Đôi tay gầy của em cũng bị hành hạ bởi những mũi thuốc. Rồi mùa
Xuân cũng đi qua. Bây giờ có lẽ bắt đầu mùa hạ, vì em thấy những cánh
soan tây trong sân bệnh viện và ở xa xa dọc đại lộ nở đỏ. Buổi trưa em
nằm nghe tiếng ve sầu kêu rền rĩ tạo thành một khúc nhạc buồn buồn nhơ
nhớ. Thế là đã hết một niên học. Bây giờ có lẽ các bạn em đang bùi ngùi
chia tay nhau. Hè đến nhắc nhở cho em những kỷ niệm cũ, những kỷ niệm
ngày em còn được cắp sách đến trường. Ôi! Bao nhiêu là vui sướng. Ngày
ấy có bạn có thầy tung tăng cười vui như con sáo. Những buổi sớm mai có
nắng ấm. Mầu nắng tươi lấp loáng trên những ô cửa kính, e ấp trên những
cành lá xanh non. Mầu tươi của nắng thắm như tuổi học trò rạng rỡ những
niềm vui. Em hớn hở đi bên bạn vừa nói vừa cười, giọng hai đứa líu lo,
như con sáo. Con đường dốc nhỏ dẫn đến trường lác đác những xác lá khô.
Tà áo trắng hai đứa xập xòe bay trước gió đôi khi quyện vào nhau làm
vướng bước chân cả hai. Hai đứa nhìn nhau cùng cười. Từ mấy tháng nay
nằm ở đây chỉ có nhỏ Dung đến thăm em thôi. Chả là hai đứa thân nhau ghê
lắm –
Em không còn đến trường được nữa mà chỉ có Dung đến thăm thỉnh thoảng
kể cho em nghe chuyện ở lớp: Kỳ thi này cái Nhã đứng nhất Sinh ngữ. Ly,
cô bé có mái tóc vàng hoe gợn sóng và có cặp mắt thật to mầu hạt dẻ,
trông thật dễ thương, ngồi ở dãy bên trái của lớp em. Cô bé mới vào mà
em vẫn rụt rè mãi chưa dám làm quen, kỳ nầy nhất Việt Văn và Toán. Từ
khi em nghỉ học thì môn Việt Văn trở về tay người khác. Lúc còn đi học
cô giáo vẫn yêu em lắm vì em rất có khiếu về môn nầy. Dung đến thăm thấy
em cứ ngày một gầy và ủ rũ như một con mèo. Thấy em buồn cô bé cũng
không biết làm gì chỉ nắm tay em thương xót: "Thôi Quyên ạ! Đừng nghĩ
ngợi vơ vẩn mà buồn. Nằm nghỉ cho khỏe và cố uống thuốc cho chóng lành
để đi học với Dung". Nhưng em biết là ngày ấy chắc còn lâu lắm. Em thề
nầy, bệnh hoạn đau ốm liên miên chỉ như một cái xác chưa chôn mong gì
ngày đi học. Có những hôm thấy trong người khỏe tự nhiên em muốn được
học.
Em lấy sách đọc thật to một lúc được những mấy trang thì cơn ho bỗng nổi
lên như điên dại, em ôm ngực rũ rượi và nước mắt tuôn tràn. Em đã nghĩ
mình bây giờ trở thành vô dụng, em đang nằm đợi ngày ông già có gương
mặt gớm ghiếc, tay cầm cái liềm hái dài dài ghê rợn đến kê vào cổ, đưa
em đi. Cái liềm hái lạnh ngắt ấy sẽ xuyên qua da thịt em. Em rùng mình
sợ hãi khi nghĩ đến đó...
Có những hôm ngồi trên hành lang nhìn ra ngoài, em thấy những tà áo dài
trắng hồn nhiên tung bay theo gió. Nụ cười vô tư của những cô học trò
nhỏ làm lòng em nao nao những cảm giác khó tả. Em muốn được nhập bọn với
họ, được ôm chiếc cặp sách thân yêu để nghe lòng rộn rã. Em nhẩy chân
sáo đến trường trong nỗi sung sướng vô tư của một cô học trò. Nhưng khi
nhớ lại mình đang nằm ở bệnh viện em đau buồn thất vọng. Trời ơi! Chiếc
cổng bệnh viện nầy sẽ chôn mãi đời em sao. Ý nghĩ bỏ trốn chợt thoáng ra
trí em. Nhưng phải bệnh viện nầy giữ em đâu mà chính bệnh tật đã giữ em
lại, đã ngăn cách em với cuộc đời vui tươi ngoài kia. Nhưng tại sao em
lại yếu đuối, tại sao em không là đứa con gái lành mạnh như bao nhiêu
người khác.
- Ngày mai em sẽ hết bệnh, em không muốn nằm mãi nữa. Em sẽ ra ngoài, em
sẽ lại đi học với các bạn. Nhưng, buổi chiều đến em lại mê man trong
cơn sốt, tay chân đầu óc rã rời. Em buông mình trên mặt nệm với nỗi
tuyệt vọng khi biết mình không bao giờ trở lại với đời sống bình thường.
Trong đau ốm tuyệt vọng em chợt nhớ đến Mẹ, Đức Mẹ hằng cứu giúp của em
mà em hầu như quên mất trong mấy tháng nay. Và em thấy nhen nhúm trong
lòng một hy vọng sâu xa. Buổi tối đi ngủ em cầu nguyện Đức Mẹ cho em
chóng lành mạnh. Em tắt đèn cho vạn vật chìm trong bóng tối, em muốn chỉ
có Mẹ và em thôi –
Em lần lại chiếc bàn có đặt tượng Đức Mẹ và một ngọn nến nhỏ. Em quì
dưới gạch và đọc những lời kinh thật chân thành. Em mong những lời cầu
xin của em sẽ được Mẹ nghe thấy và em sẽ khỏi bệnh. Trong bóng tối em
thấy tượng Đức Mẹ sáng lên và chuỗi hạt trên tay em cũng sáng...
ÁI KHANH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 158, ra ngày 1-8-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.