Tôi
sống suốt một quãng đời ấu thơ ở quê nội. Vì vậy mà những hình ảnh đó,
đã in sâu vào trí óc non nớt của tôi. Cho tới bây giờ, bao kỷ niệm đó
vẫn bàng bạc trong hồn tôi. Tôi đã chào đời trong mảnh đất ngát hương
lúa của quê nội, và không bao giờ tôi quên được mái nhà ấm cúng, có
khuôn mặt hiền dịu của ông bà tôi, cùng hàng cau xanh ngất ngưởng ở
ngoài hàng rào.
Thuở đó, ba tôi đi lính xa, tôi sống yên lành bên má tôi và ông bà nội.
Ông tôi sống bằng nghề nông, khổ cực trên ruộng đất, để chờ mùa lúa chín
đầy đồng. Có lẽ suốt đời ông bà tôi nhọc nhằn như thế và tôi cũng biết
nghề nông không phải là một nghề nhàn hạ. Từ nhỏ, tôi đã trông thấy
những cánh đồng bao la ngoài sông Cái, vùng đất xa xôi ngoài cửa sông
nơi ông tôi cày cấy. Và mấy mẫu ruộng xanh ngát sau nhà, ven quốc lộ.
Mỗi lần theo ông tôi đi ra đồng, tôi đã đứng ngây nhìn những cọng lúa
nằm rạp theo cánh gió. Nhưng tất cả có được là do công lao của ông bà
tôi, dãi nắng dầm mưa mà vun trồng.
Tôi nhớ những buổi sáng thức dậy, má tôi cho biết là ông bà nội đã chèo
ghe ra sông Cái gặt lúa. Tôi chỉ cảm thấy một phần nhỏ sự cực khổ đó, vì
tôi chỉ mải mê rong chơi trong buổi sáng ngát hương cau, và trong tiếng
chim chìa vôi ríu ran trên cành vú sữa. Chỉ khi nào bé Đèo thức giấc,
nó khóc ré lên và má tôi phải bỏ đàn gà vịt lao nhao, để bế nó, thì tôi
là kẻ thay thế. Thằng em trai tôi bé nhỏ và bệnh hoạn. Những cơn ho làm
nó mệt đừ, và vì là cháu trai nên ông bà tôi rất yêu nó. Nói như vậy
không phải là tôi không được thương yêu, nhưng chỉ kém tí ti thôi, vì
ông tôi thường bảo: "Chị phải nhường em chớ!"
Buổi sáng, tôi hay xuống bờ sông, ra đầu cầu ngóng một hồi, rồi ngồi
dưới hàng cau dọc theo đường vào ấp, đối diện với cổng rào nhà tôi. Nắng
sáng lấp lánh trên những chùm bông xoài vàng nhạt trước cửa. Tôi đưa
mắt nhìn qua cổng rào gỗ, ngắm căn nhà của ông nội. Cách hàng rào một
khoảng đường dài mới tới nhà. Căn nhà lá thấp, có những ba cửa, hai
trông ra đường, và một cửa chính về phía Tây. Đối diện với cửa chính
này, tôi hãy còn thấy bức tường rêu của nền nhà cũ, mà ông tôi trồng đầy
mãng cầu, những chiếc lá xanh rung rinh trong gió. Có gốc mai già cạnh
lu nước, cành khẳng khiu, tôi hay đổ nước trên nắp lu gỗ, nghe nước chui
qua kẽ nứt thánh thót rớt xuống. Trò chơi này vẫn bị má tôi mắng luôn.
Và khoảng sân phơi thóc rộng rãi đầy nắng. Ông tôi có dựng chiếc bàn thờ
gỗ để thờ ông Thiên, dưới chân cột trồng đầy vạn thọ, hoa mai trắng
thơm lừng.
Ngoài này, dưới hàng cau là bờ rào bằng tre, ông tôi trồng dọc theo đó
những hàng trà kiểng, lá mọc so le vì chưa kịp cắt. Gió ngoài sông lồng
lộng, lá dừa kêu sột soạt trên đầu tôi. Bên kia sông là vùng cù lao xanh
mướt lá cây, tôi ngồi nhớ những vồng đậu xanh của bà tôi tỉa bên đó.
Rồi có khi xuống ghe ngồi chơi, ông tôi đã đào một khúc mương ăn sâu vào
bờ để cắm ghe, bên trên có lợp lá dừa khô. Những bóng nắng tò mò lẻn
xuống ghe, xem buổi trưa tôi và mấy đứa bạn trốn ngủ xuống ăn mận. Nhưng
chỉ lũ trẻ con như chúng tôi mới rảnh rang. Ông bà và má tôi làm việc
suốt ngày tháng. Những mùa lúa bên sông Cái, ngoài quốc lộ, và những
vồng đậu bên kia sông. Buổi trưa rảnh rỗi, bà nội hay bắt chị em tôi lên
võng, bà ru cho ngủ, lời ru ầu ơ của bà như có sức mạnh bắt đôi mắt của
tôi khép lại, và làm cho em tôi không còn khóc đòi má nữa. Tôi không
biết phải diễn tả lời ru đó ra sao, nhưng tới bây giờ nó vẫn còn sống
trong hồn tôi, làm tôi cảm xúc muốn khóc, như hồi xưa bà tôi cất giọng
ngái ngủ ru giấc chúng tôi. Lời ru ầu ơ thoảng trong gió mát buổi trưa,
chiếc võng qua lại đều nhịp. Tôi thấy muôn ngàn bóng nắng ngoài kia nở
hoa, sáng rực và mí mắt trĩu xuống, khép lại trong mơ hồ lời ru vẫn ngọt
ngào thoảng nhẹ.
Thỉnh thoảng, ba tôi về phép. Thật là những ngày vui, vì bao giờ cũng có
quà cho chị em tôi, và các con của chú họ tôi cũng ở dưới kia. Vừa thấy
bóng thấp thoáng ngoài vườn, tôi vội nhảy xuống khỏi nền nhà cũ, chạy
ra đứng ngoài gốc khế đầu vườn chờ đợi. Nếu là ba, tôi sẽ mừng rỡ nắm
tay vào nhà, chứ không la hét như hồi đó nữa. Nói hồi đó, vì có một lần
tôi mừng rỡ hét toáng lên khiến bà Tư – chị của ông tôi –
la tôi, và giảng tôi rằng: nếu la như thế, "bên kia" sẽ ra bắt ba tôi
đi luôn. Từ đó, trí óc non nớt của tôi bị ám ảnh bởi chiến tranh, và mỗi
khi ba về, tôi lại lo sợ. Tôi chỉ yên tâm khi sáng hôm sau, tôi thức
dậy trong ánh nắng chan hòa, có tiếng chim hót và tiếng ba tôi nói
chuyện với ông nội. Để lát sau, tôi nắm bàn tay cứng dắn của ba, theo ba
và má, đưa ba ra quốc lộ. Chúng tôi theo ngõ sau vườn, qua cánh đồng
lúa xanh rì, và cũng là nơi chôn cất người trong họ. Buổi đó tôi thấy
buồn man mác, dù sáng sớm có hương lúa mục và cỏ ướt, hòa lẫn mùi lúa
non đầy sữa. Ba bế em tôi, thằng bé bập bẹ gọi ba, nói líu lo ngọng
nghịu. Nắng long lanh trong mắt má tôi, và bà nội với chiếc khăn sọc đỏ
trên vai xách túi trái cây cho ba. Bà nội chỉ đồng lúa mơn mởn cho ba
xem, ba cười với nếp nhăn sau đuôi con mắt. Và chỉ thoáng sau, tôi ngẩn
người nhìn chuyến xe đò mất hút bên kia cầu sau đám bụi. Quốc lộ trở nên
vắng lặng, ngoài tiếng chim chuyền cành lách tách trên cây so đũa. Đám
xoài bên kia pha phẩy, những đợt bông vàng trong nắng. Chỉ thấy chung
quanh tôi màu xanh trùng điệp của đồng lúa, lá cây.
*
Thuở nhỏ, tôi thường leo những bậc tam cấp cũ kỹ, rêu in, để lên nền nhà
gạch cũ ở trước cửa và chạy dọc ra vườn. Nền nhà này cách nhà lá của
ông tôi một khoảng bằng bề ngang con đường dẫn ra quốc lộ. Bà Tư nói hồi
Tây, trên đó là nhà ngói của ông Cố. Rồi giặc giã, Tây đập phá nhà ngói
trên kia, chỉ còn trơ lại nền nhà cứng chắc, cao sừng sững với những
bức tường bằng đá cũ kỹ phủ rêu. Ông nội tôi ra công lấp cát, trồng
những hàng mãng cầu, thân cây mốc trắng và dễ gãy. Trên nền toàn cát,
tôi và lũ con chú Ba vẫn leo lên bán hàng trên đó. Có khi tưởng tượng đó
là một lâu đài để bày trận đánh nhau. Đối với tôi hồi xưa, nền nhà hùng
vĩ thật! Bốn phía có bốn bậc tam cấp, xưa là cửa chính. Kiến trúc chạm
trổ tinh vi. Ông tôi giữ những vách cao để tránh đạn. Mỗi khi đụng nhau,
súng nổ rền vang trên bót ngoài quốc lộ, chúng tôi kéo nhau ngồi thụp
xuống những tấm vách cứng ngắc đó. Có lần súng nổ, tôi mải chơi không
ra, ông tôi quát tháo làm hôm đó tôi sợ điếng hồn. Ông tôi ít nhắc hay
kể lại việc xưa. Nhưng ông hay ngồi nhìn nền nhà cũ, giờ xum xuê lá cây,
mà phì phà điếu thuốc. Tôi chịu, không hiểu ông đang nghĩ gì!
Đứng trên nền nhà cũ, tôi nhìn xuống chung quanh, những khu vườn cây ăn
trái rậm rạp. Ông bà nội ít khi rảnh rỗi, lúc nào cũng cặm cụi bên ruộng
lúa hay vườn rẫy. Những cây cối được ông tôi săn sóc kỹ lưỡng. Tàng vú
sữa xum xuê lá, những trái mận xanh bóng. Trên đọt xoài rậm rạp lũ dơi
hay về kiếm ăn buổi tối, và gốc nhãn mỗi khi có trái thơm ngát. Trước
cửa nhà có bờ trầu vàng tươi của bà nội, rau xanh um, mỗi khi nước lớn
má tôi lại gánh lên tưới luôn, nên rau tốt vô cùng. Buổi sáng tôi dậy ra
lu nước rửa mặt, lại nghe mùi ngò, lá quế bay trong gió. Tôi thích ngắm
cây bạc hà có lá xòe rộng, ngất ngưởng trên cọng mập mạp. Bà nội còn
ươm không biết bao nhiêu cây nữa. Có lần, thấy bà tôi xăm xoi cây chùm
ruột bé tí. Bất giác tôi liên tưởng tới cành chùm ruột mập mạp, đầy trái
mà tôi vẫn hái, sự so sánh về thời gian làm tôi ngán luôn.
Nếu mà nước ngập làm chúng tôi – lũ con nít –
khoái chí thì người lớn lại lo lắng. Thấy nước dưới sông từ từ ùa lên
bờ, mỗi ngày một tràn lan, tôi thích thú lạ, những con cá lòng tong theo
nước lên nhà, và tôi cứ lên phản cúi đầu xuống nước mà tha hồ vớt. Trái
lại, ông nội ngồi đăm chiêu theo khói thuốc, thỉnh thoảng nhắc nhở vài
cây ngoài vườn rồi thở dài.
Mùa hạn hán lại càng khổ sở, nắng chang chang ngoài đồng, trời xanh và
cao. Mặt đất nứt nẻ khô cứng. Ông nội tôi lo cho thửa ruộng ngoài sau
nhà nhất vì ở đó cách xa sông, chỉ gần một con mương nhỏ. Ông cứ nhắc
nhở trời mưa, mà có lẽ quên nên ông trời chỉ chiếu những tia nắng chói
lọi xuống. Thế là chiều hôm sau, hai ông cháu tôi ra đồng. Ông tôi đi
trước, xách dụng cụ. Tôi lẽo đẽo theo sau tay mang bình nước. Ông tôi
dáng người nhỏ nhưng mạnh mẽ, nước da đen sạm, đôi mắt hấp háy sau cặp
kính lão. Chiếc quần đen bạc thếch đầy bùn, và cánh áo màu cháo lòng
dùng trong việc đồng áng. Chiếc khăn sọc đỏ nhợt nhạt được bịt trên đầu,
che khuất mái tóc bạc. Ông nội tôi trông giống bất cứ một nông dân nào ở
đây. Qua khỏi rặng tre cuối liếp vườn, gió thổi mát rượi. Thỉnh thoảng
vài chiếc xe từ tỉnh lỵ trở về thả khói đầy quốc lộ. Vài con chim cu kêu
bên bờ cỏ, ông tôi lặng lẽ đặt dụng cụ xuống ven đường. Gió xào xạc lùa
những cọng lúa tiêu sơ chao nghiêng. Ông tôi đứng thẳng, vấn điếu
thuốc, rồi thở khói nhìn đám ruộng lắc đầu ngao ngán: "Chết hết mà!".
Lẩm bẩm xong, ông tôi cặm cụi đào khoảng đường đất ngang con mương dẫn
nước ngoài mé sông. Mồ hôi thấm lưng áo, ông vẫn hì hục cuốc phá. Mấy
bụi sim um tùm kế đó bị đốn ngã rạp, tiếng cuốc bổ xuống vang động, nước
vẫn chưa vào, nhịp sóng lúa uốn éo như xôn xao chờ đợi. Ông nội tôi vẫn
lặng yên đào đất, mặt đường bị đào phân nửa, nước ùa vào chút ít. Và
như để trả công lao sự mệt nhọc nãy giờ, khi nhát cuốc cuối cùng phá vỡ
phần đất còn lại, dòng nước từ mương ùa vào ruộng bon bon. Tôi thích chí
ngồi xuống vệ cỏ, trong khi mặt ông tôi dịu lại. Ông ngoắc tôi đến gần,
chỉ dòng nước cuồn cuộn tuôn vào đám lúa. Đoạn ông ngồi xuống gốc cây
gòn, vấn thuốc hút. Nước chảy tràn lan trên ruộng, tuy không ra hẳn
những mé ngoài vì quá xa, nhưng còn hơn là khô ran cả thửa. Lát sau,
nước chảy có vẻ yếu, ông tôi xắn quần lội bì bõm xuống mương, thân hình
ông chìm dưới nước đục, đôi tay vạch những đám lục bình tản mác kẹt vào.
Ông vất cỏ rác lên bờ, mặt nhễ nhại mồ hôi. Nhìn dáng ông lom khom còng
lưng bên mương nước, tôi đã thấy sự cơ cực của nghề nông, và thêm
thương ông tôi. Tôi đã thấy những hạt cơm tôi ăn đổ vung vãi, và khi
biết nghĩ suy tôi đã thấy ông tôi trả rất đắt cho những hột cơm đó.
Buổi tối ông nội hay ẵm em bé ra khoảng sân trước cửa hóng mát. Má tôi
phơi đồ trên dây chì gần đó, giũ áo tạo những âm thanh buồn tẻ. Trong
khi ở dưới bến sông, tôi gom lá vàng để bà nội đốt lửa nướng bánh tráng.
Hai bà cháu nói chuyện trong ánh lửa sáng rực rỡ. Tôi nghịch ngợm cầm
chiếc lá khô châm lửa, cho đến lúc cháy nóng tay lại la oai oái. Những
cành củi nổ lách tách, hai bà cháu ngồi bên ánh lửa, trong lúc màu đen
nhuộm dần bên kia sông.
Những ngày trời bão, buổi tối gió rít thật dễ sợ, đứng trong nhà nhìn ra, tôi tưởng những cây cau không thể nào chịu nổi. Mưa rả rích, nhà dột nước rơi lõm bõm. Ông nội dặn má không được cho tôi lại cửa sau, chỗ có cây vú sữa to lớn, sợ ngã đè. Tôi co ro, nghe cây khô kêu răng rắc. Gió hú lồng lộng như muốn bay mái lá. Ông nội cứ theo những chỗ dột mà lấy mo cau dọi đỡ. Ánh đèn leo lét chực tắt. Tôi sợ quá ngủ thiếp bên cạnh em bé. Sáng ra vườn, cây xơ xác, nước ngập ngụa ngoài sân. Lá tơi tả, tôi thẫn thờ nhìn những cánh hoa mù u trắng rơi đầy trên nước bẩn.
Ông nội không cất lại nhà, mặc dù nó đã cũ kỹ, lụp xụp. Có khi những người trong ấp hỏi han, ông chỉ cười cười:
- "Ối, thời giặc giã cất làm chi, để nữa thằng Tường về, nó muốn cất gì cất!"
Bây giờ tôi mới biết niềm ao ước của ông tôi. Chỉ có ba tôi là con trai, ông bà mong ước ngày ba tôi ra lính về nhà như xưa. Mộng ước hiền hòa mà ai cũng mơ: đất nước thanh bình, sống vui bên con cháu, ruộng đồng.
Đến bây giờ, hơn mười năm qua, tôi lớn khôn theo ba má lên thành phố, chỉ những mùa Hè mới về quê nội. Ông bà tôi đã già, tôi đau xót mà nhận thấy điều đó. Nhưng ông bà tôi vẫn còn đổ mồ hôi trên luống cày như ngày xưa. Cho tới nay, căn nhà xiêu vẹo vẫn còn, ông nội vẫn đợi ba tôi về dựng lại, mà biết bao giờ. Ba tôi vẫn nói thế. Mỗi kỳ Hè, trở về quê hương, tôi lại ngùi ngùi nhớ ngày xưa, ngày chị em tôi ngủ trong lời ru êm đềm của bà nội. Để buổi chiều trong khoảng bóng mát, em trai tôi nhổ tóc ngứa cho ông nội, còn tôi nằm bên bà, nghe tiếng nhai trầu quen thuộc. Bất giác tôi nắm cổ tay bà tôi, làn da nhăn, những ngón chai cứng. Tôi duỗi chân thấy mình cao bằng bà rồi, không còn là con bé ngày nào vô tư nghịch nước. Tôi chợt thấy buồn, tuổi ấu thơ bay xa không thể nào giữ lại được. Có chăng chỉ còn kỷ niệm của một thời...
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 127, ra ngày 1-8-1974)
Những ngày trời bão, buổi tối gió rít thật dễ sợ, đứng trong nhà nhìn ra, tôi tưởng những cây cau không thể nào chịu nổi. Mưa rả rích, nhà dột nước rơi lõm bõm. Ông nội dặn má không được cho tôi lại cửa sau, chỗ có cây vú sữa to lớn, sợ ngã đè. Tôi co ro, nghe cây khô kêu răng rắc. Gió hú lồng lộng như muốn bay mái lá. Ông nội cứ theo những chỗ dột mà lấy mo cau dọi đỡ. Ánh đèn leo lét chực tắt. Tôi sợ quá ngủ thiếp bên cạnh em bé. Sáng ra vườn, cây xơ xác, nước ngập ngụa ngoài sân. Lá tơi tả, tôi thẫn thờ nhìn những cánh hoa mù u trắng rơi đầy trên nước bẩn.
Ông nội không cất lại nhà, mặc dù nó đã cũ kỹ, lụp xụp. Có khi những người trong ấp hỏi han, ông chỉ cười cười:
- "Ối, thời giặc giã cất làm chi, để nữa thằng Tường về, nó muốn cất gì cất!"
Bây giờ tôi mới biết niềm ao ước của ông tôi. Chỉ có ba tôi là con trai, ông bà mong ước ngày ba tôi ra lính về nhà như xưa. Mộng ước hiền hòa mà ai cũng mơ: đất nước thanh bình, sống vui bên con cháu, ruộng đồng.
Đến bây giờ, hơn mười năm qua, tôi lớn khôn theo ba má lên thành phố, chỉ những mùa Hè mới về quê nội. Ông bà tôi đã già, tôi đau xót mà nhận thấy điều đó. Nhưng ông bà tôi vẫn còn đổ mồ hôi trên luống cày như ngày xưa. Cho tới nay, căn nhà xiêu vẹo vẫn còn, ông nội vẫn đợi ba tôi về dựng lại, mà biết bao giờ. Ba tôi vẫn nói thế. Mỗi kỳ Hè, trở về quê hương, tôi lại ngùi ngùi nhớ ngày xưa, ngày chị em tôi ngủ trong lời ru êm đềm của bà nội. Để buổi chiều trong khoảng bóng mát, em trai tôi nhổ tóc ngứa cho ông nội, còn tôi nằm bên bà, nghe tiếng nhai trầu quen thuộc. Bất giác tôi nắm cổ tay bà tôi, làn da nhăn, những ngón chai cứng. Tôi duỗi chân thấy mình cao bằng bà rồi, không còn là con bé ngày nào vô tư nghịch nước. Tôi chợt thấy buồn, tuổi ấu thơ bay xa không thể nào giữ lại được. Có chăng chỉ còn kỷ niệm của một thời...
MỘNG DU
(b.n. QHVN)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 127, ra ngày 1-8-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.