Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

MÙA THU CỦA HỌC TRÒ - Vũ thị Ca Dao

 

Em bước vào lớp thì tụi bạn đã yên vị và đang nói chuyện ran như... pháo. Em chậm rãi xích cặp đến chỗ cạnh Thanh Quỳnh và Nguyên Thảo. Qua 1 mùa hè, năm nay em lên đệ Ngũ rồi còn gì. Hôm chia ly thật buồn, đầu mùa hè phượng bắt đầu nở. Thảo bảo, nó ghét hoa phượng vô cùng, màu phượng đỏ rực trông chói mắt, khác hẳn với lá  phượng xanh rất xinh. Em nghĩ khác, riêng về phượng, loài hoa được mệnh danh là hoa học trò, màu đỏ chói của nó thật hợp với cái oi bức gắt gao của mùa hạ, thứ màu đỏ rực rỡ và kiêu sa. Đôi lúc em cũng thích nhìn màu hoa phượng đỏ rực trên nền trời xanh mùa hạ. Nguyên Thảo ghét hoa phượng có lẽ vì lẽ khác nữa ngoài màu sắc của nó. Con bé ghét mùa hè! Thảo chỉ thích mùa thu và đông, hay thương những màu hoa trắng và tím. Em bảo Nguyên Thảo có máu nghệ sĩ ghê lắm, lãng mạn và rất giỏi văn chương. Con bé mơ sẽ là một văn sĩ nổi tiếng. Có lần em nhún vai khi Nguyên Thảo bảo thế vì em quan niệm rằng văn sĩ chỉ để tiếng chứ chẳng ra gì! Làm Nguyên Thảo giận em luôn mấy hôm, con bé yêu văn chương và chỉ thích phục vụ "hết mình" cho văn chương. Hôm đó về em hối hận mãi, mỗi người có 1 ý thích và lý tưởng riêng của mình, 1 chiều hướng để đi theo. Thế mà em cứ tỏ ý không bằng lòng lý tưởng của người khác! Quả thật đáng trách. Dạo ấy hai đứa giận nhau, mỗi buổi chiều học về hai đứa chẳng nhìn nhau. Em thấy lỗi phần mình mà chẳng biết làm sao? Nhỏ Loan mách kế giả vờ ốm. Thế là em nằm luôn làm Nguyên Thảo lo sợ cuống quít, còn gửi Thanh Quỳnh mua cam cho em ăn. Huề cả làng. Em và Nguyên Thảo, Thanh Quỳnh khắng khít. Buổi chiều đẹp, Nguyên Thảo chỉ đôi bướm trắng rồi bảo đó là áo trắng 2 chúng mình và kỷ niệm nhặt hoa sao, hái hoa bắt bướm là những điểm màu hồng tô thêm cho tuổi học trò và tình bạn mình thêm đẹp. Văn sĩ có khác! Nói ra toàn là văn chương!

Nguyên Thảo, Thanh Quỳnh đã có 1 chỗ đứng đặc biệt trong tim em. Rất thân và thương mến nhau. Tụi em luôn luôn là bộ ba trong những giờ chơi, giờ học và bất cứ lúc nào. Nhưng Thanh Quỳnh không để cho em nghĩ ngợi lâu. Con bé hét thật to:

- Ê, bồ kia, lại mơ mộng rồi đấy hả?

Và Nguyên Thảo phụ họa:

- Vô sau, người ta đã xin bà Giám thị cho ngồi thế này vừa ý chưa?

Em vờ lắc đầu. Tuy nhiên trong lòng rất vừa ý. Chỗ em ngồi thật xinh. Bàn 3 đứa cạnh cửa sổ. Thanh Quỳnh, Nguyên Thảo rồi đến em. Ở đây cách xa bàn giáo sư nên dễ bề "phát thanh. Em lại có thể phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa để "nhìn". Buổi chiều mây trắng bay đẹp ghê, mây đan thành những cụm nhỏ nằm vắt vẻo trên những cánh lá, mềm và mịn như lụa Thanh Quỳnh cột tóc. Nắng tưới lên những cánh lá bắt đầu quắt queo về thu, màu lá vàng buồn khô dòn. Thân ngọn sao đứng cúi đầu yên lặng, những cánh lá đưa ra gần như trơ trụi. Nguyên Thảo hay bảo nó thích mùa thu có lẽ vì lá vàng. Em cũng hay thích đếm nhịp chân vang lao xao âm thanh lá gãy dưới gót, hay cùng Thanh Quỳnh và Nguyên Thảo tẩn mẩn nhặt lá vàng gom lại, rồi thả và lại nhặt, lẩm cẩm và trẻ con ghê. Không biết làm sao em lại thích ngắm những lá vàng bay trong trời mùa thu, nhè nhẹ và âu yếm biết bao khi vô tình 1 cọng lá bay vướng trên tóc, cọ vào má và để nhìn sắc lá khô đẹp hơn màu mây.

Bây giờ là mùa thu, mùa hè vội vã qua mau mang theo những ngọn gió nóng nực. Dấu vết còn lại chỉ có những cánh phượng tàn rơi rải rác và héo rũ. Thỉnh thoảng mưa bụi lất phất như bay vướng lên tóc em những hạt nước li ti nhỏ và trong suốt. Em nghĩ giá có mẹ bên cạnh để cùng đứng bên cửa sổ đưa tay đón những hạt mưa nhè nhẹ trên tay, nhìn những con chim se sẻ nhỏ bé trú chân ríu rít trên cành lá. Chắc là thú lắm!

Tiếng Nguyên Thảo diễu cợt:

- Thục Khuyên đứng nhìn mưa và lá phải không? Nghệ sĩ gớm! Không thèm nói chuyện với tụi này hở?

Em cười cười:

- Đâu có, mà này Thảo, nói nè...

- Cái gì?

- Hôm nay mình hơi ốm...!

- Thế hả? Có sao không? Ốm gì vậy hả Khuyên?

Em chớp mắt cảm động: Thảo lo cho em ghê! Từ chút từ chút, hình như con bé muốn cho em biết rằng nó mến em lắm. Em nghiêng người nhìn thẳng vào đôi mắt mở to nhìn em có vẻ ngạc nhiên, đôi môi hồng nhí nhảnh hay cười và mái tóc dài ngang vai. Ở Nguyên Thảo em thấy tất cả vẻ thành thật đáng mến gom tụ trong đôi mắt nhìn em:

- Làm gì nhìn người ta dữ vậy hở?

- Tại Khuyên muốn xem Thảo có thành thật với Khuyên không?

Đến lượt con bé chớp mắt:

- Thảo luôn thành thật với Khuyên, Khuyên không tin à?

Em bào chữa khá vụng về:

- Có! Nhưng Khuyên còn... nghi nghi.

Thảo nhìn em với đôi mắt có 1 chút gì là lạ:

- Thảo đã nói mà...

Em sợ Thảo buồn vội át:

- Thì thôi, tin rồi, tin rồi.

Em tự trách mình hay nghi ngờ mọi người chung quanh và nghi ngờ chính mình nữa. Em muốn được như Thảo, Thảo học giỏi và tốt nữa. Có lần em nói với Thảo điều ấy làm con bé cảm động và mắc cỡ nữa, vụng về bảo em: "Sao Khuyên khách sáo quá".

Giờ học bắt đầu. Tiếng cô giảng bài Việt văn say sưa lôi cuốn. Nhưng bản tính lãng mạn của 1 con bé như em đưa con mắt em lên tận trên cao vút của áng mây hồng. Trên đó hẳn có màu mây phơn phớt như màu hồng của má các cô gái Đàlạt và chắc cũng có vài sợi tơ trời trắng muốt như áo cô gái Huế. Chao ơi, nếu, nếu... em được làm 1 đứa con trai, chắc chắn em sẽ nối nghiệp ba làm thân chim bằng vũ. Và những buổi chiều đẹp trời như hôm nay em cho con tàu sắt lượn thật nhẹ nhàng trên những nóc nhà cao, hay bay vút lên trời xanh trong vắt để có lúc em tưởng rằng đó là màu mắt Thanh Quỳnh. Trời xanh như thế chắc hẳn thân con tàu sẽ thật êm chui ngoan ngoãn qua những lọn mây hồng, nuột nà như màu lụa cột tóc Thanh Quỳnh và xa xa dưới thấp hơn, rừng cây lá xanh ngắt như lá sao hiền hòa trong tập con bé Nguyên Thảo. Đó là tất cả mộng ước bình thường, nhưng đối với con trai kia, chứ đối với 1 con bé như em có lẽ...! Em chợt thấy buồn buồn khi nghĩ đến điều đó. Ở trên cao kia hẳn đang có ba trong y phục quân hành lấm bụi không trung và đôi mắt ba sáng long lanh nhìn trìu mến cho em thấy trời hồng lên vạn tia nắng mới và nắng sân trường còn ủ màu lá cây xanh.

Nếu có ai hỏi em làm thân con gái em mơ ước điều gì? Em sẽ không trả lời được đâu. Mà làm sao được khi trong tim em vạn niềm mơ ước đong đầy, trộn lẫn và phân vân. Nếu em là con trai em sẽ làm phi công để giống như ba và là con gái em mong được như mẹ. Nhưng thật tình trong em còn nhiều sôi nổi. Mỗi khi nhìn dáng cô y tá dịu dàng trong màu áo trắng, em lại thầm lặng ước mơ nếu lớn lên sẽ là bác sĩ đem tình nhân ái trải rộng bầu trời và 1 đời ngụp lặn đem bàn tay làm việc thiện. Nhưng mỗi khi nghĩ đến màu áo trắng học trò và vạn ánh mắt ngây thơ, em lại muốn mình sẽ là cô giáo, bạn với bảng đen phấn trắng đem học thức dạy dỗ những đứa học trò bé bỏng như chúng em bây giờ. Để khi nhìn lại thân phận Việt-nam bé nhỏ, họa hoằn em lại nghe 1 niềm tin mãnh liệt: nếu sau này em là Khoa học gia phát minh nhiều điều lợi ích cho nước nhà. Ôi, mộng ước học trò! Chẳng biết mai sau thế nào, liệu em có đạt được gì chăng?


Vũ-thị-Ca-Dao         
(bút nhóm Hoa Tiên)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)


Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

CON CHẤY VÀ CON RỆP - Quốc Bảo

 
  
Sinh viên nọ vừa đi du học
Qua thủ đô Anh, Nhật, Hoa Kỳ
Trở về hãnh diện tu mi
Nhân ngày Chủ nhật ngủ khì thảnh thơi

Một con Chấy bám nơi chân tóc
Đợi giấc say lóc ngóc bò ra
Bỗng đâu gặp chú Rệp già
Chấy liền gọi lại ba hoa chuyện trò

Rằng - "Ta mới viễn du ngoại quốc
Tới Luân đôn, Nữu ước, Đông kinh
Đi xem Nguyên Tử, Vệ Tinh
Ra công nghiên cứu văn minh xứ người

Thế mới biết mọi nơi đều tốt
Riêng xứ mình là dốt mà thôi!
Kìa như thân Bác thật tồi!
Xó nhà, kẽ chiếu, mùi hôi xì xì!..."

Chú Rệp già cười khì khì
Rằng - "Sao Chấy nói những gì khó nghe?
Thân Chấy Rệp cùng bè hút máu!
Ăn bám người nói xấu chi nhau?

Dù anh qua Mỹ, qua Tầu
Nhưng anh nằm sát da đầu biết chi?
Sinh viên nọ thường khi đội mũ
Nhốt anh vào trong hũ tối thui

Thân anh có mắt như đui! 
Thì đi ngoại quốc hơn tôi nước gì?
Được đi xa, về thì khoác lác
Rồi chê bai bẻ bác xứ mình

Tưởng rằng ta đã... Văn minh
Dám lên cái mặt coi khinh họ hàng
Dơ thay!... Cái mặt làm tàng!

                                              QUỐC BẢO

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 12, ra ngày 31-10-1971)


Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

CA DAO - Ng. thị Minh

 
 
Bài ca của mẹ tựa trăng sao
Mẹ hát du con giấc mộng đào
Mẹ dạy cho con từng tiếng nói
Thương con tình mẹ nước non nào

Khôn lớn giờ con vào nhập cuộc
Dáng buồn tóc mẹ điểm phong sương
Theo con từng bước lời an ủi
Mẹ đã cho con cả thiên đường
 
Tình mẹ bao giờ con trả được
Cả đời không đáp tý ơn sâu
Bao lần mẹ lụy vì con dại
Con nhớ thiên thu bản nhạc sầu.

                          NG. THỊ MINH - NBT
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 12, ra ngày 20-10-1971)



Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

MÈO ỐM - Châu Hà

 

Bé buồn ghê lắm cơ! Miu của bé ba hôm nay chả chịu ăn uống gì cả. Không biết Miu giận bé hay vì một lý do nào khác? Miu cứ nằm mọp xuống một chỗ. Hỏi không nói, gọi không thưa. Cả ngày Miu cứ rên "gừ gừ" trong cổ họng. Bé lo lắng, bé buồn bã và bé nghỉ luôn cả buổi học để săn sóc cho nó.

Trông Miu thảm thương quá chừng! Toàn bộ xương nhô hẳn ra, có bao nhiêu xương sườn bé đếm đủ. Bộ lông thì rụng xơ, rụng xác, không còn mượt mịn như lúc chú Định mới đem về cho bé. Cặp mắt lèm kèm như cụ già, cứ nhắm híp lại. Cái mõm lúc nào cũng sùi bọt ra mép. Bé ngồi nhìn Miu mà nước mắt cứ trào ra mãi.

Bé lo ghê lắm! Lỡ Miu có mệnh hệ nào... eo ơi! Lạy Trời cho Miu chóng khỏi, đừng có làm sao hết á.

Bé định ẵm Miu đi bác sĩ Vân xem mạch nhưng tiền không đủ, bé chỉ có năm đồng thôi. Năm đồng thì bác sĩ chả thèm cho vào chứ đừng nói khám bệnh, cho toa. Biết làm sao bây giờ? Bé đã phải lấy trộm thuốc Midol của mẹ cho nó uống này, lấy cả hai viên Cortal này.

Nhưng bệnh đã không thuyên giảm tí nào lại còn kịch liệt thêm lên. Trời ơi! Bé rầu ghê lắm! Tới bữa ăn, bé không vào. Không cần ăn nữa, bé chỉ biết có Miu yêu dấu thôi. Mẹ gọi mặc mẹ, ba đe mặc ba, anh chị chế riễu thây kệ, bé cứ ôm lấy Miu mà than thở. Bé chỉ lo Miu bỏ bé thì... hu hu! ... hic hic!... buồn lắm cơ.

Thấy thế, mẹ mới dịu ngọt khuyên bé nên vứt Miu đi rồi mẹ xin bác Cả cho con mèo khác đẹp hơn. Con Miu này ốm lại gầy gò xấu xí, thương sao được mà bé lại "lẩm cẩm" thế? Dù Miu ốm, Miu xấu xí đến đâu bé vẫn thương, vẫn quý mến. Bé nhất định không nghe mẹ. Vất Miu vào thùng rác, rồi chú Định về, bé biết ăn nói làm sao chứ?

À, bé phải nhờ anh Thương mí được. Anh Thương học Dược có lẽ biết chữa bệnh cho mèo nữa. Nhưng anh Thương không xem mạch cho Miu, cũng không cho thuốc uống. Anh chỉ tủm tỉm cười bảo bé như vầy:

- Bé muốn chữa mèo khỏi ốm, hen? Được, anh sẽ chữa dùm. Nhưng với điều kiện là...

Bé sốt ruột, hỏi rối rít:

- Điều kiện gì? Có khó không?

Dễ lắm! Mà bé phải nghe theo, không thì... mèo sẽ chết đến nơi ngay.

- Điều kiện gì bé cũng nghe hết, miễn sao anh cứu khỏi Miu là được rồi.

Anh Thương mới thong thả nói:

- Đây là những điều kiện mà bé phải nghe theo. Thứ nhất không được tắm cho mèo!

- Điều kiện gì lạ thế? Bé giữ vệ sinh cho mèo chứ lỵ!

Anh Thương xua tay, lắc đầu nói:

- Không được! Để yên anh nói tiếp. Thứ hai: không được cho mèo ngủ chung giường. Người và vật phải ở riêng.

Thứ ba: không được thắt nơ vào cổ mèo. Vì có thể làm nó bị nghẹt thở. Thứ tư: đi đâu cũng không được dắt mèo theo. Đó, chỉ có bấy nhiêu thôi.

Bé lặng người đi, mặt tái xanh. Mãi sau mới bệu bạo nói trong cơn nấc:

- Thôi... thế này... hic! Thà cứ để cho nó ốm mãi. Anh Thương! Bé không chấp nhận những điều kiện đó được.

- Vậy thì con mèo cứ ốm mãi... rồi chết!

- Ái!...

Bé vụt khóc òa. Anh Thương, vẫn giọng anh Thương đều đều bên tai:

- Bé thương mèo, nhưng bé lại vô tình làm cho mèo khổ sở và ốm đau. Vì mèo không thể chìu theo ý muốn bé được. Nó cũng có tự do của nó chứ. Bé không được bắt ép nó, vì dù sao mèo chỉ là con vật yếu đuối. Bé phải để cho nó tự do ăn uống, đi đứng theo sở thích của nó.

Bé đã nín khóc và lắng tai nghe. Bây giờ bé mới hiểu, mèo ốm là tại bé gây ra. Chắc con Miu nó oán giận bé ghê lắm đấy.


Châu-Hà       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 76, ra ngày 1-9-1967)


Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

SÁCH "HỌC LÀM NGƯỜI - Đỗ Phương Khanh

  

Bữa nay, chị kể cho các em nghe câu chuyện về chị. "Cái tôi là cái đáng ghét", nhưng vì các em yêu mến chị, nên chị nghĩ có nói về cái tôi của chị chút đỉnh, các em cũng thấy hơi hơi đáng ghét thôi.

Thủa nhỏ, tính chị hay cáu kỉnh giận dỗi. Chị luôn luôn bất mãn. Lúc nào chị cũng đòi hỏi mọi sự phải hoàn hảo. (Trong khi bản thân mình thì chẳng có hoàn hảo tí nào, vì mình gắt như mắm) Đã thế chị lại rất ghét loại sách "Học Làm Người". Chị nghĩ rằng đó là loại sách giáo điều, khô khốc và giả dối. Nếu không có sự tình cờ (sự tình cờ thật may mắn cho chị) là nhân làm nghề sửa bản vỗ trước khi in (sửa morasse) chị bỗng thấy cái quan niệm của chị về sách Học Làm Người đã hoàn toàn sai lầm. Chị nhớ hồi đó in cuốn Sống Vui, tác giả J. Brun Ross, dịch giả Tế Xuyên. Cái đoạn mà chị thích, chị lẩm nhẩm hoài tới thuộc luôn. Chị chép ra cho các em coi nhé:

Nụ cười khả ái, lời vui tai, tâm hồn vui vẻ và can đảm, là những lợi khí chinh phục nhân tâm hiệu lực nhất. Chúng ta hãy nghĩ đến những người thân ái và vui sướng mà chúng ta đã gặp, gia đình ấm cúng và huy hoàng mà họ tạo lập nên, chúng ta hãy nhớ lại cảm tưởng khoan khoái mà họ đã để lại cho chúng ta sau cuộc gặp gỡ, chúng ta sẽ mong ước được giống tánh họ.

Trên đời, nên xa lánh những kẻ đa sầu vì họ tạo ra một khí hậu lo lắng chung quanh họ. Nên tới gần những người có tánh vui vẻ khích lệ, họ nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan, với nụ cười thành thật, không bao giờ họ thấy việc gì bi thảm : lối sống của họ có ảnh hưởng ít nhiều đến người chung quanh.

Muốn giữ nụ cười, muốn có thái độ lanh lẹn, sốt sắng, nên có chút tinh thần hài hước, bằng cách nhìn quen khía cạnh vui vẻ của sự việc trong những tình thế gay go.

Có tinh thần hài hước, mình bất chấp những khó khăn, nhận xét ra được những gì đáng vui cười trong nghịch cảnh để mà cười chơi thay vì lo lắng. Nhờ tinh thần ấy, mình khêu gợi luôn được cái cười ở kẻ khác làm cho họ bớt đăm chiêu suy nghĩ, trở về với bình thản, trong những lúc gay cấn của đời họ.

Tránh những tư tưởng hoài nghi, tinh thần chủ bại và khuynh hướng nhìn đời ở khía cạnh tối tăm, buồn bã : hạnh phúc đời người sẽ ảnh hưởng vì thói xấu ấy.

Trong thế gian là một cái gương phản chiếu bản ngã của mỗi người. Người có tâm hồn rộng rãi, tươi đẹp thấy cái gì trong thế gian cũng đẹp ; với một người mà tâm hồn méo mó, tất cả cái gì trong thế gian đều xấu, và cũng làm bực tức cho y, không có gì được y lưu ý.

Các em ơi! Chắc sẽ có em phê bình chị rằng cái quan niệm của chị như thế, có vẻ bình thường lắm. Vì con người phải luôn luôn bất mãn với hiện tại thì mới tìm tòi để tiến lên. Chị đồng ý hoàn toàn. Nhưng các em để ý một chút khác biệt này. Là trong thâm tâm, ta phải luôn luôn học hỏi để cầu tiến. Nhưng làm được tới mức nào, ta cứ hoan hỷ tới mức đó. Vì đời sống của ta cũng là một tác phẩm nghệ thuật mà ta hoàn toàn chịu trách nhiệm, hoàn toàn chủ động trên con đường kiến tạo hạnh phúc. Từng ngày từng ngày, mình vẫn sống. Nên tìm cách sống sao cho thoải mái và gây cho người chung quanh sự yên ổn tinh thần. Chứ đừng luôn luôn tỏ thái độ bất mãn, làm cho mọi người buồn lây thì chính mình cũng khó còn tinh thần để mà tìm tòi sáng tạo được những tác phẩm thực sự cần thiết cho hạnh phúc của nhân loại nữa phải không các em.


Chị Đỗ Phương Khanh       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)


Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

BUỔI CHIỀU CHỦ NHẬT - Mây Trắng

 

  (Tất cả về lý tường của N.)

Tôi đến viện cô nhi chiều chủ nhật
Với cây đàn với gói kẹo nhỏ nhoi
Ước mong sao tạo trên những đôi môi
Của các bé một nụ cười tròn mộng

Tiếng đàn tôi vẳng trong vuông sân trống
Xanh bóng cây ấp ủ mát tình người
Vòng quanh đây, đàn em bé mồ côi
Ngơ ngác mắt hát ca theo điệu nhạc

Bé hãy quên những gì vừa mất mát
Để ru hồn trong một thoáng thương yêu
Để ngẩn ngơ lắng nghe nhịp tim reo
Và nụ cười rạng tươi bờ môi nhỏ

Chị em mình đùa vui trên sân cỏ
Trong trò chơi, trong tiếng hát vươn cao
Như lúa non sưởi ấm ánh nắng đào
Lại đây bé mình siết tay thật chặt

Gói kẹo nhỏ thơm nồng hương ngọt mật
Ngậm vào môi tan loãng nỗi đắng cay
Các bé ơi, nghe vị miếng kẹo này
Ngọt môi xinh ươm mắt nai rạng rỡ

Chỉ thế thôi nhưng êm đềm như gió
Tình thương nào ấp ủ tự lời ca
Bé ngồi đây đôi mắt ngó thật thà
Chị nhớ tới dáng cỏ non yếu ớt.

Chiều xuống thấp lưa thưa tia nắng rớt
Thôi giã từ đàn em nhỏ dễ yêu
Để chị về thành phố ướt nắng chiều
Trong nuối tiếc bé thơ nhìn ngơ ngẩn

Đừng buồn nhé! Chủ nhật sau lại gặp
Các bé ngoan chị mang kẹo thật nhiều
Luyến lưu này mình nối rộng tay yêu
Đưa tay vẫy - Chị ra ngoài cổng sắt.

                                    MÂY TRẮNG (TKY)
                                           (bn Q.H.V.N)

Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)



Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

THU CA - Phương Uyên

 
  
Em đứng bên mùa thu
nơi lá vàng say ngủ
gót nai tìm suối mơ
trên con đường dốc nhỏ

trải sỏi vàng tuổi thơ
mà nghe đầy nhung nhớ
những nụ hồng ngày xưa
me hay cài trước cửa

bên màn thưa mầu xanh
để chim về ca hát
khi trời chiều bay nhanh
dáng hoàng hôn ngượng ngập

em chậm về với me
vì mải tìm bươm bướm
tặng bạn hiền yêu thương
chung thiên đường thuở đó

chừ ngọc ngà đi xa
mùa thu xưa đem trả
cho thời gian mầu xanh
để lần vào khung ảnh

đem tặng lâu đài cao
giữ gìn làm kỷ niệm
khi gió về lao xao
heo may chia yêu mến

lá trên cành xa cây
khóc thương thành giọt lệ
ôi! mùa thu nhiều mây
hãy che cho lá ngủ.

                     PHƯƠNG UYÊN
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967) 



Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

HOA NẮNG - Hương Kim Long

 


Buổi họp kéo dài mãi mà chẳng giải quyết được gì. Bực dọc, Vân nói:
 
- Nhất quyết mình làm sao ra báo cho đúng ngày, "ăn tiền" là ở chỗ đó, hy vọng lôi kéo sự thích thú của các bạn ở các lớp khác, nhất định mình thắng cuộc - Trường, cho biết bao giờ xong?
 
- Bài vở Trường đã trao Hương xem lại hết rồi, giờ chỉ việc bắt tay vào viết và trình bày, minh họa, cố gắng lắm là tuần sau hoàn tất.

Hương nãy giờ ngồi im trước đống bản thảo chi chít những chữ, lên tiếng:

- Bài viết được lắm, hợp với chủ đề "Hoa Nắng", Bạch Mai phụ trách viết, ngay tối nay khởi đầu là vừa.

Bạch Mai lắc đầu, mái tóc ngắn úp vào chiếc gáy trắng nõn ngún nguẩy như con chim họa mi:

- Mai viết được rồi, nhưng phần minh họa và đề chữ lớn Mai "yếu" lắm.

Vân nhanh nhẩu ngắt lời bạn:

- "Yếu" gì, Mai "đồ" trong Tuổi Hoa và chọn hình ở các báo khác là "xuya" rồi, hơn nữa...

- Trường không đồng ý, như thế là mình bắt chước người ta. Không được, mình phải làm một cái gì cho độc đáo. Nếu không ai nhận phần minh họa, trình bày, mình xin nhận. Bạch Mai viết bài xong trao mình.

Cả bọn vỗ tay hoan nghênh. Buổi họp mãn.

*

Chúng nó gồm bốn đứa con gái suýt soát tuổi nhau. Đó cũng là ban biên tập "Hoa Nắng", với Hương chủ bút, Vân chủ nhiệm, Trường tổng thư ký, và Bạch Mai quản lý. Chúng cố ra mắt trường một giai phẩm văn nghệ để thi đua toàn trường và chống lại những "chưởng lực" ở các lớp khác như: Lửa Hạ, Vui Hè, Tím v.v... Báo dự trù sẽ viết tay, và ra mắt trước hôm bãi trường một tuần lễ. Công việc thật nhanh chóng: trong một giờ Quốc Văn, Hương đã xin phép cô hướng dẫn ngỏ ý cùng các chị em trong lớp, công việc được cả cô và toàn lớp tán thành. Ban biên tập được chọn lọc ngay trong mười phút sau. Ban biên tập tương đối có khả năng báo chí với những thành tích trong lớp.

Hai ngày sau, bài vở gởi đến quá nhiều, chủ bút Hương phải thông cáo: "Chân thành cảm ơn sự đóng góp đông đảo của các chị em, nhưng số trang Hoa-nắng có hạn, xin hẹn các bạn vào dịp khác". Và ban biên tập khóa sổ nhận bài. Công việc khó khăn nhất là chọn bài, phải thích hợp với chủ đề, học đường và tuổi trẻ, chuyện tình yêu sướt mướt "xin cáo lỗi". Những mẩu chuyện vui nho nhỏ trong lớp ban biên tập cũng lưu ý đến, sửa đổi vài câu văn, thế là có một mục dí dỏm với tựa đề "Lớp tôi". Thôi đủ thứ, cấm túc, ngũ tếu, bị bà toán cho Zéro hằng loạt đều đủ mặt, những buồn vui nho nhỏ đó đóng góp vào Hoa Nắng những nét tươi trẻ thật tế nhị.

Việc chọn lựa xong, chuyền tay từng người trong ban biên tập xem qua, đồng ý hết. Và báo lên khuôn. Bạch Mai được giữ trách nhiệm thật nặng nề đó. Mai gò nét chữ trên tập giấy manh trắng tinh những chữ o thật tròn, những dấu chấm phẩy thật lả lướt duyên dáng, những chữ đầu câu viết hoa, Mai phải moi óc tìm tòi trong sách vở những nét thật "fantaisie" để ăn đứt bọn bên Đ K nhất là nhóm "Lửa Hạ" có tiếng là chì nhất. Mai và các bạn đều nghĩ thế và cố gắng làm trong âm thầm. Tòa soạn là phòng học của  Hương, những buổi hội họp trong ban biên tập đều có kẹo đậu phụng và nước lọc của vị chủ bút khoản đãi ; lo gì, đó rồi các "sở phí bất thường chi" này sẽ do "Bà" chủ nhiệm và viên Quản lý Hoa Nắng "chạy" với cô hướng dẫn. Đó là luận điệu mà Hương thường mỉm cười thật duyên trả lời, mỗi khi có ai hỏi đến. Công việc tuy chia ngôi thứ, kẻ chủ nhiệm, người thư ký, tuy thế ai cũng lo chóng hoàn tất. Trong lúc Vân chạy ngược chạy xuôi xin giấy phép cô hướng dẫn "xuất bản" nội san, Hương lo bài vở, Mai lo viết, và Trường thật bể óc với những lối chữ và nét vẽ ở các báo. Không biết Trường đã bê được ở đâu một quyển mẫu chữ thật đẹp và tân kỳ, hộp mầu còn mới tinh, những cây cọ láng lẫy gia tài của Trường đó, cô bé mái tóc Nhật bản duỗi dài trên nền nhà, lọc từng mẫu chữ, nét hý họa ra một tấm giấy than, mồ hôi lấm tấm trên trán, cũng mặc, ta phải hoàn tất công việc, Trường nghĩ thế, và những nét vẽ, lối chữ hợp với bài viết hiện dần ra trên một bản thảo lớn - Lúc Mai trao tập cho Trường, Mai đã nói:

- À cô họa sĩ, phần tôi xong rồi nhé, "bi giờ" đến phiên "cô" đó, ráng mà "gò" cho đẹp nghe "cưng", chiều mai thứ bảy bọn mình "họp" ở kem Huế "làm" một chầu gọi là hoàn tất công việc.

Trường reo lên sung sướng:

- Ồ, vui quá ta, nhưng mà...

- Không nhưng gì hết trọi, ráng chiều nay, đêm này cho xong, ngày mai buổi sáng xem lại lần chót, chiều "cưng" ở nhà chờ sẵn, bọn mình xuống cô hướng dẫn đi ăn kem. O.K?

- Nhất rồi.

*

Bóng tối đổ xuống từ lâu mà Trường đâu có biết, lúc nhìn chẳng ra chữ nữa, Trường bật điện. Ánh sáng chan hòa làm chói mắt. Lúc cơm tối xong, Trường vội vào phòng học vẽ miết đến giờ. Trường thấy mí mắt cứng ngắt, chưa khuya mà cơn buồn ngủ đã đến rồi sao? Trường tự hỏi và thầm trách, nếu buổi trưa mình chịu khó ngủ, bỏ qua "Lệnh Xé Xác" thì giờ này đâu đến nỗi buồn ngủ. Trường xuống phòng dưới rửa mặt và uống một ly nước lọc. Tỉnh táo, Trường tiếp tục vẽ, viết. Những nét chữ cỡ lớn đủ màu hiện ra, những nét chữ, nét vẽ uyển chuyển độc đáo nằm trên tập giấy trắng tinh thật gọn - Trường nói thầm: trước nữa cho bọn Mai, Hương, Vân ngán mình, sau tụi "Lửa Hạ" ở III C1 Đ K "lép vế".

Trường bỏ rất nhiều thì giờ vào việc vẽ tranh, phải đọc kỹ bài, phải minh họa cho ngộ nghĩnh, xác thực, đó là hai điểm thứ yếu, thật khó khăn nhưng vẫn cố gắng. Càng về khuya, đầu óc Trường càng sáng suốt, nét vẽ tinh vi. Cả nhà đã yên ngủ từ lâu. Chiếc đồng hồ phòng bên thong thả buông một tiếng - Khuya quá rồi mà, Trường nghĩ vậy. Còn khoảng 5 trang nữa xong nhiệm vụ. Trường tiếp tục một cách say mê. Một hồi lâu, lúc Trường vẽ xong trang cuối cùng, ngoài trời bắt đầu mưa, gió thổi tạt, cánh cửa phòng học đóng ập thật mạnh. Trường giật mình nhìn ra, trời tối đen, gió rít, những tàu lá chuối tạo nên những khuôn mặt kỳ dị. Trường bỗng lạnh toát người, trong bóng tối mịt mù hình như có một khuôn mặt đang nhìn mình, tóc dài xõa quá vai. Tất cả thật tối đen, chỉ có đôi mắt là rõ sáng, trong xanh quái đản. Trường không kịp xếp tập, vội vàng tắt đèn lên giường, không quên thu hết can đảm đóng nhanh cửa sổ. Chăn trùm kín đầu, trống ngực Trường vẫn còn rộn rã, gió rít từng cơn, mưa bắt đầu rơi lộp độp trên mái tôn một giọng đều đều buồn thảm, Trườn thiếp dần đi trong âm thanh mơ hồ đó.

Đến một lúc sau, Trường chợt tỉnh bởi những tiếng động mạnh ở phòng học. Hình như có tiếng chân người bước thật khẽ, tiếng trang sách bị lật tung, sột soạt trên từng tờ giấy. Trường nép mình một chiều, tim như ngừng đập, không dám thở mạnh, Trường mong sao cho tên vô hình đi qua, trong im lặng, Trường nghe rõ từng bước một. Ngập ngừng. Kín đáo có thể là một tên trộm, độ này vùng Trường trở nên bất an bởi vài vụ trộm vặt. Trường không dám cử động, tên trộm vẫn đi quanh phòng, từ bàn học, bàn viết, đến gầm giường, thật nhẹ nhàng, nó sẽ qua phòng bên cạy tủ, lấy vàng bạc. Tại sao ta không la lên, cho Ba Me, các anh biết, ta trách nhiệm nặng nề về vụ trộm này. Trường nghĩ thế mà vẫn nằm bất động, thân thể cứng sững, hai chân tê bại hẳn đi. Tiếng động đi quanh phòng một hồi lâu và dừng lại cạnh giường Trường. Trường cố nín thở, chắc là y cao lớn lắm nên mới ngồi ở mép giường rung rinh, bàn tay buốt giá cầm chéo chăn lên kéo mạnh. Trường chết điếng người, nghe rõ tiếng mình hét lên và không còn biết gì nữa.

*

- Con nhỏ này mê ngủ quá.

Tiếng những người chung quanh nói lớn, Trường từ từ tỉnh dậy. Khuôn mặt mẹ hiện ra trìu mến:

- Có gì vậy con.

- Ăn trộm, mẹ...

Anh Trường vội xem xét mọi nơi.

- Ồ có gì đâu nào, mày chỉ mê sảng, xem truyện ma, truyện chưởng cho lắm.

- Rõ ràng nó đi quanh phòng, rồi đến kéo chăn em mà...

- Thôi, mày mê sảng quá ; không có trộm đâu. Ngủ đi con - Ba Trường nói.

Trường đã tỉnh hẳn và ngồi dậy nhìn qua bàn viết, Trường bắt chợt thấy nét mực tung tóe khắp bàn.

- Trời ơi, tập báo của con.

Trường nhảy vội đến bàn, mực đổ nhòe nhoẹt trên nhưng bài viết công phu của Bạch Mai, những móng nhọn xanh vàng tím chạy từ trang nầy qua trang khác, thật bẩn thỉu - Trường như chết lặng, ôm tập báo trong tay, nước mắt chạy quanh. Trên một góc tủ, chú mèo "MINHON" chễm chệ ngồi, đôi mắt nhìn Trường thật xanh, xanh như màu mực dính đầy mấy ngón chân nhọn, và chiếc đuôi đẫm đầy mực tàu đen ngòm. Trường đã hiểu. Bất giác Trường khóc thành tiếng. Mẹ ôm Trường vào lòng:

- Ô hay, sao vậy con?

Trường được dịp khóc lớn, cả nhà không ai hiểu gì cả, Trường dụi đầu vào ngực mẹ, tay vẫn ôm tập báo cáu bẩn, trang bìa vẽ thật đẹp và hai chữ lớn thật xinh : HOA - NẮNG.


Hương Kim Long       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 56, ra ngày 1-11-1966)



Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

MỘT NGÀY VUI - Phạm Hoàng T. Hải

 

 SÁNG
 
Tôi khóa xe rồi chạy thật nhanh ra sân sau. Tôi dáo dác nhìn quanh: Yến chưa tới. Tôi trở về sân trước, ngồi xuống bục xi măng chờ đợi.
 
- Ê! Ngồi mơ mộng chi rứa? Bữa ni khai giảng mà ngồi rứa là nhớp hết đồ mới.
 
Tôi quay lại bĩu môi:
 
- Xì! Mi mặc đồ mới chớ tao hồi mô đó.
 
Yến cười ngồi xuống bên tôi. Hai đứa nói chuyện ròn tan cho đến khi vào lớp...
 
Tan buổi, tôi và Yến xách xe chạy đến quán bánh bèo. Hai đứa tìm một góc phòng ngồi như ra vẻ con nhà hiền lành lắm. Đợi mốt lúc thì bà chủ quán quen thuộc đem bánh bèo lên. Tôi xuýt xoa nhìn vào lớp tôm khô rải trên chén bánh bèo rồi làm dấu thánh già.
 
Bà chủ quán kéo chiếc ghế khác ngồi xuống. Yến tuyên bố:
 
- Bữa ni là bữa chót tụi tui ăn quán ni đó. Bà bán rẻ nghe. Tụi tui sẽ ăn bún bò suốt một niên học tới.
 
- Rứa tui dẹp tiệm cơm hả?
 
- Dạ.
 
Bà chủ quán cười rồi đứng lên qua bàn khác. Có lẽ bà cho Yến nói dối. Mà cũng thật, bánh bèo nhân tôm của bà ngon  nhất thành phố mà tụi tôi bỏ sao được.
 
Chợt, có hai "anh chị" cầm tay nhau đi vào quán. Yến khẽ kêu "mùi quá". Tôi nhìn hai người, họ đang tìm chỗ ngồi. Quán nầy bây giờ đông người quá, nhất là nhiều con trai nên "nàng" có vẻ "sợ". Thế là họ kéo đến chiếc bàn bỏ trống cạnh bàn tôi và Yến... Tôi quay qua nhìn Yến. Hắn đang im lặng. Tôi hiểu ngay cái sự "hiền lành" của nó.

Khi hai người "xác định" chỗ ngồi hẳn hòi. Yến bắt đầu gọi to:

- Bà chủ cho thêm nước mắm.

"Nàng" nhìn qua Yến, thấy nó thản nhiên, người con gái có vẻ bẽn lẽn vờ lấy khăn tay thấm mồ hôi trên mặt, mặc dù không có tí mồ hôi nào. Tôi liếc khẽ chiếc áo dài màu vàng rồi ngâm:

- "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc"

- Thôi, stop lại. Nghe giọng "ngâm" của mi chắc có người ăn ớt.

Tôi "chiếu tướng": qua chàng, y như lời Yến, "chàng" đang ăn trái ớt của tôi nên mặt đỏ gay.

Tôi im lặng. Họ cũng im lặng. Hai bên câm như hến. "Nàng" cứ liếc ngang liếc dọc. Bữa ni xui đó nghe, gặp tụi ni thì kể như đời "úa". Không "coi ngày" hay răng nữa? Lát về đừng có trách "chàng" răng mà dẫn vô quán ni nghe. Tôi nghĩ thầm và thấy vui vui. Hai tháng rồi chưa được "nói" mà, "mở hàng" cho năm này là hai "anh chị" này đây. 

Đang ăn "ngon lành" thì Giang "nhảy" vào, nó ré lên như cái loa bể:

- Tao ăn với bây. Bạn bè mà ở tệ rứa? Định "ăn tư" hả? "Qua mặt" tao khó lắm nghe bây. Liệu hồn đò.

Chợt nó xì tốp ngay cái giọng "thiên phú" của nó, nhìn về phía hai "anh chị": và hỏi tôi:

- Ê! Mi đi coi phim "Roméo et Julliet" chưa? Có đoạn mô hai người nớ đi ăn bánh bèo không?

Ba đứa tôi cười theo giọng của bọn con trai bên bàn kia trong khi họ đỏ mặt tía tai. Một vài tên "húi cua" bảo nhỏ: "con gái mà "hoang" ghê, chút nữa thì họ "độn thổ" bây hỉ? Tao mà là "thằng" nớ chắc tao không thèm ăn nữa". Không hiểu Yến có nghe tụi con trai nói không mà nó vẫn "ca vọng cổ":

- Thôi chớ mi. Coi chừng bà chủ sập tiệm bi chừ, có hai "con chiên" ngoan "đạo" bánh bèo mà mi nỡ làm họ bỏ "đạo" răng? Tội bà chủ tao lắm chớ bộ.

Lại cười. Tôi "thuyết Moral":

- Im giùm chút bây, tao sợ khi ra khỏi quán ni, "chàng" sẽ phải nghe "nàng" ca bài "con cá nó sống vì nước" quá. Dù răng đi nữa "chàng" cũng không thích cải lương mà. Nhất là cái giọng "oanh vàng thỏ thẻ".

Và cười, chúng tôi cười mãi. Cho đến khi họ sắp rời khỏi quán thì tôi nói nhiều nhất và bắt gặp một cái lắc đầu khe khẽ của tên "húi cua".
 

CHIỀU

Tôi cầm trái me. Hương gọt vỏ trái cóc, hai đứa chưa kịp ăn thì bạn anh Huy tới. Tôi ngượng chín người. Hắn hỏi:

- Có Huy ở nhà không?

Tôi gật đầu "mời" hắn vào nhà rồi lên phòng gọi anh tôi xuống. Khi rót nước ra tôi mới nhận thấy hắn chính là cái tên "húi cua" lắc đầu khi sáng. "Cố nhân" hử? Hình như hắn cũng nhận thấy vậy, nên khi tồi vào nhà với trái me thì nghe loáng thoáng tiếng hắn:

- Tao chịu luôn. Nếu đưa em mi đi thi "hùng biện" chắc đứng nhất. Thêm hai cô bạn nữa. Chúa ơi dễ sợ quá.

Anh Huy cười, tôi xí mấy tiếng. Người chi mô mà dễ ghét. Và chợt giựt mình khi nghĩ tới câu "ghét của nào trời trao của ấy".


PHẠM HOÀNG T. HẢI      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)


 

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

MÙA BÔNG SÚNG - Thơ Thơ

 
 
Mặt trời lấp ló
Nắng hửng đàng đông
Chờ con nước ròng
Chèo ghe ra hái

Rặng bần xanh trái
Em chẳng ưa chua
Súng đã vào mùa
Bứng lên kịp bán

Mặt nước lấp loáng
Sóng lượn lăn tăn
Lá súng xanh xanh
Tròn như chiếc đĩa 

Mẹ chẳng ngắm nghía
Cứ nhổ đều tay
Hương thơm ngất ngây 
Màu hoa đằm thắm

Đầm xa thăm thẳm
Sóng biếc mênh mang 
Cánh cò bay ngang
Mây giăng sông nước 

Cành súng tha thướt
Trong trời êm mơ
Lữ khách dừng bước 
Trau chuốt vần thơ...


                              Thơ Thơ 
                    (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

NƯỚC DÂNG - Phạm thị Hồng Mai

  


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tặng Đoàn công tác xã hội
Trường Phan thanh Giản - Đà Nẵng

Sóng đứng dậy và vồ theo chiều dốc
Gió rít hờn và dâng hẳn lên cao
Những căn nhà theo gió nước đổ nhào
Cuồn cuộn chảy đem theo người và vật

Buổi trưa về khi hàng cây nghiêng đổ
Mưa không ngừng dội sạch mái nhà xơ
Có những người cứng lạnh ngửa cổ trông
Họ đói quá bốc ăn từng cọng rạ

Dòng nước lũ mang theo người đói lả
Ở những nơi họ đến để bình an
Suốt cả ngày hai buổi chợ lang thang
Đêm gặm gió đắp sương trong lạnh lẽo

Những gia đình chỉ còn bé thơ vô tội
Mồ côi cha và mẹ... khóc nửa đêm
Lạnh và đói đã cướp mất cả tiếng rên
Những cụ già oằn lưng đang sưởi chúng

Nào hỡi những người giờ còn đang no ấm
Gom góp nhau lại những mảnh tình thương
Chiếc áo rách cũng vẫn để che sương
Chén gạo hẩm để người dùng sưởi ấm.

                                      PHẠM THỊ HỒNG MAI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)




Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

ĂN VỤNG - Hồ Nguyệt Cầm

  


Lúc mới chập chững bước vào bậc trung học gặp thầy cũ ai cũng khuyên:

- Các trò lớn rồi, làm nữ sinh Trung học chứ không còn học lớp ba, lớp tư nữa. Ráng chăm hơn và bớt đùa nghịch như hồi còn bé. Úy chao! Nói đến đùa nghịch thì phải biết đến bọn học trò. Nhất quỷ nhì ma thứ ba... học trò".

Tựu trường vào học lớp sáu, tháng đầu thì thầy cô đều khen học trò lớp sáu chăm ngoan dễ thương...

Ba tháng sau thì Dung được đổi lên ngồi bàn nhì, chung mí Lan. Nhờ vậy mà Dung mới khám phá ra có kẻ đang âm mưu ăn vụng trong lớp. Và người đó chính là Lan. Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Quả thật đúng như vậy!

Eo ơi! Lúc đầu thì Dung làm ngơ để nhỏ Lan ăn một mình, dẫu có mời cũng chả thèm ăn. Dần dần như bị cám dỗ Dung cũng đồng lõa ăn vụng trong lớp mí Lan... Nhưng chưa hết, nhỏ Lan còn tổ chức ăn vụng "đại quy mô" nữa chứ lỵ. Nhỏ Lan cứ theo thỏ thẻ mí bạn bè:

- "Nầy nhé, lúc ra chơi mấy bồ cứ mua quà đi rồi để dành vô lớp lấy ra ăn thì tuyệt".

Có ngay kẻ phản đối:

- Ăn vụng à? Không được đâu, rủi bị méc thì chết cả lũ.

- Ồ! Bọn mình đồng lõa mí nhau thì ai mà méc. "Đoàn kết gây sức mạnh" mà!

Hầu như tất cả bạn bè đều bị Lan "dụ dỗ". Và mục tiêu chính là chọn giờ sinh ngữ đem ra ăn. Vì tất cả thừa biết ông thầy sinh ngữ còn trẻ lại quá dễ đối với học trò. Cho nên hồi đầu bọn Dung ăn lén nhưng về sau cả bọn ăn công khai trước mặt thầy. Thầy vẫn điềm nhiên và ra lệnh:

- Mấy em đọc theo thầy: - Umbrella (cây dù).

Cả lớp đồng thanh:

- Úm - ba - la!

- Đọc sai rồi, các em hãy đọc lại.

- Úm - ba - la! Úm - ba - la!...

Thầy bắt đầu gắt:

- Các em đọc gì như đọc thần chú vậy? Lập lại đi chứ!

Cả giờ đồng hồ đọc có mỗi một chữ mà vẫn nghe úm-ba-la và tiếp theo là tiếng cười khúc khích của bọn Dung.

Ăn vụng vui lắm đa, bạn nào chưa hề ăn cứ thử ăn vụng trong lớp một bữa xem sao! (Nói là nói chứ đừng nghe lời xúi dại của Dung à!). Trong cặp bọn Dung thì lúc nào cũng có sẵn nào kẹo, nào bánh, me, cam thảo, đậu phụng da cá, chuối khô... và còn nhiều thứ lắm. Chao ơi! Những món đó để dành vào lớp ăn thì ngon biết mấy. Phong trào ăn vụng lan tràn cả lớp sáu, hầu như ai cũng có ăn vụng, không ít thì nhiều.

Chẳng hiểu cái bữa học vừa ăn vừa úm-ba-la đó có bị thầy nổi sùng méc với Soeur phụ trách lớp sáu không? - Mà bọn Dung nghe đồn xa gần vụ ăn vụng trong giờ sinh ngữ bị Soeur phát giác. Thành thử giờ Morale không có đứa nào thèm học bài. Thế là đùng đùng Soeur mở ngay một thiên "phóng sự" điều tra cấp tốc. Hôm ấy các bạn còn lạ gì bọn Dung, ngồi êm ru như ngoan hiền lắm, đến độ ruồi muỗi bay qua cũng nghe nữa. Bởi vì nhìn vẻ mặt hầm hầm của Soeur thì ai cũng phát khiếp.

Soeur đổi giọng nói ngay:

- Ai cho mấy người ăn vụng trong lớp? Lại ăn trong giờ sinh ngữ?

Im phăng phắc không một ai dám nhúc nhích.

- Ai bày ra cái vụ này? Hỏi là để hỏi chứ tôi biết đích danh mấy người rồi!

Bọn Dung khẽ nhìn nhau không nói nên lời. Tất cả các bạn trong lớp đều thầm van vái: đứa thì đọc kinh, kẻ kêu Chúa, người thì gọi Phật Trời cứu giúp mình thoát nạn.

Soeur vội vã lật quyển sổ điểm ra và nói:

- Ai tự thú tội thì tôi bớt năm điểm hạnh kiểm, bằng không, để tôi kêu tên ra thì bớt mười điểm và sẽ cho phép ở nhà vài ngày ăn cho mập.

Nghe Soeur nói đoạn chót, hầu hết các bạn trong lớp Dung đều liếc nhau cười thầm. Soeur áp dụng theo câu:

"Faute Avouée est à moitié pardonner"

(Tự thú lỗi, lỗi ấy sẽ được tha phân nửa). Không còn ngần ngừ gì nữa, Lan và Dung tự đứng lên một cách "oai phong lẫm liệt".

Soeur gật gù như tỏ vẻ hài lòng:

- À! Người chủ mưu và kẻ đồng lõa... còn nhiều người nữa kia mà!

Dung vội ngước nhìn xung quanh, thấy các "đồng chí" đều đứng lên tự nhận lỗi. Thế là khỏi nói cũng biết là Soeur đang hạ bút bớt mỗi đứa năm điểm hạnh kiểm. Hình như Soeur vẫn còn tức giận lũ học trò nên gắt:

- Mấy người ngồi xuống!

Cả bọn cùng ngồi nghe Soeur giảng Morale quá chừng:

"... Các con lớn rồi, ăn uống điều độ, muốn ăn tại sao giờ chơi không ăn? Lại để vô lớp mới ăn? Con gái gì mà ăn chót chét suốt ngày". Nhưng... Soeur giảng thì nghe, chứ chả có đứa nào để ý cả. Vì trong bụng đang mừng thầm gần hết giờ rồi khỏi trả bài.

Chao ơi! Tuần tới lại học bài cũ sướng thật. Soeur giảng vừa dứt tiếng là hồi chuông ra về. Cả bọn Dung cười ầm và vỗ tay vui vẻ như chiến thắng.

Soeur vẫn chưa hiểu nên nói:

- Ừ! Được lắm, ăn vụng mà còn cười... (như chợt nhớ ra chưa khảo bài) Soeur bật cười với đám học trò tinh quái.

Các bạn Dung thở phào nhẹ nhõm khi cuộc điều tra kết thúc.

Nhưng...nào có ngờ, kết quả cuối tháng những vị nào ăn vụng đều sụt hạng một cách thê thảm. Tuy đau khổ thật nhưng các bạn Dung đều cười tươi rói vì có nhiều đồng minh chung số phận hẩm hiu.

Chao ơi! Nhất là Dung khi nào lên hạng thì về đến nhà khoe ầm ĩ lên, nhưng tháng này thì... run quá Dung ơi! Mi có biết là mi gần đội sổ không? Chỉ vì mi nghe lời dụ dỗ của bạn, ham ăn vụng. Mà lúc trước Dung tự nghĩ: "Ái chà! Bắt chước ăn vụng thì nào có hại ai đâu?" Cho nên mi vui vẻ mà ăn bi giờ mi ráng chịu cho quen! Khổ nỗi, thời hạn chót là mai góp phiếu điểm rồi! Mà phiếu điểm mình chưa ký tên.

- À! Thôi mình dụ khị thằng em đem đưa cho ba ký tên rồi mình lẻn trốn sau bếp hay là... đi tắm. Kế này hay thật!

Sau khi "hối lộ" cho thằng em hai viên xí muội nhờ nó mang phiếu điểm đưa cho ba, Dung vội chuồn lẹ vô phòng tắm, xối nước ào ào mà trong bụng như đánh lô tô.

Dung nghe văng vẳng tiếng ba:

- Con Dung đâu rồi? Sao tháng nầy học gì kỳ quá vầy nè?

Chết! Ba đang thắc mắc "gì kỳ" quá!

Cũng may là em Dung nói:

- Chị Dung đang tắm.

- Ừ! Tắm rồi mau ra đây biểu.

Chết! Thôi nguy rồi! Có chạy lên trời cũng không khỏi nữa.

Dung lò dò lên nhà trên, mới thò đầu ra thì bị quát om sòm:

- Học hành gì càng ngày càng sụt, tại sao lại bị bớt năm điểm hạnh kiểm?

Dung cúi đầu lí nhí:

- Dạ... dạ! (chưa tìm ra câu trả lời).

- Không dạ gì nữa hết, học như "tuột dù", tháng đầu khá, tháng sau gần đội sổ, rồi tháng kế... Làm cái gì trong lớp mà bị bớt điểm, nói mau lên!

Eo ơi! Sao mi không tự thú một cách "oai phong lẫm liệt" như trong lớp mà mi đứng trơ ra ú a ú ớ chẳng ra lời?

Em Dung chen vô:

- Chắc chị Dung ăn vụng đó!

Ba Dung gắt lên:

- Phải vậy không! Ủa! Sao có miệng mà không nói, bộ câm rồi hả?

Dung thầm cám ơn thằng em đã mở lời trước và đáp lí nhí:

- Dạ... dạ "gần đúng" như vậy ạ.

- Trời! Còn "gần đúng" gì nữa. Hèn chi bị bớt điểm hạnh kiểm nè.

Ba Dung lại "phỏng vấn" tiếp:

- Ăn vụng chắc ngon lắm phải không con?

Dung quen miệng: 

- Dạ! (dạ nữa!!!)

- Ừ phải rồi! Ngon lắm nên tháng tới ăn nữa nghen con. Không biết xấu hổ còn dạ nữa nè.

Quả thực bi giờ thì Dung run như thằn lằn đứt đuôi. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đúng quá, chả sai tí nào cả.

Ba Dung vội réo má Dung:

- Má nó ơi, lên đây coi nè, ăn vụng ngon lắm nên con gái bà gần đội sổ. Tháng sau ăn nữa thì "cầm cờ" luôn.

Và ba Dung nói tiếp luôn: ... Bà làm ơn cất đồ ăn cho kỹ nha kẻo "chuột" ăn vụng hết.

Và bắt đầu từ đó Dung cứ bị ngạo là "chuột" ăn vụng. Trong lớp mà còn dám ăn thì nói chi đến ở nhà phải không các bạn?

Chao ơi! Ăn vụng ngon lắm hén bạn? Vừa ăn vừa vui cho nên cái mặt Dung mới bí xị khi lãnh phiếu điểm hàng tháng.

Đó là một trong những kỷ niệm vui buồn mà trò Dung không bao giờ quên.

Và mỗi lần nhớ đến thì phải cười ra nước mắt.


HỒ NGUYỆT CẦM       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)


Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

THƯ GỞI CHO CÁC CON TÔI - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Sáng ngày 13 tháng giêng năm 1954, chiếc thuyền buồm Vema dài 60 thước chở tám nhân viên trong đoàn thám hiểm hải dương học của đại học Columbia và 13 thủy thủ phải đương đầu với một trận bão ghê gớm và những ngọn sóng vĩ đại ở khoảng 200 hải lý phía bắc quần đảo Bermudes. Bỗng bốn người bị sóng đánh văng xuống biển. Trong số đó có vị chỉ huy đoàn, giáo sư W. Maurice Ewing, 47 tuổi vừa là giám đốc Đài quan sát địa chất học Lamont (ở Columbia), vừa là nhà hải dương học nổi danh khắp thế giới. Giáo sư ráng chống cự một giờ, kiệt lực, chỉ trong đường tơ kẽ tóc là qua cõi chết. Sau cùng ông được cứu thoát và hôm sau ông viết được bức thư cảm động này cho năm người con của ông từ 3 tới 9 tuổi.

Trên biển, ngày 14 tháng giêng năm 1954

Các con,
 
Ba viết thư này cho các con để nói chuyện với các con về tình yêu… yêu Chúa, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu hàng xóm. Ba đã có lần ráng chỉ cho các con hiểu sự quan trọng của tình yêu, nhưng ba thấy rằng lần đó ba chưa giảng được rõ ràng lắm. Bây giờ ba mới đích thân thấy sức mạnh của tình yêu và như vậy có thể ba giúp cho các con hiểu được rõ hơn.

Hôm qua một ngọn sóng lớn đã hất ba xuống biển và ba phải lội trong cơn dông, trong những ngọn sóng cao bằng ngôi nhà của chúng ta. Lội lâu, lâu lắm rồi, thuyền mới tới vớt ba lên.

Chính cái tình yêu kỳ diệu của các con đối với ba đã làm cho ba còn tiếp tục bơi được nữa khi mà sức ba đã kiệt. 

Đầu đuôi như sau :

Chuyến ra khơi lần này thực cực nhọc, dông tố không lúc nào ngớt mà nước vô thuyền hoài.

Bảy giờ sáng hôm qua, ba ở trên "boong" lại phòng các bản đồ để tính xem thuyền đương ở vị trí nào, thì thấy bốn thùng lớn đựng nhớt tung ra, lăn bậy bốn phía. Chiếc Vema chòng chành dữ dội, mấy cái thùng đó có thể đập vào, bung phòng phía sau, nước sẽ tràn vô phòng mà thuyền sẽ chìm. Đúng lúc đó chú John[1] hiện ra ở trên boong cùng với hai sĩ quan hải quân Charles Wilkie và Mike Brown. Ba và ba người đó cùng chặn và cột lại những thùng sau đó.

Vừa cột xong thùng cuối cùng thì một ngọn sóng kinh khủng trút xuống boong. Không ai trông thấy nó trước. Mọi người tức thì bị ngập nước, té nhào, lăn đi mọi phía với mấy cái thùng. Ba tưởng thế nào cũng bị văng mạnh kinh khủng mà xương cốt gãy hết, thân thể nát nhừ.

Bỗng ba cảm thấy rằng ba bị văng ra khỏi tàu, rớt xuống biển. Lâu lắm ba mới ngoi lên được tới mặt nước, lúc đó trong phổi ọc ạch đầy nước, thở khò khè như một người sưng phổi.

Ba thấy cả bốn người đều văng xuống biển. Hai sĩ quan hải quân mỗi ông may mà bám được vào một thùng dầu. Chú John ráng lội lại phía thuyền và ba ngại rằng chú sẽ mau đuối sức. Ba ráng lội lại một thùng dầu ;[2] muốn cho khỏi vướng, phải cởi quần áo ra đã. Vừa cởi xong thì nghe có người sặc sụa, nghẹn hơi, rên rỉ ở gần, nhìn chung quanh không thấy ai cả. Rồi tiếng đó ngừng bặt, ba biết rằng người nào đó đã chìm. Sau này mới hay là ông Charles Wilkie, một đại úy hải quân trẻ, đẹp, rất dễ thương.

Cởi xong áo sơ-mi rồi ba mới nhận định được tình thế. Một lát sau ba thấy chiếc Vema cách ba khoảng một hải lý đương quay lại phía ba. Ba tự hỏi không biết có đủ sức cầm cự cho tới khi thuyền đến không.

Chiếc Vema chạy được nửa khoảng cách rồi thì ngừng lại để vớt chú John, rồi quay nửa vòng để cho hông bên kia lại gần ba.

Không lội được nữa, ba lật ngửa, ráng thả bè thở như người ta thường chỉ : hít cho đầy phổi, nín cho lâu, thật lâu để người được nhẹ hơn, rồi thở ra thật mau rồi lại tiếp tục như vậy. Nhưng phổi ba đầy nước không thể giữ hơi được lâu, và mỗi lần rán hít vô một chút không khí thì một làn sóng lại phủ ba và ba lại nuốt thêm một ít nước nữa.

Chắc các con nghĩ rằng lúc đó, ba cảm thấy cô độc lắm. Không, ba không thấy cô độc chút nào các con ạ ! Ba có cảm tưởng rằng tất cả những người hiền lương mà ba quí mến đều ở bên cạnh ba để khuyến khích ba. Rồi lần lần họ biến hết và chỉ còn lại các con thôi, và ba có cảm tưởng rằng ba có một công việc gì gấp phải làm cho các con. Ba thấy hình như hết thảy các con - Bill và Jery và Hoppy và Petie và Maggie - hết thảy đều sắp chìm lỉm và để cứu các con, ba phải tiếp tục lội.

Sau cùng chỉ còn bé Maggie ở lại bên ba. Ba không thấy bé nhưng nghe tiếng của bé. Bé gọi ba như mỗi tối đứng trên đầu cầu thang, bé nghe thấy giọng nói của ba khi ba ở sở về. Bé lặp đi lặp lại hoài :

- Ba, ba, ba, lại đây ba, lại đây !

Các con nhớ hoài điều đó nhé, nhớ hoài nhé. Nhớ rằng tình yêu của bé Maggie còn mạnh hơn tất cả những ngọn sóng kinh khủng đó nữa. Sóng nhồi ba chìm xuống, lăn qua lặn lại hoài nhưng tình yêu của Maggie vẫn mạnh hơn. Và đúng lúc ba quên hết mọi sự ở đời, trừ bé Maggie - đúng lúc ba ráng lại gần bé - thì ba nghe thấy có tiếng ai trong trẻo ở gần ba bảo ba rằng :

- Tiến sĩ, ông bíu lấy đầu kia cái thùng này thì tôi dễ nắm nó hơn.

Đấy là tiếng ông Mike Brown đương bám vào đầu một thùng dầu. Ba đưa tay ra bíu vào thùng. Thật là dễ chịu vô cùng cho ba và cả cho ông ấy nữa. Một thùng dầu, mỗi người bíu vào một đầu thì thăng bằng như một cái đu, không chòng chành, lăn qua lăn lại nữa.

Lúc đó ba thấy chiếc thuyền tiến lại gần. Có người liệng xuống một chiếc dây thừng, ông Mike bắt được. Một tay nắm chắc dây thừng, một tay bíu vào thùng dầu, ông để cho người trên thuyền kéo chiếc thùng với ba và ông ấy lại gần tàu.

Chiếc Vema chòng chành dữ dội và ba mệt quá, không cất nổi bàn tay lên nữa. Đúng lúc chiếc thuyền nằm ở dưới hỏm, tại chân một ngọn sóng thì ông Mike nắm được lan can của thuyền, leo lên. Thuyền lắc lư làm cho ba chìm. May thay ba thấy chiếc dây thừng ở bên cạnh, bèn chụp lấy. Ba đã tưởng không sao ngoi lên được mặt nước, vậy mà nhờ dây thừng đó ba cũng ngoi lên được. Và khi chiếc Vema lại nghiêng một lần nữa ở dưới chân một ngọn sóng thì người trên thuyền nắm lấy cánh tay ba. Ba không còn nhớ chút gì những việc xảy ra sau đó cho tới khi ba tỉnh lại, thấy mình nằm trên một chiếc giường, dưới mấy lớp mền.

Chuyện đó xảy ra hôm qua và ba rất mừng đã thoát chết. Chú John mạnh khoẻ, chân sưng một chút, nhưng xương không gãy. Ông Mike Brown cũng mạnh, chỉ vài giờ sau đã thay phiên cho bạn được… Nửa mình bên trái của ba còn nhức mỏi, chưa cử động được ; ở tuổi của ba mà lội lâu như vậy sao được. Tối nay thuyền sẽ tới quần đảo Bermudes, và nhờ các bác sĩ, ba sẽ bình phục mau được.

Có những bài học chỉ kinh nghiệm mới dạy được cho ta thôi. Ba là nhà khoa học, dĩ nhiên mới đầu chỉ nghĩ đến những cái gì hữu hình. Hết thảy chúng ta đều phải tập lội cho giỏi và tránh những thói xấu làm cho cơ thể suy nhược. Nhưng ba cũng biết rằng sở dĩ ba sống sót được, không phải chỉ là nhờ những vật hữu hình mà thôi.

Chúng ta phải nhớ rằng chính tình yêu, tình yêu của các con, của má các con và ba, tình yêu
lẫn nhau đó đã cho ba đủ sức để khỏi chìm, đủ chống cự lại lâu sau khi đã kiệt sức rồi.

Tình yêu của má các con và các con đã mạnh hơn những ngọn sóng ghê gớm đó. Tình yêu của Chúa đã tới phút chót run rủi cho ông Brown và thùng dầu trôi lại phía ba. Có lẽ chúng ta không thể thấy rõ được sức mạnh của tình yêu. Nhưng nó có thực, nó rất thực và đó là một trong những sự thực nhất trên đời.

Ba của các con.

W.Maurice Ewing          
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch 
(trong Ý Cao Tình Đẹp)     
 _______
[1] Em của tác giả, cũng làm trong đài Lamont.
[2] Trong bài này, tôi cắt đi vài đoạn ngắn.