Thư của em T.Q.H, Tân Phước Khánh:
Thưa chị!
Không
biết em nghĩ có đúng hay không, hình như trong các bức thư gửi đến tòa
soạn Thiếu Nhi, chị chỉ thích thú khi trả lời những bức thư giãi bày tâm
sự, kể chuyện vui buồn với chị. Còn các bức thư tỏ bày ý kiến để góp
phần xây dựng cho Thiếu Nhi, chị chỉ trả lời lấy lệ. Em có cảm tưởng là
có lẽ chị nghĩ rằng trong những bức thư này là các tên tài hay, bày đặt
lên giọng kẻ cả làm như mình là chủ nhiệm. Bằng cớ là trong 1 số Thiếu
Nhi cũ mà em đã quên số rồi, em có đọc được những dòng trả lời của chị:
"Em đọc báo kỹ như vậy là tốt lắm, sẽ thực hiện dần các đề nghị của em" (18 chữ).
Rồi
sau số báo đó, em có gởi cho chị một bức thư dài 2 trang đề nghị nhiều
điểm để cải tiến báo Thiếu Nhi. Nhưng sau ba tuần lễ chờ đợi, em nhận
được những câu trả lời tương tự:
"Em đọc báo kỹ như vậy là tốt lắm. Đã chuyển qua chú Nhật Tiến để thực hiện những đề nghị của em".
Thưa chị! Chị trả lời như thế tại sao hơn một tháng rồi mà chị không thực hiện những đề nghị của em.
...
Này nhé, em đề nghị bãi bỏ mục "những bài luận hay", mục đó vẫn còn y,
em đề nghị mời anh Bình cộng tác lại, cũng vẫn không có. Em đề nghị báo
thiên nhiều về khoa học thì hiện giờ : Văn chương và khoa học cũng vẫn
đồng đều.
Chị
có biết rằng muốn viết những bức thư trên, em phải lục lọi lại từ Thiếu
Nhi số 1 đến bây giờ, rồi tìm tòi, so sánh chứ có phải chúng em viết
bậy viết bạ muốn viết gì thì viết đâu. Thế mà, thư đến tay chị, chị chỉ
xem sơ qua rồi thì: "sẽ thực hiện dần" lấy lệ.
Mới
đây, trong một số Thiếu Nhi em gặp có một anh bạn nhờ chị mua cái gì
đó, chị trả lời lại: "Chị bận quá không thể mua dùm em được". Em thấy
"bận" là một cái cớ của người lớn luôn dùng để thoái thác việc gì mình
không muốn làm. Chị có gì mà bận
dữ vậy. Chiều mát, chị xách xe chạy một vòng mua đồ dùm rồi ra bưu điện
gởi đi là được, vậy mà chị cũng từ chối. Những anh bạn nhờ
chị như vậy là tại vì không đi Sàigòn được hoặc không biết mua, coi chị
như người chị cả mới nhờ chị mua đồ dùm. Chẳng lẽ một người chị quá bận
nhín chút thì giờ mua đồ cho em không được sao chị! Hay là chị chỉ mua
dùm chúng em những loại sách của chú NT, của chị, hoặc của nhà sách KT
thôi hay sao. Những anh bạn nhờ chị mua đồ như vậy là vì đã tự đặt mình
vào trong đại gia đình Thiếu Nhi, coi đó như một gia đình thật sự mới
dám nhờ chị. Vậy mà sau cùng phải đành thất vọng. Bong bóng tưởng tượng
bay lần theo mây khói.
Trả lời:
Chị
xin tất cả các em vui lòng cho chị giãi bày dài dòng một tí nhé. Tuy là
trả lời em H, nhưng chị hy vọng tất cả các em đều có thể rút tỉa ra
được một bài học nhỏ về cách xử thế ở đời.
Em H, em có trí nhớ không được tốt lắm, khi em viết lại câu trả lời của chị như sau: "Em đọc báo kỹ như vậy là tốt lắm, sẽ thực hiện dần các đề nghị của em" (18 chữ). Xin em đọc lại trang hộp thư số 49, đã in thế này: "Em đọc báo kỹ vậy tốt lắm, tòa soạn sẽ nghiên cứu các ý kiến đó em nhé"
(cũng 18 chữ) đúng như em đã đếm trong thư. Chị ân cần nhắc em, và mong
em, nếu muốn được trở nên yêu đời, em hãy rán công bình. Phải hết sức
tránh tất cả mọi sự xuyên tạc, mặc dù sự xuyên tạc đó có đem lại lợi ích
cho mình. Hàng tuần, tòa soạn họp, và "nghiên cứu" tất cả ý kiến của các em gửi về. Nếu thấy ý nào hay, hợp với đa số độc giả thì tòa soạn sẽ tìm cách "thực hiện".
Còn những ý kiến không thích hợp thì sẽ được cất trong tủ sắt. Chị trả
lời là "nghiên cứu" thì không thể có nghĩa là "sẽ thực hiện" được, chắc
em cũng hiểu nghĩa chữ đó mà. Mỗi ý kiến đều được cả tòa soạn, suy nghĩ,
tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Chứ ý kiến gửi về rất nhiều, mỗi em mỗi
ý, nếu ý nào cũng thực hiện thì tờ báo sẽ không còn đường lối, chủ
trương gì nữa cả. Bây giờ trở lại những ý kiến của em. Em đề nghị nên
thiên nhiều về khoa học. Đấy là ý thích của riêng em, không phải của đa
số độc giả. Tờ báo của chúng ta dàn trải đủ mọi khía cạnh: Đạo đức, trí
dục, nghệ thuật, tâm lý, nữ công, giải trí, kiến thức phổ thông, văn
chương, thơ phú, khoa học, chứ không đặt nặng riêng phần nào. Nếu muốn
nghiên cứu riêng về khoa học, em nên đọc tạp chí thuần túy khoa học. Đại
đa số các em không thích khoa học chiếm hầu hết tờ báo, điều đó nếu em
đã đọc TN từ số 1, thì hẳn em cũng đọc 1 lần nào đó chị đã trả lời một
em đại ý như thế. Nơi trang hộp thư ít ỏi, mà chị đã để ối đọng nhiều
thư của các em, nên chị không thể phân tách tỉ mỉ từng lý do mỗi khi
không thực hiện ý kiến nào em ạ. Chị chỉ hy vọng lần lần, các em sẽ cảm
thông với đường lối của tờ báo để mà tìm được những điểm hay.
Em trách chị không mua đồ dùm các em khác, và viết: "Hay là chị chỉ mua dùm chúng em những loại sách của chú NT, của chị, hoặc của nhà sách Khai Trí thôi hay sao". Điều này em cũng lại nhớ lầm rồi. Sẵn số 49 mà chị vừa nhắc em coi lại chị trả lời Lê Đạt Quang rằng "... em gửi về mua ở nhà sách Khai Trí, 62 Lê Lợi Saigon I"
chứng tỏ chị không có thì giờ mua sách dùm, dù là nhà sách Khai Trí...
Ngoài ra, nhiều kỳ báo nơi hộp thư, chị nhắc các em đừng nhờ chị mua
sách, mà nên gửi tiền về nhà sách. Còn sách của chú N.T. thì xin em nêu
cho chị một trường hợp nào chứng tỏ chị đã mua sách của chú dùm các em.
Em viết: "Chiều mát, chị xách xe chạy một vòng mua đồ dùm rồi ra bưu điện gửi đi là được, vậy mà chị cũng từ chối".
Em H, chị xin nhắc lại với em rằng gia đình TN hiện nay có 3746 em, nếu
em nào cũng nhờ chị mua một món đồ nào đó, thì chị sẽ ra sao. Sẵn đây,
chị kể lại một câu chuyện về mua đồ. Hồi đầu năm, em Lê Thế Minh ở
Kontum gửi thư có kèm theo 3500đ nhờ chị mua dùm 1 cái vợt cán sắt. Chị
thấy Minh đã lỡ gửi tiền rồi, trả lại tội nghiệp quá, sợ Minh mong, một
buổi sáng chị lên Saigon đi tìm hàng vợt. Chị không phải nhà thể thao
nên không biết gì về vợt hết, cứ đi khắp các hiệu tạp hóa tìm thì chỉ có
loại vợt 3, 4 trăm đồng một cặp, không phải thứ đặc biệt Minh nhờ. Sau
có người chỉ chị ra một hàng bán đồ thể thao ở đường Lê Lợi, Saigon. Vào
hỏi thì nhà hàng nói loại vợt đó tới trên 8000đ, còn loại Kawasaki của
Nhật thì 3750đ, cán bằng cây không phải sắt. Chị không mua về nhà viết
trả lời cho Lê Thế Minh như vậy. Minh bèn gửi thêm 700đ nhờ chị mua cái
vợt Kawasaki, tiện thể kèm thêm 1 cuốn võ thuật. Một buổi sáng sau đó,
chị lại đi mua cái vợt kèm thêm cuốn sách, đem về chị sợ gửi đi gẫy vợt,
bèn ra hiệu tạp hóa mua một cái hộp carton dày, xong vào lục lọi trong
nhà lấy hai miếng cây mỏng, chị ép ở hai bên cái vợt, rồi xếp cái hộp
carton cho mỏng lại, bao trọn cái vợt. Chiều đó chị đau, không đi được,
chị phải nhờ người đem gửi. Gửi bảo đảm mất công lắm, phải chờ lần lượt
tới phiên để được kiểm soát, gói cột kỹ lại, cân đồ ghi phiếu v.v... mất
cả một, hai giờ đồng hồ. Thời gian sau, chiến cuộc ở Kontum bùng nổ
mạnh, bẵng đi mấy tháng, một hôm chị nhận được thư của Minh gửi về hỏi
tin tức vụ cái vợt chị đã gửi đi chưa. Chị ngạc nhiên rằng sao Minh
không nhận được. Chị lại phải lục lại và gửi cho Minh cái cuống biên
nhận đồ gửi bảo đảm. Minh ra bưu điện Kontum khiếu nại, được trả lời là
bưu điện Saigon chưa gửi lên, và minh hoàn biên nhận về để chị khiếu
nại với Saigon. Chị đã tới lui mấy lần ở bưu điện Saigon nhờ người tìm
giúp nhưng chưa tìm ra cái gói đồ đó, và được ức đoán tạm là có thể bị
thất lạc vì chiến sự. Hiện nay chị đang chờ đợi bưu điện Saigon sưu tra.
Trong trường hợp mất mát thì chị buồn lắm. Vì chị đã bỏ công đi mua mấy
lần, gói ghém bằng tấm tình người chị gửi cho em ở xa. Mà đồ thất lạc
thì lòng chị áy náy lắm em ạ. Chỉ với một người em trong đại gia đình
Thiếu Nhi, nhờ chị mua một món đồ, chị đã mất từng đó thì giờ trong cuộc
đời của chị. Chị cũng chỉ được 24 giờ trong 1 ngày. Mà chị cũng như các
em, có đủ cha mẹ, anh em, gia đình, họ hàng xa gần, thầy, bạn v.v...
Chị cũng còn rất nhiều bổn phận và công việc mà chị phải hoàn tất trong
một ngày.
Chị
không buồn giận em. Nhưng chị mong em đọc lại Thiếu Nhi kỹ, em sẽ lĩnh
hội được thêm nhiều điều hay, mà điều chị ước mong nhất là em sẽ trở nên
độ lượng hơn. Đừng luôn luôn trách móc và bất mãn. Đừng luôn luôn hỏi: "Họ đã làm gì cho ta". Em ơi! Nếu muốn cho tâm hồn mở rộng để mà thương người, yêu đời, xin em đổi câu đó thành: "Ta đã làm gì cho họ". Chị ước mong sẽ được đọc lá thư sắp tới của em với những tư tưởng cởi mở hơn và với hàng chữ: "Em đã đọc lại Thiếu Nhi từ số 1". Chị mong mỏi em làm cho chị điều ấy, đừng từ chối em nhé.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 61, ra ngày 22-10-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.