Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

TÔI GẶP EINSTEIN - Nguyễn Hiến Lê

 


Hồi đó tôi còn trẻ măng, mới bước vào đời thì nhận được thiếp mời dự một bữa tiệc của một nhà từ thiện nổi tiếng ở New York. Sau bữa tiệc, nữ chủ nhân dắt chúng tôi qua một phòng khách rộng mênh mông. Một đoàn khách nữa lũ lượt kéo tới và tôi nhận thấy hai điều dưới đây mà đâm ngại ngùng: gia nhân kê mấy hàng ghế dựa thếp vàng, và trước mặt những hàng đó, ở tường có dựng nhiều nhạc khí. Cái điệu này tôi sắp phải chịu cực hình nghe tấu một bộ bốn cây huyền cầm mất.

Tôi nói "chịu cực hình" vì tôi chẳng thích nhạc một chút nào cả. "Tôi không có tai nghe nhạc" phải gắng lắm mới nhớ được một điệu giản dị nhất, còn tấu nhạc cổ điển lên cho tôi nghe thì chẳng khác gì đàn gảy tai trâu. Vì vậy tôi dùng cái thuật cố hữu của tôi mỗi khi bị vào tròng: tôi ngồi đó, trong mấy nhịp đầu làm ra bộ mê nhạc, hân hoan lắm, rồi thì bỏ ngoài tai mà suy nghĩ về những chuyện đâu đâu chẳng liên quan gì tới nhạc.

Được một lát, thấy người chung quanh vỗ tay, tôi nghĩ bụng lúc này có thể trở về với thực tại được rồi, không hại gì cả. Tức thì tôi nghe thấy ở bên phải tôi một giọng nói êm đềm nhưng rõ ràng lạ lùng:

- Cậu có thích Bach [*] không?

Đối với tôi thì Bach cũng xa lạ như hạch tâm. Nhưng nhìn mớ tóc bạc bờm chờm kia, chiếc ống điếu bất tuyệt ở trên miệng kia, tôi nhận ra được một vĩ nhân nổi danh nhất thế giới. Tôi ngồi ở bên cụ Einstein.

Tôi hơi ngượng nghịu, do dự:
 
- Dạ, thưa cụ…

Câu hỏi mà xã giao thì chỉ cần kiếm một câu đáp cũng xã giao. Nhưng nhìn cặp mắt sáng dị thường của cụ, tôi biết rằng câu hỏi của cụ không phải chỉ là xã giao, dù tôi có cho nó là quan trọng hay không, thì đối với cụ, nó cũng có nhiều ý nghĩa. Nhất là đối với một người như cụ, tôi không thể nào nói láo được. Cho nên tôi ngượng nghịu thú thật:

- Cháu tuyệt nhiên chưa được biết Bach, chưa được nghe nhạc của ông ấy bao giờ.

Trên nét mặt linh động của Einstein, hiện lên một vẻ ngạc nhiên, ngần ngừ. Cụ hỏi tôi:

- Cậu chưa được nghe Bach lần nào ư?

Như thể tôi mới thú với cụ rằng chưa hề tắm lần nào vậy.

Tôi vội nói tiếp:

- Không phải là cháu không ưa Bach. Nhưng cháu không có tai nghe nhạc, gần như vậy. Thực tình cháu chưa thưởng thức được nhạc của bất kỳ nhạc sĩ nào.
 
Cụ có vẻ buồn, rồi bỗng nhiên bảo tôi:

- Cậu lên đây với tôi.

Cụ đứng đậy, nắm cánh tay tôi. Tôi cũng đứng dậy, và chúng tôi cùng đi qua căn phòng đông nghẹt đó, tôi thì cúi gầm mặt xuống lúng túng vô cùng. Trong phòng có tiếng thì thầm ngạc nhiên mỗi lúc mỗi lớn, ra tới phòng ngoài rồi tôi mới không nghe thấy nữa. Cụ cứ thản nhiên như thường.
 
Cụ đưa tôi lên thẳng từng lầu nhất. Cụ thuộc lối lắm. Lên hết cầu thang cụ mở một cái cửa đưa vô một phòng làm việc trên tường đầy sách. Để tôi vô rồi, cụ khép cửa lại, khẽ rụt rè mỉm cười hỏi tôi:

- Bây giờ cậu cho tôi biết cậu có thái độ đó đối với âm nhạc đã từ bao lâu nay.
 
Tôi khổ sở vô cùng, đáp:
 
- Thưa, từ hồi nào tới giờ. Nhưng cháu van cụ, mời cụ xuống phòng khách nghe hòa nhạc! Cháu nghe mà không thưởng thức được thì có gì là quan trọng đâu ạ.

Cụ lắc đầu, cau mày, như thể tôi mới lỡ lời nói bậy vậy.

- Cậu cho tôi biết có thứ nhạc nào cậu thích không?

- Dạ!… Có lẽ cháu thích những điệu nhạc có lời, thứ nhạc mà cháu hiểu được giai điệu.

Cụ mỉm cười gật đầu, vẻ khoái chí lắm.

- Cậu kể một bản nào làm thí dụ được không?

- Thưa... cháu không nhớ nữa... Gần hết các bản của Bring Crosby.

Cụ lại vui vẻ gật đầu:

- Được lắm!

Rồi cụ lại một góc phòng, mở một máy hát, lựa trong đống đĩa hát. Tôi vẫn ngượng ngùng ngó cụ. Sau cùng cụ toét miệng ra cười, bảo:

- Đây rồi!

Cụ đặt một đĩa lên máy hát và trong phòng vang lên điệu hát nhẹ nhàng vui vẻ của Bring Crosby: When the blue of the nights meets the gold of the day. Cụ ngó tôi, nét mặt hân hoan, lấy ống điếu gõ nhịp. Sau hai ba câu, cụ cho máy ngưng.

- Bây giờ cậu cho tôi biết cậu mới nghe thấy gì đó.

Tôi nghĩ cách giản dị nhất để đáp câu đó là hát điệu đó lên. Tôi gắng sức một cách tuyệt vọng để hát cho khỏi sai điệu, sai giọng. Mặt cụ tươi lên; khi tôi ngừng, cụ la lớn:

- Đấy! Cậu quả có tai nghe nhạc mà!

Tôi lắp bắp đáp rằng điệu đó là một trong những điệu tôi thích và tôi đã nghe nó cả trăm lần rồi, như vậy có chứng minh được gì đâu.

Cụ bảo:

- Bậy nào! Chứng minh được nhiều lắm chứ! Cậu còn nhớ bài số học dầu tiên của cậu ở trường không? Thí dụ rằng ngay buổi đầu tiếp xúc với các con số mà ông giáo của cậu muốn dạy ngay cho cậu làm những toán chia thật dài chẳng hạn hoặc những toán về phân số, thì cậu có làm được không?

- Chắc chắn không ạ.

Chiếc ống điếu của cụ múa tít một vòng đắc chí.

- Dĩ nhiên! Làm sao nổi, mà cậu còn kinh hoảng nữa là khác. Cậu sẽ kệch những toán chia dài và toán phân số. Và như vậy, chỉ do lỗi của ông giáo đó mà có lẽ suốt đời cậu không bao giờ được thấy cái đẹp của những toán chia dài và toán phân số.

Chiếc ống điếu lại múa một vòng nữa trên không trung.

- Nhưng không ông giáo nào lại thất sách như vậy trong bài giảng đầu tiên. Ai thì cũng bắt đầu giảng cho cậu những điều sơ đẳng nhất, khi nào cậu đã quen làm những bài toán giản dị nhất rồi mới lần lần tập cho cậu làm toán chia dài và phân số. Nhạc thì cũng vậy.

Nói tới đó, cụ cầm chiếc đĩa hát Bring Crosby lên:

- Bài hát nhỏ, vui vui này là bài toán cộng hay trừ giản dị mà cậu đã hiểu rồi đấy. Bây giờ chúng ta nghe một bản hơi phức tạp hơn.

Cụ lựa một đĩa khác rồi cho máy chạy. Phòng lại vang lên tiếng vàng của John McCormach hát bản The Trumpeter. Được vài câu, cụ lại cho máy ngưng.

- Bây giờ cậu thử hát lại khúc đó xem nào.

Tôi vâng lời cụ, mà ngại ngùng quá đỗi, nhưng lạ lùng chưa, tôi hát được đúng điệu chứ. Cụ ngó tôi và trên nét mặt cụ tôi thấy một vẻ mà trước lúc đó tôi chỉ được thấy mỗi một lần, trên khuôn mặt ba tôi, khi tôi nhận được bằng cấp đại học, rồi đọc diễn văn từ biệt ngôi trường.

Tôi hát xong, cụ khen:

- Tuyệt! Bây giờ, tới bản này!

"Bản này" là bản Cavalleria Rusticana của Caruso, mà tôi không thể nhận ra được. Nhưng tôi cũng phát ra được vài âm thanh gần tương tự. Mặt cụ Einstein tươi lên.

Sau Caruso, tiếp theo ít nhất là một chục bản khác nữa. Tôi không thể nén nổi sự hoảng hốt tôn kính của tôi khi thấy vĩ nhân đó - mà do một sự may mắn lạ thường tôi tình cờ được gặp mặt - hoàn toàn chú ý vào sự dắt dẫn, chỉ bảo tôi, như thể ngoài tôi ra, cụ không còn chút bận tâm nào khác.

Sau cùng tới những đĩa nhạc không có lời và cụ cũng bảo tôi nghe xong rồi hát lại. Khi tôi rán phát một "nốt" cao, miệng cụ há ra, cụ ngả đầu về phía sau, như để giúp tôi cất tiếng lên bổng. Chắc là tôi hát không tệ lắm, vì cụ, bỗng nhiên cho máy ngừng, nắm cánh tay tôi và bảo:

- Bây giờ chúng mình nghe Bach được rồi.

Rồi chúng tôi khoác tay nhau trở về chỗ ngồi cũ trong phòng khách đúng lúc các nhạc công đương lên dây để tấu một khúc khác.

Cụ mỉm cười, vỗ vai tôi khuyến khích:

- Cứ lặng yên mà nghe, có vậy thôi.

Dĩ nhiên, không phải chỉ có vậy mà thôi. Tôi, một tên vô danh tiểu tốt, nếu hôm đó không được cụ gắng sức hướng dẫn thì làm sao được nghe, lần đầu tiên trong đời tôi, khúc Pâturez, troupeaux của Bach. Từ hồi đó tôi đã được nghe lại khúc ấy nhiều lần, không bao giờ chán cả vì không lần nào nghe một mình. Lần nào tôi cũng thấy tôi ngồi bên cạnh một cụ thấp bé, tròn trĩnh, mớ tóc trắng, bờm chờm, chiếc ống điếu ngậm trong miệng đã tắt ngấm, và khóe mắt nhiệt thành lạ lùng như chứa tất cả niềm kinh dị trên thế giới.

Khi nhạc ngừng, tôi vỗ tay thành thực khen với các thính giả khác.

Bỗng bà chủ nhà xuất hiện trước mặt chúng tôi, liếc tôi, vẻ lạnh lùng trách móc rồi thưa với cụ Einstein:

- Thưa Tiên sinh, chúng tôi rất ân hận rằng Tiên sinh đã không được nghe một phần lớn buổi hòa tấu nhạc này.

Cụ Einstein và tôi đều vội vàng đứng dậy.

- Tôi cũng ân hận lắm, nhưng cậu bạn trẻ của tôi đây và tôi mải làm một việc cao cả nhất mà con người có thể làm được.

Bà chủ nhà ngạc nhiên, hỏi:

- Vậy ư? Việc gì vậy?

Einstein mỉm cười, nắm vai tôi rồi thốt ra câu này mà theo tôi, kẻ suốt đời chịu ơn cụ, có thể
khắc trên mộ bia của cụ được:

- Khai hoang một khu mới trong cái thế giới bí mật của cái đẹp [2]
 
 Jérome Weidman        
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
(trong Ý Cao Tình Đẹp)   
_____ 
 
[1] Nhạc sĩ vào bậc thiên tài của Đức ở tiền bán thế kỷ XVIII.
[2] Chúng ta nên nhớ Einstein tới nước nào cũng được tiếp đón long trọng hơn các vị quốc trưởng. Có lần ông qua Nhật diễn thuyết, hàng vạn người Nhật thức suốt đêm ở trước khách sạn của ông để đợi ông buổi sáng hiện ra trên ban công mà hoan hô. Vậy mà đối với thanh niên, tác giả bài này, ông thực giản dị, hồn nhiên, chân thành, tận tâm làm sao! Đó mới thực là tư cách một vĩ nhân.
 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 130, ra ngày 1-10-1974)



Không có nhận xét nào: