Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

HƯƠNG HOA BƯỞI - Dương Yên Đặng

 

Nếu có ai hỏi tôi chuyện gì làm tôi xúc động trong thời thơ ấu? Tôi sẽ trả lời: cái chết của em Huy tôi. Cái chết của Huy ám ảnh tâm trí tôi cho đến bây giờ ; nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn nhớ như in.

Thày mẹ tôi chỉ có hai con: tôi và Huy. Tôi lớn hơn Huy hai tuổi. Ngày em Huy chết em vừa lên sáu tuổi. Thày mẹ tôi thường nói Huy khôn ngoan, kháu khỉnh hơn tôi nhiều. Có khi thày tôi xoa đầu tôi cười bảo: "Con đầu lòng ngớ ngẩn như gà tồ". Có bận mẹ tôi nói chuyện với thày tôi về hai anh em tôi, người vui vẻ nói:

- "Mình ạ, nhà có hai con thì thằng Huy khôn ngoan, lanh lợi hơn thằng Dương nhiều. Sau này chắc nó sẽ khá hơn anh nó".

Thày tôi trầm ngâm nhả khói thuốc lào, uống ngụm nước vối, chậm rãi nói với mẹ tôi:

- "Tuy vậy thằng Dương xem như thật thà và phúc hậu hơn".

Mẹ tôi cười:

- "Thì tôi có nói về tính tình hai đứa đâu. Tôi chỉ nói về sự lanh lợi và trí thông minh của con thôi".

Trầm ngâm suy tư một lúc lâu thày tôi chậm rãi:

 "Tôi xem thằng Huy yểu tướng vì các cụ xưa thường bảo con sinh cùng mang tuổi cha thì một là xung khắc hai là chết yểu".

Mẹ tôi ngắt lời thày tôi:

- "Thôi mình lại nói gở rồi. Cha với con cùng cầm tinh một con vật thì con nấp bóng cha. Tôi tin nó sợ mình nen nét. Chứ có đâu như mình nói".

Thày tôi trả lời mẹ tôi sau khi đã hút xong một điếu thuốc lào và uống cạn chén nước vối:

- "Thì tôi thấy người ta bảo vậy chứ mình biết đâu đến đâu mà dám nói chắc".

Đối với tôi mỗi lần thày mẹ tôi trò chuyện đến chúng tôi, tôi chỉ biết nghe mà không biết phân tách hay tìm hiểu. Tôi phải công nhận rằng nhiều lúc em Huy hiểu được mẹ tôi buồn, thày tôi giận chỉ qua một vài cử chỉ nhỏ mà tôi thì vẫn vô tư chả hiểu gì. Có lần hai anh em nghịch ngợm thày tôi hoặc mẹ tôi bắt gặp quở mắng thì em Huy tươi tỉnh nói vài câu thớ lợ để xí xóa làm hòa còn tôi chỉ đứng thần lần, mặt đỏ vang chẳng biết nói gì. Mẹ tôi khều nhẹ lên đầu Huy mắng yêu:

- "Mày chỉ láu cá mẹ biết rồi đừng dối. Thôi anh em chơi tử tế không mẹ giận mẹ bảo thày đánh đòn".

Em Huy toét miệng cười làm lành, mẹ tôi cũng mỉm cười bỏ qua trở lại làm công việc.

I. - Bờ ao nhà tôi có một cây bưởi lớn. Thày tôi bảo cây bưởi ấy do ông tôi trồng khi thày tôi mới vừa bằng tuổi tôi. Thày tôi kể chuyện với mẹ tôi rằng, khi ông tôi đi ăn cỗ ở nhà một người bạn trên mãi tận Bắc Giang, lúc về người bạn của ông tôi biếu một quả bưởi lớn. Về nhà bổ bưởi ăn, ông tôi thấy giống bưởi đào ngọt, thơm, trái lớn nên chọn một hột đem ương trồng ngoài bờ ao. Bốn năm sau cây bưởi bói, quả sai lúc lỉu. Ông tôi được ăn trái bưởi mùa đầu tiên, sau đó ít lâu ngã bệnh rồi mất. Từ đó đến nay đã mấy chục năm nên cây bưởi to lớn rườm rà như vậy. Năm nào cây bưởi cũng chỉ ra hoa kết trái có một lần vào độ một chạp, chi chít những quả chĩu hẳn cả cánh. Nhiều năm thày tôi bảo phải chống các nhánh sai trái phòng gió lớn thổi gẫy cành rụng trái.

Ngày em Huy lên sáu tuổi, vào tháng một, cây bưởi nhà tôi ra hoa đầy cành, tôi thường rủ em Huy ra chơi ngoài bờ ao dưới gốc bưởi, nhặt những cánh hoa bưởi rụng xâu thành từng vòng quàng lên cổ. Hoa bưởi tỏa hương thơm ngào ngạt đậm đà hơi hăng hắc nhưng ngây ngất, hương hoa bưởi khá đượm và bền mùi, có khi hoa đã héo úa mà hương thơm vẫn còn ngào ngạt. Tôi thích trò chơi nhặt hoa bưởi xâu lại từng tràng quàng lên cổ, hoặc đeo tay cho em Huy và tôi. Hai anh em có khi thà thiên cả buổi dưới gốc bưởi ngoài bờ ao.

II. - Hôm ấy vào cuối tháng chạp, tôi rủ em Huy ra bờ ao nhặt hoa bưởi để chơi. Vào tháng này cây bưởi đã kết trái khá nhiều nên hoa chỉ còn thưa thớt. Tôi dặn em Huy đứng dưới gốc rồi trèo lên cây hái hoa. Trong khi tôi đang mải hái hoa ở một cành thì em Huy tôi cũng ỳ ạch leo lên được một cành thấp nhất chỏ ra bờ ao. Cây bưởi nhà tôi tuy lớn nhưng các cành rất thấp có nhánh thày tôi đứng chỉ đến lưng chừng đầu gối rất dễ leo trèo. Em Huy bò tới nhánh bưởi vươn ra bờ ao, ngẩng lên gọi tôi:

- "Anh Dương, chỗ này nhiều hoa quá, em lấy được vô khối".

Tôi đứng trên cao trả lời:

- "Ừ coi đấy kẻo ngã".

Tôi vừa dứt lời thì nghe tiếng rắc rắc thật mạnh, tiếp theo một tiếng ùm dưới ao. Tôi nhìn xuống chỉ kịp nhận ra cành bưởi nhỏ em Huy đứng đã gẫy lìa, em Huy và cành bưởi cùng lăn xuống ao. Tôi thấy em Huy cố gắng ngoi lên rồi lại chìm xuống hai ba lần, không lần nào em ngoi lên được khỏi mặt nước. Tôi sợ hãi tột độ, tim đập liên hồi như muốn vọt khỏi lồng ngực, tụt vội xuống khỏi cây chạy vào nhà, vừa chạy vừa kêu thất thanh đứt quãng:

- "Thày mẹ ơi... em Huy... ngã..."

Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra hỏi dồn:

- "Sao, cái gì, em Huy sao?"

Thày tôi nghe nói quăng vội chén nước đang uống từ trong nhà chạy ra hỏi:

- "Nó ngã ở chỗ nào?"

Tôi trả lời không kịp thở:

- "Ngoài gốc bưởi".

Thày tôi không thèm hỏi thêm điều gì, chạy vùn vụt ra gốc bưởi ngoài bờ ao, nguyên cả áo quần đang mặc, nhẩy tùm xuống lặn mò em Huy. Mẹ tôi cà cuống vừa chạy theo vừa gào khóc:

- "Ôi con ơi là con ơi. Ơi Huy ơi làm sao con khốn khổ thế này".

Tôi cũng chạy theo mẹ tôi khóc thút thít trong lòng chỉ mong em tôi thoát chết.

Lúc này thày tôi từ dưới ao ngoi lên, hai tay xốc hai bên nách em Huy lên khỏi mặt nước bơi dần vào bờ ao. Vào tới bờ đặt em Huy nằm trên mặt đất rồi thày tôi bò lên sau. Mẹ tôi chạy xô lại ôm lấy em Huy kêu gào khóc lóc thảm thiết. Thày tôi vừa lên khỏi ao đã quát:

- "Tránh ra".

Mẹ tôi lui trong khi thày tôi hấp tấp cởi bỏ hết áo quần em Huy xốc em lên vai chạy ba bốn vòng. Nước trong bụng em Huy chảy túa ra miệng. Sau khi nước trong miệng em Huy không còn nữa, thày tôi đặt em nằm ngay ngắn làm hô hấp cho em. Tôi trông thấy đôi mắt Huy mở trừng trừng như nhìn tôi oán trách. Thày tôi làm phép thở cho em Huy một hồi lâu vẫn không thấy dấu hiệu nào kết quả, người thở dài lắc đầu tuyệt vọng. Mẹ tôi xáp tới ôm Huy vào lòng gào lớn:

- "Ới con ơi, ới Huy ơi con đừng bỏ mẹ con ơi".

Đột nhiên, tôi thấy một dòng máu tươi chảy ra hai bên mép em Huy. Thày tôi nhìn đăm đăm vào mắt em nói một mình:

- "Không thể lấy lại được nữa".

Sau đó người vuốt hai mắt em Huy khép kín lại rồi bế xốc em lên mang vào nhà. Mẹ tôi lếch thếch theo sau gào khóc thảm thiết. Tôi nhìn thày tôi thấy mặt người lầm lì, hai giọt nước mắt chảy dài xuống hai má. Nhìn mẹ tôi lõng thõng kêu gào khóc lóc tự nhiên tôi òa khóc nức nở. Thực ra lúc đó tôi không biết thương tiếc như thế nào tôi chỉ thấy lòng tôi xao xuyến pha nỗi lo sợ và tâm hồn tôi giao động khác thường. Tôi không thể dùng danh từ nào để diễn tả sự xúc động của tôi ngày đó cho đúng được. Tôi chỉ thấy tâm trí tôi xôn xao vì nhiều cảm nghĩ bừa bộn: lo sợ, tiếc thương và tự trách, tự giận mình vì cái chết của Huy.

Hàng xóm nghe tiếng mẹ tôi gào khóc chạy xô đến hỏi thăm. Thày tôi ngồi trầm ngâm một mình không nói năng nửa lời. Tôi khép nép thu hình đứng dựa bên chiếc cột góc nhà, còn mẹ tôi khóc nhễu nhão, kể lể không đầu không cuối:

- "Ới con ơi, Huy ơi! Ới các ông các bà ơi thế này có khổ thân tôi không? Cháu nó đi chơi với anh ngoài gốc bưởi bờ ao, rồi ngã xuống ao... Ới con ơi là con ơi, sao con vội bỏ thày mẹ con đi, con giận hờn gì thày mẹ mà con vội đi con ơi là con ơi".

Mấy người hàng xóm xúm lại lau lót cho em Huy và mặc quần áo cho em trước khi liệm xác vào quan tài. Họ nắn chân tay em cho ngay ngắn và bóp bàn tay cho xuôi. Bên trong lòng bàn tay trái em Huy vẫn còn nắm chặt mấy bông hoa bưởi đã nát. Tôi nhìn nắm hoa bưởi trong lòng bàn tay em Huy tự nhiên tôi khóc òa lên nức nở và tức tưởi. Tôi bỗng thấy đôi mắt Huy nhìn tôi chằm chằm giống hệt đôi mắt của em lúc thày tôi vừa vớt lên khỏi ao.

III. - Sau khi chôn cất em Huy tôi xong, nhà tôi trở nên vắng vẻ lạ lùng và buồn vô kể. Thày tôi trầm ngâm ngồi suy tư hút thuốc lào. Mẹ tôi ngồi ở xó nhà, hai  tay ôm thái dương khóc tỉ tê kể lể:

- "Ới con ơi, sao con nỡ bỏ thày mẹ con đi. Ới con ơi hòn vàng thì mất hòn đất thì còn".

Riêng tôi ngồi cạnh thày tôi nghĩ ngợi vẩn vơ những chuyện không đầu không cuối về em tôi hết sức lan man chắp nối.

Buổi tối tôi nằm trên bộ ngựa cạnh thày tôi lơ mơ ngủ, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng thở dài não nuột của thày tôi và tiếng khóc ti tỉ của mẹ tôi ở trong buồng. Nửa đêm hôm đó, tôi mơ thấy em Huy gọi tôi, rủ đi hái hoa bưởi. Hai anh em trèo lên cây mải mê hái hoa, một lúc sau cành bưởi em Huy đứng bỗng nhiên gẫy răng rắc làm em lăn tùm xuống ao. Tôi nhìn thấy mớ tóc của em Huy trồi lên chìm xuống mấy lần. Rồi thấy đôi mắt em Huy trừng trừng nhìn tôi như trách móc oán giận. Tôi sợ hãi bật chạy. Thày tôi thấy tôi chạy biết tôi mơ hoảng, người níu tôi lại ôm vào lòng. Tôi tỉnh dậy mồ hôi toát như tắm, tim tôi đập như muốn phá tan lồng ngực và chân tay run bần bật.

Trong buồng mẹ tôi vẫn khóc lóc vẫn kể lể:

- "Ới con ơi, con khôn ngoan sao con nỡ bõ cha bỏ mẹ mà đi một mình. Ới con ơi là con ơi. Hòn vàng thì mất hòn đất thì còn con ơi".

Thày tôi nghe mẹ tôi khóc lóc kể lể, người thở dài bảo mẹ tôi:

- "Thôi mình đừng khóc nữa, đằng nào con nó cũng chết rồi, khóc cũng không lấy lại được. Mình kể lể vậy con nó hiểu nó buồn mà tôi cũng buồn".

Nghe thày tôi nói vậy mẹ tôi không kể lể nữa nhưng vẫn còn khóc sụt sùi. Tôi suy nghĩ vẩn vơ về lời kể của mẹ tôi. Tôi chỉ lơ mơ đoán rằng mẹ tôi ám chỉ hòn vàng là em Huy và hòn đất là tôi. Tôi phân vân không hiểu giá trị của vàng như thế nào nhưng tôi cũng chắc rằng vàng quí hơn đất nhiều nên mẹ tôi mới ví thế.

Từ ngày em Huy mất thày mẹ tôi buồn chẳng làm ăn gì cả suốt mấy tháng trời. Thày tôi hay đi vắng, có bận đi ba bốn ngày mới về. Lần nào về cũng mua quà bánh cam quít cho tôi. Nhiều lúc tôi có ý tưởng rất ngô nghê: giá em Huy sống lại tôi sẽ giành hết bánh trái mà thày tôi mua về. Trí non nớt của tuổi trẻ có những điều tưởng tượng rất ngớ ngẩn. Mỗi lần thày tôi đi đâu đều dặn mẹ tôi trông tôi không được cho ra chơi ngoài bờ ao. Nhiều khi gió thổi đưa hương thơm vào nhà. Vừa ngửi thấy hương hoa bưởi trí tôi liên tưởng ngay đến mớ tóc của em Huy nhô lên lều bều rồi lại chìm lỉm, và bắt gặp đôi mắt của em nhìn tôi lúc thày tôi vừa vớt lên khỏi ao. Tự nhiên tôi rùng mình vì những ám ảnh ma quái, lo sợ vu vơ...

Một bận thày tôi đi vắng, ở nhà chỉ có mẹ tôi ngồi khâu vá, còn tôi ngồi đọc các bài học thuộc lòng trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Ba. Mẹ tôi sai tôi rót chén nước cho người. Tôi rót nước bưng đến cho mẹ tôi uống và tôi tẩn mẩn hỏi:

- "Mẹ ơi vàng là gì?".

Mẹ tôi trả lời tôi:

- "Vàng là thứ gì quí lắm".

Tôi tò mò thêm:

- "Vàng quí bằng gì hở mẹ?".

Mẹ tôi mắng yêu:

- "Con trai mẹ dốt quá. Vàng quí nhất, không có thứ gì quí bằng.

Mẹ tôi cắt nghĩa thêm:

- Vàng bạc là những thứ quí giá để làm đồ trang sức, giữ làm của thay tiền...

Và người vạch tai ra cho tôi thấy chiếc khuyên đang đeo, người nói thêm:

- "Đây là bạc, vàng còn quí hơn bạc gấp nhiều lần".

Tôi ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ về câu mẹ tôi kể lúc em Huy chết: "Hòn vàng thì mất hòn đất thì còn" mà đâm băn khoăn. Một lúc sau tôi lại tỉ tê hỏi:

- Vàng quí hơn đất nhiều phải không mẹ?

- Chứ còn gì nữa.

- Vậy em Huy là vàng còn con là đất hở mẹ?

Mẹ tôi sửng sốt:

- Ai bảo con thế?

Tôi ngập ngừng:

- Mẹ... bảo... Hôm em Huy chết... Mẹ khóc thế!

Mẹ tôi cười buồn:

- Không phải đâu, đấy là câu ví tỏ sự thương tiếc khi con cái hoặc người nào chết đó thôi, chứ đâu phải em Huy là vàng con là đất, con đừng nghĩ lẩn thẩn như vậy.

Tôi lại hỏi mẹ tôi;

- Mẹ có thương con bằng em Huy không?

Mẹ tôi nhìn tôi hai mắt long lanh, rồi người ôm tôi hôn lên trán,nói:

- Mẹ thương hai đứa như nhau. Lúc nào mẹ cũng coi các con bằng nhau, không đứa nào hơn đứa nào kém. Mẹ là mẹ cần phải công bằng đối với các con. Đứa khôn ngoan mẹ phải lo lắng ít, đứa khờ dại mẹ phải lo lắng nhiều hơn. Nhưng mẹ phải xử thật công bằng cả hai anh em để các con khỏi nghĩ mẹ yêu con này ghét con kia, biết không con trai mẹ.

IV. - Năm sau, cây bưởi nhà tôi trổ hoa đầy cành, hương thơm ngào ngạt đưa vào tận trong nhà. Nỗi buồn em Huy đối với thày mẹ tôi đã nguôi ngoai nhiều. Cả ngày tôi chỉ thơ thẩn chơi ở trong sân, nhổ những mầm mạ non bắt cồng cộng trong các lỗ khe sân gạch. Đôi khi quấn quít bên mẹ tôi trò chuyện vu vơ. Thú xâu vòng hoa bưởi đối với tôi không còn hào hứng nữa. Tôi không muốn ra chơi dưới gốc bưởi ngoài bờ ao bởi tôi đã mang ấn tượng về cái chết của em Huy tôi nơi đó. Mỗi lần ngửi thấy mùi hương của hoa bưởi tôi lại mường tượng tới mớ tóc nổi lều bều cố ngoi lên rồi chìm nghỉm. Tôi thấy đôi mắt em Huy đăm đăm nhìn tôi không chớp và dòng máu ứa ra bên mép làm tôi chán nản sợ hãi vẩn vơ.

Mỗi năm hoa bưởi nở, hương hoa bưởi bay là mỗi lần gây cho tôi niềm cảm xúc sâu xa mãnh liệt. Mỗi lần nhìn hoa bưởi nở đầy cành rơi trắng xóa dưới gốc cây trong lòng tôi trở nên xao xuyến lạ lùng và tâm trí tôi bị những ám ảnh khôn nguôi. Những ám ảnh đó đã làm tôi xúc động tâm hồn suốt cả quãng đời thơ ấu và còn đi theo ám ảnh đến tận bây giờ.


Đêm mưa nhớ lại ngày qua.  
10-72                    
DƯƠNG YÊN ĐẶNG       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 39, ra ngày 5-12-1972)


Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

TRỜI MƯA - Nguyễn thị Quỳnh Mai

 Trời bắt đầu vào mùa mưa. Vài cơn gió lạnh chợt thổi qua làm bé rùng mình; mưa lác đác rơi. Chiếc áo cánh dài tay mỏng manh không đủ sức đem hơi ấm nhưng vì lười biếng nên bé vẫn ngồi yên trên ghế. Bây giờ mưa đổ ào ào mỗi lúc một to, tiếng mưa gầm thét lẫn với sấm chớp nổ đùng đùng làm bé giật mình mấy lần. Những hạt nước mưa rơi mạnh quá nên bắn đầy vào chỗ bé ngồi, nhưng chỉ một lát rồi hết. Bé không muốn chạy qua chạy lại vì các anh chị đang học, chẳng có ai chơi với bé hết, mợ thì bắt lên gác, hai đứa bé không được xuống bếp vì mưa to lắm. Còn chơi với anh Thanh thì sợ lắm, anh ấy hay nghịch nước đến ướt cả quần áo mà bé thì sợ kinh khủng, nước mưa lạnh eo ơi là lạnh, như nước đá í. Mỗi lần đi học về gặp mưa là người bé run như cầy sấy, hai hàm răng đánh vào nhau nghe lục cục, hai chân cóng lại đi không muốn nổi. Về đến nhà là mợ bắt thay quần áo. Chả thế mà mỗi lần trời mưa là mợ phải la: "Người cứ như con cò ma ấy mà đòi dầm mưa. Tao không có tiền mua thuốc cho chúng mày mãi đâu". Mỗi lần mợ nổi trận lôi đình như vậy là anh Thanh ngồi yên được năm phút, rồi sau cứ thậm thụt chạy ra chạy vào, kiếm cớ nhặt cây bút cái thước làm rơi để thót ra sân chơi. Hễ mẹ không để ý là anh ấy ở lì ngoài sân với mấy cái thuyền giấy cho đến khi ướt như chuột lột mới len lén vào nhà thay quần áo. Hôm nào qua được thì không sao, vui vẻ cả làng và bé cũng được một cái thuyền giấy có mui thực xinh, có hôm xui bị mợ bắt gặp đang cóm róm ôm đống quần áo ướt đi phơi. Nói dối không lọt, thế là ăn ngon lành năm roi, khóc bù lu bù loa.

- Từ giờ về sau còn lẻn ra đường dầm mưa là tao chặt chân nghe chưa?

Nhớ lại gương mặt nhăn nhó thảm hại của anh Thanh mà bé hãy còn buồn cười. Ngoài đường mưa vẫn tiếp tục rơi nhưng đã bắt đầu tạnh, bức mành trắng xóa đan bằng những sợi mưa trong suốt trước mặt bé thưa dần, mỏng dần rồi đến một lúc nó chỉ còn là những hàng ngay, uống cái thuốc gì chua chua đắng đắng rồi lên giường nằm đắp chăn kín mít từ đầu đến đuôi ấm ghê là ấm. Bây giờ cũng vậy đáng lẽ bé phải mặc áo len vào rồi nhưng nghĩ đến lúc đi qua mấy bực thang trơn trơn, ướt ướt bé ngại sao là ngại. Thôi kệ, chả sao, mợ không biết đâu.

Tiếng những đứa trẻ tắm mưa reo hò đùa giỡn vang lên từ dưới đường làm bé chú ý. Những thân hình đen đúa khỏe mạnh chạy khắp nơi. Bé thấy có thằng Tám, thằng Tươi con bác bán báo ở cuối xóm, thằng Hùng, thằng Mạnh con ông Tư thợ điện, à lại có cả anh con Hoàng nữa kia. Nhiều quá bé nhớ không hết, nhưng phần đông là ở trong xóm. Chúng chạy giỡn dưới làn mưa đổ ào ào, có đứa lại đứng dưới những máng nước bắt ra ngoài cho nước chảy xối xả trên mình thấy mà sợ. Sao tụi nó chẳng lạnh gì cả nhỉ? Bé nằm trong nhà đắp cái chăn dày cộm còn lạnh rùng cả mình nữa là. Chắc tại mình là con gái chứ con trai như anh Thanh thử coi, được ra tắm không sướng mê tơi đi ấy à.

Nước rời rạc nhỏ long tong xuống mặt đường sũng nước. Bầu trời bây giờ như sáng đẹp hơn lên với những cụm mây trắng như tuyết trôi là đà khắp nơi điểm trang cho nền trời mang màu xanh ngọc bích. Dưới đường đã rộn rịp người qua lại, vì sau cơn mưa to phải trú lại nên ai ai cũng muốn mau chóng về nhà. Mọi người đều có vẻ vội vã nhưng gương mặt ai cũng đượm nét vui vẻ vì vừa trút được gánh nặng. Đường phố trông đã vui mắt lại thêm sạch sẽ vì nước mưa đã cuốn hết rác rưới xuống cống rãnh.

Tiếng những hàng quà rong vang lên lồng lộng làm bé quên cả những bậc thang còn ướt nước trơn tuột vội nhảy chân sáo xuống nhà gọi mẹ ơi ới.

Sau mười phút đồng hồ nhõng nhẽo, bé có thể đường hoàng xách ghế ra vườn ngồi chơi với trái bắp còn nóng hổi trên tay. Ngoài vườn trời mưa xong nên mát kinh khủng, hơi đất bốc lên nghe dễ chịu cả người, cây hoa nhài đương độ nở hoa trắng xóa tỏa hương thơm ngát cả một góc sân.

Những hạt nước long lanh đọng trên cành lá xanh mướt giống như những viên kim cương óng ánh trong suốt. Bé chưa thấy viên kim cương lần nào nhưng theo trí tưởng tượng của bé thì có lẽ cũng chỉ đến thế mà thôi. Đứng xem hoa một lát thì trái bắp tên tay bé còn một nửa, định dành phần cho anh Thanh mà nãy giờ chả thấy mặt mũi anh ấy đâu cả. Bé men theo lối đi nhỏ bên hông nhà vòng ra sân để kiếm anh Thanh.

Vừa đi bé vừa tung tăng hát bài hát cô giáo mới dạy ở trường: "Trời mưa em đi bắt cá, và đem giỏ theo bắt cua, làm sao cho được con cá về cho má nấu canh chua. Ô kìa con cua, đừng đừng la lớn nó chui xuống hang đừng đừng la lớn nó chui xuống hang". Chữ cuối cùng vừa rời khỏi miệng bỗng bé giật mình đứng lại. Dưới đất, chỗ trồng mấy liếp rau thơm, một con chim bé nhỏ đang nằm ẹp ở đó với bộ lông xám xịt ướt đẫm, người nó run bần bật, cái mỏ bé tí khẽ kêu chiếp chiếp như gọi mẹ, trông tội nghiệp làm sao. Bé bước nhẹ lại gần quỳ xuống bên cạnh. Thấy có người đến, chú chim chừng như sợ hãi, đôi cánh nhỏ đập loạn xạ, đôi mắt đen láy như hai hạt cườm ánh lên những nét kinh hoàng. Chú như muốn thu hết sức lực còn lại để bay lên nhưng không được. Nào ai đã làm gì đâu mà sợ, bé nhẹ đỡ chim trong lòng bàn tay, vuốt nhẹ bộ lông ướt lạnh dính lại với nhau để lộ làn da tím ngắt bên trong. Hơi ấm trong đôi tay bé ủ lấy thân giá lạnh của chú chim khiến chú cảm thấy ấm áp hơn lúc nằm dưới đất. Thật không may cho chú, có lẽ trong trận vừa rồi chú không kịp tìm nơi trú ẩn nên mới bị mưa ướt thế này, hay lại trốn nhà đi chơi chứ bé tí thế làm sao mà ở một mình được. Vậy là chú bé đáng đánh đòn lắm nhé, chắc là cha mẹ chú khóc hết nước mắt ở nhà, tưởng là chú lại lọt vào tay mấy đứa bé tinh nghịch rồi. Chúng lại làm gỏi chú ấy chứ để yên à. Bé lấy vạt áo định lau sạch bộ lông chim còn ướt, nào ngờ chú chim lại tưởng một tai nạn khủng khiếp sắp giáng xuống đầu mình khi một vùng trời trước mặt bị tối sầm lại, nên trong một cố gắng phi thường, chú vụt tung mình lên cao hơi chao người đi vì dùng sức quá nhiều. Rồi sau khi lấy lại thăng bằng chú như hồi sinh đập cánh lại một cách điều hòa và tiếp tục bay lên, không một lần quay lại nhìn nơi vừa ngộ nạn. Bé ngẩn ngơ nhìn theo bóng chim đang khuất dần trong bầu trời xanh bao la như vừa đánh mất một cái gì quý báu lắm.

- Vân ơi, làm gì đứng nhìn thạch sùng vậy?

Tiếng anh Thanh oang oang vang lên sau lưng làm bé giật mình:

- Ơ... Ơ... con chim của em... ơ mà không phải con chim nó bay rồi.

- Ô kìa chim bay thì kệ nó chứ, lạ lắm à.

- Nhưng mà... không phải...

Thanh la lên nắm tay em lôi đi:

- Thôi đừng ngớ ngẩn nữa cô nương ơi, vào ăn cơm đi, mợ gọi đó.

Hai đứa bé nắm tay nhau tung tăng chạy vào nhà. Ngoài trời tối đang xuống, các ngọn hoa đăng trên trời tàn dần vây phủ lên vạn vật một màn sương huyền ảo.


NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 117, ra ngày 1-11-1969)


 

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

CHIỀU NHỚ - Đỗ thị Hồng Liên

 

 Chập chùng lối cũ rừng già
Chim thương lên tiếng em qua mấy lần

Lối xưa tích cổ gót trần
Áo bay thấp thoáng tần ngần bước êm

Rừng xưa ru nắng im lìm
Hoa cười lên ý trong tim ngỡ ngàng

Rồi em theo gió trăng ngàn
Lạc nơi rừng thẳm bàng hoàng ngẩn ngơ

Cây rung bóng xế thẫn thờ
Hoang vu lên tiếng mấy bờ thương sao

Buồn lên lên tận trời cao
Mây qua đón bước nghẹn ngào lên môi

Xa rừng đến tận mù khơi
Em nghe gió thổi chơi vơi ngập ngừng
 
Ơi lòng một chút mênh mông
Biển ru em ngủ nâng lòng lên khơi

                                   ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 188, ra ngày 1-11-1972)




Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

QUA NGÕ CHIỀU NAY, TÓC EM BAY... - Nguyễn Kim Thư

 
  
Em về qua ngõ vắng 
Tóc huyền em bay bay
Ơi em nhìn sợi nắng
Khe khẽ luồn trong tay

Bên giàn cây hoa giấy
Gió chiều về đong đưa
Ta nhìn em đứng đấy
Đẹp tuyệt vời ngày xưa

Ta ngồi trong bóng tối
Nghe nỗi sầu đi qua
Thấy lòng buồn trăm mối
Và ngông nghêu tiếng ca.

                     NGUYỄN KIM THƯ

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)



Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

BA KHÔNG CHO ĐÓNG KỊCH, BUỒN QUÁ! - Đỗ Phương Khanh

 

 Thư của em V.D.K. - Đalat:

... Trường em tổ chức một đêm văn nghệ giúp đồng bào tị nạn. Chị trưởng ban cữ em giữ một vai trong vở kịch nòng cốt. Biết ba em khó, không chấp nhận sự ca hát v.v... và lại quan niệm học là phải cắm cúi tối ngày trên bàn, nên sợ không xin được phép, em đã cố từ chối. Nhưng chị ấy không chịu và còn gán cho em tội làm biếng, không có tinh thần hòa đồng với bạn. Em đành phải xin phép mẹ em. Mẹ cho nhưng bảo phải giấu ba. Em đã đi tập được ba buổi sáng chủ nhật, còn chừng hai buổi nữa thì chúng em thành thạo, trình diễn được rồi. Dè đâu, ba biết, ba cấm không cho đi tập tiếp. Bây giờ em nghỉ thì lỡ dở cả, mọi người lại phải cùng với người thay em tập lại từ đầu. Như vậy thì em làm phiền bạn em quá. Họ có thể buồn em. Sao ba không nghĩ đến em và những sự phiền phức của em hở chị? Em buồn chán quá, vào lớp cứ có mặc cảm bị bạn bè bỏ rơi...

Trả lời: Chị hoàn toàn thông cảm với sự buồn phiền của em. Trong lúc mọi người ồn ào náo nhiệt tổ chức buổi văn nghệ làm nghĩa đó, mà em tách hẳn ra ngoài thì em có cảm giác như bị cô lập là đúng rồi. Nhất là em đã từng hòa mình vào với bầu không khí hăng say đó. Nhưng chị mong em sẽ vui vẻ chấp nhận, nhìn sự việc bằng con mắt của ba, em sẽ cảm thông với ba hơn và em sẽ thấy sự vâng lời của mình cũng rất quí.

Theo quan niệm của các cụ xưa: "xướng ca vô loài" các cụ nghĩ thế (vấn đề này chị có phân tách nơi mục Suối Mát số 41). Cho nên các cụ không thích cho con cái mình lại tơ tưởng tới cái vụ hát xướng. Ngoài ra, các cụ nghĩ, sự học là cần thiết, một người học trò chỉ được quyền cắm cúi vào cuốn sách, không có giải trí hay nghĩ tới một vấn đề gì khác, ngoài các vấn đề trong cuốn sách. Ngày nay, chương trình học rất rộng rãi. Sự giáo dục phải được đồng đều về cả trí dục, đức dục, thể dục, ngoài ra lại còn có những phần giải trí, để cho khối óc của thiếu niên được nảy nở đủ mọi khía cạnh, sau ra đời sẽ thành một người quảng bác, tâm hồn phóng khoáng, dễ cảm thông với mọi người hơn. Cho nên, ngay trong chương trình học ngày nay, các em cũng có giờ hoạt động thanh niên, để các em có thể phát triển các khả năng về ca, vũ, nhạc, kịch, trò chơi, vân-vân...

Cái quan niệm "xướng ca vô loài" kể ra là cổ quá, không hợp lý, nhưng nếu nghĩ rằng sự bỏ dở dang vở kịch mà em đang tập là lỗi tại ba thì không đúng em ạ. Em đã biết ba khó, không hy vọng xin phép được, sao em dám giấu mà hành động bừa. Má cũng có một phần trách nhiệm trong sự tiếp tay với em để giấu ba. Em thử tưởng tượng nếu ba không biết sớm, rồi đến hôm em đóng kịch, tình cờ ba vào xem, thấy em đang đóng trên sân khấu, ba sẽ nghĩ sao. Chị nghĩ rằng má và em đã sai lầm hết sức trong vụ này. Đáng lẽ má và em phải trình bày với ba về sự đàng hoàng trong công việc tập và diễn kịch để làm nghĩa, nếu cần thì mời ba tới chứng kiến vài buổi tập. Còn nếu ba nhất định không chịu thì em không làm nữa. Vì con, cha mẹ làm tất cả mọi sự khổ nhọc, con nỡ trái lời cha mẹ một việc đó hay sao?

Chị ước mong em sẽ hiểu lòng ba mà thông cảm với ba, tất nhiên là ba cũng theo xưa quá nếu quan niệm xướng ca vô loài, nhưng biết đâu cũng tại em đã mất thì giờ quá trong những vụ tập tành về diễn kịch, ba sợ cản trở sự học, chứ cũng không phải ba khinh chê gì sự ca hát. Dù sao, chị mong nếu có một ngày văn nghệ làm nghĩa khác, má sẽ trổ tài thuyết phục, ba má sẽ cho phép em tham dự, ba má sẽ tới coi con gái tập kịch, với lòng hãnh diện rằng con mình vừa học giỏi (cần nhất là phải học giỏi đã) vừa tài hoa, lại vừa có lòng, muốn giúp ích cho xã hội, em ạ.


Chị Đỗ Phương Khanh      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)


Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

MƯA ĐÊM CAO NGUYÊN - Nguyên Hoài Dinh Băng

 
 
Trong tiếng mưa rơi
Rỉ rả ngoài trời
Em nghe da diết
Giọt buồn chơi vơi

Êm như lời ca
Thánh thót phím ngà
Nhạc ru trong gió
Trầm trầm bay xa

Chòm lá lao xao
Lời ru ngọt ngào
Mưa đêm hiu hắt
Xóa mờ trăng sao

Mưa vẫn bay bay
Gió nhẹ thở dài
Đùa qua song cửa 
Buồn ơi! đêm nay...

NGUYÊN HOÀI DINH BĂNG
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 117, ra ngày 1-11-1969)




Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

TÌM THÊM BẠN MỚI - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Mùa hè năm ngoái tôi ngồi xe ca Thụy Sĩ, và một buổi sáng đẹp trời nọ, ở Berne, đoàn du lịch lên đường bỏ lại tôi. Mới đầu tôi thấy bực mình; nhưng các bạn đồng hành hôm sau thế nào cũng sẽ trở lại, tôi nghĩ khôn hơn hết là tìm cách lợi dụng thời gian phải ngừng chân bất như ý này. Vậy là tôi đi ngắm chiếc đồng hồ cổ - đồng hồ đó cứ mỗi giờ chuông gõ thì lại có một đoàn nhân vật cổ diễn qua - và coi cái hầm nhốt gấu nổi danh của thị trấn.

Tôi nhờ một người đứng bên cạnh tôi chỉ cho một khách sạn tốt. Người Thụy Sĩ đó nhận ngay ra rằng tôi là một người ngoại quốc, bảo tôi:

- Tôi về nhà ăn bữa trưa đây, xin mời ông về dùng bữa với chúng tôi.

Tôi thú thực rằng lời mời mọc đó bất ngờ quá, nên tôi do dự một chút rồi mới nhận. Ông ta giới thiệu tôi với bà vợ và hai đứa con quấn quít chung quanh; cả gia đình đều nhã nhặn và tôi thấy thoải mái liền.

Ăn xong chủ nhân mời tôi đi thăm xưởng đồng hồ nhỏ của ông. Tôi nhìn cách người ta lắp các bộ phận tế vi ra sao, hỏi chuyện vài người thợ.

Chúng tôi chia tay nhau, thân mật lắm và cùng hứa sẽ nối chặt thêm thiện cảm mới mẻ đó.

Hôm sau, gặp lại bọn đồng hành rồi, tôi không hề tiếc một chút rằng tôi đã bị bỏ rơi, vì nhờ vậy tôi mới được thêm một tình bằng hữu trường cửu và tin thêm rằng nhiều người có một tâm trạng lầm lẫn làm tê liệt đời sống của họ.

Những người đó cho đời sống như một "cuộc du lịch đã được tổ chức", chỉ giao du với người đồng hành, không bao giờ ra khỏi những lộ trình lớn, chỉ coi những cảnh đã được sắp hạng. Sau này - nhưng lúc đó đã trễ quá - xét lại cuộc đời chật hẹp của mình, họ phàn nàn đã "không được sống một cách mãnh liệt" mà không hay rằng nguyên do là tại họ, vì chỉ cần quả quyết bỏ những đường mòn đi, tìm kiếm và chinh phục tình thân thiện trong mọi giới, là đời của họ sẽ phong phú lên vô cùng. Như câu tục ngữ Ả Rập đã nói: "Sung sướng thay người nào biết tìm nhiều bạn thân khác nhau, vì người đó được sống một ngàn lẻ một cuộc đời".

Từ Aristote, tất cả các triết gia đều bảo rằng tình bạn mà phong phú thì quí nhất đời, không gì bằng, hơn cả tài năng nữa.

Hầu hết những người có một cuộc đời rực rỡ đều đã chọn lựa bạn trong mọi giới vì họ cho rằng không tiếp xúc với mọi hoàn cảnh của loài người thì không thể nói là biết đời được.

Sự thực thì gây một tình bằng hữu đâu có khó khăn như người ta tưởng. Một chính khách nổi danh nọ có thói quen khi vô một tiệm nào thì hỏi chuyện người bán hàng về vài điểm rõ rệt nào đó trong nghề của họ, về cách xay cà phê chẳng hạn hoặc cách lựa một thứ xì gà ngon. Ông ta biết rằng ít ai mà không thích nói về một đề tài mà mình thông thạo; như vậy ông ta phá tan được sự lãnh đạm, gây được thiện cảm và nhờ đó sự giao thiệp của ông được dễ đàng hơn.

Một cách khác là sốt sắng tỏ lòng mang ơn người khác dù người đó chỉ giúp mình một việc nhỏ nhặt. Thế là hàng rào phân cách bị hạ xuống và mình được lòng người hơn là nói chuyện tào lao cả một giờ. Chính nhờ một lời cảm ơn mà tôi được quen một người vào hạng có cá tính mạnh mẽ nhất, một ông lão đánh giày ở Picadilly. Ông ta có nước da sạm nắng, cử chỉ ngôn ngữ bình tĩnh và lễ độ. Hầu hết các khách hàng của ông chỉ nói với ông vài lời lãnh đạm rồi bỏ đi mà không lợi dụng cơ hội để được biết một người lạ lùng, thú vị nhất trên đường phố London, một cựu kỵ binh sở cảnh sát Canada, biết năm sinh ngữ và vô số chuyện kỳ cục, hấp dẫn, sôi nổi.

Trong những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, nếu hai bên có một điểm chung nào thì dễ thân với nhau ngay. Cùng đọc một thứ nhật báo hoặc cùng có một kiểu xe, thế là có thể thành thân với nhau được.

Tình bằng hữu có nhiều nỗi vui mà có nhiều người không biết gây nó để cho đời mình thêm phong phú. Một số người tự cho mình là sang trọng quá, không muốn ra khỏi cái giới của mình.

Họ thường là những ông bà không có gì để cho, và nguyên do họ không chịu tự thú, là tại họ sợ bị lột mặt nạ, hiện nguyên hình, không đáng được hưởng tình thân của người khác.

Nhưng họ phải biết rằng những nhân vật cao thượng nhất trong lịch sử không bao giờ chê tình thân của bất kỳ ai, và trái lại, mới gặp ai, họ cũng đem hết tấm lòng của họ ra mà đối xử.

Disraeli rời bọn chính khách để xem xét tình cảnh của dân nghèo trong khu hạ tiện Whitechapel. Rembradt trọng các người ăn mày cũng ngang các thị trưởng Amsterdam.

Có người lại tưởng lầm rằng phải có cùng thị hiếu, lý tưởng với nhau thì mới thân với nhau được. Trái lại, những quan điểm khác nhau nhất lại thường gây những tình bằng hữu thân mật nhất.

Mới rồi tôi gặp ở Pháp một vị tư tế biết rất kỹ về Bắc Mỹ. Tôi hỏi ông:

- Ông qua Hoa Kỳ hồi nào?

Ông mỉm cười đáp:

- Tôi có bao giờ qua bên đó đâu. Năm 1944, sau khi Đồng minh đổ bộ lên, đạo quân Hoa Kỳ đóng ở làng tôi.

Một hôm một sĩ quan lại trại ruộng của tôi xin nước, chúng tôi vừa đi ra giếng vừa nói chuyện với nhau. Hết chiến tranh ông ta viết thư cho tôi, từ đó chúng tôi thư từ đều đều với nhau. Ông ấy ở San Francisco và kể về đời sống ở đó cho tôi nghe tới nỗi tôi biết rõ như đã có thời ở đó.

Có người nghĩ phải gặp nhau thường thì tình thân mới bền. Không đúng. Thân hay không thân là do có tâm sự với nhau, có hiểu biết nhau không, mà những tình đó dù xa cách về không gian hay thời gian thì cũng vẫn còn hoài. Không ai sống cô liêu hơn nhà thám hiểm David Livingstone, vậy mà ông có rất nhiều bạn thân. Cô con gái út của ông bảo:

- Tôi thấy ba tôi lúc nào cũng viết thư!... Mỗi năm ông gởi mấy trăm bức thư đi khắp nơi trên thế giới cho những bạn mà hầu hết ông chỉ ngẫu nhiên gặp một lần ngắn ngủi.  
 
Điều này cũng lầm nữa: có vài ông bạn cũ, vài ông hàng xóm và vài ông bạn làm ăn là đủ rồi. Như vậy chân trời của ta rất bị hạn chế. Huân tước William Osler thường bảo:

- Khi không tìm ra bạn mới nữa là chúng ta bắt đầu già rồi vì tìm thêm bạn là một dấu hiệu nảy nở, một chứng cớ rằng mình vẫn còn yêu đời, vẫn thích biết thêm những ý mới.

Đừng bao giờ nên rụt rè mà bỏ lỡ cơ hội làm quen bất kỳ ai. Tôi nhớ một buổi dạ hội để mừng nhà chơi đàn piano danh tiếng Vladimir de Pachmann; trong buổi đó tôi đã đề nghị với một nhạc sĩ trẻ sẽ giới thiệu chàng với nghệ sĩ tài danh đó. Chàng lúng túng, rồi từ chối, lấy lẽ rằng như vậy chỉ làm phiền cho ông ấy thôi.

Sau bữa ăn, Vladimir bảo tôi:

- Lúc nãy tôi thấy ông nói chuyện với một thanh niên có vẻ mặt dễ thương và những bàn tay của một nhạc sĩ... Tôi muốn làm quen với cậu ấy.

Thế là cậu ta bỏ lỡ cơ hội duy nhất để kết thân với một nghệ sĩ có thế lực.

Khi nhờ các bạn thân mà ta mở rộng chân trời của ta được, khi giao du với họ mà kinh nghiệm của ta tăng tiến là lúc đó cá tính của ta mạnh mẽ và vững rồi đấy.

Hết thảy chúng ta đều có một cái gì để tặng bằng hữu, dù chỉ là mộ
t nét đặc biệt của cá tính ta, một quan niệm độc đáo về đời sống hoặc cái tài kể chuyện vui. Tiếp xúc với nhiều bạn bè, tâm hồn ta phong phú lên, rồi lại làm cho tâm hồn những bạn sau này của ta cũng sẽ phong phú lên.

Ngày nào chúng ta cũng có cơ hội làm cho một nét mặt lạ thành một nét mặt thân yêu. Phải biết nắm lấy cơ hội khi nó đi qua, vì sống trong lòng đời sống của người khác thì bao giờ cũng làm cho đời sống của mình được kích phát lên đến cực độ.

A.J.Cronin                          
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
      

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

CÔ GIÁO NĂM XƯA - Trịnh Công Truyền

 
   
(Kính tặng Cô Giáo
NGUYỄN THỊ BẠCH YẾN
Dạy Em năm lớp NHÌ ( 1967 ).
Năm ngoái từ Atlanta, Georgia…
tôi đã đến thăm Cô !
Sáng nay Cô đã đến thăm người
học trò cũ !
Xin Cám ơn Cô Giáo Em !).

Cô Giáo ngày xa xưa đó…
Dạy tôi năm học lớp Nhì
Kỉ niệm buồn vui tuổi nhỏ…
"Năm lăm" năm… tưởng quên đi ! *
 
Bất ngờ phương xa gặp lại !
Trò, Cô… nhắc, gợi những ngày…
Đứa học, đứa chơi mê mải
Cô cười xúc động mắt cay !
 
Cô quên tuổi chiều "bảy bảy" **
Bao dung ánh mắt, nụ cười
Tưởng theo dòng đời trôi chảy…
Cô-Trò… vạn lý, trùng khơi !
 
Cám ơn cuộc đời vẫn đẹp…
Cho tôi hạnh phúc theo về !
Như ngày xưa hay khép nép…
Lắng lời Cô giảng say mê !
 
(Saturday, July 9,
Richmond, Texas,
United States.)
 
TRỊNH CÔNG TRUYỀN

* Cô dạy tôi năm lớp NHÌ (1967) Trường
Tiểu học CHU LAI, Tỉnh Quảng Tín.
 
** Cô sinh năm 1945


Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

LỜI CHO THẦY - Mặc Linh Hoài Thu

 


Thầy thương của con,

Chắc thầy vẫn nhớ về con, dù mấy năm trời xa cách. Chắc thầy vẫn nhớ Hoài Thu, đứa học trò ngoan ngoãn của thầy ngày xưa.

Thầy ơi!

Con luôn luôn nhớ thầy như in trong óc, con nhớ từng cử chỉ của thầy khi giảng bài, chép bài..., con nhớ từng nét chữ của thầy viết trên bảng đen, nhớ từng dáng đi của thầy. Con thấy, con vẫn thương yêu thấy, một người đáng kính trọng. Chính thầy cũng yêu thương con như đứa con đẻ.

Thầy nhớ không, hồi học lớp sáu, làm bài kiểm tháng đầu tiên của năm học, con được 17, 18 và liên tiếp suốt cả niên học, luôn luôn con được điểm cao. Nhưng, chỉ có môn Anh Văn của thầy là con cố gắng tột bực, chứ mấy môn kia, con lại kém quá kém. Thành thử, con cũng phải đứng hạng hai mươi mấy, chứ không được như lời nguyện của con, không "mót" được cái bảng danh dự hạng 5 nữa.

Thầy nhớ không, cũng từ đó, cả lớp đều bảo con là "con tinh thần" của thầy. Rồi tụi nó bảo thầy "cà nhắc, cà thọt", vì thầy bị tật nguyền.

Tụi nó còn bảo, thầy hay cưng đứa "con tinh thần" của thầy lắm! Mỗi khi làm bài là thầy lại gần giảng hết cho con biết. Nhưng việc này đâu có, thầy đâu có bao giờ dạy riêng mỗi mình con. Luôn luôn thầy giảng chung cho cả lớp kia mà!

Đúng rồi, lâu lắm, tụi nó vẫn ganh ghét con vì thầy cho con nhiều điểm.

Nhưng không, không phải thầy cho con nhiều điểm mà là vì con làm được bài. Nhưng thuở nay, tụi nó đâu có chịu hiểu. Việc gì chúng nó cũng bảo là thầy cưng con, làm bài cho con. Thế rồi có lần thầy khảo bài con, con học thuộc nên thầy phê: "chăm học, đáng khen". Con mừng đến nhẩy cỡn lên được, nhưng cũng vì thế mà chúng bạn lại còn ganh ghét con hơn nữa. Chúng nó hay mỉa mai:

- Không lẽ "bố tinh thần" lại phê "con cưng" là học dở à!

Con biết, thầy không phải là người "thiên vị", không phải thầy thương con mà cho con điểm tốt, phê hay. Thầy rất công minh, bằng chứng là con làm bài được, học thuộc bài kia mà!

Nhưng lại đâu có ai hiểu cho, phải không thầy?

Còn một việc đáng mai mỉa hơn. Hôm đó, thầy bất thần lại gọi học sinh lên khảo bài. Đáng lẽ con không bị kêu lên, nhưng... chỉ tại vì con Dịu cả. Nó ngồi ở đằng sau con, nó không biết đọc Anh Văn, nên khều tay, hỏi nhỏ con:

- Thu ơi! Nước Mỹ đọc là gì?

Con vừa quay xuống, định trả lời thì thầy bắt gặp, nên kêu con lên trả bài.

Kỳ này thì con lại không thuộc bài, thầy hỏi:

- Nước Mỹ là gì?

Con mừng rỡ vì con nhớ chữ nước Mỹ là United States. Nhưng con lại không nhớ cách đọc, con định xin thầy cho con viết lên bảng. Con sợ thầy không cho nên con đành cúi đầu, hơn nữa, đâu phải con nói chuyện, chỉ vì con Dịu nó hỏi bài mà. Con oan ức quá nên không trả lời gì hết. Thầy bảo con về chỗ ngồi và phê: "không chịu đọc bài". Con uất ức giựt phăng cuốn tập nơi tay thầy cầm về chỗ ngồi. Con nhớ đến lời thầy nói: ai không thuộc bài, sẽ bị zérô. Con hình dung ra hai cái trứng vịt to thật to mà thầy sắp cho con. Con quá đau lòng, nên ngồi úp mặt xuống bàn mà khóc.

Thầy biết con khóc nên chưa vội cho zérô, thầy cầm bút đánh dấu vào cuốn sổ để mai mốt kêu trả bài nữa. Thầy an ủi:

- Thầy chua cho zérô đâu mà sợ! Kỳ sau trả bài lần nữa!

Đó, việc đó xẩy ra, càng làm cho chúng bạn ganh ghét thêm. Tụi nó lại mỉa mai, nào là:

- "Bố tinh thần" không cho "trứng" đâu! "Con cưng" đừng sợ! Cứ "mè nheo" hoài!

- Ối giời ơi! "Con cưng" nhõng nhẽo không kìa! Mới có tí xíu là đã "hóc" rồi! Coi chừng ướt hết cả lớp bi chừ!

Thầy thấy không, chúng bạn đâu có chịu hiểu cho thầy, cho con. Tụi nó chỉ nghĩ tới những điều xấu về thầy và con. Đã thế lại làm cho tình bạn xa nhau, ganh ghét nhau, phải không thầy?

Thầy ơi!

Bi chừ con đã xa thầy rồi! Thầy chỉ dạy con niên học đó thì con đã đổi qua lớp khác. Lớp Bảy và Tám con theo tụi bạn. Tụi nó muốn con theo học với tụi nó, tụi nó ghét thầy nên ghi tên lớp khác làm con cũng phải ghi tên theo. Thế rồi chừ lên lớp Chín, con lại đổi sang trường khác, học tương đối khó hơn. Có lần, thầy đi đường gặp con, thầy bảo:

- Chà! Mới ngày nào mà lớn dữ vậy?

Thầy vẫn nhớ đến con đấy chứ! Con không biết sao hơn, chỉ cúi đầu, nói lẩm bẩm: "Chào thầy ạ" rồi vội vàng chạy như bị ma đuổi.

Chừ con nghĩ lại, chắc không bao giờ còn gặp lại thầy và dĩ nhiên, con không bao giờ được học thầy thêm một niên học nào nữa.

Cũng có thể, chả bao giờ tụi bạn con còn nhớ thầy, nhớ con, để rồi nhắc đến mấy danh từ: "bố tinh thần", "con cưng"... nữa.


MẶC LINH HOÀI THU    
(BN Sao Đêm)           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 159, ra ngày 15-8-1971)



Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

ƯỚC MƠ HỒNG - H. Nghi

 

Màu vàng lá quấn quýt chập chùng trong gió. Tưởng như dấu vết thời gian đã đọng lại làm lá xanh khô héo. Mưa rơi nhẹ nhàng. Giọt mưa trong vắt. Em lạc loài giữa con đường ngập lá. Không một bóng người. Chỉ có tiếng mưa thánh thót. Tiếng gió lao xao. Đan vào nhau như lời ca êm mơ dịu ngọt. Vẫn đôi tay mũm mĩm tròn no, em cẩn thận nhặt từng chiếc lá xếp vào rổ. Ánh mắt chan hòa niềm vui. Lá vàng là lá khô, lá héo. Những chiếc lá đã tàn tạ héo mòn vì năm tháng. Em nhặt làm gì lá ấy hở em? Tôi biết sẽ chẳng bao giờ tôi hỏi em câu đó. Dù sáng nào cũng lặng lẽ đứng đây. Và lặng lẽ nhìn em nhặt lá. Rồi như một hôm tôi chợt thấy bâng khuâng mất mát. Vì con đường kia bỗng vắng dáng em ngồi nhặt lá vàng. Tim bồi hồi. Dạ xót xa. Nước mắt viền quanh bờ mi nghe nặng trĩu. Suốt một ngày tôi âm thầm dõi mắt chờ em. Nhưng em không đến. Tôi thức trắng đêm ngồi khóc, chỉ sợ em là ảo ảnh. Là nàng tiên nhỏ một thoáng nào chợt hiện rồi biến mất trong mây trời cao vút. Từ đó, tôi biết khung cảnh đơn thuần thơ dại kia là một cần thiết. Vắng em tôi buồn. Có em tôi vui.

Giờ thì em đã trở lại. Vẫn với tất cả những gì quen thuộc cũ. Vẫn với những gì mà tôi ngỡ mình đã đánh mất.

Hình như có tiếng chân người ở cuối con đường. Tôi nhón chân lên. A! Một đứa bé trai.

Đứa bé tiến lại gần em, miệng cười tươi:

- Ê Bí. Mày làm gì mà lâu dữ vậy?

Bí. Em tên là Bí. Tôi thích thú và buồn cười quá đi. Có lẽ cái tên ấy mới hợp với em. Em tròn và xinh như quả bí, em biết không?

Tôi thấy em nhăn nhó phân bua:

- Bữa nay nhiều lá ghê, Bí lượm hoài mà hổng hết. Bi giờ, cu lượm giùm Bí với nghen.

Đứa bé trai lắc đầu nguầy nguậy:

- Thôi, bỏ đi. Mẹ cấm chơi lá, chơi dơ nhà hết trơn. Coi chừng ba "dìa" ba la đó. Mẹ nói Bí mà ngoan, mẹ mới cho ăn bánh.

- Bí hỏng thèm bánh, Bí ưng chơi lá hè.

- Xí, nói dóc. Hỏng thèm bánh sao mỗi lần ba "dìa" hỏng có thì khóc. Bí xạo ghê ta ơi.

Dường như đôi má chợt hồng lên và em cúi đầu xấu hổ. Tôi yêu em vô cùng, em biết không?

Cậu nhỏ hối hả dục em trở về. Nhưng em hãy còn luyến tiếc những chiếc lá vàng nghiêng ngả. Đôi tay thơ dại ôm chặt lấy rổ lá. Như không muốn rời. Như không muốn xa. Em quý những vật ấy vô cùng phải không em? Ôi! Ý muốn thật đơn thuần. Chỉ là những chiếc lá vàng, đã héo. Tôi yêu em vì ý muốn đơn thuần đó, vì ý nghĩ thơ dại đó, em biết không?

Tay xiết chặt mảnh giấy. Vo tròn. Vò nát. Đôi mắt thoáng mờ cho cơn đau ùn ùn dâng ngập. Mẹ. Con đang hình dung khuôn mặt đăm chiêu, buồn bã của mẹ. Qua những dòng chữ này. Như chất chứa. Như tích tụ nỗi xót chua, tủi cực khi mẹ biết được Khánh dấu yêu đã làm mẹ thất vọng rất nhiều, vì một ý thích thật điên rồ, khờ dại. Làm sao mẹ hiểu được. Con đã từ bỏ tất cả những dự định trong tương lai để chỉ xin một ước mơ nhỏ bé. Là ngày nào khi trời chớm sang thu. Màu vàng lá bắt đầu ngự trị vẫy vùng trong gió. Con sẽ không còn như hôm nay. Một cô gái nhỏ lạc loài giữa quận lỵ vắng lặng, hiện diện vài tuần lễ cho chuyến nghỉ hè đầy thích thú. Mà ngày ấy, con sẽ thật dịu dàng, thật trang nghiêm giữa bầy chim non xinh xắn. Ôi! Những đôi mắt bi ve mở rộng. Ôi! Những hình hài bụ bẫm no tròn. Con yêu chúng vô cùng. Và muốn giữ mãi trong vòng tay. Mãi mãi. Mẹ hiểu cho con. Mẹ hiểu cho Khánh dấu yêu của mẹ. Mẹ nhé!

Con đường đang trải dài dưới những bước chân. Con trơ vơ giữa khung cảnh này, giữa quận lỵ này. Lạc loài quá, mà như gần gũi quá. Căn gác nhỏ nằm đơn độc trên con đường đất ngập lá. Chỉ có thế. Ngày mới đặt chân đến đây, mơ hồ con đã thấy sự giản dị mộc mạc của quận lỵ sẽ là một quấn quýt không rời, một vấn vương không dứt. Rồi một sáng, con chợt ngất ngây bàng hoàng. Chợt bắt gặp dấu tích của tháng ngày xưa nhỏ dại. Em. Đứa bé gái chỉ yêu những chiếc lá vàng khô héo. Tôi yêu em. Con yêu đứa bé đó vô cùng. Làm sao mẹ hiểu được. Tất cả chỉ có thế. Một bé gái và những chiếc lá vàng. Đã làm ước muốn con thay đổi. Rồi con vội vã ghi tất cả mong muốn đó gởi về mẹ. Để hôm nay con nhận được biết bao trách móc giận hờn. Mẹ chế con là "cô giáo làng". Cô giáo làng. Trời ơi, con tưởng như ước mơ kia đang nở hoa và trong tầm tay với. Tưởng như hình ảnh người thiếu nữ quay trở lại quận lỵ ôm tròn mộng ước là rất gần. Cô giáo Khánh sẽ đặt chân lên những dấu chân xưa dịu dàng thăm hỏi. Cho kỷ niệm dồn dập. Cho xúc động dâng dâng. Cho tình thương quấn quýt trên môi cười trong mắt nhòa vì lệ. Em. Lúc ấy tôi sẽ hết còn nhút nhát để chỉ dõi mắt chờ em từng sáng (vì... tôi đã là cô giáo của em rồi nhỉ?). Sẽ dịu dàng đến  bên em hỏi nhỏ. Vì sao em chỉ nhặt những chiếc lá vàng? Rồi tôi sẽ cúi xuống bắt chước em chắt chiu từng chiếc lá. Xếp vào rổ cho em đem về bày cuộc chơi vui...

Mẹ dấu yêu. Chắc mẹ đã hiểu con. Vì sao con đem mộng ước đắp xây ở quận lỵ nhỏ bé này. Chỉ là thế. Một đứa bé gái với mỗi buổi sáng chắt chiu từng chiếc lá. Chỉ thế thôi. Mẹ ạ.

*

- Thảo. Bí Thảo.

- Ê Hằng. Mày biết Bí Thảo là cái gì hông?

- Tao hổng biết. Nhưng chắc là cái cây bí quá hà.

- Xí, dở ẹc. Đâu phải cây bí, trái bí mới đúng. Mày hổng thấy nó giống "hịt" trái bí sao? Hí... hí...

Con Bí ù
Như cái lu
Xách cái dù
Đi sở thú
Gặp bánh ú...

Em bịt chặt hai tai, nép mình vào cây thông thật kín. Nhưng tiếng cười của cu Tâm, tiếng phụ họa của nhỏ Hằng vẫn vang vang. Nước mắt muốn trào ra. Em ưng giận ba mẹ quá. Đặt cho em cái tên gì kỳ cục. Dù bây giờ ba mẹ đã sửa lại thật đẹp khi bằng lòng đưa em vào học ở trường. Nhưng tụi nhỏ đâu có chịu buông tha. Chúng nó gắn hai cái tên vào nhau để gọi em. Bí Thảo. Sao em ghét cái tên ấy ghê là. Chiều về thế nào cũng bắt đền ba mẹ. Tự dưng em phải mang cái tên xấu xí trước hai chữ Yên Thảo thật dễ thương. Yên Thảo. Em chỉ ưng tên em là Yên Thảo thôi cơ.

Ánh mắt nhỏ Hằng nhìn em ái ngại. Em quay mặt đi hờn dỗi. Giận Hằng rồi. Ai bảo nhỏ cũng bắt chước cu Tâm chọc em.

- Thảo ơi...

- ...

- Thảo này... Thảo...

- Thôi đừng gọi tên "tui" nữa, tên "tui xấu lắm.

Nhỏ Hằng vội vã phân trần:

- Hồi nãy Hằng đâu có chọc Thảo. Tại cu Tâm đó. Hằng... thích Thảo lắm mà.

- "Người ta" mập ú thích làm chi.

- Mập mới đẹp chớ. Mẹ Hằng nói càng mập thì càng đẹp.

Mắt em sáng lên và em quên hết giận hờn:

- Thiệt hông? Thề đi.

Nhỏ Hằng lí lắc:

- Ừa, Hằng thề nghen. Nếu Hằng nói láo cho... xe lửa cán...

- Cán đường rầy phải hông?

- Hơ... đâu phải. Xe lửa cán...

Em cười. Thôi hết giận hết hờn rồi. Bàn tay em nắm lấy tay Hằng kéo xuống bên cạnh.

- Khỏi thề nữa. Giờ có chuyện gì Hằng nói đi.

Đôi mắt Hằng mở rộng chơm chớp. Trông con nhỏ điệu lạ.

- Năm nay trường mình có một cô giáo mới lắm.

- Cổ có dữ hông?

- Hằng hổng biết. Nhưng mà mẹ Hằng nói hình như trước kia cô giáo có ở đây. Lâu lắm rồi, chừng cũng hai năm trước lận. Hồi đó cổ ở có 2, 3 tháng gì đó. Mà Thảo có biết tên cô là gì không?

- Tên gì hả Hằng?

- Cổ tên là Khánh. Hè năm kia cô Khánh ở trọ căn nhà có cái gác. Chỗ mà Thảo thường hay lượm lá chơi bị mẹ la hoài, nhớ hông?

Tự dưng em thấy ngượng. Nếu vậy chắc cô giáo đã thấy em nhặt lá chơi rồi. Chả hiểu cô giáo có cười em không nhỉ?

Em nhẹ ngắt cọng cỏ non:

- Chắc cô giáo đẹp lắm phải không Hằng?

- Ừa. Chắc cổ hiền nữa, dễ thương nữa.

- Với lại thương tụi mình nữa hé.

Hằng cười. Em cười. Cọng cỏ mơn trên tay em dìu dịu.

- Ngày mai mình sẽ đi học với cô giáo mới.


H. NGHI          

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)