Mùa hè năm ngoái tôi ngồi xe ca Thụy Sĩ, và một buổi sáng đẹp trời nọ, ở Berne, đoàn du lịch lên đường bỏ lại tôi. Mới đầu tôi thấy bực mình; nhưng các bạn đồng hành hôm sau thế nào cũng sẽ trở lại, tôi nghĩ khôn hơn hết là tìm cách lợi dụng thời gian phải ngừng chân bất như ý này. Vậy là tôi đi ngắm chiếc đồng hồ cổ - đồng hồ đó cứ mỗi giờ chuông gõ thì lại có một đoàn nhân vật cổ diễn qua - và coi cái hầm nhốt gấu nổi danh của thị trấn.
Tôi nhờ một người đứng bên cạnh tôi chỉ cho một khách sạn tốt. Người Thụy Sĩ đó nhận ngay ra rằng tôi là một người ngoại quốc, bảo tôi:
- Tôi về nhà ăn bữa trưa đây, xin mời ông về dùng bữa với chúng tôi.
Tôi thú thực rằng lời mời mọc đó bất ngờ quá, nên tôi do dự một chút rồi mới nhận. Ông ta giới thiệu tôi với bà vợ và hai đứa con quấn quít chung quanh; cả gia đình đều nhã nhặn và tôi thấy thoải mái liền.
Ăn xong chủ nhân mời tôi đi thăm xưởng đồng hồ nhỏ của ông. Tôi nhìn cách người ta lắp các bộ phận tế vi ra sao, hỏi chuyện vài người thợ.
Chúng tôi chia tay nhau, thân mật lắm và cùng hứa sẽ nối chặt thêm thiện cảm mới mẻ đó.
Hôm sau, gặp lại bọn đồng hành rồi, tôi không hề tiếc một chút rằng tôi đã bị bỏ rơi, vì nhờ vậy tôi mới được thêm một tình bằng hữu trường cửu và tin thêm rằng nhiều người có một tâm trạng lầm lẫn làm tê liệt đời sống của họ.
Những người đó cho đời sống như một "cuộc du lịch đã được tổ chức", chỉ giao du với người đồng hành, không bao giờ ra khỏi những lộ trình lớn, chỉ coi những cảnh đã được sắp hạng. Sau này - nhưng lúc đó đã trễ quá - xét lại cuộc đời chật hẹp của mình, họ phàn nàn đã "không được sống một cách mãnh liệt" mà không hay rằng nguyên do là tại họ, vì chỉ cần quả quyết bỏ những đường mòn đi, tìm kiếm và chinh phục tình thân thiện trong mọi giới, là đời của họ sẽ phong phú lên vô cùng. Như câu tục ngữ Ả Rập đã nói: "Sung sướng thay người nào biết tìm nhiều bạn thân khác nhau, vì người đó được sống một ngàn lẻ một cuộc đời".
Từ Aristote, tất cả các triết gia đều bảo rằng tình bạn mà phong phú thì quí nhất đời, không gì bằng, hơn cả tài năng nữa.
Hầu hết những người có một cuộc đời rực rỡ đều đã chọn lựa bạn trong mọi giới vì họ cho rằng không tiếp xúc với mọi hoàn cảnh của loài người thì không thể nói là biết đời được.
Sự thực thì gây một tình bằng hữu đâu có khó khăn như người ta tưởng. Một chính khách nổi danh nọ có thói quen khi vô một tiệm nào thì hỏi chuyện người bán hàng về vài điểm rõ rệt nào đó trong nghề của họ, về cách xay cà phê chẳng hạn hoặc cách lựa một thứ xì gà ngon. Ông ta biết rằng ít ai mà không thích nói về một đề tài mà mình thông thạo; như vậy ông ta phá tan được sự lãnh đạm, gây được thiện cảm và nhờ đó sự giao thiệp của ông được dễ đàng hơn.
Một cách khác là sốt sắng tỏ lòng mang ơn người khác dù người đó chỉ giúp mình một việc nhỏ nhặt. Thế là hàng rào phân cách bị hạ xuống và mình được lòng người hơn là nói chuyện tào lao cả một giờ. Chính nhờ một lời cảm ơn mà tôi được quen một người vào hạng có cá tính mạnh mẽ nhất, một ông lão đánh giày ở Picadilly. Ông ta có nước da sạm nắng, cử chỉ ngôn ngữ bình tĩnh và lễ độ. Hầu hết các khách hàng của ông chỉ nói với ông vài lời lãnh đạm rồi bỏ đi mà không lợi dụng cơ hội để được biết một người lạ lùng, thú vị nhất trên đường phố London, một cựu kỵ binh sở cảnh sát Canada, biết năm sinh ngữ và vô số chuyện kỳ cục, hấp dẫn, sôi nổi.
Trong những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, nếu hai bên có một điểm chung nào thì dễ thân với nhau ngay. Cùng đọc một thứ nhật báo hoặc cùng có một kiểu xe, thế là có thể thành thân với nhau được.
Tình bằng hữu có nhiều nỗi vui mà có nhiều người không biết gây nó để cho đời mình thêm phong phú. Một số người tự cho mình là sang trọng quá, không muốn ra khỏi cái giới của mình.
Họ thường là những ông bà không có gì để cho, và nguyên do họ không chịu tự thú, là tại họ sợ bị lột mặt nạ, hiện nguyên hình, không đáng được hưởng tình thân của người khác.
Nhưng họ phải biết rằng những nhân vật cao thượng nhất trong lịch sử không bao giờ chê tình thân của bất kỳ ai, và trái lại, mới gặp ai, họ cũng đem hết tấm lòng của họ ra mà đối xử.
Disraeli rời bọn chính khách để xem xét tình cảnh của dân nghèo trong khu hạ tiện Whitechapel. Rembradt trọng các người ăn mày cũng ngang các thị trưởng Amsterdam.
Có người lại tưởng lầm rằng phải có cùng thị hiếu, lý tưởng với nhau thì mới thân với nhau được. Trái lại, những quan điểm khác nhau nhất lại thường gây những tình bằng hữu thân mật nhất.
Mới rồi tôi gặp ở Pháp một vị tư tế biết rất kỹ về Bắc Mỹ. Tôi hỏi ông:
- Ông qua Hoa Kỳ hồi nào?
Ông mỉm cười đáp:
- Tôi có bao giờ qua bên đó đâu. Năm 1944, sau khi Đồng minh đổ bộ lên, đạo quân Hoa Kỳ đóng ở làng tôi.
Một hôm một sĩ quan lại trại ruộng của tôi xin nước, chúng tôi vừa đi ra giếng vừa nói chuyện với nhau. Hết chiến tranh ông ta viết thư cho tôi, từ đó chúng tôi thư từ đều đều với nhau. Ông ấy ở San Francisco và kể về đời sống ở đó cho tôi nghe tới nỗi tôi biết rõ như đã có thời ở đó.
Có người nghĩ phải gặp nhau thường thì tình thân mới bền. Không đúng. Thân hay không thân là do có tâm sự với nhau, có hiểu biết nhau không, mà những tình đó dù xa cách về không gian hay thời gian thì cũng vẫn còn hoài. Không ai sống cô liêu hơn nhà thám hiểm David Livingstone, vậy mà ông có rất nhiều bạn thân. Cô con gái út của ông bảo:
- Tôi thấy ba tôi lúc nào cũng viết thư!... Mỗi năm ông gởi mấy trăm bức thư đi khắp nơi trên thế giới cho những bạn mà hầu hết ông chỉ ngẫu nhiên gặp một lần ngắn ngủi.
Điều này cũng lầm nữa: có vài ông bạn cũ, vài ông hàng xóm và vài ông bạn làm ăn là đủ rồi. Như vậy chân trời của ta rất bị hạn chế. Huân tước William Osler thường bảo:
- Khi không tìm ra bạn mới nữa là chúng ta bắt đầu già rồi vì tìm thêm bạn là một dấu hiệu nảy nở, một chứng cớ rằng mình vẫn còn yêu đời, vẫn thích biết thêm những ý mới.
Đừng bao giờ nên rụt rè mà bỏ lỡ cơ hội làm quen bất kỳ ai. Tôi nhớ một buổi dạ hội để mừng nhà chơi đàn piano danh tiếng Vladimir de Pachmann; trong buổi đó tôi đã đề nghị với một nhạc sĩ trẻ sẽ giới thiệu chàng với nghệ sĩ tài danh đó. Chàng lúng túng, rồi từ chối, lấy lẽ rằng như vậy chỉ làm phiền cho ông ấy thôi.
Sau bữa ăn, Vladimir bảo tôi:
- Lúc nãy tôi thấy ông nói chuyện với một thanh niên có vẻ mặt dễ thương và những bàn tay của một nhạc sĩ... Tôi muốn làm quen với cậu ấy.
Thế là cậu ta bỏ lỡ cơ hội duy nhất để kết thân với một nghệ sĩ có thế lực.
Khi nhờ các bạn thân mà ta mở rộng chân trời của ta được, khi giao du với họ mà kinh nghiệm của ta tăng tiến là lúc đó cá tính của ta mạnh mẽ và vững rồi đấy.
Hết thảy chúng ta đều có một cái gì để tặng bằng hữu, dù chỉ là một nét đặc biệt của cá tính ta, một quan niệm độc đáo về đời sống hoặc cái tài kể chuyện vui. Tiếp xúc với nhiều bạn bè, tâm hồn ta phong phú lên, rồi lại làm cho tâm hồn những bạn sau này của ta cũng sẽ phong phú lên.
Ngày nào chúng ta cũng có cơ hội làm cho một nét mặt lạ thành một nét mặt thân yêu. Phải biết nắm lấy cơ hội khi nó đi qua, vì sống trong lòng đời sống của người khác thì bao giờ cũng làm cho đời sống của mình được kích phát lên đến cực độ.
A.J.Cronin
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.