Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

GIẤC MƠ KINH HÃI - Ngọc Liên

  - Lan ơi! Đã quá trưa rồi mà sao em con chưa về nhỉ?

- Thưa mẹ chắc nó cũng sắp về rồi...

Vừa lúc đó, con Vện trong nhà chạy ra cổng sủa lên mừng rỡ.

Thu về, tay ôm cặp, tay cầm hộp dế lững thững đi vào:

- Thưa mẹ, con đã đi học về ạ! Thưa chị em đã đi học về!

- Thu! Con làm gì tới giờ này mới về?

- Dạ con... con...

- Dạ con làm sao?

- Dạ thằng Minh nó rủ con đi bắt dế với nó.
 
- Mẹ đã bảo từ nay con không được chơi dế nữa cơ mà! Sao con không nghe lời mẹ? Mà đã đem về chơi thì có cho em Cúc chơi với đâu. Hơn nữa đi bắt dế chỉ tổ dãi nắng, tay chân bẩn thỉu, quần áo lem luốc. Nhỡ ra gặp lỗ rắn thì sao? Thế nên từ nay trở đi mẹ cấm con không được chơi dế nữa nghe không?

- Vâng ạ!

Nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy, Thu vẫn không vâng lời mẹ. Có lần sáng sớm đi lễ, Thu nghe thấy dế ngáy to hai bên vệ đường, không cầm lòng được nữa Thu đi tìm dế bắt:

- Ồ! Chắc con này là dế lửa đây, nó mới ngáy to như thế! Mình mà bắt được thì thể nào cũng đá ăn dế thằng Minh.

Nhưng mỗi lần thấy động cỏ thì dế thôi không gáy nữa làm Thu không biết đâu mà lần. Hễ đến chỗ này, thì chỗ kia gáy, đến chỗ kia thì chỗ nọ gáy...

Cứ lang thang mò mẫm thế mà mất lễ. Về nhà lại nói dối. Thật là đi dối cha về nhà dối chú. Bà Xuân luôn luôn cầu xin Chúa và Đức Mẹ thay đổi tâm tính cho con mình.

Ông Xuân mất đi để lại cho bà một mẹ già và ba đứa con thơ: con Lan, thằng Thu và con Cúc. Hai đứa con gái thì nhu mì, ngoan ngoãn dễ bảo, còn thằng Thu thì quá lắm, dạy nó khó như cưỡi đầu voi dữ. Đã mê chơi nghịch ngợm mà thôi đâu, nó còn chòng em và bắt bí chị nó nữa. Họa chăng lớn lên nó có sửa đổi tâm tính đi chút nào chăng?

*

Mấy ngày nay Thu sốt li bì, chẳng ăn uống gì cả, cũng chỉ vì nó đi bắt dế mà bị cảm nắng.

Thấy khát, nó gọi chị:

- Chị Lan ơi! Cho em cốc nước!

- Ừ! Để chị mang vào cho.

Lan lấy cốc nước mang vào cho em:

- Em đỡ chưa? Em uống thêm liều thuốc nữa nhé? Thật em chả nghe lời mẹ chút nào cả, bây giờ em đã thấy cái hại chưa? Nào phải mất chơi mất đùa, nào phải nghỉ học, bài vở thiệt thòi, vừa hại sức khỏe vừa có lỗi không vâng lời cha mẹ. Em chẳng ngoan tí nào cả, em chỉ làm cho mẹ thêm buồn thôi, thì mẹ còn tâm trí nào mà làm ăn để nuôi gia đình nữa.

Thu khóc, không biết vì cảm động hay vì phải nằm trong nhà không được chạy nhảy. Thu quay vào tường, úp mặt xuống gối... rồi thiếp đi lúc nào không biết...

*

- Thu ơi! Bắt dế đi - tiếng thằng Minh gọi.

- Ừ, đi, nhanh lên!

Thế là hai đứa lần mò hết hang dế này sang hang dế khác. Bỗng hai đứa cùng rú lên:

- Rắn, rắn!

Nhưng không kịp chạy nữa, chúng ngã lăn ra đất và bất tỉnh vì nọc độc.

Ồ! Mà chúng không chết. Lạ thay, tự nhiên chúng thấy mình nhỏ lại, nhẹ bẫng đi, mọc thêm râu, thêm cánh... À! Thì ra chúng biến thành dế rồi, chúng bỡ ngỡ run sợ khi biết mình phải làm kiếp dế nghèo nàn.

Thấy yên ắng, chúng cùng nhau bò lên miệng hang, thử sử dụng đôi cánh, gáy một bài xem sao?

Ồ! Tiếng gáy phát ra ở cánh gần nách làm chúng nhột nhột, khó chịu, nhưng sau rồi cũng quen.

- Này Minh, tớ gáy bài "Con dế mèn" cậu đệm nhé?

- Ừ gáy đi!

"Có con dế mèn,
Suốt trong đêm thâu
Hát xẩm không tiền,
Nên nghèo xác xơ.

Dế ơi! Dế ơi!
Dế mải vui chơi.
Phí uổng cuộc đời,
Hạnh phúc chơi vơi.

Vừa dứt bài thì lạ lùng thay, các con dế khác đến quây quần xung quanh Thu và Minh như có vẻ thán phục cái tài ca hát xuất chúng của hai chàng, vì chúng chỉ "rích rích" hay reéc reéc" mà thôi, chứ không thành bài du dương, trầm bổng...

Chúng đồng tình bầu Thu làm vua dân dế Lửa (vì có bộ cánh đỏ), còn Minh làm vua dân dế Than (vì có bộ cánh đen), vì vua của hai nước dế Than, Lửa vừa băng hà, không con nối dõi. Theo tục lệ nước dế thì hai vua Lửa, Than phải tranh tài với nhau trên võ đài, xem ai thắng thì ở lại chỗ cũ sinh sống, còn ai thua thì phải di dân đi nơi khác làm ăn, sinh sống.

Minh và Thu cố nhường nhau ở lại để mình đi, nhưng cả hai dân dế Than, Lửa không chịu, vì "phép vua thua lệ làng mà". Thế là Minh và Thu buộc lòng phải đấu võ vậy!

Trận đấu được tổ chức ngay. Các nhạc sĩ có chân trong ban nhạc phải giúp vui cho trận đấu. Các vũ nữ dế vì không gáy được thì múa khi ban nhạc dế hòa tấu.

Dân dế hai họ vui mừng vì đã được hai vị vua trẻ tuổi cầm đầu. Các cô các cậu ăn mặc chải chuốt, khoe khoang đồ mới... Trọng tài trận đấu là bác dế Ốc-tiêu, tuy bác nhỏ bé nhưng khỏe, nhanh nhẹn và dai sức lắm, tiếng gáy lại to nên được cử làm trọng tài.

Đấu trường là một sân đất rộng, nhẵn nhụi được bao vây bởi hai đội vệ sĩ dế Lửa và Than, có nhiệm vụ canh chừng và báo động khi nguy hiểm.

Một hồi trống vang lên báo hiệu cuộc đấu bắt đầu. Các bô lão, các vị quan chức ngồi trên khán đài chứng kiến cuộc so tài. Dân chúng hò reo inh ỏi, bâu quanh võ đài.

Bác Ốc-tiêu thổi một hồi còi ra lệnh cho hai vị Tân vương lên võ đài tỉ sức. 

Minh và Thu oai vệ tiến lên võ đài giữa những tiếng hoan hô, reo hò của dân chúng.

Tiếng cồng thứ ba vừa dứt, Minh và Thu nhảy vào giữa võ đài đứng thủ thế. Cả hai cùng nhường nhau không ai muốn tấn công trước. Vả lại lần đầu tiên hai người sử dụng đôi càng, đôi răng chém và đôi cánh nên rất ngượng nghịu.

Bỗng vệ binh báo nguy, dân chúng chạy tán loạn. Minh và Thu chưa kịp chạy thì đã bị hai mỏ chim kẹp chặt, bay lên cao mang về tổ. Thu cố vùng vẫy thoát thân nhưng vô ích. Về đến tổ, chim đặt Thu xuống. Thu van lơn xin tha chết cho mình và kể lại vì không nghe lời cha mẹ nên hóa ra dế...

Chim động lòng hỏi:

- Vậy có muốn thành người không?

Thu đáp:

- Có chứ! Nhưng phải làm sao?

- Phải vâng lời cha mẹ, và leo ra cành nhỏ nhất kia kìa thì sẽ trở lại thành người.

Thu riu ríu làm theo. Ra đến đầu cành bỗng cơn gió mạnh đong đưa cành lá, Thu bám không vững ngã xuống. Thu rú lên thất thanh, toàn thân ê ẩm không biết gì nữa.

*

Nghe tiếng em rú, Lan chạy vào:

- Thu! Em làm sao thế? Có chị đây mà.

Sau một hồi lay gọi, Thu mới tỉnh:

- Chị ơi! Em còn sống đấy à?

- Kìa! Em nói gì kỳ vậy? Em còn sống chứ, em đang ốm đấy thôi!

- À, thì ra em mơ! Thế mà em tưởng chết nát xương rồi vì ngã từ cao xuống.

- Em mơ thế nào?
 

Vừa lúc đó bà Xuân ở dưới bếp lên. Thu liền kể lại giấc mơ mình vừa qua và nắm tay mẹ Thu nói:

- Từ nay con xin vâng lời những điều mẹ dạy. Con đã biết hối, mẹ tha lỗi cho con, mẹ nhé!


NGỌC LIÊN      

(Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 5, ra ngày 25-10-1962)



Không có nhận xét nào: