CHƯƠNG II
Từ khi thuyết phục được Vũ
Phan bỏ ý định đi du lịch vòng quanh thế giới, một ý định mà Tú Mai cho là viển
vông, hai người bạn đã quyết định cùng nhau chung sức đi tìm một đề tài gì đó
thật hấp dẫn, ngay tại địa phương, để viết cho tờ tuần báo Tin Nhạn.
Tới nay, chưa một sự vật hay
một sự việc nào được Vũ Phan bằng lòng đặt bút viết.
Chúa Nhật nào, đôi bạn cũng
tha thẩn đi quanh vùng. Họ đi mãi, vào những khu vực xa chỗ ở có tới 5, 6 cây
số. Gọi là thám sát cho nó có vẻ vậy thôi. Thực ra, hai người cảm thấy rất
thích thú, sau một tuần học hành nhọc mệt, được đi lang thang đây đó, ngoài
rừng bãi, bên bờ nước trong ngắm cảnh hồ sen thơ mộng, thoảng hương thơm ngào
ngạt. Thỉnh thoảng, một con cá xinh xinh quẫy vọt lên khỏi mặt nước, thân mình
sáng loáng như bạc dưới ánh mặt trời.
Vũ Phan, Tú Mai thường hay
đi về phía ghềnh đá dựng đứng như một bức tường khổng lồ trên bờ sông con.
Ở đó, tọa lạc một tòa biệt
thự khá rộng, có vườn rộng bao bọc chung quanh. Người ta thường gọi là biệt thự
Bạch Tuyết. Có lẽ vì, ngoài tầng mái lợp bằng tôn xi-măng sơn đỏ chót, tường
được quét vôi luôn luôn, mà lại quét toàn vôi trắng. Việc săn sóc quét dọn có
tính cách thường xuyên, nhưng cửa lớn, cửa sổ luôn luôn đóng im ỉm.
Chủ nhân là một nhà khảo cổ,
nghe nói hiện vắng nhà đi sưu tầm cổ vật ở đâu xa lắm. Trước kia, cứ mỗi lần xa
nhà một thời gian khá lâu, khi về, không nhiều thì ít, viện bảo tàng riêng của
ông, xây cất nơi cuối vườn hoa, lại được trang bị thêm một số cổ vật rất hiếm
có.
Dân cư trong vùng, mỗi khi
nói đến chủ nhân biệt thự Bạch Tuyết, cứ đều một điều “giáo sư”, hai điều “giáo
sư”. Giáo sư dạy môn gì, ở trường nào, họ không cần biết. Đối với mọi người ở
vùng này, danh từ “giáo sư” chỉ có nghĩa là một nhân vật học thật rộng, biết
được nhiều thứ.
Tuy nhiên, đã bốn tháng nay,
giáo sư Đặng Thế Châu, nhà khảo cổ, không về đến nhà. Bốn tháng tuy không lâu,
nhưng cũng đã đủ để cho các loài cỏ dại, các giống dây leo, nhất là hai loại
“trinh nữ”, “lạc tiên” tha hồ sinh sôi nẩy nở, giăng bám um tùm.
Trưa nay, Vũ Phan và Tú Mai
ngạc nhiên vô cùng khi thấy cảnh vật thay đổi khác hẳn. Sỏi trắng trên đường đi
được quét sạch lá cây khô rụng, rác rưởi thu lại từng đống gọn, cháy âm ỉ. Cây
và dây leo hoang dại được phát quang, cỏ rối cắt xén gom gọn lại từng đống,
nhường chỗ cho những thảm cỏ xanh mướt. Mẫu đơn, thược dược, cẩm chướng, hồng nhung,
ngọc lan, tuần trước đây còn bị dây leo, cây dại tầm gửi chùm lấp che khuất,
nay lại xuất hiện rực rỡ hơn bao giờ hết, đu đưa lả ngọn đùa giỡn với nắng gió
ban mai.
Phan bật reo lên:
- Bác Hai Lũy này quả là một
tay làm vườn thật giỏi!
Tú Mai cũng cười vui theo
bạn:
- Chắc ông chủ bác ấy sắp về
hả anh Phan?
Vừa nói, hai người vừa vui
chân đặt bước lên con đường nhỏ dẫn tới sát hàng rào, vừa tường vừa lưới sắt
vây quanh khu vườn rực rỡ. Cửa rào mở rộng hai cánh. Một chiếc xe cam nhông
chất đầy thùng lớn, thùng nhỏ đậu trước cửa biệt thự.
Một người đàn ông đứng trên
hàng ba đang trông coi chỉ bảo cho toán người dỡ đồ đem xuống.
Vũ Phan bảo bạn:
- Tú Mai! Giáo sư Châu đã về
rồi kìa!
Và chàng giơ tay chỉ người
đàn ông tóc đã bạc trắng, nhưng da dẻ còn hồng hào khỏe mạnh, cử chỉ nhanh
nhẹn, giọng nói sang sảng, tiếng cười ròn tan, chạy lên chạy xuống, săn sóc các
thùng đồ. Chốc chốc, giáo sư lại la lên:
- Ấy, nhẹ tay một chút! Coi
chừng vỡ hết bây giờ! Cẩn thận đó nghe!
Tú Mai:
- Chuyến này giáo sư Châu
cũng đem về lắm thứ quá hả anh Phan?
- Nếu bác Hai Lũy nói đúng
thì giáo sư lại mới ở Đài Loan về đó. Ông qua bên đó từ lâu lắm rồi.
Tú Mai đăm chiêu nét mặt:
- Đài Loan! Quê hương của
người Tàu…
Vũ Phan bâng khuâng:
- Ờ, ờ! Đài Loan, người Tàu…!
Á, á! Đau, đau! Tú Mai véo tay tôi đau quá! Ô kìa! Tại sao vậy?
Vừa khẽ la, chàng trai vừa
quay nhìn bạn. Tú Mai giương tròn cặp mắt đen và to:
- Về việc đó, anh không có ý
kiến gì hết sao, anh Phan?
Phan lại càng ngơ ngác:
- Ý kiến gì đâu? Chuyến đi
Đài Loan là thường mà!
- Thế anh không nhớ người
khách lạ chúng mình gặp trên xe đò bữa nọ?
Chàng trai khẽ giật mình:
- Và về sau tụi mình lại gặp
lần nữa đứng chênh vênh trên tảng đá gần con đường mòn, lối đi về nhà?
Tú Mai mỉm cười ranh mãnh:
- Đúng! Người cháu chắt bẩy
đời tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc của anh đó!
Đôi bạn im lặng. Trong tâm
trí họ lại hiện ra hình bóng của người khách lạ bí mật. Từ bữa bắt gặp anh ta
trên ghềnh đá đến hôm nay, hai người không còn thấy y đâu nữa.
Vũ Phan phỏng đoán:
- Có lẽ anh ta chỉ đi qua
vùng này đó thôi mà.
Cô gái đưa tia mắt lo ngại
nhìn quanh, nở nụ cười gượng gạo:
- Mai cũng mong thế đó anh
Phan!
Hai người lùi lại nép vào lề
đường nhường chỗ cho chiếc xe cam nhông từ trong sân biệt thự Bạch Tuyết chạy ra.
Bác Hai Lũy dang tay đóng hai cánh cửa vòng rào. Qua mấy ô cửa sổ, đã có ánh
sáng đèn điện chiếu hắt ra.
Tú Mai sẽ nói với Vũ Phan:
- Chiều tà rồi đó!
Đúng như lời Mai nói, mặt
trời đã xuống thấp. Bóng cây cối bắt đầu đen sẫm. Phía xa, cảnh vật chìm dần
trong màn sương mờ ảo. Chung quanh chỗ hai người đứng, cảnh vật thật im lặng,
im lặng một cách khác thường. Chốc chốc chỉ có gió nhẹ thoảng qua. Lá vàng rơi
rụng theo gió lăn trên mặt đất kêu sào sạc.
Đột nhiên, Vũ Phan khẽ nói:
- Coi kìa! Tú Mai!
Và chàng trai giơ tay chỉ
một khuôn cửa nhỏ nơi bức tường rào. Cánh cửa bị dây leo che kín gần hết. Vũ
Phan đã nhiều lần qua lại chỗ này nên vẫn biết ở đó có một khuôn cửa. Cho nên
anh ngạc nhiên không phải vì cái cửa mà chính vì một hình vẽ bằng phấn trắng
nổi bật trên nền gỗ màu nâu sậm. Hình một con rắn uốn khúc, đầu ngóc cao, miệng
há hốc, cái lưỡi chẻ hai thè ra nhọn hoắt. Ghê gớm nhất là con rắn này lại được
người vẽ tô điểm thêm cho một bộ phận rất lạ khiến hai người phải giật mình
thảng thốt. Tiếng Phan:
- Ủa, lạ chưa?...
Tú Mai cúi sát mặt:
- Hình rắn gì mà kỳ ghê hả
anh Phan?
Quả có thế! Con rắn này không giống rắn
thường. Sống lưng nó lởm chởm một hàng lông vũ như lông chim. Mớ lông vũ đó lại
xòe ra, viền chung quanh mẩu chót đuôi. Một con “quái vật” nửa chim nửa rắn.
Tú Mai:
- Lạ quá! Hình vẽ quỷ quái
này có nghĩa gì thế, hả anh Phan?
- Chịu!... Có lẽ bác Hai Lũy
buồn tay vẽ chơi đó chứ gì!
Nói xong Vũ Phan lại ngẫm
nghĩ: “Bác Hai Lũy bản tính vốn đứng đắn nghiêm trang, suốt ngày lui cui làm
việc, lẽ nào bác lại đùa nghịch trẻ con như thế? Và anh tiếp lời:
- Chắc một chú nhỏ nào trong
làng…
- À… chắc thế!
Rồi tiện tay, Phan xóa hình
vẽ, khiến những nét phấn nhòa nhạt hết:
- Kể cũng kỳ! Sao chú nhỏ
nào lại oái oăm mò vào tận chỗ cánh cửa khuất này mà vẽ nghịch như thế chứ?
Chưa nói dứt câu, chàng trai
đã bị Tú Mai bất thình lình khẽ chộp nhanh vào tay. Có tiếng động quanh quẩn
đâu đây. Hình như một con vật, mèo hay chó gì vừa chạy qua bụi cây gần đó. Vũ
Phan giật mình hỏi bạn:
- Tú Mai nghe tiếng gì thế?
Cô gái cắn môi, ánh mắt lo
ngại ngơ ngác nhìn quanh : đúng lúc đó… gã đàn ông xuất hiện. cả hai người cảm
thấy như có một giòng nước lạnh chạy dọc theo xương sống, thảng thốt khẽ la:
- Hắn!
Quả là hắn thật! Gã đàn ông
lạ mặt trên xe đò! Và cũng là người đã xuất hiện bữa nọ trên ghềnh đá cao.
Hai bàn chân gã mang hài-sảo,
một loại dép có quai hậu tết bằng dây đay, bước nhẹ như mèo, lướt qua mặt hai
người. Tia nhìn nhanh loang loáng sáng lên một ánh giận dữ. Thoáng cái, người
lạ đã mất hút sau mấy bụi lá xanh. Vũ Phan, Tú Mai lặng người đứng chết trân
tại chỗ.
Gần phút sau, Tú Mai mới cất
được tiếng run run:
- Tụi mình chạy về đi anh
Phan!
Vũ Phan gượng thu hết can
đảm:
- Cứ từ từ nào, Tú Mai! Làm
gì mà phải cuống lên thế?
Ngay khi đó, bác Hai Lũy
đang chậm rãi đặt bước đi trong vườn, bên kia bức tường. Người làm vườn vui vẻ
chúm môi huýt sáo bài “Xuất quân”. Bác Lũy vốn là một hạ sĩ quan giải ngũ, vui
vẻ và chịu khó vô cùng. Đằng sau bác, hai con chó “bẹc-giê” lực lưỡng như hai con
bê, nhẩy quẫng, thở phì phò, cổ họng gầm gừ nghe mà muốn sởn gai ốc. Tiếng bác
Lũy khẽ quát:
- Ầy, ầy! Gì dữ vậy? Hai con
này! Tụi bây làm gì mà hộc lên thế hả? Hư quá!... Im!
Hai con chó lớn không đếm
xỉa gì tới lời la của bác Lũy, vẫn lồng lộn, chồm lên bức tường rào. Đám cây
leo trên bờ tường rung lên thật mạnh.
Tú Mai khẽ bảo bạn:
- Chắc tụi nó đánh thấy hơi
người đàn ông lạ kia đấy! Thôi, về đi, anh Phan!
- Tú Mai nhát quá chừng hà!
Miệng tuy nói vậy, Vũ Phan
cũng không có ý định nán lại như mọi lần để chờ xem trăng mọc trên đỉnh núi,
tỏa ánh sáng bạc xuống mặt nước sông chẩy lững lờ phía sau biệt thự. Tú Mai đã
đặt bước đi nhanh được một quãng. Vũ Phan vội vàng lao người chạy theo:
- Ừ, thôi! Tụi mình về đi,
trễ rồi.
Hôm sau, trước khi lên xe vào
trường, Vũ Phan bảo Tú Mai:
- Tôi ở lại trong trường có
lẽ hơn nửa tháng nữa mới về!... Tối qua Tú Mai kỳ ghê, làm cho tôi cũng sợ lây
đó!
Cô gái nheo mắt ranh mãnh:
- Em làm cho anh kinh sợ hay
là… người kia?
Chàng trai nhíu mày:
- Tú Mai nói ẩu không hà!
Người kia? Người lạ mặt đó liệu dám giở trò ám muội gì tại khu biệt thự Bạch
Tuyết lúc nào cũng có người ở và hai con chó lớn như hai con bê, dữ như cọp đó?
Rồi lại còn bác Hai Lũy nữa. Một tay gan dạ cùng mình!
Cô gái trả treo, giọng ngọt
như mía lùi:
- Vâng… anh Phan nói đúng
đấy! Hắn ta đâu dám giở trò gì! Có điều… khu biệt thự đó, ban ngày thì không
sao, nhưng mỗi khi chiều xuống, cây cối um tùm coi bộ cũng âm u đấy chứ! Đến
anh cũng phải chạy như gió đó thôi, hả anh Phan?
Vũ Phan biết rằng cãi lý với
cô bạn gái, kẻ thắng không bao giờ là anh nên hướng câu chuyện qua vấn đề khác,
quan trọng hơn:
- Sao? Tú Mai thấy việc sang
tận Đài Loan lần thứ hai để… khảo cổ của giáo sư Châu như thế nào? Lần này ông
về đem nhiều đồ thế, chắc hẳn lại có lắm cái hay!
Tú Mai:
- Em cũng nghĩ thế! Đồ cổ
bên Tàu nhất định phải có nhiều cái lạ lắm!
- À này, Mai! Trong những
ngày tôi không về, Tú Mai chịu khó để ý những người khách ra vào biệt thự Bạch
Tuyết, hỏi dò bác Hai Lũy xem giáo sư Châu có tiếp xúc với các nhà báo hoặc các
khách lạ nào không nghe!... Sao? Dễ lắm! Làm được công tác đó không, Tú Mai?
Tới biệt thự Bạch Tuyết một
mình! Tú Mai cảm thấy hơi ngại, nhưng sợ Phan chê là “kỳ”, là nhát, em phải vui
vẻ nhận lời.
Hồi này, thời tiết khô ráo.
Tú Mai xin cô cho phép, khi đáp xe đò đi học, được đem theo cả xe đạp để có dịp
đạp xe, vận động chân tay cho khỏe mạnh. Thế rồi, chiều nào, khi xe đò đưa em
từ trường về, Tú Mai cũng phóng xe lượn qua khu biệt thự Bạch Tuyết một vòng.
Đã bốn ngày rồi, Tú Mai chăm
chỉ đạp xe tới mà không gặp được bác Hai Lũy. Chiều nay em định chỉ đạp lướt
qua rồi sẽ theo con đường quanh triền đồi thấp về nhà. Vừa đạp xe, Tú Mai vừa
đưa mắt lơ đãng nhìn ngắm cảnh vật bao quanh. Thốt nhiên:
- Ồ, ồ!...
Vừa khẽ kêu, Tú Mai vừa xuống
xe, tim đập thình thịch.
Trên một thân cây chẩu mọc
bên vệ đường, ngay trước cửa biệt thự Bạch Tuyết, một hình vẽ do lưỡi dao hay
cái gì nhọn khắc vào mặt vỏ cây nhẵn nhụi. Thoáng trông, người ta có cảm giác
đó là một dấu hiệu hay một chữ ký tắt thường gặp trên thân cây hay những tảng
đá tại một chốn danh lam thắng cảnh du khách thường để lại làm kỷ niệm ngày giờ
mình đặt chân tới đó.
Hình vẽ cao không đầy 10
phân, nhưng dưới mắt Tú Mai nó đã hiển hiện rất rõ rệt:
“Con rắn thần”
Đúng! Đúng con rắn kỳ quái
với khúc mình ngoằn ngoèo vươn lên như lò xo bật chốt, cái đầu bẹt há hốc, hàng
lông lởm chởm dọc sống lưng, xòe ra như nan quạt nơi chót đuôi.
Tú Mai lẩm bẩm:
- Lại hình con rắn quái quỷ
này!
Cô gái đưa nhanh mắt nhìn
mấy thân cây khác gần đó. Không có gì khác lạ.
Một ô, rồi hai ô cửa sổ có
ánh đèn sáng chiếu hắt ra. Bên trong bức tường rào, tiếng con vật gì đó chạy
huỳnh huỵch, cát sỏi bắn tung tóe trên lá khô kêu lạo xạo. Hai con “bẹc-giê”
chồm chân lên cánh cửa của vườn, thọc mõm, bọt rãi sủi đầy hai bên mép, qua
song sắt, gầm gừ ghê rợn. Bốn con mắt đỏ rực như bốn cục than hồng.
Tú Mai nhẩy phóc lên xe cắm
đầu đạp, lao vun vút trên con đường nhỏ dẫn về nhà.
- Anh Phan chê mình là “kỳ”,
là “nhát”, kể cũng đúng thật! Cố gắng hết sức mà cũng không khỏi run!...
Nhưng óc hiếu kỳ của cô nữ
sinh còn mạnh hơn cả niềm hãi sợ.
Hôm sau, đúng ngày thứ năm,
Tú Mai quay trở lại nơi cây chẩu có hình con rắn. Lúc đó trời hãy còn sáng lắm.
Cảnh vật trông vui tươi khác hẳn. Em đưa mắt để ý cố tìm xem có gì lạ nữa
chăng.
Thì kìa! Lại một hình vẽ gì
nữa lấp ló dưới tay cầm cái dây chuông treo toòng teng dọc theo cột trụ cửa ra
vào khu vườn biệt thự Bạch Tuyết. Hình vẽ khắc trên mặt tường vôi trắng được tô
điểm bằng sơn màu vàng, cái mình con rắn có nhiều vẩy óng ánh chạm trổ khéo léo
như một món nữ trang tuyệt đẹp.
Lần này đích thực không còn
nghi ngờ gì nữa. Không thể nói đây là tác phẩm của một chú bé học trò nghịch
ngợm nào đã quấy phá, hết vẽ vào cánh cửa sổ ẩn khuất nơi bức tường đằng kia,
lại ra chỗ trụ cửa lớn lồ lộ này mà trổ tài họa sĩ. Nét vẽ tinh vi, tô màu khéo
léo như thế chỉ có thể là một bàn tay… người lớn.
Tú Mai cho rằng con rắn lông
chim này nhất định phải là một dấu hiệu gì bí mật chỉ riêng một băng tụi hay
một gian đảng nào biết với nhau mà thôi. Và một tay đảng viên nào đó đã vẽ ra
để ngấm ngầm liên lạc với nhau.
Đêm hôm đó, khi vào giường
đi ngủ, Tú Mai đã chìm vào trong một giấc mơ kinh dị. Trong cõi vô thức, em
thấy một cây cọ dẻo quẹo quơ đi quơ lại trước mặt liên hồi. Nét cọ quệt tới đâu
là một đàn rắn sáng rực như lân tinh xuất hiện đến đó. Những con quái vật uốn
lượn, trườn những khúc mình gớm ghiếc trong không trung, mớ vẩy trên lưng óng
ánh như dát vàng. Chúng bò ngổn ngang trên đường đi, thoăn thoắt leo lên cao,
uốn mình quấn chặt lấy những thân cây. Lắm con lại cuộn khúc nằm ngủ trên triền
mái nhà, trong ống máng. Có nhiều con lại bám chặt vào tường, cổ ngóc cao, phun
phè phè, cái đuôi lông xòe như đuôi chim ngoe nguẩy, ngoe nguẩy.
Cán chiếc cọ ma quái đó nằm
gọn trong một bàn tay đen sì. Cái bàn tay đó, Tú Mai đoán chắc nhất định phải
là bàn tay của người khách lạ trên xe đò.
Em hét lên, giật mình thức
giấc, đầu nhức như muốn vỡ ra. Mãi tới gần sáng, cô gái mới lịm đi trong một
giấc ngủ nặng như chì.
*
Sáng Chúa nhật, Tú Mai, Vũ
Phan lại mò vào động Sáo. Hai người phụ lực với ba Vũ Phan, ông Vũ Tâm, di
chuyển những cục đá ngổn ngang trong đường hầm ông mới khám phá ra để lấy lối
đi xem nó dẫn tới đâu. Chợt, cô nữ sinh khẽ bảo bạn:
- Nguy quá! Anh Phan! Sáng
mai em có nhiều bài thi lắm! Học rồi nhưng chưa ôn lại cho thuộc làu được…
Vũ Phan tinh nghịch:
- Và một bài Anh văn hóc
búa!
Tú Mai nguýt bạn:
- Anh chỉ hay trêu tức em…
Thôi, đưa em về ôn bài cho yên trí, đi anh Phan! Để ba anh mò mẫm thám sát một
mình, ông lại càng khoái ấy chứ. Tụi mình ở đây chỉ tổ làm vướng tay vướng chân
ông mà thôi.
Đôi bạn tìm đường quay ra.
Được một quãng cả hai ngồi nghỉ dựa lưng vào vách đá nhẵn nhụi mát lạnh, gần
một đường hang xiên xiên tròn vành vạnh, sâu thẳm như một cái giếng.
Chợt Vũ Phan nắm lấy cánh
tay cô bạn gái:
- Suỵt! Mai nghe tiếng gì
không?
Và anh đưa tay chỉ vào cái
cửa hang tròn, sâu chênh chếch, nơi phát xuất âm thanh lạ.
Tú Mai nhổm người lên:
- Cái gì? Anh nghe tiếng gì
vậy?
Vũ Phan lắng tai:
- Có tiếng chó sủa văng vẳng
từ dưới đó lên thì phải.
- Anh nói lạ! Chó nào mà lại
xuống mãi tận dưới đó được? Sâu thế kia!...
Tia nhìn chàng trai dõi
thẳng hang sâu:
- Biết đâu đấy! Có thể nó bị
ngã hay là ai tai ác liệng nó xuống đấy không chừng.
Tú Mai lẩm bẩm:
- Ừ… ừ! Kể thì cũng có nhiều
người xấu, hung ác, hay hành hạ súc vật dám làm thế lắm. Nhưng em cho là anh đã
nghe lầm. Có lẽ một vài tiếng động gì từ phía trên mặt đồi vọng xuống chăng?
Một lúc sau, Vũ Phan mới gật
gật đầu:
- Ừ! Có lẽ thế đấy!
Và tai người con trai không
ngớt lắng nghe những tiếng lao xao từ phía trên mặt đất vẳng xuống : tiếng các
loại châu chấu, cào cào, côn trùng đủ thứ và tiếng dế gáy vang rân… Nhưng, đột
nhiên Vũ Phan đứng ngay người lên. Sắc mặt anh nghiêm lại:
- Không! Nhất định có tiếng
chó kêu từ dưới này vẳng lên! Xuống coi sao đi, Mai!
Dứt lời, anh nắm tay bạn dắt
đi theo. Hai người thận trọng lần từng bước, đi dần xuống. càng đi tới, tiếng ư
ử của một con chó nào đó nghe càng rõ. Có điều, lúc nghe thật rõ, lúc lại im
bặt khi hai người đi tới gần những cái “tai” đá từ vách giếng nhô ra ngăn chận
mọi âm thanh từ phía dưới vẳng lên. Cái giếng thiên nhiên sâu lắm, nằm xiên
chênh chếch. Phía dưới không tối, nhưng ánh sáng lờ mờ khêu gợi trí tò mò của
người con trai. Vũ Phan bảo bạn:
- Tú Mai đứng đây! Để tôi
lần xuống coi có gì lạ không đã, nghe!
Rồi anh nhanh nhẹn men vách
đá trèo xuống Cô gái hét lên:
- Anh Phan! Thôi, nguy hiểm
quá! Sao anh lại nghiêng người ngó cái gì vậy? Ngã xuống thì chết!
Vũ Phan nhìn lên:
- Thế nào cũng có một con
chó ở dưới này rồi! Tú Mai tháo cuộn dây ra, cột một đầu vào gốc cây nào đó,
đầu kia ném cho tôi, mau lên! Phải cứu con chó này đem lên mới được, kẻo tội
nghiệp.
Thế rồi, một tay vịn vào
những mấu đá lồi, những rễ cây, thân cây dại trên vách đá, một tay níu vào dây,
Vũ Phan đi dần xuống mãi. Hơn phút sau, anh đã mất hút. Tú Mai đứng trên cao
định lên tiếng gọi, đã thấy chiếc dây Phan nắm, đang căng thẳng, chợt chùng hẳn
lại. Rồi có tiếng “a” từ phía dưới sâu vọng lên. Đúng Phan rồi! Chắc hẳn chàng
trai đã xuống đến nơi. Tú Mai hỏi to:
- Có thấy con chó không anh
Phan?
Tiếng Phan vọng lên nghe
thật xa:
- Không thấy! Mà cũng không
nghe tiếng gì nữa! Dưới này có nước và tối lắm chẳng nhìn thấy gì hết. Hình như
có nhiều lối đi nữa.
- Vậy anh chờ Mai đem đèn
bấm xuống, nghe!
Dứt lời, cô gái nắm dây men
xuống. Gần hai phút sau, đôi bạn đã đứng bên nhau.
Tú Mai khẽ reo:
- A! Một con suối nhỏ này
anh Phan! Phải báo cho bác biết mới được!
Chợt, một tiếng chó tru lên
khiến hai người quay phắt lại, ngó qua phía tay trái. Dưới ánh đèn bấm, một cửa
hang nữa hiện ra. Âm thanh ư ử từ nơi đó vọng ra, càng lúc càng nhỏ. Cửa hang
này lại rất hẹp khiến hai người phân vân khó nghĩ.
Vũ Phan giơ tay chỉ:
- Tiếng chó kêu đúng ở trong
này phát ra, nhưng hình như con chó vừa kêu xong lại chạy đi đâu mất rồi…
Tú Mai chúm môi huýt gió,
tắc lưỡi gọi lên mấy tiếng:
- Êu, êu! Tút! Tút! Tút!...
Tút!
Có lẽ con chó không nghe
tiếng, hoặc có nghe nhưng vì bị thương nặng quá hay sao mà không thấy nó chạy
ra. Cả tiếng kêu ư ử cũng mỗi phút mỗi nhỏ dần đi. Phan nói nhanh:
- Tú Mai đưa tôi đèn bấm!
Tôi đi tìm nó cho!
Tú Mai dợm chân định bước
theo, chàng trai đã nói ngay:
- Ấy, Mai đứng chờ đây! Lối
đi nhỏ hẹp thế kia, lỡ ra… mắc kẹt thì nguy lắm!
Tú Mai ngẩn người đứng nhìn
theo ánh đèn bấm vẽ những đường zíc-zắc, chiếu hắt vào hai bên vách đá, chứng
tỏ đường lối bên trong hang rất khó đi. Rồi tới một khúc quẹo, không còn thấy
ánh đèn nữa.
Cô gái băn khoăn tự hỏi:
- Biết con chó có ở hướng đó
không? Bốn bên vách đá âm u thế này, tiếng vang vọng có thể khiến người đi tìm
nghe lầm lắm chứ.
Để đỡ sốt ruột, Tú Mai bứt
mấy cái lá từ những cây leo, liệng xuống giòng nước suối lạnh lững lờ xuôi chẩy
giữa những khe đá.
Chợt, có tiếng gọi khiến em
giật mình quay mặt nhìn vào cửa hang.
Phan gọi rối rít, đồng thời
quơ ánh đèn bấm loang loáng:
- Tú Mai, vào đây! Vào đây!
Mau lên!
- Em vào đây!
Dứt lời, cô gái khom lưng
bước qua cửa hang hẹp, nhanh nhẹn tránh né những nhũ đá phía trên đầu.
Tiếng Vũ Phan hối thúc:
- Mau lên chứ! Sao lâu thế?
Tú Mai cúi người thật thấp,
chạy nhanh tới bên người con trai:
- Sao? Anh tìm thấy con chó
đó chưa?
- Rồi! Tôi để nó ở đằng kia
kìa!
- Ủa! Sao lại để ở đằng kia?
Nó bị lọt xuống khe hay sao…? Và anh cần em giúp một tay đem nó lên?
Vũ Phan nhún vai, nét mặt
nghiêm trọng:
- Không thể đem nó lên đây
được, vì một lý do quan trọng lắm.
Óc hiếu kỳ của cô gái bị
khích động mãnh liệt:
- Lý do quan trọng? Mà lý do
gì chớ, hả anh Phan? Sao anh chẳng nói liền đi?
Chàng trai quay hẳn người
lại, nhìn cô bạn gái. Bàn tay cầm đèn khẽ run. Và Tú Mai thấy rõ da mặt Vũ Phan
tái mét. Chàng trai nói qua hơi thở:
- Con chó còn có…
- Còn có… có gì? … Mấy con
chó khác nữa hả?
- Chó khác?... Không,
không!... Nhưng còn có một cô gái nhỏ.
Tú Mai giật nẩy người, khẽ
la:
- Anh nói lạ!
Bàn tay cô gái bất giác túm
chặt áo blouson của Vũ Phan lắc lắc liên hồi, giọng nói ra chiều giận dữ:
- Anh lại dọa em hả?
Tiếng nói Vũ Phan trầm hẳn
xuống:
- Thiệt mà! Dọa Mai làm gì
chứ! Rõ ràng có một cô bé gái, mà hình như cô nhỏ đó bị ngất xỉu đi thì phải.
Phải khiêng cô ta ra gấp mới được.
Dứt lời, chàng trai quay
mình, cúi lom khom bước nhanh vào đường hang hẹp. Tú Mai lật đật bước theo.
Đôi bạn tiến về phía trước
thật khó khăn. Họ lội lõm bõm trong làn nước lạnh ngập ngang bụng chân, có chỗ
lên tới đầu gối. Vách đá trên đầu, hai bên phản chiếu ánh đèn, loang loáng trên
mặt Phan, Mai, trông thấp thoáng như những bóng người bí mật đang âm thầm đi
chôn giấu kho tàng.
Tiếng Vũ Phan:
- Tới nơi rồi!
Tú Mai thở ra một hơi dài:
- May quá! Em lạnh muốn chết
cóng luôn!
Chỗ hai người dừng chân là
một ghềnh đá tương đối cao hơn cả. Vậy mà giòng nước suối ngầm cũng tràn lên
tới nơi, để rồi khi đổ xuống, tung bọt trắng xóa, tưới ướt cả một con chó nhỏ
đang nép mình trong một kẹt đá mà rên ư ử. Từ tay Vũ Phan, làn ánh sáng đèn bấm
lóe lên. Con chó nhíu mắt vì ánh sáng chói lòa. Nó rít lên khe khẽ. Âm thanh
nghe đượm vẻ sợ hãi lẫn cả mừng vui. Bên cạnh con vật bốn chân là một cô gái
nhỏ nằm sóng sượt. Nước suối tung bọt làm ướt đẫm cả quần áo. Mái tóc cô gái
đen nhánh, dài lượt thượt, xòa xuống che kín gần hết khuôn mặt. Tú Mai đưa tay
vén mớ tóc rối, ướt đẫm. Em khẽ kêu:
- Anh Phan! Sao cô bé này
trông giống…
- Giống ai…?
- Người đàn ông lạ mặt đó!
Chàng trai khẽ cười nhạt:
- Tú Mai lúc nào cũng bị ám
ảnh vì người lạ mặt đó hoài!
- Thiệt đó, anh Phan! Ngó kỹ
thử coi, này!
Lời nói của cô gái quả có
phần nào sự thật. Cô bé nằm thiêm thiếp, đôi mắt nhắm nghiền dưới cặp chân mày
xiên chênh chếch rậm đen. Đôi gò má cao trắng bệch.
- … Anh Phan thấy không? Đôi
má này, khuôn mặt này. Coi giống khuôn mặt người khách lạ…
Vũ Phan vẫn giọng đùa cợt,
châm biếm:
- Ờ, ờ, có thể lắm! Có thể
đúng là con gái ông cháu bẩy đời tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đấy. Nhưng… vấn đề
đó, hậu xét. Việc cần bây giờ là phải… nào! Tú Mai khiêng hai chân, tôi nhấc
vai cô ta lên nhé!
Chàng trai luồn tay dưới đôi
vai bé nhỏ. Tú Mai đỡ hai bắp chân. Hai người vừa mới khẽ nâng, tiếng kêu thét
vì đau đớn đột ngột vang lên khiến đôi bạn thảng thốt, giật mình, suýt tuột tay
để rớt cô bé xuống mặt đá lởm chởm.
Vũ Phan:
- Chắc chúng mình làm cô bé
đau rồi!
- Có lẽ cô bé này bị thương
anh à!
Hai người cúi xuống cái thân
hình nhỏ bé đang nằm thiêm thiếp.
Vũ Phan:
- Ừ, có thể lắm. Để tôi chạy
tới trường tiểu học mượn cái cáng nghe…! À, từ đây, leo lên mặt đất, rồi từ đó
chạy tới trường học, xa quá, mất rất nhiều thì giờ… Mà Tú Mai lại không dám ở
đây một mình với cô bé.
Tú Mai:
- Hay tụi mình kiếm cái gì
làm tạm một chiếc “băng ca” như của hướng đạo sinh ấy, hả anh?
Vũ Phan nhìn quanh quẩn, lắc
đầu:
- Chịu, Mai à! Chẳng có cái
gì dùng được hết!
- Hay lấy thắt lưng da của
anh cột giữ cô bé vào mỏm đá kia kìa!
Vũ Phan gật đầu:
- Ừ! Chúng ta cứ thử coi!
Hai người gượng nhẹ, luồn
tay xuống dưới lưng cô gái. Tiếng rên rỉ lại nổi lên biểu lộ sự đau đớn ghê gớm
khiến đôi bạn ngừng phắt tay lại. Chiếc đèn bấm, nằm gọn trong khe một hòn đá
cao, chiếu ánh sáng soi rõ mặt cô bé, đôi mắt đã hé mở. Đôi môi lợt lạt lắp bắp
nói lẩm bẩm cái gì mà Phan, Mai không hiểu. Chỉ biết rằng giọng nói tỏ vẻ mệt
nhọc và đau đớn vô cùng.
Tú Mai reo lên:
- A, cô bé nói được rồi!
- Có thế chứ!
Một điều khiến Tú Mai ngạc
nhiên đến ngẩn người ra : Cô bé nói thứ tiếng gì rất lạ…, không phải tiếng
Việt. Nhưng chỉ hơn một phút sau, hình như đã tỉnh hẳn, tia mắt đỡ dại, giọng
nói cô bé đượm tính chất khẩn khoản, yếu ớt, bằng tiếng Việt rất sõi:
- Ôi cha! Đừng đụng mạnh vào
người tôi. Đau quá, ôi cha! Cái chân đây này. Chắc bị gẫy xương rồi. Trời ơi!
Vũ Phan nhíu mày, khẽ gật
đầu, giọng thương xót:
- Có lẽ chân em bị gẫy thật
rồi đó. Cứ đụng vào là đau dữ dội hả? Nhưng dù sao cũng phải đem em ra khỏi nơi
này chứ?
Đột nhiên, cô gái nhỏ nói
gần như la lên:
- Ấy, con Phích! Phích! Con
Phích của tôi đâu rồi?
Tú Mai ngạc nhiên:
- Phích! Phích là cái gì?
Giọng nói yếu ớt lại cất
lên:
- Con chó của tôi mà… A, a…
tôi đang chạy nhẩy chơi đùa với nó thì bị thụt hố. Tôi sáp tới, thấy cái hố ấy
to lắm, khuất kín dưới một bụi hồng gai. Trông như một cái cửa hang vậy đó. Con
Phích chạy vào trong đó. Tôi cứ nghe tiếng sủa của nó mà đuổi theo. Càng theo
lại càng mất hút, chỉ nghe tiếng gâu gâu vẳng lại. Một lúc sau, đuổi kịp, suýt
bắt được nó thì bị trượt ngã. Rồi… chẳng còn biết gì nữa… Đâu? Con Phích của
tôi đâu rồi?
Vũ Phan cúi xuống bồng con
chó từ trong hốc đá ra đặt nó lên tay cô chủ:
- Đây, chó của em đây! Thiệt
may, cũng nhờ tiếng sủa của nó, tụi tôi mới lần mò vào, rồi gặp em bị nạn ở đây
đấy. À, có một điều tôi không hiểu là làm sao em bé lại vào được tới tận đây?
Tụi tôi phải khó khăn lắm, dùng cả dây trão, lần từng bước một mới xuống được
tới đây kia mà?
Đến lượt cô bé ngạc nhiên:
- Dùng cả dây? Lạ quá nhỉ?
Có sâu gì lắm đâu! Em chỉ nhẩy nhẹ một cái là xuống tới cửa hang, rồi cứ thế
chạy vào đây. Lối đi toàn cỏ khô, lá khô không hà, êm chân lắm!
Tú Mai ngạc nhiên:
- Lạ quá nhỉ? Mà cô bé nói
chuyện cái hang nào thế hả anh Phan?
Vũ Phan nhìn bạn:
- Có lẽ là một lối khác cũng
dẫn vào cái hang này chăng?
Chàng quay lại cô bé:
- Thế cái hố có bụi hồng gai
ấy ở chỗ nào thế, cô bé?
- Ở cuối vườn cây ăn trái
biệt thự Bạch Tuyết đó, chỗ gần tường rào phía tay trái ấy!
Đôi bạn Phan, Mai đưa mắt
nhìn nhau. Không ai thốt lên một lời nào nhưng trong ánh mắt người nọ, người
kia đọc rõ một câu nói thầm : “ A, vậy thì lạ lắm!”. Đột nhiên, Vũ Phan hỏi nhanh:
- Thế ra cô bé ở trong biệt
thự của giáo sư Châu?
Cô nhỏ khẽ gật đầu. Khí lạnh
trong hang đá khiến cô run rẩy, nhưng trán vẫn ướt đẫm mồ hôi, từng giọt, từng
giọt đọng thành hàng chẩy dài xuống cổ:
- Ôi chà! Đau quá, trời ơi!
Vũ Phan nghiêm sắc mặt:
- Tú Mai ở lại đây với em
nhỏ! Tôi đi gọi người tới!
- Mà anh gọi ở đâu?
- Biệt thự Bạch Tuyết –
chàng trai giơ tay – cứ theo đường hầm này chắc tới! Đúng lối cô bé đi hồi nãy
rồi!
Phan lại cúi xuống:
- Này, em bé! Em thụt xuống
hố ở vườn hoa xong mò vào đường hầm, đi mãi mới tới đây phải không?
- Em cũng không nhớ nữa! Mải
đuổi theo con Phích, em cứ cắm đầu chạy. Khi hết nghe tiếng sủa của nó, em đứng
lại lên tiếng gọi. Tiếp đó, nghe tiếng nó kêu, em lại chạy vào nữa.
Vũ Phan:
- Thôi được rồi! Để tôi cố
lần mò xem sao! Tú Mai cần đèn bấm không?
Cô gái lắc đầu:
- Thôi, anh cầm lấy soi
đường đi cho lẹ!
- Nhưng hai chị em có… sợ
không?
Hai cô gái, một lớn một nhỏ,
cùng sốt sắng trả lời, nhưng giọng nói nghe có phần yếu ớt, run run:
- Khô… ông…!
Vũ Phan nói to:
- Cứ yên trí! Tôi chạy đi
chút xíu là trở lại liền!
Dứt lời, người con trai đi
ngược lên mô đá dốc chắn ngang, nước suối róc rách vẫn chẩy qua.
Cô bé dựa vào người Tú Mai.
Hai chị em cùng im lặng đưa mắt nhìn ánh đèn bấm từ tay Phan chiếu ra loang
loáng. Nhũ đá phía trên đầu, hai bên vách, phản chiếu ánh đèn, tóe lên muôn đạo
hào quang ngũ sắc, đẹp không thể tả. Ánh đèn tắt, muôn triệu tia ngũ sắc biến
đi thật nhanh, để rồi, khi có ánh sáng, lại xuất hiện rực rỡ cả một vùng.
Khi ánh đèn cùng Vũ Phan mất
hút, đem theo cả đám “pháo bông muôn màu” sáng đẹp, bóng tối trong động đá lại
chụp xuống bao phủ quanh hai người, cô bé gái hỏi Tú Mai:
- Liệu anh ấy có trở lại
không, hả chị?
Cô gái dịu dàng:
- Em cứ yên trí! Anh Phan đã
hứa trở lại thì nhất định anh sẽ trở lại mà!... À, tên em là gì nhỉ?
Hai chị em không ai bảo ai
mà cùng hạ thấp giọng, nói rất khẽ vào tai nhau như có ý e ngại làm kinh động
bóng tối chập chùng trong hang động âm u. Tiếng Tú Mai hỏi đã khẽ, tiếng trả
lời của cô bé lại càng khẽ hơn:
- Minh Lệ, chị ạ!
*
Bác Hai Lũy đang nghiêng
bình tưới cây. Từ hồi sớm tới giờ bác tưới đã nhiều mà vẫn không tỏ vẻ gì là
mệt nhọc. Từ bình bông sen ở tay bác, nước tuôn xuống như một trận mưa rào, tắm
gội những luống thược dược, cẩm chướng, cúc đại đóa vàng thắm như tơ tằm, bạch
cúc trắng phau như tuyết đọng. Miệng bác làm vườn vui tính không ngớt vang lên
tiếng huýt gió một bản nhạc yêu đời.
Chợt bác ngừng tay, khom
lưng, chăm chú nhìn mặt luống hoa “glaieul” mới cấy chiều hôm qua. Đôi chân mày
bác nhíu lại:
- Hừ, lại con Phích đây! Con
ranh này tệ quá! Đâu nó cũng nhẩy vào hết! Đã định thưa ông chủ cho phép nhốt
nó nhưng nghĩ lại tội nghiệp cô Minh Lệ. Thôi, trồng lại chút xíu cũng chẳng
mệt nhọc gì. Chỉ cốt sao cho cô bé vui vẻ là khoái rồi.
Nói đoạn, bác lấy bay xới
đất trên mặt luống, trồng lại mấy giò glaieul, đồng thời thu nhặt những cành
gẫy nát, gom lại thành một bó đem liệng xuống cái giếng cạn ở cuối vườn. Cái
giếng cạn này có từ lâu. Bác Hai Lũy vẫn dùng hằng ngày làm hố chứa lá cây
rụng, cỏ khô quét ở trong vườn. Liệng bỏ mớ cây hoa gẫy xong, bác vui vẻ quay
trở vào, miệng huýt sáo inh ỏi.
Chợt tiếng người gọi thất
thanh từ… dưới cái hố thiên nhiên ấy vẳng lên khiến bác làm vườn giật nẩy
người, sững sờ kinh ngạc:
- Bác Hai Lũy ơi! Bác Hai
Lũy!... Có phải bác Lũy ở trên đó không, bác Lũy?
Nhẩy một bước tới gần miệng
hố, bác Hai Lũy nghiêng người dòm xuống, tay nắm chặt cán cuốc.
Ô kìa! Dưới đáy hố, hai đầu
gối quỳ mọp trên đám cỏ khô, một cậu trai áo quần ướt như chuột lội, mặt mũi
lem luốc toàn bùn đất, đang ngẩng mặt lên miệng giếng, gọi thất thanh.
Bác làm vườn vừa sợ vừa
giận:
- Ở đâu mà lại lò mò vào
ngồi núp ở dưới ấy hả? Nói mau không thì chết với tôi!
Vừa nói, bác vừa hươi lưỡi
cuốc chĩa xuống miệng hố:
- Không biết đây là vườn của
người ta à? Ngồi rình cái gì ở dưới đó, hả?
Chàng trai có ý không muốn
trả lời những câu hỏi gay gắt của bác làm vườn. Chàng ta chỉ nói như quát:
- Có cái thang nào không
bác? Đưa thang xuống đây cho tôi trèo lên đã, bác Hai! Lẹ lên, có thang không?
Bác Hai Lũy hiền lành chất
phác. Nhưng những người càng hiền lành, khi nổi giận lại càng ghê gớm. Bác cười
gằn:
- Nhưng ai bảo xuống đó hả?
Hà, hà, đúng là gian phi mắc bẫy, hà hà! Được rồi, chờ đó đi! Chờ ta đi báo cho
ông chủ hay gấp cái đã, để ông kêu điện thoại mời Cảnh Sát đến mới được.
Chàng thanh niên dưới hố
nóng ruột, bực mình, gắt ầm lên:
- Trời ơi! Bác Hai Lũy không
nhận ra tôi hả? – chàng ta chợt bật cười – À, có lẽ tại tôi lấm láp, mặt mũi lọ
lem bẩn thỉu quá đây mà! Này bác Hai! Tôi là Vũ Phan, con ông Vũ Tâm, thầy giáo
trường Tiểu Học đây mà. Có một cô gái nhỏ bị thương nằm ở trong đường hầm dưới
này này, bác Hai!
Người đàn ông đứng ngây
người, ngẩn ngơ suy nghĩ:
- Một cô gái nhỏ bị thương? –
Cặp lông mày bác nhíu lại, ánh mắt nghi ngờ – chỉ bịa chuyện láo không, hà!
Đường hầm! Mà cậu nói đường hầm nào chứ, hả?
Vũ Phan gạt một bụi hồng
gai, giơ tay chỉ phía sau lưng:
- Đây! Đường hầm ăn thông ra
đây này, bác Hai. Thôi! Mau lên chứ bác! Cô nhỏ ngã xuống đây khi đuổi theo một
con chó đó!
Bác làm vườn không còn nghi
ngờ gì nữa, thảng thốt la lên:
- Có phải cô Minh Lệ và con
chó Phích không?
- Phích!... À, vâng đúng
rồi! Phải, tên con chó đó là Phích. Đúng đó bác Hai! Con chó đùa giỡn, chạy thế
nào thụt xuống hố, lọt vào đường hầm rồi cứ thế chạy mãi. Cô bé đuổi theo.
Trong hầm tối om nên cô nhỏ đã xẩy chân, té bị thương nặng lắm!
Bác Hai Lũy tất tả quay đi,
bước chân như chạy. Vừa đi bác vừa nói vói lại:
- Nguy quá! Nguy quá! Để tôi
đi lấy thang cho cậu nghe, cậu Phan! Có một cái để ở nhà xe đấy, cậu chờ một
chút.
Chưa đầy hai phút sau, bác
làm vườn đã quay lại, vác theo một chiếc thang dài.
Lên tới mặt đất, Vũ Phan hỏi
bác:
- Có cái “băng ca” nào không
bác Hai?
Bác Hai Lũy vẫn còn ngơ ngác
vì cái tin dữ Phan mới cho hay, luống cuống:
- Hả? Băng ca? Không… à có,
có! Chắc có đấy! Trong đống đồ ông chủ hình như có một cái thì phải.
Nói vừa dứt lời, bác đã bị
Vũ Phan nắm cánh tay lôi đi sềnh sệch:
- Vậy, chạy vào mượn giáo sư
ngay đi, bác Hai!
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III