Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

CHƯƠNG I_RẮN THẦN HỌ LÝ


CHƯƠNG I


Chiếc xe đò đổ dốc, hãm thắng, bánh rít lên ken két,chạy chầm chậm, quẹo qua bên trái, đậu lại dưới bóng mát một cây anh đào, quay mũi hướng về Tùng Nghĩa. Hành khách trên xe đã khá đông. Năm sáu em học sinh, có em đã đứng lên, thò đầu, nghiêng hẳn người ra ngoài cửa sổ xe.

Ông tài xế hét lên:

- Ngồi xuống mấy em ơi! Cảnh sát họ thấy là phiền lắm!... Nói không được, tôi đóng hết cửa lại bây giờ!

Tiếng các em nhao nhao phản đối:

- Bức quá!

- Ông tài định cho tụi tôi chết ngạt luôn hả?

- Xe ông sặc sụa toàn mùi ét-săng không hà!

Ông tài xế mập lắc đầu bực bội:

- Lần sau tôi không thèm chở các cô các cậu nữa đâu. Lộn xộn quá!

Chợt có tiếng xe Lam nổ ròn từ phía chợ Đà Lạt vẳng tới. Các em trong xe reo lên:

- Anh Phan! Anh Phan kia rồi!

- Chị Tú Mai! Chị Tú Mai! Anh Phan tới rồi kìa! Anh Phan tới kìa!

Cô nữ sinh tên Tú Mai nghiêng đầu ngó qua cửa xe.

Chưa đầy phút sau, một chàng thanh niên khỏe mạnh trong chiếc áo len đen, tóc hớt ngắn, nét mặt tươi tắn, đôi mắt sáng, tia nhìn rất nhanh từ xe Lam nhẩy xuống. Một tay anh ôm chiếc cặp da to phồng, tay kia giơ lên vẫy vẫn chào các bạn. Tú Mai kêu lớn:

- Lên lẹ đi, anh Phan! Mai giữ cho anh chỗ này rồi, tốt lắm!

Chàng thanh niên tên Phan bước lên, đi len vào giữa hai hàng ghế dựa đã đầy người, tiến lại phía cuối xe, nơi cô bạn đang vẫy gọi:

- Cám ơn nhiều lắm nghe, Tú Mai!

Xe mở máy, rung lên từng hồi. Bánh xe chuyển động, khởi sự bò chầm chậm lên con đường hơi dốc, hai bên lề có những cây thông lớn. Chợt, một hành khách xuất hiện đột ngột.

Tú Mai nói khẽ vào tai Vũ Phan:

- A! Ông khách này ở đâu ra đây? Kỳ quá hả anh Phan?

Chàng thanh niên khẽ lắc đầu:

- Lạ nhỉ! Tôi không hề gặp anh ta trên xe Lam! Mà quanh đây có nhà cửa nào đâu?

Cả toán học sinh đều chăm chú nhìn người khách lạ. Vẻ kinh ngạc hiện rõ trên nét mặt, các em có cảm tưởng như người mới đến từ trong đám khói xe hiện ra, do một phép mầu.

Anh ta đặt chân lên bậc, nhanh thoăn thoắt bước vào trong xe.

Lướt qua mặt ông tài xế, người đó nói khẽ và nhanh:

- Thôn Lạc-Lâm nghe!

Giọng nói âm thanh kỳ lạ, nghe trầm trầm, lơ lớ như tiếng người thiểu số. Sắc mặt hắn xạm lại như xoa qua một lượt đất sét màu vàng ủng. Không hiểu do bụi đường hay tại người này có bệnh nên nước da vốn dĩ vẫn thế. Có bệnh? Nếu bảo khách lạ này có bệnh trong người thì sao dáng điệu anh ta lại có thể như thế được? Từ bước đi, cho đến cách vung tay, cái cổ gân guốc nâng đỡ cái đầu có bộ tóc dợn sóng tự nhiên thật đẹp. Khuôn mặt hơi dài, cằm bạnh, lúc nào cũng hất cao, tia nhìn thẳng. Tóm lại, mọi cử chỉ của người khách… cuối cùng đều có vẻ nhanh nhẹn và gọn gàng một cách rất đáng ngại.

Anh ta tiến lại, ngồi cùng hàng ghế với Vũ Phan, nhưng ở dẫy bên kia, chỗ ngồi duy nhất còn lại, sát cửa sổ. Ngồi yên chỗ, không nói không rằng, khách lạ im lặng một cách khác thường, nghiêng mặt ngó qua cửa xe, nhìn ra cảnh vật bên ngoài, không mảy may để ý đến những người bên cạnh.

Vũ Phan khẽ nói vào tai cô bạn gái:

- Người… gì lạ quá!

- Suỵt! Coi chừng y nghe tiếng anh Phan!... Ban đêm đi một mình trên đường vắng mà gặp y thì… eo ơi!

Và tự động, hai đầu gối, hai bàn tay Tú Mai run lên nhè nhẹ.

Vũ Phan giơ ngón tay chỉ nhanh cái sắc vải người lạ đặt trên đùi, bảo bạn:

- Coi cái sắc kìa!

Cái sắc làm bằng vải dầy màu xanh trông không giống những cái sắc thường thấy bán, đựng đồ chật căng, để lòi cả đầu một cái cán dao gì nom rất lạ.

Tú Mai:

- Cái cán dao hay kiếm gì đó, anh Phan? Tay này trông như… một ông Phi-Luật-Tân ấy hả?

Vũ Phan lắc đầu:

- Không phải đâu! Có lẽ là…

Chưa nói hết câu, Phan đã bật lên cười sằng sặc.

Tú Mai nhướng cao cặp chân mày, hỏi dồn:

- Có lẽ là gì anh Phan? Hả? Anh bảo người này có lẽ là gì, anh Phan?

- Cháu bẩy đời… tướng Cờ Đen!

Tú Mai đập khẽ vào tay chàng trai:

- Anh nói ẩu không hà!

Đôi bạn cùng cười vui vì câu nói khôi hài của Phan. Trong một phút, họ quên đi người khách kỳ dị. Vũ Phan, Tú Mai đưa mắt qua cửa sổ nhìn phong cảnh quen thuộc, chiều nào họ cũng được ngắm.

Xe đò ngon trớn, bon bon đổ xuống đèo PRENN. Một bên là vách đá cheo leo, một bên là lũng sâu có tới trăm thước, thông mọc cao vút lẫn với cây dại, lau sậy um tùm.

Xuống hết đèo, hai bên đồng ruộng phẳng phiu chạy dài mãi vào tận bìa rừng, những buôn thượng thấp thoáng mái tranh xám nhạt, đó đây ẩn hiện những gióng chuồng nhốt trâu bò.

Máy xe nổ êm êm, bánh lăn đều đều… Thác Pongour hiện ra. Làn nước trong xanh nhẹ nhàng tuôn chảy giữa những phiến đá phẳng màu gan gà. Một đàn quạ đậu đen nghịt trên mấy ghềnh đá lớn. Chắc tụi linh điểu này tới đây uống nước mát trước khi vỗ cánh bay về tổ ấm.

Chốc chốc, xe lại dừng bánh cho một vài người xuống. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ còn toán học sinh với người khách lạ.

Tuổi trẻ bao giờ cũng lắm chuyện. Các em đua nhau nói, đua nhau cười, ồn ào hơn cả lúc xe còn đông khách. Đầu đề đối thoại hăng say không ngoài những sự việc xảy ra trong ngày : hết chuyện các bạn trong lớp lại đến chuyện các giáo sư.

Chợt bóng người lay động bên cửa sổ nhắc đôi bạn nhớ tới sự hiện diện của người khách lạ. Tia mắt y chăm chú nhìn cảnh vật bên ngoài như có ý lo ngại xe chạy quá địa điểm muốn xuống. Đột nhiên, khách lạ quay nhìn Vũ Phan và Tú Mai:

- Thôn Lạc-Lâm tới chưa hả cô…?

Tú Mai tươi cười lịch sự:

- Sắp tới đó… ông!

Ba phút sau, khách lạ đã đứng lên, khẽ gật đầu chào đôi bạn, bước nhẹ lên phía đầu xe. Gã đi mà nhanh như người chạy.

Ông tài xế cho xe dừng lại bên một cây trụ đá trồng ngay giữa lối đi vào một con đường đất đỏ khô ráo, nhưng chỉ rộng chừng ba thước.

- Lạc-Lâm đây! Bà con cô bác, ai xuống Lạc-Lâm? Dạ, cậu cho bốn chục!

Người khách lạ móc tấm giấy 100$. Ông tài xế vui vẻ:

- Chờ tôi thối lại nghe cậu!

Chàng thanh niên đã xách túi, mở cửa xe, nhẩy xuống đất. Một bàn tay giơ lên, bàn tay to lớn, da xạm nắng như làn da mặt, hướng về phía ông tài như có ý nói “thôi, ông cầm lấy cả đi”. Rồi cắp chặt chiếc sắc vải bên hông, khách lạ quay bước đi nhanh trên con đường đất đỏ. Phút sau, gã đã mất hút sau rặng cây um tùm.

*

- Anh Phan, chị Tú Mai! Đã về đấy hả? Sao em không nghe tiếng xe đò gì hết thế?

Một cô bé áo cánh trắng, quần lụa đen, mang dép da, khoảng 11, 12 tuổi, khuôn mặt thật xinh, miệng cười tươi, chạy bổ đến trước hai người. Em đỡ cái cặp da từ trên tay Vũ Phan, miệng nói láu táu:

- Anh Phan, mệt không?

Vũ Phan mỉm cười nhìn em:

- Mệt gì đâu, Lan?

- Anh Phan ơi! Ba mới tìm ra một cái giếng đá cạn trong động Sáo cơ anh Phan à!

Chàng trai nhướng cao cặp chân mày:

- Vậy hả? Sâu không? Giếng đá cạn đó sâu không?

Bé Lan khoa chân múa tay:

- Cái giếng ấy nó chênh chếch, sâu lắm, đi mãi không hết đó, anh Phan! Ba đã mò vào tới 50 thước rồi đó. Sáng mai ba lại xuống nữa.

Vũ Phan quay nhìn cô bạn gái:

- Theo ba tôi xuống đó coi cho biết, nghe Tú Mai!

Cô nữ sinh bậm môi, cặp chân mày hơi nhíu lại:

- … Thích lắm! Nhưng chắc gì đi được, sáng thứ hai em thi Anh văn rồi đó!

- Anh văn thì có gì đáng lo kia chứ!

- Anh cứ nói thế!

Vũ Phan cười vui:

- Thật đấy chứ “nói thế, nói thế” gì, Tú Mai! Anh văn dễ ợt hà! Dẫn chứng là, ngoài nó ra, tôi còn học thêm cả Đức và Nhật ngữ nữa đó.

Tú Mai ngạc nhiên thật tình:

- Dữ vậy! Anh định làm gì mà học nhiều sinh ngữ thế?

Vũ Phan giọng nửa nạc nửa mỡ:

- Tôi định đi du lịch thế giới một phen!

Bé Lan reo lên:

- Ý! Ghê quá ta! Mà anh Phan có tiền không chứ?

Vũ Phan trầm ngâm không nói. Hai cô gái, một lớn, một nhỏ, cũng im lặng tôn trọng sự suy tư của chàng trai.

Cả ba ngồi nghỉ trên một bức tường thấp bao quanh khu vườn giồng cây ăn quả của nhà ai đó, chân đu đưa trong không khí. Trước mặt, đám ruộng thấp, mạ non xanh rờn lượn sóng theo làn gió nhẹ. Một vài ánh đèn dầu đã thấp thoáng trong mấy khu nhà phía cuối thôn. Bé Lan ngồi mãi thấy chán, nhẩy xuống bảo hai người:

- Chúng mình về đi! Chị Mai vào trong em chơi đã nghe, chị Mai!

- Thôi, để bữa khác! Chiều nay trễ rồi. Chị phải về kẻo cô chị mong. Chị Mai chỉ thích anh Phan nói cho chị em mình biết anh sẽ đi du lịch thế giới bằng cách nào, khi anh không một đồng bạc dính túi, và hình như ảnh cũng chưa tìm ra cách gì để có tiền thì phải.

Vũ Phan, ánh mắt đăm chiêu, nhìn bạn và em:

- Thiếu gì cách đi du lịch mà chẳng cần phải có nhiều tiền kia chứ! Năm nào cũng có những người thanh niên đi chu du thế giới hoặc bằng một cái xe jeep cũ, hoặc loại xe “hai ngựa”… rồi cả xe đạp nữa. Lo gì! Chỉ cần một cái lều vải, chăn màn để ngủ và một bộ soong nồi nấu cơm là đủ rồi. Thú lắm!

Cả hai cô gái đồng thanh:

- Thế còn đồ ăn hàng ngày, anh tính sao?

Vũ Phan nhún mạnh đôi vai như có ý xua đuổi cái mối lo chính yếu nhất đó, cười xòa:

- Lo quái gì! Miễn đừng khó tính là được. Này nhé! Sang Lào thì phải biết ăn mắm ngóe, qua Ấn Độ ăn cà ri, qua Ý thì ăn macaroni, được chưa?

- Nhưng khi khởi hành cũng cần phải có chút ít tiền chứ?

- Đúng! Đó là điều anh Phan đang lo nhất đấy. Rồi sau, ở dọc đường sẽ tùy cơ ứng biến. Đi tới đâu sẽ làm việc kiếm ra tiền ở đó.

Bé Lan trợn tròn mắt nhìn anh:

- Nhưng làm việc gì kia chứ, hả anh Phan?

- Chụp ảnh, viết bài gởi cho các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, thiếu gì…

Tú Mai khôn ngoan, dè dặt hơn:

- Các báo họ cũng có phóng viên, đặc phái viên của họ chứ bộ?

- Anh cũng biết thế! Nhưng Tú Mai nên nhớ một điều : họ đâu có nhìn thấy tất cả mọi thứ. Cũng có nhiều nơi chốn, nhiều sự vật, sự việc mà họ không được đi tới tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai ấy chứ! Đặc phái viên báo chí! Úi chà! Oai ghê! Anh thích cái nghề đó nhất đấy!

*

Tú Mai nhẹ bước đi trên một cái cầu bằng cây bắc qua con suối nhỏ, nước trong vắt, nô giỡn trong những khe đá mọc đầy rêu xanh.

Biệt thự nơi em ở xây cất trên nền một khu giáo đường cũ. Hai bên cửa ra vào còn hai cái trụ đá xanh đẽo gọt rất khéo thành hình hai con hải-mã-ngư. Do đó, dân trong vùng đều gọi biệt thự nhà Tú Mai là biệt thự Hải Mã.

Em bước lên những bậc cao xây bằng đá tới cửa một khu vườn rộng. Một bóng trắng toát chạy ra. Câu trách móc giận dữ vang lên nhưng âm thanh lại đượm đầy trìu mến:

- Trời đất! Con đi học gì mà về trễ dữ vậy?

Tú Mai cười khanh khách:

- Cô! Chút xíu mà cô cũng cuống cả lên! Con còn bé bỏng gì nữa đâu hả cô? Con lớn quá rồi mà! Cô lo gì kia chứ?

Bà Mỹ Liên ôm hai vai cô cháu gái cưng. Tú Mai choàng tay đỡ lưng cô. Hai cô cháu thong thả đặt bước tiến về khung cửa một gian phòng rộng tối om.

Bà Liên mở nút đèn điện. Tú Mai hơi lớn giọng “hạch” cô:

- Trời tối sương lạnh mà cô còn ở ngoài vườn làm chi vậy?

Bà cô cười để che giấu sự bối rối trong lòng. Bà cảm thấy thiệt tình “có lỗi” trước cô cháu gái thân yêu ngày nào mới chút xíu mà giờ đây đã cao lớn hơn bà.

- Cô… cô… cô biết chiều xuống hồi nào đâu. Đang mải ngắm mấy hàng Túy Lan đẹp quá, Tú Mai! Nhất là những đọt lá non trên mấy cây bàng bên bờ suối. Ngày mới trồng, nhỏ tí teo thế mà bây giờ tàn lá đã xum xuê quấn quyện hơi sương chiều tha thướt…

Tú Mai ranh mãnh:

- Tha thướt như giải khăn choàng  nhẹ tự tơ, vương trên mình cô Mỹ Liên ngồi trước hàng phím dương cầm năm nào…

Thiếu phụ gật nhẹ đầu. Tiếng nói thanh thanh của bà đượm một chút buồn man mác xen đôi phần sướng vui thầm kín:

- Ừ, đúng đó, con!

Đôi mắt người đàn bà đứng tuổi thẫn thờ điểm qua một lượt ngót hai chục khung ảnh treo trên tường. Toàn hình ảnh của bà hồi hai mươi năm về trước. Lúc đứng trước máy vi âm, khi ngồi trước đàn dương cầm. Như cuốn phim quay chậm, cả một dĩ vãng hiện về, một dĩ vãng vàng son đầy hoa và nhạc, những ngày tươi sáng, tươi sáng như nụ cười phô hàm răng trắng đẹp tựa hạt trai của thiếu phụ trong khung ảnh.

Tú Mai theo dõi tia mắt của cô:

- Hồi đó cô thật đẹp! Mà bây giờ cô cũng vẫn còn đẹp như thường.

Và em áp má mình vào má cô, tựa trán lên mái tóc thiếu phụ đã điểm màu muối tiêu nhưng vẫn dợn sóng tự nhiên gọn đẹp.

*

Buổi sáng Chúa nhật, trời thật quang, gió đưa nhè nhẹ.

Vũ Phan, Tú Mai, người nọ nối đuôi người kia bước ra khỏi hang đá. Hai người đang đứng dưới đáy cái giếng cạn thiên nhiên trong Động Sáo. Vách “giếng” thuôn thuôn hình phễu, phủ đầy loại cỏ giàng-giàng, thanh-hao (một loại cây rừng thuộc loài dã thảo, lá nhỏ lăn tăn, nhánh nhỏ như cái tăm mọc đâm thẳng lên cao. Nghiền nát lá trong tay, ngửi có mùi thơm như lá cây long não. Người địa phương thường chặt loại cây thanh hao này đem về bó thành những cái chổi xuể (nhiều nơi kêu là chổi chà) đem bán được nhiều người mua chuộng).

Hai cặp mắt vừa ở chỗ tối ra, hấp háy dưới ánh nắng chói chang. Trước mặt đôi bạn, rừng thưa bằng phẳng soải dài, toàn các loại cây thấp nhỏ.

Bên trên tấm thảm màu xanh lá cây ấy là bầu trời cao rộng. Một buổi sáng mùa hè thật đẹp. Ve sầu kêu ra rả khắp nơi.

Hai người bạn men theo con đường mòn quen thuộc dẫn về làng. Chợt một bóng người xuất hiện khiến cả hai giật mình đứng dừng lại : một người đàn ông. Đúng thế! Một người đàn ông đứng sừng sững trên một tảng đá đang đưa mắt như có ý tìm phương hướng. Gió trên cao thổi mạnh khiến tà áo người đó bay phần phật dán vào cái thân hình lực lưỡng. Đầu gã để trần, mớ tóc tơi bời tung bay trước gió, bóng loáng dưới ánh mặt trời làm nổi bật khuôn mặt có những nét sắc cạnh như tạc vào đá.

Tú Mai lắp bắp:

- Người khách lạ trên xe đò!

Vũ Phan gật nhanh đầu:

- Đúng hắn!

- Hắn ta đang làm gì vậy?

Đôi bạn nói khẽ là thế, âm thanh cũng đã theo gió vẳng đến tai người khách lạ. Tia nhìn của gã lướt xuống chỗ hai người, đôi mắt loang loáng giữa cặp lông mày rậm đen. Thời gian ánh chớp, tia mắt ấy đã hướng ngay ra chỗ khác, về tận phía chân trời. Phút sau, người lạ nhẩy nhẹ một cái, đã xuống tới mặt đất, quay mình bỏ đi, băng qua bãi rừng thấp. Hướng đi của người lạ, Tú Mai, Vũ Phan ở vùng này từ lâu, biết rõ là không dẫn tới khu có làng mạc thôn xóm gì cả. Trái hẳn thế, hướng đó chỉ dẫn về một khu rừng núi hoang vu, vách đá cheo leo có nhiều ngọn núi cao chớn chở.

Một niềm băn khoăn lo ngại khiến hai người đứng ngây như chôn chân tại chỗ.

Mãi sau, Tú Mai mới cất được tiếng run run:

- Ghê quá! Tia mắt hắn nhìn sắc lạnh như mắt rắn hổ!

Em chỉ nói thế và chỉ nói được có thế. Vũ Phan, nét mặt đăm chiêu, không nói gì, toàn thân bất động, chỉ trừ cái đầu khẽ gật.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II