Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

CHƯƠNG IV, V, VI_SÔNG NƯỚC TIỀN GIANG


CHƯƠNG IV


Thấm thoát đã đến tháng mười mùa gặt đã xong xuôi, nước Tiền Giang lờ đờ chảy để lộ ra những bãi cát dài.

Thủy ngồi bên bờ sông, mắt mơ mộng nhìn về phía trang trại.

“ Hai tháng đã trôi qua, nó thở dài lẩm bẩm, mà ta không hề gặp lại cậu ta.”

Nhiều khi Thủy băng qua cầu, đi về phía trang trại để đón bác Từ, với hy vọng gặp lại chàng thanh niên mà Thủy đã cứu thoát chết trên sông Tiền Giang ngày nào.

Hỏi thăm ba Từ thì ba cho biết chỉ nghe phong thanh là cậu Sơn đã trở lên Sàigòn từ hai tháng nay rồi. Thủy buồn rầu nghĩ :

“ Chắc hẳn cậu ấy đã quên ta rồi; ta chỉ là đứa con một gia đình quê mùa…mà cũng chưa được như thế, ta chẳng là con ai cả. Tuy nhiên, hồi đó, cậu ấy đã tỏ ra rất tử tế và coi ta như một người bạn cố tri. Chắc cậu ấy đã quên ta…Và ta lo rằng cậu ấy quên luôn cả vấn đề của ba Từ với ông Hội Đồng”.

Nhưng một buổi chiều kia, khi Thủy lên đầu cầu để đón bác Từ, nó thấy mặt bác lộ vẻ hân hoan.

- Ba có chuyện gì vui quá vậy ? Thủy hỏi.

- À, ba… ba… mới gặp được một điều may mắn mà chưa bao giờ ba dám nghĩ tới. Số là bữa nay ông Hội Đồng đã cho gọi ba và bảo cho biết là hồi này công việc ở trang trại đó hoàn tất nên ông đã chọn ba làm quản lý cho xưởng Lái Thiêu của ông. Mới đầu ba tưởng là ông nói chơi cho vui, nhưng đúng là sự thật.

Thủy không đáp, không cho ba Từ hay điều bí mật của nó. Nó cảm thấy rất vui cậu Sơn đã giữ đúng lời hứa và cậu đã không quên con bạn nhỏ này. Nhưng trái tim nó thắt lại khi nghĩ rằng một khi ba Từ lên Lái Thiêu, nó sẽ phải sống một mình ở nhà với bác gái và các chị nó.

- Thưa ba con rất sung sướng được nghe tin này.

- Phải, ba rất vui, và ba cũng rất được yên lòng lên Lái Thiêu, vì ông Hội Đồng sẽ ứng trước cho mấy tháng lương để má và các con chi dùng ở nhà.

Rồi đặt tay lên vai Thủy, bác nói :

- Thủy, con cứ yên tâm ở nhà, trước khi ba đi ba sẽ dặn má và các chị phải thề rằng, sẽ đối xử thật tử tế với con.

Thủy cúi đầu, cắn môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Nó không muốn làm giảm niềm vui của ba Từ.

- Con sẽ đợi khi nào ba thu xếp xong, gia đình ta sẽ lên đó
Thủy nói. Lúc ấy thì nó rất tin tưởng rằng nó sẽ có thể chờ đợi được.

Ngày khởi hành đã đến. Bác phó Từ giã vợ con để lên đường, lòng chứa chan hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Tối hôm đó, Thủy trằn trọc mãi không ngủ được, kéo chăn lên kín đầu nó khóc thầm suốt đêm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, nó thấy cổ họng khô khan, mí mắt nóng lên. Nó cố làm ra vẻ tự nhiên để các chị nó khỏi chế nhạo sự đau khổ của nó.

Hôm sau nữa là chúa nhật. Thường thường trong ngày đó bác Từ nghỉ việc và dùng cơm ở nhà với vợ con. Bác ngồi đầu bàn cạnh Thủy. Để nghĩ rằng bác vẫn còn ở nhà, nó vẫn bày bát đũa của bác Từ ở chỗ cũ trên bàn, như là bác sắp trở về vậy.

Con Hương nhún vai nói với một giọng mỉa mai :

- À phải, bộ mày tưởng rằng làm như vậy là ba sẽ về hả? Còn khuya. Thôi, tốt hơn cô nên nghĩ đến chuyện khác và hà tiện nước mắt đôi chút cho chúng tôi nhờ. Còn khuya mới có ba bên cạnh mày để an ủi mày.

Nghe vậy Thủy tái mặt đi. Nó hiểu rằng những ngày kế tiếp sẽ đánh dấu bằng những chữ thập đen. Nó ngồi lặng một lúc trước bát cơm, để phấn đấu với sự đau khổ. Rồi đột nhiên, nó đứng dậy chạy thẳng ra ngoài đảo, chui vào cái lều bằng cành cây mà nó mới dựng lên mấy ngày trước, để che giấu niềm đau khổ vô biên đang làm tan nát tâm hồn.

Nằm trên đống lá khô, nó đếm những ngày những tháng. Phải ít ra gần hai trăm ngày nữa ba Từ mới trở về để đón gia đình lên Lái Thiêu. Như vậy quá lâu. Một lần nữa, nó lần bước ra chỗ buộc con đò.

“ Ra đi ! … Ta quyết phải ra đi ”.

Nhưng nó chợt nhớ lại vẻ mặt cậu Sơn, nghe thấy tiếng cậu hỏi: “ Thủy định đi đâu? Rồi Thủy sẽ ra sao? ”. Mắt nó nhìn theo giòng nước Tiền Giang. Nó nhớ lại lần trước, trên con đò này, nó đã định đi thật xa nhưng đã bị mắc cạn. Nên nó phải đành bỏ ý định dùng con đò này để đi phiêu bạt một lần nữa.

Nó lủi thủi ra về, và sau một đêm suy nghĩ, nó quyết chí đi Lái Thiêu tìm ba Từ và lần này nó sẽ dùng đường bộ.



CHƯƠNG V



Từ giã cù lao Reng, Thủy không có đến một cắc trong túi. Nó phải nghĩ ngay đến vấn đề kiếm ra một số tiền nhỏ làm lộ phí để đi Lái Thiêu. Qua cầu tới Thị xã Cao Lãnh, nó thơ thẩn bước theo mấy phố đông đúc để tìm cơ hội may mắn.

Đi tới một khu nhà đang xây cất, nó thấy rất đông thợ đang làm việc trong đó có một số phu hồ cùng lứa tuổi của nó đang gồng vôi, gánh cát khuân gạch. Nó bèn mon men đến chỗ ông cai thầu đang đứng chỉ huy công việc, để xin một chân phu hồ. Ông cai ngắm nó từ đầu đến chân, thấy nó có dáng thông minh lanh lẹ thì tỏ vẻ ưng ý. Nhưng đến khi biết nó chỉ xin làm vài ngày thì ông lắc đầu :

- Bác rất tiếc, nếu cháu có thể làm ít nhất trong hai tháng thì bác cho việc ngay, chớ làm vài ngày không bõ, bác phải kiếm người khác. 


Nó tần ngần cáo từ để đi nơi khác. Qua hết khu đông đúc, nó tiến vào một con đường vắng vẻ hơn, đang vừa đi vừa suy nghĩ, nó chợt thấy một bà đang đứng tựa cửa, hai tay bồng hai đứa nhỏ. Vẻ mặt như trông đợi ai. Nó bèn dừng lại, lưỡng lự một lát rồi đánh bạo lại gần hỏi :

- Thưa bác có việc gì cháu có thể giúp bác được không ạ ?

Bà kia vui vẻ đáp :

- Bác đang đợi chị Tư gánh nước, vì nhà hết nước từ hai ngày nay mà chị không tới. Bác một nách hai con nhỏ mọn, không bỏ cho ai được để đi gánh đỡ.

- Bác để cháu gánh giúp. Nhà có thùng không ạ ?

- Có thùng đó, nhưng cháu gánh được à ?

- Vâng, được.

Bà Lý chủ nhà mừng lắm, dẫn Thủy vào trong lấy thùng, máy nước cách nhà độ năm chục thước. Đã quen với công việc nặng nhọc, nên việc gánh nước đối với Thủy không có gì khó khăn. Trong ngày hôm đó nó đã gánh được đầy bể nước, bà Lý trả cho nó ba trăm đồng. Chồng bà Lý là một hạ sĩ tại ngũ đóng ở nơi xa, nên gia đình cũng eo hẹp. Bà rất muốn giữ Thủy ở lại để giúp đỡ công việc trong nhà, nhưng khổ nỗi bà không đủ đồng tiền để trả công.

Tối hôm đó Thủy nghỉ tạm ở nhà bà Lý. Sau một ngày làm việc vất vả nó đặt mình xuống giường thấy dễ chịu, thoải mái. Lần đầu tiên trong đời nó kiếm được tiền bằng sức cần lao nên nó cảm thấy một niềm vui giản dị và trong sạch. Vài phút sau, nó đã ngủ một giấc thật say với những giấc mơ đẹp. Sáng hôm sau, nó trở dậy thấy trong người khoan khoái và nó khám phá ra rằng sự làm việc chắc có thể giúp nó tránh được những nỗi u sầu và những đêm dài trằn trọc.

Những nhà lối xóm cũng bị thiếu nước vì vắng chị Tư, nên bà Lý đã giới thiệu Thủy đến gánh nước dùm. Sau ba ngày làm việc, Thủy đã kiếm được trên một ngàn bạc, đủ số tiền lộ phí để đi Lái Thiêu. Nó bèn từ giã bà Lý để lên đường, hẹn ngày tái ngộ.

Cuộc hành trình bằng xe đò cũng được suôn sẻ. Sau khi đổi xe một lần tại Mỹ Tho và một lần tại Sàigòn, Thủy tới Lái Thiêu vào lúc ba giờ chiều. Nó bèn vội vã đi hỏi thăm, và chẳng mấy lúc xe đã đưa nó tới xưởng mỹ nghệ của ông Hội Đồng Hải.

Trông thấy Thủy bác Từ rất ngạc nhiên nhưng không giấu được nỗi vui mừng. Bác thấy yên lòng sau khi hỏi tin tức gia đình. Nghe Thủy kể lại nếp sống khó thở ở cù lao Reng trong khi bác vắng nhà, bác Từ đành phải chấp thuận cho Thủy ở Lái Thiêu, chớ không có cách gì hơn nữa.

Ngày ngày bác đi làm, Thủy ở nhà lo cơm nước, đời sống của hai cha con rất được yên vui. Nhất là về mặt tinh thần, Thủy cảm thấy tâm hồn được nhẹ nhõm, tuy nhiên, trong cảnh một chốn đôi nơi, bác Từ thấy nhớ vợ, nhớ con và thường ước mong sớm đến ngày có thể đón gia đình lên đây sum họp. Bác còn phải để dành tiền để sang một căn nhà cho gia đình.

Một hôm, Thủy nhớ lại hồi trước biết bao lần nó đã xin bác Từ cho vào xem trang trại của ông Hội Đồng nhưng không được phép, nên nó hỏi :

- Ba ơi! Bữa nào ba cho con vào xem xưởng mỹ nghệ đi ba.

- Ừ được, bữa nào ba cho con đi.

Hai ngày sau, Thủy được ba nó dắt đi coi xưởng. Nó có cảm tưởng như lạc vào động thiên thai. Những bức sơn mài vĩ đại, những đồ khảm xà cừ, những đồ chạm trổ, ngà voi, những bức tượng, những đồ gốm v.v… được bày biện trong mấy dãy nhà rộng rãi, không khác gì một khu triển lãm, hàng ngày rất đông khách vào xem để đặt hàng.

Chiều về, cơm nước xong, có ông hàng xóm qua thăm bác Từ. Sau khi chuyện vãn một hồi, hai người nói đến chuyện xưởng mỹ nghệ. Bác Từ nguyên có căn bản học vấn cũng khá, lại có tâm hồn nghệ sĩ và rất say mê nghệ thuật. Từ ngày bác về làm quản lý xưởng này bác chú tâm nghiên cứu vấn đề nên bác hiểu rất rành rẽ, ông khách hỏi :

- Bác Quản ơi! Tôi nghe danh xưởng mỹ nghệ này từ lâu, mà chưa hiểu hoạt động ra sao. Những đồ mỹ thuật trong xưởng chế tạo là công trình của ai vậy ?

- Dạ, thưa bác, đó là công trình của nhiều người lắm. Đây là một sự hợp tác rộng lớn giữa những nhà họa sĩ, điêu khắc, thợ chuyên môn. Xưởng này phát đạt chính là nhờ ở sự hợp tác đó.

- Lý do vì sao, thưa bác ?

- Thưa, vấn đề rất dễ hiểu. Trừ một thiểu số đã có tên tuổi, còn phần đông các mỹ thuật gia chỉ giàu về nghệ thuật, nhưng lại nghèo về tiền tài. Nếu họ hành nghề độc lập, như lẽ tự nhiên ai ai cũng ước muốn, thì rất khó đạt được kết quả. Vì một khi phải lo đến việc sinh sống hằng ngày cho bản thân và gia đình thì tài ba rất dễ bị mai một, và có thể đi đến chỗ giải nghệ.

Xưởng của ông Hội Đồng Hải nhờ được trường vốn nên các mỹ thuật gia có thể yên chí phụng sự cho nghệ thuật mà khỏi lo đến vấn đề vật chất hàng ngày. Cho nên xưởng này không khác gì một hợp tác xã sản xuất.

- Thưa bác, đã có những nhà mỹ thuật, sao trong xưởng còn cần thợ chuyên môn?

- Ấy, thưa bác, cần lắm chứ. Tôi nói thí dụ: một bức sơn mài. Trước hết nhà họa sĩ phải sáng tác ra một bức vẽ, bố cục phải vững vàng, nét vẽ phải điêu luyện, tinh vi. Đến khi thực hiện phải giao cho thợ sơn mài, vì công việc làm tốn nhiều thì giờ lắm. Trong khi đó nhà họa sĩ vẫn phải theo dõi và giúp đỡ những khi cần đến, đồng thời lại có thể sáng tác những vấn đề khác. Nếu họa sĩ phải làm cả công việc mài sơn thì còn thời giờ đâu mà sáng tác nữa ?

- Thế những đồ mỹ thuật chế tạo ra bán đi đâu, thưa bác ?

- Dạ, phần lớn xuất cảng ra ngoại quốc. Đây là một nguồn lợi đáng kể cho quốc gia. Không những thế trong những cuộc triển lãm quốc tế đồ mỹ thuật Việt Nam rất nổi tiếng, mang phần vinh dự về cho nước nhà.

- Các nước thiếu gì máy móc tinh vi, người ta không chế ra đồ đẹp hay sao ?

- Thưa bác, đồ mỹ thuật phải cần đến khối óc sáng tác và bàn tay khéo léo của người, máy móc không làm nổi. Chính vì thế mà đồ của ta mới được yêu chuộng trên trường quốc tế.

- Các đồ mỹ thuật mắc tiền như vậy, sao vẫn có người tiêu thụ, thưa bác ?

- Dạ, thưa nó rất quan hệ cho đời sống của con người. Chúng ta nên mừng rằng mặc dầu văn minh vật chất đã lan tràn mạnh, nhưng khi trái tim người ta vẫn rung động trước một bức tranh đẹp, một cuốn sách hay, thì loài người cũng chưa đến nỗi nào. Đó là những giá trị tinh thần có thể làm cho những dân tộc trở nên hiền hòa, đạo đức, bác ái. Loài người phải bảo vệ những giá trị nó.

- Dạ, bữa nay được bác giải thích tường tận, tôi mới hiểu. Xin cảm tạ bác rất nhiều.

Chuyện vãn một hồi nữa, khách cáo từ ra về.



CHƯƠNG VI



Thủy lên Lái Thiêu thấm thoát đã được hai tháng. Một buổi sáng, đang khi sửa soạn đi làm, bác Từ thấy mặt mày xây xẩm muốn ngã. Thủy sợ quá, vội chạy lại đỡ bác và cố dìu tới giường nằm. Mắt bác nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp.

Thủy cuống quít không biết làm thế nào, chạy đi kiếm lọ dầu gió để thoa cho bác. Bác vẫn nằm lịm, Thủy vừa khóc vừa gọi :

- Ba ơi ba, ba làm sao thế ba ?

Một lúc lâu, bác mở mắt, thở mạnh một cái rồi nói yếu ớt :

- Thủy con, ba thấy trong người mệt quá, có lẽ ba sắp chết và ba rất lo lắng cho con.

- Không, thưa ba, con đi kiếm thầy thuốc bây giờ và ba sẽ khỏi ba ạ !

Ba Từ lắc đầu chậm rãi đáp :

- Thủy con, trước khi ba chết, ba phải nói cho con rõ sự bí mật về đời con.

- Ba đã nói hết với con rồi kia mà !

- Chưa…chưa hết… Sau khi mang con về nhà được vài ngày, ở dưới đáy thuyền ba đã thấy…

Bác Từ ngưng lại như bị hụt hơi. Thủy ghé tai gần lại và nhắc :

“ Ba đã thấy …

- Dưới tấm ván… một chiếc… một chiếc…

Thủy cố lắng tai nghe, nhưng không rõ, và tự hỏi không biết có phải bác nói mê. Chắc không phải, vì tuy bác quá yếu sức nhưng rất tỉnh táo. Thủy chăm chú nhìn môi bác để cố đoán những lời bác nói lắp bắp, và nghe hình như là chữ hộp.

- Hộp nào, thưa ba ?

- Ở đó… cây đa to… cái hốc.

- Ba muốn nói gì ạ ?

- Chiếc hộp… cái hốc… ở đó.

- Ở đó… ở cù lao Reng ?

Bác Từ chớp chớp mắt như ý gật đầu, vì môi bác không còn mấp máy được nữa.

Vừa lúc đó, một vị y sĩ tới, do bà hàng xóm mới giúp. Sau khi khám bịnh, vị y sĩ cho biết không thể cứu chữa được vì bệnh nhân bị đứt mạch máu.

Rồi bác Từ lịm đi, một lát sau bác trút hơi thở cuối cùng.

Vừa bàng hoàng, vừa đau khổ, Thủy nhờ bà hàng xóm đi báo tin cho sở biết. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhân viên trong sở, hôm sau bác Từ gái đã lên tới Lái Thiêu, và đám tang được tổ chức chu đáo.

Công chuyện xong xuôi, bác Từ gái trở về cù lao Reng, còn Thủy tạm ở lại để thu xếp mọi việc.

Bác Từ mất đi, Thủy không còn một tí gì trên đời nữa, ngoài tình bạn của cậu Sơn. Nhưng hiện giờ cậu ở đâu, Thủy nào có biết?

Mấy ngày kế tiếp, trong căn nhà tang tóc vắng lạnh, Thủy như bị tinh thần sụp đổ, không hiểu thân phận mình sẽ ra sao.

Thủy nhớ đến lời trối trăng của ba Từ. Cái hốc? Cây đa? Cái hộp? Nó chứa đựng điều gì?

Thủy tự nghĩ hay bây giờ về cù lao Reng. Nhưng khi nhớ đến không khí trong căn nhà cũ và sự đối đãi của bác Từ gái và các chị, nó lại thấy e ngại. Nên nó đành tạm ở lại Lái Thiêu rồi sau này sẽ tính.

Việc đầu tiên của Thủy là kiếm việc làm. Nhờ có người quen giới thiệu, nó được nhận vào phụ giúp cho bà Thảo, nữ quản gia ở nhà bà Phủ Thạch.

Bà Thảo nguyên là người họ xa với bà Phủ, đã làm quản gia trong gia đình này được vài chục năm. Nay bà đã gần sáu mươi tuổi, sức khỏe bắt đầu suy kém, nên bà cần có người phụ giúp.

Buổi đầu vào làm, bà Phủ bảo Thủy:

- Dì Thảo sẽ chỉ dẫn công việc cho con, và con phải giúp đỡ dì trong mọi công chuyện trong nhà. Sau này, khi con đã quen rồi, bà sẽ sai đi đây đó.

Thoạt đầu, dì Thảo lo vấn đề y phục cho Thủy, vì những bộ đồ nó đang mặc trông xuềnh xoàng quá, không xứng với một gia đình sang trọng.

Dì Thảo đối xử với Thủy rất tốt, không khác gì một người mẹ. Và con nhỏ cũng rất quấn quít bà. Trong sự quấn quít này, không phải chỉ có lòng cảm kích mà là một sự yêu thương chân thật, đối với gì Thảo cũng như đối với bác Từ lúc sinh thời, con nhỏ tự thấy nó rất ngoan ngoãn dịu dàng.

Bà Phủ Thạch làm chủ một dinh cơ lớn, một biệt thự khang trang, những vườn cây ăn trái và vài trăm mẫu ruộng. Nhờ có óc thông minh, tháo vát và sức khỏe bền bỉ, Thủy làm công việc luôn luôn được chu đáo. Từ việc nhỏ lớn hằng ngày trong gia đình, đến việc trông nom vườn trại ruộng nương đều đâu ra đó, việc thâu hoạch ngày mùa cũng không bị mất mát hao hụt. Bà Phủ rất hài lòng, và nhất là dì Thảo không những hài lòng mà còn thấy hãnh diện, vì dì đã có công đào tạo và hướng dẫn Thủy thành một mẫu người hoàn toàn. Kết quả đó một phần lớn là do tình thương mến giữa hai người đồng cảnh ngộ, hợp tính nết, thương nhau như thể ruột thịt.

Trong tương lai, nếu không có gì thay đổi tất nhiên một ngày kia Thủy sẽ nối nghiệp dì Thảo trong nhiệm vụ quản gia cho bà Phủ Thạch.

Kế bên nhà bà Phủ Thạch là một gia đình nhà bà Bích Trà, em họ bà Phủ, cũng thuộc giới giàu có, đối với bà Thảo là nơi họ hàng nên cô Mỹ, con bà Bích Trà, thường hay sang chơi với bà Thảo và Thủy.

Tuy công việc hằng ngày rất bận rộn, nhưng Thủy hoạt động rất hăng say, và cảm thấy mình yêu đời vì được sống trong một không khí thân mật gia đình với sự thương mến của mọi người chung quanh, nhất là của dì Thảo.

 _______________________________________________________________