Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

CHƯƠNG X, XI, XII_SÔNG NƯỚC TIỀN GIANG


CHƯƠNG X



Trong một bàn tiệc cạnh đó, một bọn thanh niên sau vài tuần rượu ngà ngà đã bước qua giai đoạn đấu hót, rất hào hứng, đúng với câu “tửu nhập ngôn xuất”.


Một cậu đưa ra ý kiến:


- Bây giờ tôi xin đề nghị các bạn thử phê bình xem ai đáng mặt hoa khôi trong tiệc cưới này, trừ cô dâu ra, vì cô dâu và chú rể đã như đũa có đôi chúng ta phải “kính nhi viễn tri”.

Cả bọn đồng thanh:

- Tán thành! Tán thành!

Sau một lúc quan sát với sự kín đáo cần thiết, một cậu lên tiếng:

- Theo thiển ý của tôi, và tôi chắc là toàn thể các bạn hiện diện, hay ít nhất cũng đa số, sẽ đồng ý rằng cô Thủy đáng mặt hoa khôi trong tiệc cưới này.

Một cậu khác chêm vào:

- Không được, không được, hoa khôi của tiệc cưới này chưa đủ. Phải nói là hoa khôi cả vùng Lái Thiêu Bình Dương mới phải.

Một cậu nữa lại cải chính:

- Chưa đủ, chưa đủ, cô Thủy phải là hoa khôi các tỉnh miền Đông này mới xứng đáng. Tôi dám đánh cuộc.

- Cuộc cái gì?

- Nếu tôi bại, tôi sẽ chịu mất cả cái gia tài.

- Gia tài nào? Lớn hay nhỏ?

- Rất lớn, mà ông thân sẽ sang tên cho tôi trong tương lai, chưa biết gần hay xa…

Cả bọn cười phá lên.

- Vì một người đẹp, cậu sẵn sàng hy sinh cả một gia tài rất lớn, kể cậu cũng là người có chí khí đấy chứ!

- Ồ! Đã thấm thía gì. Thế cậu quên ở thế kỷ hai mươi này, cái ông Hoàng nước Anh đã dám hy sinh ngôi báu vì một người đẹp đã có một đời chồng hay sao?

- Chúng mình tán phét từ nãy đã mang lại nhiều chuỗi cười cho buổi tiệc vui mừng hôm nay. Nói về sắc đẹp, đó là vấn đề tương đối và tùy “gu”. Các cậu không thấy trong nhiều cuộc thi hoa hậu, kể cả quốc tế lẫn quốc nội, ban giám khảo đã bị khán giả la ó um sùm, vì người đẹp xứng đáng đội vương miện hoa hậu theo con mắt của công chúng, lại được các ngài giám khảo đánh tụt xuống hàng á hậu hay sao? Vậy bây giờ tụi mình bàn chuyện đứng đắn hơn.

Thanh niên vừa nói vội quay sang một vị thực khách đã đứng tuổi hỏi:

- Thưa bác, từ nãy bác vẫn ngồi nghe tụi em tán dóc và bác chỉ mỉm cười, bây giờ xin bác cho phép chúng em được phỏng vấn chớp nhoáng về vẻ đẹp của người phụ nữ, có được không ạ?

Ông khách cười đáp:

- Trong tiệc cưới hôm nay, nó đánh dấu một ngày thiêng liêng nhất đời của đôi tân hôn, lại tụ hội biết bao nhiêu là người đẹp chung quanh chúng ta mà các chú bàn cãi về vẻ đẹp của người phụ nữ thì là hợp tình, hợp cảnh quá đi rồi. Vậy tôi sẵn sàng đóng góp ý kiến sơ thiển để rộng đường dư luận. Nhưng vì tôi đã được may mắn nghiên cứu về khoa tướng mặt, nên quan điểm của tôi về sắc đẹp có hơi khác các chú.

- Thưa bác khác ở chỗ nào?

- Là ngoài cái vẻ đẹp hoặc sắc sảo, hoặc ngây thơ hoặc nghiêng nước nghiêng thành, vân vân… mà các chú nhận thấy trên diện mạo các cô, cần phải thêm yếu tố “Vượng phu ích tử”.

- Nghĩa là gì ạ?

- Là chồng con được hưởng sự thịnh vượng tốt đẹp. Yếu tố này mới là ưu tiên số một và có tính cách trường cửu.

- Sao vậy, thưa bác?

- Hảo cách đó, tuy nó cũng hiện ra nét mặt của giai nhân, nhưng chính nó lại tiềm tàng bên trong. Sắc đẹp có thể bị phai tàn với thời gian, nhưng yếu tố số một kia lại có tính cách vững bền, và nó chỉ có thể mất đi khi mà người phụ nữ mang nó xuống… tuyền đài…

- Úi trời, bác hạ một câu đó làm chúng em lạnh cả người.

- Thế các chú có đồng ý không?

- Ông anh cả đã dạy thì tất nhiên tụi em phải đồng ý, nhưng chỉ sợ nhiều khi tụi em không kháng nổi những tiếng sét…

- Vậy thì các chú phải hãm bớt những cái thanh niên tính lại, nhất là cái tính hiếu sắc ấy! Các chú có nghe đại danh của Trụ Vương không nhỉ?

- Dạ có, Trụ Vương với Đát Kỷ phải không ạ?

- Đó, đó! Chỉ vì ông “con trời” hiếu sắc ấy quá say mê cái sắc đẹp khuynh thành của nàng Đát Kỷ mà quên khuấy đi, không đòi hỏi ở nàng cái yếu tố “vượng phu ích tử”, đến nỗi mắc phải biết bao nhiêu tội ác, sát hại trung thần rồi mất nước. Các chú thấy chưa? Và từ cổ chí kim, từ các vì Vua Chúa, Quốc Trượng, Thủ Tướng, đến các nhà doanh nghiệp tỷ phú đều phải trông cậy vào cái tướng vượng phu ích tử của quý phu nhân cả đấy.

- Thưa bác, thế cô Thủy bác coi thế nào?

- Cô Thủy là cô nào?

- Cái cô phù dâu ngồi kế bên cậu Vinh phù rể ấy. Mái tóc có điểm cái nơ hồng đó.

- À, cô ấy thì bây giờ tôi nhắm mắt cũng nói được tường tận.

- Lạ quá, bác nhắm mắt cũng nói được?

- Phải, bây giờ nhắm nhưng ban nãy đâu có nhắm. Tôi đã quan sát cô ấy từ lúc mới khai tiệc kia rồi, trước cả các chú. Con người như thế ai mà không phải chú ý.

- Chịu bác thật, không ngờ bác lại còn tinh hơn bọn con trai đầy thanh niên tính này.

- Méo mó nghề nghiệp mà lại.

- Vậy thế ý kiến bác ra sao ạ?

- Một thiếu nữ tuyệt tác, cả hai yếu tố đều siêu đẳng. Chú nào tự xét có đủ phúc đức thì nên nạp đơn đi.

Tới đây bỗng ghế xô đẩy báo hiệu tiệc tàn. Mọi người đứng dậy ra về. Tiến sau cặp tân hôn, Vinh và Thủy sóng bước ra cửa, dưới sự chú mục của hàng trăm cặp mắt thán phục. Nhiều thanh niên quen biết ghé tai Vinh nói: “Cậu hên quá!”

Từ lúc đám cưới tới giờ, Thủy không thấy mình là con bé khổ cực ở cù lao Reng nữa. Bỗng nàng quên hết dĩ vãng để tận hưởng những giờ phút hiếm có này.

Trên con đường về nhà, Vinh và Thủy thủng thẳng đếm bước dưới ánh trăng huyền ảo của một đêm thu. Làn gió nhè nhẹ đưa tới mùi thơm phức của những cây dạ hương. Đôi bạn tưởng như họ đang đi vào cõi mộng và ước mong họ cứ như vậy mãi trên con đường vô tận.

Bỗng Vinh cúi nhìn Thủy nói:

- Tôi xin lỗi Thủy trước đây đã đối đãi với Thủy không được nhã nhặn lắm. Từ nay trở đi, Thủy tin là tôi mến Thủy lắm. Trong tiệc cưới hôm nay, Thủy đã tỏ ra xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương gấp mười cô Liên.

Thủy ngượng ngùng, bối rối, không biết trả lời làm sao. Vinh nói tiếp:

- Hôm nay tôi rất vui được ngồi bên cạnh Thủy và hiểu rõ Thủy hơn. Thỉnh thoảng chúng mình sẽ cùng đi dạo chơi vùng đồng quê nhé.

Thủy thở dài đáp:

- Thưa Cậu, em không dám nghĩ đến chuyện đó, vì em còn phải lo công việc cho bà Phủ.

- Thủy đừng ngại, má cưng anh lắm, nếu anh xin phép chắc má sẽ cho.

Những phút vui tươi chẳng được đầy gang, hai người đã về tới nhà lúc nào không biết.

Thủy vào chào bà Thảo rồi bỏ áo và đồ trang sức ra. Nàng nhìn chúng một cách luyến tiếc, miệng lẩm bẩm:

- Bây giờ thế là hết… Hình như ta đã sống một giấc mơ đẹp, một giấc mơ quá đẹp.

Và nàng không ngăn được hai giọt lệ chảy từ từ trên má. Nhưng nàng lại nghĩ ngay đến cậu Vinh và lời hứa của cậu sẽ dẫn nàng đi chơi trong vùng quê. Lúc đó đêm đã khuya, nàng mở cửa sổ để nhìn ra ngoài trời. Nàng đứng đó rất lâu để hít thở không khí dịu mát của đêm thu. Nàng cố kéo dài cái ngày hôm nay cho đến lúc phải đi ngủ, nàng tưởng chừng như còn thấy những ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người, những cử chỉ hào hoa kèm theo lời nói êm dịu của cậu Vinh.

Rồi nàng lại nghĩ đến thời thơ ấu, đến chiếc đò con đã mang nàng đến cù lao Reng, đến sự bí mật bao trùm nguồn gốc của nàng mà ba Từ đã không trối trăng lại được rõ ràng. Nàng không dám tin vào hiện tại, và cho rằng nàng chỉ là đứa con một gia đình nghèo khó, muốn bỏ rơi nàng vì không đủ sức nuôi một bầy con quá đông.

Cúi xuống, nàng bỗng nhìn thấy bộ quần áo xuềnh xoàng đang mặc. Thôi thế là hết, hết bộ áo kim tuyến phù dâu. Sáng mai, những đóa hoa trên bàn tiệc cưới sẽ khô héo, và trong con tim của Thủy những kỷ niệm tươi đẹp cũng sẽ phai tàn…

Nàng lên giường nằm và trước khi chìm vào giấc ngủ cô miên, nàng còn nghĩ đến cậu Vinh, nhớ nụ cười đầy âu yếm của cậu.

Nàng chắp hai tay lại, mắt nhìn qua cửa sổ lên những ánh sao trên trời, nàng lâm râm cầu nguyện Trời Phật cho nàng được sung sướng mãi, sung sướng như ngày hôm nay.



CHƯƠNG XI



Hồi này cậu Vinh ít đi chơi xe máy, mà cậu thường với Thủy đi thăm vườn trái và ruộng nương của nhà. Họ đi từ sáng sớm khi mặt trời mới lấp ló sau rặng cây và bước theo những con đường nhỏ, hai bên đầy cây cối, chen lẫn hoa lá với mầu sắc rực rỡ. Quên bẵng mất cô Liên lúc này đang phải nằm một chỗ vì vết thương té xe, cậu Vinh nay có nhiều cảm tình với Thủy vì nàng vừa khả ái, vừa duyên dáng, vừa đẹp hơn cô Liên. 


Trong câu chuyện của hai người, khi nói đến những mẫu ruộng vườn của nhà mà sau này cậu sẽ được thừa hưởng, Thủy nhận thấy cậu Vinh có vẻ khoe khoang tự mãn lắm. Thái độ đó làm cho lòng tự ái của nàng bị tổn thương. Nàng tự thấy mình lại càng nghèo nàn hơn và tự hỏi có phải cậu thật lòng quí mến nàng không? Nàng nhận thấy cậu Sơn giản dị hơn và có một phong độ khác. Tuy nhiên, cậu Vinh cũng có nhiều cử chỉ chiều chuộng nàng, nên nàng cũng sẵn sàng tha thứ. 


Thấy Thủy có vẻ sung sướng yêu đời do cảm tình của cậu Vinh, một hôm dì Thảo nói: 

- Dì cầu chúc cho cháu có hạnh phúc lâu dài, thật lâu dài. 

Thủy không hiểu rõ ý nghĩa câu nói đó. Nhưng chẳng bao lâu, nàng nhận thấy bà Phủ có vẻ lạnh nhạt và trừ bà Thảo ra, các người khác trong nhà đều có ý ghen ghét với nàng. 

- “Đời là thế đấy cháu Thủy ạ  dì Thảo nói  Ở đất Lái Thiêu này, những bông hồng cũng có gai”. 

Nhưng sự ghen ghét của mọi người không thấm vào đâu đối với một sự ghen ghét khác, nó thầm kín hơn nhưng nó cũng ghê rợn hơn, lòng ghen tuông của cô Liên. Đã bình phục vết thương té xe máy cách đây hơn một tháng, cô rất đau khổ khi thấy rằng cậu Vinh hồi này bỏ rơi cô để đi với Thủy. Nhiều khi cậu Vinh đã kể lại sự ghen tuông đó với Thủy nhưng, trong sự ngây thơ, nàng lấy làm vui thích là đã chiếm được cảm tình của cậu Vinh. 

- Cháu Thủy  dì Thảo nói  dì hiểu cháu được vui vẻ yêu đời khi gần cậu Vinh, nhưng cháu phải nên coi chừng. 

- Thưa dì, coi chừng điều gì ạ? Cậu ấy đi thăm vườn tược đồng ruộng của nhà là quyền của cậu, cháu đâu dám ngăn cản. 

- Đành vậy, nhưng cậu là một thanh niên phóng túng, bất thường, nếu làm theo ý cậu, dì e sẽ gây cho cháu nhiều rắc rối đó. 

Thủy cho rằng dì Thảo đã bị đau đớn cuộc đời nên dì không hiểu nổi. 

- Thưa dì, có chuyện gì xảy ra được ạ? 

- Thì chính cháu đã nói rằng cô Liên ghen tức với cháu mà. 

- Vâng ạ, nhưng lỗi đâu ở cháu? 

- Phải, nhưng cô Liên là con nhà giàu, có thế lực, mà cháu chỉ là một thường dân thuộc giới thanh bần. Thế cháu tin tưởng rằng cảm tình của một thanh niên như cậu Vinh, được nuôi dưỡng trong sự tôn thờ tiền của, sẽ được lâu dài bền vững hay sao? 

Thủy lặng thinh và đi ra chỗ khác. 

Vài ngày sau, nàng phải đi chợ để mua sắm những thứ cần thiết trong nhà. Tới một khúc rẽ, nàng chạm trán với Đạt, em họ cô Liên, mà mấy tháng trước đây đã gặp trên đường Bình Dương khi nàng ngồi sau xe cậu Vinh. 

- Chào chị. 

- Không dám, chào anh. 

- Anh Vinh vừa té xe ở gần rạch cách đây không bao xa. Anh bị thương ở chân. 

Thủy không tự đặt câu hỏi tại sao Đạt lại không tới thẳng nhà bà Phủ báo tin mà lại báo tin với nàng. 

- Trời ơi! Cậu ấy có bị thương nặng lắm không anh? 

- Chị lại đây, anh ấy nhờ tôi kêu chị. 

Không một phút do dự, Thủy tin rằng cậu Vinh muốn kêu mình, nàng bèn đi theo Đạt tới chỗ tai nạn xảy ra trên bờ rạch. Nơi đó rất vắng vẻ và con rạch thì rộng và sâu. 

- Đâu, cậu Vinh đâu? – Nàng hỏi có vẻ lo lắng. 

- Kia, đằng kia. 

Đi một quãng nữa, nàng gặp ngay cô Liên, hình như đang chờ đợi nàng. 

Mắt nhìn như có vẻ muốn nuốt sống đối phương, Liên hỏi Thủy một cách trắng trợn: 

- Thủy, cứ yên chí, cậu Vinh chẳng hề bị thương gì cả... nhưng ta rất mãn nguyện là em ta đã dẫn mi tới đây. Mình có thể tự do nói chuyện. 

- Cô muốn gì? 

- Không muốn gì hết; ta chỉ cần biết tại sao mi dám ngồi sau xe cậu Vinh từ Bình Dương về, dám mặc cái áo phù dâu của ta và chiếm chỗ của ta hôm cưới đó? 

- Tôi quá giang từ Bình Dương về là vì không có xe đò, còn hôm cưới thì tôi nào chiếm chỗ của cô. Cô bị té xe nên không thể đi phù dâu được. Chính bà Bích Trà và cô Mỹ nhờ tôi đi thay. 

- Sao mi dám nhận? 

- Tôi nể lời bà. 

- Nhưng phải tùy việc, tùy trường hợp. 

- Cô muốn nói chi? 

- Là mi phải biết thân biết phận của một kẻ giúp việc. Đũa mốc lại đòi trèo mâm son! Thế sau tiệc cưới, mi vẫn đi chơi với cậu Vinh là nghĩa làm sao? 

- Vườn ruộng của nhà cậu, cậu đi thăm, tôi cấm cản làm sao được? 

- Thế mi tự coi là con nhà danh gia vọng tộc hả? Cậu Vinh có biết rõ gốc tích của mi không? 

- Tôi chẳng giấu giếm gì hết. Cậu biết rõ tất cả. Cậu thích đi thăm ruộng vườn, còn tôi thì đi làm phận sự của tôi, chẳng có gì ngăn trở được. 

Cô Liên từ trước vẫn muốn tự nén, bỗng nắm chặt hai bàn tay lại, đỏ mặt tía tai vì giận dữ. 

- Con nhỏ này ghê gớm thật, dám nhắc lại những lời hỗn xược. 

- Cậu Vinh tử tế với tôi thì tôi tử tế lại. Ai có thể bực bội về điều đó ngoài cô ra vì cô ghen tức. 

Liên vội nhảy lại chỗ Đạt, từ nãy vẫn đứng ngoài vòng chiến để hai địch thủ đối phó với nhau. 

- Đạt, em có nghe thấy những lời ngạo mạn đó không? Nó đã không thèm xin lỗi ta, nó lại còn lên mặt nọ kia. 

Liên quay lại nhìn Thủy với đôi mắt đằng sát khí. Bây giờ thì Thủy đã hiểu rằng Liên đã dụ nàng đến bờ rạch vắng vẻ này với một mục đích hắc ám. Nàng nhớ lại những hành vi độc ác của Liên mà dì Thảo đã kể cho nghe. Bỗng nàng không còn nén được cơn tức giận: 

- À, phải rồi, các người đã đánh lừa tôi tới đây định thủ tiêu tôi phải không? Tôi từ nơi xa lạ đến, các người biết rằng nếu tôi có bị thanh toán thì chẳng còn ai đoái hoài đến tôi cả. Vậy các người có giỏi thì cứ động vào tôi đi, cả cô và em cô nữa. Tôi sẽ túm chặt lấy các người và không phải chỉ một mình con nhỏ nầy phải nếm nước rạch này đâu nhé. Nhưng tôi nói cho các người biết. Đến như dòng sông Cửu Long mà con này còn có thể bơi qua như chơi, thì hỏi thử coi con rạch này thấm tháp vào đâu? 

Thủy vừa nói vừa tiến thẳng lại chỗ Liên đứng. Trước khí thế oai hùng của Thủy, Liên vội lùi lại mấy bước. Thừa thắng xông lên, Thủy nói luôn một hơi: 

- Thôi vĩnh biệt cô Liên, chắc cô không còn gì phải nói với tôi. Ngay bây giờ tôi về kiếm cậu Vinh và giữa hai ta, cậu ấy sẽ quyết định. 

Nhờ lòng can đảm và nhanh trí, Thủy đã thoát hiểm. Nàng bèn vội chạy về phía chợ để đi về nhà, nhưng khi đã khuất bóng hai địch thủ, nàng bèn ẩn vào sau một bức tường và ôm mặt khóc lên từng hồi. 

Về tới nhà, nàng vội kiếm ngay cậu Vinh, nhưng cậu đi vắng. Nàng bèn vào phòng dì Thảo và kể cho dì nghe tấn bi kịch vừa xảy ra. 

- Dì ơi, dì hiểu rõ là không phải lỗi cháu. Cháu có làm gì cô Liên đâu mà cô thù hằn cháu như vậy? 

- Không, cháu chẳng làm gì nên lỗi, nhưng cháu phải hiểu các cô con nhà trưởng giả ở đây. Cô Liên cho rằng mình bị xúc phạm nên cô muốn trả thù cháu. Dầu sao, cháu cũng phải coi chừng, thua keo này họ sẽ bày keo khác cho mà coi. 

- Thưa dì, cháu phải làm sao bây giờ? 

- Cháu ơi, dì rất khó nghĩ. Dì chỉ lo những ngày sắp tới sẽ mang lại cho cháu những điều bất hạnh. Vậy cần nhất cháu phải ít gặp cậu Vinh mới được. 

- Nếu cậu ấy cứ ra vườn ruộng để cố ý gặp cháu thì cháu ngăn cản làm sao nổi? 

- Dì nghĩ có thể được, thí dụ như cháu tỏ ra dửng dưng lãnh đạm thì dần dần cậu ấy sẽ quên cháu. 

- Quên cháu...dì muốn cho cậu ấy quên cháu? Vậy dì lại về phe với cô Liên? 

Thủy gục đầu vào vai dì Thảo và khóc lên nức nở. 

- Dì Thảo ơi, dì đừng khuyên cháu làm điều đó, cháu không thể làm nổi vì nó quá sức cháu. 

- Nhưng lại rất cần phải làm, cháu Thủy ạ.




CHƯƠNG XII



Đêm hôm đó, nàng không thể nào ngủ được. Nàng thấy lại biến cố đã diễn ra trên bờ rạch và lại nghe lại những lời nói của dì Thảo. Ôi! Làm thế nào để đóng kịch lãnh đạm với cậu Vinh một khi gần cậu thì nàng thấy vui? Tại sao nàng phải qui hàng trước cô Liên vì cô nầy giầu có? Sự giầu có ăn nhằm gì với tình cảm?


Tuy nhiên, hôm sau, khi cậu Vinh rủ nàng cùng đi thăm vườn ruộng thì nàng thu hết can đảm để trả lời bữa nay mắc việc. Nhưng cậu Vinh đã hiểu rõ câu chuyện xảy ra hôm qua, cậu nói:


- Thế ra em sợ Liên à? Anh tưởng em can đảm hơn thế chớ?

- Cô Liên giận em lắm.

- Như vậy là em coi mối cảm tình của anh chỉ đáng có thế thôi sao? Thật tình, anh tưởng em khác thế chớ...nhưng có lẽ em còn ghét anh khi mới ở Đà Lạt về đây, anh đã xử sự với em không được nhã nhặn. Em đã quên cái buổi chúng mình ngồi cạnh nhau ở bàn tiệc cưới chị Mỹ và đi cạnh nhau dưới bóng trăng thu huyền ảo trên con đường về nhà và anh muốn nó như vô tận. Anh thì không bao giờ có thể quên được vẻ đẹp cao sang của em trong bộ áo phù dâu. Thôi em đừng nghĩ gì đến Liên nữa, anh rất thỏa mãn biết rằng cô ấy ghen tức với em.

Sửng sốt, Thủy không biết trả lời làm sao. Nàng thấy cậu Vinh quả thành thật, nên không nỡ khước từ hẳn.

Những ngày sau, trong những buổi đi thăm nom vườn ruộng, Thủy vẫn để Vinh đi cùng, và cố quên những lời đe dọa của cô Liên.

- Cậu Vinh quá tốt với cháu  nàng nói với dì Thảo  cháu tin chắc cậu sẽ bênh vực cháu.

Dì Thảo thở dài đáp:

- Cháu ơi, lúc này cậu Vinh có lẽ chỉ muốn trêu chọc cô Liên... Dì rất buồn mà nói thực với cháu những sự phũ phàng, nhưng dì lo ngại cảm tình mà cậu Vinh nói với cháu không sâu xa như cháu tưởng. Thế cháu không nhận thấy bà Phủ có vẻ khác thái độ với cháu từ vài ngày nay sao?

- Thưa dì, cháu không nhận thấy.

- Và cháu không thấy hồi nầy cô Liên đã lui tới đây nhiều lần hay sao?

- Như vậy, ý dì muốn nói sao ạ?

Bà quản gia cầm lấy đôi bàn tay Thủy xiết chặt nói:

- Thủy ơi, dì muốn nói là dì rất lo sợ cho cháu. Cho tới hôm nay, bà Phủ chưa muốn hay là chưa dám làm trái ý con bà, nhưng dì cảm thấy rằng bà đã đồng ý với cô Liên nhất quyết làm hại cháu.

- Bà muốn đuổi cháu?

- Dì không hiểu nữa, nhưng cháu nên coi chừng.

Bà Thảo đã không lầm, hạnh phúc của Thủy rất mong manh, quá mong manh.

Thực ra, bà Phủ đã quyết định làm bất cứ cách gì để chia rẽ Thủy với con trai bà. Tuy nhiên, bà rất bằng lòng về công việc Thủy làm, nên trước khi dùng biện pháp mạnh, bà hãy thử dùng một thế nhu đạo, một đòn tâm lý.

Một hôm, cậu Vinh đi vắng, bà Phủ kêu Thủy vào phòng.

- Thủy vô bà bảo đây.

- Thưa bà dạy việc con.

- Đứng đó bà bảo. Từ khi con vào gia đình này chia xẻ công việc với dì Thảo, bà rất bằng lòng, hơn thế nữa, bà rất quý mến con. Nhưng từ ít lâu nay, bà nhận thấy cậu Vinh có rất nhiều cảm tình đối với con, và hình như con cũng đồng tình đồng ý.

- Thưa bà, cậu quả tử tế với con nên con cũng xử tử tế lại để cậu khỏi phật lòng.

- Bà biết, nhưng đối với bà cũng như cô Liên, điều đó không thể chấp nhận được. Bà đã hứa với bà Phúc Thịnh, sau này hai nhà sẽ là sui gia, thì giữa cậu Vinh với cô Liên, không thể nào có người thứ ba nào nữa, con hiểu chưa?

- Thưa bà ý kiến của cậu ấy ra sao ạ?

- Bà chưa biết điều đó, chỉ nên nhớ rằng dù cậu có cảm tình mật thiết với con tới mức nào đi nữa thì cũng chẳng đi tới đâu, mà chỉ thêm ân hận cho con mà thôi.

Chắc con hiểu sao rồi chứ? Nhà ta và nhà bác Phúc Thịnh, ở vùng Lái Thiêu này ai ai cũng biết là chỗ danh gia vọng tộc, thì đôi bên mới có thể kết nghĩa châu trần được. Còn con, dù đẹp đẽ, duyên dáng, khả ái đến mấy thì vẫn chỉ là một kẻ giúp việc, con cái nhà ai, gốc tích thế nào, chẳng ai rõ, thì đời nào bà có thể chấp nhận làm con dâu?

Bà Phủ đã đánh trúng một đòn rất hiểm. Thủy đã bị chạm lòng tự ái đến tột độ. Nàng vẫn tự nghĩ mình không đến nỗi tầm thường như ai, và tin tưởng rằng nàng cũng thuộc vào một gia đình trâm anh thế phiệt. Nhưng sự bí mật về đời nàng vẫn chưa khám phá ra với lời trối trăng tối nghĩa của ba Từ, thì làm thế nào để chứng minh trước mọi người rằng nàng cũng chẳng thua kém gì cô Liên, mà còn có thể hơn về nhiều điểm là đằng khác?

Nếu phải là cô Liên mà dùng cái giọng khinh thị như thế, thì nàng sẵn sàng ăn thua đủ, rồi muốn ra sao thì ra.

Nhưng đây lại là bà Phủ ở cương vị một người mẹ. Thủy rất thương mẹ mình, nên nàng không chút do dự đáp rằng:

- Thưa bà con rất hiểu nỗi lòng của các bà mẹ, như của chính mẹ con, vậy từ ngày hôm nay, xin bà chớ bận tâm, vài bữa nữa con thu xếp xong mọi việc bà đã giao phó, con sẽ xin nghỉ để đi làm nơi khác.

- Nếu như vậy bà cũng rất hài lòng, và bà cũng cám ơn con đã hiểu nỗi khổ tâm của bà.

Như thế là đòn tâm lý của bà Phủ đã mang lại một kết quả mau lẹ không ai có thể ngờ được, và để tránh cho cô Liên khỏi nhúng tay vào tội ác một lần nữa. Vì mấy bữa trước cô đã thảo luận với bà Phủ âm mưu dùng tiền bạc và thế lực để loại hẳn đối phương bằng một biện pháp thật là sâu độc.

Sau đó, Thủy về phòng dì Thảo và kể lại cho dì nghe cuộc đối thoại vừa qua với bà Phủ, rồi nàng gục đầu vào vai dì Thảo khóc nức nở:

- Thôi thế là hết, mọi người đều khinh miệt cháu.

Dì Thảo cố an ủi Thủy:

- Dì rất hiểu nỗi đau khổ của cháu, nhưng đời là thế đó, cháu chẳng nên khóc lóc làm chi. Cháu nên can đảm lên, đừng để tình cảm chi phối mình. Qua mấy năm sống chung với cháu, dì nhận thấy cháu là một mẫu thiếu nữ cốt cách, biết đạo làm người. Nên dì rất tin tưởng rằng sau này cháu sẽ tự tạo được một con đường đi, một lẽ sống, và cháu sẽ được hưởng hạnh phúc, một hạnh phúc lâu dài.

Khi thấy Thủy đã vơi bớt được cơn sầu, dì Thảo hỏi:

- Cháu tính sẽ đi đâu, sau khi nghỉ việc?

- Thưa dì, cháu định trở về cù lao Reng để lo tìm kiếm sự bí mật của chiếc hộp bạc mà ba Từ đã trối trăng lại. Tuy nhiên, hồi tưởng lại cái không khí nặng nề khó thở dưới mái nhà xưa, cháu lại thấy ngại ngùng.

- Phân tách vấn đề, dì nhận thấy cháu như vừa bị một vết thương. Đây chưa phải là một vết thương lòng, vì mối cảm tình của cậu Vinh đối với cháu chưa có gì là sâu đậm mà chẳng có gì đáng tin tưởng, vì bản tính cậu hay thay đổi bất ngờ. Nghịch cảnh vừa qua, làm cho cháu bị chạm lòng tự ái và buồn tủi thân phận mình, chỉ gây cho cháu một vết thương tinh thần mà thôi. Vậy dì thấy hiện giờ cháu cần có một cuộc sống bình dị, thanh thản để khuây khỏa tâm hồn.

- Thưa dì, thế cháu phải làm sao?

- Vì lý do trên, dì thấy hiện giờ cháu chưa nên trở lại cù lao Reng và dấn bước vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khác.

- Vậy cháu nên đi đâu, thưa dì?

- Dì có người chị em – bà Hiền – mở tiệm sách ở Vũng Tàu. Bà đang cần người trông nom, vậy nếu cháu muốn, dì sẽ giới thiệu cháu ra ngoài đó vừa làm việc, vừa đi dưỡng tính tình. Vũng Tàu có trời cao biển rộng, khí hậu trong lành mát mẻ, là nơi lý tưởng cho cháu để thay đổi cuộc sống và lãng quên những cái ti tiện của con người và cái nghịch cảnh mà cháu vừa trải qua.

- Cháu chưa biết Vũng Tàu bao giờ, nhưng cháu xin tin cậy tất cả ở nơi dì, nếu dì giới thiệu cho cháu với bà Hiền cháu xin ghi ơn suốt đời.

- Ơn với huệ gì, nếu cháu được sung sướng là dì được vui rồi.

Nói tới đây, hai người đi lo công việc, và Thủy cố ý tránh không để cậu Vinh gặp nàng những lúc đi coi vườn ruộng.

Ba hôm sau, Thủy mang một bó hoa ra nghĩa địa để viếng mộ ba Từ trước khi từ giã Lái Thiêu để đi Vũng Tàu. Hôm đó bầu trời ảm đạm, lá vàng rơi sào sạc, không khí nghĩa địa vắng ngắt và buồn thảm như có ý chia sẻ nỗi u sầu của người con gái cô đơn.

Thủy quỳ trước mộ, mặc niệm một lúc lâu. Bỗng nhiên, nàng tưởng chừng như ba Từ sắp hiện ra, nàng bèn lâm râm khấn khứa:

- Ba Từ ơi, từ ba năm nay ba đã bỏ con, đời con đã gặp nhiều đau khổ và từ đây con không hiểu ngày mai sẽ ra sao. Trên đường đời, con có thể tin cậy vào ai? Cậu Sơn chăng? Từ ba năm nay, cậu đã tuyệt vô âm tín, nhưng con nghĩ rằng tình bạn của cậu là chân thật. Con có lầm chăng? Ba cho con biết cậu có giống cậu Vinh không? Chắc không, con không thể tin rằng tiền bạc, danh vọng đối với cậu là trên hết.

Thủy khấn nho nhỏ, thỉnh thoảng dừng lại như để chờ đợi câu trả lời. Cầu nguyện xong, nàng đứng dậy, ngẩng nhìn hai ngôi mộ bên cạnh. Mộ bên phải đề tên Sâm và mộ bên trái đề tên Soạn, với chữ S viết thật lớn.

Bỗng Thủy giựt mình. Lúc đó, đôi mắt nàng chỉ còn nhìn thấy hai chữ S và nghĩ rằng nếu chữ viết lớn như thế, không phải là một sự ngẫu nhiên.

- Sơn, nàng lẩm bẩm, tên Sơn cũng bắt đầu bằng chữ S. Ba Từ ơi, con có thể tin cậy vào người bạn đó chăng?

Lúc này, bác Từ vẫn nằm im trong lòng đất, nhưng đối với Thủy, những chữ cái trên mộ bia đã làm nàng chú ý là câu trả lời. Khi nàng từ giã nghĩa địa, nàng tâm niệm sau này có thể tin cậy vào cậu Sơn.

Trên đường về, nàng bước theo những lối quen thuộc trong vườn cây mà thường ngày nàng vẫn đi qua. Tới một chỗ rẽ, bỗng nàng trông thấy xa xa có hai người ngồi dưới gốc một cây soài. Định thần nhìn kỹ, nàng nhận ra cậu Vinh và cô Liên. Lúc đó, nàng thấy nóng mặt và định đi tới để nói một cách công khai cho hai người biết là mai đây, nàng sẽ đi xa và như thế Liên không còn gì phải tức tối nữa.

Nhưng khi tới gần, nàng lại đổi ý không muốn ra mặt nữa sợ người ta hiểu lầm là nàng còn luyến tiếc một cái gì. Dừng chân sau một bờ giậu gần chỗ hai người ngồi, Thủy lắng tai nghe. Vinh giơ tay chỉ khu vườn ruộng bao la trước mặt và nói với Liên:

- Không bao giờ anh có thể chán mắt khi ngắm cảnh vật này. Anh có ngồi ở đây một lần với Thủy, nàng nói chưa bao giờ trông thấy một cảnh đẹp như thế.

- Lại Thủy! Sao lúc nào anh cũng nói tới cái con làm công ấy? Mặc xác nó. Thế bây giờ anh chưa được yên ổn sao

- Không, anh thấy những hành động và mưu toan của em không tốt. Em không có quyền làm như vậy.

- Nó chỉ là con bé làm công nghèo rớt vô duyên.

- Không, Liên ơi, vô duyên thì không đúng.

- Vậy sao anh không cố giữ nó lại, mà để cho bà cụ phải can thiệp cho nó xin rút lui.

- Em đừng nghĩ thế. Anh khổ tâm về những điều em đã làm và định làm.

- Anh nói chi vậy? Thế một ngày kia, nó lại trở về sống dưới mái nhà của anh hay sao?

- Điều đó thì em yên chí. Em cũng như anh sẽ không bao giờ thấy nàng trở lại nhà má anh nữa. Đối với anh, Thủy đã chết rồi, vì anh là con bà Phủ và nàng chỉ là một người giúp việc. Nhưng kỷ niệm của nàng sẽ lưu lại trong tâm hồn anh, mà không phải em sẽ làm cho nó phai mờ đâu nhé.

Rồi hai người im lặng, Thủy từ từ bước đi, suy nghĩ: Thế ra cậu Vinh cũng biết khổ tâm khi thấy những mưu toan thâm độc của Liên. Nàng đã toan xông tới để vạch mặt kẻ thù, nhưng những lời nói của Vinh làm nàng tê liệt. Cậu đã nghĩ đến nàng, cậu vẫn còn nghĩ nữa...nhưng...

Uể oải, bước đi, hai giọt lệ chảy ròng ròng xuống má, nàng nghẹn ngào trong cổ.

“Phải, đúng vậy, điều mơ ước đã quá cao đối với một kẻ làm công như ta, và cảm tình của cậu Vinh đã không sâu đậm như lòng ta mong ước”.


____________________________________________________________