CHƯƠNG V
Hồi đó Minh Lệ mới lên tám tuổi.
Mọi việc xẩy ra vào một buổi chiều.
Mặt trời đã xế thấp sau ngọn Bạch Hỏa
Sơn, hắt cái bóng đen vĩ đại của quả núi chùm kín lên thung lũng. Theo chân con
dê đực to lớn, cổ đeo chuông, dẫn đầu, phía sau là một chú nhỏ chừng mười tuổi,
tay vác chiếc sào dài, miệng chúm lại huýt gió, đàn dê cái sắc lông đen bóng
có, nâu sẫm có, sừng dài uốn cong khoằm, đổ xuống triền đồi dốc. Móng chân của
đàn gia súc nện trên nền đất khô cứng lộp cộp, lộp cộp, như tiếng đá cuội lăn
trên mặt đá rắn. Đây đó, ánh đèn dầu phụng thấp thoáng trong mấy căn nhà phía
xa xa.
Từ phía dẫy núi Thất Nhạc, một đoàn xe
vận tải, máy rú lên hồng hộc, ào ào tiến lại, cuốn bụi cát bay mịt mù. Trong
đám bụi đỏ bốc cao như một đám mây ấy, xuất hiện hai chiếc xe jeep và hai chiếc
xe vận tải lớn. Đoàn xe đậu lại. Bốn người đàn ông bước xuống. Một người đứng
tuổi, dáng điệu lanh lẹn, có vẻ là người cầm đầu, ra dấu muốn gặp ông chủ tịch
thôn Xung Hà. Nội vùng chỉ có một mình chủ tịch thôn Xung Hà biết nói tiếng
Anh. Tên lão Chủ Tịch : Lý Minh Đảo!
Thế rồi chủ tịch thôn Xung Hà Lý Minh
Đảo cho toàn dân trong thôn biết là những người khách lạ đó sẽ tạm trú trong
thôn một thời gian khoảng vài tháng. Họ có giấy phép của chính phủ Đài Bắc
thuận cho quyền khảo cổ khu đền cũ xưa hàng mấy ngàn năm, kế bên nhà thờ Đức Mẹ
Đồng Trinh. Công việc chính của họ là giở mấy trăm bậc thềm đá rêu phong và đào
bới các gốc cây đại thụ để sưu tầm cổ vật.
Chủ tịch Lý Minh Đảo loan báo cho dân
thôn biết là ai muốn giúp việc phái đoàn khảo cổ thì ngày mai tới trình diện
tại mấy căn lều của họ dựng nơi đầu thôn. Toàn dân thôn Xung Hà đều vui mừng
hớn hở. Tiến bạc nơi chốn này vốn hiếm hoi. Các gia đình nghèo khổ có nhiều hy
vọng kiếm được không nhiều thì ít.
Mấy ngày sau, cô bé đói khổ lam lũ mới
tám tuổi đầu tên Minh Lệ đã được mọi người trong đoàn công tác yêu mến hết sức.
Phần cô bé ngây thơ man dại cũng một bước chẳng muốn rời xa khu lều trại của
mấy người “ngoại quốc văn minh”. Nhất nhất cái gì họ dùng cũng khiến cô bé lạ
lùng thích thú : từ cái hộp quẹt máy, cái bút viết ngòi thò ra thụt vào, cái
đèn gì má sáng rực không cần ngọn lửa… đến những bộ quần áo gọn gàng đẹp đẽ,
những món ăn đựng trong hộp kín thơm phức và những trái cây ngon ngọt mà em
chưa từng trông thấy bao giờ. Minh Lệ học cách trải quần áo, đánh “si-ra” những
đôi giày da bóng lộn của người trưởng đoàn, lúc nào cũng quanh quẩn bên ông như
con chó nhỏ xinh xinh mến chủ.
Chiều nào em cũng được nhà bác học cho
rất nhiều những đồng tiền sáng lóe. Đem về tới nhà, ông cậu Hà Bỉ Bảo vồ ngay
lấy những đồng sáng đẹp đó, nâng niu quý hóa. Và cũng nhờ thế, Hà Bỉ Bảo đối xử
với đứa cháu gái mồ côi cũng đỡ khắt khe, bớt tàn ác hơn. Minh Lệ lần đầu tiên
được biết thế nào là những ngày vui sướng. Từ thuở hơi biết một chút cho tới
bây giờ, bị hành hạ đánh đập nhiều lần em cũng đã quen đi rồi.
Không riêng gì gia đình cậu mợ cô bé
đói khổ côi cút này, toàn thể dân thôn Xung Hà đều vui mừng vô hạn. Từ xưa tới
nay chưa có dịp nào họ làm được ra tiền bằng dịp này… Nhưng một ngày kia, tình
hình đã thay đổi một cách kỳ dị.
Sự thay đổi thật chậm chạp, thật từ
từ, khiến cô bé Minh Lệ phải mãi một thời gian gần một tháng sau mới nhận thấy
được. Em để ý thấy ánh mắt của những người đồng bào trong thôn có một cái gì ám
muội, nụ cười trên môi họ cũng hiếm hẳn đi. Chiều đến, lúc hết giờ làm việc tại
khu đào xới bới tìm đồ cổ, họ lại tụm năm tụm ba trong những ngõ hẻm tối tăm ẩm
thấp. Heo, lừa gầy trơ xương còn tha thẩn bứt đám cỏ cằn xơ xác. Trong bóng tối
mông lung, họ ngồi lặng lẽ, nét mặt đăm chiêu, bất động, chỉ có đôi mắt là long
lanh sáng. Bên họ, hết chỗ này đến chỗ kia, lúc nào cũng có sự hiện diện của gã
chủ tịch thôn Xung Hà : tên Lý Minh Đảo! Gã ngồi với toán này một lúc, đứng
chung với toán kia một vài giây, biến hút trong đêm tối để rồi thoáng một cái,
lại thấy xuất hiện phía xa xa. Với ai, gã cũng ghé vào tai thì thào một câu gì
đó.
Có một lần, lúc đó đêm đã khuya lắm.
Bên ngoài, đường vắng hoe không một người. Chỉ có chốc chốc một cơn gió lạnh
cắt da vi vu thổi, cuốn theo mớ lá vàng kêu sào sạc. Lý Minh Đảo như một cái
bóng, bước nhẹ tới gần căn nhà tranh của Hà Bỉ Bảo. Một tiếng huýt gió nhẹ cất
lên. Bỉ Bảo bước ra nhanh như làn chớp. Hai người châu đầu xầm xì bàn tán
chuyện gì có vẻ bí mật lắm. Nói cho đúng, chỉ có lão chủ tịch nói mà thôi.
Trong khi người cậu chỉ “ớ” và “hả” luôn miệng. Một lúc sau, những thán tự “ớ”,
“hả” từ miệng Bỉ Bảo lại biến thành những tiếng “ồ, ồ” tỏ lộ sự hãi hùng, sợ
sệt một cái gì kinh khủng lắm. Thì ra, tên khách “dạ hành” kia đang nhắc cho Hà
Bỉ Bảo biết : vị linh thần trong ngôi đền cổ đang nổi cơn phẫn nộ vì bọn người
phàm đã dám xâm phạm đến di tích của các vị thần linh. Đã cả gan đào bới, lấy
đi những cổ vật do tổ phụ mấy đời Lý Minh Đảo là “Loạn tướng đại hiệp” Lý Tự
Thành cúng vào đền từ mấy trăm năm về trước. Trong số những cổ vật ấy, quý nhất
và thiêng nhất là con “rắn thần họ Lý”. Tiếng rỉ tai của tên chủ tịch thôn Xung
Hà nhẹ như hơi gió thoảng:
- Hà Bỉ Bảo! Ta chỉ nói cho riêng mình
anh biết mà thôi, nghe!... Tổ phụ ta đã di ngôn rằng : trong lòng đất đang nằm
im một con mãng xà, đá núi là vẩy rắn, hai biển hồ trong thôn mình là hai mắt
mãng xà. Mỗi khi mãng xà cựa mình là núi hồ phải chuyển động. Ta chỉ nói riêng
cho anh biết : trên chin tầng mây trắng kia, vẫn nằm nghỉ một con đại bàng. Bầu
trời sẽ gầm thét mỗi khi đại bàng vỗ cánh. Thiên địa sẽ hôn ám khi linh điểu há
mỏ ngậm lấy mặt trời. Anh hãy nhớ điều ta nói. Mãng xà và linh điểu là hiện
thân của vị linh thần Địa Chấn Phong Ba vẫn ngự trị trong đền thiêng của thôn
Xung Hà ta đấy. Mà giờ đây linh thần đang nổi giận! Hừ!
Gã Hà Bỉ Bảo rên lên:
- Vậy thì tôi phải làm cái gì bây giờ
đây?
- Anh cứ bình tâm. Ta sẽ cho anh biết
sau. Chỉ biết rằng cần phải ngăn cản mấy tên ngoại quốc kia, không cho họ
chuyển hết cổ vật thiêng liêng của giòng họ ta đã cúng thần linh đem về xứ sở
của họ. Cổ vật của thần linh phải lấy lại, gìn giữ cho thần linh. Không thể để
cho tụi họ dùng máy móc đào xới lấy hết và đem đi như thế được. Thề đi! Anh hãy
thề là anh sẽ giúp ta đi!
Gã cậu ngu dốt cuống quit gật gật đầu:
- Vâng! Tôi xin thề! Tôi xin thề!
Thế rồi, gã chủ tịch bỏ đi. Hà Bỉ Bảo
trở vào trong túp nhà tranh. Minh lệ nghe rõ tiếng ông cậu thở dài sườn sượt và
trở mình suốt đêm. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chính Hà Bỉ Bảo cũng đã
lấy trộm mấy món đồ nữ trang trong khi đào xới. Bây giờ, nghe nói thế, gã cậu
đã sợ hết hồn. Gã sợ thần linh nổi giận, nhưng cũng lại e dè cả lệnh của Lý Minh
Đảo, chủ tịch thôn Xung Hà, giòng dõi loạn tướng Lý Tự Thành, tay đại đạo chọc
trời khuấy nước, thời xa xưa, đã đủ tài bức tử Sùng Trinh Hoàng Đế nhà Đại
Minh.
Cô bé Minh Lệ cảm thấy trong lòng bực
bội vì gã cậu đã làm một việc xấu xa như thế. Nhưng em không thể báo cho những
người ngoại quốc kia bắt giữ người em ruột của mẹ mình được. Không thể để người
cậu kia bị bắt trói giải lên quan, tuy người cậu và ngay cả người mợ tên Bạch Lệ Chi cũng đều
tàn ác như nhau. Em cảm thấy trong lòng có một cái gì đó, thật khó nói, ngăn
cản em làm cái việc tố cáo ấy. Cậu mợ em đối với em tàn ác thật! Nhưng nghĩ cho
cùng thì, với mấy đứa con ruột, hai người đối xử cũng chẳng êm dịu gì hơn. Minh
Lệ băn khoăn tự hỏi tại sao cũng là người lớn cả mà cậu mợ em lại không giống
như ông trưởng đoàn khảo cổ kia. Lúc nào cũng hiền hòa tử tế, cặm cụi làm việc,
chăm chỉ, kiên nhẫn, bao giờ cũng sẵn sàng giải thích cho em hiểu nhiều điều
hay, cái lạ, mỗi khi bắt gặp đôi mắt em nhìn ngơ ngác như muốn hỏi han. Ông bác
học đó, là giáo sư Đặng Thế Châu, đã dạy cho em học cả tiếng Việt, lại giảng
giải cho em hiểu sự tích con quái vật mình rắn lông chim mà mọi đồng bào của em
vẫn truyền tụng là linh thần làm ra phong ba địa chấn. Sự thật, đó chỉ là một
huyền thoại. Mấy trăm năm trước, vùng Xung Hà vốn hay bị bão tố và động đất.
Tới nay thì hết rồi, và, vì nặng óc dị đoan nên dân chúng dễ tin cho là linh
thần nổi giận gây ra tai họa. Thật ra, đấy chỉ là những hiện tượng thiên nhiên
có tính chất hoàn toàn khoa học mà thôi.
Cho đến bây giờ, chủ tịch Lý Minh Đảo
có ý định gì khi khơi lại trong đầu óc người dân Xung Hà chất phác, hình bóng
gớm ghiếc của vị tà thần mình rắn lông chim đó?
Minh Lệ đã đoán biết một phần.
Lý Minh Đảo, gã chủ tịch nham hiểm đã
chọn Bỉ Bảo làm người cộng tác. Cô bé lên tám tuổi, đêm lạnh khó ngủ, đã vô
tình nghe lọt câu chuyện bí mật giữa người cậu bất lương và tên gian hùng họ
Lý, qua kẽ vách phên thưa.
Thì đây, chương trình hành động của
bọn gian giản dị chỉ có thế này : cứ để cho nhà bác học Đặng Thế Châu hoàn tất
việc bới đào cổ vật, xếp vào thùng đâu đó gọn ghẽ. Bọn gian sẽ để ý dò xét xem
thùng nào đựng các mòn quý giá nhất. Rồi thì, với sự tiếp tay của một số đông
trai tráng thôn Xung hà bị phỉnh gạt, họ sẽ phục kích đánh cướp lại khi đoàn xe
chạy tới chân rặng núi Thất Nhạc Sơn. Tại đó, bọn gian sẽ cho một chiếc xe hơi
chực sẵn để chở “hàng”. Chở “hàng”, tức là chở thùng cổ vật quý giá nhất. Hà Bỉ
Bảo và gã chủ tịch Lý Minh Đảo sẽ phụ trách đem đi, không phải để hoàn trả cho
linh thần mà là để bán lại cho một bọn lái buôn, được bao nhiêu tiền sẽ chia
đôi, đủ cho mỗi người sống một cuộc đời sung túc tại một đô thị xa xôi nào đó.
Minh Lệ vặn hai bàn tay vào nhau, quằn
quại trong niềm thất vọng cùng cực:
- Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh! Xin người hãy
ngăn cấm tụi người làm bậy! Xin người hãy ngăn cản họ!... Vâng! Nếu cần, con sẽ
đi báo cho vị trưởng đoàn kia biết. Nhưng khổ một nỗi, con lại không muốn tố
cáo người cậu, em ruột mẹ con, Đức Mẹ ạ! Xin Đức Mẹ run rủi cách nào cho mọi
việc vẹn toàn, cho hai người Lý Minh Đảo và Hà Bỉ Bảo tự ý thôi đi, đừng làm
cái việc xấu xa ấy nữa!...
Và quả nhiên, cái “cách nào” ấy đã xẩy
ra thực sự.
Sáng mai là đoàn xe của phái đoàn khảo
cổ lên đường, chở theo tất cả số cổ vật đóng trong những chiếc thùng cây lớn,
thì ngay buổi chiều hôm ấy, đột nhiên có hai chiếc xe hơi chở đầy nhóc toàn du
khách người Mỹ, ở đâu chạy tới, đậu ngay tại đầu thôn Xung Hà. Hỏi, họ cho biết
là vì mải đi xem phong cảnh tại khu vực núi lửa Bạch Hỏa Sơn nên bị lạc đường.
Giáo sư Châu vui vẻ mời họ nhập vào đoàn xe của mình để rồi sáng mai sẽ lên
đường cùng về phi trường Đài Bắc.
Hà Bỉ Bảo và chủ tịch Lý Minh Đảo
điếng người vì chương trình kế hoạch phục kích để đánh cướp đoạt “hàng” không
hy vọng gì thành tựu nữa. Hai gã liền tính tới chuyện đưa Minh Lệ vào cuộc để
thi hành một kế hoạch mới ghê gớm hơn. Kế hoạch “trường kỳ mai phục” nghĩa là
chúng đem em… tặng cho nhà bác học khảo cổ, trưởng phái đoàn tức giáo sư Châu.
Tên chủ tịch cất giọng giả nhân giả
nghĩa nói với giáo sư Châu:
- Hà Bỉ Bảo nó nghèo quá. Cho con bé
này đi, gia đình nó bớt được một miệng ăn, các con nó sẽ được thêm vài miếng đỡ
dạ. Nếu ngài muốn, ngài có thể đem nó đi theo về quý quốc. Con nhỏ coi bộ cũng mến ngài lắm, nó lại khỏe mạnh, chịu
khó, sẽ hầu hạ ngài đắc lực và trung thành.
Mới đầu giáo sư Châu định từ chối,
nhưng ông kịp thời nghĩ lại. Nhà bác học động mối từ tâm, âm thầm tự nhủ : “Sao
ta lại nỡ từ chối hắt hủi một con bé ngoan ngoãn đáng thương như thế được. Thật
là lạ lùng! Máu chảy ruột mềm, mà sao họ lại nỡ đem con đem cháu mà cho đi như
vậy, không khác đem cho một con mèo hay con chó. Ồ! Con bé hiền ngoan và thông
minh lắm. Về Việt Nam mình sẽ cho nó đi học để mở mang trí tuệ, sắm sửa nuôi
nấng cho nó được ấm no. Tội nghiệp quá! Cũng một kiếp người!”
Đón nhận Minh Lệ, ngoài việc đại phúc
là cứu vớt được em, giáo sư Châu lại còn được một điều thú vị không để đâu hết.
Vốn không vợ không con, suốt một đời hy sinh cho khoa học, ông vẫn sống độc
thân cùng với bà chị ruột góa chồng không con cái. Giáo sư và bà chị sẽ nhận
Minh Lệ làm con gái.
Ông nghiêm nghị nói với gã cậu Hà Bỉ
Bảo:
- Thôi được! Tôi nhận nuôi con nhỏ và
đem nó về Việt Nam, nhưng với một điều kiện : phải để nó tự ý thỏa thuận, tuyệt
đối không được bắt ép nó.
Hà Bỉ Bảo nói ngay:
- Ngài cứ yên tâm! Chính nó cũng chỉ
cầu mong được đi theo ngài thôi đó!
Trong lúc đó, cô bé đói khổ không biết
chút gì về mọi sự việc quyết định số phận của em. Em còn đang mải hân hoan sống
những giờ phút cực kỳ thú vị. Đức Mẹ Đồng Trinh đã đáp ứng lời nguyện cầu của
em. Bọn người gian ác sẽ không thi hành được thủ đoạn gian manh. Nhà bác học
Đặng Thế Châu, con người nhân đức, giàu lòng bác ái, sẽ chuyên chở, đem đi trót
lọt tất cả số lượng cổ vật ông đã khổ công sưu tầm đào bới, đặng đem về xứ sở
của ông ở xa đây, ở xa đây lắm.
Cứ nghĩ đến quãng đường xa rồi đây sẽ
ngăn cách em với ông trưởng đoàn hết sức tử tế đó, Minh Lệ lại cảm thấy trong
lòng rưng rưng muốn khóc.
Đột nhiên, hôm sau có tin là em sẽ lên
đường cùng với nhà bác học. Tin bất ngờ đó do gã cậu bất lương và tên chủ tịch
nói huỵch toẹt ra miệng, lan truyền khắp thôn Xung Hà đã khiến Minh Lệ ngẩn
người kinh ngạc. Vậy ra em sẽ phải rời bỏ quê hương để ra đi mãi mãi, xa mãi
mãi cái mặt hồ nước trong vắt mỗi ngày thay đổi màu sắc tới ba lần kia? Không
còn được thấy nữa đàn vịt le cánh xanh biếc bơi lội từng đàn, hụp đầu mò cá, mớ
lông đuôi đen mượt chĩa thẳng lên trời. Minh Lệ và mấy đứa con cậu mợ mỗi khi
trông thấy đàn vịt “giồng cây chuối” dưới nước như thế thì lại thét lên cười
khoái trá.
Gã cậu Hà Bỉ Bảo và lão chủ tịch thì mong
gì họ đếm xỉa tới cái buồn khổ của nỗi lòng con trẻ. Làm gì còn có mái nhà nào,
tuy rách nát nhưng êm đềm bằng mái nhà này, nơi mà tấm thân côi cút của Minh Lệ
đã được sống những ngày tuổi thơ đầy nắng ấm. Tư tưởng sau đây hơi có vẻ điên
khùng một chút, nhưng vẫn xẩy ra trong thực tế : “con không chê cha mẹ khó, chó
không chê chủ nghèo”. Cho dù con chó ấy bị hành hạ, đánh đập khổ sở đi chăng
nữa. Cô bé cứ khăng khăng:
- Không! Tôi không đi đâu! Tôi muốn ở
lại Xung Hà cơ!
Gã chủ tịch Lý Minh Đảo đâu có chịu
như vậy, gã túm chặt vai em, lắc mạnh, đôi mắt trợn trừng hằn rõ những tia máu
đỏ:
- Con ranh con! Không ai thèm hỏi ý
kiến mày! Mày phải qua Việt Nam với ông giáo sư đó, chỉ có vậy thôi!
Cô bé tám tuổi gào lên nức nở:
- Qua bên đó làm gì? Để làm cái gì
chớ?
Lý Minh Đảo cúi sát bộ mặt hung thần
nhìn vào đôi mắt em, nghiến răng kèn kẹt:
- Để giúp tao, mày biết chưa! Giúp tao
lấy lại tất cả số cổ vật để đem trả lại cho linh thần Phong Ba Địa Chấn, hiểu
chưa!
Cô bé muốn hét vào mặt gã đàn ông gian
xảo : “Xạo! Xạo! Không phải để đem trả lại cho thần linh! Không phải! Không
phải thế! Mà các người sẽ đem bán đi, lấy tiền chia nhau!... Ăn cướp! Đồ ăn
cướp! Đồ gian xảo!”
Cho dù cô bé có đủ can đảm nói thẳng
vào mặt lão chủ tịch cái sự thật đê hèn ấy chăng nữa, em cũng không còn đủ thời
giờ mà nói. Gã cậu tàn ác đã hầm hầm nét mặt, bàn tay hộ pháp ngoe nguẩy giơ
lên trong vị thế sửa soạn vung ra một cái bạt tai. Lão chủ tịch vội can khéo. Y
liếc nhanh mắt cho tên đồng lõa:
- Để con bé đó cho ta! Cứ để yên nó
đó! Ta sẽ làm đến nơi đến chốn được mà!
Hồi tưởng tới đoạn đó, Minh Lệ cựa
quậy thân mình, vùi mặt sâu thêm nữa vào đống chăn nệm thơm tho. Quá khứ bừng
sống lại ào ào lấn tới, tràn ngập như nước thủy triều nhận chìm ngột ngạt.
Không còn hy vọng né tránh, Minh Lệ mở lớn đôi mắt, nghiến chặt đôi hàm răng,
thản nhiên đương đầu với những hình ảnh và âm thanh ghê rợn của quãng đời xưa
cũ.
Sau khi tuyên bố mấy câu gay gắt đầy
hăm dọa như thế, Lý Minh Đảo lôi sềnh sệch cô bé ra khỏi căn nhà tranh tiều
tụy. Hắn dắt cô bé đi vào những con đường đầy chông gai rậm rịt. Cứ được một
quãng, y lại rút con dao sáng loáng, cái cán dao rất cổ quái gọt đẽo hình đầu
rắn và một khúc mình uốn khoằm lại. Sau hai ba nhát hoa lên, cành và lá cây đứt
lìa, rơi lả tả. Họ Lý xéo bừa lên đống lá cành, lôi Minh Lệ đi như người lôi
kéo một con vật khốn nạn. Một lúc sau, đã tới bên bờ một cái giếng.
Nói là giếng để cho có cái tên gọi mà
thôi. Thực ra, đó chỉ là một cái hố thiên tạo, miệng lớn bằng hai cái nong tròn
vành vạnh, càng xuống sâu, lòng hố lại phình ra như lòng quả trứng. Hàng đàn
chim nhạn làm tổ, thấy động vun vút bay ra, vỗ cánh phần phật, kêu ríu rít. Làn
nước vàng lợt, đã nhiều lần Minh Lệ liệng xuống những hòn cuội to sóng sánh kêu
ùm ùm. Chung quanh bờ, khung cảnh đẹp như vẽ. Mặt đất phủ một thảm cỏ mịn xanh,
rải rác những cây “sim”, “mua” hoa tím, cỏ tóc tiên hoa đỏ và nhất là hoa huệ
rừng xanh tốt trổ hoa viền chung quanh thành một vòng lớn đầy hoa trắng muốt…
Lão chủ tịch thôn Xung Hà túm cổ cô bé, bắt nhìn xuống lòng giếng sâu. Hắn trầm
giọng cất tiếng khàn khàn như tiếng thầy phù thủy khấn ma. Âm thanh ghê rợn lọt
qua hai hàm răng nghiến chặt:
- Ngày xưa, từ lâu lắm rồi, khi những
đám mây đen cứ bám chặt nền trời xanh không chịu hóa thành nước rơi xuống, mặt
đất khô rang nứt nẻ, da mặt và da môi con người, con vật cũng ứa máu, cong lên
như vẩy cá chết, người ta đã dẫn đến đây mấy chục đứa con gái. Chúng nó cũng
tuổi như mầy vậy đó. Chúng nó được mặc quần áo đẹp, giầy mũ thêu xanh đỏ, kim
tuyến vàng lóng lánh. Chúng nó được đeo đủ đồ nữ trang đẹp đẽ. Rồi thì sau ba
hồi trống, tiếp đến ba hồi chiêng, người ta xô chúng xuống đây để tế thần linh.
Thế là hôm sau thần linh bắt đám mây đen bướng bỉnh rớt xuống thành mưa. Lúc đó
thần dân của ngài có nước uống. Lúc đó mới có nước cày cấy, trồng trọt, làm ăn.
Tên chủ tịch tàn ác ấn gáy cô bé gầy
yếu thấp xuống nữa, bắt em mở to mắt nhìn thẳng làn nước màu gạch cua, im lìm
bí mật như che giấu một giống thủy quái gì trong lòng đất sâu:
- Đây là một cái huyệt mộ biết
không?... Là cái huyệt mộ để chôn chính mày đấy, nếu không chịu nghe lời tao!
Thế nào? Hãy trả lời tao ngay lập tức! Có tuân lời tao không?
Minh Lệ sợ quá líu cả lưỡi, không nói
nên lời. Em chỉ gật đầu như máy. Lão chủ tịch cũng không cần gì hơn. Thế là đủ
rồi. gã đưa em ra đứng trên bãi cỏ:
- Sáng mai mày lên đường đi với lão
giáo sư Trưởng Đoàn. Tới Việt Nam rồi, ở đó chờ tao, rõ chưa? Tao biết địa chỉ
rồi!
Cô bé lắp bắp mãi mới nói ra tiếng:
- Ai… ai… ai sẽ báo cho tôi biết khi
ông tới nơi?
Không nói không rằng, gã Lý Minh Đảo
thò tay vào túi áo lôi ra một sợi dây chỉ màu đỏ, rất nhỏ, rất chắc. Một món nữ
trang kỳ quái, hình một con rắn mình chim, bằng thủy tinh trắng đục, uốn khúc
bên trong một cái vòng vàng, treo toòng teng trong vòng chỉ đỏ. Gã chủ tịch đặt
“con rắn lông chim” trên lòng bàn tay, chìa vào mặt cô bé đang rúm người vì
kinh hãi:
- Đây! Khi nào thấy hình vẽ “rắn thần
họ Lý” này trên tường, trên cửa sổ hoặc thân cây tức là tao đã đến rồi đó! Hiểu
chưa?
Tiếng trẻ thơ run rẩy:
- Và rồi tôi sẽ phải làm cái gì chứ?
- Khi nhìn thấy hình vẽ ấy rồi, mày
phải vòng thêm một đường tròn nữa chung quanh nó. Vòng tròn vẽ thêm ấy báo cho
tao hay là mày đã biết tao đến rồi. Hiểu chứ? Rồi ngay tối hôm đó, phải đứng
chờ tao tại nơi có dấu hiệu rắn thần. Tao sẽ báo cho biết công việc cần làm!
Cô bé linh cảm thấy một cái gì ghê gớm
lắm, buột miệng:
- Tôi còn bé quá mà, làm được cái gì?
- Tao không bắt mày phải làm cái gì
khó quá đâu. Đừng lo! Chỉ cần khéo léo một chút là lão giáo sư sẽ không thể
nghĩ mày đã dẫn đường cho tao đột nhập vào nhà lão.
Minh Lệ la lên, đôi mắt sáng rực:
- Á, không! Cái gì chứ cái đó thì
không được!
Lý Minh Đảo không nói một tiếng. gã
túm chặt bả vai em, đẩy em lại gần miệng giếng. Môi hắn nhếch lên. Từ hai hàm
răng thưa, trắng ởn, nhọn hoắt như răng chó sói, bật ra một tiếng cười đanh ác:
- Hừ! Được không?
Cô bé gần hụt hơi thở:
- Dạ… được, được!
Gã chủ tịch choàng ngay vào cổ cô bé
cái dây chuyền đỏ có hình con rắn lông chim.
- Không được tháo bỏ ra bất cứ lúc
nào. Nghe chưa? Rắn thần luôn luôn nhắc nhở cho mày phải nhớ tới lời đã hứa!
Dứt lời, hắn quay ngoắt đi, biến mất
trong rừng cây.
Một lúc lâu sau, cô bé gái Minh Lệ đã
lao người cắm đầu chạy. Trong tay một bó hoa huệ trắng muốt, từng quãng, từng
quãng lại rớt xuống một bông, y hệt đá cuội của chú Bé Tí Hon rắc đường để nhớ
lối về, trong truyện thần tiên cổ tích.
- Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh! Xin người cứu
vớt con!
Quỳ gục đầu lên bệ đá nhà thờ Đức Mẹ
Đồng Trinh, hơi đá mát lạnh làm dịu hẳn đi sức nóng hừng hực trong đầu óc sôi
bỏng, cô bé cảm thấy được bình tĩnh hẳn lại.
Em thầm mong cứ được quỳ gục đầu như
thế mãi để mỗi khi ngẩng lên, ánh mắt hiền từ và nét môi cười trìu mến của Đức
Mẹ lại chiếu thẳng mắt như bao dung, như che chở…
Nơi xa kia, nơi mà em bị bắt buộc đi
tới, liệu có tượng Đức Mẹ giống như ở thôn Xung Hà hay không?
- Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh! Xin người cứu
vớt con!
Sau đó Minh Lệ trở bước quay về nhà gã
cậu Hà Bỉ Bảo như thế nào để rồi sáng hôm sau bước lên ngồi bên cạnh giáo sư
Đặng Thế Châu trong chiếc xe bốn bánh chạy nhanh như gió của mấy người Mỹ kia
ra làm sao, chịu, cô bé không thể nào nhớ lại được một chút gì hết.
Mấy người Mỹ thấy em bé nhỏ đáng yêu,
cho em thật nhiều kẹo, súc cù là, kẹo cao su và hộp nước ngọt uống rất ngon.
Từ thuở bé, chưa hề bước chân ra khỏi
thôn làng nay được đi du lịch tưởng không còn gì thích thú hơn nữa. Minh Lệ có
thể cũng được sung sướng, nếu không có sợi dây quái ác vướng mắc nơi trước
ngực, sợi dây lúc nào cũng như nhắc nhở em, bắt em phải nhớ lại những hình ảnh
ghê rợn hồi hai năm qua.
Hai năm! Hai năm dài đằng đẵng! Từ
ngày rời xa thôn Xung Hà tới nay đã được hai năm. Nhiều sự thay đổi xẩy ra dồn
dập khiến trí óc Minh Lệ rộn lên, đẩy lui tất cả sự việc ”ngày trước” vào tiềm
thức để thỉnh thoảng lại xuất hiện trong một cơn mê hay ác mộng mà thôi.
Và cơn mơ hoảng trong giờ phút hiện
tại được kể là một. Minh Lệ dẫy dụa, vùng vẫy để cố thoát ra. Thoát ra thật mau
cơn ác mộng quá khứ hãi hùng càng mau càng tốt. Thoát ra mau để mà hưởng thụ
những buổi sớm mai đầy nắng ấm, hoa nở tưng bừng, ve kêu ran khắp chỗ, chim
chóc líu lo đua hót, đàn se sẻ chuyền cành chiêm chiếp gọi nhau khắp nơi, trong
khu vườn biệt thự Bạch Tuyết. Đôi bàn tay ngón xinh xinh của cô bé đưa lên vén
gọn mớ tóc lòa xòa che kín mặt mũi, đôi mí mắt chớp chớp như vội vàng đón nhận
ánh nắng ban mai. Qua lỗ hình quả tim trổ trên khuôn cửa sổ, hai tia nắng đẹp
xiên thẳng như hai mũi tên, nhẩy múa trên nệm giường Minh Lệ. Một tia sưởi ấm
những ngón tay nuột nà của em, một tia hâm nóng làn da má trắng bệch lạnh như nước
đá. Bên ngoài, con chó Phích nhớ chủ, kêu lên ăng ẳng, bất chấp cả tiếng la
mắng của bác Hai Lũy:
- Cái con ranh này! Có im đi không?
Làm ầm lên không cho cô bé ngủ hả?
Minh Lệ bất giác mỉm nụ cười sung
sướng. Bác làm vườn thật là một người đôn hậu. Không riêng gì bác, tất cả mọi
người trong biệt thự Bạch Tuyết này đều yêu quý em hết lòng. Giáo sư Châu, cha
nuôi em, bà Giang, chị ruột ông, săn sóc, chăm lo cho em từng li từng tí. Để
đền đáp lại, em cũng yêu mến mọi người vô cùng. Bởi thế, Minh Lệ cảm thấy nhức
nhối khó chịu vì ý nghĩ : “có kẻ muốn làm hại những người em yêu thương vô cùng
ấy”.
Kẻ muốn làm hại?... Mà kẻ đó là ai? Cô
bé gượng chống hai khuỷu tay ngồi dậy. Việc đi ra ngoài cổng vườn đêm qua và
cái ghế dựng vào tường, dưới chân cửa sổ, cho em lời giải đáp rõ rệt:
- “Lý Minh Đảo! Lão chủ tịch thôn Xung
Hà!”
Mọi sự việc xẩy ra đã chứng minh lời
giải đáp ấy. Tất cả đã là sự thật. Gã đàn ông nham hiểm độc ác đã vẽ dấu hiệu
con rắn thần. hắn đã hiện diện trong khu vực và cô bé sẽ phải tuân theo lệnh
của hắn.
Minh Lệ, đôi mắt sáng rực, gầm lên:
- Không! Nhất định không! Mình nhất
định không đi gặp lão!... Trời ơi! Nếu mình cứ bị đau ốm liệt giường liệt chiếu
thì hay biết bao nhiêu. Giá mình cứ nằm quỵ ở đây, khỏi phải đi ra ngoài thì
sướng quá! Nếu cứ được nằm liệt mãi thế này…!
Đôi tay run run đưa lên rờ trán, xoa
xoa trên mặt, nắn bóp khắp người. Ác quá! Chỗ nào cũng rắn chắc, khỏe mạnh và
mát rời rợi, mặc dầu suốt đêm qua em không hề chợp mắt. Minh lệ lắc đầu thất
vọng. Chợt một ý kiến lóe mạnh trong vầng trán thông minh:
- Cái chân đau! À, phải rồi, cái chân
đau của mình đây! Làm cho nó gẫy một lần nữa…? Phải rồi, chỉ có cách ấy!
Trời đất! Làm cho cái chân mới lành bị
gẫy một lần nữa? Đau lắm! Chắc không được đâu! Làm gì thì được, chớ cái đó thì
nguy quá, không được rồi!... Nhưng kẹt một điều, phải có lý do thật chính đáng
để chứng minh rằng em không thể ra khỏi giường hay rời khỏi cái ghế xích đu, do
đó không thể tuân lệnh lão chủ tịch vì trường hợp bất khả kháng được chứ! Trời
ơi!
Run lẩy bẩy như người lên cơn sốt rét,
Minh Lệ đứng thẳng người trên nệm, nhún mình nhẩy mạnh xuống sàn nhà. Mặt em
nhăn lại. Cái chân đau chưa lành hẳn bị động mạnh khiến cô bé bị khổ sở, nhức
buốt đến tận tim gan. Nhưng… em vẫn tiếp tục… Huỵch! Huỵch! Nhẩy xuống, trèo
lên giường, nhẩy xuống nữa, năm, bẩy lần, cho tới mười lần liên tiếp, rồi cứ
thế lết đi quanh phòng, ba vòng, năm vòng, cho tới khi kiệt sức, thở hổn hển,
kỳ tới lúc cẳng chân sưng tấy lên, đỏ rừ, đau đớn kinh khủng mới thôi.
Lúc đó, cô bé khốn khổ mới lao người
nằm vật lên nệm giường, há miệng thở dốc, thể xác đau đớn tới mức tột cùng,
nhưng tâm hồn lại rất mực thư thái.
Trong cuộc chiến tranh lạnh với tên
trùm cướp, chủ tịch thôn Xung Hà, Minh Lệ đã thắng keo đầu tiên.
……………….
Bác sĩ tuyên bố : Cái cẳng chân bị
“đau lại” của cô bé không cần phải bó bột như lần trước, nhưng tuyệt đối không
được động cựa. Ông thầy thuốc và cha nuôi em buộc em phải hứa “không được đi ẩu
nữa và phải nằm trên giường cho tới khi lành hẳn. Minh Lệ sung sướng như mở cờ
trong bụng : em chỉ cầu mong được như thế!
Chiều nào, bác Hai Lũy cũng bồng em ra
chơi ngoài vườn cho thoáng khí. Qua riềm mi cong rậm, tia nhìn của em lướt trên
những vòm lá xanh um rậm tốt, những cây cổ thụ to lớn ở bên kia bức tường rào
quanh khu vườn biệt thự.
Cái đầu óc non nớt không ngớt băn
khoăn với ý nghĩ:
- “Biết đâu Lý Minh Đảo lại không ẩn
thân trong tàn lá cao vút kia để quan sát theo dõi mình?... Thây kệ! Bất chấp!
Có thể lão ta cho rằng mình chưa trông thấy dấu hiệu rắn thần thì cũng đến thôi
chứ làm gì!”
Thế rồi, hết sáng đến tối, hết ngày
hôm nay lại đến ngày mai, thì giờ nối tiếp nhau qua đi đem lại sự yên tĩnh
trong tâm hồn cô bé. Minh Lệ hy vọng, lẩm bẩm:
- “Chờ chán rồi thế nào lão cũng bỏ
đi!”
Mơ màng thú vị với cái viễn tượng hòa
bình đó, chợt cô bé giật thót mình lên tiếng thất thanh:
- Ai đó?
Em nghe rõ ràng có tiếng chân người
bước trên đá sỏi ngay phía dưới chân.
Suýt nữa Minh Lệ bật cười rộ lên. Thì
ra là bác làm vườn. Bác Hai Lũy bữa nay định đi đâu mà diện oai ghê. Chân mang
một đôi giầy nhà binh đánh “si-ra” bóng loáng, cái quần kaki vàng là thẳng nếp,
và cái áo sơ mi xanh màu da trời. Trên đầu là một chiếc mũ nan trắng tinh. Minh
Lệ chúm môi giương mắt ngắm nhìn người đàn ông hiền lành chất phác, miệng cười
tươi:
- Ý! Bác Hai đi đâu mà bảnh dữ vậy?
Tuy nhiên, nụ cười tươi của cô bé
không che được mắt người lực điền chất phác. Giọng nói đượm tính chất hốt hoảng
của em có vẻ khác thường khiến bác Hai Lũy ngạc nhiên. Thay vì trả lời vào câu
hỏi, bác làm vườn lo lắng hỏi lại Minh Lệ:
- Cô sao thế?
- Tôi hả? Không, có sao đâu! Mà tôi
hỏi bác Hai đi đâu bây giờ vậy?
Hai Lũy chỉ chỉ vào cái ống vố ngậm
trên miệng:
- Hết thuốc hút rồi! Tôi ra chợ Tùng
Nghĩa mua một bao đây!
- Để chờ ba và cô Giang về đã rồi hãy
đi nghe bác Hai!
- Ấy, ấy, đâu được! Ông chủ và bà
Giang chiều tối mới về. Mà lúc đó lại đúng giờ tưới cây, làm sao đi được. Phải
thừa dịp lúc trời đang nắng thế này, thay vì ngủ trưa, tôi chạy đi một lát.
Thèm thuốc quá nghỉ trưa không được, lấy sức đâu chiều mát mà làm vườn chớ!
Minh Lệ ngước nhìn bác Hai Lũy, nét
mặt em lộ vẻ hoảng hốt rõ rệt:
- Bác Hai! Khoan, đừng đi vội nghe,
bác Hai!
Bác làm vườn nhướng cặp lông mày:
- Ủa! Bữa nay cô Lệ sao vậy?
- Ở nhà một mình, em sợ lắm, bác Hai!
- Sao lại sợ…? Hay là cô lại đau rồi
hả?
Thấy dáng vẻ băn khoăn lo ngại của
người bạn già, Minh Lệ không muốn để bác nghi ngờ gì hết, phải nói tránh đi:
- Không đâu bác Hai!... Nhưng… cả nhà
đi vắng hết lỡ em cần cái gì thì biết gọi ai! Chân còn yếu như thế này!
Bác làm vườn thở một hơi dài nhẹ nhõm:
- Chỉ có thế thôi mà cô làm tôi hết
hồn. Kìa có chị Sáu Dần mới qua giặt đồ kia kìa. Tôi đã dặn chị ấy là tôi xuống
chợ một lúc tôi về. Có cần gì cô cứ kêu chị ấy nghe!
Minh Lệ chẩu môi phụng phịu:
- Chị Sáu ở tuốt đằng hồ nước xa quá
trời, kêu làm sao chị ấy nghe được!
Bác Hai Lũy giọng bông đùa:
- Gớm cô Lệ! Làm như mình còn bé lắm
vậy đó!
Hai bàn tay vặn vào nhau, cô bé khẩn
khoản:
- Ở nhà với em đi, bác Hai! Bác Hai
không thương em sao?
Giọng nói nũng nịu nghe thật dễ
thương. Bác làm vườn cũng vui theo cái vui của con trẻ. Tiếng nói của bác cũng
nhiễm đôi phần tinh nghịch:
- Thế bé Lệ thấy bác bị nhịn thuốc
hút, ngáp dài ngáp ngắn không thương sao chớ! Hồi này bé có vẻ ích kỷ quá ta!
Tuy là một câu trách đùa giỡn cho vui,
nhưng Minh Lệ cũng thấy thương bác Hai phải nhịn thèm, nhịn nhạt:
- Thôi, nếu vậy thì bác Hai đi lẹ đi
rồi về cho chóng nghe!
Chưa kịp nghe dứt câu, bác làm vườn
trung hậu đã xoay mình bước ra, hai chân lao vùn vụt như người chạy thi.
Khi Hai Lũy đi khuất rồi, cô bé cảm
thấy một niềm vắng lạnh, quanh hiu khiến em lo ngại vô cùng. Có thể nói đây là
lần đầu tiên, vô tình, em bé bị rơi vào một hoàn cảnh cô độc như thế. Tòa biệt
thự lớn rộng có tới mười buồng. Mỗi tiếng động lại vang vang mãi không dứt. Khu
vườn bát ngát um tùm, chưa kể cái ghềnh đá phía sau vĩ đại dựng đứng như một
bức tường cao chớn chở y hệt bờ vực thẳm, bên dưới là giòng sông nước chẩy lững
lờ.
Tự nhiên rợn người lên, Minh Lệ đưa
mắt nhớn nhác nhìn chung quanh. Thế nào gã chủ tịch Lý Minh Đảo cũng lợi dụng
lúc mọi người đi vắng cả, sẽ lọt vào biệt thự. Cô bé hết quay bên phải lại
nghiêng bên trái, giật nẩy mình khi có tiếng lá rơi hoặc tiếng vài con cào cào
vỗ cánh. Phía trước mặt, ngay tầm mắt em, hai cánh cửa lớn đóng chặt khiến em
cảm thấy được một chút an tâm. Kẻ gian không dại gì đột nhập theo lối cửa chính
bao giờ.
Minh Lệ bình tĩnh lại được một chút,
thầm thì tự nhủ:
- Mình chỉ lo sợ vẩn vơ! Có lẽ lão Lý
Minh Đảo đã cút xéo, bỏ đi rồi không chừng!
Rồi, bản tính trẻ thơ, lo buồn đấy mà
vui tươi cũng lại ngay đấy, cô bé quay ra nhìn mấy con vật đang lăng xăng trong
bóng mát. Một đôi chim sẻ đang dạy chim non chuyền cành lách tách. Chỗ kia, mấy
con kiến đang “qua sông” trên một cái bè bằng cọng rơm nổi lềnh bềnh trong một
vũng nước nhỏ. Dưới gốc cây “ngọc bút”, một chú bọ dừa vụng về hạ cánh bằng
lưng, nằm ngó ngoáy mấy cái chân, cố lật úp thân mình mà vẫn không sao đứng dậy
được.
Cô gái vươn mình, chìa chiếc gậy song
cho con côn trùng bám vào, rồi khẽ đặt bọ dừa theo đúng vị thế sửa soạn cất
cánh. Em vui vẻ “căn dặn”:
- Lần sau kheo khéo một chút nghe,
“bé”!
Minh Lệ sắp sửa hết cái vui, thì kìa,
một chú gà trống con, sắc lông rực rỡ le te chạy đến. Cô mái xám lục tục chạy
theo, vừa chạy vừa “cúc, cúc!” gọi bốn con gà con xinh xẻo như bốn cục bông gòn
trắng muốt, cái mỏ đỏ chót, đôi mắt tròn như hột đậu sáng long lanh.
Chú gà trống đứng trước mặt cô bé,
nghiêng đầu quan sát bằng một con mắt tinh quái. Minh Lệ bẻ mẩu ruột bánh mì
còn sót trong túi áo, viên thành những cục nhỏ xinh xinh. Lũ gà con chạy ùa lại
chiêm chiếp mổ thức ăn, mặc cho “bố, mẹ” đứng im một chỗ nhìn ngơ ngác. Cô bé
tươi cười vui sướng ngó đàn gà con giành nhau đồ ăn.
Đúng lúc đó, tên chủ tịch xuất hiện.
Gã lừng lững tiến vào trong vườn sau khi thản nhiên quài tay khép cánh cổng
lớn. Lý Minh Đảo bước tới gần cô bé, cất giọng khàn khàn:
- Thế nào, mạnh giỏi chứ, nhỏ? Gặp lại
tao không vui mừng sao mày?
Đôi bàn tay lạnh giá, gò má nóng hực
như than hồng, cô bé từ từ đứng lên, toàn thân run bần bật.
Nỗi kinh hoàng đột ngột quá, ghê gớm
quá, khiến Minh lệ mất hết tự chủ. Cái đầu xinh xinh, mái tóc tơ mịn, tự động
khẽ gật.
Cái gật đầu ấy có thể là một tiếng
“có” mà cũng có thể là “không”, tùy tên cướp muốn hiểu sao thì hiểu. Nhưng nhất
định là y phải hiểu theo cái nghĩa có lợi cho y. Quả nhiên, tên chủ tịch dõng
dạc nói tiếp:
- Rồi! Bây giờ là lúc thi hành lời hứa
đó mày!
Cô bé há miệng tới hai lần mới nói
được một câu:
- Tôi… Tôi thi hành thế nào được kia
chứ?
Lão chủ tịch cười gằn:
- Tại sao, hả? Tại sao lại không thi
hành được?
- Tại… tại cái cẳng chân tôi đây này!
Cẳng chân tôi bị gãy, đi không được!
Lý Minh Đảo lôi từ trong túi áo ra một
cái ống nhòm nhỏ xinh. Cặp môi mỏng của gã nhếch lên trong nét cười nham hiểm:
- Biết! Tao biết mày bị đau chân và
sốt ra sao rồi! Nhờ có cái này đây mà tao theo dõi được rất sát tình trạng sức
khỏe của mày. Hà! Hà! Mày cũng ranh lắm chứ kkhông vừa vặn gì đâu. Hà! Hà! Khi
nào vắng người là mày lại đi phom phom trong suốt căn phòng như người thường
vậy đó. Đau ốm… vờ! Hà, hà! Mày định đánh lừa cả tao nữa hả?
Mặt cô bé xám xanh như chàm đổ. Em
không thể ngờ là Lý Minh Đảo lại khám phá ra được mưu mẹo của mình. Em cất
giọng run run:
- Thế ông muốn tôi làm cái gì đây?
- Nửa đêm nay, mày phải tìm đưa cho
tao chùm chìa khóa căn nhà bảo tàng của cha nuôi mày. Chừng một tiếng đồng hồ
sau tao sẽ trả lại liền. Như vậy chắc chắn không ai biết được đâu.
- Trời ơi! Lấy chùm chìa khóa đó sao
được? Cha nuôi tôi lúc nào cũng để trong túi áo mặc vào người mà.
Gã chủ tịch quắc mắt:
- Không được cũng phải được! Nghe rõ
chưa?
- Tôi đã nói là không được mà. Vả lại…
vả lại, có chìa khóa cũng vô ích! Cánh cửa căn phòng bảo tàng, hễ động tới là
chuông điện lập tức reo ầm lên. Không được đâu mà.
Lại cái cười ghê rợn:
- Khó gì cái đó! Mày chỉ việc khóa
đồng hồ điện lại. Đợi tao ra khỏi vòng rào biệt thự rồi sẽ mở ra, ai biết!
Minh Lệ lo cuống cuồng. Chết rồi! Tối
nay, lúc nửa đêm! Thời gian cấp bách quá! Làm sao có đủ thì giờ để bảo vệ của
cải của cha nuôi đồng thời không khiến cho Lý Minh Đảo nổi giận?
Đột nhiên, em nẩy ra một ý kiến:
- Đây này, ông chủ tịch! Tôi có cách
này hay lắm. Thứ bẩy hay chủ nhật này, cha nuôi tôi có việc sẽ đi vắng nhà độ
hai hay ba ngày gì đó. Ông có thói quen, mỗi khi đi đâu lại để chìa khóa phòng
bảo tàng ở nhà, trong ngăn kéo bàn giấy. Nhất định lần này, cũng lại cất vào
chỗ đó. Tôi lấy trộm rất dễ và ông có thể mở cửa căn phòng bảo tàng mà không
còn e ngại gì nữa.
Gã chủ tịch trầm ngâm một chút. Đoạn,
y gật gật đầu:
- À, à, nếu lão giáo sư sẽ đi vắng, vậy
nên chờ cho chắc ăn. Coi nào, thứ bẩy hay chủ nhật? – Gã xòe bàn tay bấm đốt,
lẩm bẩm tính : hôm nay là thứ ba… ngày mai thứ tư… rồi thứ năm, thứ sáu. Ừ,
được đấy!... Vậy thì 12 giờ đêm chủ nhật rạng thứ hai nghe! Mày ra vòng rào kia
chờ tao bên khuôn cửa gỗ thấp đó. Nhớ xích mấy con chó lại, nghe chưa?
Minh Lệ nói lí nhí:
- Được!
- Chớ có quên đó nghe, mày!
Dứt lời, gã chủ tịch quay mình bước
ra. Tới gần cửa lớn, y ngoái cổ lại, đôi mắt gườm gườm:
- Và đừng vội quên cái… giếng nghe,
nhỏ! Không cần mất công về đến tận Xung Hà mới có đâu…!
Giọng nói của gã nghe thật êm dịu.
Càng êm dịu bao nhiêu lại càng rùng rợn bấy nhiêu
___________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI