Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

ÔNG CẬU - Việt Du


Tôi che tay ngáp dài. Chán thật, giữa trưa thế này mà học giờ Việt văn của thầy Hai thì chẳng hứng thú tí ti ông lão nào cả. Nói đến thầy Hai tưởng cũng nên kê khai đại khái vài nhời về tiểu sử cũng như thành tích của cụ.

Cụ có dáng người mà hãng tăm sẽ kiện ra tòa án “thương mại” và đôi mắt cụ như có hàng trăm quang tuyến X – vì cụ đến 4 mắt – dung nhan thì được liệt vào hạng “Cụ có vẻ đẹp của người đàn ông khá đẹp trai”. Đặc biệt là cụ rất am tường văn nghệ: cải lương, chèo cổ, tân nhạc… cụ đều thông suốt cả. Ấy thế mà cụ chẳng “điệu nghệ” với lũ học trò đang “mở mắt nai ngơ ngác bước vào đời”. Cụ thường hay đả kích những mối tình mới nhớn đầy hoa thơm cỏ đẹp, cụ cho rằng lứa tuổi 17, 18 phải dành cho sách vở chứ không thể để những mối tình vớ vẩn chi phối.

Các bạn thấy, ông giáo sư của tôi có cổ hủ không nào?! Nhưng “Thầy nói mặc thầy đường em em cứ xông pha”. Thế là tôi “rắp ranh bắn sẻ” một nàng bên 11-A và chiều nay tôi sẽ là anh chàng: “Em tan trường về, anh theo Ngọ về, chân anh nặng nề…” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Đang thả hồn theo “thoáng mây bay” bỗng tiếng chuông tan học reo vang, tôi vội vã thu dọn sách vở và chuồn nhanh ra cổng. Chiều thứ bảy thật đẹp, những áng mây màu hồng như má con gái và chao ôi, những tà áo dài trắng tung bay như muôn ngàn cánh trắng thiên thần. Ái chà! Tôi cũng có nghệ sĩ tính đấy chứ, thế mà cụ Hai cứ phê vào bài luận của tôi “Câu văn nghèo nàn, không hiểu đề” v.v… Nhưng tôi chắc rằng hai lá thư của tôi sẽ làm cho nàng chớp mắt hay khóc thét lên (nàng cảm động). Rồi nàng sẽ tặng tôi một nụ cười hay một cái liếc mắt kín đáo (con “ghế” thường vẫn thế). Nghĩ đến giây phút “thiêng liêng” ấy tôi cảm thấy yêu đời hẳn lên và hăng hái vẹt đám đông tìm nàng.

Ô kìa! Bông hồng của tôi kia rồi, nàng đi một mình vì ở Saigon xuống Phước Tuy chưa quen ai (tôi điều tra kỹ rồi) thế mới tiện cho tôi trổ tài. Chỉ vô phước cho anh chàng nào vớ phải nàng nào có hàng tá bạn gái đi về cùng đường. Tha hồ mà hốc hác với bọn bạn gái của nàng. Họ chế riễu, mỉa mai trước sự đau khổ của đương sự; tinh nghịch hơn nữa các nàng bảo:

– Em của mày đấy à?! Thế sao không bảo đi chung cho vui mà lại để theo sau thế?

Hoặc:

– Em mày trẻ nhỉ, chắc nhà mày đỡ mua sữa “Bebelac”.

Tôi thì may mắn hơn, cơ hội nghìn năm một thuở. Tôi hớn hở tiến đến gần nàng ấp a ấp úng chẳng nói được câu nào, hình như bao nhiêu lời định nói với nàng chúng đều di tản chiến thuật hết cả. Hai tay tôi lạc lõng trên những cuốn sách, ngớ ngẩn như anh trai con nhà lành có học (nàng cảm động ra rít lắm đấy). Thu hết can đảm tôi mới nói tròn câu:

– Cô… ơ… Trầm… Trầm nghĩ sao về 2 lá thư của tôi. (Rõ khổ cho cái thằng tôi, thường thì tôi vẫn có tiếng là ăn to nói lớn sao hôm nay bỗng dưng bị tắc nghẽn như radio hư đài vì lý do kỹ thuật).

Nhưng không ngờ, thật không ngờ các bạn ạ, nàng từ từ quay lại khẽ mỉm cười thỏ thẻ nói:

– Dạ, Trầm đã đưa 2 lá thư anh gửi cho cậu Trầm rồi, cậu ấy mời anh chủ nhật đến nhà chơi.

Tôi giật mình: Nàng đưa thư tôi cho cậu nàng, thế thì vỡ nợ. Không khéo lại bị khép tội dụ dỗ gái vị thành niên thì khổ cho tấm thân thước sáu của tôi.

Nhìn gương mặt “bánh bao mới ra lò” của tôi nàng mỉm cười (lại cười) trấn an:

– Không có gì anh phải ngại, cậu Trầm bảo rất mến anh, qua những lời đứng đắn trong thư. Thôi xin phép anh Trầm về.

Nhìn dáng “Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ…” tôi thấy lòng mình reo vui. Chủ nhật này tôi sẽ đến nhà nàng thể theo lời yêu cầu của cậu nàng và cả nàng nữa. Sung sướng ghê là.

Chưa chi tôi đã hình dung ra vẻ mặt cậu nàng, phải là một người hiền hậu nhân ái lắm.

*

Sáng chủ nhật trời thật đẹp, tôi diện thật “kẻng” đến nàng (à quên, tôi chưa nói cho các bạn biết: tôi đã tìm thấy nhà nàng. Rõ cô nàng lẩm cẩm thật). Đây là ngày đánh dấu sự thắng lợi vẻ vang của tôi, tôi thấy mình yêu đời lắm lắm và đối với tôi cái gì cũng đẹp, cũng dễ thương cả, ngay đến thầy Hai – ông thầy nghiêm nhất trường – mọi khi vẫn là mối lo sợ khi diện kiến dung nhan của thầy thế mà hôm nay tôi mến gương mặt “mùa thu chết” của thầy và lễ phép cúi đầu chào. Niềm vui của tôi là thế, nó như trái ngọt òa vỡ trong tôi.

Đến trước nhà nàng tôi mất một phút để nén xúc động và sửa lại áo quần. Tôi hùng dũng gõ cửa nhà nàng, một lúc, cánh cửa mở tung kèm theo tiếng reo vui của Trầm:

– A! Anh Việt, mời anh vào, Trầm đi mời cậu Trầm lên.

Tôi khép nép ngồi xuống salon và đợi ra mắt cậu nàng. Và kìa! Tôi vụt nhỏm dậy như lò so khi ông cậu của nàng hiện ra ở ngưỡng cửa. Kìa! Ông ta đang nhìn tôi và tôi cũng đang “chiếu tướng” ông ấy. Ôi! “Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói một câu”. Một thoáng im lặng qua nhanh, ông cậu nàng cười gằn:

– À! Thì ra là cậu, mời cậu ngồi.

Rồi ông mai mỉa:

– Tôi nhớ không lầm thì hình như anh học 12-B, tên Huỳnh Tuấn Việt chứ không phải là Nguyễn văn Việt học lớp 11-B?

Trước tình thế khẩn trương đó tôi đành lặng lẽ quay đi “từng bước từng bước thầm” trước đôi mắt mở to của Trầm và gương mặt lạnh như tiền của ông cậu nàng.

Chết tôi rồi các bạn ạ! Vì muốn dành cho nàng một ngạc nhiên nên tôi tạm giấu tên, lớp, ai ngờ… Còn nàng thì cứ tưởng ông cậu nàng, giáo sư, chỉ dạy lớp 11 chứ không biết các anh học trò nghịch ngợm lớp 12… Riêng tôi, cái làm đau nhất là tôi không ngờ ông cậu “hiền từ” của nàng lại là… ông giáo sư dạy Việt văn khó tính của tôi…

Đấy là kỷ niệm học trò đáng nhớ đến muôn đời của tôi và cũng không bao giờ tôi quên được người con gái mang tên Nguyễn thị Mai Trầm.


Việt Du    


(trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 36, ra ngày 20-10-1972)