Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

THOÁNG NHỚ - Chiêm Hoàng Nga


(Dấu yêu về N. T. Ngọc Hà)

Tôi quen Lan đã lâu lắm, quen từ ngày hai đứa còn mài đũng quần trên ghế Tiểu học, trường làng.

Hồi đó Lan và tôi chơi thật thân. Sáng nào tôi cũng tới nhà Lan, rồi hai đứa sánh bước tới trường. Lan nhí nhảnh và dễ thương chi lạ! Mỗi lần Lan có quà là chúng tôi cùng chia sẻ, ăn một cách ngon lành, sung sướng. Thời gian ở trường làng, tôi và Lan cùng học lớp nhất. Lan học giỏi, chịu khó và cầu tiến. Nhiều lúc tôi cũng đâm ghen và tâm niệm trong lòng sẽ cố gắng để vượt Lan cho chị em lé mắt. Tuy nghĩ thế, nhưng tôi vẫn phục Lan sát đất, phục Lan vì tính tình khiêm nhượng, dễ mến và vui tươi. Tôi cố gắng không làm mất lòng Lan và tình bạn của chúng tôi khắng khít hơn chị em ruột. Cuối năm đó, hai đứa chúng tôi đều may mắn đậu Tiểu học. Nhưng cũng từ đó, tôi và Lan xa nhau...

*

Gia đình tôi vì kế sinh nhai, dọn nhà lên tỉnh. Thời gian qua mau lẹ, và tôi cũng đã học được hai năm Trung học. Tâm lý của tôi giờ phút này đã thay đổi khá nhiều. Tôi không còn là một cô bé Tiểu học, chỉ biết mặc áo cụt, cầm vở quăn góc, chạy lăng xăng đầu làng và chơi làm nhà với Lan, bạn thân. Năm đệ lục tôi đã biết làm đỏm lạ, sáng nào tôi cũng đứng soi gương lâu giờ và nhìn ngắm chiếc áo dài màu trắng trinh nguyên với mớ tóc khá dài mà tôi đã dầy công chăm sóc. Tôi đã cố làm ra vẻ người lớn, ra vẻ các chị đệ tứ, đệ nhị duyên dáng, nhí nhảnh và chịu chơi. Tuy nhiên, càng soi gương, tôi càng thấy còn thua xa chị em nhiều lắm. Thua về kích thước, về tuổi và về cách trang điểm. Biết rằng còn thua kém chị em lớn nhiều, nhưng tôi tự hào là nữ sinh đệ lục. Trong lớp, tôi thuộc về hạng khá, các thầy giáo cô giáo đều công nhận tôi chịu khó, hạnh kiểm tốt, đáng làm gương cho lớp. Mỗi lần được khen ngợi, lẽ dĩ nhiên, mũi tôi hơi phồng, tim tôi đập mạnh hơn và máu kiêu ngạo cũng nổi lên cuồn cuộn trong tôi. Những lúc đó tôi càng nhớ tới Lan, nhớ tới người bạn cùng lớp với tôi, người bạn thân nhất mà những năm mài đũng quần ở trường làng, chúng tôi đã từng sống chết có nhau, đã chia sẻ từng miếng bánh, trái khế chua hay từng củ lang lùi thật nóng, nhưng đầy tình mặn mà thương yêu. Tôi nhớ Lan thật nhiều, bao nhiêu kỷ niệm lại trở về với tôi, trở về với cô nữ sinh đệ lục, yêu đời và ham sống. Tôi không hiểu giờ đây Lan đang làm gì, Lan có được hạnh phúc tiếp tục học như tôi không, hay Lan đã phải giúp đỡ cha mẹ chăn bò hay nuôi heo ở làng quê. Nghĩ thế, tôi  cảm thấy buồn vô kể, một nỗi buồn đột ngột, nhưng kéo dài. Tôi nhắm mắt, hai dòng lệ bỗng tuôn trên má, tôi đã khóc...

Hai năm, ba năm, bốn năm đã trôi qua. Tôi đã là cô nữ sinh đệ tứ, niên học mới bắt đầu và tôi cũng đã chuyển qua trường khác. Ngày khai trường tưng bừng và vui tươi. Những năm Trung học đã cho tôi một khám phá mới lạ, ngày khai trường không còn như những năm Tiểu học bẽn lẽn hay phải có người dẫn đưa trông có vẻ yếu ớt và buồn cười. Trung học, chỉ cần ghi tên trước và tới ngày khai trường vào ngồi theo lớp là được. Cũng như mọi năm, tôi đến trường với tâm trạng một cô nữ sinh ham học và thích khám phá. Việc đầu tiên của tôi khi tới lớp là nhìn trước, nhìn sau xem có gặp Lan không. Tôi vẫn không thấy Lan và hình ảnh Lan lại về với tôi thật lẹ. Niên học cứ lặng lẽ trôi và tôi cũng quên bẵng Lan trong sự vui đùa của chúng bạn. Kỳ thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt tôi đều đứng đầu lớp. Các thầy giáo, cô giáo đều trầm trồ khen ngợi tôi, nhưng giữa sự hãnh diện, tôi không quên được tính tình dịu dàng, lòng khiêm tốn của Lan khi ở trường làng. Tôi nhớ Lan và phục Lan nhiều lắm...

Bẵng đi một thời gian khá dài xa Lan, xa người bạn yêu quí, người bạn thân nhất mà tôi vẫn thường nhắc tới. Một hôm tình cờ đi thăm sở thú, tôi đang đi lang thang xem thú vật và cây cối cùng với đứa em trai mười tuổi, đến chuồng khỉ tôi để ý một cô gái đang say sưa nhìn chú khỉ con đánh đu, tôi nhìn mãi, nhìn mãi. Sao cô gái có những nét giống Lan quá. Thời gian 5, 6 năm đã thay đổi nhiều. Tôi tới gần cô gái hơn. Đúng là Lan rồi, không hiểu Lan đã nhận ra tôi chưa? Tôi làm bộ không hay biết gì cả, để xem Lan phản ứng ra sao? Lan vẫn say sưa nhìn chú khỉ con đu đưa vui vẻ trên cành khô giữa chuồng. Nhất định tôi phải tới, phải nói với Lan nhiều chuyện, tôi phải vui mừng vì có Lan giờ phút này. Sau cùng tôi đã nhận đúng ra Lan và Lan cảm động thật nhiều. Chúng tôi nói chuyện và cho nhau biết lý do, công việc mỗi người đang theo đuổi. Tôi được biết sau thời gian gia đình tôi xa làng, Lan và gia đình ở lại quê một thời gian rồi cũng dọn lên tỉnh, tuy nhiên vì không biết địa chỉ của tôi, nên Lan không thể nào báo tin cho tôi được. Lan cũng tiếp tục học kể từ ngày đó và mỗi ngày tựu trường, Lan vẫn đáo quanh lớp xem có bắt gặp người bạn thân trường làng khi xưa chăng? Tôi cho Lan biết, tôi có những tâm trạng như Lan và tôi nhớ Lan, nhớ tính tình dịu hiền, sự chịu khó, chăm học của Lan. Tôi đã bắt chước được nhiều điểm tốt nơi Lan và tôi cho Lan biết bây giờ tôi học khá lắm, nếu có Lan cùng học hai đứa sẽ thi đua nhiều hơn nữa và tôi có lẽ phải cố gắng, chăm học gấp hai nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau đủ thứ, từ chuyện con Oanh, con Tám, đến con Hương dễ ghét ở trường làng xưa. Hai đứa chúng tôi đều mỉm cười sung sướng. Cuộc gặp gỡ đột ngột đã gợi lại tôi nhiều kỷ niệm êm đềm của những năm bé nhỏ, đơn sơ nơi trường làng. Lan bây giờ thay đổi nhiều, thay đổi từ cách ăn mặc, đến hình dáng, tiếng nói. Nhưng chỉ có tâm hồn Lan không thay đổi. Tôi vẫn tin tưởng Lan sẽ luôn là Lan khi xưa với tính tình hiền hậu, dễ yêu, dễ mến. Chúng tôi cho nhau địa chỉ và hẹn nhau sẽ gặp thường xuyên để cùng nhau trao đổi việc học hành, kinh nghiệm sống nơi trường và nhiều chuyện bất ngờ khác... Chúng tôi chia tay nhau ra về, lòng đầy phấn khởi sung sướng.

Trên xe Taxi, tôi tự nhủ không, không phải chỉ còn những kỷ niệm thoáng qua mỗi đầu niên học, hay mỗi khi được khen ngợi trong lớp, mà đó là những kỷ niệm sống động, kỷ niệm thật và tình yêu thương cao quí mà Lan, tôi có được. Tôi nhất định sẽ sống lại những kỷ niệm của tình bạn nơi trường xưa...


CHIÊM HOÀNG NGA   


(Trích từ bán nguyện san Tuổi Hoa số 163, ra ngày 15-10-1971)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com