Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

PHẦN V_CÂY ĐÀN HUYỀN DIỆU



Nhưng những thành công càng lớn lao thì bên cạnh đó Pa-ga-ni-ni lại phải đương đầu với một dư luận của những kẻ thù cố tình bôi nhọ tài năng của chàng. Tất cả những kẻ ít có tài năng nhưng lại giàu lòng đố kỵ, cũng như phần đông bất tài thường cảm thấy người mình nhỏ bé trước cái thiên tài vĩ đại Pa-ga-ni-ni, tìm bằng mọi cách phao vu rằng chàng không phải là một người thường, mà chỉ là con đẻ của loài quỉ, không có cha mẹ đích thực. Nhiều người nhất định là khi chàng đàn thì chính quỉ sứ điều khiển cây cung kéo đàn của chàng, còn chàng chỉ là một cái xác chết mà thôi. Người ta nhất quyết bảo rằng : “Một đứa trẻ cũng có thể biết dễ dàng Pa-ga-ni-ni không phải là người bằng xương bằng thịt như mọi người khác. Đó chỉ là loài quỉ sứ trá hình để cố lừa phỉnh cảm giác chúng ta bằng những xảo thuật huyền bí”.

Một sự phao truyền như thế vẫn làm xúc động được khá nhiều người. Quần chúng vẫn ưa những chuyện gay cấn, quái đản, nên tin vào lời đồn đãi một cách dễ dàng.. Hơn nữa tài năng quá đỗi phi thường cùng cái hình dạng xấu xí bên ngoài của chàng dễ làm cho một số người nông nổi tin theo sự phao vu ấy. Cuối cùng Pa-ga-ni-ni buộc lòng phải nhờ vả đến mẹ mình viết một bức thư chứng nhận rằng chàng chính là con đẻ của bà và cho đăng tải bức thư lên báo, bức thư đầy lòng thương yêu, trìu mến của chính mẹ chàng. Nhưng sự đăng tải ấy vẫn không cách nào ngăn cản được vu khống càng ngày càng mạnh và từ khâm phục, quần chúng bắt đầu có người thấy ghê sợ chàng. Nhà vua cùng với một số quý tộc mến yêu tài nghệ của chàng đứng ra bảo trợ, cam kết rằng chàng chính là người thực, mà cuối cùng vẫn không sao dẹp được dư luận quái ác cố tình phủ nhận tài năng đích thực của chàng. Rồi trên mặt báo, nhiều người bắt đầu gọi chàng bằng cái danh hiệu “nhạc sĩ vĩ cầm của quỷ sứ”, hoặc “quỷ sứ biết đàn”, và cho rằng nghệ thuật của chàng không có chút gì bình thường và tự nhiên cả.

Tất cả những sự vu khống phao truyền như thế ban đầu không có tác động đáng kể đến tâm hồn chàng, nhưng trong sự mệt mỏi của một con người sống nhiều bằng sự hoạt động, cuối cùng Pa-ga-ni-ni cảm thấy bất lực, và chàng tìm sự an ủi những nỗi đau khổ của mình trong sự chăm sóc thằng bé A-si-li-nô, đứa con duy nhất của chàng..

Một hôm, trong số những người chờ đợi trình diễn có một nhạc sĩ trẻ tuổi đứng ở hàng đầu là Phrăng Lit. Đến khi Pa-ga-ni-ni hiện ra ở trước thính giả thì Lit có cảm tưởng rằng người ấy bay đến chứ không phải đi như là người thường. Khi cuộc trình diễn bắt đầu thì Lit hoàn toàn ngơ ngác vì chàng nghĩ rằng không phải là mình nghe nhạc mà đang lạc loài giữa cơn bão táp, nghe những tiếng gió đích thực, tiếng biển ồn ào sôi động đích thực, diễn tiếp quanh mình. Không, chiếc đàn vĩ cầm không sao diễn đạt được những âm thanh như vậy. Lit nghe tiếng những giọt nước mưa rơi tan thành bụi nhỏ, tưởng như thấy những chớp nhoáng sáng loà ở giữa bầu trời u tối. Thần kinh của chàng xúc động tột độ. Bàn tay của “tên quỷ sứ” ở trên sân khấu không phải chỉ cò năm ngón mà có đến năm mươi ngón.. Những ngón tay ấy bay vút lên những dây đàn tạo ra chớp nhoáng, gây ra sấm sét.

Pa-ga-ni-ni cúi gập mình xuống gần như cọ sát mái đầu xuống dưới đôi gối khẳng khiu và bỗng thình lình ngẩng hẳn người lên như chiếc lò xo. Người ta còn nghe thêm một lần nữa tiếng hú kinh hoàng của cơn bão tố. Rồi mây tan, gió tạnh, mặt trời bừng chói, vài giọt nước mưa vẫn còn rơi rụng lác đác, rồi cả điệu nhạc tan dần như một hơi thở lặng im.

Sự thành công của Pa-ga-ni-ni thực là khủng khiếp nhưng hình như chàng không cảm thấy nỗi vui lòng. Lit tưởng như nhìn thấy nét cau có và giận dữ của người nghệ sĩ, khi người nghệ sĩ gục đầu xuống chào thính giả rồi ngẩng lên, đôi vai cùng nhún trong một điệu bộ tuyệt vọng và đôi mắt sáng vẫn nhìn chăm chú chiếc đàn.

Đêm ấy, sau khi lang thang hết các đường phố hoang vắng vì bị ám ảnh bởi những điệu nhạc nghe thấy, Lit về nhà rất khuya, ngồi với chiếc đàn dương cầm và chàng thấy rằng tất cả những gì mà mình hài lòng từ trước đến giờ không còn giá trị gì nữa. Nghệ thuật của chàng phải được đổi mới, phải được đổi mới hoàn toàn. Từ trước đến giờ tiếng đàn của chàng không bày tỏ được một tình ý nào cụ thể, và chỉ diễn tả toàn những xúc động mơ hồ. Chàng phải làm sao nói lên cho được rõ ràng như thấy ở trước mắt mình từng tiếng chim kêu, gió thổi, từng nỗi si mê, từng những cảnh đời. Dày vò trong những suy tưởng như vậy chàng ngủ một giấc đầy sự khuấy động mệt mỏi. Sau khi tỉnh dậy chàng vội sửa soạn áo quần, và điểm tâm xong đến xin yết kiến Pa-ga-ni-ni.

Sau khi chào hỏi lễ phép, chàng tự giới thiệu :

- Thưa ngài tôi là Lit. Tôi… Tôi…

- Tôi đã nghe người ta nói rất nhiều về ông, nhưng tôi thú thật là chưa được đến dự một phiên hòa nhạc nào của ông cả. Bây giờ, chúng ta có thể cùng nhau chuyện trò.

Pa-ga-ni-ni dắt tay người nhạc sĩ trẻ đưa vào phòng khách. Lit lúng túng nói :

- Tôi được hân hạnh xem ngài trình diễn hôm qua và tôi cảm thấy những lời tử tế của ngài vừa rồi thật làm cho tôi hết sức băn khoăn. Ngài thực ở trên…

Pa-ga-ni-ni ngắt lời :

- Bạn hãy còn trẻ, chúng ta nói chuyện về bạn thì hơn. Bạn có điều gì muốn cùng trao đổi và để tôi được chia xẻ hay không ?

Lit không nén được cảm động, dừng lại một lát mới hỏi :

- Tôi muốn diễn tả trên đàn dương cầm những gì mà ngài diễn tả trên đàn vĩ cầm, điều ấy có thể thực hiện được không ?

- Không, bạn à. Tôi tưởng rằng điều đó thật khó lòng. Mỗi nhạc cụ có những đặc tính của nó, nhưng bốn dây đàn của chiếc vĩ cầm có một khả năng phong phú hơn nhiều.

- Thưa ngài, tôi đã bắt đầu học nhạc như ngài từ lúc năm tuổi. Vượt qua bao nhiêu tháng năm, tôi không ngừng nghỉ luyện tập một cách nhiệt tình. Tôi tự nguyện rằng tôi sẽ trở thành Pa- ga-ni-ni của đàn dương cầm.

Pa-ga-ni-ni mỉm cười thân mật rồi nói :

- Như thế có lẽ dễ dàng thành đạt hơn là trở thành Pa-ga-ni-ni của đàn vĩ cầm. Tất cả những sự khó khăn của đàn dương cầm nếu đem so sánh với một số điệu nghệ thuật của đàn vĩ cầm thì chỉ đáng xem như trò đùa con trẻ mà thôi. Này bạn, tôi chỉ nói lên một điều mà ai cũng có thể thấy ở trên thực tế : một người sử dụng dương cầm không sao kích động quần chúng như tôi đã từng thực hiện.

Những lời Pa-ga-ni-ni vừa nói không có chút gì kiêu hãnh, khoe khoang, mà được phát biểu một cách giản dị, chân thực.

Lit không ngăn được thất vọng, nhưng chàng thành kính trả lời :

- Thưa ngài, tôi cảm tạ ngài hết sức. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi nếu tôi chưa thành người đàn dương cầm số một của Âu Châu này. Ngài đã chỉ giúp cho tôi con đường mà tôi phải theo, tôi xin cảm tạ ơn ngài.

Pa-ga-ni-ni nhìn thẳng vào mặt người nhạc sĩ trẻ, không giấu được sự ngạc nhiên. Nhưng người này đã lặp lại bằng một giọng điệu cương quyết lạ lùng :

- Tôi sẽ đạt đến những gì mà nhiều người không thể nào đạt được. Nhất định tôi sẽ phải có những gì không thể có được. Dưới những ngón tay của tôi, cây đàn dương cầm sẽ nói lên được ngôn ngữ mà chưa có ai nghe thấy bao giờ. Thưa ngài, hôm qua ngài đã chỉ rõ con đường mà tôi phải theo.

Pa-ga-ni-ni bèn nói :

- Nếu có một người thành công trong sự nghiệp này, thì chắc hẳn rằng người đó là bạn.

Rồi chàng đặt tay lên vai của người bạn trẻ, một tay đặt lên mái tóc người ấy. Lit nhắm mắt lại, cảm thấy được sự vỗ về, một sự khuyến khích vô biên. Đồng thời trong giây phút ấy chàng có niềm tin dứt khoát rằng mình sẽ thành công.

Pa-ga-ni-ni bèn sang trình diễn ở Anh. Người dân xứ này từ lâu được xem như là những kẻ lạnh nhạt, nhưng giữa các cuộc trình diễn đã la hét vang dội, hoan hô, vỗ tay, tung mũ, múa gậy như những người điên. Giá vé trong cuộc trình diễn tăng lên theo một nhịp điệu không ngờ và Pa-ga-ni-ni mỗi lần ra phố khó lòng di chuyển giữa những đám người hiếu kỳ ngưỡng mộ tài chàng, bao vây chung quanh. Ngoài những ngày giờ trình diễn chàng còn lưu trú trong một nhà thờ vắng vẻ để tránh những sự quấy rầy. Mặc dầu báo chí không còn ủng hộ chàng như trước nữa, nhưng mối nhiệt tình của lớp thính giả vẫn còn hết sức nồng nàn. Triều đình nước Anh mời chàng trình diễn ở tại cung điện Bơt-kin-gam. Pa-ga-ni-ni đòi phải trả đúng món tiền là một ngàn quan. Hoàng đế nước Anh, nổi tiếng là người tiết kiệm, trả lời cho chàng hay là triều đình chỉ có thể trả cho chàng phân nửa tiền ấy mà thôi. Pa-ga-ni-ni trả lời cho vị đại diện triều đình như sau : “Hoàng đế có thể đến nghe tôi trình diễn nhạc với một giá rẻ nhiều hơn như vậy ở tại hí trường, nhưng tôi không thể nào đồng ý rằng nghệ thuật của tôi phải bị mặc cả”. Và chàng không chịu trình diễn ở tại đền vua. Sau đó, Pa-ga-ni-ni qua Ái-nhĩ-lan. Chàng được một số quần chúng nhiệt thành kéo chàng dạo khắp phố phường vừa hoan hô rất sôi nổi. Gần như mỗi ngày, suốt liền trong hai tháng trời, chàng đều có trình diễn nhạc ở Ái-nhĩ-lan. Khi chàng đến Măng-sét-tơ thì nghe tin mẹ của mình qua đời. Suốt hai ngày liền, chàng nằm lỳ trong khách sạn không ăn, không uống. Tất cả nỗi đau khổ ấy chàng chỉ còn nhờ cây đàn của mình diễn tả hộ mình. Con người duy nhất trên cuộc đời này đã thương yêu chàng với một tấm tình quảng đại của sự hy sinh, vĩnh viễn đã giã từ chàng.

Trong thời gian ấy, bịnh dịch tả hoành hành trong khắp phố phường Ba-Lê. Một sự hốt hoảng càng ngày càng lan rộng khắp nơi. Pa-ga-ni-ni vẫn không sợ hãi sự chết và chàng cạnh tranh với nó để lôi kéo dân Ba-Lê về mình. Chàng vẫn mời mọc họ đến dự đông đảo những buổi tấu nhạc và mỗi thính giả bước ra khỏi nhà vẫn có cặp kè một hộp thuốc trừ dịch khí. Nhưng mỗi ngày dịch tả càng hoành hành hơn và cảnh chết chóc trở thành hiện tượng phổ biến. Tầng lớp quý tộc ban đầu cứ tưởng rằng bịnh thời khí chỉ có quyền năng đối với dân nghèo, nay đâm hoảng lên vì thấy chỉ trong vòng một tuần lễ dịch tả đã lôi về hẳn bên kia thế giới tám quý tộc, năm vị sứ thần và vô số bọn thượng lưu. Từ đấy ở đâu cũng chỉ có một đề tài thảo luận : cái chết. Tất cả giáo đường đều phủ dạ đen. Đàn ông cũng như đàn bà đều mặc tang chế, xe cộ phủ đầy vải vóc tang ma và cả thành phố chỉ còn là vở bi kịch mênh mông.

Pa-ga-ni-ni vững tin rằng bịnh dịch tả không thể xúc phạm được mình. Tuy vậy chàng vẫn hết sức phòng ngừa, gìn giữ trong sự ăn uống tiếp xúc, và hăng hái tổ chức những cuộc trình diễn để giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Tờ công báo của chính phủ đã ghi nghĩa cử ấy như sau : “Cuộc tổ chức được diễn ra trong một không khí hân hoan khó tả. Nhà ảo thuật thiên thần ấy của đàn vĩ cầm tiếp nhận những sự hoan hô với sự xúc động đặc biệt”.. Ở tại Ba-lê chàng còn trình diễn liên tiếp tám đêm và đêm nào cũng tràn ngập người dự.

Ngày 16 tháng 5 năm 1835 Pa-ga-ni-ni có một niềm vui hết sức lớn lao : thành phố Giê-nơ, quê hương của chàng, trao tặng cho chàng chiếc mề đay vàng, là phần thưởng vinh dự nhất, rồi bốn tuần sau hầu tước Cát-lô-đi-nơ-rô là người đã từng đỡ đầu cho chàng khi chàng còn nhỏ, gởi giấy mời chàng dự buổi khánh thành bức tượng bằng đá cẩm thạch của chàng. Ngày 25 tháng 7 chàng về quê hương và không nén được cảm động khi thấy hầu tước Nơ-rô bây giờ đã bảy mươi tuổi vẫn còn chăm sóc đến danh vọng chàng như ngày thơ ấu chàng được ông ta săn sóc nghệ thuật. Đứng trước bức tượng của mình, Pa-ga-ni-ni không thể ngăn được nước mắt và sự nức nở trong niềm xúc động chứa chan. Chàng có cảm tưởng như đó là một giấc mơ, một thứ ảo tưởng mà khi giật mình tỉnh dậy chàng sẽ đối diện với những sự thực não nề. Chàng ôm thằng bé A-si-li-nô vào lòng như tìm lấy một điểm tựa.

Sau cuộc khánh thành, nhiều cuộc vui khác được trình diễn để mừng chàng. Một ban kịch đã tập sẵn để diễn lại những cảnh sống mà chàng trải qua từ khi còn bé cho đến bây giờ.

Đến năm sau, Pa-ga-ni-ni bắt đầu tiếp tục trình diễn nhưng chàng bị bịnh ung thư cuống họng phải nằm liệt giường hằng tháng. Tuy vậy những chức vị danh dự tiếp tục ban phát cho chàng đến từ khắp nơi và ở Ý, ở Pháp, ở Anh, ở Nga, người ta thỉnh cầu chàng đến trình diễn nhưng chàng phải nằm lì trên giường bịnh.

Nhiều triệu chứng u tối ám ảnh tâm hồn nhạc sĩ khiến chàng như nhìn thấy trước cái chết gần kề. Ngày 27 tháng 4 năm 1837 chàng soạn thảo chúc thư để hết gia sản cho đứa con trai độc nhất, một cái gia sản lớn lao vô cùng. Về phần người vợ bạc bẽo đã rời bỏ chàng, chàng cũng chia một ngân khoản lợi tức hàng năm.

Ngày 16 tháng 12 năm 1838 thì người nhạc sĩ nổi danh Béc-li-ô tổ chức một cuộc tấu nhạc rất lớn để trình bày các soạn phẩm mới mẻ của mình. Xong buổi trình diễn, nhạc sĩ mệt mỏi, đầm đìa mồ hôi chỉ được thính giả vỗ tay một cách rời rạc. Vừa bước ra khỏi sân khấu chàng gặp một người làm nhiều điệu bộ tiến tới gần mình. Đó là Pa-ga-ni-ni, bây giờ đã bị bịnh đau cuống họng làm cho tắt hẳn tiếng nói. Chỉ có thằng bé A-si-li-nô nhờ bản năng của tình thương cảm thông được hết tình ý cha mình. Pa-ga-ni-ni đưa tay ra dấu cho con và đứa bé leo lên chiếc ghế kê tai gần sát miệng chàng. Đoạn nó kêu lớn :

- Ông Béc-li-ô ! Ông Béc-li-ô ! Ông đừng đi vội !

Đoạn nó leo vội xuống ghế chạy đến kéo áo người nhạc sĩ này nó nói :

- Cha tôi bảo tôi đến thưa với ông rằng suốt quãng đời của người chưa bao giờ người cảm thấy xúc động sâu xa như buổi trình diễn hôm nay. Âm nhạc của ngài đã làm tinh thần của người rối loạn. Nếu không dằn lòng lại được có lẽ người sẽ quỳ xuống để cảm tạ ông.

Béc-li-ô không hiểu rằng mình đang mê, hay là đang tỉnh. Pa-ga-ni-ni, người khổng lồ giữa những khổng lồ về thiên tài nhạc, lại nói với chàng những lời tán tụng đến thế hay sao ? Chàng chỉ là một nhạc sĩ khốn khổ, luôn luôn bị coi thường, đả đảo, đã chịu biết bao hành hạ hơn bất cứ là nhạc sĩ nào ở tại thủ đô Ba-lê trong khi chàng cố giới thiệu một cách diễn tả âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, trong một tinh thần cách mạng.

Khi chàng quay lại thì Pa-ga-ni-ni đã ở sau chàng. Người này đặt tay lên vai Béc-li-ô, đẩy nhẹ chàng vào sân khấu còn có một số nhạc sĩ đang còn ngồi đấy. Nước mắt chan hoà, Pa- ga-ni-ni quỳ xuống và cầm bàn tay Béc-li-ô đưa lên môi mình. Nhưng Béc-li-ô vội kéo chàng dậy và ôm chặt lấy vào lòng.

Trở về nhà khá lâu, và đứa bé đã ngủ say mà người nhạc sĩ vĩ cầm vẫn nghe những bản nhạc của Béc-li-ô kích động sâu xa tâm hồn của mình. Trước khi đi ngủ, chàng dự định sẽ tìm cách giúp đỡ nhà soạn nhạc tài năng đang sống trong cảnh khốn cùng. Nhưng lúc tỉnh dậy qua sáng hôm sau, chàng thấy mình suy yếu quá và cơn bịnh lại dày vò cơ thể của chàng.

Đến khi thằng bé A-si-li-nô đến để thăm hỏi, chàng mới bảo nó lấy bút mực lại để chàng viết một bức thư cho người nhạc sĩ đêm qua.

Trong khi ấy, Béc-li-ô cũng nằm lỳ trên giường. Chàng thấy khốn khổ đến muốn lìa đời. Mặc dầu buổi trình diễn vừa qua không đến nỗi thất bại nhưng sự cố gắng từ lâu đã khiến cho chàng suy nhược hoàn toàn. Tất cả tiền của hết sạch, chàng chưa biết rằng phải xoay sở ra sao để trả tiền nhà vào lúc đầu tháng. Chàng tự bảo : “Thà là dứt hẳn nợ đời cho được nhẹ nhàng”. Rồi như muốn tách biệt hẳn cõi đời bên ngoài, chàng nằm co quắp trên giường, kéo mền trùm kín lấy đầu.

Gian phòng thật là lạnh lẽo. Không thể nào mua than củi sưởi ấm và mỗi ý nghĩ ngồi dậy đủ làm run rẩy toàn thân chàng rồi. Bỗng có tiếng ai gõ cửa bên ngoài. Chàng không trả lời. Có lẽ một người chủ nợ nào đó muốn đến khủng bố chàng nữa. “Gõ đi ! Đồ khốn ! Tao không còn ở đây nữa”, nhạc sĩ nghĩ thầm như thế khi nghe tiếng gõ mỗi lúc càng mạnh.

Rồi giọng một đứa trẻ con vang lên :

- Ông Béc-li-ô ! Tôi đây, tôi là A-si-li-nô.

Người nhạc sĩ cố gắng bước ra khỏi giường, tròng vội áo khoác, chiếc áo mốc meo, sờn rách mà Ha-ri-ê, vợ chàng, đã tặng cho chàng từ lâu. Chàng nghĩ : “Quái quỷ cho thằng bé này, nó muốn hỏi han gì mình lúc này”. Rồi chàng mở cửa :

- A-si-li-nô, cháu đấy phải không ? Cháu xem, chú đau liệt giường cho nên…

- Cha cháu sẽ lấy làm buồn hết sức nếu biết rằng chú đau ốm thế này.

Đứa bé nói xong vừa nhìn gian phòng tiều tụy và cái khuôn mặt xương xẩu, ốm o cùng mớ tóc rối của nhà soạn nhạc. Đoạn nó nói tiếp :

- Cha cháu hôm nay cũng nằm liệt giường. Người bảo cháu mang thư này đến chú.

Béc-li-ô làm một cử chỉ định mở phong thư để xem, nhưng đứa bé đã ngăn lại :

- Chú không cần phải trả lời. Cha cháu bảo rằng chú chỉ đọc thư khi nào chú ở một mình thì hơn.

Không đợi cho nhà soạn nhạc trả lời, A-si-li-nô cúi chào lễ phép, rồi bước vội ra ngoài cửa.

Béc-li-ô vỗ vào trán mình. Chàng có cảm tưởng trong giây phút ấy rằng mình là kẻ bội bạc : người nghệ sĩ lớn nhất của thời đại là Pa-ga-ni-ni, bậc thiên tài số một của vĩ cầm hôm qua đã cho chàng một ân huệ vô cùng lớn lao và không dễ gì những kẻ còn sống có được, vậy mà Béc-li-ô, chàng lại tuyệt vọng đến mức muốn giã từ đời! Chàng nghĩ có lẽ bậc thiên tài ấy viết thư để khen ngợi chàng, và chàng trân trọng mở bức thư ra. Đây là nội dung của lá thư ấy :

Bạn thân thiết,

“Chỉ mỗi mình bạn mới có thể làm sống lại được Bết-Hô-phân (Bethoven). Tôi được thưởng thức tài nghệ của bạn, tài nghệ xứng đáng của một thiên tài sáng tạo, tôi tự thấy mình có cái nhiệm vụ gởi đến tặng bạn hai mươi ngàn quan. Tôi mong bạn hãy nhận lấy, do lòng ngưỡng mộ sâu xa của tôi.

Bá tước Rốt-Sin là người mà tôi gởi gắm bạc tiền, sẽ trao cho bạn đủ số, khi bạn trao đến bức thư đính kèm sau đây.

Mong bạn tin tưởng nơi mối cảm tình chân thành của tôi.”

Pa-ga-ni-ni          
Ba-lê, 18 tháng 12 – 1838


Bức thư đính kèm gởi cho bá tước Rốt-Sin được viết như sau :

“Kính thưa bá tước. Tôi xin trân trọng kính nhờ bá tước trao lại cho ông Béc-li-ô số tiền hai mươi ngàn quan mà tôi vừa gởi đến cho bá tước. Xin bá tước nhận nơi đây sự cảm tạ chân thành của tôi.”

Pa-ga-ni-ni           

Ban đầu Béc-li-ô tưởng rằng mình đã đọc lầm. Nhưng không, chàng không lầm một tí nào : những con số còn nguyên đấy rõ ràng ở trên giấy trắng mực đen.

Hai mươi ngàn quan ! Số tiền to lớn biết là chừng nào ! Chỉ trong thoáng chốc tất cả phương tiện để mà thanh toán nợ nần. Hai chục ngàn quan ! Béc-li-ô tưởng mình bị choáng váng, đôi tay của chàng run rẩy.

Ha-ri-ê bước vào trong phòng đúng vào lúc ấy và thấy chồng cầm mảnh giấy trong tay với một vẻ mặt rối loạn, bèn hỏi :

- Gì đấy ? Lại một tai nạn nào nữa hay sao ? Anh nhận tin gì mà khổ tâm vậy ? Hay là chủ nhà đuổi gấp ra khỏi nơi này ?

- Không, không, không phải như vậy…

- Không phải như vậy ?

- Pa-ga-ni-ni…

- Thế nào ?

- Ông ấy gởi đến cho mình hai mươi ngàn quan.

- Trời ơi !

Trong sự bối rối, bà Béc-li-ô chỉ biết kêu lên và sau khi đọc lá thư trên tay của chồng, bà quỳ hẳn xuống, chắp đôi tay lại trong khi nước mắt trào ra chan hoà.

Chẳng mấy chốc khắp thành phố Ba-lê đều hay việc làm cao thượng của Pa-ga-ni-ni. Trong nhiều ngày liền các nghệ sĩ kéo ùa đến nhà Béc-li-ô. Mọi người đều muốn nhìn thấy bức thư để được thoả mãn. Trong các tiệm ăn, tiệm uống, phòng khách, đường phố người ta bàn tán về chuyện hai mươi ngàn quan. Những kẻ thù của Béc-li-ô càng tức giận hơn, cố gắng xuyên tạc việc ấy, rêu rao trên báo chí rằng bức thư và hai mươi ngàn quan chỉ là câu chuyện bịa đặt cốt để đề cao lẫn nhau giữa hai nhạc sĩ. Tuy vậy, một số báo khác hết lời ca ngợi Pa-ga-ni-ni, xem chàng có một cá tính cao thượng đặc biệt, khó lòng tìm thấy ở giữa thủ đô Ba-lê.

Về phần Béc-li-ô thì chàng hết sức nôn nóng ra khỏi giường bịnh. Nhưng nếu những sự lo buồn từ trước đã làm cho chàng suy nhược thì niềm vui khá lớn lao này cũng không làm chàng khoẻ mạnh mau chóng hơn lên. Mãi sáu ngày sau, chàng mới gượng ngồi dậy được và đến cám ơn Pa-ga-ni-ni trong một quán ăn. Không kịp nói một lời nào, chàng ôm nhạc sĩ trong đôi cánh tay siết chặt của mình. Khi chàng ấp úng nói được đôi lời cảm tạ thì Pa-ga-ni-ni đã ngăn chàng lại vào bảo bằng một giọng nói gần như không có âm thanh :

- Đừng nói về chuyện ấy nữa, bạn ạ. Ở đây không có ân huệ nào hết. Nếu bạn biết rằng trong bao năm rồi tôi chưa hề được nghe một âm nhạc nào tuyệt vời như là của bạn, thì bạn sẽ hiểu nỗi lòng của tôi với bạn thể nào.

Đoạn người nhạc sĩ cố gắng nói tiếp rất là khó nhọc :

- Từ đây, những kẻ âm mưu bôi nhọ tài năng của bạn sẽ không dễ gì kiếm cách để mà gây rối bạn nữa, vì chúng ít nhất cũng phải hiểu rằng trong chuyện âm nhạc tôi đã đứng về phía bạn, mà chúng phải biết coi chừng nếu làm đụng chạm đến tôi.

Đầu năm sau đó, Pa-ga-ni-ni rời khỏi Ba-lê và không bao giờ chàng trở lại nữa. Bịnh tình của chàng càng ngày càng nặng đến nỗi chàng nằm liệt giường và luôn thấy những cơn mơ kỳ dị. Bao nhiêu kỷ niệm của ngày đã qua dần dần hiện về trong đầu óc chàng. Niềm vui, nỗi buồn xen lẫn chan hoà khiến tâm hồn chàng khắc khoải không yên. Nếu không có đứa con chàng bên cạnh thì những giây phút cuối cùng của cuộc đời chàng sẽ là sầu thảm vô cùng. Đến ngày 27 tháng 5, Pa-ga-ni-ni cố gắng ngồi dậy vào lúc giữa trưa để nhìn một trận mưa giông ngoài trời. A-si-li-nô muốn cản cha mình, và khuyên ông ta nằm nghỉ, nhưng Pa-ga-ni-ni từ chối, nhất định mở rèm cửa trông ra. Thình lình một giây lát sau, bóng tối bỗng nhiên bao phủ như trời sập xuống. Biển cả từ mấy tuần nay vẫn nằm yên lặng bỗng chồm hẳn dậy trong tiếng sôi động ồn ào, đồng thời chớp nhoáng sáng loà trên một bầu trời âm u. Pa-ga-ni-ni tưởng chừng như trong mạch máu của mình cũng sáng loé lên những tia chớp ấy. Chàng đứng vụt dậy nhưng ngã quỵ xuống trên giường và nằm thiếp trong tình trạng mê man. Một giây lát sau, A-si-li-nô nghe tiếng cha mình rên rỉ. Rồi những tiếng ấy tắt dần. Bao nhiêu cảm giác trần gian bây giờ tan biến mất rồi, Pa-ga-ni-ni có lẽ chỉ còn là một hơi nhạc bay vút lên cao để tan biến mãi trong cõi vô cùng bất tận.
 

VŨ HẠNH              
Theo tài liệu của C. Waldémar