... NHỮNG NÉT CHỮ
ĐẦU ĐỜI...
___________________________
Đang ngồi trong lớp chấm bài thi, tôi chợt nghe tiếng gọi:
- H.! Ra cho coi cái này, hay lắm! Nhanh lên!
Buông
bút thật nhanh, tôi ngẩng lên: chị Kh. dạy lớp Một, đang cười với tôi,
trên tay có 2 tờ giấy bài thi của học trò. Ngạc nhiên một chút tôi bước
ra:
- Chi đó Kh.?
Kh. ấn hai tờ bài thi vào tay tôi:
- Cho bồ coi nè. Học trò tôi giỏi dữ không? Đố bồ hiểu nó viết cái gì.
Kh.
lại rũ ra cười, tôi cầm 2 tờ bài thi lên, tờ thứ nhất của em Trần Thiện
Tuynh, tôi đọc trên những nét chữ ngượng ngập xinh xinh của nét bút
chì:
Em gồi ngay lắng chiếp làu
Đầy nhơi chúng xúng hai lăng ngang làng
Tùng lâu tùng lến đống dàng
Chen cang đống chắng đệp làng những xang.
Và tờ thứ hai của Vũ Huy Hoàng:
Em ngồi ngai ngáy nghén bài
Đầu hơi ngúi ngay ngáy
Vài ngay bườ chao bừng
Hài bừng chau bừng nú
Ngó lai buyêi cháy trệ nháng.
Đến
lượt tôi cười sặc sụa. Tôi nhớ những âm thanh của ngôn ngữ học sinh
Thượng ở Pleiku, nhưng ở đây, không phải các em viết tiếng Thượng, các
em viết chữ Việt Nam nhưng diễn tả theo cách phát âm ngọng nghịu của các
em. Kh. hỏi tôi:
- Bồ hiểu nó viết gì không?
- Yên xem, đọc lại đã chứ!
Tôi
đọc lại 3 lần cho mỗi bài, mà cũng không đọc ra những lời "tác giả tí
hon" đã viết. Cố gắng cũng không kết quả. Tôi cười, lắc đầu:
- Chịu! Không hiểu nổi các "ngài" viết cái gì!
- Cố gắng lại xem. Đoán được cho cái này.
Tôi
lại đọc, tìm hiểu và nghĩ ngợi. Những câu tối nghĩa có âm đọc như tiếng
tàu: "Tùng lâu tùng lến đống dàng". Sau cùng, tôi lại lắc đầu:
- Chịu thôi, chả sao mà hiểu nổi.
Rồi chúng tôi nhìn nhau cười, tôi chỉ đoán mò câu đầu là "Em ngồi ngay ngắn chép bài" rồi... tịt. Kh. bảo tôi:
-
Lạy chúa tôi, 2 cái thằng này nó kém kinh khủng, bảo cho xuống lớp bố
mẹ nó không chịu, xin cho nó học 2 năm lớp một. Diện kẻng không chịu
được đó.
- Tôi chịu rồi, bồ đọc bài đó tôi nghe đi!
Kh. lại che miệng cười:
- Vầy nè:
Em ngồi ngay ngắn chép bài
Đầu hơi cúi xuống hai vai ngang hàng
Từng câu từng nét rõ ràng
Trên trang giấy trắng đẹp hàng chữ xinh.
Ô!
Thế mà, nhị vị con nít đã viết nó thành một đoản văn nửa tàu nửa ta
nửa... thượng. Tôi lấy giấy ra chép thật nhanh 2 tác phẩm này. Kh. ngạc
nhiên nhìn tôi:
- Chép chi vậy?
- Ậy! Có việc mà.
Trước khi Kh. quay trở về lớp, tôi chợt nảy ra một ý định, tôi gọi:
- Kh. này!
- Hả?
- Bữa nào cho tôi "chiêm ngưỡng dung nhan" hai ngài tác giả, nhé!
DẠY DỖ CÁC EM... TRÁCH NHIỆM
CỦA AI ĐÂY???
_________________________________
Tôi mở chồng vở toán cao ngất để chấm. Tôi cầm lên một cuốn vở:
- Đỗ thị Kim Nguyệt. Toán về nhà tại sao em không làm?
Nguyệt
im lặng nhìn tôi, sực nhớ, ngày hôm qua, tôi đã ghi vào vở bài học của
em dòng chữ "kính xin phụ huynh vui lòng theo dõi và nhắc nhở em làm bài
và học bài cho đầy đủ", tôi nhắc:
- Hôm qua em có đưa vở về cho ba mẹ không?
- Thưa cô mẹ em bảo hôm nay mẹ em lên gặp cô.
Tôi
mừng thầm, ít khi phụ huynh các em tiếp xúc thẳng với chúng tôi. Lát
nữa, nếu bà mẹ của Nguyệt đến, tôi sẽ cho bà biết tình trạng sa sút của
em. Không học bài và làm bài mặc dù tôi đã dùng đủ mọi hình phạt nặng nề
cũng như dịu ngọt. Tôi sẽ xin bà ta nhắc nhở Nguyệt nhiều hơn nữa mới
được.
Cho đến giờ ra chơi, tôi đang chấm bài một mình trong lớp thì người đàn bà bước vào – tôi đoán chắc là mẹ của Nguyệt đây vì nét mặt 2 mẹ con giống nhau như hệt –
Cách phục sức của bà thật lôi thôi, quần áo bẩn thỉu (cái thứ bẩn thỉu
vì lười thay chứ không phải bẩn thỉu vì lam lũ), môi người đàn bà đặc
quết cốt trầu khô quánh. Người đàn bà bước vào lớp tôi với những bước
chân dệnh dạng, miệng bà oang oang:
- Chào cô! Cô dạy con Nguyệt nhà tôi phỏng?
Tôi cười thật tươi:
- Thưa vâng.
Phản ứng chậm rãi của người đàn bà làm tôi ngừng chấm bài lại... khoanh tay, bất động ngồi nghe.
Bà
ta đưa 2 tay xắn cạp quần cho 2 ống quần 1 cao 1 thấp. Một tay chống
ngang sườn, tay còn lại bà múa may như 1 nhạc sĩ đánh nhịp theo câu nói,
đôi môi bà trề ra và giọng oang oang:
-
Thế nào? Tại sao cô dạy con tôi mà cô lại bảo tôi... nhắc nhở... theo
dõi nó? Là cái nghĩa lý gì cơ chứ? (Đến câu này bà ta vỗ mạnh 2 bàn tay
vào nhau)
Lại xỉa xói tiếp, không để cho tôi kịp mở miệng:
- Tôi bảo cho cô biết, cô dạy con tôi, cô có lương, cô phải dạy cho đoàng hoàng.
Con tôi đi học cũng không xin không đâu. Cô bảo tôi theo dõi nó, nhắc
nhở nó thế thì cô làm... cái chó gì (lại vỗ tay) ở đây? Cô ngồi làm cảnh
à?
Tôi nghĩ thầm: "Gặp phải con mụ hàm hồ rồi đây!". Lúc bà ta ngưng lại để thở, tôi tiếp luôn:
- Thưa bà...
-
Không... cô đừng thưa... đừng gửi gì, tôi bảo cho cô biết, cô trêu ai
chứ đừng có trêu vào cái con này, nghe chưa (bà ta vỗ ngực một tiếng
"bịch"). Cô dạy học là phải dạy cho tử tế. Này, tôi bảo cho mà biết. Có
muốn mất chỗ làm thì cứ trêu vào tay cái con này nghe chưa (lại vỗ
ngực). Cô dạy con tôi, nó hư hay không cũng là do cô, cô nghe chưa. Cô
có trách nhiệm với nó nghe chưa? Từ nay trở đi, cô còn viết vào vở bảo
tôi dục nó, theo dõi nó, tôi sẽ... đập vào mặt cô đấy, nghe chưa? Thôi
nói bằng đó đủ rồi, tôi về, chào cô.
Từ
lúc vào cho đến lúc ra về, người đàn bà không để cho tôi nói được 1
câu. Ăn nói hàm hồ xong bà ngoe ngoảy ra về. Tự nhiên tôi bình thản cười
một mình. Những ngôn ngữ hạng nặng mà bà ta vừa giáng xuống chỉ làm tôi
nổi giận một chút xíu. Một người mẹ đang từ chối trách nhiệm đối với
một đứa con để chỉ khoán trắng cho thầy giáo, cô giáo ở trường! Đáng
buồn thay! Một ngày, các em chỉ tới trường 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ chia
đều cho nhiều môn học. 20 tiếng còn lại các em sống với gia đình, với
ba, với mẹ. Bốn tiếng đồng hồ ở lớp học, giữa một tập thể 60 em. Thời
giờ ngắn ngủi đó làm sao có thể theo dõi từng em một??? Rất nhiều người,
cho con tới trường là khoán trắng cho những thầy, những cô ở trường.
Hôm nay, tôi đã gặp 1 người như vậy. Trách nhiệm và bổn phận đối với một
đứa con đã được bà ta lý luận "cô dạy nó mà cô bảo tôi theo dõi... nhắc
nhở... nó... hả?" Chao ơi! Nếu những thầy, những cô giáo có đủ phép
tiên, thúc giục nhắc nhở được cả 60 em, ở sát liền bên các em 24/24 giờ
thì chắc chắn các thầy các cô nói chung, và tôi hôm nay, nói riêng –
sẽ không phải ghi vào vở các em những dòng chữ "xin nhắc nhở em..."! Ở
trường, ở lớp, các thầy, các cô là người có trách nhiệm giảng cho các em
những môn học, nhắc nhở các em bổn phận lễ phép, ngoan ngoãn, nhưng, việc
theo dõi và kiểm soát sự học hành và tính nết của mỗi em phần chính vẫn
là ở gia đình. Dù có lý luận cách nào đi nữa, cũng không thể trút bỏ
cái trách nhiệm ấy. Ngày hôm nay, tôi đã được hân hạnh nghe xây
dựng... hăm dọa... vì tôi đã cả gan viết vào vở một học sinh nổi tiếng
lười học dòng chữ: "Kính xin phụ huynh vui lòng theo dõi và nhắc nhở em
làm bài và học bài cho đầy đủ...
Mt. HOA
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com