Chương 8
Ba Tốn rời nhà giam, mang theo cây hoa Uất Kim Hương đựng trong một bao vải. Hắn nhảy lên một cỗ xe ngựa đã đợi sẵn, cho xe chạy. Hắn không dám chạy mau vì sợ cây hoa có thể bị bẹp gẫy. Tới làng Giép, hắn ghé ở đó một hồi. Hắn tìm mua một cái hộp và cẩn thận đặt chậu cây Uất Kim Hương Đen vào trong. Không còn sợ cây hoa bị gẫy nữa, hắn tiếp tục cuộc hành trình và bắt đầu cho xe chạy nhanh hơn.
Ba Tốn tới Hà Lâm sáng sớm ngày hôm sau, hắn mua ngay một cái chậu mới tráo thay cái cũ. Chậu cũ được đập vỡ tan và những mảnh vụn liệng xuống một con rạch nhỏ. Sau đó, hắn viết một lá thư cho ông Hội trưởng Hội trồng hoa, nói rằng hắn vừa mới đến Hàn Lâm, mang theo một cây hoa Uất Kim Hương Đen tuyệt diệu. Gửi thư xong, hắn đến một quán trọ thật sang, nán lại đợi chờ. Mỹ Lan đã quyết định; phải mang về cho Văn Bách cây hoa uất Kim Hương Đen, nếu không, nàng sẽ không bao giờ nhìn lại mặt anh nữa. Dấu vết cái tát tai còn ran rát nơi gò má không khiến nàng quan tâm.
Mỹ Lan trở về phòng, lấy vài món vật dụng cần thiết cùng với ba trăm đồng tiền vàng của mình. Nàng cũng không quên lấy luôn cái bao giấy đựng bọc kính còn lại trong tủ áo. Sau đó, nàng đi tìm một chiếc xe. Nhưng tại đây, chỉ còn một cỗ xe ngựa duy nhất đã bị Ba Tốn lấy đi rồi. Lập tức, nàng tìm ngay một con ngựa, hy vọng sẽ chạy thật nhanh và có thể bắt kịp Đỗ Trung, anh chàng chèo thuyền mà nàng đã gửi bức thư cho mang đi. Chạy được một lúc lâu, nàng nhìn thấy xa xa, Đỗ Trung đang phi nước đại dọc theo con đường trước mặt. Đỗ Trung nghe tiếng vó ngựa đuổi theo, nhận ra Mỹ Lan, liền chạy chậm lại và quay đợi nàng. Mỹ Lan thúc ngựa chạy tới bên anh, lấy lại bức thư vì bây giờ không còn cần thiết nữa. Đỗ Trung ngạc nhiên hỏi lý do, Mỹ Lan đành hẹn dịp khác sẽ kể hết chuyện cho anh nghe. Đỗ Trung thông cảm với nàng và đề nghị cùng đi. Sau một phút do dự, nàng chấp nhận. Đỗ Trung ruổi ngựa đồng hành với Mỹ Lan suốt ngày hôm đó.
Họ tới làng Giép vào buổi chiều, rồi đi luôn suốt đêm. Sáng hôm sau, cả hai đã tới Hà Lâm. Chỉ trễ hơn Ba Tốn bốn tiếng đồng hồ.
Mỹ Lan tìm đến thẳng nhà ông Hoàng thế Diễn và hỏi xin gặp ông, nhưng được biết là ông Diễn rất bận rộn, không thể tiếp nàng được. Nàng nói với một gia nhân:
- Nhờ ông nói lại với ông Hội trưởng là tôi đến đây vì Uất Kim Hương Đen.
Người gia nhân quay đi một lúc rồi trở ra, dẫn nàng vào.
Ông Thế Diễn trạc ngũ tuần, tác người ốm nhỏ, cái đầu thật lớn. Thoạt nhìn, có thể so sánh ông ta với một cây Uất Kim Hương.
- Tốt lắm. Cô đến đây để nói chuyện về cây hoa Uất Kim Hương Đen phải không? – Giọng khàn khàn của ông vang lên trong căn phòng lộng lẫy.
- Thưa ngài, đúng thế đấy ạ!
- Tốt đẹp hoàn toàn chứ? Có bị hư hỏng gì không đấy?
Mỹ Lan nhận thấy có một cái gì là lạ trong câu nói của ông Thế Diễn, nhưng nàng không tài nào hiểu rõ được. Nàng nói:
- Thưa ngài, thật ra còn đáng buồn hơn thế nữa. Nó bị lấy trộm mất rồi.
- Sao?
- Phải! Nó đã bị đánh cắp ngay trong tay tôi.
- A! Thế cô có biết mặt tên trộm đó là ai không?
- Thưa biết ạ! Nhưng chưa dám chắc lắm. Tôi chưa thể nói ra ở đây được.
Ông Hội trưởng gật gù:
- Rủi quá nhỉ! Tại sao lại có chuyện rắc rối thế? Chắc tên trộm chưa chạy khỏi xa đây đâu. Tôi vừa nhìn thấy nó cách đây mới chừng hai tiếng đồng hồ thôi.
Mỹ Lan chồm người tới:
- Ngài nói sao? Ngài đã nhìn thấy cây hoa Uất Kim Hương Đen?
- Vâng! Tôi thấy rõ mà!
- Thưa, ngài nhìn thấy nó ở đâu?
Ông Diễn chau mày:
- À! Thì tôi nhìn thấy nó với ông chủ của cô đó. Ông chủ cô đã đưa cho tôi xem mà.
- Chủ của tôi? Ai là chủ của tôi?
Mỹ Lan ngạc nhiên hỏi.
- Ủa, chớ cô không phải là người làm của ông Ba Tốn hay sao?
- Không, tôi có quen biết ai tên Ba Tốn bao giờ, thưa ngài.
Bấy giờ Mỹ Lan chợt hiểu, té ra từ nãy giờ ông Diễn cứ tưởng nàng là một người làm công của ông Ba Tốn nào đó đã tới đây trước nàng và bây giờ sai cô đầy tớ tới đây nói chuyện với ông.
Ông Thế Diễn hơi đỏ mặt, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay. Ông chữa thẹn:
- Vậy tôi cứ tưởng bông hoa bị mất là của ông Ba Tốn chứ. Thành thật xin lỗi cô.
- Ồ, không có gì, thưa ngài. Thưa, có còn cây Uất Kim Hương nào đã đến đây trước tôi nữa không ạ?
- Chỉ có cây hoa của ông Ba Tốn đó thôi.
- Thưa ngài, bông Uất Kim Hương ấy có phải màu đen không?
- Đúng thế! Màu đen huyền!
- Không phải một màu nào khác chứ ạ?
- Phải. Cô hỏi chi lạ vậy?
- Phiền ngài cho tôi xem cây hoa Uất Kim Hương ấy một chút được không ạ?
- Không, hiện nó không có ở đây nên tôi không thể đưa cho cô coi được. Nhưng nó sẽ được đưa ra Hội đồng giám khảo của hội chúng tôi trước khi phần thưởng được trao ra, cô có thể yên trí.
- Thưa ngài, ông Ba Tốn ấy nói ông ta là chủ nhân của cây Uất Kim Hương đen đó?... Có phải chăng ông ta là một người gầy ốm, thưa ngài?
Mỹ Lan ấp úng hỏi.
- Hừm, phải, đúng thế!
- Và không co một sợi tóc nào trên đỉnh đầu?
- Phải rồi!
- Ông ta có đôi mắt trũng, hố mắt thật sâu, phải không ạ?
- Đúng!
- Ông ta ưa cúi đầu về phía trước khi bước đi phải không ạ, thưa ngài?
- Ủa, tại sao cô có thể tả rất đúng hình dáng ông Ba Tốn như vậy? Cô nói là cô không biết ông ấy kia mà? Sao rắc rối vậy?
- Còn cây hoa Uất Kim Hương thì được trồng trong chậu sứ màu trắng với những chấm vàng nơi các góc, phải không ạ?
- Tôi không dám chắc chắn là đúng như vậy, vì không để ý đến chậu đựng hoa. Tôi đã nhìn kỹ bông hoa hơn chậu hoa.
Mỹ Lan nói lớn:
- Cây hoa đó là của tôi. Nó đã bị đánh cắp. Tôi đến đây để đòi lại nó.
Ông Thế Diễn trợn mắt:
- Ồ, ồ, cô muốn nói cây hoa hiện ở tay ông Ba Tốn là của cô hả?
- Tôi xin nói lại lần nữa là cây Uất Kim Hương đó đã bị tên Trần Bẩy ăn cắp. Cành Uất Kim Hương Đen là của tôi, thưa ngài.
- Trần Bẩy? Của cô?
- Phải, tôi đã trồng nó, đã săn sóc nó. Nó là của tôi, của tôi, của tôi.
Ông Thế Diễn cau cặp chân mày. Đầu ông như muốn bứt rời ra khỏi cần cổ.
- Rắc rối quá! Được rồi, đi gặp ông Ba Tốn ngay đi. Ông ta đang ở quán trọ Bạch Mã đó. Cô có thể gặp ông ta và hai người liệu mà giải quyết với nhau. Còn tôi, không lôi thôi. Tôi chỉ biết là tôi đã nhìn thấy bông hoa Uất Kim Hương đen. Bây giờ tôi viết thư cho Hội đồng Giám khảo, rồi một trăm ngàn đồng tiền vàng sẽ được trao cho người nào đã có công vun trồng nó, vậy thôi! Tôi ghét nhất sự lôi thôi, rắc rối. Chào cô, tôi còn bận nhiều việc đây!
- Thưa ngài, ngài nên nghe...
Ông Thế Diễn gắt ầm lên :
- Cứ tìm ông Ba Tốn mà giải quyết với nhau, tôi không biết! Về phần cô, cô còn trẻ và đẹp lắm. Hãy coi chừng cẩn thận. Có sẵn một nhà tù ở Hà Lâm đây. Người nào không nói đúng sự thật hoặc dối trá là dễ vào tù lắm đấy.
Đoạn, ông ta đặt viết xuống, cắm đầu viết, không thèm nhìn đến Mỹ Lan nữa. Biết không thể nói gì hơn, Mỹ Lan đành bỏ ra ngoài. Đỗ Trung vẫn còn đứng ở đó đợi nàng.
Mỹ Lan kể hết tự sự từ trước đến giờ cho Đỗ Trung nghe và nhờ anh cùng đi với nàng đến quán trọ Bạch Mã, để đề phòng lỡ có chuyện gì nguy hiểm. Dĩ nhiên, Đỗ Trung ngoan ngoãn nhận ngay, anh cũng nóng lòng muốn xem mặt gã gian ác Ba Tốn. Đỗ Trung là một thanh niên khỏe mạnh. Bắp thịt lực lưỡng của anh sẵn sàng gây khiếp đảm cho mọi người gặp mặt. Đi bên anh, Mỹ Lan cảm thấy đôi chút vững tâm.
Vừa đi, Mỹ Lan, vừa suy nghĩ mông lung. Càng nghĩ, nàng càng lo sợ, mồ hôi đã lấm tấm trên vầng trán mịn màng. Nàng quên phứt một điều ghê gớm; nàng đã lỡ la toáng lên rồi. Chỉ e Ba Tốn biết được nàng đã đến đây, y và mấy người kia có thể sẽ đồng lõa hay hợp tác với nhau để hại nàng. Rồi lỡ người đó không phải là Trần Bẩy, chưa chắc khi gặp nàng hắn đã chịu trả cho nàng cây hoa. Nàng sẽ lấy cớ gì để buộc tội hắn đây.
Trong lúc nàng và hắn tranh cãi nhau, giành giựt nhau, cây Uất Kim Hương sẽ hư nát thì sao?
Mỹ Lan đem những ý nghĩ của nàng kể lại cho Đỗ Trung nghe. Đỗ Trung quyết định:
- Chỉ còn cách là chúng ta phải trở lại nhà ông Hội trương và ráng trình bày cho hết câu chuyện cho ông ta nghe. Sau đó...
Khắp đường phố, những tiếng ồn ào bỗng nỗi dậy càng lúc càng nhiều. Những cánh cửa đều mở tung, mọi người tràn ra ngoài đường:
- Hoàng tử đến!
- Hoàng tử đến!
Mỹ Lan không chú ý nhiều đến việc ấy, nàng kéo Đỗ Trung đi.
Mỹ Lan bước vào lúc ông Thế Diễn đang ngồi viết trên bàn giấy.
Ông tỏ vẻ khó chịu:
- Chuyện gì nữa đây?
- Tôi muốn thưa cùng ngài...
Ông Diễn đập bàn hét lớn:
- Đi ngay! Không có đến đây nữa, đến quán trọ Bạch Mã mà nói chuyện đi, còn không thì đi đâu tùy ý, không thưa gửi gì cả.
Mỹ Lan giận lắm, nhưng nàng cố dằn xuống, bình tĩnh:
- Tôi xin ngài, ngài hãy nghe tôi nói. Nếu ngài không muốn nghe, ngài sẽ không làm nên chuyện. Ngài sẽ ân hận sau này không chừng. Ngài biết là nếu ngài trao giải thưởng cho một kẻ gian, dân chúng sẽ nói gì về ngài? Các nhà trồng hoa sẽ nói gì về ngài? Và Hội trồng hoa sẽ nói gì về ngài? Họ sẽ phán xét ra sao, thưa ngài? Ngài hãy nghe tôi nói, xin ngài cho mời ông Ba Tốn đến đây, trước mặt ngài và tôi. Tôi sẽ biết ngay ông ta có phải là Trần Bẩy, người ăn cắp hoa của tôi không? Và hoa Uất Kim Hương đó có phải của tôi không. Còn nếu tôi không biết ông Ba Tốn, nếu hoa Uất Kim Hương đó không phải của tôi, tôi sẽ không nói gì nữa hết. Xin ngài cứ cho thực hiện những điều tôi yêu cầu đi.
- Nhưng xin lỗi cô! Giả thử cô cứ chỉ bừa rằng ông Ba Tốn là Trần Bẩy và nhận đại cành Uất Kim Hương của cô thì sao? Làm cách nào cô có thể chứng minh được điều đó chứ?
- Ngài là một người anh minh nổi tiếng. Dĩ nhiên ngài sẽ không muốn trao giải thưởng cho một kẻ gian xảo. Tôi cũng như ngài, tôi không muốn giải thưởng đó bị trao lầm cho kẻ khác. Nó phải về tôi nếu nó là của tôi.
Ông Thế Diễn định mở miệng trả lời nhưng ngoài kia, những âm thanh hỗn độn vang dậy mỗi lúc một gần. Thình lình, ông xô ghế chạy ra:
- Cái gì vậy, tôi không nghe lầm đó chứ? Có thể như thế được sao?
Đoạn ông hối hả chạy ra khỏi phòng, để Mỹ Lan đứng lại ngơ ngác.
Khi ông Thế Diễn chạy tới bực thềm ngoài cửa, chợt khựng lại. Một người đàn ông trẻ tuổi đang tiến về phía ông. Người ấy khoác một chiếc áo lụa xanh đính nhiều hoa bạc. Một toán nhiều người lục tục theo sau. Tất cả đều có vẻ quý phái, trang nhã. Họ được cả chục binh lính hộ tống hai bên. Ông Diễn kính cẩn cúi đầu chào:
- Xin Kính chào Điện hạ!
Người đứng trước mặt ông chính là Hoàng tử Minh Đức, người lãnh đạo chính quyền Hòa Lan. Ông Diễn nói kiểu cách:
- Kính thưa Điện hạ, quả là vinh dự lớn cho chúng hạ thần.
- Túc hạ Thế Diễn thân mến, túc hạ đừng quá khách sáo như vậy. Ta cũng giống như tất cả người dân Hòa Lan khác mà thôi. Ta yêu nghề hàng hải, ưa thích phó mát và hoa, và trong tất cả các loại hoa, ta yêu quý nhất hoa Uất Kim Hương. Ta được nghe tin một cành hoa Uất Kim Hương đen kỳ diệu đã có người trồng được, ta liền đến ngay đây để hỏi về nó. Túc hạ có giữ cây hoa ấy ở đây không?
Ông Thế Diễn cung kính trả lời:
- Tâu Điện hạ, thật đáng tiếc, hạ thần không giữ bông hoa quý ấy ở đây.
-Vậy nó ở đâu?
- Nó hiện ở bên chủ nó, chủ nó là một nhà trồng hoa Uất Kim Hương ở tỉnh Đốc, và hiện giờ ông ta đang ở quán trọ Bạch Mã. Tên ông ta là Ba Tốn, tâu Điện hạ.
Vị Hoàng Tử ra lệnh:
- Tìm ông ta và gọi đến đây cho ta nhé!- Tuân lệnh Điện hạ, nhưng...
- Có điều gì trở ngại?
- Dạ, không, không có gì, không có gì quan trọng, hạ thần xin cho người đi gọi ngay.
Vị hoàng tử ôn tồn nói:
- Có điều gì quan hệ, tục hạ cứ nói cho ta biết?
- Tâu Điện hạ, có một điều trở ngại nhỏ.
- Trở ngại gì?
- Một cô gái đến đây nói rằng cây hoa Uất Kim Hương của ông Ba Tốn chính là của cô ta bị đánh cắp.
- Thế túc hạ nghĩ sao về vấn đề này?
- Tâu Điện hạ thần nghĩ rằng cô ấy không đàng hoàng lắm và cô ta đang muốn chiếm một trăm ngàn đồng tiền vàng giải thưởng.
- Rồi làm cách nào cô ta có thể chứng minh được cây Uất Kim Hương đó là của cô ấy?
- Hạ thần vừa hỏi cô ta câu hỏi đó thì Điện hạ giáng lâm!
- Thôi được rồi, túc hạ cứ hỏi cô ta cho ra lẽ. Ta sẽ xử lý vấn đề này cho.
Hoàng tử và ông Diễn đi vào văn phòng trong đó Mỹ Lan đang đứng đợi. Nghe tiếng chân, Mỹ Lan quay lại. Trước đây đã có lần nàng thấy thoáng qua vị Hoàng tử nhưng hiện giờ nàng đã quên mất, nên không biết rõ người đàn ông đi vơi ông Diễn là Hoàng tử, do đó không chú ý đến lắm. Vị Hoàng tử lấy một quyển sách mở ra đọc, hoặc làm như mải mê đọc. Rồi ngước lên nhìn ông Diễn ra dấu, đồng thời nói thật nhanh:
- Bắt đầu đi.
Rồi người bỏ đi tới một cái ghế gần đó, ngồi xuống, giả bộ chăm chú đọc sách. Ông Thế Diễn đến ngồi xuống ghế, sau khi đã nhờ một sĩ quan đi mời Ba Tốn. Ông ngồi đối diện với Mỹ Lan:
- Cô nhỏ ! Cô có thể hứa với tôi là sẽ nói hoàn toàn sự thật về cây Uất Kim Hương đen không?
Mỹ Lan điềm tĩnh trả lời:
- Vâng, tôi xin hứa!
Quay sang vị Hoàng tử, ông Diễn nói:
- Cô có thể nói trước vị này. Ông là một hội viên quan trọng nhất của hội trồng hoa chúng tôi đấy!
- Vâng, nhưng tôi sẽ nói gì đây? Tôi đã nói hết mọi chuyện với ông rồi kia mà.
- Giờ đây cô muốn gì chứ?
- Tôi muốn ông Ba Tốn đến đây với cành Uất Kim Hương của ông ấy. Nếu nó không phải là hoa của tôi, tôi sẽ nói không phải của tôi. Nếu nó là của tôi, tôi đòi hỏi nó phải được trả về cho tôi bằng bất cứ giá nào, nếu không tôi sẽ trình lên cho Hoàng tử biết.
- Tôi đã hỏi là làm sao cô có thể chứng minh nó thật là của cô?
- Thượng Đế sẽ giúp tôi chứng minh điều đó.
Khi vị Hoàng tử nhìn kỹ Mỹ Lan, người nhớ đã gặp nàng ở đâu rồi, người đã có lần được nghe giọng nói êm ấm nhẹ nhàng này rồi, nhưng không hiểu lúc nào và ở đâu. Trong khi đó, ông Thế Diễn vẫn tiếp tục hỏi:
- Tại sao cô lại nói rằng bông Uất Kim Hương đen đó là của cô?
- Tôi nói thế bởi vì nó được trồng và mọc lên trong phòng riêng của tôi.
- Trong phòng riêng của cô à? À... Phòng cô ở đâu thế?
- Ở La Vạn Tân. Tôi là con gái của người trưởng quản ngục ở đấy.
Lúc ấy vị Hoàng tử mới giật mình, tự nhủ thầm:
- À, ta nhớ ra rồi!
Người càng chăm chú nhìn Mỹ Lan.
- Chắc cô yêu bông hoa lắm phải không?
Ông Diễn tiếp tục hỏi.
- Vâng, đúng thế, thưa ngài!
- Cô có biết một chút gì về bông hoa không?
Mỹ Lan không trả lời. Ông Thế Diễn nhắc lại.
- Cô có biết một chút gì về bông hoa không?
Mỹ Lan im lặng một lúc lâu. Mãi sau, nàng nói:
- Tôi có thể tín cẩn nơi ông không?
Ông Diễn chau mày:
- Ồ, cái đó tùy nơi cô.
Vị Hoàng tử lúc đó mới cất tiếng:
- Vâng, cô có thể tin cẩn vào chúng tôi. Cô cứ nói đi!
- Vâng, tôi xin nói là tôi không biết gì nhiều về bông hoa. Tôi chỉ là một cô gái ngu dốt. Ba tháng qua, tôi không biết cả làm sao để đọc và viết nữa. Cây Uất Kim Hương đen chính thực không do tôi tạo ra, tuy tôi có tự tay trồng nó thật.
Ông Thế Diễn “à” lên một tiếng rồi hỏi:
- Vậy ai đã tạo ra nó?
Mỹ Lan ngập ngừng một lát:
- Thưa, do một tù nhân đáng thương ở La Vạn Tân.
- Do một tù nhân ở La Vạn Tân?
Vị Hoàng tử đột ngột thốt lên câu nói. Sự ngạc nhiên rõ rệt chứa chất trong giọng nói của vị Hoàng tử. Bây giờ người đã nhớ ra nơi và lúc người được nghe giọng nói êm ấm này rồi. Người hỏi:
- Có phải đó là một tù nhân đặc biệt bị chính quyền giam giữ phải không?... Một tù nhân chính trị?
- Vâng, cây Uất Kim Hương đã được người tù nhân ấy gieo giống và tôi chỉ có việc đem trồng mà thôi.
- Tiếp tục! Cô hãy nói cho chúng tôi nghe phần còn lại đi.
- Ồ, thưa ngài! Tôi đã mua dây tự buộc vào mình. Phiền quá!
Ông Thế Diễn nói:
- Đúng vậy! Đã có lệnh cấm là không ai có quyền nói chuyện với bất cứ người tù nhân chính trị nào kia mà. Luật pháp đã chẳng dự liệu điều ấy rồi sao?
- Có, thưa ngài!
Giọng Mỹ Lan yếu ớt.
- Và cô, con gái của người quản ngục lại dám nói vớ tù nhân về chuyện trồng hoa?
Mỹ Lan run giọng:
- Vâng, thưa ngài, tôi đã gặp anh ấy mỗi ngày.
Ông Thế Diễn trừng mắt:
- Thật là quá quắt! Nói chuyện với một tù nhân chính trị mỗi ngày! Hừ!
Vị Hoàng tử nhìn Mỹ Lan run rẩy. Ông ngước lên, hắng giọng:
- Đó không phải là vấn đề của những người trồng hoa ở Hà Lan. Đó là vấn đề của các quan tòa trong tòa án, trong pháp đình. Khi ông là Hội trưởng của Hội trồng hoa, ông chỉ được xử vấn đề liên hệ đến hoa Uất Kim Hương mà thôi. Tiếp tục đi. Hãy để cho cô tiếp tục.
Ông Thế Diễn lắp bắp:
- Thưa vâng!
Bấy giờ Mỹ Lan mới cảm thấy bớt run sợ, nàng nhìn vị Hoàng tử như thầm cám ơn ông, rồi kể lại mọi chuyện đã xảy ra suốt ba tháng qua, từ lúc nàng tới La Vạn Tân. Nàng kể tất cả những gì gọi là tàn nhẫn, hiểm độc do ông Nguyễn Quân đối xử với người tù nhân, cái bọc kính đầu tiên bị dẫm nát ra sao, người tù nhân buồn khổ thế nào, những phiền nhiễu khi bọc kính thứ hai sắp được trồng ra sao, Văn Bách buồn phiền, bất bình vì cuộc ly biệt kia ra sao, anh không ăn uống ra sao và anh đã sung sướng thế nào khi nàng tới thăm lại, cuối cùng nàng nói rõ bằng cách nào cây Uất Kim Hương đã bị đánh cắp một giờ sau khi nảy nở. Nàng kể chuyện thật gọn gàng, đơn giản. Ông Thế Diễn đã bắt đầu tin những điều nàng kể là sự thật.
Vị Hoàng tử thở một hơi nhẹ và dài:
- Có phải cô chỉ mới quen người tù nhân ấy ít lâu nay thôi, phải không?
Mỹ Lan mở lớn đôi mắt nhìn kỹ người lạ. Vị Hoàng tử khiêm tốn ngồi ở một góc phòng như để khỏi ai chú ý đến mình nhiều.
- Làm sao ngài biết được điều đó? Và vì lẽ gì ngài lại nói lên điều đó?
Vị Hoàng tử tiếp tục hỏi:
- Chỉ trong vòng bốn tháng từ khi ông Nguyễn Quân và cô thuyên chuyển từ Hà Ngân đến trại giam ở La Vạn Tân phải không? À, có phải cô đã xin phép cho cha cô được thuyên chuyển đến La Vạn Tân với mục đích để đi theo người tù nhân ấy, phải vậy không?
- Thưa ngài...!
Mỹ Lan cúi mặt nhìn xuống sàn nhà ấp úng.
- Cô muốn nói gì?
- Vâng, thưa ngài, tôi biết người tù nhân ở Hà Ngân.
- À, tôi biết mà. Hà, hà, người tù nhân ấy có diễm phúc đấy.
Vị Hoàng tử cười rất hiền từ. Đúng lúc đó, người sĩ quan đi mời Ba Tốn đã đem cây Uất Kim Hương tới. Ông đang đợi nơi phòng ngoài.
Ba Tốn trở lại phòng ngoài, theo sau là hai người khệ nệ khiêng một cái hộp lớn. Họ đặt cái hộp lên bàn, mở nắp: bên trong là cây Uất Kim Hương.
Vị Hoàng tử rời khỏi ghế, bước qua căn phòng Ba Tốn đang đợi. Người chăm chú nhìn cây hoa kỳ diệu một lúc lâu, đoạn trở lại. Mỹ Lan ở bên này đã nghe được tiếng nói của Ba Tốn bên kia phòng.
- Chính hắn đấy! Chính hắn là Trần Bẩy đấy...
Vị Hoàng tử gật đầu và nói với Mỹ Lan:
- Cô nương hãy đến cánh cửa kính kia nhìn thử coi!
Mỹ Lan bước mau đến cánh cửa:
- Đúng là hoa Uất Kim Hương của tôi. Tôi biết nó mà! Anh Bách ơi! Cây Uất Kim Hương đen đây rồi!
Vị Hoàng tử đứng đằng sau nàng. Ánh nắng từ cửa sổ rọi vào chiếu sáng gương mặt nghiêm nghị của người. Hoàng tử và ông Diễn đều nhận thấy Mỹ Lan rất thành thật khi nàng nói là có biết người đàn ông kia.
- Túc hạ Ba Tốn!
Vị Hoàng tử nói lớn:
- Mời túc hạ qua bên này.
Ba Tốn vội vã bước vào, khúm núm:
- Dạ, kính chào Điện hạ!
Mỹ Lan trợn tròn đôi mắt kinh ngạc:
- Điện hạ? Thì ra đây là Hoàng tử Minh Đức?
Nghe tiếng Mỹ Lan, Ba Tốn quay lại và sửng sốt không ngờ. Vị Hoàng tử thoáng mỉm cười:
- À, à, túc hạ có vẻ không bằng lòng khi nhìn thấy Mỹ Lan?
Sau một phút sửng sốt, Ba Tốn cố gắng lấy lại bình tĩnh. Vị Hoàng tử hỏi:
- Túc hạ Ba Tốn! Túc hạ đã khám phá ra phương pháp trồng hoa Uất Kim Hương đen phải không?
- Tâu Điện hạ, vâng!
Ba Tốn trả lời, giọng nói hắn lạc hẳn đi.
- Nhưng cô nương kia cũng nói là chính cô ta đã khám phá ra nó. Ông nghĩ sao?
Ba Tốn cười nhạt, khinh khỉnh. Vị Hoàng tử nhìn hắn chầm chập.
- Túc hạ không biết cô nương này sao? – Vị Hoàng tử hỏi.
- Tâu Điện hạ, có. Nhưng...
- Và cô nương, cô nương có biết ông Ba Tốn không?
Mỹ Lan tái mặt vì tức giận:
- Tâu Điện Hạ, không! Hạ thần không biết ông Ba Tốn, nhưng chỉ biết ông Trần Bẩy.
- Cô muốn nói gì?
- Hạ Thần muốn nói rằng: Ở La Vạn Tân ông này đã tự xưng là Trần Bẩy.
Vị Hoàng tử gật đầu, quay hỏi Ba Tốn:
-Túc hạ trả lời sao đây?
- Hạ thần xin nói rằng cô bé này nói không đúng sự thật.
- Vậy túc hạ đã đến nhà giam La Vạn Tân lần nào chưa?
Ba Tốn không trả lời liền lúc đó. Vị Hoàng tử lừ mắt nhìn hắn khiến hắn lúng túng:
- Vâng, có! Hạ thần có đến La Vạn Tân nhưng hạ thần không đánh cắp cây hoa Uất Kim Hương.
- Ông đã đánh cắp nó! Ông đã lấy nó trong phòng tôi!
Mỹ Lan giận dữ nói lớn.
-Tôi không lấy. Cô đừng có ăn nói hồ đồ.
Vị Hoàng tử ôn tồn:
- Xin hãy giữ yên lặng!
Mỹ Lan bất chấp lời của vị Hoàng tử, vẫn nói lớn:
- Bây giờ ông nghe tôi nói. Bộ ông đã không lén theo dõi tôi vào tận trong vườn đúng ngày tôi đang vun xới mảnh đất để dành cho cái bọc kính hay sao? Bộ ông đã không theo dõi một lần nữa khi tôi vào vườn và giả vờ trồng cây hoa này hay sao? Nhưng tôi đã không trồng ở đó. Và ngày sau khi tôi ra khỏi vườn, ông đã bới đất lên. Nhưng ông không tìm thấy gì bởi vì đó chỉ là một mánh lới để lột cái mặt nạ của ông ra. Một tên ăn trộm. Ông trả lời đi: tất cả điều tôi nói có đúng sự thật không?
Ba Tốn không trả lời. Hắn quay về phía vị Hoàng tử, nói như phân trần:
- Tâu Điện hạ, ai cũng biết đã hai mươi năm nay hạ thần trồng hoa Uất Kim Hương ở Đốc. Hạ thần rất quen thuộc trong giới trồng hoa Uất Kim Hương ở đó. Hạ thần cũng đã cung cấp nhiều loại hoa Uất Kim Hương mới. Bây giờ cô gái này biết rằng hạ thần đã trồng được hoa Uất Kim Hương đen rồi, cô ta âm mưu với người yêu, một tên tù nhân ở La Vạn Tân để cướp lấy một trăm ngàn đồng tiền vàng của tôi đó.
- Đồ bần tiện!
Giọng nói của Mỹ Lan tràn đầy phẫn nộ.
- Yên lặng!
Vị Hoàng tử nói. Sau đó ông quay lại hỏi Ba Tốn:
- Người tù nhân ấy là ai mà túc hạ nói là người yêu của cô ta?
Mỹ Lan lo cho Văn Bách vì anh là một tù nhân bị coi là nguy hiểm đặc biệt, bị giam giữ và bị canh chừng thật cẩn thận. Ba Tốn có vẻ rất hài lòng về câu hỏi này, hắn xun xoe trả lời ngay:
-Tâu Điện hạ, tên tù nhân ấy là một người rất nguy hiểm. Hắn là loại tù nhân đặc biệt. Đã có lần bị tòa tuyên án tử hình, đầu hắn đáng lẽ đã rơi rồi. Điện hạ có thể dễ dàng đoán ra con người của hắn là thế nào rồi!
Vị Hoàng tử vốn đã không thích giọng lưỡi của Ba Tốn, người nhấn mạnh:
- Ta chỉ hỏi tên hắn là gì thôi mà.
Mỹ Lan đưa hai bàn tay che mặt.
- Dạ, dạ, tên hắn ta là Phạm Văn Bách và là bạn của Phạm Vũ Bình đó, tâu Điện hạ. Vị Hoàng tử hơi ngạc nhiên, đôi mắt người sáng lên một cách kỳ lạ. Người bước đến bên Mỹ Lan:
- A! Bây giờ thì ta đã hiểu rồi. Cô nương bỏ tay xuống đi, cô nương đã yêu cầu ta thuyên chuyển cha cô nương bởi vì cô nương muốn theo gã Văn Bách đó! Vậy mà từ nãy giờ ta cứ tưởng người tù nhân ấy là ai khác chứ!
- Tiếp tục, túc hạ Ba Tốn!
Vị Hoàng tử lại ngồi xuống ghế và nói với Ba Tốn.
- Hạ thần không còn gì để nói nữa. Điện hạ đã biết hết cả rồi. À! Có một điều cần nói thêm, nhưng đáng lẽ không nên nói nữa vì đàn ông không ai muốn nói nhiều. Số là hạ thần đã đến La Vạn Tân vì có công chuyện cần ở đó. Hạ thần gặp ông Nguyễn Quân vì trước đó nghe nói ông Nguyễn Quân có một cô gái rất xinh đẹp, là cô Mỹ Lan này đây. Hạ thần muốn cưới con gái ông. Hạ thần không giàu có gì và vì muốn cho ông Nguyễn Quân tin tưởng, hạ thần có nói với ông Quân và cô ấy rằng hạ thần hy vọng có một trăm ngàn đồng tiền vàng bằng cây Uất Kim Hương đen của hạ thần. Hạ thần có đưa cho họ xem cây hoa. Người yêu của cô ấy cũng có trồng ít cây hoa Uất Kim Hương ở Đốc; thực sự, hắn đã và đang có ý định lật đổ chính phủ. Hắn ta làm bộ trồng hoa cốt là để che đậy việc làm bí mật của hắn mà thôi. Và hắn âm mưu với cô Mỹ Lan để đánh cắp hoa Uất Kim Hương của hạ thần. Một buổi chiều kia, khi cây hoa nở rồi, cô nàng lấy cắp nó dễ dàng vì hạ thần cứ tin tưởng nơi cô ta. Cô ấy đem vào phòng mình và nói với mọi người là chính cô ta đã trồng cây Uất Kim Hương này. Cô ta đã viết một bức thư gởi đến ông Hội trưởng Hội trồng hoa nói rằng chính cô ta đã trồng được nó. Hạ thần theo dõi và biết được, hạ thần xin xác nhận là có lấy cây Uất Kim Hương trong phòng cô ta như đó là hạ thần chỉ lấy lại vì nó là của hạ thần mà.
Ba Tốn cố nói cho có vẻ như sự thật, những điều hắn nói đều trái ngược với lời nói của Mỹ Lan.
- Ôi, bịa đặt, bịa đặt! Toàn là bịa đặt.
Mỹ Lan nức nở quỳ xuống bên chân vị Hoàng tử.
Khi nghe Ba Tốn kể tội có vẻ trôi suông, vị Hoàng tử lại nghi ngờ Mỹ Lan đã làm một việc bất chính, nhưng giờ đây thâm tâm người cảm thấy hơi hối tiếc đã nghĩ xấu cho nàng, một cô gái bé nhỏ yếu đuối đang quỳ dưới chân người. Bất giác vị Hoàng tử động lòng trắc ẩn, dịu dàng bảo Mỹ Lan:
- Nếu thực sự cô nương đã làm việc ấy thì quả là quá quắt lắm. Có lẽ tên Bách, người yêu của cô nương đã dụ dỗ cô nương cùng làm công việc bất chánh đó. Ta không tin đó là lỗi của cô nương hoàn toàn, mà lồi chính là của tên Bách.
- Tâu Điện hạ, Điện hạ lầm rồi!
Mỹ Lan nói lớn:
- Anh Bách không làm điều gì bất chính cả, không bao giờ ảnh chịu làm điều gì bất chính hết.
-Cô nương muốn nói rằng anh ta đã không bày vẽ cho cô nương tìm cách đánh cắp hoa à?
- Tâu Điện hạ, đúng thế! Anh ấy cũng không làm việc gì sái quấy cả. Vậy mà anh ấy lại bị vào tù.
Hoàng tử hơi nhăn mặt:
- Anh ta bị giam chỉ vì anh ta giữ những lá thư của ông Phạm Vũ Bình gửi cho Hoàng đế nước Pháp. Không phải vậy sao?
- Nhưng anh ấy không biết gì về những lá thư đó cả. Nếu ảnh biết thì ảnh đã nói lại với hạ thần rồi. Hạ thần biết anh ấy lắm. Trời ơi, hạ thần chỉ mong Điện hạ hiểu anh ấy như hạ thần hiểu anh ấy vậy.
Ba Tốn bỗng xen vào, nói lớn:
-À, cô này gan nhỉ! Hắn ta là cùng bọn với Vũ Bình. Hoàng tử đây biết hắn nhiều lắm chứ! Ngài đã ân xá cho hắn sống đến ngày nay là phúc lắm rồi đó.
- Yên lặng! Những vấn đề đó là của chúng tôi và không có gì liên quan đến túc hạ.
Sau đó, vị Hoàng tử tiếp:
- Đừng sợ, túc hạ Ba Tốn! Ta sẽ làm sáng tỏ vụ cây hoa Uất Kim Hương của túc hạ.
Người quay lại ngó Mỹ Lan:
- Còn cô nương, cô nương đã làm một việc không tốt đẹp, nhưng đó không phải lỗi của cô nương. Văn Bách đã đưa cô nương vào việc làm bất chính. Hắn ta dự mưu chống lại cả chính quyền nhưng chúng ta lại được biết thêm hắn còn là một tên trộm nữa.
- Một tên trộm! Văn Bách là một tên trộm! Làm sao Điện hạ có thể nói như thế được? Người đó kìa, ông Trần Bẩy này, chính ông Ba Tốn đây mới là một tên ăn trộm.
Ba Tốn cười khẩy:
- Cô cứ chứng minh điều đó thử coi!
- Tôi sẽ chứng minh. Với sự giúp đỡ của Thượng Đến toàn năng, tôi sẽ chứng minh được điều đó cho ông coi!
Mỹ Lan vuốt lại mái tóc, đưa tay áo lên chùi những giọt nước mắt đọng trên viền mi. Rồi với giọng nói đầy tin tưởng, nàng hỏi Ba Tốn:
- Hoa Uất Kim Hương của ông phải không?
- Dĩ nhiên!
- Ông có bao nhiêu bọc kính để trồng nó?
Ba Tốn hơi ngạc nhiên đôi chút. Nhưng hắn ta biết là thường thường bao giờ cũng phải có ba bọc kính, liền trả lời:
- Ba!
- Ba bọc kính đâu?
Ba Tốn cười mát:
- Cái thứ nhất không mọc được, tôi đã bỏ rồi, còn cái thứ nhì là cây Hoa Uất Kim Hương ngoài kia.
- Và cái thứ ba?
- Cái thứ ba...
Ba Tốn lúc này mới giật mình, lúng túng.
- Phải! Cái thứ ba? Bọc kính thứ ba đâu?
- À, hiện ở nhà tôi!
- Ở nhà ông? Ở La Vạn Tân hay ở Đốc?
Mỹ Lan cố dồn Ba Tốn vào thế bí. Hắn sẽ không thể nào nói ở La Vạn Tân được. Nếu hắn nói ở Đốc, hắn sẽ rơi vào bẫy của nàng. Quả nhiên, hắn nói:
- Tôi để ở Đốc.
Mỹ Lan bĩu môi:
- Ông nói dối. Ông phải đem theo nó để trồng chứ?
Đoạn, nàng quay sang vị Hoàng tử, nhẹ giọng:
- Tâu Điện hạ, tiện nữ xin nói lại sự thật của câu chuyện các bầu kính đựng cây hoa quý. Cha tiện nữ đã đập nát cái thứ nhất trong phòng giam Văn Bách và ông này đã biết chuyện đó, ông đã cáu gắt với cha tiện nữ. Bọc kính thứ hai do tiện nữ chăm sóc, chính là cây Uất Kim Hương đen kia, và cái thứ ba...
- Bọc kính thứ ba?
Vị Hoàng tử hỏi.
- Hiện nó ở đây!
Mỹ Lan lấy cái bao giấy ra khỏi chiếc áo dài của nàng. Sắc mặt Ba Tốn tái mét hẳn đi thấy rõ.
- Nó ở đây, vẫn trong mảnh giấy mà anh Bách đã bao lại trước khi ảnh sắp sửa đặt chân vào cõi chết. Tất cả ba bọc kính đều do Văn Bách tạo ra. Thưa đây, xin điện hạ ngự lãm.
Vị Hoàng tử cầm cái bọc kính nhỏ nhắn lên tay xem xét thật cẩn thận. Ba Tốn lắp bắp:
- Nhưng tâu Điện hạ, chắc hẳn cô này đã đánh cắp cái bọc kính thứ ba cũng như cô ta đã lấy trộm cây hoa vậy.
Mỹ Lan cãi:
- Lấy sao được? Tôi tới tận Đốc để lấy nó à?
Hoàng tử vẫn im lặng, chăm chú nhìn cái bọc kính. Tay Mỹ Lan mân mê tờ giấy bao, chờ đợi. Vô tình, đọc qua những hàng chữ, mắt nàng sáng hẳn lên. Nàng la lớn và đưa tờ giấy cho vị Hoàng tử.
- Tâu Điện hạ, tờ giấy này đây! Điện hạ hãy đọc nó rồi Điện hạ sẽ hiểu!
Vị Hoàng tử đưa cái bọc kính cho ông Thế Diễn giữ, đỡ lấy tờ giấy nơi tay Mỹ Lan và đọc. Sắc mặt người dần dần tái xanh, người suýt đánh rơi tờ giấy xuống đất. Vẻ mặt người hiện rõ nét đau thương. Đây là tờ giấy trong quyển thánh kinh Phạm Vũ Bình đã trao cho Chánh đưa Văn Bách trước kia:
20 tháng 8 năm 1672
Cháu Văn Bách mến!
Cháu làm ơn đốt ngay những lá thư mà chú đã đưa cho cháu, đừng nên xem những gì viết trong đó. Không có lợi gì cho cháu khi biết những gì viết trong đó. Thủ tiêu nó ngay tức là cháu đã cứu được mạng sống và danh dự của Vũ Bình, Vũ Bảo.
Phạm Vũ Bình.
Lời lẽ trong giấy chứng minh được hai điều: một là Văn Bách đã thực sự không biết gì về nội dung những lá thư và đã không có một âm mưu nào nhằm chống lại chánh phủ, và đồng thời cũng gián tiếp chứng minh rằng anh chính là chủ nhân của cây hoa Uất Kim Hương đen.
Mỹ Lan nhìn vị Hoàng tử, không nói, nhưng đôi mắt nàng đã như thầm bảo:
- Điện hạ thấy rõ chứ?
Vị Hoàng tử ngồi bất động, đôi mắt đăm đăm nhìn Mỹ Lan. Sắc mặt người nghiêm trầm, đôi hàng lông mày cong nhíu lại chứng tỏ người đang đăm chiêu suy nghĩ hung lắm, đồng thời cũng lộ vẻ bối rối cực độ. Người đang hồi tưởng lại quá khứ. Đã từ lâu, người luôn luôn ân hận về những sai lầm khi hạ lệnh cho binh sĩ cứ để yên cho dân chúng giết chết anh em Vũ Bình. Điều đó dầy vò ray rứt người suốt cả gần năm nay. Giờ đây, sự việc hiện tại đã khơi lại dĩ vãng đáng tiếc kia. Người lại con bắt lầm cả Văn Bách nữa, luật pháp đã kết tội oan một kẻ vô tội. Còn đâu là luật pháp nghiêm minh của một quốc gia! Vị Hoàng tử ngước nhìn lên:
- Thôi được, túc hạ Ba Tốn hãy tạm lui ra, ta sẽ làm cho sáng tỏ sự việc này!
Rồi người quay lại ngó ông Thế Diễn phán:
- Túc hạ Thế Diễn! Túc hạ hãy săn sóc người thiếu nữ này và giữ lấy cây hoa Uất Kim Hương kia nhé ! Giờ đây hãy tạm biệt, ta sẽ gặp lại nhau sau.
Hoàng tử đứng dậy bước ra ngoài. Những tiếng tung hô vang dậy trên đường phố:
- Hoàng tử muôn năm!
Ba Tốn trở lại quán trọ, nội tâm bàng hoàng lo sợ. Hắn không hiểu tờ giấy Mỹ Lan đã đưa cho vị Hoàng tử xem là tờ giấy gì. Thái độ kỳ lạ của vị Hoàng tử sau khi đọc tờ giấy ấy có nghĩa gì? Hắn ấm ức muốn biết lắm nhưng không tìm ra cách nào để dò hỏi.
Về phần Mỹ Lan, nàng hân hoan ngồi bên cành hoa Uất Kim Hương, đặt môi hôn những cành lá xanh xanh của nó, dịu dàng nói qua hơi thở nhẹ:
- Tạ ơn Thượng Đế, cũng nhờ người giúp đỡ, anh Văn Bách của con mới dạy cho con đọc được chữ.
Một giọt lệ nóng nhẹ rớt nằm trên một cánh lá tươi non. Phải chăng Mỹ Lan đang khóc vì hạnh phúc tuyệt vời.
*
Mỹ Lan và cây Uất Kim Hương được lưu tại nhà của ông Thế Diễn vài ngày. Đỗ Trung, lúc đó đã được báo tin. Anh đã trở về La Vạn Tân. Một buổi chiều, một viên thái giám của Hoàng tử Minh Đức tới đưa giấy mời Mỹ Lan đến Tòa Quan Trấn thủ.
Trong căn phòng rộng lớn của Tòa Đại sảnh, Hoàng tử đang ngồi cắm cúi viết, một con chó to lớn nằm ngoe nguẩy đuôi dưới chân người. Mỹ Lan hồi hộp bước vào. Nàng đi thật nhẹ để khỏi gây tiếng động. Không ngẩng lên, Hoàng tử ôn tồn nói:
- Cô nương hãy đến gần đây!
Mỹ Lan nhẹ nhàng tiến tới bên góc bàn.
- Mời cô nương ngồi!
Nàng khép nép ngồi xuống chiếc ghế đối diện Hoàng tử. Con chó đứng dậy, bước đến bên Mỹ Lan thè lưỡi liếm bàn tay nàng, vẫy đuôi thích thú. Ban đầu nàng có hơi e sợ, nhưng rồi thấy con chó không có vẻ gì hung dữ, Mỹ Lan đánh bạo đưa tay khẽ vuốt đầu nó. Hoàng tử bỏ viết xuống, cười nhân từ:
- Hà, hà! Cô nương và nó cùng ở một quê hương. Chắc vì thế nên nó muốn làm bạn với cô nương đấy!
Người nói tiếp:
- Bây giờ chỉ có ta và cô nương ở đây, vậy hãy nói chuyện thật thà đàng hoàng nhé!
- Xin vâng! Tâu Điện hạ!
Mỹ Lan hồi hộp lo ngại. Ở đây duy nhất chỉ còn một mình Hoàng tử. Người sẽ hỏi mình những gì đây?
- Cô nương có cha ở La Vạn Tân?
- Tâu Điện hạ, đúng thế!
- Ta hỏi thật nhé! Cô nương có yêu thương cha không?
Mỹ Lan lúng túng rõ rệt. Nàng ngập ngừng một lúc lâu rồi cố gắng lắm mới trả lời được:
- Tâu Điện hạ! Đáng lẽ là một người con, hạ thần phải yêu mến cha hết mực mới phải. Nhưng, tâu điện hạ, trong thâm tâm, chưa bao giờ hạ thần cảm thấy thực sự yêu mến ông hết. Hạ thần muốn nói là...
Vị Hoàng tử gật đầu, chận ngang lời nói của Mỹ Lan:
- Cô nương phải yêu mến cha mới hợp lẽ chứ, nhưng không sao, cô nương nói ra sự thật như thế là rất phải. Nhưng tại sao cô nương lại không yêu mến cha một cách thực tâm?
Mỹ Lan cố giữ cho giọng khỏi run:
- Tâu Điện hạ, bởi vì ông không bao giờ săn sóc hạ thần như mẹ của hạ thần, âu yếm như mẹ âu yếm con. Hình như ông chỉ nuôi nấng hạ thần vì bổn phận mà thôi. Mẹ hạ thần mất đã từ lâu lắm, hạ thần tha thiết muốn hương sự săn sóc của người. Cha của hạ thần chỉ dạy bảo, khuyên răn hạ thần hay nói với hạ thần bằng những lời nói như ra lệnh. Hạ thần không ưng chịu như vậy!
- Ta nghĩ rằng không có một người cha nào lại không yêu thương con cái cả, cô nương Mỹ Lan ạ! Có lẽ cha cô nương đã không biết cách khéo léo bộc lộ tình cảm của ông đối với con mà thôi. Nhưng dù sao, bậc cha mẹ là bậc đáng yêu quý, đáng kính trọng hơn cả. Ta muốn rằng cô nương phải suy nghĩ nhiều hơn nữa, rồi cô nương sẽ thấy rõ nhé!
- Thưa vâng! Tâu Điện Hạ, nhưng quan trọng nhất lại ở điểm cha hạ thần là một cai ngục. Vậy mà ông đã đối xử tệ bạc với tù nhân.
- Tệ bạc với cả tù nhân?
- Gần như vậy đó, tâu Điện hạ! Và ông bạc đãi anh Văn Bách một cách rõ rệt.
- Văn Bách là người yêu của cô nương?
- Tâu Điện hạ, hạ thần yêu thương anh ấy.
- Cô nương yêu anh ta từ bao giờ?
- Thưa, từ ngày hạ thần nhìn thấy anh ấy lần đầu.
- Sau ngày ông Vũ Bình và Vũ Bảo chết phải không? Tại sao cô nương lại có thể yêu một người sẽ sống suốt đời trong cảnh ngục tù và rồi sẽ chết ở đấy?
- Dạ, Tâu Điện hạ, nếu anh ấy sống và chết ở đấy, hạ thần lại càng phải giúp đỡ anh tận tình trong những ngày sống còn cho tới khi anh lìa bỏ cõi đời.
- Xin lỗi cô nương, như vậy là cô nương rất sẵn lòng làm vợ của một tù nhân?
- Hạ thần rất sẵn lòng nếu người tù ấy là anh Văn Bách. Khi hạ thần được làm vợ anh Bách, hạ thần chắc chắn sẽ là một người đàn bà sung sướng, hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng...
- Nhưng sao?
- Hạ thần không dám nói, tâu Điện hạ!
Mỹ Lan ngước nhìn vị Hoàng tử, ánh mắt thật buồn. Vị Hoàng tử xoay xoay cây viết trong tay:
- Vâng, ta hiểu cô nương, ta hy vọng có thể giúp cô nương được.
- Tâu Điện hạ! Vậy là sao?
Vị Hoàng tử không trả lời, người xếp tờ giấy vừa mới viết lại và gọi một sĩ quan:
- Đại úy Phạm Thông. Đem bức thư này đến La Vạn Tân đọc lệnh viết trong đây cho người giữ nhà giam ở đó và bảo họ thi hành lệnh ta ngay.
Viên Đại úy tiếp nhận bức thư, bước ra khỏi phòng. Một lúc sau đó đã có tiếng vó ngựa lốc cốc vang lên xa dần rồi mất hẳn.
Hoàng tử nói với Mỹ Lan:
- Ngày Đại hội hoa Uất Kim Hương sẽ được tổ chức vào chủ nhật tới đây. Vậy, trong ba ngày, cô nương cầm lấy năm trăm đồng tiền vàng này để mua sắm trang điểm cho thật đẹp nhé!
- Tâu Điện hạ, hạ thần không mong muốn được như vậy.
- Thế cô nương muốn gì?
- Hạ thần chỉ muốn biết Điện hạ đã gửi lệnh gì đến La Vạn Tân mà thôi?
- Cô nương cứ làm như ta ra lệnh. Lần này ta ra lệnh, và lệnh ta ra phải được thi hành lập tức. Cô nương hiểu rồi chứ?
- Tâu Điện hạ! Vâng, nhưng...
- Sao nữa?
- Điện hạ muốn hạ thần trang điểm thế nào? Tâu Điện hạ!
- Tùy cô nương chứ! Sao cho thật đẹp đẽ, xinh tươi là được.
- Tâu Điện hạ! Hạ thần không quen làm việc này bao giờ, nên chỉ sợ không vừa ý Điện hạ.
- Hừm! Ta sẽ nhờ một người đến giúp cô nương. Mong rằng cô nương sẽ trang điểm thật đẹp như một cô dâu thì càng hay.
Chúng ta trở lại với ông Nguyễn Quân và Văn Bách ở La Vạn Tân xem họ đã và đang làm những gì trong suốt thời gian này.
Ông Nguyễn Quân không biết một tí gì khi con gái ông rời khỏi nhà cho đến giữa trưa, ông vẫn đinh ninh nàng còn nằm khóc trong phòng, nhưng có biết đâu nàng đã có mặt tại một phương xa nào rồi. Đó là Hà Lâm. Khi giờ cơm đến, ông ngồi vào bàn chờ đợi, chờ đợi hoài. Đã quá một giờ, Mỹ Lan vẫn biệt tăm. Nguyễn Quân nóng lòng đến phòng con gái gọi nàng qua dùng bữa. Ông gõ cửa, không một tiếng trả lời, cửa không khóa, ông đưa tay vặn quả đấm bước vào. Mỹ Lan không còn ở đó nữa.
Ông Quân khi biết rằng con gái đã bỏ đi, giận lắm. Bỏ cả ăn, ông chạy lên phòng giam Văn Bách, nguyền rủa anh bằng những danh từ xấu xa nhất và đập phá mọi vật dụng trong phòng giam Văn Bách. Anh này không nói gì, không buồn cả trả lời khi ông Quân hỏi và tránh né khi ông ta cố tình đánh đập anh. Ông Nguyễn Quân điên tiết chạy đi kiếm bạn là Trần Bẩy, nhưng cũng không thấy hắn đâu hết. Ông chắc Trần Bẩy đã chạy theo Mỹ Lan để kêu nàng về. Không còn biết làm sao hơn. Việc Mỹ Lan bỏ đi khiến ông bối rối vô cùng.
Buổi sáng thứ ba, sau ngày Mỹ Lan bỏ đi, ông Nguyễn Quân vẫn bặt tin nàng và Trần Bẩy. Ông trở lại phòng giam Văn Bách và giận dữ hơn bao giờ hết.
Văn Bách đứng bên cửa sổ nhìn về phía tỉnh Đốc. Những con bồ câu vẫn lượn quanh trước cửa sổ rồi bay đi. Hy vọng của Văn Bách cũng bay theo từng cánh chim vun vút trên bầu trời. Mỹ Lan bây giờ em ở đâu? Tại sao em không đến thăm anh? Em cũng không gửi bức thư nào cho anh hết. Cha em có làm gì em không? Chắc hẳn ông ta hành hạ em dữ lắm. Văn Bách không còn chịu đựng nỗi nữa. Anh muốn điên lên với những ý nghĩ buồn thảm. Anh muốn làm một việc gì cho khuây khỏa. Viết thư cho Mỹ Lan? Nhưng biết nàng ở đâu? Làm sao để gửi đến tay nàng? Vả lại ông Nguyễn Quân đã lấy giấy và cây viết của anh đi hết rồi. Lấy gì để viết đây? Nghĩ quanh nghĩ quẩn, anh cảm thấy mình quá yếu kém, nhu nhược. Anh cố gắng moi óc nghĩ ra cách nào có thể thoát ra khỏi nhà giam càng sớm càng hay.
Nhưng làm sao thoát được? Cửa sổ toàn là song sắt, cửa lớn thì kiên cố và ông Nguyễn Quân lại luôn trông chừng anh với đôi mắt cú vọ. Có thể một ngày nào đó, ông Quân sẽ lên đây nặng lời rủa xả anh và nhân lúc đó anh sẽ bất ngờ nắm cổ ông, giết phăng ông đi. Sau đó, anh sẽ lẻn xuống thang và đến phòng Mỹ Lan kêu nàng... Nhưng ông Quân là cha nàng. Nàng sẽ không thể nào yêu anh được nếu anh xuống tay giết chết cha nàng, dù cho ông ta có tàn nhẫn đến mức nào đi nữa. Không! Ý định này không thể bao giờ thành công, hoàn toàn bất lợi, không thể đem ra thi hành được.
Ông Nguyễn Quân mở cửa bước vào, trên tay lăm lăm một thanh cây lớn. Mắt ông rực lên ánh lửa giận dữ, từng đường gân đỏ hiện rõ trong tròng mắt. Rõ ràng ông đang sắp sửa gây tội ác.
Văn Bách nghe tiếng mở của và bước chân của ông Nguyễn Quân, nhưng anh không quay lại. Anh vẫn ngâm nga hát:
“ Tôi là một bông hoa, là con của lửa đỏ
Chạy quanh khắp thế giới và tồn tại mãi mãi.
Tôi là con gái của nước và không khí.
Là con của đất và trời.”
Bài hát khiến ông Nguyễn Quân càng giận dữ thêm:
- Ê, thằng ca sĩ kia, mày có nghe tao nói không đấy hả?
Văn Bách quay lại lạnh nhạt:
- Chào ông!
Rồi anh thản nhiên quay đi tiếp tục hát:
“Đôi chân tôi đặt trên vùng đất nâu tươi tốt.
Và đầu tôi ngửng thẳng nhìn từng mây.
Linh hồn tôi đến từ trời cao khi tôi vừa sanh ra
Và sẽ trở lại khi tôi giã từ cuộc sống.”
Ông Nguyễn Quân cáu tiết, xấn tới bên người tù nhân, giơ cao thanh gậy.
- Mày có thấy cái gì đây không hả?
Văn Bách lùi lại, ngạc nhiên:
- Ông định làm gì đây?
- Tao tìm cách bắt buộc mày phải nói sự thật.
- Ông định đánh tôi bằng cây gậy đó hả?
- Có thể lắm!
- Ông không có quyền bởi vì không một người cai ngục nào có quyền giơ tay đánh một tù nhân mà không mất nhiệm sở cả. Điều này đã được minh định rõ ràng trong luật pháp mà.
- Tao biết chứ, thằng khốn! Nhưng đây không phải là tay tao, đây là một cây cậy. Luật pháp của mày bằng tay nhưng không nói gì về việc đánh bằng gậy. Tao sẽ đánh mày cho coi.
- Ông đừng nói bướng, luật pháp nói rằng bất cứ ai dùng gậy để bạo hành sẽ bị đánh lại cũng bằng gậy.
Ông Nguyễn Quân nghiến răng:
- À, được rồi. Mày muốn tao dùng thứ khác phải không?
Ông quăng thanh cây xuống đất rồi đưa tay rút từ thắt lưng ra một con dao. Văn Bách toát mồ hôi lạnh vội đưa tay chụp lấy thanh cây dưới đất, lùi lại thủ thế. Cả hai bên mặt đối mặt, sẵn sàng tấn công nhau. Văn Bách mím môi:
- Ông điên rồi ông Quân. Ông muốn gì tôi?
- Tao muốn thấy mặt con gái tao, con Mỹ Lan!
- Con gái ông?
Ông Nguyễn Quân gầm lên:
- Phải, chính mày, mày đã làm cho nó bỏ đi mày đã dụ dỗ nó ra đi. Bây giờ tao không biết nó ở đâu cả. Nó là con gái tao! Nhớ kỹ điều đó!
Văn Bách sửng sốt:
- Mỹ Lan bỏ đi rồi hả?
- Phải, con Lan bỏ tao! Sao? Nó ở đâu? Mày phải nói thật.
- Nếu ông không biết thì tôi biết sao được?
Văn Bách lùi lại.
- Tao sẽ bắt mày nói bằng được !
Ông Nguyễn Quân nhào tới, xả mạnh con dao trên tay vào người Văn Bách. Anh hoảng hốt nhảy lui tránh đường dao, đồng thời quơ mạnh thanh gỗ gạt con dao. Thanh cây đập trúng cườm tay của ông Nguyễn Quân. Ông ta rú lên đau đớn, buông rơi con dao xuống đất.
Một vài người giữ ngục khác chạy đến, họ kéo Văn Bách ra, Nguyễn Quân lồm cồm ngồi dậy đưa tay quệt một bên mép rỉ máu. Ông trợn mắt thở hồng hộc:
- Thằng chó đẻ! Mày có biết chăng là bất cứ thằng tù nhân nào đánh cai ngục cũng đều bị xử bắn không? Mày sẽ bị tử hình, nghe chưa? Mày sẽ bị đưa ra khỏi đây và bị bắn bỏ lập tức. Thằng khốn nạn!
Đúng lúc đó, viên Đại úy của Hoàng tử Minh Đức bước vào phòng giam, theo sau là mấy người giữ ngục.
- Đây có phải phòng giam số mười một không?
- Thưa Đại úy phải.
- Tù nhân đâu?
- Tôi đây, thưa Đại úy!
Văn Bách lên tiếng.
- Ông là bác sĩ Phạm Văn Bách?
- Vâng, chính tôi đây.
- Hãy theo tôi!
Văn Bách thầm nghĩ: "Viên sĩ quan đang bảo anh ra ngoài để xử bắn?". Như đọc được ý nghĩ của Văn Bách, ông Nguyễn Quân cười khẩy:
- Đúng vậy, ông Đại úy đây là sĩ quan tùy viên của Hoàng tử. Vì thế mày cứ yên trí là mày đang bị dẫn đi để chịu xử bắn đấy!
Thế là xong, là hết cả. Anh không còn dịp nào để có thể đặt tên anh cho một đứa trẻ, một bông hoa nào hay một quyển sách nào nữa hết. Đó là ba điều anh luôn luôn tha thiết muốn thực hiện. Viên Đại úy bước đi, Văn Bách thất thểu theo sau như một người mất hồn. Anh sẽ không bao giờ gặp lại Mỹ Lan nữa. Vĩnh biệt em, Mỹ Lan!
Họ rời khỏi trại giam bước ra ngoài. Văn Bách tưởng tượng đến một toán lính đứng một hàng dài, mọi người sẵn sàng để xử bắn anh. Trước mặt, anh đã nhìn thấy vài người lính, nhưng họ không đứng dọc hàng dài theo tư thế, họ cũng không mang súng. Họ chỉ đang tụ lại nói chuyện với nhau chờ Văn Bách và viên Đại úy tới. Mọi người ùa ra đông đảo, bàn tán xôn xao về sự việc vừa rồi.
Ông Nguyễn Quân lúc đó như đã được báo cho biết viên Đại úy đến không phải vì chuyện Văn Bách đánh ông. Ông cũng chạy ra đứng sau lưng Văn Bách, lớn tiếng nguyền rủa anh. Văn Bách chán nản lắc đầu:
- Tôi không thể ngờ được rằng đến giờ phút này, ông ấy lại vẫn có thể đối xử với tôi như vậy.
Viên Đại Úy vỗ vai anh đáp:
- Thì có gì lạ! Dĩ nhiên là ông ta phải nguyền rủa anh chứ. Anh đã đánh ông ta một trận chí tử mà.
- Nhưng tôi chỉ đánh ông ấy vì ổng đã tấn công tôi bằng một con dao nhọn sắc.
- Tôi biết, nhưng cứ để ông ta nói! Anh hãy rán chờ rồi sẽ biết có việc gì dành cho riêng anh.
Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng khi Văn Bách nghe những lời nói đó. tim đập mạnh, anh hồi hộp hỏi:
- Đại úy làm ơn nói cho tôi biết, tôi phải đi đâu bây giờ?
Viên sĩ quan chỉ một cỗ xe do bốn ngựa kéo đậu gần đó, bảo Văn Bách:
- Lên xe đi!
Rồi ông ra lệnh cho các binh sĩ thuộc hạ lên đường. Hai người lính leo lên xe cùng với Văn Bách, kèm hai bên để anh lọt vào giữa. Sắc diện họ bình thản tự nhiên. Viên Đại úy cũng phóc lên ngồi đàng trước rồi ra lệnh cho xe chạy. Văn Bách hỏi:
- Các ông đưa tôi đến trung tâm thành phố rồi đem ra giữa chợ trước khi hành quyết tôi phải không?
Một người lính ngồi kế bên, cười thương hại:
- Tôi chắc ông ấy không làm như vậy đâu. Nhưng thường đôi khi chúng tôi có lệnh dẫn tù nhân về quê nhà của y và xử bắn ngay trước cửa nhà y đó.
- Thế à, cám ơn anh!
- Trả lại con gái tao!
Tiếng của Nguyễn Quân vang lên khi cỗ xe lướt qua trước mặt ông, ông còn chạy theo một quãng dài rồi mới chịu dừng lại.
Nếu họ đưa Văn Bách về Đốc, anh sẽ được thấy lại ngôi nhà cũ thân yêu, bà quản gia hiền từ đáng mến, và khu vườn quý báu của anh. Nhưng giờ đây chắc không còn cây hoa nào trong vườn nữa. Anh đã bỏ bê không có dịp nào săn sóc cả năm nay rồi.
Cỗ xe di chuyển suốt ngày. Họ qua Đốc, nhưng không ghé lại như Văn Bách hy vọng, rồi tới Rô-Tơ-Đam, rồi làng Giếp khoảng năm giờ chiều, họ đã đi hết tám mươi dặm đường dài. Văn Bách nóng nảy hỏi viên Đại úy:
- Chúng ta đang đi đâu đây?
Nhưng Phạm Thông không trả lời. Họ ngủ đêm luôn trên cỗ xe. Sáng hôm sau, Văn Bách thấy rõ anh đang đi qua Giã-Điền, Bắc-Hải đang ở phía tay trái anh và Ghi Duy ở phía tay phải. Ba giờ sau đó, họ đến Hà Lâm.
Ngày 15 tháng 5 năm 1673 là một ngày trọng đại của thành phố Hà Lâm. Ngày ấy, sẽ luôn luôn là một ngày lễ lớn: ngày đại hội của hoa Uất kim hương. Ngày hội năm nay là ngày quan trọng đặc biệt do sự hiện diện của cây hoa Uất Kim Hương đen.
Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng trong Hội trường. Một khán đài rất lớn được dựng lên giữa khoảng trống trải làm nơi dành cho vị Hoàng tử sẽ trao giải thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng cho người may mắn đã khám phá ra hoa Uất Kim Hương đen.
Những nhân vật quan trọng trong thành phố bước vào Hội trường. Họ đi theo một hàng dài, tiến tới khán đài giữa tiếng vỗ tay như sấm dậy của dân chúng tham dự. Người đi đầu là ông Thế Diễn, mặc một bộ y phục lễ nghi toàn đen, sau đến là những hội viên quan trọng của Hội trồng hoa Hà Lâm. Rồi tới những học giả, ban giám khảo, những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những nhà quý tộc.
Chính giữa khán đài, một bục cao được dựng lên, trên đó đặt một chiếc ghế vàng danh dự dành cho Hoàng tử Minh Đức. Chậu cây Uất Kim Hương để trước mặt, trên một cái bàn phủ lụa trắng có chỉ vàng óng ánh viền quanh.
Hai hàng thiếu nữ xinh đẹp xuất hiện, đứng hai bên chậu cây Uất Kim Hương. Mọi người vỗ tay vang dậy một lần nữa. Tràng pháo tay vẫn kéo dài khi ông Thế Diễn bước lên đài. Theo sau là các nhân vật liên hệ và thân hào nhân sĩ. Hội trường náo nhiệt hẳn lên khi cây hoa Uất Kim Hương đen được đưa lên cao cho mọi người thưởng lãm. Ai nấy yên lặng, hồi hộp nhìn xem ai là người có diễm phúc lên để nhận giải thưởng? Ai là người đã trồng được cây Uất Kim Hương vô giá này? Ông Thế Diễn lên tiếng, nhắc lại từng chập:
- Hoàng tử sắp đến. Khi ngài đến, tôi muốn rằng người được giải thưởng tức là người đã trồng được cây hoa Uất Kim Hương đen này tiến lên đây để trình diện với mọi người.
_________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 9