Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

TÌNH ANH EM - Thăng Cảnh


Anh em cùng thịt xương
Không như người đi đường
Vốn đã cùng cha mẹ
Nên biết cùng yêu thương 
 
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu 
 
Minh và Đức đi học về. Vừa bỏ cặp lên bàn. Đức đã vội vàng chạy vào mở tủ đem con vịt ra chơi. Con vịt bằng thiếc, trong ruột nó có bộ máy, lên dây thiều, bỏ xuống đất là nó đi nhúc nhắc. Minh đứng nhìn đồ chơi của em không chớp mắt. Nó thích con vịt ấy quá, nhưng không biết làm sao cho có được. Hôm qua, ba nó đi Sài-gòn về, cho nó một hộp viết chì vẽ, thằng Đức lại được con vịt máy. Nó nài nỉ ba nó cho nó con vịt máy, nhưng ba nó bảo:

- Con lớn rồi, lo mà học, còn lấy những đồ chơi trẻ con ấy làm gì ?

Thế mới ức chứ ! Nó chờ cho ba nó đem hàng ra Qui Nhơn, nó dỗ thằng Đức đổi con vịt cho nó lấy hộp viết chì vẽ. Nhưng khổ quá, thằng Đức nó cũng không chịu đổi. Minh tức mình lại bàn ngồi lấy sách học. Thằng Đức cho con vịt đi ngang đi dọc, thỉnh thoảng nó lại cười rú lên khi thấy con vịt đi đúng đường nó vạch. Minh phát cáu, bảo Đức:

- Đức, đem đi chỗ khác mà chơi để tao học

Minh không vừa:

- Ơ, anh học mặc anh, tôi chơi mặc tôi chứ !

Minh quát to:

- Nhưng mà mầy làm rộn tao học không được.

Đức sừng sộ:

- Thì anh đi chỗ khác mà học, sao lại bảo tôi đi ?

Thấy Đức làm già, Minh đành rút lui. Xưa nay, nó được cái miệng quát la to tiếng, nhưng ra việc đánh nhau, thằng Đức khi nào cũng thắng nó.

Đức chơi một lúc, mệt thấm mồ hôi. Nó bỏ con vịt vào túi áo, đi ra phía cửa. Gió thổi vào nghe man mát. Nó cởi phanh hai vạt áo hứng gió, để lộ ra cái bụng tròn tròn. Minh từ nãy đến giờ vẫn để ý kiếm dịp châm chích thằng Đức một vài câu cho thỏa. Thấy cái bụng phệ của em nó liền cười mia:

- Chu cha ! Ông Nhị-thiên-đường !

Ở trường, học trò cũng hay gọi Đức bằng tên ấy. Đức tức lắm, nhưng vì chúng nó đông nên không dám làm gì. Bây giờ nghe anh nó nhắc lại, nó liền hùng hổ chạy tới:

- Anh bảo ai là Nhị-thiên-đường ?

Minh đấu dịu:

- Tao nói ông Nhị-thiên-đường, chứ tao nói gì mầy !

Đức không chịu:

- Mà ai là ông Nhị-thiên-đường ?

Minh túng thế nói liều:

- Mầy chứ ai ! Ai mà có cái bụng phệ như mầy !

Đức xông vào kéo Minh xuống khỏi ghế. Thế là hai đứa ôm lấy nhau vật. Thằng Minh cao lênh khênh, bị thằng Đức đệm vào chân, vật ngã xuống, ngồi đè lên trên bụng. Nó vừa ngồi vừa nhún nhảy như ngồi trên giường lò-xo:

- Anh đã chừa gọi tôi là ông Nhị-thiên-đường chưa ?

Chao ôi ! Cái thân hình của thằng Đức mà ngồi lên trên bụng lép kẹp của thằng Minh thì còn gì ! Thằng Minh nghẹt thở quá, kêu inh ỏi:

- Má ơi, má ơi, cứu con với má ơi !

Bà Thông đang coi nồi cơm, nghe kêu vội chạy lên. Thấy thằng Đức ngồi nhún nhảy trên bụng anh, bà thét lên:

- Đức, mầy làm gì thế ? Mầy định giết anh mầy hả ?

Đức thấy mẹ, vội vàng đứng lên. Thằng Minh cũng lồm cồm bò dậy. Bà Thông nghiêm nét mặt hỏi Đức:

- Đức, tại sao con lại ngồi lên bụng anh con ?

Đức sợ đánh, mếu máo:

- Tại anh Minh gọi con là ông Nhị-thiên-đường.

Bà Thông suýt bật cười nhưng bà trấn tỉnh được , quay sang hỏi Minh:

- Minh, tại sao con lại gọi em con như thế ?

Minh cúi đầu không dám nhìn mẹ, ấp úng:

- Tại... tại...

Bà Thông quát lớn:

- Tại, tại... Anh thì bảo tại em, em bảo tại anh ! Ở yên không chịu ở, lại thích gây sự. Đã thế, cả hai đứa quỳ lên nhìn ra ngoài sân kia, cho đến bữa cơm.

Minh và Đức riu ríu quỳ xuống, nhìn ra sân. Bà Thông đứng nhìn hai đứa con rồi thở dài trở xuống bếp.

Cả hai đứa quỳ một lúc, lại quay sang nhìn nhau. Thằng Minh nhiếc thằng Đức:

- Tại mầy nghe không thằng khỉ ?

Đức cự lại:

- Tại anh, chứ tại tôi à? Ai bảo anh gây tôi trước ?

Bà Thông lo bữa xong, trở lên nhà. Thấy hai đứa không nhìn ra sân nữa, mà lại quay mặt hầm hừ nhau. Bà buồn rầu bảo:

- Thôi cho đứng lên ! Vào dọn cơm lấy mà ăn ! Má bảo quỳ nhìn ra ngoài sân, các con không chịu nghe, lại quay sang cãi nhau nữa. Thế thì má phạt có ích gì đâu ?

Bà Thông nói xong, bỏ vào giường nằm. Bà buồn quá. Có ông ở nhà thì hai đứa còn sợ, còn bớt cãi nhau, đánh nhau, chứ ông mà đi khỏi thì chúng nó mặc sức. Bà mắng gì, phạt gì rồi cũng thế, chúng nó chẳng sợ, Nhiều lúc bà ước thầm:

- Giá mà trời cho đứa trai đứa gái thì hay biết mấy !

Cả hai đứa đứng lên. Thấy má giận bỏ vào phòng nằm, không đi dọn cơm, chúng nó lo lắng nhìn nhau. Thế rồi cả hai đứa rón rén vào quỳ dưới chân giường, mếu máo:

- Chúng con xin má tha lỗi !

Bà Thông thấy tội nghiệp, bèn ngồi dậy, gọi cả hai đứa lại ngồi gần, mà bảo:

- Má thấy các con không yêu nhau, má buồn quá. Bây giờ ba má còn sống, mà các con ăn ở với nhau như thế, đến khi ba mà chết rồi, có lẽ các con sẽ giết nhau được. Thật các con ăn ở thua hai anh em người đời xưa quá sức !

Thằng Đức bản tính tò mò, quên cả chuyện má nó đang giận, vội vàng hỏi:

- Anh em người xưa làm sao má ?

Bà Thông chậm rãi kể:

- Ngày xưa, có hai anh em nhà kia mồ côi cha mẹ. Người em chưa kết bạn, ở trong nhà cha mẹ để lại. Người anh đã có vợ, làm nhà ở gần một bên. Ruộng nương cha mẹ để lại, hai anh em cùng làm chung. Đến mùa gặt hái về phơi trước sân nhà.

Tối hôm ấy người anh nói với vợ:

- Mình ạ, vợ chồng ta có hai người, còn làm thêm được ít tiền, còn như chú Ba, một thân một mình, chẳng làm thêm được việc gì có tiền. Phần lúa ăn tiêu làm sao cho đủ. Tôi tính bàn với mình, khuya nay, tôi lấy vài thúng lúa của mình, đổ thêm vào phần chú ấy. Không biết mình nghĩ sao ?

Người vợ vui vẻ ưng thuận. Người anh liền đi ngủ, định bụng đến khuya sẽ dậy thi hành.

Phần người em, đêm ấy đã khuya cũng vẫn còn thao thức không sao ngủ được, Chàng nghĩ thầm:

- Anh Hai ta có vợ, sắp có con. Phần lúa vừa chia, chắc vợ chồng anh không đủ dùng cho tới mùa sau. Ta thì một thân một mình, mà cũng được một phần như của vợ chồng anh ấy. Chi bằng ta lặng lẽ mang biếu anh chi ấy vài thùng. Nghĩ thế rồi người em tung chăn gối ngồi dậy đi làm ngay. Anh nhẹ nhàng xúc một thúng lúa, bưng sang nhà anh.

Trời về khuya, sương xuống hơi lành lạnh. Người anh đang ngủ bỗng sực tỉnh dậy, vội vàng đi xúc lúa bưng sang nhà người em. Bất ngờ nửa đường anh em gặp nhau. Nhìn nhau họ hiểu hết, Cả hai bỏ thúng xuống, ôm lấy nhau nức nở, nghẹn ngào. ..

Đó, anh em người ta ngày xưa ăn ở với nhau tốt lành như thế, đâu phải như các con !

Bà Thông kể xong, đứng lên bảo :

- Thôi, anh em ra dọn bàn đi để má đi bưng cơm lên.

Thằng Đức chờ cho má nó ra khỏi phòng, móc túi lấy con vịt ra nhét vào tay anh :

Minh trả lại :

- Không, anh không lấy nữa !

Đức tưởng anh không muốn đổi liền bảo :

- Không, em cho anh, em không lấy hộp viết chì vẽ đâu !

Minh cảm động nhìn em :

- Em cứ giữ lấy, anh em mình chơi chung.

Cả hai nắm lấy tay nhau, cùng đi ra dọn bàn. Nét mặt cả hai sáng hẳn lên.


THĂNG CẢNH   


 (Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 1, phát hành tháng 5 - 1962)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com