Vào
mùa nắng hanh, tuy chúng ta thoát được cái cảnh lầy lội, ướt át, bẩn
thỉu, nhưng lại e ngại hỏa hoạn vì hầu như hàng năm biết bao nhiêu vụ
cháy nhà đã gây thiệt hại không nhỏ về nhân mạng, tiền tài và vật chất
mà nguyên do phần lớn là tại bất cẩn.
Thật
vậy, có đọc báo ai nấy mới thấy tai họa xẩy ra thường chỉ vì một số
người cẩu thả, chẳng hạn trước khi đi ngủ quên tắt bếp hoặc tắt chưa kỹ
vẫn còn sót lại chút than hồng ; đổ dầu vào lon thật đầy và để ngọn lửa
quá lớn ; nấu nướng xong chưa vặn hết bấc bếp dầu xuống đã vội thổi tắt
đi ; mải bơm đèn "măng sông" đến nỗi hơi dầu vượt mức an toàn ; kiểm
soát xăng trong xe bằng ngọn nến ; đưa đèn dầu vào trong màn bắt muỗi ;
dùng dây thép, dây đồng thay dây chì hoặc lắp dây chì quá lớn trong khi
hệ thống dẫn điện tại nhà quá cũ ; quên tháo bàn là, lò sưởi khỏi chỗ
nối điện... v.v... và ... v.v... Tất cả trường hợp trên đều là dịp thuận
tiện cho lửa dễ dàng phựt lên bốc cháy dữ dội rồi lan sang hàng xóm.
Như
thế, thiên hạ có trách móc cũng phải, khi chúng ta không chịu tiên liệu
mọi hậu quả tai hại, để đến lúc nào đó xẩy ra tai nạn rồi mới hối tiếc
thì đã quá muộn, ấy là chưa kể tới sự trừng phạt do pháp luật dành cho
mình.
Nhưng
theo Paul W. Kearney, tác giả bài Hot Margie đăng trong tạp chí "The
Familly Circle" thì nguyên nhân phát sinh ngọn lửa không phải hoàn toàn
do lỗi lầm của chúng ta đâu. Có nhiều trường hợp hết sức bất ngờ vì "thủ
phạm" những vụ cháy ấy không gì khác hơn là sức nóng. Chính sức nóng
tai quái chẳng những ảnh hưởng trực tiếp tới tâm, sinh lý con người mà
còn kết hợp chặt chẽ với chất dầu (lấy từ thảo mộc hay động vật) có
trong các vật dụng như mực in, sơn, tơ lụa, vải vóc v.v... để trở thành
"đồng minh đắc lực" cho "bà hỏa" ra tay hoành hành.
Để dẫn chứng, Kearney trưng nhiều thí dụ điển hình dưới đây:
Hôm
đó chủ nhân căn nhà nọ đang ngồi làm việc bỗng ngửi thấy mùi gì khen
khét như giấy cháy đâu đây. Hốt hoảng, ông vội chạy lại coi thử đống báo
trên bàn, giá sách, sọt giấy vụn trong phòng xem có bị cháy không,
nhưng chẳng thấy gì cả. Bước sang phòng kế bên, ông vẫn nghe thấy mùi
khét đó. Vốn cẩn thận, ông làm một vòng kiểm soát khắp nơi, từ trên gác
xuống tầng dưới, từ trong nhà tới ngoài vườn mà vẫn chưa tìm ra manh
mối. Quái nhỉ, mùi khét kia ở đâu ra mới được chứ? Thử kiên nhẫn chút
nữa xem sao. Vừa đi ngang qua cầu thang, ông chợt giật mình kinh ngạc vì
mùi khét lẹt bốc ra ở góc này. Sợ quá, ông lách vào coi thử thì kia kìa
chồng báo cũ xếp trong đó đang bốc khói. Thận trọng, ông lôi nguyên cả
chồng báo ra giữa nhà đoạn giở tung từng tờ tìm kiếm mới biết lửa cháy
âm ỉ từ hồi nào chẳng ai hay. Lạ nhất là lửa cháy từ giữa đống báo cháy
ra chứ không phải từ ngoài vào, thành thử ban nãy ông không thấy. Giờ đó
trong nhà chỉ toàn người lớn và đều bận việc, vả lại ai dại gì mà chui
vào gầm cầu thang nóng nực để chơi trò nguy hiểm ấy bao giờ. Hú vía! Nếu
không kịp thời ngăn chận, có lẽ nhà ông sẽ ra tro mất thôi. Phải chăng
mực in có chất dầu gặp hơi nóng đã bốc cháy?
Một
người khác mua về mấy chậu hoa hồng. Ông thấy người ta dùng loại vải
tẩm dầu quấn quanh gốc để giữ nước cho đất luôn luôn ẩm nên cũng để
nguyên như vậy bỏ vào giỏ mây đặt lên bàn trong tầng hầm dưới nhà. Vài
ngày sau, người giúp việc thấy vải đó bốc khói mới tò mò bóc ra coi. Nào
ngờ đúng lúc ấy ngọn lửa bùng lên cháy luôn mảnh vải. Làm sao cắt nghĩa
được hiện tượng này nhỉ?
Trưa
hôm đó, bà nọ sợ tái xanh cả mặt vì tấm thảm trải nền nhà tự dưng bốc
khói mù mịt. Lập tức bà lấy nước dập tắt rồi khiêng tấm thảm ra ngoài
sân với ý định chờ cho khi nào khô mới mang vào. Nhưng sáng hôm sau, tấm
thảm bốc khói trở lại khiến bà áy náy bèn gọi điện thoại tới sở cứu
hỏa. Khi các chuyên viên tới quan sát, họ tìm thấy lửa vẫn âm ỉ tại bẩy
chỗ trên tấm thảm chứ không chỉ có một chỗ như bà chủ tưởng. Có lẽ chất
dầu tẩm trong tấm thảm nhằm giữ cho nó được đẹp và bền đã gặp hơi nóng
nên phát sinh ngọn lửa.
Một
bà nội trợ khác xuống tầng hầm dưới nhà lấy vật dụng. Khi mở nắp chiếc
hòm (rương) đựng quần áo, bà ngỡ ngàng vì chiếc áo bằng lụa đen do chính
tay bà giặt sạch sẽ và cất vào đây hôm nào, bây giờ chỉ còn là mớ tro
tàn. Mãi về sau, bà mới biết loại tơ lụa rất dễ bắt lửa, bằng chứng là
có lần một chiếc tàu buôn đã phát hỏa dữ dội ngoài khơi, vì hai trong
những kho chứa hàng có tơ lụa. Lửa tự dưng xuất phát từ các kiện hàng
trên do sức nóng dưới hầm tàu gây ra.
Tại
nhà ga xe lửa kia lửa bốc cháy một cách bí mật ngay trong phòng đóng
cửa kín mít. Theo cuộc điều tra thì mới trước đó một giờ, người thợ sơn
nào đó mắc những mảnh giẻ lau kính đầy dầu lên tường để về nhà ăn cơm mà
không ngờ rằng, sức nóng trong phòng bắt ngay vào các vết dầu trên mảnh
giẻ tạo thành ngọn lửa.
Lạ
hơn nữa là một thùng gỗ nhỏ đựng sắt vụn được đặt ở góc cơ xưởng một
hãng chế tạo vật dụng kim loại thình lình bốc cháy. Thì ra nền nhà, nơi
để thùng gỗ kể trên, dính đầy dầu đã ngấm dần vào gỗ rồi gặp sức nóng
gây nên hỏa hoạn.
Vẫn
theo Kearney thì chúng ta cần cẩn thận: Một chiếc áo mưa bằng nhựa treo
trong phòng kín ; một mảnh giẻ dính dầu mắc trên tường ; chút ít rêu
nhúng vào nước vẹc-ni ; đống tro cũ ở góc nhà ẩm ướt ; chồng báo vất bừa
bãi tại hơi ít người qua lại... v.v... mà gặp lúc thuận tiện, nghĩa là
chỉ cần một số lượng không khí cũng đủ tạo thành đám cháy to nhỏ bất cứ
lúc nào nếu có hơi nóng chung quanh. Bạn đừng coi thường nhé, vì tại Hoa
Kỳ số thiệt hại về những vụ hỏa hoạn như trên hàng năm lên tới hàng
chục triệu mỹ kim đấy.
Hiển
nhiên là chẳng ai trong chúng ta lại không sợ cháy nhà, nhưng không
phải vì thế mà bỏ quên đề phòng tai họa đâu. Hãy nhớ rằng sự tàn phá của
ngọn lửa thật khủng khiếp. Nó hủy diệt trong nháy mắt nhà cửa, của cải,
tiền bạc do bao công lao mồ hôi nước mắt của chúng ta và của mọi người
trong xóm đã tạo dựng mà chưa chắc gì bạn đã mua lại được, phải không
bạn? Thiệt hại cho mình đã đành nhưng còn hàng xóm thì biết tính sao
đây? Do đó, chúng ta hãy cố gắng ngăn ngừa cho chính mình và cho tất cả
mọi người hậu quả tai hại vì hỏa hoạn được chừng nào hay chừng nấy, bạn
đồng ý chứ?
ĐẶNG HOÀNG