Những
ngày tết qua rồi. Hôm nay đi học lại, thầy trò sau 10 ngày xa cách nay
gặp lại tự nhiên tình cảm như thắm thiết hơn lên. Tôi thấy học trò tôi
hình như có vẻ người lớn hơn năm ngoái một tí (!). Tết qua rồi nhưng
hương vị tết như còn cô đọng trên từng ánh mắt, đôi môi và nụ cười bọn
nhỏ. Những vui vẻ ngày tết còn tạo cho các em cái vẻ hồn nhiên hơn, xinh
xắn hơn. Tôi điểm mặt từng tên, tôi gọi từng em với một câu hỏi:
- Ăn tết vui không? Các em?
Lại những nụ cười toe toét, những tiếng nói ríu rít như chim và những ánh mắt sáng rực niềm vui:
- Thưa cô có vui ạ!
Tôi nhìn cả lớp – 60 khuôn mặt –
60 nét vô tư nhí nhảnh. Niềm vui ngày tết còn dâng ngập trong tâm hồn
các em, trào ra những cái miệng xinh thật là xinh tạo thành những nụ
cười chúm chím dễ thương ghê gớm. Tôi cười thật tươi với bọn nhỏ:
- Đừng cười nụ nữa, ai muốn cười cứ cười hết ga cô xem nào! Cứ cười đi bao giờ cô gõ là phải im ngay nghe.
Lớp
học đột nhiên náo nhiệt với những tiếng cười đủ giọng. Tôi gõ xuống
bàn. Im lặng trở lại. Một vài tiếng còn sót lại... hí hí... lại vài
tiếng phụ theo... ha... ha... ha... Rồi lại tiếp theo... hì... hì... và
tất cả lại đồng loạt cười ầm với 60 giọng đặc biệt tưởng chừng muốn bay
tung cả nóc nhà. Tôi nhức tai bưng vội hai tai lại mặc cho sự vui vẻ bộc
lộ tự do qua từng tràng cười dữ dội. Mãi một lát sau, thấm mệt các em
tự hạ dần giọng cười và dứt hẳn. Tôi bỏ hai tay xuống:
- Cười đủ chưa?
Tất cả trả lời thật to, thật đều:
- Thưa cô đủ rồi!
- Rồi, bây giờ mở vở luận ra làm bài. Nhớ viết chữ hẳn hoi, năm mới đừng để cô cho ăn roi đó nhé.
Lớp
học lại yên ổn trở lại, các em mở vở, những cuốn vở học đều một lớp
giấy màu vàng dịu mắt - 60 mái đầu nghiêng nghiêng nắn nót dòng chữ đề
ngày tháng. Tôi viết lên bảng đề luận tự do: "Những ngày tết của em vui
vẻ như thế nào? Hãy kể ra và nói cảm tưởng của em".
Những tiếng reo nhỏ xào xạc, một vài đôi mắt mở lớn ngơ ngác trước đề bài hơi lạ.
- Các em được tự do viết những gì mình đã có trong những ngày nghỉ tết.
Bọn
nhỏ cắm cúi làm bài, những bàn tay xinh xinh miệt mài trên trang giấy
nháp. Ngó dễ thương ghê gớm! Tự nhiên tôi thấy lớp tôi thật đẹp (!),
thật xinh với 60 khuôn mặt măng sữa và những ánh mắt long lanh ngây thơ
tột độ. Và... cũng tự nhiên, tôi cười một mình... buổi sáng, nắng rực rỡ
vàng ánh cũng đẹp tuyệt vời...
*
Xấp
luận trong tay tôi hình như dày hơn những lần làm bài khác thì phải,
tôi mở bài luận nằm trên cùng của Đỗ Tuyết Phượng, con bé lười học và lì
nhất lớp tôi, những dòng chữ nắn nót vắn vỏi: "Ngày tết nhà em không có
gói bánh chưng, cũng không mua bánh mứt như năm ngoái. Bố mẹ em bảo là
tiết kiệm không tiêu gì hết. Em cũng chả có quần áo mới như mọi năm. Em
đòi mẹ mua mãi bị mẹ đánh hai cái tát đau kinh khủng. Tết này em cũng
không được tiền lì xì nhiều tại vì Cha xứ cấm người lớn không được lì xì
cho con nít, em ghét Cha xứ lắm, tại Cha cấm nên em được có 30đ tiền lì
xì thôi".
Bài
luận chỉ có bằng đó mà con bé nắn nót từng chữ, tôi nhớ lại ánh mắt say
sưa chăm chú của nó lúc làm bài. Tôi lại nhớ cả những điều cấm của thày
giám học khi cho các em nghỉ tết. Cấm không được đòi may đồ mới. Không
được đòi lì xì. Không đánh bầu cua hay bất cứ một hình thức cờ bạc nào.
Con bé cũng thành thật ghê. Lần thứ nhất, tôi đặt bút vào ô để cho điểm
trên bài luận của Phượng con số 5 thật tròn.
Những
bài luận vơi dần dưới tay tôi. Những ngây thơ, những nét đẹp của tuổi
thơ trải rộng trước mắt tôi, tôi thấy thật rõ nụ cười của mỗi em rạng rỡ
trong từng bài luận. Tôi thấy thoải mái thật nhiều, để các em tự do tư
tưởng thế này có vẻ hầu hết đều thích thú. Tôi đọc tiếp một bài luận:
Nguyễn thị Phương. Ngay những dòng đầu đã làm tôi chú ý, con bé xưng
"tôi" thay vì xưng "em" như thường lệ. Bài luận thật dài. Tôi đọc từng
chữ những dòng xinh xinh của Phương (con bé viết đẹp nhất lớp):
"Hôm
nay cô giáo bảo làm luận tả niềm vui ngày tết. Tôi làm gì có niềm vui
mà tả bây giờ? Mỗi lần tết đến tôi lại buồn, buồn dễ sợ, đêm giao thừa
mọi người thức để đón năm mới, còn chị em tôi thức để quỳ bên bàn thờ mẹ
tôi. Vâng, mẹ tôi mất rồi, mất là chết đó. Mỗi năm, cứ đêm giao thừa,
tôi lại nhớ mẹ tôi thật nhiều. Ngày giỗ mẹ tôi đó. Đêm giao thừa năm 68,
tôi không bao giờ quên hình ảnh đêm đó. Sáng nay cô giáo cho cười tự
do. Tôi bị các bạn lôi cuốn vào bằng những nụ cười thật tức cười nên tôi
cũng hỉ hả góp mặt. Nhưng khi cô bảo tả niềm vui ngày tết, tôi lại buồn
rũ rượi. Mẹ tôi mất lâu rồi, từ hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi mới 4 tuổi –
cái tuổi thật bé để ghi nhận một hình ảnh vào tiềm thức. Ba tôi kể lại
lúc mẹ tôi đang cho tôi ăn thử bánh chưng vừa vớt ra (để đợi giao thừa
đó) thì thành phố bị pháo kích. Nhà tôi lãnh trọn tiếng nổ đầu tiên. Ba
tôi loay hoay ép bánh ở dưới bếp nên không việc gì. Các anh, các chị tôi
ở nhà ngủ cũng không sao, tôi bị hất văng vào một xó nhà và ngất lịm.
Một mảnh đạn chém thẳng vào bụng mẹ tôi. Bị mất máu nhiều và cả nhà tôi
bị kẹt giữa 2 bên đánh nhau, mẹ tôi mất ngay đêm đó. Lúc ba tôi lôi được
tôi từ trong xó nhà, khuất sau một cái tủ đứng thì tôi đã mềm nhũn như
cái giẻ rách. Ba tôi bảo tưởng tôi chết ngay đêm đó. Nhưng nhờ trời, đến
sáng thì lính xuống lục soát phía sau nhà tôi. Họ bảo đêm qua súng ở
nhà tôi bắn ra nhiều nhất. Bên xác chết của mẹ và thân thể bất động của
tôi, ba tôi khóc ngất và anh chị tôi cũng vậy. Những ông lính đưa gia
đình tôi về đồn và lo giúp ba tôi tìm cho mẹ một chỗ yên nghỉ. Tôi mê
man hơn một tuần lễ mới tỉnh dậy. Tôi còn bé quá, chỉ biết khóc lúc nhớ
mẹ –
tôi chưa hiểu được những thua thiệt của đứa con mất mẹ sau này. Rồi ba
tôi đưa chúng tôi theo những người di tản vào đây. Vùng chúng tôi ở bị
mất an ninh. Tôi lớn lên từ đó, èo uột mãi mới thôi. Ba tôi ngày một già
thêm. Các anh chị tôi đã đi làm để chia sớt gánh nặng gia đình với ba,
còn tôi, tôi lớn dần để thấy xót xa hơn trong những lần giỗ mẹ. Tôi buồn
dễ sợ lúc giao thừa. Năm nay cũng vậy. Đêm giao thừa, gia đình tôi ngồi
yên lặng bên bàn thờ mẹ. Tượng Chúa Giêsu giang tay trên thánh giá đặt
bên trên bức ảnh mẹ tôi. Chiếc lư hương được chị Liên đánh thật bóng từ
mấy hôm trước –
chúng tôi yên lặng nhìn nhau. Ba bắt đọc kinh cầu nguyện cho mẹ. Tôi
không đọc mà mắt nhìn thẳng vào ảnh mẹ tôi. Tôi không tìm được trong trí
nhớ một chút gì về hình dáng mẹ tôi cả. Ba tôi cũng yên lặng, anh Nam
sửa lại mấy cây nến trên bàn thờ. Bộ đồ lớn anh đi lễ về cũng chưa được
cởi ra –
anh bảo để đồ đẹp đón giao thừa luôn thể. Tự nhiên tôi thèm khóc dễ sợ.
Tôi cắn chặt môi. Nỗi nhớ mẹ vô hình tiềm ẩn trong tôi bây giờ bùng dậy
mãnh liệt. Chị Liên soi gương tô lại môi hồng. Chị Lụa gài lại cánh hoa
trên tóc. Mọi người có vẻ thản nhiên, vui vẻ. Tôi lại thấy xót xa một
cách thật ích kỷ: "Có ai nhớ đến mẹ tôi đâu?". Tôi muốn khóc, muốn gọi
mẹ thật nhiều lần như khi tôi còn bé nhưng cổ tôi nghẹn lại. Tôi mở
trừng mắt nhìn lên ảnh mẹ trang nghiêm trong ánh nến. Lúc giao thừa,
chuông đổ hồi và có ai đốt một dây pháo ở đầu xóm. Ba tôi đứng dậy,
giọng ba tôi run run:
- Út, giao thừa đó, con đốt trầm cho mẹ đi.
Không
giữ được, tôi bật khóc và đứng lên đưa tay mở nắp hộp trầm, xúc vào lư
hương nóng bỏng những muỗng trầm thật đầy. Hương trầm nghi ngút tỏa khắp
nhà. Tôi khóc thật ngon lành. Ba tôi lại làm dấu thánh giá, bắt lời
nguyện, các anh chị tôi đọc theo:
-
Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Monica được lên chốn
nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng.
Amen.
Lời
kinh thật buồn làm tôi khóc nhiều hơn. Chỉ một lát sau, các anh chị tôi
lại vui vẻ như thường. Còn tôi, tôi không bao giờ vui được trong những
lần giỗ mẹ như lần này. Những ngày tết của tôi không có gì đáng nói,
cũng bình thường với tiền lì xì, quần áo mới. Mà tôi, có bao giờ tôi vui
với những thứ này đâu. Tết của tôi là đó, niềm vui của tôi là đó. Sự
thiếu hụt mẹ hiền ngày một lan rộng và vây bọc tôi –
nhớ mẹ, tôi bắt chước ba cầu nguyện cho mẹ. Tôi thấy nhẹ nhàng một
chút. Niềm vui ngày tết của tôi đó. Vâng! Niềm vui của tôi là được đốt
cho mẹ tôi những muỗng trầm thơm ngát. Được đọc trước ảnh mẹ trong đêm
giỗ mẹ những lời cầu nguyện thiết tha. Xin Chúa thương đến mẹ con, ba
con, và thương cả chính con nữa".
Đọc
xong bài luận thật dài của Phương, đến lượt tôi xúc động và dù không
muốn, tôi cũng thấy thèm khóc như con bé diễn tả.Tôi lao đao, bềnh bồng
với những diễn tả chân thật của con bé. Tuổi thơ. Đâu có phải tuổi thơ
không biết buồn, không biết suy tư? Học trò tôi đó, 10 tuổi đầu với sự
bất hạnh kéo dài bên cuộc đời và tăng thêm theo từng tuổi lớn –
10 tuổi đầu đã nhận diện cái buồn, cái khổ của đời sống. Tôi thấy mình
đã lầm khi nghĩ về thế giới của trẻ thơ như một thiên đường không vương
buồn sầu, nghĩ ngợi. Đọc những dòng chữ Phương viết, tôi thấy con bé
khôn trước số tuổi nó đang mang –
10 tuổi đầu với những ý nghĩ thật, bộc lộ những ray rứt của niềm nhớ
thương người mẹ bất hạnh được con bé diễn tả làm tôi cảm thấy buồn lây.
Không nghĩ ngợi, tôi cầm bút khoanh một con số 8 thật tròn thật xinh, và
trí óc tôi thầm nhủ: " Cho điểm cao một chút cho nó bớt buồn vì nhớ
mẹ". Tôi đọc lại phần kết luận thật cảm động: "Xin Chúa thương đến mẹ
con, ba con, và thương cả chính con nữa"! Tôi cũng thầm mong Chúa sẽ
nhận lời cầu nguyện của Phương, cô bé học trò sớm biết buồn và suy tư
của tôi.
Tháng 2-74
Mt. HOA
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com