Nhờ thiên tài của một người Nhật xuất chúng, nghệ thuật xưa này đang phục hưng và được phổ biến trên toàn thế giới.
Năm rồi, lần đầu tiên tôi được xem nghệ thuật xếp giấy kỳ diệu trong một
căn nhà khiêm tốn có 3 phòng tại Đông Kinh. Bên kia bàn, ông Akira
Yoshizawa ngồi, một ông già mũi thấp 58 tuổi, tóc bạc chải ra sau, trên
vừng trán cao có những nét nhăn vì nghĩ ngợi nhiều. Tôi nhìn sững mấy
ngón tay no tròn một cách kỳ lạ của ông trong khi ông vuốt một miếng
giấy xanh nhỏ, xếp thành hình ba góc, sau đó xếp mười ba làn xếp, ấn đều
và mạnh hơn. Kế đó ông để trước mặt tôi một con cóc, giống cóc sống một
cách lạ lùng, lấy ngón tay chận lên khu nó, nó nhảy tới 4 đốt! Kế đó
ông xếp một con gà con vàng tuyệt hảo, mỏ mở rộng như đang kêu và hai
chân nhỏ xếp khéo đến nỗi dường như có thể bước tới bước lui.
Đó là những sản phẩm kỳ diệu nho nhỏ của Origami, nghệ thuật xếp giấy
xưa của Nhật Bản làm cho khắp thế giới rất nhiều người ưa thích. Những
sản phẩm kỳ diệu của Origami dường như vô tận, có rất nhiều kiểu và đáng
ngạc nhiên hơn nữa là, theo truyền thống cổ điển, các kiểu chỉ được xếp
chớ không cắt. Các nhà lão luyện về Origami ngày nay vận dụng trí não
và ngón tay đặc biệt khéo léo. Họ tạo ra càng ngày càng nhiều những kiểu
xếp thật lạ lùng và đặt ra những vấn đề khó giải quyết, không khác
những bài toán kỷ-hà-học.
Trong các sản phẩm tí hon dồi dào ấy, gồm không những các loại cầm thú,
côn trùng của chiếc tàu NOAH, ngoài ra còn gồm đủ thứ những vật bất
động. Chẳng hạn, Giáo sư Đại Học Đường Brown, James M. Sakoda đã đoạt
giải Origami ưu hạng tại cuộc thi Phi Cơ Giấy Quốc Tế ở Cựu Kim Sơn năm
1967, với một kiểu phi cơ siêu thanh lưu tuyến (streamlined).
Tháng giêng 1969, công chúng kéo nhau vào xem cuộc triển lãm "Thế Giới
Thần Tiên" do ông Yoshizawa tổ chức tại Yokohama ; mọi người đều kinh
ngạc trước những hình giấy xếp thành đủ kiểu nhân vật trong các chuyện
cổ điển Đông Tây cho trẻ con, gồm có Pinocchio, Cô Bé Mũ Đỏ, Bạch Tuyết
và 7 chú lùn. Ông Yoshizawa cũng là người đầu tiên trên thế giới uốn nắn
thành những chân dung origami, trong đó có chân dung ông, giống một
cách đặc biệt.
Nguồn gốc của Origami nằm trong thời Trung Cổ Nhật Bản ; trước tiên sản
phẩm Origami được dùng trong các cuộc tế lễ, trinh nữ các lăng miếu xếp
những hình có ý nghĩa tượng trưng dùng để tế thần. Nghệ thuật xếp giấy
ngày nay xuất hiện từ thời kỳ Muromachi (1336-1568) và được xem là một
hiện tượng văn hóa.
Vào khoảng giữa thập niên 1800, những người Nhật thích xếp giấy đã sáng
chế ra 70 hình khác nhau và sau đó không lâu, hình thức giải trí này
được đưa vào các trường mẫu giáo và tiểu học.
Gần đây, Origami được chú trọng khắp thế giới, chính là nhờ khả năng
sáng chế và lòng tận tâm lạ lùng của Akira Yoshizawa, được khắp nơi hoan
nghinh, xem ông là vị tôn sư lão luyện nhất của nghệ thuật này.
Ông Yoshizawa là con của một chủ trại sữa ; thuở nhỏ ông đã để hết tâm
trí vào Origami. Đi học chỉ mới 6 năm ông đã phải làm việc 13 năm trong
một xưởng đúc sắt ; ở đây ông đã được người thô cả dạy cho những nguyên
tắc của kỷ-hà-học. Năm 1937, lúc 26 tuổi, ông rời xưởng đúc sắt để
chuyên chú một mình vào môn sở thích thuở nhỏ, và chỉ gián đoạn để làm
những việc cần thiết để mưu sinh.
Sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc, không bao lâu, đã xảy ra một biến cố
cực kỳ quan trọng đối với Yoshizawa. Tadasu Iizawa, chủ bút tạp chí có
hình hàng tuần Asahi Graph, đang tìm một nhà Origami để xếp 12 hình
tượng trưng của đường Hoàng Đạo. Một người bạn giới thiệu Yoshizawa.
Người chủ bút gặp ông đang mặc một bộ đồ nhà binh cũ rích, bộ đồ duy
nhất của ông, đi từng nhà bán Tsukudani (cá con nấu nước đậu). Công việc
đề nghị thực khó, nhưng Yoshizawa chụp ngay cơ hội.
Ngồi mãi trong một căn phòng của lữ quán, giữa từng đống giấy đủ màu,
ông tích cực tính các cạnh các góc, xếp rồi tháo, tháo rồi xếp, luôn
luôn tìm cách đạt đến tuyệt hảo. Ông đã sản xuất những hình thật đẹp,
thật linh hoạt, làm cho bài báo có minh họa của tạp chí Asah nổi tiếng.
Không bao lâu, tài nghệ Yoshizawa được toàn quốc nhìn nhận.
Mặc dù nổi tiếng, Yoshizawa vẫn tiếp tục vận dụng nghị lực, chỉ sống vì
nghệ thuật của mình mà thôi, không ngưng tìm cách đạt đến tuyệt hảo. Vì
lẽ những hình giấy uốn nắn của ông dễ méo mó khi bị từ tay người này qua
tay người khác, do đó, đối với ông những vật ấy chẳng những không được
rờ mó mà cũng không ai mua được. Ông có trên 20.000 sản phẩm đựng nghẹt
trong những hộp bằng gỗ đặc biệt và bằng giấy cứng để tại nhà, ông không
hề bán một thứ nào. Ông giải thích một cách đơn giản "ai lại bán chính
con mình bao giờ".
Có người hỏi đề tài Origami khó nhất của ông là gì. Ông trả lời ngay:
"Con ve, tôi phải mất 23 năm". Ông phân tích cơ thể và thần kinh hệ của
con ve, sắp xếp thế này sắp xếp thế kia, vuốt bề này vuốt bề kia cho đến
khi ông xếp được con ve trong mộng, đôi khi đang ngủ vội thức dậy để
ghi chú một tiến triển mới. Ông nói: "Tôi có một hình ảnh hoàn hảo trong
đầu và từ năm này qua năm khác tôi đã làm hàng trăm kiểu, nhưng chưa
thỏa mãn". Sau bao nhiêu lần, cuối cùng một hôm vào năm 1959, Yoshizawa
nắn được con ve hằng mơ ước, thật hoàn hảo khi nó nằm trong lòng bàn
tay, khiến cho người sáng tạo ra nó cảm thấy "dường như ông ta đang nhìn
thấy được lẽ huyền diệu của sự sống" và thật sự khi ông ta cho tôi xem
bảo vật của ông, tôi nghĩ rằng đó phải là một con ve sống thật sự.
Về con ve này và những sản phẩm rất quý khác của ông, ông Yoshizawa nhận
xét như sau: "Tôi không cảm thấy là tôi đã thật sự sáng tạo ra những
vật ấy. Tôi cảm thấy rằng Thượng Đế đã hướng dẫn tôi và chính tôi cũng
ngạc nhiên trước những kết quả đạt được".
Khi từ một miếng giấy hình chữ nhật xếp thành con cò hoặc con cóc nhảy
đầu tiên, những người mới bắt đầu luôn luôn ngạc nhiên không cần phải có
thiên tài đặc biệt gì, chỉ cần kiên nhẫn và quyết tâm, và mặc dù anh có
thể dùng giấy và dụng cụ origami đặc biệt, nhưng bất cứ giấy gì chắc
bền cũng dùng được. Ông Yoshizawa cho biết: "Trước khi khởi sự, anh phải
biết tính chất của giấy ; giấy cũng có thớ như gỗ và khi mình xếp theo
thớ thì dẻo hơn".
Về sách dạy Origami chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có trên 20 cuốn xuất bản từ
năm 1960, chỉ dẫn từ bước một, kèm theo những phù hiệu để hướng dẫn. Các
phù hiệu đặc biệt rõ ràng và tinh xảo của ông Yoshizawa, gồm những
đường, những gạch ngắn và những mũi tên, gần đây đã trở thành ngôn ngữ
quốc tế về origami. Có hai phù hiệu căn bản: "thung lũng" là xếp về
hướng gần mình và "núi" là xếp về hướng xa mình. Những người mới tập xếp
nên nhớ trước tiên thử xếp những gì đơn giản và cẩn thận tiến tới
nghiên cứu đồ biểu các làn xếp của những vật đã được lựa chọn. Khi khả
năng đã phát triển thì không gì ngăn cản sự sáng chế ngoại trừ tài năng
mỗi cá nhân. Ông Yoshizawa nói: "Anh đang đối thoại với giấy của anh".
Tại nhà, nghệ thuật xếp giấy là một môn giải trí hữu ích cho các bạn
thanh niên thích hoạt động. Khi đi du lịch người ta sẽ không khi nào cô
độc, bạn hãy bắt đầu xếp đi rồi sự huyền diệu của nghệ thuật này sẽ biến
khách lạ thành bạn quen. Origami đem lại biết bao thích thú, khiến
khoảng 50.000 khách mộ điệu ở Tây phương dùng thì giờ nhàn rỗi để xếp
hết vật này đến vật khác.
Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất của Origami có lẽ là khả năng chữa bệnh, khả
năng đem lại cho người đau một môn giải trí có khả năng trị liệu. Khi ở
Tân Tây Lan, trong một cuộc du hành thân hữu do Chánh phủ Nhật bảo trợ,
ông Yoshizawa đã làm cho độ 100 người đau bệnh thần kinh, say mê khi
ông dùng những giấy vuông xếp thành chim, thành bướm. Bà Lillian
Oppenheimer, người sáng lập Trung Tâm Origami tại Nữu Ước, là một giáo
sư xuất sắc về nghệ thuật này, trong số đồ đệ của bà có những nữ khán hộ
và y sĩ của các bệnh viện Nữu Ước. Một y sĩ ở Bellevue tập cho một
thiếu nữ xếp một con chim đang bay, cô này đã 10 năm rồi không nói một
lời. Qua hôm sau, cô thiếu nữ chạy đến cô nữ khán hộ, nói bập bẹ "em xếp
được rồi, em xếp được rồi!"
– cô thích quá và không để ý là cô đã nói lại được.
Điều mơ ước tha thiết nhất của ông Yoshizawa là thành lập một viện bảo
tàng và một trung tâm nghiên cứu để nhân dân thế giới được hưởng những
cái lợi của Origami. Ông giải thích: "Tôi muốn cống hiến phần còn lại
của đời tôi cho việc này, vì lẽ khi chúng ta sử dụng bàn tay hữu hiệu
thì tim của chúng ta yên vui hơn bao giờ hết".
"Chúng ta vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào, cũng có thể thưởng thức
một vẻ đẹp vô biên và hưởng một niềm vui vô tận, chỉ cần xếp một miếng
giấy".
"ORIGAMI, sáng tạo những hình đẹp như bài thơ, là Thẩm Mỹ đơn giản hóa
đến tột độ. Do đó ORIGAMI có thể là một tượng trưng của tình thương kết
hợp các dân tộc trên thế giới. Ý định của tôi là dùng ORIGAMI làm cho
thế giới gần gũi nhau".
Akira YOSHIZAWA
LELAND STOWE
(Trích trong Bản Thông Tin của Sở Văn Hóa và Thông Tin
của Tòa Đại Sứ Nhật Bản, số 11, tháng 11-1972)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)