Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

HOA NỞ TRÊN TRỜI CAO - Trần Ngọc Kính

 

Những ngày lễ lớn như Quốc Khánh, Noel hay Tết các bạn vẫn thường nhìn thấy nhiều hoa pháo đầy màu sắc nở tung tóe trên bầu trời đêm. Chắc các bạn cũng đã có khi tự hỏi không hiểu cách thức người ta đã làm pháo bông như thế nào.

Nơi đây chúng tôi sẽ trình bày cùng các bạn một vài chi tiết trong công việc thực hiện những hỏa pháo dưới hình thức hoa màu, bay vọt lên từng không để bừng nở trên cao.

Nếu chúng ta vượt thời gian trở về các thời đại cũ ta sẽ được biết rằng pháo đã xuất hiện trước những phát minh về thuốc súng, và thuốc pháo lúc đó được gọi là chất bột đen.

Cả thế giới đều phải công nhận chính người Trung Hoa thời đó đã là những người đầu tiên nghĩ ra và làm được thuốc pháo, và hình như người Á Rập trong thời Trung Cổ cũng biết sử dụng thuốc pháo loại nầy. Cho mãi đến những thế kỷ cận kim người ta cũng ít khi nói đến thuật làm hỏa pháo, và vẫn cho đó là kỹ thuật của các chuyên viên có thể làm xuất hiện trên cao những ánh lửa đủ màu đủ sắc.

Thực ra thì kỹ thuật này không có gì lạ, đó chỉ là sự việc thay đổi thành phần bách phân của những hỗn hợp nổ để được những cây pháo phát ra tiếng nổ, rồi vọt lên cao và tung tóe những tia lửa màu để làm vui mắt người xem.

Pháo bông hay hỏa pháo - nói chung là tất cả các loại pháo - đều được làm với cách thức tương tự nhau. Người ta dùng giấy bồi thực tốt (nghĩa là bền và chắc) cuốn kỹ thành nhiều lớp, rỗng ở bên trong để có thể chứa được thuốc pháo. Hai đầu của thân pháo vừa cuốn bằng giấy bồi được dán lại thật kín, một đầu có gắn sẵn một cái dây tim bằng giấy với một thứ thuốc dễ cháy, dây tim nầy sẽ thông vào đến thuốc pháo. Khi dây tim được đốt cháy lửa sẽ được dẫn đến thuốc pháo, thuốc nầy vốn là một hỗn hợp nổ gặp lửa sẽ cháy bùng và xé rách lớp giấy bồi của thân pháo. Tiếng giấy bị xé rách một lúc gây nên tiếng nổ của thân pháo, và tiếng nầy đã làm ta phải điếc tai trong mấy ngày Tết.

Về thuốc pháo, người ta hay dùng hỗn hợp Nitrat Kalium với lưu huỳnh và than cà thật nhuyễn, hỗn hợp này thường dùng làm pháo nổ dưới đất.

Với pháo bông hay hỏa pháo thì người ta dùng hỗn hợp Clorat Kalium thay thế cho Nitrat Kalium và Clorat Kalium vẫn trộn chung với lưu huỳnh và than  cà thật nhuyễn. Thân cây pháo bông thường thường dài hơn thân cây pháo nổ dưới đất nhiều. Khi cho thuốc pháo vào thân pháo bông, người ta chỉ cho vào khoảng ba phần tư thân pháo, ở giữa thuốc pháo phải có một khoảng trống chừng một phần tư thân pháo. Người ta lại cho một thứ hơi vào khoảng trống nầy, hơi có áp suất thật lớn, nhờ đó khi pháo nổ luồng hơi sẽ làm pháo bay vọt được lên cao. Ở đầu cây pháo có một cái túi ngăn cách với thuốc pháo đen nói trên bằng một mảnh giấy, túi nầy sẽ chứa những chất khi cháy thì có màu.

Chúng tôi xin kể một vài hợp chất đặc biệt:

- Muốn có màu đỏ ta dùng hợp chất của strontium.

- muốn có màu lục ta dùng muối baryum.

- muốn có màu trắng ta dùng bột magnésium hay bột aluminium.

- muốn có màu vàng ta dùng hợp chất của natrium.

- muốn có màu hồng ta dùng hợp chất của calcium.

- muốn có màu xanh ta dùng muối đồng.

- muốn có màu tím ta dùng muối kalium.

Người ta làm túi chứa bột khi cháy có màu nầy theo những hình dáng bông hoa tùy ý.

Sau đuôi cây pháo bông lại phải có "bánh lái" thường là một thanh gỗ dài khoảng mười lần thân pháo, nhờ bánh lái, pháo bông có thể bay lên cao không lệch hướng. Có khi người ta làm những cây pháo bông thật lớn, muốn vậy người ta phải làm một cái sườn theo ý muốn rồi kết thân pháo vào.

Đại khái cách thức làm pháo bông chỉ có vậy, tuy nhiên nếu bạn nào bỗng có ý muốn tự mình làm lấy pháo bông thì chúng tôi xin can. Chưa nói đến kỹ thuật tinh vi, chỉ việc trộn thuốc pháo chúng tôi cũng e các bạn sẽ không tránh khỏi nguy hiểm. Vì thuốc pháo là hỗn hợp nổ nên chỉ cần một chút vô ý nó sẽ bùng cháy và gây tai nạn ngay. Về những bột cháy thành màu sắc cũng vậy, nếu không có bàn tay khéo léo của các chuyên viên, chắc chắn bầu trời đêm sẽ không được tô điểm những hoa pháo tuyệt vời như ta đã từng chứng kiến.


TRẦN NGỌC KÍNH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)





Không có nhận xét nào: