Con
dốc chiều mưa trơn như mỡ làm hai đứa đi muốn té, tuy thế tôi vẫn không
dám nắm lấy tay Hương. Hình như Hương giận tôi. Mấy lần tôi cất tiếng
hỏi, Hương chỉ ậm ừ không trả lời. Thái độ của Hương trên đường từ chợ
về đây đã làm tôi suy nghĩ. Và tôi đã hiểu tại sao Hương giận tôi rồi.
Kỳ hè này tôi được theo bác về chơi Đà Lạt. Mọi lần vẫn thế, tuy bà con ở đây đông nhưng tôi vẫn thích nhà bác nhất. Hương là em cô cậu với tôi, bằng tuổi và học bằng lớp tôi. Vì ở xa nhau nên chị em tuy thương nhau nhưng không thân và hiểu nhau mấy. Tôi, mỗi vụ hè về đây đi chơi và tâm sự với Hương được vài bữa, rồi thôi, mỗi đứa một nơi, không một cánh thư, không một tin tức.
Hôm kia Hương có lên nhà bác hẹn tôi đi chơi và rủ tôi xuống nhà Hương ở lại. Tôi đã hứa sẽ ở lại nhà Hương một tối, vả lại tôi cũng sắp về. Thế nhưng chiều nay, khi hai đứa đi dạo Bờ Hồ về, người chị con bác tôi không cho tôi về nhà Hương. Chị nói khi nào tôi gần về, chị sẽ xuống với tôi, ở lại cùng Hương. Tôi vốn nể chị nên bằng lòng và hẹn Hương hôm khác. Từ lúc ấy Hương không nói với tôi một lời. Tôi đề nghị đưa Hương về, Hương cũng không đáp. Cứ thế, Hương đi trước, tôi đi sau, hai đứa lủi thủi, từ chợ về đây. Hương có vẻ như không cần biết tôi đang đi sau lưng nó. Không khí thật nặng nề giữa hai chị em. Mấy lần tôi muốn quay về, có lẽ Hương cũng không biết đâu, nhưng rồi lại thôi.
Còn một quãng đường ngắn nữa thì tới nhà Hương. Tôi vội cất tiếng gọi:
- Hương!
Hương chỉ quay đầu lại, không đáp.
- Bữa nay chị không xuống nhà được, thôi để ngày mốt, chị sẽ ở luôn một ngày, Hương chịu không?
Đợi tôi hỏi qua lần thứ hai, Hương mới nói:
- Thôi đừng tới, mốt em mắc đi họp, tối thì đi coi hát với các bạn em.
Tôi thấy nghẹn ở cổ. Hương nói dối tôi đó thôi. Tôi biết em chẳng bao giờ đi coi hát đêm. Tôi vẫn không giận Hương, có lẽ vì một phần lỗi ở tôi, vả lại tôi là chị.
- Nếu thế thì lần này lên, chị không ở nhà Hương được ngày nào hay sao? Cô la chị chết!
Giọng Hương giận dỗi:
- Không ai la chị đâu! Chị cứ ở trên bác đi, vui hơn nhiều.
Tới cửa nhà, Hương kéo nghiêng vành nón, đi thẳng vào nhà, không nhìn, cũng không nói với tôi một lời. Hành động ấy nhanh chóng quá làm tôi ngỡ ngàng, sững người đi một lúc. Ý nghĩ bị Hương hắt hủi và khinh khi đến với tôi, lần này tôi thấy tức tối thật sự. Biết thế lúc nãy mình đừng đưa Hương về hoặc bỏ đi nửa đường cho xong. Tại sao Hương lại có thái độ “khinh người” như thế? Tôi nhìn quanh quất chừng như sợ ai ai cũng thấy tôi bị Hương “bỏ rơi”. Chẳng ai để ý tới tôi cả. Tôi bực dọc trở về nhà. Lại phải về qua con dốc khi nãy, thật là chán.
*
- Thúy này, Thúy!
Tôi nằm im, giả vờ ngủ say. Chị tôi vẫn gọi:
- Thúy! Đã ngủ chưa?
Tôi muốn lên tiếng nhưng thôi, trong lòng thấy giận chị vô cùng. Phải chi hồi chiều chị đừng cản thì giờ này tôi đã ở nhà Hương rồi và đã chẳng có chuyện giận hờn xảy ra.
Càng nghĩ tôi càng thấy tức, tại sao Hương lại “vô lễ” với tôi như thế? Tôi đã hứa hôm khác sẽ xuống rồi cơ mà! Tôi là chị, tôi không có quyền giận Hương nhưng tôi còn có tự ái. Và tự ái không cho phép tôi năn nỉ Hương đến kỳ cùng. Hương đã đi thẳng vào nhà, không nói với tôi một lời, chẳng lẽ tôi chạy theo em sao?
Mình không được giận Hương, không được trách Hương, tôi nhủ thế. Mỗi đứa có một tâm tính, một hoàn cảnh. Chính hoàn cảnh đã tạo ra tâm tính trong chị em tôi. Cũng cùng một tuổi nhưng Hương và tôi, hai đứa hai lối sống khác nhau. Em được nuông chiều từ thuở nhỏ, sung sướng đã quen, em muốn gì được nấy ngay. Có lẽ Hương nghĩ rằng ai cũng phải nghe theo em, hở một tí là em giận hờn. Chị không giận Hương đâu em. Cuộc sống đầy đủ sung túc đã làm cho em hơi tự đắc. Cũng ngần này tuổi, Hương đâu có những đêm chợt trở giấc, như tôi, nghe tiếng của ba mớ, ú ớ trong miệng những tiếng dễ sợ và vô nghĩa hoặc nghiến răng mệt mỏi sau một ngày làm việc, để rồi tôi âm thầm nằm khóc một mình. Những giấc ngủ của Hương say nồng và thoải mái. Hương đâu phải lo nghĩ gì. Cũng bằng này tuổi, Hương đâu có những lần mang thẻ học sinh và bằng cấp đi xin việc làm theo lời rao trên báo. Hương đâu có những lần đi kèm trẻ về, một mình thui thủi trên đường vắng, gậm nhấm nỗi buồn và mặc cảm một mình. Những buổi tan trường của Hương vui vẻ. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, nhà Hương vang rộn tiếng cười của bạn hữu.
Tôi chợt thấy xấu hổ khi có ý nghĩ đó. Nhưng tôi chỉ nghĩ thế thôi, không so sánh, không mong muốn gì đâu vì tôi nghĩ sự đầy đủ sẽ làm cho con người trở nên thiển cận.
Nếu là chị em ruột hoặc bạn bè thân với nhau, tôi sẽ bắt Hương ngồi trước mặt tôi để nghe tôi giải thích. Tôi cũng thương mến Hương như thương mến người chị con bác vậy. Nhưng Hương là em họ tôi, làm sao đây? Tôi không có một quyền lực nào đối với em. Không lẽ cứ để cho sự đổ vỡ sứt mẻ tồn tại trong lòng hai chị em? Tôi phải làm gì đây? Xin lỗi Hương ư? Nhất định là không. Xuống nhà Hương ở lại ư? Hương đâu có bằng lòng.
Có tiếng thằn lằn tắc lưỡi đâu đây. Tôi chép miệng theo: “Thôi kệ!”
*
Trời
vẫn còn mưa. Buổi chiều cuối cùng ở Đà Lạt thật buồn. Tôi theo chị đi
chào từ giã tất cả bà con. Những lời hỏi han, chúc tụng làm tôi ngùi
ngùi, cảm động.
Tới cửa nhà Hương, tôi tần ngần chẳng muốn vào. Nhưng dù gì tôi cũng phải chào cô dượng để về chứ, cho dù Hương có giận tôi. Tôi ngập ngừng bước vào. Con chó già quái gở vồ ra sủa. Có tiếng Hương quát tháo trong nhà nhưng tôi không thấy Hương ra. Hình như Hương biết có tôi ngoài này. Cô tôi ân cần săn đón. Ý nghĩ tức Hương không còn nữa. Tôi nhờ cô gọi Hương ra cho tôi giã từ. Cô tôi kêu em, tiếng kêu to như thét, em vẫn không ra. Cô bực bội, vào trong nhà, bắt buộc Hương phải ra chào tôi. Tay cô nắm tay em lôi xềnh xệch, cô nói với tôi:
- Con biết không? Em nó buồn vì con không xuống ở lại với nó một ngày. Nó tiếc công nó sửa soạn căn phòng một buổi đấy!
Tôi nói cho cô rõ, ý tôi muốn hôm nay ở lại nhưng Hương đã không bằng lòng, từ chối rằng mắc bận đi coi hát. Nét mặt cô lộ vẻ giận dữ:
- Con này nói láo, để hồi cô cho nó một trận. Thôi, tối nay con ở lại đây đi! Hương, con xin lỗi chị đi!
Tôi thấy thương cô tôi quá! Cô thương tôi và ân cần thế đấy! Tôi định bằng lòng thì Hương vụt nói:
- Má không nhớ tối nay có mấy bác gì ở lại sao? Nhà chật lắm!
Lời nói của Hương như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Tôi mím môi, cố nén tức giận và nghẹn ngào để khỏi lộ ra ngoài. Thế này thì quá lắm rồi! Tôi đã nhịn nhục hết sức, Hương còn muốn gì nữa? Em giận dai và coi thường tôi đến thế ư?
Cô tôi hình như giận ghê lắm, cô la hét làm chúng tôi nhìn nhau, sợ hãi. Hương, sau câu nói “tàn nhẫn” đó, dường như hối lỗi và “đã nư giận”, lấm lét nhìn tôi. Tôi thấy tội nghiệp em quá đi thôi. Mỗi năm gặp nhau một lần, mỗi năm mỗi lớn, tình thương phải càng sâu đậm, thiết tha, cớ sao lại có sự buồn phiền, hờn giận giữa hai chị em mình hở Hương?
- Để hồi cô la nó, con đừng buồn. Nó làm em, con chớ chấp nó làm chi.
Không, chị không chấp nhất em đâu! Chị chỉ buồn khi thấy em không hiểu lòng chị thành thật, thương em biết bao. Ngày mai chị về, rồi lỗi lầm phiền muộn này có được xóa đi không? Hay rồi cả hai còn ngần ngại, ngượng ngùng để sang năm chị trở về đây, hai đứa phải bỡ ngỡ nhìn nhau? Chị chẳng muốn thế đâu Hương ơi!
Bầu trời bỗng dưng tối sầm hẳn lại. Cơn mưa bất chợt kéo đến, thật buồn. Tôi không muốn ở đây lâu, không khí ngột ngạt sẽ làm tôi phát khóc. Tôi chào cô, nhìn Hương thật lâu, cố nuốt muộn phiền để nói:
- Chị về nghe Hương! Có chuyện gì thôi hãy bỏ qua, em đừng để ý hờn giận chị.
Hương chớp nhanh đôi mắt, tôi thấy hai hàng lệ chỉ chực trào ra. Tôi nghiệp em tôi. Tôi biết em cũng thương tôi ghê lắm. Tuy thế, mỗi đứa vẫn có tự ái và mặc cảm riêng tư. Cả hai chúng tôi đều muốn nắm tay nhau, hay dặn dò viết một cánh thư, nhưng không dám.
- Ngày mai mấy giờ chị đi?
- Mười hai giờ trưa.
Hai tay Hương xoắn lấy vạt áo:
- Nếu mai em đi học về kịp, em sẽ lên đưa chị về.
Tình chị em là thế đấy, tôi không muốn đòi hỏi, ao ước gì hơn. Mọi phiền giận đã được quên rồi. Tôi chào cô, từ giã em ra về. Cô tôi nói theo:
- Mưa còn to lắm mà con!
- Không sao đâu cô!
Tôi quay lưng ra về. Trời vẫn còn mưa to ghê lắm, còn mưa để tôi trông thấy áo mình ướt hết.
Thúy
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 98, ra ngày 15-12-1968)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.