Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

ĐÀO DUY TỪ - Yếu Phu


Phủ Hoài Nhơn (Bình Định), một địa thế tốt đẹp. Dân chúng thuận hòa giầu sang. Năm ấy đón tiếp một lữ khách từ phương Bắc đến. Kẻ lữ khách ấy, thẳng đường vào một nhà giầu làng Tùng Châu xin chăn trâu độ nhật. Nhà giầu này vốn chuộng văn chương, nên hay đặt tiệc mời danh nhân, dị sĩ về đánh chén ngâm thơ luận bàn kim cổ.

Nhưng một buổi chiều kia sự khác thường đã xẩy ra tại thi đàn. Các danh nhân trí thức đang say sưa câu văn ngọn bút, đang mê đắm luận bàn, thì tự đầu nhà, kẻ chăn trâu, quần nâu áo vá (tức người lữ khách ngày nọ) cầm roi tiên đến bàn tiệc xin được đối ứng cùng các danh sĩ. Mọi người sửng sốt, nhưng cũng đồng ý cho dự. Quả thật chàng ta là tay kiệt liệt, đối đáp thao thao bất tuyệt như nước chẩy thác ngàn, tựa mưa tuôn gió lũ. Lại đưa thêm những ý kiến thâm thúy, sâu sắc về tình hình thời cuộc. Sự am hiểu vượt bực này khiến các văn nhân giật mình bái phục. Nhà giầu nọ kinh ngạc hơn nữa, nên từ đó đãi chàng như tân khách. Chàng xưng tên tuổi mọi người mới biết là: ĐÀO DUY TỪ.

Sau nhà giầu này đem mách chuyện với quan Khâm Lý Trần Đức Hòa, tay cận thần của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Vương. Hòa mời ông về dạy học và gả con gái cho, để chờ dịp thuận tiện tiến cử.

Ông sinh năm 1527 tại làng Nam Hòa huyện Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hóa, con của kép hát Đào Tá Hán. Thông minh từ nhỏ, nhưng cha mẹ đều mất sớm, nên không có tiền ăn học. Sau xin được vào học tại Chiêu Văn Quán ở Đông Kinh (Hà Nội). Được học an thân rồi thì lại thiếu ăn thiếu mặc. Ông kết nghĩa với người bạn học tên Lê Thời Hiến. Gia đình Lê Thời Hiến quý tài và chí cả của ông, nên tài trợ vật chất cho ông ăn học. Năm 1592, Bình An Vương Trịnh Tùng mở khoa thi Hương. Ông phải cải đổi tên họ để nộp quyển ứng thí. Vì thời ấy có luật không cho con nhà hát xướng ca nhi được thi, sợ khi ra làm quan bị ảnh hưởng mà gây bại hoại Phong hóa. Khoa ấy ông đậu Hương Cống. Trớ trêu thay, đậu xong thì bị phát giác và bị tước bỏ Hương Cống không cho đậu. Năm ấy ông vừa đúng 21 tuổi. Ông bỏ về quê cũ tiêu dao ngâm vịnh và vẫn cố công học tập.

Ở quê được ít lâu, có người mách bảo Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong đang chiêu mộ nhân tài sao không vào tìm dịp tiến thân. Ông liền sửa soạn khăn gói ra đi. Khi đến sông Gianh (sông Linh Giang) là biên giới Bắc Nam, sự canh phòng rất kỹ lưỡng, không thể vượt qua nếu không có giấy phép. Ông phải dùng kế lấy ống tre làm phao lội qua sông vào lúc tối trời. Đến miền Nam ông còn đi du lịch khắp nơi sau mới chọn đất Tùng Châu làm nơi nương náu, đợi thời.

Năm Đinh Mão, 1627, Chúa Sãi đại thắng quân Trịnh trở về. Quan Khâm Lý Trần Đức Hòa đem dâng bài "NGỌA LONG CƯƠNG VĂN" của ông lên. Chúa Sãi đọc xong lấy làm xứng ý, truyền tuyển dụng ngay vào chức Nha Ủy Nội Tán tước Lộc Khê Hầu coi trông các việc quân chính trong ngoài. Lúc ấy ông đã 55 tuổi. Đặc biệt, người ta còn kể lại rằng khi ông sửa soạn vào gặp Chúa Nguyễn thấy Chúa mặc áo lụa trắng, chân đi văn hài xanh, tay chống gậy long trúc, đứng đợi ở dịch môn, ông liền quay ra không vào. Chúa tỉnh thức sửa sang áo mão chỉnh tề rồi mời ông hội kiến. Hỏi cách giữ yên bờ cõi, ông trả lời minh bạch thông suốt, nên tin ông như thần nhân trời cho xuống giúp mình.

Từ đấy ông ra công giúp Chúa đặt định lại các phương pháp khảo thí, huấn luyện quân đội, tuyển duyệt tráng đinh tinh nhuệ xung vào cơ phận chuyên biệt.

Năm Kỷ Tỵ 1626, Trịnh Tráng lên thay Trịnh Tùng muốn đem quân đánh chiếm miền Nam nên vin cớ Chúa Nguyễn không chịu nộp thuế hai trấn Thuận Hóa, Quảng Bình, sai sứ giả đem thư của vua Lê đòi thuế. Chúa Sãi không chịu. Trịnh lại cho sứ vào bắt phải đưa con ra hầu, cùng với 30 thớt voi, 30 thuyền chiến lớn để nộp nhà Minh. Chúa Sãi chưa biết giải quyết ra sao thì ông tâu:

- "Hãy cứ nhận sắc thư, tránh họ khỏi nghi ngờ gây hiềm khích. Rồi gấp rút thao dượt lại quân đội cho vững vàng, sửa soạn thuyền bè, thành quách vững chãi. Lúc đó tôi sẽ có kế trả lại sắc thư mà không lo sợ gì quân kia".

Chúa Sãi y lời, giao cho ông phụ trách việc phòng thủ. Ông nghiên cứu địa thế rồi xin đắp lũy Trường Dục (chạy từ chùa Non ở chân núi Trường Dục đến bãi Hạc Hải). Lũy cao 3 thước, dài chừng 10 cây số và rộng độ 6 thước, còn gọi là lũy Thầy. Sau ông lại xin đắp thêm lũy Đồng Hới (chạy từ chân núi Đầu Mâu đến gần cửa Nhật Lệ), cao khoảng 6 thước, dài 18 cây số. Công cuộc phòng thủ hoàn tất, ông khuyên Chúa Sãi không nên nộp thuế cho Trịnh nữa và sai người đem trả sắc thư ngày trước của vua Lê. Trước khi trả, ông sai người làm một mâm đồng có hai đáy, sắc thư được bỏ vào giữa, trên thì để vàng lụa vật quý, rồi dặn sứ giả phải lén trốn về ngay khi xong việc.

Sau khi sứ giả Đàng Trong trở về không lời từ giã, Trịnh Tráng mới nhận ra mâm có hai đáy. Lúc mở thì thấy sắc thư kèm theo bài thơ chữ Hán do Đào Duy Từ viết như sau:

"Mâu nhi vô địch,
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương dịch"

Trịnh Tráng đưa hỏi cả triều, không ai hiểu được ý nghĩa. May nhờ Thái Úy Phùng Khắc Khoan giải thích theo lối chiết tự thành bốn chữ: "DƯ BẤT THỌ SẮC" nghĩa là "ta không nhận sắc phong".

Chúa Trịnh hiểu rõ nổi giận, cất quân chinh phạt. Nhưng nghe tin họ Mạc quấy rối ở Hải Dương, Cao Bằng nên đình lại, và cho thuyết khách đem vàng bạc vào Nam dụ Đào Duy Từ về. Ông không chịu vì không thể phụ lòng người tri kỷ, nên phải mượn bốn câu ca dao trả lời:

"Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu..."

Chúa Trịnh cũng nhất định dụ cho được, lại sai thuyết khách vào. Ông phải gửi ra Chúa Trịnh hai câu thơ dứt khoát:

"Có lòng xin tạ ơn lòng,
Xin đừng lại nữa mà chồng em ghen."

Đào Duy Từ giúp Chúa Nguyễn được 8 năm thì mất, thọ 63 tuổi (1634). Con cháu Chúa Nguyễn sau này dựa vào hai kỳ công của ông, giữ yên bờ cõi, đại thắng quân Trịnh nhiều lần, mỗi lần giết hàng vạn binh lính xứ Đàng Ngoài ở chung quanh lũy, ai nấy đều khiếp sợ. Chúng ta thỉnh thoảng nghe những câu thơ truyền tụng, tả nỗi nguy hiểm ấy như:

"Thứ nhất nguy hiểm lũy Thày,
Thứ nhì Võ Xá đồng lầy gớm ghê."


YẾU PHU sưu tầm   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 30, ra ngày 19-3-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com