Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

CHƯƠNG BA_MÙA XUÂN CỦA LAM


BA


Lam ngồi bệt xuống giường, đôi mắt nhìn chầm chập vào tủ áo, màu sắc rực rỡ thi đua nhảy múa trước mắt Lam.

Suốt từ sáng đến giờ Lam vẫn chưa chọn được một màu áo thích hợp để mặc trong buổi tất niên hôm nay. Lam cũng chẳng hiểu tâm trạng mình ra sao nữa. Lúc thì vui, lúc thì buồn. Khi thì Lam muốn mặc chiếc áo màu hoa cà mới mẻ, khi thì Lam chỉ muốn mặc chiếc áo màu đen tang tóc. Chỉ còn mười phút nữa thì Thảo sẽ đón Lam để hai đứa cùng đi đến trường. Lam vẫn bị giằng co bởi các màu áo, không phải tại Lam khó tính, có lẽ tại nỗi buồn đang xâm chiếm tâm hồn Lam thì đúng hơn.

Anh Sĩ sẽ trở về đơn vị sáng nay, điều đã khiến Lam buồn kinh khủng. Lam tưởng rằng kỳ phép này anh sẽ được ở nhà ăn tết, ai dè anh chỉ về một vài ngày rồi đi ngay. Ngày anh về vui bao nhiêu thì ngày anh đi cũng buồn bấy nhiêu. Lam thất vọng nhìn những giấc mơ đã vẽ trong đầu cho mùa Xuân năm nay chấp cánh bay cao. Mùa Xuân lại buồn thật buồn trong đôi mắt Lam.

Lam đứng dậy mở tung cửa sổ, một vài cơn gió đầu tiên ùa vào, quấn quít bên Lam. Lam ngước nhìn trời, không có gì thay đổi. Những cụm mây bạc và những áng mây xanh vẫn hiền hòa ấp ủ. Mặt trời đang le lói ở phương Đông, những tia nắng ấm ban mai rồi cũng sẽ len nhẹ vào hồn người… Tất cả vẫn còn đó và hình như chỉ mỗi mình Lam là thay đổi với những buồn vui lẫn lộn.

Lam bước lại tủ áo, lấy chiếc áo dài đen ướm thử lên người, soi trước gương và cuối cùng Lam quyết định mặc chiếc áo màu sắc buồn ảm đạm.

“Thế là xong” ! Lam ngắm mình trước gương một lần nữa, thốt lên câu nói tỏ vẻ hài lòng rồi mới chịu rời căn phòng ấm cúng, xuống nhà ngồi chờ Thảo ở phòng khách.

Tiếng hát Lệ Thu buồn nức nở với bài “Như cánh vạc bay” của Trịnh Công Sơn khiến Lam có cảm tưởng như tâm sự của chính mình.

“Nắng có hồng bằng đôi môi em… mưa có buồn bằng đôi mắt em… tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” Lam cất tiếng hát theo thật xúc động và tình cờ hai hàng lệ lại tuôn trên gò má Lam !...

- Ngồi làm cảnh cho họa sĩ nào đó ?

Lam giật mình. Thảo đến từ lúc nào mà Lam chẳng hay. Trông Thảo hôm nay thật tươi vui, nhí nhảnh với chiếc áo màu xanh da trời nhạt. 

Lam đứng dậy đón Thảo:

- Ngồi chờ mày chứ làm cảnh làm kiếc gì ?

Thảo trợn tròn mắt nhìn Lam:

- Bất mãn gì mà mặc áo đen vậy mày ?

Lam cười thật buồn:

- Tự dưng buồn ! Không thích “trình diễn” !

Thảo phê phán:

- Phức tạp ! Khó hiểu ! Tâm hồn của mày y như một “bát quái trận đồ”.

Lam nhún vai thật điệu, cử chỉ bất cần:

- Đã chết ai ?

Thảo trêu chọc:

- Chết chứ ! Một người.

Lam giả vờ phớt tỉnh:

- Tưởng tượng ?

Thảo đáp:

- Không tưởng tượng. Có thật. Thiếu úy nhà ta.

Lam véo Thảo:

- Chỉ được cái bậy. Thiếu úy nào ?

Thảo nổi sùng:

- Lại còn giả vờ hỏi. Đợi bắt được quả tang “lão” với mày “giung giăng giung giẻ” mới chịu nhận sao?

Lam làm bộ tỉnh:

- “Lão” nào ?

Thảo gắt lên:

- “Lão” Sĩ chứ lão nào ?

Lam cười nhẹ chối:

- Chỉ được cái vẽ vời.

Thảo cười, nụ cười khó hiểu:

- Ừ ! Vẽ vời ! Yên chí ! Thời gian sẽ trả lời.

Lam mơ màng:

- Ừ ! Thời gian.

Thảo giục:

- Thôi, đi chứ.

Lam gật đầu trả lời, cả hai nắm tay nhau bước ra khỏi nhà. Chị bếp ra gài cổng, Lam ngồi lên yên xe Honda, Thảo rồ ga chạy.

Những con đường quen thuộc lần lượt đi qua đôi mắt Lam. Có nhiều lúc Lam thấy mình thật lạ lùng, cố gắng tìm tòi những đổi thay vừa xảy ra trên những khu phố thân hữu này. Lam vẫn thường gọi đùa những con đường đưa Lam từ nhà tới trường là “thân hữu”. Mỗi lần nhận diện sự đổi thay là một lần Lam buồn kinh khủng. Một nỗi buồn vô cớ tự dưng có trong Lam. Cho đến bây giờ Lam cũng không hiểu tại sao mình có những trạng thái kỳ lạ như vậy ?

Lam giật mình ngoái cổ nhìn lại khi thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc. “ Không phải” Lam buông tiếng thở dài thất vọng.

Bóng người lính kia hao hao giống anh Sĩ khiến Lam tưởng anh đến từ giã Lam trước khi lên đường. Lam vẫn thắc mắc, nghi ngờ, không hiểu mình đã yêu chưa ? Có một điều khiến Lam bực mình hơn hết là lúc nào anh Sĩ cũng xem Lam như một đứa trẻ con không hơn không kém.

Suốt buổi tối hôm qua Lam đã cãi lý với anh Sỹ rất kịch liệt để quả quyết là Lam đã lớn. Thế nhưng anh Sĩ và anh Quốc vẫn cứ ôm khư khư một lập luận ngang như cua là Lam chỉ lớn đối với trẻ con thôi, còn đối với các anh, Lam vẫn chỉ là một đứa con nít. Lam tức và giận các anh kinh khủng, nếu không có chị Hằng bênh và theo phe Lam thì có lẽ Lam đã bật khóc lên rồi.

Lam không nhận được ở anh Sĩ một tình cảm nào khác ngoài những lời lẽ chân thành, những cử chỉ thân mật của một người anh dành cho cô em gái. Lam đã thật sự lo sợ khi thấy mình đã nghĩ về anh Sĩ quá nhiều và lệch lạc. Phải chăng tình cảm trong Lam đã thành hình và đang lớn dần với thời gian? Càng nghĩ Lam càng thấy nhức đầu, lòng rối như tơ vò và cuối cùng Lam thật thản nhiên nghĩ “ mặc kệ, đến đâu thì đến, đã bảo tình cảm vô hình đến không hẹn trước mà”.

Lam thầm trách anh Sĩ quá vô tình và quá độc đoán khi anh vẫn nhìn Lam bằng đôi mắt bao dung nhưng quá ích kỷ của người lớn. Ích kỷ thật ! Ích kỷ vì anh Sĩ đã không công nhận Lam đã trưởng thành. Vô lý hết sức ! Người lớn chẳng thực tế tí nào cả. Không có đôi mắt tinh ý tí nào cả.

Lam bây giờ không phải là Lam của những năm về trước. Lam đã thực sự lớn khôn với những dòng tư tưởng luân lưu trong đầu, với những giây phút suy tư phải có của một tâm hồn mới lớn và với vóc dáng đẫy đà của một thiếu nữ chứ không phải là một con bé cột bím tóc ngày nào.

Như một cơn lốc, Lam đang vươn lên, thật vũ bão, đạp đổ tất cả thành trì ấu thơ, dẹp bỏ tất cả thiên đường ngà ngọc, chuyển mình trong vũ trụ để bắt đầu đứng trong một khung trời khác. Khung trời của những tâm hồn biết suy tư, khung trời của những niềm vui bất tận, khung trời của muôn ngàn cay đắng xót xa.

Con người sẽ bất bình thường trong môi trường đó như Lam hiện tại, khi thì vui, lúc thì buồn, thật phức tạp, thật khó hiểu như lời Thảo nói. Rồi mây xanh có còn như Lam vẫn hằng cầu xin hay bầu trời này sẽ kết tụ mây xám giăng ngang ? Lam nào biết được !?  Không ai đoán trước được số phận của mình sẽ ra sao cả. Lam vẫn chỉ là một cô gái yếu đuối, thật xa lạ, thật ngơ ngác, thật lo âu trước cuộc đời. Những gì phải đến rồi sẽ đến…

Khung cảnh ồn ào của con đường cắt ngang ý nghĩ của Lam. “Đã đến trường”. Lam nói thầm trong đầu như vậy. Lam có cảm tưởng như hôm nay là một ngày trình diễn thời trang của các nàng. Quần áo đủ màu, đủ kiểu sặc sỡ nhảy múa trước mắt Lam, không khí nhộn nhịp vui tươi hơn bao giờ hết. Bản tính của người Việt Nam vẫn thế, nghèo suốt năm nhưng ba ngày Tết không nghèo.

Thảo lái xe chậm hẳn lại, tránh né, lách từng đám người. “Đúng là dân vô trật tự có khác”.

Trường Thảo vẫn gọi trường bên cạnh là “dân vô trật tự”. Lời trêu chọc và những tiếng huýt sáo sỗ sàng của mấy chàng nam sinh không làm Thảo và Lam bực mình tí nào cả vì các cô đã quá quen với cái cảnh này.

Khoảng năm phút sau, Thảo và Lam mới thoát khỏi cửa ải. Thảo thở phào nhẹ nhõm:

- Thế là thoát nợ.

Lam cười phụ họa:

- Một đoạn đường kém thẩm mỹ.

Cả hai cùng cười. Vừa thoáng thấy Lam và Thảo, Hà và Thủy réo ầm cả lên:

- Ê ! Hai con kia ! Làm gì mà đến muộn vậy?

Thảo đanh đá:

- Không muốn đứng ngắm mấy “thằng” quần xanh áo trắng như chúng mày.

Hà chống nạnh, cử chỉ thật chanh chua:

- Hừ ! Con khốn ! Mới đến nó đã “kê” mình rồi.

Thảo cười giao duyên:

- Tụi mày đến lâu chưa ?

Thủy cay cú:

- Chưa ! Mới chờ tụi mày khoảng hai mươi phút.

Lam cãi:

- Lỗi tại ông trời ! Tự dưng đường xá hôm nay đông quá ! Kẹt xe hàng nửa tiếng.

Hà lên tiếng:
- Lại đọc “học thuộc lòng”. Kẹt xe, bể bánh, đụng xe, hư xe v.v…

Thủy xen vào:

- Tụi nó bắt đầu lây bệnh “nhà binh” rồi ! Chuyên môn xài giờ “dây thun”.

Lam bật cười:

- Thôi vào trường chứ ! Đứng mãi ngoài này sao ?

Thảo cho xe chạy vào cổng trường, Lam thả bộ với Hà và Thủy. Hà nổi bật trong bọn với chiếc áo dài dệt những sọc ngang ở dưới vạt trông cứ y như người bản Thượng hay Cao Miên. Thủy mặc bộ patte trắng nên không có vẻ rực rỡ cho lắm.

Đang đi bỗng Hà nói:

- Một hiện tượng lạ !

Thủy hỏi:

- Cái gì ?

Hà tiếp:
- Một hiện tượng lạ mày không thấy sao ?

Thủy và Lam cùng im lặng chờ đợi câu nói tiếp của Hà:

- Con Lam tự tạo cho nó một nét đặc biệt.

Thủy nhìn Lam dò xét trong khi Lam mỉm cười:

- Chiếc áo dài đen ?

Hà đáp thật nhẹ nhàng:

- Ừ !

Cả Hà lẫn Thủy đều hiểu lầm, chiếc áo dài mà Lam đang khoác trên người chỉ là một sự tình cờ, không cố ý chọn lựa để tạo cho mình một nét đặc biệt. Thật đúng là một tình cờ, tự dưng Lam nổi bật chỉ vì đã làm khác mọi người.

Thảo nhập bọn sau khi đã khóa xe cẩn thận, bốn đứa len lỏi trong rừng người, tiến về cầu thang cuối dãy, lên lớp học.

Vừa trông thấy bốn đứa, Diễm, Tuyết, Phượng đã reo lên:

- A ! Ban tổ chức “văn gừng” đã đến.

Lam hỏi:

- Xong chưa ?

Diễm trả lời:
- Xong hết cả rồi. Có sân khấu đàng hoàng, tụi tao đợi con Hà và con Thủy để bàn giao.

Thảo nhìn quanh một lượt như đang kiểm điểm lại phần trang trí:

- Được ! Quên mất. Con Chi đem đàn đến chưa ?

Phượng đáp:

- Rồi. Tao đem thêm một cái nữa.

Lam vuốt nhẹ mái tóc nhìn Phượng hỏi:

- Chương trình văn nghệ đâu ?

Hà đáp vội:
- Ấy quên ! Để tao lên văn phòng lấy. Tao nhờ quay hôm qua mà.

Nói xong Hà bước đi, không quen lôi theo Thủy. Thảo vào lớp xem xét lại sân khấu, Tuyết nhìn Lam hỏi:

- Tí nữa mày hát bài gì ?

Lam đáp không suy nghĩ:

- Như cánh vạc bay. Còn mày ?

- Bao giờ biết tương tư.

Lam nhìn Phượng như hỏi lại câu hỏi ban nãy.

Phượng:

- Tình đã bay cao.

Diễm:

- Dang dở.

Lam mỉm cười:

- Toàn nhạc tình cảm buồn. Không khá được.

Diễm tiếp:

- Ừ ! Không khá được.

Diễm, Tuyết, Phượng trở vào khi nghe tiếng gọi của Thảo. Còn lại một mình Lam, Lam tì hai tay lên lan can, nhìn bâng quơ xuống sân trường.

Ngày tất niên đã đến trong sự mong đợi của Lam, nhưng Lam thấy buồn nhiều hơn vui. Một sự mâu thuẫn khó thương vẫn hiện diện trong Lam. Vui đó rồi lại buồn đó. Chẳng ai hiểu Lam, chẳng ai nghe tâm sự của Lam, ngay cả Thảo cũng vậy. Lam thấy mình bắt đầu cô đơn với những tâm sự  thầm kín trong đầu.

Nỗi cô đơn đó, cô động thành từng khối, đông đặc thành từng tảng, một ngày một lớn thêm như sự trưởng thành mau chóng của sinh vật.

Lam sợ hãi tưởng như mình đang bị vây kín trong một căn phòng không lối thoát, không có ánh sáng của mặt trời, không có bầu không khí trong lành, chỉ có sự trống vắng lạ lùng, Lam sẽ chết dần chết mòn trong nỗi lo sợ đó, Lam sẽ già nua, khô héo như một chậu cây không người vun xới. Chung quanh Lam sẽ không còn ai, chỉ có Lam đối đáp, chống chỏi với những ý nghĩ của Lam. Trời ơi !... Lam không dám nghĩ tiếp.

Tiếng đàn thánh thót vang lên từ lầu một, vài lớp học ở từng dưới đã bắt đầu cuộc vui. Hình như có người đang hát bản “Nước mắt mùa thu” !? Lam lắng tay nghe tiếng hát, để hồn chơi vơi theo tiếng nhạc, bay bổng, lơ lửng rồi mất hút trong một khoảng không vô tận nào đó. Chỉ một thoáng mơ cũng đủ thấy mình hạnh phúc ! Và Lam đang mơ màng, đang bị lôi cuốn khỏi khung cảnh hiện tại bởi những âm thanh ma quái hiện diện quá bất ngờ…

“Hay tuyệt ! Sao không hát nữa” Lam hỏi thầm. Lam muốn quên tất cả suy tư hành hạ con người có thể phát điên lên được. “Những người sống về nội tâm thường cằn cỗi”, Lam đồng ý như vậy và Lam cũng đang nhận thấy một vài vết hằn ngày tháng đang cày nát trên khuôn mặt ngây thơ của Lam ngày nào!...

Bóng cô Nguyệt vừa xuất hiện ở cổng trường, Lam vội vàng quay vào báo cho các bạn biết chuẩn bị tiếp đón cô, vị giáo sư đỡ đầu của lớp học.

Tiếng nói chuyện ngưng hẳn, ai về chỗ nấy, ban tổ chức gồm Lam, Thảo, Hà, Thủy, Diễm, Tuyết, Phượng, Chi đứng thành hai hàng ngang ngay lối vào làm “hàng rào danh dự”.

Cô Nguyệt vừa bước vào lớp, tiếng vỗ tay vang dội, chiếc quạt trần bắt đầu quay, thả rơi rừng hoa giấy xuống đầu mọi người. Lam mời cô Nguyệt đến chiếc bàn dành riêng cho giáo sư được đặt ngay giữa lớp. Trong khi đó, Thảo xuất hiện trên sân khấu, bắt đầu đọc “diễn văn khai mạc”.

Tiếng vỗ tay nổi lên sau phần chúc Tết sớm của Thảo. Tiếp theo là phần văn nghệ giúp vui trong khi cô Nguyệt và đám học trò dùng tiệc trà thân mật.

Mở đầu chương trình, Thảo hát bài “Ngày xưa Hoàng thị”, tiếng hát của Thảo cất lên thật cao, thật trong vắt, Lam xúc động theo từng lời hát, âm thanh dường như đang cố tình vây hãm, quấn quít bên Lam. Lam đã quên tất cả, có thể ngay cả chính mình, bản tính Lam vốn yếu đuối và dễ xúc động. Đọc một chuyện gì hay nghe một lời nào có vẻ hợp với tâm trạng của mình, có thể Lam sẽ khóc ngay, những giọt nước mắt tuôn rơi thật dễ dàng, Lam không đủ bản năng để kềm hãm. Và Lam nghĩ, hình như nước mắt càng nhiều thì tâm sự buồn càng vơi…

“… Xưa theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài, hôm nay đường này, cây cao hàng gầy, đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi.” Tiếng hát của Thảo đã dứt như âm vang còn đó, còn mãi trong hồn Lam. Tiếng vỗ tay của bạn bè không đủ để lôi Lam về với thực tại. Lam vẫn mơ màng, mơ màng với mái tóc Ngọ dài, với ai mang bụi đỏ đi rồi.

Thảo hát xong, giới thiệu Phượng với bài “Tình đã bay cao”, rời sân khấu, Thảo chạy đến bên Lam hỏi:

- Tao hát được không mày ?

Lam giật mình ngơ ngác vài giây rồi mới trả lời:

- Hay lắm ! Hay lắm !

Thảo nắm vai Lam lay nhẹ:

- Mày nghĩ gì mà đớ người ra vậy ?

Lam nhìn bạn đôi mắt sâu hun hút:

- Tự dưng tao xúc động khi nghe mày hát .
Thảo trách móc:

- Mày chỉ được cái vớ vẩn.

Lam cười:

- Những cái vớ vẩn đáng thương !?

- Ừ ! Đáng thương !

Thảo bước lại chiếc bàn để bánh trái và nước ngọt, xách hai chai nước cam và vài chiếc bánh đem lại chỗ Lam đứng. Thảo nheo mắt nói với Tuyết:

- Cho chị để nhờ tí nhé em?

Tuyết nổi sùng:

- Tao lại ăn hết bây giờ chứ nhờ vả cái giọng đó hả?

Hà lên tiếng:

- Mày dòm chừng bàn giáo sư xem thiếu món gì thì “ tiếp tế” ngay. “Xẹc via” mà chỉ lo ăn không à.

Tuyết hỏi:

- Còn con Diễm đâu ?

Thảo nhìn quanh lớp tìm Diễm rồi nói:

- Nó đang “hót” với cô Nguyệt.

Thủy nghiêng đầu sửa lại chiếc nơ:

- Tí nữa con Diễm hát bài gì ?

Thảo xem tờ chương trình trả lời:

- Dang dở.
Lam phát biểu ý kiến:

- Không hay. Bắt nó hát bài “Diễm xưa” với lại nó hát bài này hay hơn bài “Dang dở”.

Tuyết cười:

- Làm một màn cáo lỗi rồi giới thiệu cho nó “rét” một bữa.

Tiếng hát của Phượng vừa dứt, Lam nhắc:

- Kìa Thảo.

Thảo chạy lên sân khấu, cám ơn thay bạn và cáo lỗi:

- Kính thưa quý cô, thưa các bạn, vì lý do ngoài ý muốn, nhạc phẩm “Dang dở” không thể đến với quý cô và các bạn được. Để tạ lỗi, chúng tôi xin giới thiệu Thúy Diễm với nhạc phẩm “Diễm xưa”

Tiếng vỗ tay lại ầm ầm vang lên, Diễm lúng túng thấy rõ, có lẽ con bé đang rủa thầm lũ bạn quái ác! Thảo nhường chỗ cho Diễm, chạy về chỗ cũ, tất cả yên lặng, ngồi cắn hạt dưa nghe Diễm hát.

Một lần nữa, Lam lại thấy hồn mình bay bổng khi được nghe những bản mà Lam thích.

Lam nhìn ra ngoài trời, thật tình cờ Lam nhìn thấy nét đẹp của những kẽ lá. Một nét đẹp kín đáo mà Lam tưởng tượng mình đang bước thật nhẹ nhàng trên từng phiến lá, trong từng kẻ nứt già nua của cành cây.

Dường như trên đó là một thế giới vô hình, tưởng tượng nhưng Lam vẫn vẽ ra để rồi hy vọng và chờ mong thế giới đó có thật trong vũ trụ này. Niềm hy vọng cho dù có mòn mỏi, có khắc khoải Lam vẫn cứ hy vọng và không muốn, không bao giờ muốn ước mơ thành sự thật. Sự thật bao giờ cũng tầm thường và đáng chán. Thà rằng cứ hy vọng, cứ mong chờ thì ước mơ đó không bao giờ chết, mãi mãi còn và mãi mãi đẹp trong lòng người.

Lam có nhiều tư tưởng và lời nói hết sức người lớn, chính Lam, Lam cũng công nhận như vậy. Có đôi lúc nói được một câu gì thật hay, giật mình nghĩ lại, Lam thấy mình không còn là mình, một bình thường của ngày tháng xa xưa.

“Giờ này chắc anh Sĩ đang ngồi trên phi cơ về Đông Hà”. Lam lại nhớ đến anh Sĩ. Suốt một tuần nay, Lam chỉ nhắc đến anh Sĩ và nhớ về anh, điều mà Lam không ngờ nó lại đến với mình quá đột ngột như vậy.

Đông Hà là đâu ? Đông Hà có vui như ở Sài Gòn không ? Lam chỉ nghe anh Sĩ kể là Đông Hà ở ngoài Trung, gần ranh giới, ở ngoài đó buồn lắm, chẳng có nhà cửa gì cả, chung  quanh chỉ toàn là núi rừng, lác đác một vài mái nhà ở xa, trông hoang dã và buồn vô cùng ! Khí hậu ở ngoài đó lạnh không thể tưởng, mặc một lúc ba chiếc áo không đủ ấm, suốt ngày chỉ ở dưới hầm và ban ngày địch quân cũng pháo kích chứ không cứ gì ban đêm.

Lam nghe thương anh Sĩ hơn bao giờ hết. Anh khổ cực quá mà chẳng được hưởng thụ gì cả. Mỗi lần nghe anh kể chuyện ở đơn vị, Lam thấy đôi mắt anh thật buồn và ươn ướt như anh đang khóc.

Anh bảo ở ngoài đó nhớ nhà đến phát điên lên được mỗi khi nghe một vài bài hát quen thuộc. Có lần anh cho Lam xem tấm ảnh chụp chung với đơn vị đồng minh ở căn cứ gì đó Lam không nhớ rõ. Lam thấy nơi anh đóng quân là một thung lũng, chung quanh chỉ toàn núi rừng, chỉ cần nhìn thôi Lam cũng đã tưởng tượng được nếp sống buồn thê thảm ở đây rồi.

“Thế mà anh Sĩ chịu được. Hay thật !” Lam vừa phục vừa thương anh Sĩ. Nhờ những điều mà Lam được biết đó, cho dù Lam có thương anh Sĩ nhiều hơn anh Quốc và anh Dương, cũng chẳng có gì gọi là thiên vị cả…

- Đến lượt mày nhé.

Thảo vừa nói vừa đập vào vai Lam khiến Lam giật thót mình. Trên kia, Diễm ngân nga nốt hai chữ cuối của bài hát, Lam theo Thảo bước lên sân khấu.

Lam bắt đầu cất tiếng hát, giọng thật buồn, thật nức nở, lôi cuốn. Tiếng hát như muôn ngàn mũi kim đâm nhẹ vào tim người và Lam đã khóc, khóc thật tự nhiên như chính Lam đang kể lể tâm sự mình. Cả lớp xúc động lắng tay nghe, Thảo bùi ngùi ngấn lệ và không ngờ hôm nay Lam lại hát hay thế.

Lam vẫn bay bổng, vẫn triền miên theo lời ca tiếng nhạc, Lam là một con chim nhỏ bé đang hót trên những tiếng bi quan réo gọi hồn người. Bây giờ không còn tiếng hát của Lam, không còn tiếng đàn thánh thót của Chi mà chỉ có một âm thanh lơ lửng, kỳ quái nào đó vọng về từ một cõi hư vô, xa vời. Vạn vật ngưng thở, vũ trụ dừng lại, tất cả lắng tai nghe để được quên mình, để được quên đời.

Sức lôi cuốn vẫn còn…tất cả được thoát ra từ Lam, thật diệu vợi, thật nồng nàn, thật cuồng si…

“Nơi em về ngày vui không em ?... Nơi em về trời xanh không em ?... Ta nghe nghìn giọt lệ… rớt xuống thành hồ nước long lanh…”

Lam đã khóc thật nhiều, khóc như chưa bao giờ được khóc, nghìn giọt lệ kết tụ trong đôi mắt Lam đã tuôn rơi theo lời hát.

Giọng hát không bao giờ dứt, tiếng đàn vẫn còn ngân mặc dù trên kia, Lam và Chi đã đứng yên. Âm thanh còn văng vẳng như đang đục sâu vào tâm não mọi người. Tiếng hát xúc động chân thành, tự nhiên bao giờ cũng hay hơn nghệ thuật trình diễn bắt buộc, mặc dù bài hát quá quen thuộc, cho dù Lam chỉ là một nữ sinh, một tiếng hát của học trò…

Tràng pháo tay kéo dài, Lam cảm động bước đi không vững, Thảo dìu Lam về chỗ ngồi trong khi đa số các bạn đang mong mỏi Lam hát lại một lần nữa…

Buổi liên hoan chấm dứt lúc mười một giờ…Lam từ giã các bạn, ngồi lên yên sau xe Honda, Thảo cho xe chạy ra khỏi cổng trường. Thảo rẽ qua Thống Nhất sau khi thoát khỏi rừng người và rừng xe trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thảo nói thật hân hoan:

- Hôm nay tao mời mày ăn cơm. Bây giờ ghé nhà mày thông báo cho chị Hằng biết rồi đi luôn.

Lam ngạc nhiên:

- Nổi hứng bất tử vậy ?

Thảo cười:
- Tao sung sướng, sung sướng dùm mày vì hôm nay mày độc đáo quá.

Lam yên lặng, Thảo hỏi tiếp:

- Lam này, “Thuốc” nào khiến mày hát hay tuyệt vậy.

Lam đáp:

- Chẳng thuốc nào cả. Xúc động thì hát được như vậy chứ chẳng hay ho gì.

- Tao phải tập xúc động mới được.

- Muốn tập xúc động phải biết suy tư.

- Suy tư có thừa.

- Cũng chưa đủ.

- Còn gì nữa ?

- Một tâm hồn phức tạp, nhạy cảm.

- Mày dạy tao ?

- Con khỉ ! “Bản chất thiên phú”, làm sao dạy mày được ?

Cả hai cùng cười.Thoáng nhìn qua người ta có thể nghĩ ngay rằng hai con bé này đang yêu đời kinh khủng.

Chiếc xe rẽ về đường Hai Bà Trưng, hướng về vùng ngoại ô Phú Nhuận. Lam ngồi yên lặng đang phân tách, không hiểu hôm nay một ngày vui hay buồn với Lam ?...

________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN