Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

MỘT ĐỀ NGHỊ VƯỢT NGỤC - Tế Xuyên


Ngày 28 tháng 3 năm 1930, tại phòng giam tử tội của khám đường Yên Bái, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học trải qua một cơn bão tố trong lòng.

Trong bốn bức tường của "xà lim" đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân đảng một mình đối bóng phải cân nhắc để giải quyết một vấn đề lương tâm: nên vượt ngục đẻ tránh cái án tử hình mà hội đồng đề hình vừa tuyên xử buổi sáng hôm ấy hay là cúi đầu trước số phận, chịu đem máu đào tưới nơi pháp trường dưới lưỡi dao sáng quắc của cái máy chém để kết liễu bổn phận thiêng liêng của một đấng tu mi ái quốc.

- Sống hay chết?

- Và muốn sống liệu có sống được không?

Nguyễn Thái Học phân vân, bóp đầu bóp trán với những câu hỏi ấy.

Một thượng nghị sĩ gốc gác người xứ Algérie, có trách nhiệm canh gác khu giam tử tội đã đề nghị với Nguyễn Thái Học một cuộc vượt ngục ; anh ta vui lòng giúp cho nhà lãnh tụ cùng 12 đồng chí của ông hoàn thành việc ấy, nếu ông ưng thuận. Tên của 12 bạn đồng chí cách mạng vơ vẩn trong óc nhà thủ lãnh như tên của 12 đứa cùng chung một bà mẹ "Việt Nam" sanh ra:

- Phó Đức Chính.
- Bùi Tư Toàn.
- Bùi văn Chuẩn,
- Nguyễn An,
- Đào văn Nhít,
- Ngô văn Du,
- Nguyễn văn Tiền,
- Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh,
- Nguyễn văn Cửu,
- Lê văn Tụ,
- Nguyễn văn Tính,
- Hà văn Lao.

Nguyễn Thái Học nhớ cả từng nét mặt, thói hay tật xấu của vài người đã vào sanh ra tử cùng ông trong khi còn bay nhảy bên ngoài, đánh phá thực dân bằng những đòn chớp nhoáng.

Ông không thể quên được nét mặt non nớt, hồn nhiên của Ngọc Tỉnh ngây thơ với cái tuổi 20 song lòng yêu nước thì sôi sùng sục ít người sánh được.

Với tất cả 12 sanh mạng treo trên sợi chỉ mành ấy, chỉ một cái gật đầu của Nguyễn Thái Học là họ được tháo củi sổ lồng, rồi chỉ còn một sớm một chiều là tất cả hay một phần 13 nhà cách mạng V.N sẽ có mặt trên đất Trung Hoa, theo đuổi ước vọng ôm ấp bấy lâu nay.

Anh gác khám tử tội đã tiếp xúc với Nguyễn Thái Học từ sáng hôm 27 khi tất cả 87 nhà cách mạng sắp bị đưa ra xử tại Hà Nội. Đợt thứ nhì bị bắt sau, gồm những người có dính líu trực tiếp hay gián tiếp vào vụ khởi nghĩa Yên Bái để xử án.

Lúc chưa ra tòa, viên Thượng sĩ Bắc Phi đã lân la đến cửa "xà lim" Nguyễn Thái Học mà trò chuyện.

Anh ta là một thanh niên mặt mày sáng sủa, chắc là có văn hóa ít nhiều: anh nói chuyện với đảng trưởng Việt Nam Quốc dân đảng bằng tiếng Tây lưu loát.

Anh cho ông Học biết rằng anh đọc báo, rất phục hành động của V.N.Q.D.Đ. và các nhà cách mạng Việt Nam đã mưu toan giải phóng quốc gia ; còn xứ Algérie của anh không biết bao giờ ngóc lên được, anh lo đến bị đồng hóa với Pháp mất.

Vì cảm tình với dân tộc Việt Nam mà anh thượng sĩ da đen ấy muốn tổ chức cho Nguyễn Thái Học một cuộc vượt ngục theo kế hoạch như sau:

Anh sẽ chờ đúng giờ chuyến xe lửa Hà Nội - Lào Kay ghé ra Yên Bái, là mở cửa khám tử tội ra, cho Nguyễn Thái Học kéo hết đồng chí ra ga, uy hiếp viên xếp ga rồi nhảy rốc hết lên xe lửa, bắt người tài xế phải mở máy cho xe chạy tới Lào Kay không còn xa mấy. Tới đây là giáp giới Trung Hoa, họ sẽ vượt biên giới và thoát sang lãnh thổ nước láng giềng.

Dù người Pháp ở Hà Nội có hay tin mà can thiệp thì cũng trễ rồi. Huống chi kế hoạch còn dự bị cho một số đồng chí ở lại chiếm nhà Bưu Điện, không cho đánh dây thép về Hà Nội. . Chờ xe lửa đi xa rồi, những đồng chí ở lại mới băng rừng thoát thân sau. Anh thượng sĩ xứ Algérie sẽ cùng trốn một lượt với Nguyễn Thái Học.

Kế hoạch sau đây, Nguyễn Thái Học nghe ra hợp lý và có thể thi hành được. Thời gian và không gian không phải là trở lực đáng kể. Lãnh tụ VNQDĐ suy nghĩ và chưa tiện trả lời chấp thuận đề nghị hay không. Ông bảo người bạn da đen để cho ông suy nghĩ kỹ đã. Ông cũng khêu gợi ba điều bốn chuyện để dò xét thâm tâm người đối thoại, nhận thấy anh ta không có điều gì khả nghi, gian xảo hết. Anh cũng có vẻ là một thanh niên nhiệt huyết, cùng một tâm trạng với những người có tư tưởng quốc gia, sống dưới ách thực dân da trắng.

Nhưng Nguyễn Thái Học còn thận trọng vì ông đã rút được một bài học kinh nghiệm lần trước, khi ông bị bắt hồi tháng hai và bị giam ở Hỏa lò Hà Nội. Hồi ấy có lần một viên đội Lê Dương (người Đức) gác khám cũng lân la nói chuyện với ông. Anh này cũng tỏ lời khâm phục và hỏi Nguyễn Thái Học có muốn viết thư hay nhắn tin ra ngoài anh sẵn lòng giúp.

Muốn thử thách lòng anh, ông Học bằng lòng nhờ anh giúp. Bắt đầu ông đưa cho anh này hai bức thư bỏ phong bì, một gửi cho thủ tướng Pháp, một gửi cho toàn quyền Đông Dương, kể hết tệ đoan trong giới quan lại Việt Pháp. Không biết số phận hai bức thư này ra sao?

Lần thứ hai, Nguyễn Thái Học gởi hai bài báo để đăng báo Hồng Kông. Một bài gởi cho tờ báo Anh ngữ (Sau này những nhân vật VNQDĐ ở ngoài kiểm soát lại thì thấy không tờ báo nào trong hai tờ ấy nhận được bài của Học cả).

Lần thứ ba, viên đội Lê Dương nhận một sứ mạng quan trọng hơn, một xấp thư bốn cái gởi cho bốn đồng chí của ông khuyên họ kiên tâm vì cơ hội sắp đến. Chỉ vài hôm sau, cả bốn người đều vô khám hết. Nhưng Nguyễn Thái Học đâu có khờ khạo đến làm hại cho đồng chí: thật ra bốn "đồng chí" ấy là bốn tên phản đảng lợi hại trong những giờ đầu. Bốn tên ấy đã phải làm vật hy sinh cho cuộc thử lòng dạ viên đội Lê Dương.

Thấy bốn "đồng chí" xộ khám, ông biết chắc là viên đội kia đã đưa bốn bức thư của ông cho sở Mật thám.

Đến lúc bị giam ở Yên Bái, gặp được viên gác khám người Algérie tỏ ý muốn giúp ông hết sức phân vân.

Không biết anh chàng này có giống anh đội Lê Dương ở Hà Nội không? Chẳng khác nào con chim một lần bị bắn, cứ thấy cành cây cong là sợ, nên Nguyễn Thái Học hết sức thận trọng, đề phòng.

Sáng hôm Hội đồng đề hình xử vụ đảng viên cách mạng V.N.Q.D.Đ. tức ngày 27-3-1930 và chiều hôm sau nữa, chàng thanh niên da đen gác khám lại đến hỏi quyết định của Nguyễn Thái Học nữa nhưng ông Học vẫn còn hẹn sẽ trả lời sau.

Viên gác khám thở dài nói:

- Còn suy nghĩ đến bao giờ nữa. Hiện giờ đề lao Yên Bái không được canh gác cẩn mật, chỉ nay mai xử xong các ông, họ sẽ đưa các ông về Hà Nội là lỡ cơ hội.

Thật thế, nhóm 13 tử tội sau khi bị xử án đã bị đưa về Hà Nội, chờ bộ Tư Pháp Ba Lê xét lại hồ sơ rồi sẽ thi hành án lệnh.

Nguyễn Thái Học cũng hiểu rõ thủ tục và biết rằng thì giờ không còn chờ đợi ai. Nhưng ông phân vân không quyết định. Biết đâu đây chẳng phải là một mưu kế của thực dân bày ra, để có cơ hội thanh toán cả 13 tử tội vì thực dân e ngại chánh phủ Ba Lê bị áp lực của dư luận báo chí sẽ cho giảm án. Nguyễn Thái Học không thể nào thoát án tử hình, điều ấy dĩ nhiên rồi. Dầu ông chết dưới máy chém của Cai Công hay dưới những viên đạn súng của lính thực dân đuổi theo khi ông vượt ngục, thì cũng chỉ là một cái chết. Nhưng còn 12 đồng chí của ông cùng án tử hình nhưng có người tội nhẹ hơn, có thể giảm án xuống chung thân khổ sai. Nếu mà họ đều chết dưới viên đạn súng của nhà thực dân thì ông Học sẽ mang trách nhiệm với lương tâm.

Nguyễn Thái Học suy luận như vậy nên đã không chấp nhận đề nghị của viên gác khám Yên Bái...

Suy đi thì như thế song nghĩ lại thì sao? Nếu như người gác khám thực dân muốn cứu mà mình từ chối thì có khác nào mình tự giết mình và giết luôn 12 người nữa ; mình bỏ lỡ cơ hội thoát chết. Sinh mạng 12 người phó thác vào một cái gật đầu của Nguyễn Thái Học.

Sau này về Hà Nội bị giam ở Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học lặng thinh cả tuần lễ không nói chuyện với các đồng chí bị giam cùng một dãy "xà lim". Ông bị lương tâm cắn rứt vì thái độ của ông ở Yên Bái chăng? Và một hôm ông kể lại câu chuyện bỏ lỡ dịp vượt ngục cho vài bạn nghe như muốn chờ anh em xét xử... Ai cũng tiếc rằng ông quá nặng về đạo đức và không phải là người giàu thủ đoạn, có thể nói là thiếu thủ đoạn của con người cách mạng.

Nếu như hôm ấy Nguyễn Thái Học gật đầu một cái, mà cuộc vượt ngục được thành công một phần nào thì các yếu nhơn VNQDĐ cùng đảng trưởng đã hoạt động trên đất Trung Hoa, biết đâu cuộc diện Viêt Nam hồi ấy cũng có phần thay đổi, không thì ít ra ngọn lửa chống Pháp cũng còn duy trì được lâu hơn nữa và gây cho thực dân những trận điên đầu.


TẾ XUYÊN       
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 29, ra ngày 12-3-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com