Đứng
xoạc chân giữa sân mé sau nhà, mình trần để lộ một thân hình nở nang,
Hoàng chăm chú bửa củi trong dáng điệu vui vẻ. Nụ cười thắm đôi môi, nét
mặt Hoàng tươi sáng hơn cả ánh bình minh đang le lói phía chân trời. Cứ
mỗi lần Hoàng giơ cao búa lên, bổ mạnh xuống, những bắp thịt trong đôi
cánh tay rắn chắc lại nổi lên cuồn cuộn như cái sức sống tươi trẻ được
ấp ủ trong người Hoàng bị dồn ép quá mạnh muốn tung ra ngoài vậy.
Bửa
xong một mớ củi khá nhiều, Hoàng quăng búa, ngồi nghỉ, để tai lắng nghe
tiếng chim ríu rít ca hót trên các tàng cây rậm lá, nhạc khúc quen
thuộc mà Hoàng rất thích yêu. Một con chim trao trảo bay đáp trên nhánh
cam la đà gần đấy, kêu lên, giọng ròn rã như những tiếng cười. Nghe
Hoàng huýt gió, nó ngơ ngác nhìn quanh rồi vụt bay đi.
Sáng
nào Hoàng cũng tự tìm một công việc hoạt động như thế, nếu không bửa
củi thì lại xách nước tưới rau cải, kiểng hoa. Hoàng cho đó là cách tập
thể dục hay nhất: vừa luyện sức khỏe, vừa thâu lượm được kết quả tốt của
công việc mình làm. Ngoài ra cũng bởi tính Hoàng ưa làm việc. Tuy con
nhà khá giả nhưng những lúc rảnh rang, Hoàng luôn tìm cách giúp đỡ ba
má.
- Anh Hoàng giỏi quá ta!
- Chớ đâu phải như con!
Nghe tiếng Dũng và má sau lưng, Hoàng quay lại mỉm cười:
- Má đừng chê nó, nó làm nhiều việc cũng hay lắm chứ!
Dũng nhìn anh, cám ơn bằng ánh mắt, rồi hỏi:
- Hôm qua anh nói sáng nay anh đi tranh giải điền kinh thiếu niên do nhà trường tổ chức, sao tới bây giờ vẫn chưa đi?
- Còn sớm chán.
- Coi vậy chứ không sớm lắm đâu.
Thực
vậy, ở vùng xa châu thành, lẩn khuất trong những đám cây xanh mát nầy,
trời tối rất mau mà sáng cũng rất trễ. Mặt trời đã lên, nhưng ngày vẫn
còn dật dựa, cố rúc mãi trong bóng đêm đến lúc thức hẳn lại lặng lẽ mơ
màng, cảnh vật lúc nào cũng như muốn thiếp ngủ.
Nghe Dũng nói, má bảo Hoàng:
- Thôi con sửa soạn đi, để củi thằng Dũng ôm vô nhà.
- Để con bửa thêm vài khúc nữa. Nhà bếp hết củi rồi má ạ.
- Bao nhiêu đây cũng đủ nấu nướng vài hôm, nghỉ đi con. À này, có thi thố gì cũng phải lượng sức nghe. Đừng rán quá không nên.
- Dạ.
Dũng hỏi:
- Anh dự tranh môn nào?
- Môn nhảy cao.
- Được đa, em chắc thế nào anh cũng đoạt giải. Mấy cây kiểng cao trước nhà anh nhảy qua như chơi mà.
Má xen vào:
-
Chưa chắc, ở nhà cho thế là hay, nhưng ra ngoài còn gặp biết bao người
hay hơn nữa. Má khuyên Hoàng dự thi chỉ để xem tài sức mình tới đâu
thôi, chớ quá mong đến sự đoạt giải, khi thất bại lại buồn nhiều.
*
Hoàng
tắm rửa xong, chải đầu, mặc nhanh chiếc quần "sọt" và chiếc áo sơ mi
tay ngắn, mang vội đôi giày bố, rồi thưa ba má, đi ngay. Hoàng phải gấp
rút vì đã đến giờ cuộc tranh giải bắt đầu mà mình hãy còn ở đây.
Con đường trải đá nằm dài trước cổng nhà chờ đón. Hoàng ra đến thót lên xe, đạp nhanh vào châu thành.
Gần đến biệt thự Thanh Mai, Hoàng cho xe chậm lại, để khi lướt qua liếc nhìn vào. Thấy cửa biệt thự đóng kín, Hoàng lẩm bẩm:
- Chắc mọi người đi khỏi. Châu cũng đi trước mình rồi đa.
Châu
là con cả của ông Thanh, chủ nhân của biệt thự nầy. Hoàng không quen
với anh, bởi học khác lớp, nhưng hai người biết nhau vì vẫn luôn gặp và
nghe tiếng lẫn nhau. Cả hai đều là học trò giỏi, và cũng xuất sắc về môn
nhảy cao. Hoàng nghe đâu trong kỳ đại hội điền kinh thiếu niên nầy,
Châu cũng có ghi tên dự thi môn thể thao mình đắc ý ấy.
Hoàng
sắp sửa nhấn mạnh bàn đạp, bỗng nghe một tiếng kêu thét mơ hồ từ biệt
thự vọng ra, giọng của một đứa trẻ. Tiếng thét dồn dập kéo dài làm Hoàng
chú ý. Một đứa trẻ bị đòn? Chắc chắn không phải, vì đây không là tiếng
khóc ré, mà đúng là tiếng thét, một tiếng thét kinh hoàng, chứa đựng cả
một sự sợ hãi ghê gớm. Hoàng lấy làm lạ: Rõ ràng mình trông thấy cửa tòa
nhà đóng kín, sao lại có tiếng người? Hoàng thắng xe dừng lại, lắng tai
nghe. Tiếng kêu thét vừa im bặt lại vang lên nữa:
- Ô ô ô ô... A a a a...
Nó như réo gọi sự cứu giúp của Hoàng. Một đứa trẻ sắp bị chết đuối, phỏng lửa, hay bị rắn cắn?
Hoàng
muốn trở lại tìm hiểu nguyên do, nhưng đã đi trễ bây giờ còn quay lại
thì kể như bỏ cuộc tranh giải mà Hoàng có rất nhiều hy vọng đoạt được
chiếc cúp lộng lẫy với chức vô địch nhảy cao.
Song nghĩ kỹ, Hoàng thấy đó chỉ là một phần thưởng nhỏ đâu quí bằng sinh mạng người, nên sau cùng nhứt quyết quành xe trở lại.
Tiếng
kêu thét quả xuất phát từ trong biệt thự. Hoàng dựng xe ở một thân cây
núp bên đường, tìm lối vào. Nhưng cửa rào sắt cao ngất khóa kín. Hoàng
ngó quanh quất. Chỉ còn cách nhảy qua hàng rào dâm bụt kia thôi. Mé sau
biệt thự chắc có ngõ vào nhưng Hoàng đâu có thì giờ để đi tìm khi bên
trong vừa nổi lên những tiếng kêu lạc giọng:
- Ba ơi... má ơi... cứu hai con!
Hoàng lùi ra lộ lấy trớn. Rào khá cao, nhưng cứ thử xem nào.
Hoàng
chạy tới gần sát hàng rào, phóng vụt qua. Hai chân Hoàng co lại, cả
người nghiêng đảo về bên trái, lướt trên ngọn dâm bụt... vượt khỏi! Rớt
vào trong, Hoàng không kịp nghỉ, đi nhanh về phía tòa nhà. Cửa cái đóng
kín, Hoàng bước qua bên hông, nơi có tiếng gọi thất thanh, và bắt gặp
một cậu bé đứng bên trong cửa sổ, hai tay bấu song sắt, úp mặt vào song
gào to:
- Ba ơi, má ơi!...
Thấy Hoàng, cậu mừng rỡ kêu lên:
- Anh ơi, anh cứu giùm chị Nga em với.
Hoàng chạy lại.
- Việc gì thế?
- Chú Mốc nổi khùng vác dao rượt em với chị Nga.
- Chị Nga em đâu?
- Đang bị rượt trên lầu.
- Còn ba má?
- Đi khỏi.
- Mở cửa tôi vô xem sao?
- Má khóa hết rồi.
- Chết chưa! Làm sao?... Thôi rán chống cự hay núp vào nơi nào ấy. Tôi đi tìm coi có chỗ nào vô được không...
- Dạ!
Cậu bé biến vào trong. Hoàng bảo thầm:
- Thằng nhỏ bình tĩnh khôn ngoan lạ!
Hoàng
đi gần hết một vòng quanh nhà, từ bên mặt lần qua bên trái, nhìn tứ
phía vẫn không thấy một lối nào vào trong được. Có tiếng đổ vỡ trên lầu,
Hoàng thấy nóng ruột: Chậm trễ thế nầy chị em thằng bé nguy mất. Hoàng
trở ra mé trước, càng gần khởi điểm lòng càng thất vọng.
Chợt
Hoàng chú ý đến cây phượng vĩ đứng nghiêng bên góc trái mé trước biệt
thự. Có một nhánh phượng khá lớn de vào sân thượng, như một cánh tay cố
vói lấy bao lơn, nhưng vẫn còn cách xa một khoảng ngắn. Có lẽ trước kia
nhánh đó chạm hẳn vào tòa nhà, rồi bị cưa đi một đoạn.
Hoàng
chạy ra xa, nhìn lên thấy cửa ra sân thượng mở rộng liền quay lại gốc
phượng, cởi giày leo lên, lần sang nhánh phượng đưa thẳng vào tòa nhà.
Một làn gió lướt qua, nhánh phượng đong đưa ngàn lá xạc xào run rẩy.
Hoàng vẫn tiến ra ngoài chót nhánh không mảy may khiếp sợ. Hoàng đã quen
nhiều với công việc leo trèo nầy.
Không mấy chốc, Hoàng tới chót nhánh. Nhờ nhánh dài bị cưa đi, nên tuy là đầu chót, thân nhánh hãy còn to và cứng chắc.
Khoảng
cách giữa Hoàng với ngôi nhà không bao xa, nhưng rất khó phóng qua bên
ấy, vì không như dưới đất có thể lấy trớn được, trên nầy Hoàng phải đứng
một chỗ mà nhảy, nhảy không khéo tán mạng ngay.
Hoàng cố trấn tĩnh, từ từ đứng lên, rồi thình lình nhoài người qua ôm chặt lấy bao lơn, rút người lên quăng mình vào sân thượng.
Bây
giờ đã vào được trong nhà, Hoàng mới chợt nhớ ra mình chưa nghĩ trước
phải làm thế nào chống cự với gã điên. "Chú Mốc" hẳn là một người cao
lớn, lại có trong tay con dao nữa, Hoàng đâu đủ sức đàn áp chú. Mà khi
đối địch, nhất định Hoàng phải nắm chắc phần thắng, vì có như thế mới
mong cứu hai chị em đứa bé kia được.
- Khó thật! Nhưng đã quyết lòng vào đây, giờ trở ra hay sao? Hay là... à à... phải rồi, chỉ còn cách ấy.
Hoàng
nghĩ thầm, đoạn bước vào lầu. Lầu vắng, chỉ thấy bàn ghế xô lệch. Đồng
thời có tiếng la hét bên dưới. Hoàng đoán chừng gã Mốc đã rượt cô bé
chạy xuống đấy rồi. Hoàng nhìn quanh, không thấy vật gì khả dĩ làm khí
giới được, liền nhấc đại chiếc ghế đẩu, vội vàng tìm đến cầu thang. Vừa
khi ấy, một cô bé từ dưới chạy lên. Thấy Hoàng, cô dừng lại tròn mắt
ngạc nhiên.
- Tôi được một cậu bé trong nhà nầy kêu cứu nên vào đây. Có chuyện gì chăng?
Nghe Hoàng nói, cô bé lộ vẻ mừng rỡ:
- Anh theo em đi!
Và
quay trở xuống, Hoàng chạy theo. Tiếng chân nện lên cầu thang vang rầm
rầm. Xuống tới dưới tiếng la hét nghe rõ lắm. Hoàng bảo cô bé bước thật
nhẹ, và giơ cao ghế sẵn sàng bổ xuống. Hoàng định len lén đến sau lưng
gã điên, thình lình cho lên đầu gã cả chiếc ghế. Phải cố đánh cho mạnh
mới mong gã bất tỉnh được.
Cô bé vừa dẫn Hoàng sang phòng khách thì đụng ngay cậu em chạy vụt ra.
- Ái! Ối!
Hai chị em chạm nhau ngã lăn ra gạch. Hoàng nhảy lại toan đỡ, bỗng thấy một bóng đen nhỏ bé, cũng từ phòng khách, cầm dao sáng loáng xông đến. Hoàng vội vã hươi ghế đập vào đầu bóng đen ấy.
- Bốp!... Chét, khẹt khẹt!
Con dao văng ra đánh xoảng, bóng đen ngã vật xuống nằm im. Hai đứa bé lồm cồm ngồi dậy, vừa xoa trán vừa reo:
- A! Chú Mốc nhào rồi!
Hoàng xem kỹ lại, rồi ngạc nhiên hỏi:
- Chú Mốc nào đâu?
- Đó anh.
- Con khỉ? Sao gọi chú Mốc?
- Tại tụi em đặt tên gọi mãi thành quen miệng.
- À ra thế!... Con khỉ nầy ở nhà nuôi? Sao không xiềng để nó rượt hai em vậy?
- Dạ, có xiềng đàng hoàng chứ, tại chú nổi điên nên bứt xiềng xách dao chém tụi em đó.
- Giống nầy rất nhanh nhẹn, hai em chống cự dằng dai được cho tôi đủ thì giờ tìm nơi vô nhà, thật hay lắm!
-
À, nhờ có sợi dây xích còn ở cổ chú bị vướng luôn, với lại hễ em bị
rượt quá nguy thì thằng Ngọc chọc cho chú giận quay lại rượt nó đặng em
nghỉ mệt...
Hoàng gật gù thầm khen hai đứa bé, rồi hỏi:
- Hai em sao bị nhốt trong nầy? Ba má đâu?
Cô bé trả lời:
-
Ba đi thăm ai đó. Má đi chợ. Anh Châu em đi vào trường. Thím Tư về quê
hôm qua. Nhà không còn ai hết nên má nhốt tụi em trong nầy, vì sợ tụi em
chạy bậy té mương. Còn anh, anh làm sao biết vô cứu tụi em?
Cậu em đáp thay Hoàng:
- Em kêu ảnh đấy chứ.
- Ngọc không cho chị hay làm lúc lên lầu kiếm khúc cây gặp ảnh, chị...
Bé Ngọc cầm tay Hoàng:
- Anh tài quá! Nhà anh ở đâu?
Hoàng mỉm cười:
- Nhà tôi ở xa lắm. Thôi tôi về nhé!
- Cửa đóng hết rồi. Ở chơi, đợi ba má em mà anh.
- Tôi ra bằng chỗ vào lúc nãy cũng được.
- Nhứt định hổng cho anh về.
Hoàng bật cười:
- Thôi thì ở. Nhưng hai người hãy đem con khỉ, ấy quên đem chú Mốc xuống nhà dưới, và rửa tay rửa mặt đi chứ!
- Còn anh ra phòng khách ngồi chơi nghen.
Đợi
hai chị em khệ nệ khiêng con vật đi khuất, Hoàng vội trở lên lầu, bước
ra sân thượng. Rồi như một con sóc, Hoàng nhẹ nhàng leo lên bao lơn,
phóng mình sang nhánh phượng, lần xuống đất.
Đặt
chân trên mặt cát, Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Mặt trời đã lên cao, không
gian chói lọi nắng vàng. Đã trưa, Hoàng đành bỏ cuộc tranh giải điền
kinh vậy. Hoàng chỉ hơi tiếc mà không buồn, vì trong lòng đã có một niềm
vui hiện đến an ủi.
Hoàng mang giày xong, nhìn ra lộ. Cổng nhà đã mở tự lúc nào. Bên vệ đường, một chiếc xe nhà nằm chễm chệ. Hoàng bảo thầm:
- Chủ nhân đã về kia. Mình gặp họ thế nào cũng "bị" cám ơn thêm rộn ràng. Chi bằng kiếm ngõ khác đi ra cho xong.
Hoàng toan bước đi, bỗng một giọng nói gắt gỏng vang lên:
- Đứng lại!
Hoàng giật mình quay lại. Một người đàn ông núp sau chậu bông to lớn trước nhà bước ra:
- Lại đây!
Hoàng bước tới:
- Thưa ông, việc chi ạ?
- Đừng giả vờ. Cậu tính leo lên lầu ăn cắp cái gì?
Hoàng ngả người ra sau, miệng há hốc, mắt mở to. Lần đầu tiên Hoàng nghe một người hỏi mình câu đó. Mặt Hoàng nóng bừng:
- Ông nói chi lạ vậy?
Không đáp câu hỏi, người đàn ông cười mỉa mai:
- Chà, trông sáng sủa sạch sẽ thế mà cũng đi ăn trộm được à?
- Xin ông chớ vội hiểu lầm, để tôi nói rõ nguyên do...
- Thôi im, tôi biết, cậu leo lên bắt chim chứ gì?
Hoàng tức mình hết sức. Thật là "làm ơn mắc oán".
- Việc chi đó ba? Ồ, anh Hoàng!
Châu vừa về đến, tay anh ôm một chiếc cúp to.
- Con cũng quen với thằng ăn trộm nầy nữa sao?
- Ủa, ba nói chi?
-
Ba vừa về tới nhà, ở ngoài đường trông vào thấy thằng nầy từ trên lầu
leo xuống. Ba đoán chắc nó định lên ăn trộm, chừng thấy ba về nó lật đật
trở xuống.
- Có lý nào như vậy. Con nghe anh Hoàng là con nhà gia giáo khá giả mà ba.
- Không ăn trộm chứ lên đó làm chi, và lúc thấy ba sao lại lẩn tránh?
Vừa khi ấy có tiếng reo trên lầu. Ba người ngước lên. Trên kia hai đứa trẻ đứng dựa bao lơn nhìn xuống. Ngọc chỉ Hoàng, la lên:
- Anh trốn tụi em hén!
Nga nũng nịu:
- Ba ơi, chú Mốc nổi khùng bứt xích xách dao rượt hai con may nhờ anh đứng bên ba đó vào cứu, không thì...
Ông Thanh, người đàn ông chợt hiểu, vỗ vai Hoàng:
- Bậy quá! Tôi vội nghĩ quấy cho em. Xin em tha lỗi cho.
Hoàng thấy phiền giận tiêu tan trước nét mặt thẹn thùa của ông. Hoàng mỉm cười, nhỏ nhẹ:
- Dạ không có chi, chỉ tại ông hiểu lầm... Giờ xin ông cho cháu về.
- Ấy, vô nhà chơi tí đã.
Ông Thanh vội lấy chìa khóa riêng mở cửa để Châu kéo Hoàng vào nhà.
*
Nghe xong câu chuyện "mạo hiểm" của Hoàng, Châu đem chiếc cúp bạc mới đoạt được, để trước mặt người bạn mới và nói:
-
So chiều cao tôi lập được để đoạt giải với chiều cao hàng rào anh nhảy
qua, tôi thật không xứng đáng với chức vô địch chút nào vì thế tôi xin
nhường lại anh chiếc cúp...
Thấy Hoàng toan từ chối, Châu tiếp:
- Không phải tôi muốn đền ơn anh cứu em tôi, tôi nhường đây vì nghĩ tài mình còn non kém, thế thôi.
Ông Thanh cũng phụ với con nài ép:
- Cháu phải nhận mới đúng, vì nếu không mắc vụ nầy cháu đã tới kịp để đoạt giải rồi.
Nhưng Hoàng một mực từ chối.
Giữa lúc ấy, có tiếng cười nói ngoài sân. Châu bước ra:
- Ồ! Thưa thầy, chào các bạn.
Có tiếng hỏi:
- Ba má em có ở nhà không?
- Dạ có, ba em đang ở phòng khách. Mời thầy và các bạn vào nhà.
Mấy
người khách bước vào. Hoàng nhận ra giáo sư Hùng tay ôm một đôi giầy,
và một nhóm học sinh bạn Châu. Sau khi chào hỏi an vị xong, giáo sư Hùng
nói với ông Thanh:
-
Thưa ông, tôi là giáo viên thể dục của trường Nguyễn Đình Chiểu. Qua
đại hội điền kinh ban sáng, tôi rất mến tài nhảy cao của em Châu nên nhờ
các bạn em dẫn đến đây tặng thêm em một phần thưởng nhỏ của riêng tôi.
Ông vui lòng cho phép em nhận chứ?
-
Cám ơn ông đã chiếu cố đến con tôi. Nhưng tài nghệ nó có gì đặc sắc.
Tôi được biết một cậu còn hay hơn nó nhiều. Ông thấy cái hàng rào trước
nhà tôi chứ? Ấy, cao như thế mà cậu nhỏ nhảy qua như chơi.
- Ồ! Ai giỏi thế, thưa ông?
Ông Thanh tươi cười trỏ Hoàng:
- Đây tôi xin giới thiệu cùng ông: em Hoàng, cậu học sinh tài ba đó.
- A! Hình như em nầy có ghi tên dự thi, nhưng sao giờ chót lại vắng mặt?
-
Tôi sẽ kể rõ nguyên do ông tường. Giờ tôi có ý nầy: Phần thưởng của
ông, con tôi xin nhận lãnh ; còn chiếc cúp vô địch nó nhường lại cho em
Hoàng, vì nó nghĩ rằng nó không xứng đáng. Ông xem như vậy có được
không?
- Em Châu đã bằng lòng thế, tôi cũng đồng ý.
- Còn các cháu, bạn thằng Châu?
- Dạ tụi cháu cũng vậy. Anh Hoàng vẫn có tiếng lâu nay.
Ông Thanh quay sang Hoàng:
- Cho cháu Hoàng hết từ chối nhé! À Châu con hãy trao cúp cho nhà vô địch coi nào!
Châu ôm cúp trao cho Hoàng, vui vẻ nói:
- Có thế chứ, nếu không tôi cũng chẳng bao giờ được hãnh diện với chiếc cúp nầy anh ạ.
Hoàng cảm động đứng lên tiếp lấy:
- Cám ơn anh!
Mọi người vỗ tay hoan hô. Niềm vui tràn ngập cả gian phòng to rộng.
SA BIỆT LƯU
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 14, ra ngày 25-2-1966)