Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

CÁI CỐC - Trần thị Anh Vũ



Tôi rón rén bước ra khỏi phòng, thận trọng từ bước một tiến lên nhà trên. Buổi trưa thật êm đềm, vắng vẻ cho tôi biết mẹ ba ngủ yên cả rồi. Tôi gật đầu hài lòng với cái không khí này và đi nhẹ nhàng xuống bếp. Nếu là ngày thường thì có lẽ mục đích duy nhất của tôi là tìm món ngon vật lạ để lo lót cho cái bao tử hết xí quách vì đói. Nhưng hôm nay thì khác. Ừ, dĩ nhiên chúa nhật thì phải khác hơn ngày thường chứ, phải không các bạn? Chẳng hạn như với ngày thứ tám của tuần lễ, tôi có thể ngủ trễ hơn thứ hai một tí (các bạn đừng cười nhé, vì đây là một thí dụ cụ thể mà thôi), đi dạo phố được một vòng, và buổi tối không bận bài vở nhiều như sáu hôm kia. Cho nên luôn luôn tôi yêu và ưu đã cho cái ngày thứ tám hết mình. Yêu bằng cách cứ lãi nhãi suốt ngày cái bản "Chủ nhật Xám". Và để ưu đãi, tôi luôn luôn chọn cái ngày quý hóa này mà khởi hành đi chơi. Nhưng thôi, để có dịp nào rảnh rỗi và thuận tiện, tôi sẽ kể về "ngày yêu quý" của tôi nhiều hơn, còn bây giờ thì xin nói tiếp vấn đề chính. Phải! Vấn đề chính hiện tại là tôi đang lắng tai nghe tiếng hai bà chị đang họp nhau tán dóc. Tiếng hai chị quá tốt, vọng lên nhà trên nghe rõ mồn một như cái radio transitor rè rè ở nhà. Tôi mỉm cười liên tưởng đến hai cái phèng la hạng nặng của những dân tộc thiểu số. Chẳng hiểu chị Cúc với chị Mai đào đâu ra khối chuyện thế, ngày nào hai người cũng bàn bạc về giày dép, áo quần, mode nọ, mode kia. Luôn luôn là họ chỉ trích, phê bình các kiểu quần áo của thời đại. Nhưng lần nào cũng thế, hễ bao giờ có một cuộc tổng hợp đả kích xong, không chóng thì chầy, họ đều sắm về dùng thử! Nhiều lúc anh Huy chế nhạo những trường hợp lạ lùng đó, song tôi lại đứng lên biện hộ bằng một tràng, nghe qua thật là ngây thơ vô tội vạ:

- Tại hai chị ấy muốn xem rõ những kiểu đó nó kỳ dị chỗ nào đặng mai mốt bài bác cho dễ chứ bộ! Người ta ghét mà phải mặc thì đó là một hy sinh vô cùng lớn lao. Lẽ ra anh phải bái phục mới phải.

Vừa xong mới biết câu nói bênh vực của tôi đáng được hai chị tặng cho mấy đấm, vì nó có mang tính chất xỏ xiên quá nặng. Đấy đại khái thì gia đình tôi có những mẩu chuyện cỏn con như thế. Có nhiều chuyện còn đặc biệt hơn thế nữa. Chẳng hạn như anh Huy tự nhiên mọc lên một nốt ruồi đen thẫm (chứ chả phải son đâu nhé) ngay khóe miệng mấy tháng nay, khiến gương mặt đĩnh ngộ của anh nay còn tuấn tú hơn xưa nhiều v.v... Mỗi người đều có vẻ đặc biệt cả. Nhưng tôi không dám kể nhiều, sợ các bạn sẽ chê câu chuyện của tôi dài dòng, văn tự quá. Mà thú thật với các bạn, tôi vốn ít nói nên ghét ai bảo mình nhiều chuyện lắm. Ít nói đến nỗi đi đường gặp ai hỏi một câu, tôi cứ đứng ngẩn người ra, không biết trả lời sao cho xuôi. Mặt tôi cứ đỏ dần đến một độ tạm gọi là "gấc chín", thì miệng bắt đầu ấp úng về những chữ cái học từ lớp năm xa xưa "...a...ơ"... nghe mà bắt đơ cả lưỡi. Vì vậy từ họ hàng xa gần đến chòm xóm láng giềng chung quanh đều khen tôi có một cái mồm rất tốt, thế thôi! Và tôi thì cứ mãi đinh ninh mồm mình tốt thật!

Sau khi đi một vòng thám thính tôi bèn trở về hậu cứ. Hậu cứ của tôi là một căn phòng nhỏ kế phòng ba mẹ với anh Huy. Nơi đó anh ấy và thằng Vũ đang ngồi rung đùi chờ đợi. Lúc mới dọn nhà về, mẹ tôi định cho thằng Vũ phòng này để anh em hủ hỉ cho vui. (Hủ hỉ đâu chả thấy, chỉ biết suốt ngày hai ông cứ huỳnh huỵch vật lộn nhau như đô vật). Mà thằng em tôi nó vốn dĩ có dòng máu thỏ đế trong huyết quản. Nên khi vô tình nhìn qua khung cửa sổ thấy cảnh vật vô cùng thơ mộng với hai cái mồ nằm song song nó liền rút lui có trật tự. Để chứng tỏ mình oai hùng hơn nó, tôi vội nhảy ra xin lãnh cái phòng như sợ ai cướp mất. Kết quả bây giờ tôi đã biết đủ chuyện. Biết run rẩy khi nghe tiếng mèo gào ban đêm, biết xách gối chạy vòng vòng mỗi tối qua chị Cúc xin tá túc. Tai hại nhất là tôi đã biết liên tưởng trong trí tưởng tượng. Tôi thấy nghĩa địa với mồ mả lố nhố chứ chả phải hai cái sau nhà trong giấc mơ. Tỉnh dậy tôi chạy có cờ... Tôi lại còn biết nín thở và trùm chăn kín đầu để đếm tiếng ễnh ương kêu giữa đêm. Nhờ vậy, tôi chạy thật mau và phân biệt tiếng loài vật giỏi vô cùng. Cả nhà ai cũng thua tôi hết, kể cả anh Huy. Ấy, ban đêm thì thế đấy, chứ ban ngày đây là một chỗ vô cùng lý tưởng. Xin giới thiệu với các bạn nó rất lý tưởng khi mình làm việc ám muội. Tôi đẩy cửa bước vào đúng lúc anh Huy và thằng Vũ đang quá nóng ruột vì chờ đợi. Nghe tiếng động, anh giật mình quay lại (các bạn đừng ngạc nhiên, có tật giật mình là chuyện thường). Thấy tôi, thằng Vũ hỏi:

- Yên ổn đấy chứ chị?

- Dĩ nhiên!

Các bạn thấy không? Luôn luôn tôi trả lời ngắn và gọn vì ít nói mà lị!

Anh Huy lôi bộ bài giấu dưới nệm giường ra, xào đi, xào lại cẩn thận rồi hỏi:

- Mỗi bận bao nhiêu?

- 10 đồng nha, chị Lan?

Tôi trợn mắt, dẫy người:

- Lớn quá, tao hết tiền rồi.

Vũ trề môi, cất giọng ồm ồm:

- Vậy cũng đòi chơi!

Anh Huy mỉm cười:

- Chứ Lan cho bao nhiêu mới gọi là nhỏ?

- Bao nhiêu chả được. Thí dụ... như... cỡ... hai đồng, phải rồi, hai đồng là vừa.

Bây giờ đến phiên anh Huy dẫy người:

- Ối giời ơi!!!

Sau câu "thí dụ" đó, tôi nghe anh Huy hét lên kinh hoàng vì sợ hãi, khiến cái mụt ruồi trên mép anh cứ hoạt động, chạy tới, chạy lui như tìm đường đào tẩu. Tôi nhíu mày khó chịu vì cứ tức cười nên quay nhìn thằng Vũ cũng vừa lúc nó mở miệng:

- Hai đồng cũng còn nhiều! Tính rẻ ba xu nhé.

Cuối cùng tự cho mình rất có duyên nó bật cười hô hố, môi trên hở ra để lộ hai chiếc răng cửa xem như hai bộ ván, giời ơi! Nó mới trơ trẽn làm sao. Thấy mặt nó dễ thương, tôi la nó:

- Cười! Cười hoài. Tao lấy nùi giẻ nhét miệng mầy bây giờ. Nghe bắt điếc tai.

Rồi chưa kịp xem phản ứng thằng bé, tôi đề nghị:

- Thôi đừng chơi tiền...

Tôi làm ra vẻ lo lắng (kể ra thì cũng đáng lo lắng vì hết tiền rồi):

- Nhỡ lính bắt thì sao? Giờ...

- Ối giời ơi!

Thêm tiếng hét kinh hoàng của anh Huy. Anh này thích hét lạ! Ăn cũng hét! Ngủ nằm mơ cũng hét! Giận cũng hét! Chơi cũng hét! Hét! Hét! Gì cũng hét! Và luôn luôn anh hét: Ối giời ơi! Cứ làm như kính trời lắm vậy, chỉ biết có mỗi một mình Thượng Đế mà thôi. Thật ra, anh là một tay "chọc trời khuấy nước", "bán trời không mời thiên lôi" chứ chả vừa gì! Đúng là gặp đạo đức giả. Tôi còn đang ngẫm nghĩ thì anh tiếp:

- Lính...! Đánh cả trăm lần rồi bây giờ mới nghe Lan nhắc tới lính. Hân hạnh cho các ông ấy nhỉ? Giời ơi! Con Lan nó cũng biết sợ lính nữa, Vũ ạ! Thế mà tao cứ tưởng nó chỉ sợ... ma thôi chứ.

Thằng Vũ vội đem cái triết lý local ba đồng một ký ra giảng giải:

- Chứ sao! Lính có súng bắn ma chạy dài. Chạy như lúc chị Lan xách gối qua phòng chị Cúc ấy. Vậy lính hơn ma một bậc, do đó ta suy ra chị Lan sợ lính hơn ma...

Cái mặt nó nhơn nhơn, hách hách xem dễ ghét lạ lùng. Đã thế ông tướng còn đứng dậy diễn tả hình dáng tôi nữa chứ. Điệu bộ cứ lom khom như con vượn dài tay trong sở thú. Nó chạy quanh phòng, mắt nhớn nhác nhìn quanh. Anh Huy ôm bụng cười ngặt nghẽo. Tôi mà chạy như thế sao? Đít lắc qua lắc lại như con vịt ấy à? Nếu ở đây có đám bạn tinh nghịch của tôi thì chúng sẽ được một phen cười vỡ chợ. Rồi vô lớp sẽ có một màn loan tin tức của một số xướng ngôn viên già mồm, lão khẩu. Chừng ấy tai hại ghê lắm. Tôi vội lính quýnh chạy lại góc phòng nơi có diễn trò khỉ, dắt ông ta về chỗ cũ như sợ có chuyện đó xảy ra thật.

- Vũ ơi, mày làm giống con Lan quá cỡ. Nhất là lúc chạy. Anh có lời khen đó nghen.

- Xạo quá ông ạ! Ông thấy tôi chạy hồi nào mà hô láo vậy? Bữa đó ông ngủ khò, ngáy như sấm động còn biết giời trăng gì nữa.

- Thấy tướng Lan đi anh đã đoán lúc Lan chạy ra thế nào rồi. Chiêm tinh gia mà lị.

Thằng Vũ nghe anh Huy khen một phát, mũi nở to tợ quả cà tô mát, nó vuốt đuôi:

- Em cũng vậy. Mình là hai chiêm tinh gia tí hon phải không anh?

- Ừ! Mà thôi chơi nhanh kẻo hết giờ thì khốn. Trở lại vấn đề kìa, Lan tính sao?

- Mình cốc đầu nhau cho tiện.

Vũ thở dài, giọng áo não:

- Tưởng gì? Chơi cốc đầu thì chán chết.

Anh Huy cười cười:

- Thôi cũng được Vũ ạ! Phen này anh tha hồ cốc nhỏ Lan sưng đầu u một cục, như...

- Cục thuốc tễ!

Thằng Vũ nhanh nhẹn tiếp lời, khiến anh Huy khoái chí cười một trận. Chỉ có mình tôi bị cô lập không có đồng minh.

- Còn lâu à. Có hai người sưng thì có.

- Để coi! Đừng mừng Lan ơi. Mỗi bàn một cốc nha?

- Ờ! Rục tùng phải gấp đôi.

- Chứ gì nữa.

Thế là chúng tôi bắt đầu. Ván đầu anh Huy phát bài vì anh lớn nhất. Ba phe đều nuôi hy vọng được cốc lẫn nhau. Vì thế, không hẹn mà ai cũng hăng hái, đánh thật hăng, thật mạnh. Tôi thì bậm môi, quên tất cả mọi chuyện, chỉ biết mỗi việc "đại sự" mà thôi. Hai ông kia có lẽ chuyện quá khứ, hiện tại, tương lai đều theo khói, theo mây đi chu du khắp thế giới, chả lưu lại một tí ti gì trong đầu óc. Hẳn bây giờ trời có sập rầm rầm hay tận thế đến nơi hai ông (luôn cả tôi) cũng chẳng biết. Đầu óc tôi bị chi phối bởi cái cốc quá nặng, hai người kia chắc cũng ám ảnh chả vừa. Bởi thế khi anh Huy bị thua lá đầu vì tấm tám cơ thì tôi thừa thắng xông lên với một lô tấm nước đỏ. Thằng Vũ ngồi ngẩn tò te vì không có tùng, đành nhìn hai đối thủ kia sát phạt nhau. Gương mặt nó thoạt tím, thoạt xanh, thoạt đỏ như có học pháp thuật. Miệng anh Huy mím chặt, đầu rối bù, áo quần xốc xếch. Trông anh chả khác cốt cô bị lên đồng, chỉ thiếu tấm vải đỏ phủ kín đầu thì thật giống hoàn toàn, giống như đúc. Sau cùng tôi thắng. Trời ơi, lúc này không biết tả sao cho giống hai tướng bại trận. Một ông thì thiểu não lắc đầu, còn ông kia ngồi chết sững trên ghế. Tôi tỉnh bơ đứng dậy:

- Bây giờ xin nhân danh của kẻ được cuộc, xin mời anh Huy đưa đầu cho em "thanh toán".

Có lẽ trong bụng anh rủa tôi dữ lắm, nhưng ngoài mặt giả bộ hiền từ như ông bụt:

- Lan ơi, nỡ nào ký anh cho đành.

Thằng Vũ liền tiếp theo với mớ triết lý xưa rích của nó:

- Mình là anh chị em trong nhà, dĩ nhiên "anh em như thể tay chân" chả lẽ chị dùng tay đánh chân sao? Phải không anh Huy?

Ông kia phụ họa:

- Ờ... Ờ... phải đó.

Nhớ vẻ huênh hoang khoác lác của anh lúc nãy, tôi lạnh lùng:

- Không được. Xem thử coi ai sưng đầu.

- Em khỏi cốc, anh cũng biết mình sưng đầu rồi phải không Vũ?

- Đúng rồi. Vì mình thua mà.

Lúc đó tôi khó xử vô cùng. Trí tôi căng thẳng dữ dội. Một bên là tự ái phải được vuốt ve (mấy thuở được cốc ông anh nhờ lý do chính đáng, ai lại chả khoái tỉ hở các bạn). Một bên là lời năn nỉ ỉ ôi rất dễ thương của hai cụ. Tôi vốn có tánh nhân từ, đức hậu nên hay xiêu lòng lắm, bụng cũng muốn tha. Nhân từ đến độ cả nhà ai cũng tặng cho tôi biệt danh "chằng chúa" thì khỏi phải nói. Thấy tôi hiền lành bác ái quá, mẹ tôi còn định cho tôi đi học nhu đạo để hộ thân (mẹ phòng hờ sợ có ngày người ta đập tôi vì tánh từ bi hiếm có của chằng đó mà), và để hai anh em Huy khỏi "ăn hiếp" tôi. Trong khi tôi còn phân vân thì thằng Vũ bồi thêm một câu:

- Em biết chị từ bi lắm, chỉ phải tánh hơi nóng nên khi ai đụng đến, vì bất đắc dĩ chị phải sỉ vả một tí rồi thôi. Vả lại Phật có dạy "ở hiền gặp lành" nếu chị tha cho em biết đâu tí nữa chẳng gặp may.

Thằng khôn thật, nó chỉ làm bộ xin cho nó thôi. Dĩ nhiên nếu tôi không "ký" nó thì thế nào anh Huy cũng nhăn nhó phân bì. Tuy nhiên tánh dễ cảm động, nhất là nghe thằng em khen đúng tâm lý, tôi chỉ muốn tha ngay. Để thỏa mãn tự ái, tôi bảo:

- Mày với anh kia nói sao tao vui thì tao không cốc.

Thằng bé vội vòng tay lại, có lẽ đây là lần đầu tôi thấy nó cung kính trong đời:

- Dạ! Xin chị Lan chừa em ra. Từ nay em nguyện ăn năn sám hối, chả còn huênh hoang cái mồm nữa.

Phút chốc tôi thấy sung sướng cả người, lòng ngẫm nghĩ: kể ra ta cũng oai chớ bộ. Tôi gật gù, dễ dãi:

- Thôi được! Còn anh Huy?

Anh tôi gãi đầu:

- Chả lẽ Lan bắt anh nói như Vũ sao?

- Chứ gì?

- Tội nghiệp, anh lớn hơn thằng Vũ cơ mà.

Tôi được dịp, nhơn nhơn cái mặt:

- Vậy chứ anh muốn Vũ nó méc các bạn anh là: anh Huy bị chị Lan cốc đầu hay: anh Huy xin lỗi chị Lan.

- Dĩ nhiên chịu xin lỗi hơn.

Tôi càng làm khó dễ, bắt chẹt:

- Sao chưa chịu nói?

Anh mở mồm, thốt từ tiếng như bị ai bóp họng:

- Thôi... anh xin... lỗi Lan... Lúc nãy tại... lỡ lời...

Nếu sự tình xảy ra như thế là tôi lên tiên rồi. Đàng này không các bạn ạ! Trước khi sang ván hai, tôi giao thêm điều kiện mới:

- Lần này không cho xin nhé.

- Rồi! Không được xin.

Tôi còn sợ, phải thêm:

- Ai chạy gọi bằng chó.

- Ừ! Chó tôtô nha!

Tôi lại nhắc:

- Nhất là anh Huy.

Ông anh gân cổ lên:

- Không bao giờ anh hèn thế.

Tôi mỉm cười, được rồi, chuyến này cứ thẳng tay mà trừng trị. Tôi an tâm chia bài với một niềm tin tưởng vô biên. Tôi thầm nghĩ: chắc tại mình hiền nên Phật Như Lai giúp đỡ. Tự nhiên tôi cảm thấy sinh lòng kính mến cái vị bồ tát có từ mấy mươi đời vương nào đó, tôi chỉ biết mặt nhờ bức tượng qua những lần theo mẹ  vào cúng chùa. Tôi thấy Phật hiền quá, từ bi, bác ái quá, hơn hẳn tôi nhiều. Vì Phật thấy tôi đang mong ước được việc thì giúp liền, chứ còn tôi phải đắn đo, phân vân một hồi mới chấp thuận lời cầu xin của hai kẻ sám hối muộn. Và càng nghĩ, tôi càng trọng, càng thương đức Như Lai thêm lên. Trong thâm tâm, tôi tự cho đức Phật đáng được loài người tôn sùng, kính bái nhiều hơn mới phải. Nhưng thật ra, chẳng có Phật nào chiếu cố cho những kẻ đánh bạc hết các bạn ạ! Chỉ có tôi đang cơn cao hứng với việc nọ sọ việc kia thôi. Bởi vì liên tiếp hai lá đầu của ván nhì tôi đều bị hai ông kia đánh bại. Đức tin trong tim tôi giảm dần rồi cuối cùng chả còn gì để đáng nói cả. Cũng may tôi có tùng để chưng. Nỗi lo ngại của tôi càng tăng khi thấy già rô của mình đưa ra bị Vũ cúp. Cái điệu này thì có đường sưng đầu vô phương cứu chữa. Mà quả thật thế, tôi quay sang cầu nguyện Chúa một hồi thì anh Huy thắng. Thằng Vũ tức tối, đấm mông ành ành. Phật, Chúa của tôi đều đi vắng cả, không có trên trời. Tôi ngồi ngẩn ngơ, chả biết đọc kinh ai cho thoát khỏi cái cốc trả thù của anh Huy bây giờ. Anh ta đang khoái chí cười tít mắt lại, mụt ruồi lại được một phen chạy quanh. Trông mặt anh giống đười ươi chính cống. Mà quả chính cống thật, nhất là khi tôi nghe anh ba hoa chích chòe:

- Đó! Thấy anh hay chưa? Bàn trước tại xui. Già rô của Lan mà có gì. Anh chỉ ngại Vũ nó còn bích thôi. Chứ chuồn thì gặp ta rồi!

Rồi như sực tỉnh, anh nhắc nhở:

- Giờ hai bên đưa đầu đây. Lẹ lên còn ván khác. Ai chạy là chó nghen.

Tôi nhỏ nhẹ:

- Lúc nãy Lan tha cho anh đó, giờ cốc nhẹ thôi nha.

- Tha hả? Bắt người ta xin lỗi, yêu sách đủ điều, nhắc làm chi nữa.

Rồi anh thẳng tay giáng xuống đầu tôi một "ký" thật mạnh. Tôi định nghiêng người né mà chẳng kịp. Ngón đòn trả thù quá ư thần tốc và vũ bão.

Đầu tôi đau điếng bởi bàn tay hộ pháp của anh. Tôi nhớ đến lời thằng Vũ: "Ở hiền gặp lành"! Xời ơi! Gặp đạo đức giả chứ ở đó mà gặp lành. Đồ ba xạo. Tôi tức mình quay lại nhìn anh Huy đang cốc thằng Vũ, xẵng giọng:

- Chơi vậy đó hả? Đầu người ta bộ bằng sắt sao?

- Luật lệ giao vậy chứ bộ.

Đang bị dư âm cái cốc làm ê người, lại nghe ông anh quý hóa trả lời ngang ngược, tôi tức như điên. Tôi nhảy chồm tới, không kịp nghĩ suy, cốc vào đầu anh một lượt bốn năm cái:

- Không biết! Hu hu!... Ai biểu anh cốc tôi đau làm chi. Trả mấy cái cốc lúc nãy đây...

Nước mắt tuôn trào, trông tôi lúc này hiền như sư tử cái, tôi định ôm anh cắn mấy cái đỡ giận. Bị dương đông, kích tây đột ngột, anh Huy chống trả không lại, tru tréo lên như con gái:

- Ối giời ơi! Lan dữ quá... Á! A! Đau quá, Vũ ơi... cứu tao...

Nghe tiếng nạn nhân rên siết, thằng Vũ đang méo miệng nhìn sự tình bỗng giật mình tỉnh hồn vừa bị ai hớp (có lẽ tôi) xông vào gỡ tôi ra:

- Được rồi! Chị Lan, có cái cốc mà làm sứt mẻ tình anh em... Phật có dạy "ở hiền gặp..."

Nghe nhắc chuyện xưa, tôi điên tiết quay lại, hét:

- Gặp "đá" phải không?

Và thuận chân, giang thẳng đá vào đít thằng bé cái "bịch" như một cầu thủ rành nghề. Sẵn tay, tôi cầm bộ bài liệng xuống đất văng tung tóe. Anh Huy và thằng Vũ đứng lõ mắt, nghe tôi kể lể một hồi quá sợ bèn hùa nhau hát bài tẩu mã. Tôi liền rượt theo hai người ra khỏi phòng:

- Không biết đâu!... Anh Huy!

Nhưng khi tôi bước qua khỏi cửa thì bóng hai ông tướng biến mất một cách đột ngột, chỉ thấy ba tôi đang cầm roi hầm hầm đứng sẵn. Và tôi được lãnh thêm mấy cái cốc lên đầu về tội... đánh bài lận...


TRẦN THỊ ANH VŨ  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 174, ra ngày 1-4-1972)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com