Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

LỜI THĂM CUỐI CÙNG - Huỳnh Như Phương


Buổi chiều thứ bảy ở bệnh viện nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Khu dành riêng cho nhi đồng đầy những thân quyến của bịnh nhân đến thăm. May mắn làm sao! Những đứa trẻ người thân của họ sắp khỏi bệnh. Vui mừng làm sao! Khi họ cùng những em bé trong bộ đồ màu xanh da trời được xuất viện, từ giã màu độc bạch của nhà thương. Nhưng... cũng buồn tủi biết mấy, biết đâu một số bệnh nhân không cách nào trở lại với gia đình, với học đường. Các đứa bé ấy chẳng còn nhận được một phép lạ nào nữa để thoát khỏi những cơn đau thắt vùi và vòng tay tử thần luôn luôn siết chặt.

Đào ngồi đây, trong sự rộn ràng của cái bệnh viện nhỏ dành riêng cho trẻ con nầy. Bộ đồ trắng của người nữ y tá không bắt chị lăng xăng nhiều việc như các bạn khác. Ừ, Đào không phải là một y tá viên thật sự. Ba tháng trước, anh Linh xin cho Đào vào dạy trường tiểu học Đ. V. Dù không ở trường sư phạm ra, Đào vẫn được thu nhận làm cô giáo để điền khuyết những giáo viên nhập ngũ. Mới dạy ở đấy chưa đầy hai tháng, vì nhu cầu, Đào phải đổi sang một trường khác. Ngày xa những đứa trẻ tên Hạc, tên Sương... Đào cảm thấy buồn vô hạn. Tại sao người ta cứ mãi đổi dời làm mọi sự việc khác biệt nhau luôn. Đào thù ghét sự thay đổi nầy.

Tuy nhiên, công việc dạy học trò không nối tiếp như Đào tưởng. Đoạn đường từ tỉnh lỵ đến trường mới bị gián đoạn lưu thông. Phương tiện độc nhất để đến địa điểm đó là máy bay. Mà bây giờ các chuyến bay quân đội đều dành ưu tiên cho nhà binh, Đào đành phải nằm nhà. Và, không dối lòng, Đào chẳng ham thích gì mà mong muốn đến miền đất heo hút ấy để phải cách rời những người thân phố thị. Rồi, oái oăm thay! Một tuần lễ sau, Đào nhận được giấy "cho nghỉ việc" đánh đi từ ty tiểu học.

Nằm nhà không làm gì, buồn tình buồn ý, Đào đến con Hòa nhờ nó giới thiệu vào nhà thương nầy. Đào... tập làm y tá. Chị đã từ biệt quê hương học trò. Chị vừa giã từ nếp sống cô giáo. Và, bước vào thế giới mới với "sé-rum" và bông hấp. Tuy chưa thấu hiểu nhiều về y khoa và nhất là các danh từ thuốc men Âu Mỹ, Đào cũng cố làm quen với chúng. Chị nghĩ rằng chị sẽ làm được một cái gì để xoa dịu vết thương chiến tranh, bằng đôi tay mềm yếu của mình. Đôi tay chỉ biết cầm viết và ôm vở.

Đào còn ngồi hồi tưởng miên man ở thành "lan-can" nầy. Đường phố đã có điện sáng từ lâu. Đào đưa tay nhìn đồng hồ: mới sáu giờ hơn. Đào có nhiệm vụ trông nom và sắp đặt chỗ ngủ cho các em. Còn sớm chán! Đào lặng nhìn cái sinh hoạt hỗn tạp của thành phố nhỏ lúc chiều tàn. Xe cộ nhiều nhưng có lẽ người ta chỉ hối hả về nhà chứ chẳng ai buồn đi chơi trong mấy ngày lộn xộn nầy. Tiếng động cơ và còi xe tạo nên một âm thanh nham nhạp khó phân tích nổi. Qua hàng rào bệnh viện, Đào thấy một chiếc xe Hồng Thập Tự dân sự chạy bay về hướng bệnh viện. Sắp có công việc cho Đào khỏi ngồi nghĩ "lang bang" rồi! Tiếng còi hụ níu Đào chạy ra sân. Mấy y tá khác cũng chạy đến. Người ta khiêng bệnh nhân trong xe ra: một em bé chừng mười tuổi nằm trên "băng ca". Bàn chân phải của đứa nhỏ dường như đứt rời. Như vậy là đủ biết nạn nhân chưa được một trạm ý tế nào săn sóc. "Vết thương không quan trọng lắm!" Bác sĩ nói vậy nhưng Đào vẫn nhận thấy gương mặt em bé gái xanh như tàu chuối. Máu đã ra quá nhiều.

*

Ống chân đứa bé được Đào nâng lên cho các y tá băng bó. Bác sĩ chuyền thuốc vào mạch tay nó. Mấy nhân viên khác lo lấy dụng cụ cho bác sĩ. Đứa nhỏ nhắm nghiền đôi mắt lại. Nó không rên la gì cả. Đào sợ nó chết mất! Chị có cái sợ thật là dại dột: nhịp thở đưa bé vẫn đều đặn. Đào quay mặt ra cửa sổ nhìn trời. Một cụ già đứng bên chị từ lúc nào. Ông lão thổn thức khóc. Chắc ông là người nhà của em bé nằm đây. Vậy mà nãy giờ chẳng có ai để ý đến, luôn cả Đào. Đào nhìn kỹ ông già qua ánh sáng trắng của đèn điện. Trời! Biết chừng nào ba Đào già như vậy?! Chừng nào anh Linh già như vậy?!

- Thưa cụ! Có phải cụ là... ông của em bé nầy không ạ?

Đào hỏi ông cụ hết sức lẹ làng. Mà giọng người trả lời thì hết sức chậm chạp. Có phải vì dè dặt một điều gì (?)

- Dạ... phải... cháu ngoại của tui đó... cô.

Tiếng "dạ" chứa chất nhiều xa lạ giữa Đào và ông cụ. Chị muốn nói để minh định với ông cụ rằng chị chỉ là một y tá viên. Chị không phải là ông quan hay bà hoàng. Nhưng bác sĩ đã đánh tiếng điền vào khoảng thời gian trống:

- Thế quê cụ ở đâu, thưa cụ?

- Dạ trình... "thầy" tôi ở Mộ Đức, "thầy" cứu dùm cháu tôi rồi...

- Cụ khỏi lo việc đó, đây là nhà thương từ thiện, những người ở đây không chịu khoản lệ phí nào hết cụ à.

Đào muốn bật cười vì câu nói và dáng điệu khúm núm của ông già. Hình như ông cụ cố chụp lấy cơ hội nói với bác sĩ vấn đề chi phí. Câu trả lời của vị bác sĩ tận tâm làm ông cụ bỡ ngỡ trong một phút. Cụ già vẫn "dạ" mà không nói trọn lời cảm ơn. Phải chăng sự thật thà đã khiến ra những đau khổ cho đồng bào ta: nó luôn luôn bị lợi dụng. Cố thu hút cảm tình vốn đã mất mát, Đào nói:

- Mời cụ qua phòng bên nầy nghỉ cho đỡ mệt.

Ông lão theo Đào và không quên ôm gói quần áo. Vừa đi, Đào vừa gợi chuyện:

- Em nhỏ bị thương trong trường hợp nào vậy cụ?

- Nó đi lùa trâu về rồi đạp nhằm quả mìn "con cóc" gì đó thành vậy cô à.

Nhận thấy sự thân mật của Đào nên ông lão đã tự nhiên trở lại. Theo lời bác sĩ, Đào dẫn ông ta vào phòng số 6, chị chỉ đến giường phía trên:

- Bây giờ cụ hãy nghỉ lưng ở đây. Chút nữa giải phẫu xong, bác sĩ sẽ đưa em bé lại đây với cụ, cụ...

Bằng giọng thiểu não, ông cụ ngắt đứt lời Đào:

- Mà cô ơi! Cháu tui có qua khỏi nổi không cô?

- Không can chi lắm đâu cụ! Ít bữa nữa bác sĩ băng bột, vài tháng là khỏi.

- Nhưng chắc nó mất bàn chân thôi cô ơi! Ông cụ rưng rưng.

Biết thế nào em bé cũng phải qua khu chỉnh hình tra chân giả. Song, Đào vẫn gắng làm yên lòng ông già vốn đã khổ tâm. Sau một giây ngập ngừng, chị dặng tiếng:

- Bác sĩ bảo sẽ giữ hoàn nguyên đôi chân cho cháu cụ. Cụ an tâm đi mà!

Đào đã ra đến cửa. Ông già đáng thương còn gọi giật lại:

- À, này cô, nếu cháu tui có sao thì cô gọi tui nghen, đừng đưa đi đâu hết nghen cô... "nhà thương".

Đào cười không ra tiếng. Rời khỏi phòng chị còn nghe được giọng não nề:

- Tui muốn ở gần mãi bên cháu tui. Nó còn nhỏ quá mà!

*

Vậy là cụ già và em bé Mộ Đức ở nhà thương được ba ngày rồi. Đào chưa có giờ rảnh để hỏi tên họ. Cụ già thì mãi lẩm nhẩm cách thức cho uống thuốc. Mỗi một việc làm nhỏ nhặt của đôi bàn tay già nua bao giờ cũng êm ái cả. Hình ảnh một cụ già run run đổ sữa vào miệng một em bé vẫn là hình ảnh đẹp nhất trong quãng ngày làm y tá của Đào. Em bé gái vẫn còn xanh xao, ốm yếu trông thấy. Đôi mắt lau láu của nó làm Đào nhớ đến bọn học trò cũ của chị. Chắc tụi nó đã có một cô giáo mới. Cô giáo ấy sẽ ban cho chúng nhiều yêu thương hơn Đào (?)

Những bận rộn liên miên ở bệnh viện làm Đào quên hết dĩ vãng của thời làm... thầy. Chị quên mất khuôn mặt của đám học trò nhỏ. Đào thương chúng mỗi sáng đến trường kể chuyện xuống hầm cho chị nghe. Đào bớt rầy chúng vì đêm qua xuống hầm không học thuộc bài. Mà bây giờ... bây giờ Đào quên khuấy đi mất. Chị chẳng cần biết gì nữa về ngôi trường Đức Vinh năm lớp ở Mộ Đức. Nơi đó chị đã bỏ rơi ít vài kỷ niệm thuở cô gái tuột ra vòng tay mẹ. Lúc cô gái bước ra làm "hột cát trong bãi sa mạc" ấy mà! Ôi chao! "Thiên đường kỷ niệm" đã quá xa tầm tay với của Đào.

Buổi sáng ngày thứ tư!

Bác sĩ đến phòng 6 thăm bệnh nhân. Bác sĩ vui sướng thấy đứa gái nhắm mắt ngủ ngon. Sau đó ông khám nghiệm như thường lệ. Không biết là mấy giây sau gương mặt hớn hở, bác sĩ tỏ vẻ hoảng hốt như thế nầy! Ông vẹt mền và nâng ống chân bị thương của em gái lên. Bác sĩ giật mình một cái và Đào cũng vậy: Ống chân đứa bé như thâm tím. Đào sờ vào: da thịt nó trở thành cứng lại. Bác sĩ Tuấn nghẹn ngào:

- Cô lấy bình sérum cho tôi chuyền ngay!

Đào chạy ngay mà không đợi giải thích kỹ. Khi Đào trở lại, ông già đi nhận phần ăn sáng vẫn chưa về. Bác sĩ cho biết về bệnh trạng em bé:

- Tôi sợ đứa nhỏ ảnh hưởng đến dòng máu xấu của cha mẹ nó nên máu mới không chạy nổi trong chân bệnh.

- Thưa bác sĩ, đã có lần nào bác sĩ gặp căn bệnh như vầy không?

- Trong suốt chín năm hành nghề tôi chưa một lần đứng trước một căn bệnh kỳ quái như thế nầy.

- Bác sĩ! Mình có nên giấu đừng để ông cụ biết chuyện nầy không?

- Đâu được... nhưng cô hãy để tôi!

Bác sĩ nói xong thì ông ngoại đứa bé về phòng:

- Trời! Có gì mà thầy làm thế nầy? 

Ông cụ la hoảng lên. Chắc ông đã ăn điểm tâm rồi. Bác sĩ ngồi xuống ghế và chỉ xuống một cái ghế bên cạnh:

- Cụ hãy bình tâm ngồi xuống đó. Cháu bé hơi nóng mình nên tôi chuyền sérum cho nó khỏe. Nếu muốn vết thương của cháu bé mau lành, cụ hãy trả lời tôi ít câu hỏi và đừng gây xúc động đến cháu.

Ông cụ chồm sang sờ đầu em bé:

- Dạ, thầy hỏi gì cứ hỏi.

Trong khi đó Đào vẫn ngồi, giấu chân em bé sau lưng như cố ngăn nỗi buồn phiền có thể xảy ra. Lời bác sĩ Tuấn:

- Thưa cụ, ba má cháu bé hiện làm nghề gì?

- Cha nó trúng đạn chết đã ba năm rồi. Còn mẹ nó ở với tui làm ruộng.

- Sao cụ không để mẹ cháu theo săn sóc nó?

- Hôm đó mẹ nó ngất lên ngất xuống nên tui phải đi thế. Vả lại dầu sao tui cũng mạnh dạn hơn.

- Dạ... tôi thành thật hỏi cụ. Cụ có biết thì cứ tự nhiên trả lời. Hồi trước cha mẹ cháu bé có mắc bệnh gì không? Như ho lao chẳng hạn.

- Cái đó không có đâu thầy. Tui d0oan chắc như vậy.

- Tôi tin cụ nhưng vẫn chưa thỏa mãn lắm, còn riêng cháu bé trước đây có bệnh gì không ạ?

- Năm lên ba nó hen rồi ba nó mua thuốc suyễn uống, bây giờ dứt luôn rồi! Nhưng thầy nói cho tui rõ: có gì mà thầy hỏi han kỹ lưỡng vậy? Có phải cháu tui trở bịnh lại?

- Chẳng có gì cả cụ à! Vì muốn đề phòng bệnh trạng của cháu bé tái phát nên tôi muốn biết rõ mọi việc để ngừa trước đấy thôi!

- ...

- Tôi nhắc lại là cụ đừng cho cháu bé uống nước nhiều đấy nhé!

- À... việc đó thầy chỉ nhắc một lần thôi.

Đào tiếp lời với câu nói vui vẻ giả tạo:

- Mỗi sáng cháu sẽ đến đây thăm chừng em bé.

Bác sĩ nói câu cuối:

- Cụ hãy yên dạ mà chờ ngày cùng cháu về quê. Thôi chào cụ!

- Dạ, thầy đi thăm người khác!

Lúc nào ông cụ cũng nhận được những lời khuyên chứa đầy giấu giếm. Đào ra theo bác sĩ. Chị nhận thấy trên mặt ông một nỗi buồn khó tả.

*

- Nhỏ! Em biết ai đây không? Chị đây! Chị là y tá đây nè!

Đào bàng hoàng lay gọi đứa bé gái đang oằn oại trên giường. Đứa nhỏ chỉ đáp lại bằng những tiếng rên la yếu ớt.

Bác sĩ không nói gì. Ông đang đặt tất cả tâm trí vào công việc khám nghiệm. Hòa lấy thuốc đằng phòng trữ đem lại. Chính bác sĩ tiêm vào gân tay đứa bé. Đôi chân bệnh hoạn quẫy đạp liên hồi làm tấm "ra" trắng đùn lại. Đào phải giữ chặt vào.

- Con!... Hạc... tỉnh lại con...

Đào cố ý không nghe tiếng than khóc của ông già. Đào xua ra những âm thanh yếu mềm, rã rời tống vào tai. Chị lắng nghe một tiếng thở dài bất lực của bác sĩ. KHÔNG! Búp măng đang lớn và tươi đẹp quá...

Sáng nay Đào thức dậy muộn, rồi hối hả đến bệnh viện nhưng vẫn không kịp giờ. Khi ấy ông cụ đi lãnh cơm sáng. Đứa bé quá khát nước. Nó đã chồm lên chiếc bàn nhỏ. Lấy chai nước lọc. Và uống hết...

Lúc Đào qua thăm thì chất nước lạnh đã thấm vào cơ thể nó. Đứa bé bắt đầu la khóc, oằn oại trên giường bệnh. Bác sĩ được kêu tới. Đào thấy hối vì sao dậy muộn. Đào thấy hối sao đêm mãi thức khuya đọc sách. Phải chi Đào đến sớm hơn nửa giờ nữa. Đào chắc đã ngăn được sự việc. Nhưng có phải Đào trách để mà trách? Không giúp được và không thanh minh gì cả! Chị trở về thực tại với sự câm nín của người thầy thuốc và điệu khóc không ra hơi của người già. Hòa bạn chị vẫn như cái máy không phát ra âm thanh. Chỉ có mỗi một tiếng rên khóc của em bé. Tiếng khóc cuối cùng của khoảng đời ngắn ngủi? Không. Đào xua đuổi ý tưởng đó như tự tay chị chùi một nét bẩn trên khuôn mặt sáng láng dễ thương.

Căn phòng tưởng như chìm mãi trong không khí nặng nề. Song, đôi mắt tròn xoay của đứa nhỏ gái tên Hạc đã mở ra. Nó thì thào:

- Ngoại!... Hôn con đi... ông ngoại!

- Cháu ơi!... Cháu mê sao cháu? (ông già ôm chầm hôn đứa bé) Mẹ mày giờ này sao chẳng thấy ra thăm mày. Hả? Con...

Đứa bé kêu nhỏ "Mẹ! Em Cung!" rồi nhắm kín mắt lại. Đào cúi xuống sửa lại cái gối cho ngay đầu bé Hạc. Đôi mắt của loài chim hòa bình lại mở ra:

- Chị! Chị có biết cô giáo Đào... dạy trường Đức Vinh không?... Chị nhắn với... "cổ" là... em Hạc gởi lời thăm "cổ"... Từ bữa "cổ" đi đến nay... tụi em nghỉ học hoài... không có cô giáo khác... thay...

Câu nói rất đỗi nhỏ nhẹ và cũng rất đỗi thiết tha. Đào há hốc miệng:

- Trời! Bé Hạc đây sao?... Hạc! Cô đây nè Hạc... Cô Đào đây! Cụ... cụ! Em bé này tên Hạc hả cụ? Hạc ơi! Vậy mà cô có biết gì đâu!

- Phải! Cháu tôi tên Hạc... Nó đã học lớp nhì... mà... nó nói cái gì... cô nói cái gì... tôi không hiểu gì cả?!

Nhưng... bác sĩ đã bắt mạch bé Hạc và xuôi tay lắc đầu:

- Thôi rồi! 

Hai tiếng của bác sĩ làm mọi người kinh hoảng.

- Cái gì vậy bác sĩ?

- Cháu bé đã "đi" rồi!

- Cháu ơi! Hạc ơi! Cháu không về thấy mặt má cháu sao? Sao cháu không để ngoại cõng về đùa giỡn với em Cung. Tội quá cháu ơi! Tội quá cháu ơi!!

Cụ già lao đến... nhưng với dáng điệu êm ái, dịu dàng, ông vuốt mặt đứa cháu bất hạnh. Đào thấy trong khuôn mặt đó một vẻ ngây dại ngọc ngà. Khuôn mặt có ông ngoại già tận tụy chăm sóc cháu. Khuôn mặt có bà mẹ hiền ngày tháng làm ruộng nuôi con. Khuôn mặt có đứa em tên Cung dễ thương, dễ mến... Và nữa, một cô giáo trước mắt mà vẫn không nhìn ra. Xa quá rồi còn gì! Trước khi nhắm riết lại vĩnh viễn, đôi mắt bồ câu ấy đã nháy lia lịa mấy cái liền. Bé Hạc còn nuối những hình ảnh thân yêu trong đời.

Đào trở ra hành lang. Chị bỏ lại căn phòng với những lời khóc la thảm thiết. Chị tìm chút yên tĩnh để nghĩ về bé Hạc của chị. Nhưng chị muốn quên tất cả.  Cho khuây khỏa lòng. Không được! Chính vì muốn quên vùng kỷ niệm sau lưng mà chị đã không nhận ra Hạc. Học trò của chị vẫn còn nhớ đến chị. Học trò của chị đang thất học. Mà chị thì dư thì giờ. Một sự trùng phùng chua xót ngẫu nhiên đến với chị. Bé Hạc có lẽ đã mãn nguyện với lời thăm hỏi cuối đời nó. Đào nghe niềm sầu cảm dâng lên trong tâm hồn thật êm và thật nhẹ tự hồi nào. Cùng với hai giọt nước mắt lăn đều trên má theo bé Hạc về lòng đất: quê hương cuối cùng của loài người.

Cơn nắng nôi bắt đầu lên cháy mây hun đá giữa miền đất khô cằn. Qua hàng rào bệnh viện, Đào thấy một con đường thiếu bóng cây.


Cuối hè 1969            
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 124, ra ngày 1-4-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com