Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

TI-HU VÀ CON RẮN - TH.

  

 Ti-Hu là một chú chim, một chú chim trong mộng tưởng. Trên bộ lông óng ả của chú, điểm một chút màu vàng của mặt trăng, một chút màu hồng của hừng đông, và còn lại là màu xanh da trời. Chú rất nhỏ. Chú nhỏ đến nỗi người ta tưởng chừng như chú là một cậu bướm, và chú có thể biến mất trong lòng của một bông hoa.

Chú tên là Ti-Hu, chắc chắn rằng do tiếng kêu rất dễ thương của chú : Ti-Hu, Ti-Hu... lúc chú chuyền từ nơi nầy qua nơi nọ.

Chú sống trong một miền huyền diệu và xa xôi. Ở đó, những ngôi đền cổ kính mà người ta gọi là chùa, được trang hoàng bằng những bức tượng đồng đen và vàng ròng. Rừng núi miền nầy rất rậm rạp. Cây cối cổ thụ và bát ngát, chằng chịt lấy nhau, khiến người ta không thể nào bén mảng tới đây được. Đó chính là giang sơn của những thú dữ.

Ti-Hu không tiến vào sâu nữa, vì trong đó rất âm u. Ti-Hu lại thích ánh sáng quang đãng.

Giữa khu rừng rậm và ngôi chùa, có một khoảng không gian tuyệt diệu, trải dài bằng những hồ nước linh thiêng, mọc đầy sen. Chính trong khung cảnh thần tiên nầy, Ti-Hu vô tư bay chuyền nhởn nhơ... Chiều đến, muốn ngủ, chú lại bay về đậu trên một cành cây ven rừng.

Nhưng bé có thể tưởng tượng được rằng chú Ti-Hu dễ thương kia lại có một kẻ thù? Phải, đó là Lu, một con rắn tinh quái, đang ghen tức vì vẻ đẹp của chú, một vẻ đẹp mê hồn có sức hấp dẫn cả đến những cặp mắt khó tính nhất và phải đem lòng mến thương. Trong khi đó, lão rắn độc kia lại bị mọi người khinh bỉ, nên luôn phải lẻn núp mình dưới những viên đá.

- Ta sẽ ăn sống nuốt tươi mi! lão Lu rít lên dữ tợn, khi lão nhận ra Ti-Hu.

Chú Ti-Hu vẫn thản nhiên, không chút lo sợ. Chú đã có đôi cánh mà!

Nhưng chiều nọ, chú đậu trên một cành cây cao. Chú chưa ngủ. Chú bỗng thấy lão rắn quỉ quyệt đang cuốn mình quanh cành cây và từ từ tiến về phía chú. Ti-Hu vội tung mình lên và bay, bay thật nhanh, không thèm nhìn lại con vật ác độc. Bé nên biết rằng: Khi một con rắn chú mục thôi miên một con chim, chắc chắn thế nào con vật hiền từ bé bỏng nầy cũng bị hại. Con chim sẽ không thể nh1uc nhích. Nó sẽ yếu ớt lung lay đôi cánh, khẽ kêu lên một tiếng ai oán, và, mặc dầu lo sợ, nó cảm thấy như bị thu hút về phía con rắn với đôi mắt đầy quyền lực ma thuật đang nhìn chằm chọc, không rời nó một giây. Con vật đáng thương, đang đầy sinh lực, sẽ bỗng biến mất trong chiếc mõm con rắn.

Ti-Hu cũng biết điều đó. Chú lo lắng và không trở lại đậu trên cành cây nữa.

- Thằng lỏi nó ngủ đâu kìa? lão Lu tự hỏi mỗi khi chiều đến... Phải rồi. Nó ở tuốt trên kia, trên một trong những tháp nhỏ của ngôi đền. Thế là lão Lu lại có một trò giải trí, là được uốn mình trườn lướt từ viên đá nầy qua viên đá nọ, tiến về phía cái tháp nhỏ kia. Lão sắp sửa chộp được Ti-Hu thì một chú thằn lằn bò qua, rất lẹ. Chú chim Ti-Hu nhà ta, đang say sưa trong một giấc ngủ nhẹ nhàng, bỗng thức giấc và thật lẹ làng, chú bay biến đi mất.

Nhưng rồi mỗi khi chiều đến, chú Ti-Hu đáng thương không biết phải đi đâu... Cuối cùng, chú nảy ra một ý nghĩ: Ở bên bờ hồ thiêng kia, có một tượng Đức Phật rất lớn, bằng đá, luôn nở một nụ cười đầy vẻ nhân hậu, từ bi. Ti-Hu bay lên đậu ở trên tay bức tượng. Chả hiểu rồi chú có thể qua một đêm yên lành không?

Không. Phải rồi. Không, vì Lu đã thấy chú. Người ta không hiểu làm sao lão ta lại có thể cuốn quanh bức tượng to lớn thế kia để chuyền ra tới cánh tay, và nhô chiếc đầu dẹt của lão ra, ngay trên Ti-Hu. Ti-Hu, thoáng chút kinh ngạc, ngửng cổ lên, và đôi mắt chú bắt gặp ngay đôi mắt lão rắn ác độc và tinh quái.

Chú Ti-Hu đáng thương, tim đập mạnh. Chú biết chú sắp bị nuốt tới nơi rồi. Lão rắn vẫn gắn chặt đôi mắt vào chú. Chú Ti-Hu, như một người bị tê liệt, thấy rõ cái miệng đang há rộng trước chú, chiếc lưỡi chẻ đôi lè ra, những cái răng, những chiếc móc nhọn chứa đầy chất độc... Phải, chú thấy tất cả chứ chả phải không thấy, nhưng chú không thể chạy trốn được nữa. lão Lu rướn cái đầu dẹt tới từ từ, mắt vẫn nhìn chăm chăm, không chịu rời con vật đáng thương đang run rẩy. Cái miệng tiến gần... tiến gần hơn nữa... và bỗng chốc, không thấy con chim đâu nữa. Lão rắn quái ác tức đến tím gan, vẫn để nguyên cái miệng há rộng trước bàn tay trống không của tượng Đức Phật.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa hiểu được sự việc lúc đó xảy ra như thế nào. Họ kể lại rằng Đức Phật đã khẽ nâng ngón tay có chú chim đậu lên, để chú đánh đu trên đó. Có kẻ lại nói rằng chính một ngọn gió đã đưa chú chim nhỏ bé lên, rất nhẹ, và đem chú tới đặt ở một chỗ khác...

Nhưng sự thực thì Ti-Hu, vào cái giây phút mà chú sắp bị vồ, đã rơi xuống trên lòng một bông sen, lúc đó đang mở ra như một cái chén, ở trên mặt hồ. Và, vì đó là giờ mà đóa sen kia khép lại để ngủ, nên nó đã giữ Ti-Hu lại. Nó xếp những cánh hoa lại, khỏa lấp trên mình Ti-Hu, giấu kín chú trong cái nôi êm ái và xinh đẹp kia một chủng loại mới.

Người ta cũng nói rằng, chính kể từ đó mà loài rắn đã biết bơi, vì muốn tìm lại Ti-Hu đang an giấc trong lòng đóa sen trắng.


(TH.)              
(cổ tích Trung Hoa)    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)




Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

TÀN ĐÔNG - Thao Dương

 
   
tàn đông cây khóc giọt buồn
mây thu quên lối dỗi hờn dấu xưa
    
em về ướt bước trong mưa
thêm tê tay lạnh gió lùa tóc bay

mùa đông nâng nhẹ cánh gầy
bay xa ngày tháng khói mây phủ mờ

xuân nồng về bước hoang sơ
tâm hồn xưa ấy bây giờ hoang mang

Chợt nghe ước vọng điêu tàn
trong cơn đời lạnh úa vàng niềm tin

thôi em đã mỏi mắt tìm
mùa xuân con gái im lìm ngủ quên

mưa sa từng sợi nước mềm
gót chân phiền muộn qua miền lãng du

mùa xuân lạc mãi sau mù
tuổi xuân mười tám ưu tư mấy mùa

thiên đàng cỏ úa ngày xưa
rời xa ký ức cho mưa xuống đời.

                                      THAO DƯƠNG

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 99, ra ngày 1-1-1969)


 

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

QUÁ NGHI KỴ RẤT CÓ HẠI - Nguyễn Hùng Trương

  

 Các em thân mến,

Một em đã viết thư đến chúng tôi hỏi ý kiến: Do một sự tình cờ, em được quen với một vị và vị này biết em gia đình túng thiếu đã tận tình giúp em như cho tiền để đóng học phí, mua sách vở, thuốc men mỗi khi đau ốm. Người này lúc nào cũng vui vẻ tử tế và chưa hề đòi hỏi em một điều gì. Em đọc báo chí hiện nay thấy mô tả xã hội đầy thối nát, mọi người đều ích kỷ, đê tiện. Em có nên nghĩ người đang giúp đỡ sẽ lợi dụng em chăng?

Các em thân mến,

Đành rằng trong xã hội có những hạng người xấu xa, bỉ ổi. Nhưng cũng còn biết bao người khác có tấm lòng vị tha, cao cả. Xã hội Việt Nam chúng ta không phải hoàn toàn hư hỏng như một số báo chí đã phóng đại. Nhiều tấm gương đẹp đẽ còn nằm yên trong bóng tối.

Sống ở xã hội, lúc nào cũng nên thận trọng. Nhưng em cũng đừng quá đa nghi đối với những người tốt với mình mà phụ lòng những người đã thật tình giúp mình.

Ngày xưa, Ngũ Viên, tức Ngũ Tử Tư, vì tính đa nghi đã hại những ân nhân của anh ta.

Trên đường chạy lánh nạn, Ngũ Viên nhờ một ông lão đánh cá đưa sang sông. Ngũ Viên đưa tặng ông lão thanh bảo kiếm để đền ơn. Ông lão đáp: Vua Sở đã treo giải nhiều tiền bạc và chức tước quan trọng để chỉ bắt nhà ngươi, lão còn không ham, huống chi thanh kiếm này. Vả lại, lão làm nghề đánh cá, có cần chi đến gươm. Nhà ngươi hãy mang theo hộ thân khi đi đường. Ngũ Viên hỏi tên ông lão. Ông lão trả lời: Ngươi là người có tội đi trốn, lão là người tha kẻ có tội, cả hai đều có tội ; vậy hỏi tên họ làm chi, nếu sau này có dịp gặp nhau, lão sẽ gọi nhà ngươi là người trong bụi lau, nhà ngươi gọi lão là ông lão đánh cá cũng đủ lắm rồi. Ngũ Viên hết sức cảm phục, bái chào rồi ra đi. Nhưng mới đi được vài bước, anh ta ngoảnh lại dặn: Nếu có quan quân đuổi theo, xin cụ đừng tiết lộ tông tích tôi. Ông lão đánh cả thở dài rồi than: Nhà ngươi còn chẳng tin lão sao? Như vậy, nếu nhà ngươi vì lẽ nào bị bắt, chắc lão khó bày tỏ nỗi lòng. Ông lão đánh cá liền nhảy xuống sông tự tử.

Sau đó, anh ta lại gặp một người con gái đang giặt lụa bên bờ sông. Anh ta đói quá, lại thấy có giỏ cơm bên cạnh cô gái, liền đánh liều đến xin ăn. Khi ăn xong, Ngũ Viên từ giã ra đi và cũng dặn dò đừng tiết lộ làm cho người con gái cũng phải trầm mình xuống nước tự vẫn.

Các em thân mến,

Sự quá nghi kỵ chẳng những không hay cho các em còn hại cho người khác. Đừng lúc nào cũng nghi ngờ như trường hợp một bà vợ thấy sợi tóc dính ở áo chồng, liền hỏi: Hôm nay anh đi với cô nào mà dính tóc ở đó... Hôm sau, không thấy tóc ở áo, bà ta vẫn nghi: Bữa nay, anh đi với bà đầu trọc nào?
 

Thân mến                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 20, ra ngày 26-12-1971)


 

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

CUỐI NĂM... THẢ LÁ XUÔI GIÒNG - Trần thị Phương Lan

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tháng mười hai tim tím
Oải hương dấu hộc bàn
Dịu dàng bao kỷ niệm
Xa khuất rồi mênh mang

Tháng mười hai xanh xanh
Làn gió thoảng trong lành
Cánh chim chiều bay vút
Cẩm tú cầu mong manh

Tháng mười hai phớt hồng
Sương khắp nẻo hư không
Cành anh đào mơn mởn
Gió vi vút đồi thông

Tháng mười hai mơ vàng
Chú nai bé lang thang
Khẽ ngậm ngọn cỏ ướt
Mimosa đầu non

Tháng mười hai tươi thắm
Màu đỏ rực trạng nguyên
Trên ban thờ tĩnh lặng
Chúa mắt buồn uy nghiêm

Tiếng sáo thổi lưng đèo
Qua rừng vắng quạnh hiu
Thả lá trôi giòng nước
Tháng mười hai trong veo...

                     Trần Thị Phương Lan
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)



Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

CHUYỆN CÔ BÉ THÍCH BIẾN HÌNH THÀNH ĐỦ MỌI THỨ - Nguyễn Xuân Hiếu

  

Ngày xưa có một bà mẹ có một cô con gái bé tên là bé An. Bà mẹ này cũng như tất cả các bà mẹ khác trên thế giới, nghĩa là có lúc vui, có lúc buồn, có lúc tỏ vẻ lo nghĩ, nhưng dù sao vẫn là một bà mẹ.

Còn cô bé thì khác hẳn. Tất nhiên cô bé lúc nào cũng vui vẻ nhưng cô khác hẳn các cô bé khác, lắm lúc người ta tưởng cô không còn là một cô gái bé nhỏ nữa. Cô bé lúc thì trở thành một cái máy cày, lúc thì trở thành một cái xe gắn máy, lúc lại là một bông hoa, lúc lại là một cái máy điện thoại.

Nghĩa là luôn luôn biến hình đổi dạng rất nhanh.

Một hôm bà mẹ bảo cô: "Con đi mua cho má một ký bột đi. Má làm bánh cho con ăn".

Nhưng cô bé lúc đó mồm chúm lại: "Pin! Pin!". Nghĩa là cô đang là một cái xe buýt. Và tất nhiên có bao giờ người ta thấy một cái xe buýt vào hàng mua bánh bao giờ, phải không má?

Thế là bà má phải đi mua bột lấy.

Rồi bà về nhào bột làm bánh. Trong lúc nhào bột, bà bảo: "Con vào trong trạn lấy cho má mấy quả trứng đi".

Nhưng cô bé đã dẩu mỏ ra sủa gâu gâu. Cô đã thành một con chó rồi. Và tất nhiên là một con chó rất dữ. Có bao giờ người ta có thể để cho một con chó dữ và tham ăn vào trong trạn đồ ăn bao giờ đâu, phải không má? Cho nó vào nó ngốn hết đồ ăn trong đó thì nguy quá.

Bà má đành phải đi lấy trứng lấy rồi nhào bột, lấy khăn đậy lên rồi cho vào lò nướng.

"An ơi! Con đi giã lạc đậu phọng cho má đi để má làm nhân bánh." Cô bé suy nghĩ một chút. "Má ơi! Con là một con chim sẻ rồi má ạ. Chim nhẩy nhót trên bếp, nếu sai chim sẻ giã lạc thì có khác gì mời sẻ sơi hết lạc cho rồi, phải không má?"

Bà má đành phải tự mình đi giã lạc, giã xong rồi cho bánh vào khuôn. Gian nhà bếp thơm lừng mùi bánh nướng.

Đột nhiên An hỏi má: "Má ơi! Má có biết bây giờ con là gì không?

Bà má không trả lời.

Bánh nướng xong, thơm quá, ngon quá. An nói:

- Má cho con một miếng đi.

Nhưng má không nói gì cả. An cắn môi suy nghĩ.

"Má ơi! Sao má không nói gì cả thế má?"

Nhưng má vẫn không nói gì hết. Má đem bánh vào trong phòng ăn. Lúc đó má mới nói: "Con định bảo má nói gì bây giờ? Má là một con cá. Có bao giờ con thấy một con cá cho kẻ khác ăn bánh không?"

An cúi đầu suy nghĩ. Đột nhiên cô bé thở phì phì. Thì ra cô vừa biến thành một máy bay phản lực. Tiếng máy bay càng ngày càng to và cô bé nói: "Má ơi! Má có muốn máy bay phản lực đi ra phố mua cái gì về cho ba ăn không hả má?"

Máy bay bay đi. Lúc trở về máy bay biến thành một cái đĩa hát và học bài sử ký nhanh ghê gớm, chỉ một loáng sau đã thuộc lầu, như cháo.


NGUYỄN XUÂN HIẾU      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 18, ra ngày 12-12-1971)


 

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

CÂU CHUYỆN ĐAU THƯƠNG CỦA LOÀI CÒ - Chí Nhi

 

Có bao giờ các bạn say sưa ngắm con cò cò thật chứ không phải cò giấy của anh Hà Tĩnh đâu nhé đứng yên một chân trên đồng ruộng để rình mồi, cá hoặc tôm tép, không?
 
 Say sưa thì chắc không có nhưng nhìn sơ thì tôi tin bạn cũng có nhìn. Với đôi chân, cái cổ và mỏ dài ghê gớm nhưng... cò trông đẹp lắm đấy chứ phải không các bạn? tuy rằng nó có vẻ hơi buồn và hay suy tư một chút Có bao giờ các bạn thắc mắc không hiểu vì sao cổ cò dài thế? Chân cò sao cao quá và mỏ cò sao cũng lại quá dài?

Có bao giờ các bạn tự đặt câu hỏi: "Quái, sao cò nó không kêu ríu rít như chim sẻ hay các loài khác mà cứ trầm tư mặc tưởng như một nhà hiền triết thế kia?

Dù có hoặc không thắc mắc, tôi cũng xin mời các bạn thử ngược dòng thời gian trở về thời xa xưa, để xem vì sao loài cò lại có hình dạng lạ lùng và vẻ mặt u sầu như thế?

Nào,

Các bạn biết không?

Ngày xưa, đã lâu lắm rồi con cò còn là một giống chim mà các bạn không bao giờ tưởng tượng nổi.

Hãy giả sử rằng đó là một con chim bói cá  nhưng lớn hơn và khác mầu. Nghĩa là con cò chúng ta hãy gọi cò là Patu cho dễ nhớ trước là một chú chim với cặp mỏ cứng rắn, ngắn và nhọn với cái đầu hơi lắc lư cắm giữa bộ lông mượt như tơ, với đôi chân gấp dưới bụng ấm áp. Và khi bác chim bói cá làm cho hàng lau bên bờ sông có vằn bởi bộ lông mầu kim khí và xanh lơ, thì chú cò Patu làm cho lá súng trên ao có vằn mầu xám trắng.

Patu đã kết bạn với anh chàng chim gõ kiến Kipic sống ở khu rừng bên cạnh. Kipic ngày xưa vẫn có hình dạng giống các con cháu chim gõ kiến ngày nay. Đó là một con chim xanh to lớn, chân có vuốt nhọn để bấu chặt vào thân cây. Nhưng, Kipic tỏ ra rất u buồn, luôn luôn tối tăm và lầm lì, rất ư là trái ngược với sự vô tư của Patu.

Chú cò anh hùng của chúng ta có một tính xấu thật nặng. Tôi chắc bạn nào cũng biết và không ít thì nhiều đều... giống Patu: đó là tính háu ăn. Cò ta thường tự đãi mình bằng những con cá có thịt thật mềm, thứ cá tươi ngon hơn hết và nó nuốt cá sống sau khi đã vờn chơi vài lần trong không khí. Những chú cá nạn nhân ấy vùng vẫy dưới ánh mặt trời trông như lưỡi dao bạc lấp lánh. Mỗi ngày Patu hay là là trên mặt sông hay ao hồ chăm chú nhìn đến tận đáy nước hơi đục. Cuối cùng nó khám phá ra nhiều con cá có thể làm thỏa mãn sự kén ăn của nó.

Ngay khi cặp mắt sáng quắc của Patu khám phá ra một bóng đen thoáng qua, nó yên lặng rình giây phút bóng ấy đến gần mặt nước và nhả ra vài quả bóng không khí vỡ tan... Bấy chừ, clac! Cặp mỏ nó gắp ngay con cá măng hay cá bống như một gọng kìm cứng rắn và... Patu nuốt vào.

Một ngày kia, lúc Patu bay tìm mồi trên mặt ao, nó chợt thấy một loại cá lạ mà nó chưa thấy bao giờ ở mãi tận đáy ao. Nó bỗng thấy thèm được nếm thử thịt cá ấy xem sao. Than ôi! Chúng cách xa Patu quá và dường như chúng đang quay tròn để trêu Patu. Patu nhúng mỏ xuống nước. Chưa đến đáy ao. Nhúng sâu hơn một tí, ướt cả lông bụng rồi. Nhưng vô ích, nó chỉ làm cho đàn cá lạ xôn xao một chốc rồi đâu lại vào đấy, chúng lại vui vẻ xoay tròn để trêu tức Patu.

Patu hết kiên nhẫn. Nó cảm thấy bay như thế này mệt quá. Dạ dày cồn cào vì đói, nước bọt tiết ra đầy mỏ.

- A! cuối cùng nó kêu lên Phải chi tôi có cặp chân khá dài để đứng yên trong nước chờ cơ hội thuận tiện.

- Ta chấp thuận ước vọng của nhà ngươi Một giọng nói sắc lạnh vang lên cạnh Patu.

Đó là ông tiên già bé nhỏ râu tóc dài bạc phơ coi sóc về tất cả loài vật, đứng trên một chiếc lá súng đang nhìn Patu với một vẻ nhạo báng.

- Tôi van ông Patu khẽ nói.

- Được!

Và... kìa! Chân Patu bỗng dài, dài ra, mảnh mai và cứng như cây sậy bên bờ sông, dài ra đến tận đáy bùn trong ao.

Kỳ quái quá, như đứng trên hai cây cà khêu. Patu lại bắt đầu bay là là như lúc nãy. Ông tiên già đứng gần nó, xem xét.

Nhưng đàn cá luôn trêu chọc Patu, quay tới, quay lui, xoay vòng, thả nhiều quả bóng nước và một lần nữa, Patu không còn nhẫn nại được.

- A! nó kêu lên Nếu cổ và mỏ dài hơn nữa để ta có thể nhúng xuống tận đáy nước!

- Chỉ có thế thôi? Ông tiên hỏi lại Patu.

- Vâng ạ, xin ông giúp tôi lần nữa.

Vừa dứt lời, mỏ Patu bỗng dài ra trên chiếc cổ cũng đang dài ra, dài ra.

- Ô! Tôi cao quá và chân tôi xa đầu quá.

Nó cúi đầu xuống mặt nước để đớp những con cá nghịch ngợm mà khó bắt này. Nhưng chợt nhận ra bóng mình hiện trên mặt nước trong như gương, Patu buột miệng kêu một tiếng ngạc nhiên lẫn đau khổ:

- Tôi đây à? Tôi như thế này à? Trời, tôi xấu quá sức tưởng tượng!

Và nó quay chiếc cổ dài đến kinh khủng sang ông tiên già:

- Thầy, thầy, tôi van thầy, hãy trả lại cho tôi hình dạng ban đầu.

- Không - thể - được vị tiên gằn giọng đáp từng tiếng một Tôi không thể hoàn lại những gì tôi vừa làm. Mi sẽ giữ mãi hình dạng này, chú có "bô" giai của tôi ơi!

Và ông cương quyết trượt trên mặt nước bằng chiếc lá súng nhỏ xa dần, xa dần...

Lúc ấy Patu nghe một tràng cười lạ lùng và lanh lảnh: đó là ông bạn Kipic đang cười diễu hắn và vừa bay quanh Patu với vẻ khinh khỉnh ra mặt. Nhưng, đây là lần đầu tiên Kipic cười nên giọng cười của Kipic nghe thật kỳ quái.

Từ ngày đáng ghi nhớ ấy, loài cò xuất hiện với hình dáng thật xấu xí quá dài và quá ngốc nghếch và cũng từ đó về sau, ta thấy cò luôn luôn có một diện mạo u sầu trong khi trên rừng cây luôn vọng lại giọng cười kỳ quái của chàng chim Gõ-kiến buồn bã ngày trước.


CHÍ NHI      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 35, ra ngày 25-12-1965)