Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

THẾ GIỚI VÀ ĐÊM NOEL - Lem Nhem

  

Trước khi tìm hiểu những hình ảnh về NOEL trên khắp thế giới, chúng ta hãy nói về ý nghĩa của chữ "NOEL".

Ngày xưa, có lẽ đã lâu, ở bên Âu châu, hai tiếng NOEL có nghĩa là chúc mừng, người ta chào nhau bằng hai tiếng NOEL ; các chiến sĩ ra trận cũng reo hò hai tiếng NOEL cho thêm phần hăng hái. Các vị vua chúa thường được dân chúng chào mừng bằng hai tiếng NOEL. Sau này, vì "NOEL" có một ý nghĩa đẹp như vậy và vì mọi người dùng quen, người ta lấy ngay hai tiếng đó để chỉ ngày lễ trọng đại Chúa sinh ra với ý nghĩa đem tin mừng và sự chúc lành đến cho nhân loại.

Bây giờ, chúng ta bắt đầu cuộc khởi hành bằng nhãn quang từ "đại phi cảng" nha huyền" để tìm hiểu.

- Trước hết chúng ta qua Roma, thủ đô đạo Công giáo, vào buổi sáng, chúng ta tới thánh đường Ara - Coeli. Nơi đây chúng ta sẽ thấy trên một cái bục gỗ được trang hoàng lộng lẫy, các cậu bé từ 7 đến 10 tuổi ăn mặc thật đẹp, các cậu thay nhau lên diễn đàn, đem hết tài hùng biện tí hon ra kể lại lịch sử của Chúa. Ca tụng Chúa suốt một tuần liền từ sáng đến chiều, khán giả gồm cả người lớn lẫn trẻ em tham dự.

Buổi chiều chúng ta đến thăm một vài Giáo đường ở ngoại ô Roma. Nơi đây người ta có thói quen rước kiệu Chúa Hài đồng vòng xung quanh nhà thờ. Các em nhỏ từ 12 tuổi trở xuống đều mặc quần áo trắng, tay cầm nến vừa đi vừa hát những bài ca về NOEL rất xưa nhưng rất hay. Rước xong người ta thường diễn kịch, những vở kịch diễn lại cảnh Chúa sinh ra trong hang đá nghèo nàn rét mướt, cảnh Thánh Giuse cùng Đức Mẹ ẵm Chúa trốn chạy sự tàn sát dã man của vua Hérode... Những vở kịch này được các em đóng rất khéo và được khán giả hoan hô nhiệt liệt.

- Qua Pháp chúng ta sẽ thấy nhiều tập tục NOEL khá "hấp dẫn".

Ở Rouen, vào chiều ngày 24-12, người ta đặt ở giữa nhà thờ một đống củi giả bằng sợi vải. Giáo hữu tập trung xong đi kiệu quanh nhà thờ ; khi trở về tới cuối nhà thờ, người đi kiệu chia làm hai nhóm tượng trưng cho nhóm dân riêng của Chúa (Israel) và nhóm dân ngoại. Có một số người đã được chỉ định để tập dượt đóng các vai tiên tri, các thánh.

Trước hết các ca sĩ cất tiếng phán gọi dân Israel và dân ngoại, hai nhóm người này cũng đáp lại bằng những câu mượn trong Kinh Thánh.

Sau đó ca sĩ giới thiệu từng tiên tri một:

- Đây tiên tri Môisen.

Khi ấy cụ Môisen từ đám đông bước ra, trông cụ rất ư là đẹp lão, bộ râu dài trắng như cước, quần áo trắng, trên tay ôm một bia lề luật Chúa: vừa đi vừa hát một bài tiên tri nói về đấng Cứu Thế, mọi người mừng và rước cụ đến ngồi bên đống củi, tiếp theo là những vị khác như: vua Đa-vít với phẩm phục ngự triều, tiên tri Iraie với đầu quấn khăn đỏ, áo dài trắng, tiên tri Daniel với chiếc áo dài xanh, cụ Amor, cụ Aaron, phù thủy Balaan cưỡi con lừa già, thánh Gioan Baotixita và cả nhà thơ La Mã Virgile (7029 trước T.C.) với cuốn sách thật lớn và dày...

Vị nào cũng hát thật hùng hồn những bài tiên tri của mình nói về Đấng Cứu Thế, và sau đó được rước đến đống củi giả. Để kết thúc, mọi người cùng hát những bài thánh ca hay để ca tụng Chúa trong khi đống củi được đốt lên.

Miền Provence lại có thói quen mọi người trong gia tộc, tới hội họp tại nhà cụ Trưởng tộc vào chiều 24-12 để ăn mừng lễ NOEL, món ăn gồm có cải bông, cá khô, tráng miệng bằng kẹo hạnh đào...

- Tại tỉnh Koenigsberg bên Đức, để làm món ăn mừng lễ người ta sẽ làm một cái dồi heo thật ngon. Dịp NOEL năm 1588 họ đã rước một chiếc dồi dài trên 500m, nặng hơn 200 kí và phải gần 100 người khiêng mới nổi ; chiếc dồi được rước đi khắp phố phường. 13 năm sau, họ cao hứng làm cái dài hơn nữa, trên 1000m, nặng 500 kí và phải gần 300 người khiêng mới nổi. Đám rước thật vui, có kèn trống và cờ xí cùng với một ông chủ hàng thịt rất béo tốt dẫn đầu. Cuối cùng đám rước được trở về nơi xuất phát, và dồi được chia ra tặng cho mỗi người gọi là đồ mừng lễ. Ngày nay dân Đức không còn tục rước dồi nữa nhưng mỗi dịp NOEL người ta vẫn còn thói quen làm dồi để thưởng thức trong ngày lễ.

- Tại Ba-tư và Ấn-độ, một tuần  trước lễ NOEL, người ta dọn mình xưng tội trước lễ, nghe trẻ con đọc Cựu và Tân Ước. Sau thánh lễ họ về nhà ăn điểm tâm gồm có bánh tráng và hoa quả, trẻ em họp thành từng toán treo khăn tay lên mái nhà, ca hát vui mong ông già NOEL đem đến cho nhiều quà. Khi trẻ em đã ngủ, người lớn bỏ đầy nho, bánh kẹo, đồ chơi vào khăn tay buộc lại cẩn thận. Ngay đêm hôm ấy, linh mục hành lễ sẽ viếng thăm những gia đình có người chết trong năm, đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố, an ủi giúp đỡ người còn sống.

Ngày áp lễ Giáng sinh (24-12), các thanh niên đã làm lễ ăn hỏi, đem tặng người yêu của mình một cái mâm có bày sẵn 12 miếng bánh, 9 cái trứng, 1 miếng thịt và 2 chai dầu thơm xức đầu ; giữa mâm có 1 cây nến.

Sáng sớm 25-12, mọi người tới nhà thờ tham dự làm phép dầu thánh, họ lấy nước có pha dầu thánh về nhà trộn với đất sét để tẩy uế nhà cửa, đồ dùng...

- Tại Tây-Ban-Nha, người ta diễn kịch nhớ lại cảnh Chúa sinh ra tại các nhà thờ, các vai ăn mặc thật giống và diễn rất khéo ; họ cũng không quên nhảy múa và ca hát. Các nhạc khí được sử dụng tối đa, mỗi nhà thờ có rất đông người tham dự.

- Ở Hoa Kỳ, người ta cũng nô nức đón mừng lễ NOEL: họ gửi thiệp chúc mừng bạn bè, bà con. Mỗi kỳ NOEL có hàng triệu thiệp được gửi đi đến nỗi sở bưu điện phải làm việc suốt ngày đêm. Người ta trang hoàng Thánh đường, các nơi công cộng, tại tư gia. Suốt đêm NOEL, người đi lại tấp nập và đâu đâu cũng nghe thấy tiếng nhạc mừng Chúa sinh ra. Có thể nói lễ NOEL và lễ tạ ơn (Thanksgiving) là hai lễ tôn giáo lớn nhất trong năm tại Hoa Kỳ.

- Qua Phi-Luật-Tân và Anh, ta cũng thấy trẻ em, có khi cả người lớn nữa, tập họp thành những toán hát dạo, đi từng nhà hát những câu chúc mừng. Sau phần hát thế nào cũng có mục xin tiền và chủ nhà lúc nào cũng sẵn sàng biếu mỗi toán một món tiền nhỏ.

Chúng ta vừa thấy được những hình ảnh NOEL trên thế giới. Trở lại với đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, chúng ta hãy cầu xin cho mọi người thương yêu nhau như anh em như Chúa đã yêu thương nhân loại.


LEM-NHEM - Saigon     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 16, ra ngày 20-12-1971)



Không có nhận xét nào: